...... ... .

 

 

Dưới Cội Bồ Đề

Thích Như Điển  

Phần sáu

 

Sau khi đi hành hương ở Ấn Độ, hoặc Tích Lan hay Trung Quốc, Bhutan về, tôi hay kể lại những chuyến đi ấy cho chư Tăng và quý Phật Tử nghe. Cũng có lúc ghi lại thành sách để lại cho đời sau. Đặc biệt khi đi Ấn Độ về tôi hay nói: Phật là bậc Thầy vĩ đại của tất cả chúng sanh, đã xuất thân từ Ấn Độ. Còn chư Tổ xuất thân từ Trung Hoa. Chúng ta về Trung Hoa nhiều khi cảm thấy gần gũi hơn là Ấn Độ. Có lẽ vì Trung Hoa có phong tục tập quán gần giống với ta chăng? Tuy nhiên đi về Ấn Độ chúng ta sẽ có những lợi điểm như sau:

Người già sẽ trẻ lại; người bệnh sẽ hết bệnh; người phiền não sẽ bớt phiền não; người chưa có lòng tin sẽ phát khởi lòng tin. Người nhiều chướng duyên sẽ bớt đi rất nhiều. Khi đi thì cái đầu của ai cũng rỗng và túi của ai cũng đầy; nhưng khi đi về thì đầu của ai cũng đầy mà túi của ai cũng rỗng. Ai cũng cười; nhưng đó là sự thật. Những sự thật ấy đã được chứng minh qua những người khác nhau và những lần đi khác nhau mà ai đã đi rồi thì mới thể nghiệm được điều đó; nếu chưa đi hoặc không có ý đi thì dầu cho có giới thiệu hay cách mấy đi chăng nữa, thì cũng chỉ như nhìn cái bánh đẹp, món ăn ngon thôi, chứ thực tế chưa ăn cái bánh đó; nên giữa hai người đã đi và chưa đi nó khác nhau nhiều lắm.

Nhiều người khi về dưới cội Bồ Đề rồi thì tánh tình thuần thục hơn. Biết thương người nghèo hơn; nên đã ra tâm làm phước bố thí cúng dường. Sau khi về lại trụ xứ của mình thì lại siêng đi chùa hơn, học thuộc kinh và tham gia nhiều khóa giáo lý của Giáo Hội tổ chức. Hoặc có người phát tâm xuất gia hay giá kéo v.v... Thật là:

Nhứt nhơn tác phước thiên nhơn hưởng

Độc thọ khai hoa vạn thọ hương.

Nghĩa là:

Một người làm phước ngàn người hưởng

Một cây trổ bông, hàng vạn cây được thơm lây.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời của Đức Phật thì rõ ràng là thế. Tuy Ngài đã thị tịch Niết Bàn rồi; nhưng Ngài đã nuôi sống cho không biết bao nhiêu thế hệ của: Thế gian trụ trì Tăng Bảo và Ngài cũng đã độ cho không biết bao nhiêu người bỏ bến mê về bờ giác. Có thể là đã siêu sanh vào cảnh giới Niết Bàn hay đã tung tăng ở một cõi thượng giới nào đó. Chỉ những kẻ không tin nhân quả, không tin tội phước, bán Phật khinh Tăng thì tự họ chuốc lấy nạn khổ nơi cảnh giới địa ngục mà thôi. Đây không phải là sự hù dọa mà là một sự thật hợp với nhân quả mà thôi. Vì không có một nhân nào xấu mà đơm hoa, kết trái thành quả tốt hết và ngược lại cũng thế - chẳng có một nhân tốt nào mà phải gặt hái quả xấu hết. Do vậy câu: „nhân nào quả nấy“ nó vẫn đúng cho suốt cả thời gian và không gian, không có giới hạn nào cả.

Nếu chúng ta luôn luôn ở gần gũi bạn lành, những thiện hữu trí thức; chẳng khác nào chúng ta mặc áo đi vào trong một căn phòng đầy hương thơm; hoặc đi vào buổi sáng mai. Tuy hương thơm và sương mai không làm ướt áo; nhưng mùi thơm ấy và sự thẩm thấu của sương mai ấy có thể là cho ta cảm nhận được về mùi thơm và độ lạnh của sương. Còn nếu chúng ta mặc áo đi vào gian hàng cá. Tuy ta không mua cá, không ăn cá; nhưng mùi tanh hôi của cá cũng len lỏi vào áo mặc của mình. Điều ấy cho ta thấy rằng ở gần những ác hữu tri thức, bao giờ chúng ta cũng sẽ bị nhiễm lây những bệnh vốn có gốc gác từ vô minh phiền não như thế.

Đức Phật đã dạy từ ngàn xưa trong nhiều kinh điển khác nhau là: Dẫu cho sống cách xa Phật bao đời, nhưng nếu đem lời dạy của Đức Phật để áp dụng vào cuộc sống của mình để thăng hoa đời sống tâm linh, thì người ấy vẫn ở cận kề bên Phật. Còn kẻ nào dẫu cho ở gần Phật; nhưng không tu học thì cũng giống như ở xa Phật vậy. Phật cũng đã dạy rằng: Tuy làm phước bố thí tài sản của cải hay ngay cả đến thân mạng nầy đi nữa, thì phước báu ấy không bằng biên chép, ấn tống kinh sách của Phật và đọc tụng từ một chữ cho đến bốn câu, một bài kệ. Rồi đem ý nghĩa ấy giảng nói cho người khác nghe thì công đức nầy lớn gấp trăm ngàn lần công đức bố thí ở phía trước. Như thế chứng tỏ rằng phước báu ấy có hai loại là hữu lậu và vô lậu. Cái gì thuộc về hữu lậu tất có đối đãi. Cái gì thuộc về vô lậu, tức không bị chi phối bởi những sự thường tình của nhân thế!

Có nhiều người Ấn Độ sống gần bên chân Đại Tháp Bồ Đề nhưng họ đâu có tâm học hỏi giáo lý cao siêu nhiệm mầu ấy, mà cứ mãi đi xin ăn để nuôi thân; thế nhưng vẫn không đủ. Còn chúng ta tuy sống xa Phật và đất Phật trong hàng muôn vạn dặm; nhưng chúng ta vẫn gần. Vì lẽ chúng ta hiểu được những gì mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Nếu chúng ta biết ứng dụng vào đời sống hằng ngày thì chúng ta được lợi lạc vô cùng.

Từ khi Trung Tâm Tu Học Viên Giác xây dựng cho đến nay đã tổ chức được mấy lần giới đàn truyền giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa, Sa Di và Sa Di Ni cũng như có bốn vị xuất gia với mỗi người mỗi vẻ mà tôi sẽ tường thuật như dưới đây.

Đầu tiên là Đồng Thuận cháu của Hạnh Bảo. Khi Hạnh Bảo về Việt Nam thăm quê thì thân sinh và bào huynh của Hạnh Bảo có ý muốn cho Đồng Thuận quy y với Hạnh Tấn và làm đệ tử xuất gia. Tôi nhận được hai thư như thế gởi từ Việt Nam trước khi sang Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng để dự lễ khánh thành vào tháng 3 năm 2002. Tôi đem điều ấy nói với Hạnh Tấn và dĩ nhiên lúc ấy Hạnh Tấn không phản ứng hoàn toàn thuận mà cũng chẳng nghịch ý của tôi đề nghị. Khi qua Ấn Độ, lúc ấy Đồng Thuận cũng từ Việt Nam sang, rồi Thầy trò gặp nhau và cũng ngay trong tháng 3 năm 2002 ấy tôi đã chứng minh giá kéo và Hạnh Tấn đã cạo tóc cho Đồng Thuận ngay dưới cội Bồ Đề để rồi Thầy trò sau đó đi hành hương chung với phái đoàn trên đất Phật. Còn tôi cũng như một phái đoàn khác đi sang Nhựt bốn ngày.

Năm đó (2002) tôi có nhân duyên đi Ấn Độ đến hai lần. Lần thứ nhất vào tháng 3 và lần thứ hai vào tháng 10 của năm 2002. Lần thứ hai nầy có cả tôi và Hạnh Tấn. Nhân cơ hội nầy cho Đồng Thuận thọ Sa Di và Hạnh Tấn cho pháp tự là Thông Trị. Cùng trong Giới Đàn Phương Trượng nầy tôi đã cho chú Hạnh Giải xuất gia mà cuộc đời của chú cũng thật là ly kỳ.

Ngày xưa chú Thị Duyên Nguyễn Nhân và tôi là bạn với nhau khi còn tu ở Hội An. Chú là đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Thích Như Huệ, bây giờ Ngài là Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đang là Phương Trượng chùa Pháp Hoa tại Adelaide. Trong khi chú ấy ở chùa Tỉnh Hội, Hội An từ 1964 đến 1968 thì tôi ở chùa Phước Lâm và Viên Giác. Sau khi vào Sài Gòn thì chú và tôi vẫn tá túc ở chùa Hưng Long đường Minh Mạng quận 10, bây giờ là Ngô Gia Tự. Rồi năm 1971 tôi xong Tú tài 2 lo giấy tờ đi du học tại Nhựt. Sau đó chú lại dời về Lưu Học Xá Minh Hải ở Sài Gòn do Hòa Thượng Bổn Sư mua để làm cơ sở cho quý chú từ miền Trung vào đây có nơi nương náu tu học. Chúng tôi xa nhau từ dạo ấy.

Đến năm 1975 thời thế nhiễu nhương chúng tôi đã chẳng liên lạc với nhau cho đến gần 30 năm sau tôi mới nhận được một lá thư thật dài gởi từ Việt Nam sang Đức kể rõ hết mọi nỗi niềm và chướng duyên trên chặng đường của 30 năm ấy. Đúng là vật đổi sao dời và cuối cùng Thị Duyên đã thưa với tôi là cho con làm lại cuộc đời. Ý chú ấy là muốn xuất gia trở lại sau gần 30 năm gián đoạn và muốn nhận tôi làm Thầy. Sau khi đọc thơ, tôi suy nghĩ nhiều lắm và bảo hãy liên lạc với Thầy Bổn Sư trước, nếu có ý gì thì cho tôi biết thêm. Cuối cùng chú muốn xuất gia với tôi. Do vậy mà tôi đã tạo cơ hội cho chú sang Đất Phật để xuất gia và thọ giới năm 2002 và 2003. Khi thọ Sa Di tôi cho pháp tự là Hạnh Giải.

Trong Viên Giác số Xuân năm Ất Dậu 2004 tôi có viết một bài nhan đề là: „Liếp cải vườn chùa“, trong đó có nói rõ về sự liên hệ ngày xưa ấy và cũng như những liên hệ bây giờ và năm nay tôi qua Ấn Độ vào tháng 10 năm 2004 để lễ Phật và tham dự lễ Hội Hành Hương của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 2004. Chú Hạnh Giải quá xúc động cho việc nầy; nên đã làm hai bài thơ lúc khai mạc và lúc bế mạc để tặng cho gần 100 anh chị em Huynh Trưởng về dự Đại Hội. Lời thơ rất đạt ý và thanh thoát. Vì lẽ sau năm 1975 chú đã trở thành Giáo sư Việt Văn và với văn chương ấy chú đã đi vào cõi thơ lấy tên là Nguyễn Đức Nhân với tựa đề là:

Lệ Nóng Thay Lời

(Kính tặng anh Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai cùng các anh chị Huynh Trưởng, các em Phật Tử trong nước và Hải Ngoại)

1

Sáng hôm nay

Buổi sáng cuối thu miền trung Bắc Ấn

Tại thị trấn Bodh-Gaya

Nhân loại có hay chăng

Gió Hy Mã Lạp Sơn hối hả chuyển về không khí lạnh

Đất Bodh-Gaya thúc cỏ cây giục nhựa mùa cho lá xanh lấp lánh

Nắng Bodh-Gaya reo vui mừng đón đoàn con Phật ly hương

Nắng sáng nay sao đẹp lạ thường!

Nhân loại có hay chăng

Tại thị trấn Bodh-Gaya

Đâu chỉ có ánh bình minh

Có cả ánh mắt, ánh tim

Của Phật Tử Việt Nam

Khắp năm châu tụ về đây hòa chung trong nguồn sáng

Nhân loại có hay chăng

Tại thị trấn Bodh-Gaya

Sáng hôm nay

Thoảng mùi hương khác lạ

Ôi! Hương thầm hoa sen trắng Việt Nam

2

Hỡi mặt trời thân thương

Hỡi trái đất thân thương

Người Phật Tử Việt Nam

Cam nhận ly hương

Dù xa cách gần ba mươi năm

Dù mỗi người đi mỗi ngả

Dù giạt trôi sống nơi quê người xứ lạ

Đâu dễ gì quên

Dễ đâu xa mặt cách lòng

Vẫn thầm nhớ thầm mong

Dù phức tạp buồn vui giữa đời thường tất bật

Nhưng vẫn hẹn về nơi quê hương Đức Phật

Để thăm nhau và góp sức lo chung

Một nỗi lo trong sáng vô cùng

Góp vào dòng đời ngát hương sen trắng

Người Phật Tử Việt Nam đượm nhuần tĩnh lặng

Thắp sáng tâm hồn Bi, Trí, Dũng trung kiên

Người Phật Tử Việt Nam đâu dễ sống hèn

Quì gối van xin chức quyền, lợi dưỡng

Người Phật Tử Việt Nam vị tha, độ lượng

Trung với Đạo, hiếu với chúng sanh

Người Phật Tử Việt Nam đâu chỉ biết riêng mình

Đau đớn hướng về ngôi nhà chung: Tổ Quốc

3

Sáng hôm nay

Trong vườn xanh Đại Tháp

Tại thị trấn Bodh-Gaya miền Trung Bắc Ấn

Không phải đang mơ

Rõ ràng hiện thực

Tôi đã thấy đoàn Phật Tử Việt Nam

Đoàn con Phật áo lam

Từ khắp năm châu

Thành kính nguyện cầu

Nguyện cầu ánh đạo vàng sáng soi vào thế lực vô minh tà ác

Nguyện cầu cho Tổ Quốc Việt Nam thanh bình an lạc

Nguyện cầu cho loài người không nghe tiếng đạn bom

Không

Không phải đang mơ

Rõ ràng hiện thực tôi đã thấy đoàn Phật tử Việt Nam

Đoàn con Phật áo lam

Sáng trưng quỳ dưới chân Đại Tháp

Nhập Quán Từ Bi rạng ngời chơn chất

Rồi mai đây

Chia tay

Trở lại đời thường

Thanh thoát chân đi

Ánh mắt yêu thương

Người Phật Tử Việt Nam

In dấu từ tâm khắp nơi trên châu lục

Mặt trời yêu dấu ơi!

Làm sao ngăn trái tim đừng bồi hồi cảm xúc

Làm sao ngăn dòng lệ mặn đang rơi

Đẹp quá đi thôi

Thương quá đi thôi

Mừng quá đi thôi

Lệ nóng thay lời.

Đêm chia tay được tổ chức tại chánh điện Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng, Hạnh Giải muốn tôi ngâm bài thơ nầy nhưng vì thời gian có hạn. Vả lại lúc ấy ai cũng mệt sau ba ngày Đại Hội; nên tôi đã trao qua cho chị Tâm Minh Vương Tuyết Nga để đăng trên đặc san Sen Trắng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại.

Bài ca đêm chia tay

Thơ Nguyễn Đức Nhân

(Kính tặng Sư Phụ Phương Trượng, quý Thầy, quý Cô, các anh chị cựu Huynh Trưởng, các anh chị Huynh Trưởng, các Ban Bảo Trợ Gia Đình Phật Tử có mặt trong đêm văn nghệ bế mạc Hội Nghị Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới tại Ấn Độ).

Lửa bập bùng cháy bừng

Sáng soi bao tình thân

Lửa bập bùng cháy bừng

Lửa reo cùng bước chân

Lửa hân hoan dấu yêu bao tình lam

Trong lòng tôi, lửa ôi, tôi đang buồn

Lửa ơi! Đừng cháy tàn

Đêm ơi! Đêm cứ dài

Để tôi còn nhìn Thầy

Để tôi vui tình lam

Lửa ơi! Đừng cháy tàn

Đêm ơi! Đêm cứ dài

Lửa ơi! Buồn não nùng

Chia tay trong ngày mai

Ba mươi năm xa rồi

Bao năm nhớ thương người

Người ơi! Người áo lam

Màu lam màu Việt Nam

Nhớ xưa áo lam về

Hát ca vang núi đồi

Hò vui xanh ruộng đồng

Cười tươi chèo qua sông

Nhớ xưa áo lam về

Áo lam qua phố phường

Áo lam đi sáng đường

Áo lam người tôi thương

Nhớ xưa ngày đấu tranh

Cầm tay rừng cờ bay

Xông lên quyết không lùi

Đấu tranh chống độc tài

Áo lam quyết sẵn sàng

Hy sinh vì Đạo vàng

Nhớ xưa ngày đấu tranh

Cờ bay, rừng cờ bay

Áo lam quyết một lòng

Áo lam tươi màu hồng

Áo lam người tay không

Nhớ xưa ngày đấu tranh

Cờ bay, rừng cờ bay

Áo lam che chở Thầy

Áo lam bị tù đày

Áo lam luôn mỉm cười

Trái tim màu sen tươi

Đêm nay ngồi bên nhau

Ngày mai ngày chia tay

Sống chung trên địa cầu

Bao giờ gặp lại nhau

Lửa ơi! Đừng cháy tàn

Đêm ơi! Đêm cứ dài

Để tôi được nhìn Thầy

Để tôi vui tình lam

Người ơi! Người đừng đi

Ba mươi năm còn gì

Xa nhau quá lâu rồi

Áo lam ơi đừng đi.

Ấn Độ, chiều ngày 09.11.2004

Đó là những tâm tình mà Hạnh Giải đã gởi đến cho tất cả anh chị em lam viên hiện diện cũng như khiếm diện trong lần đại hội lịch sử ấy. Anh Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai bảo rằng tôi là người có phước; nên đã có nhiều người tài giỏi như thế ở dưới trướng để phục vụ. Thật ra thì tất cả chỉ vì Dân Tộc và Đạo Pháp mà thôi. Nếu phụng sự cho cá nhân thì việc ấy đâu có ý nghĩa gì nữa.

Ngày nay ai đó trong chúng ta đi hành hương tại Ấn Độ, khi về khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng thì thấy hai cảnh trí thật Việt Nam được xây dựng nơi đó. Đầu tiên là một đại hồng chung cao hơn hai thước được dựng dưới một ngôi nhà lục giác và bên cạnh đó có ghi chú rõ ràng ngày, về xuất xứ của quả chuông này là do sự vận động của Dr. Diệu Liên ở California Mỹ Quốc, dưới sự hỗ trợ nhiệt tình của Thầy Pháp Chơn ở San Jose đệ tử của Thượng Tọa Bác Sĩ Thích Hải Ấn chùa Từ Đàm Việt Nam và quả chuông ấy đã được xây dựng trong công viên của Bồ Đề Đạo Tràng và lễ khánh thành đã diễn ra vào 20 tháng 2 năm 2004 nầy.

Ngoài ra phía tận cùng của hồ cá, nơi có tượng Đức Phật ngồi Thiền Định vào tuần lễ thứ sáu sau khi Thành Đạo có một non bộ mà cách kiến trúc hoàn toàn Việt Nam, mà ngay cả đá, xi măng và thợ thầy cũng mang từ Việt Nam qua để xây dựng trong suốt thời gian cuối năm 2003 đến đầu năm 2004 nầy. Công trình nầy cũng do Thượng Tọa Hải Ấn, Thầy Pháp Chơn và cô Diệu Liên thực hiện chuyên chở cũng như vận động tài chánh v.v... Điều quan trọng nó không phải là việc chúng ta có thể chiêm ngưỡng một công trình có giá trị văn hóa Phật Giáo Việt Nam mà có tính cách lịch sử như thế, mà điều quan trọng ở đây là làm sao để xây dựng thành công được hai công trình nầy. Quả là điều bất khả tư nghì. Như chúng ta cũng biết cơ sở Bồ Đề Đạo Tràng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2003 vừa rồi, không dễ để thêm vào một vật gì cả, cũng không dễ để lấy đi một vật gì ở đó. Ngoài việc đóng góp tịnh tài gần 200.000 US của Phật Tử tại Mỹ do cô Diệu Liên vận động cho cả hai chương trình thì phải nói rằng chính nhờ sự ngoại giao khôn khéo của cô với Thầy Chủ Tịch và chính phủ Tiểu Bang Bihar mà hai công trình ấy đã được thực hiện.

Năm rồi (2003) vào tháng 10. Trước khi đi Úc tôi đã ghé Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng ở đó một tháng, có gặp cô Diệu Liên và cả Thầy Hải Ấn từ Việt Nam sang nữa. Tôi cũng đã trao đổi với Thầy ấy thật nhiều về vấn đề Tăng Ni sinh Việt Nam đang du học tại đây và những vấn đề trao đổi học Tăng và học Ni trong tương lai qua con đường giáo dục ở trong cũng như ngoài nước. Giữa tôi và Thượng Tọa Hải Ấn có những điểm tương đồng.

Đến 23 tháng 10 năm 2004 nầy khi đổi chuyến bay tại Phi Trường Bangkok qua chuyến bay đi Gaya thì tình cờ gặp cô Diệu Liên cũng đi cùng chuyến. Hôm đó là ngày thứ bảy trong tuần và hình như mỗi tuần chỉ có một chuyến đi từ Bangkok và một chuyến về Bangkok vào mỗi thứ tư như thế. Nghe đâu phi trường nầy trước đây là phi trường quân sự và hai năm trở lại đây họ đã dành cho máy bay dân sự hạ cánh. Đó là một sự tiện lợi vô cùng cho khách hành hương từ Colombo, thủ đô Tích Lan, Bangkok v.v... Hy vọng trong tương lai gần sau khi tân trang xong, phi trường nầy sẽ có nhiều chuyến bay hơn để khách hành hương đỡ vất vả là phải bay đến Calcutta, hoặc New Delhi rồi mới đổi đi xe lửa hoặc xe Bus sau 15 đến 20 tiếng đồng hồ mới đến được Bồ Đề Đạo Tràng sau gần 1.000 km đường trường như thế. Quả thật là quá vất vả cho một cuộc hành trình về đất Phật.

Thật sự ra so với cuộc chiêm bái của Ngài Huyền Trang từ năm 628 đến năm 645 vào Đời nhà Đường gồm hai năm đi, hai năm về và 13 năm tu học ở Nalanda chỉ toàn là đi bằng đường bộ hoặc dùng ngựa để chở kinh thì chặng đường hành hương của chúng ta như thế sự cực nhọc nó chẳng thấm vào đâu. Hoặc xa hơn nữa khi Phật còn tại thế, Ngài đã gian khổ như thế nào để thành được bậc vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác kể từ 25 thế kỷ trước, thì chúng ta sẽ thẹn lòng khi nhắc đến những sự cực nhọc gian khổ ấy liền. Tuy nhiên mỗi thời đại mỗi khác và mốc thời gian của 25 thế kỷ trước khó có thể so sánh với bây giờ nhiều lắm. Bây giờ chúng ta có cơ hội trở về nguồn như thế là điều quá phước đức rồi.

Lần nầy tôi ở tại Bồ Đề Đạo Tràng có ba sự kiện quan trọng đã xảy ra. Đó là việc Đồng Tác, người Ấn Độ gốc Assan, sau khi ở tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác một năm, đã học thuộc Đại Bi Thập Chú tiếng Việt và có thể hô canh ngồi thiền cũng như đi thời Công Phu Chiều bằng tiếng Việt, qua sự giới thiệu chuẩn y của Hạnh Nguyện và Hạnh Định tại Trung Tâm tôi đã làm lễ xuất gia cho chú nầy cũng dưới cội Bồ Đề trong một khung cảnh an lành vào một buổi sáng tinh sương sau thời Công Phu Khuya tại Đại Tháp dưới sự chứng minh của Chư Tôn Đức và quý Phật Tử.

Thật cảm động khi thấy một thanh niên Ấn Độ đã cầm bản văn tiếng Việt Nam trên tay để xin tôi, Hạnh Nguyện và Hạnh Định xuất gia, nguyện sống đời tỉnh thức của một vị Tăng Sĩ. Sau khi xuất gia em rất vui. Vì được mọi người ngợi khen cũng như bày tỏ cảm tình với một người sắp bước vào con đường cao cả.

Ngày xưa cách đây 200 năm về trước khi Vua Gia Long và một số chư Tăng, Phật Tử sang Thái Lan tỵ nạn vì đánh với quân Tây Sơn, rồi quý Thầy cũng như Phật Tử đã lập chùa để đến nay nơi ấy, tuy không còn bóng dáng một chư Tăng Việt Nam nào nữa, nhưng mỗi ngày hai thời Công Phu sáng chiều tiếng Việt Nam vẫn còn vang vọng đâu đây tại thủ đô Vọng Các ấy. Đúng là pháp Phật nhiệm mầu. Ngay cả ngày nay sau năm 1975 tại Hải Ngoại, Việt Nam chúng ta đã xây dựng hơn 600 ngôi chùa như thế, rồi bây giờ hay nhẫn đến mấy trăm năm sau đi nữa, mái chùa che chở hồn dân tộc ấy vẫn còn đây và dĩ nhiên nếu có người ngoại quốc tại xứ đó xuất gia để giữ gìn thì cũng là điều quý hóa chứ có sao đâu. Vì Đạo Phật không riêng cho một ai cả.

Rồi một hôm cuối tháng 10 năm 2004 ấy. Hạnh Định đã đưa cô Diệu Liên đến sảnh đường của Trung Tâm để ra mắt tôi và có một vài việc trình thưa. Đó là ý nguyện xuất gia của cô ấy. Sau đó tôi có hỏi lý do cũng như những động cơ đi xuất gia, thì cô trả lời rằng:

- Con đã dự định từ lâu rồi nhưng thiếu nhân duyên nên chưa đi xuất gia được. Con xin Thầy làm Thầy thế độ cho con và con nương vào Thầy để tu học.

Hỏi ra mới biết là cô đi du học sang Mỹ năm 1973. sau đó học xong Tiến Sĩ và đã dạy tại Đại Học Berkley 18 năm và bây giờ, sau khi xây dựng xong hai công trình tại Đại Tháp thì ý hướng xuất gia của cô lại càng mãnh liệt hơn nữa.

Tôi xoay qua có ý hỏi Hạnh Ðịnh về việc nầy. Vì sau khi cho Đồng Tác xuất gia là để nương theo Hạnh Nguyện và Hạnh Định. Còn bây giờ trường hợp cô Diệu Liên thì sao? Thật ra sau khi đã trở về ngôi Phương Trượng tôi đã không muốn nhận thâu đệ tử xuất gia nữa. Vì lẽ để có nhiều thì giờ cho mình hơn và khi nhận đệ tử xuất gia là cần phải có nhiều bổn phận hơn nữa. Nhưng trường hợp này cũng quá đặc biệt, cho nên tôi nhận lời và đây là đệ tử xuất gia thứ 45 của tôi và có lẽ cũng là người nữ có bằng cấp, địa vị cao nhất trong xã hội Mỹ; nhưng đã từ bỏ tất cả để sống đời tỉnh thức.

Cuối cùng thì tôi đã thuận và đổi lại pháp danh là Thiện Liên và có một số đề nghị như sau: Mỗi năm thì cô về Ấn Độ ở tu học trong ba hay 4 tháng. Khi về lại Mỹ thì ở với Sư Cô Minh Huệ tại chùa Phật Bảo ở Chicago và mỗi năm từ Rằm tháng tư đến rằm tháng bảy qua Viên Giác ở Đức để an cư kiết hạ và tùng chúng tu học. Cô ta đã đồng ý và thế là một lễ xuống tóc đã được chuẩn bị.

Hôm đó là sáng sớm ngày thứ bảy 30 tháng 10 năm 2004 nhằm ngày 17 tháng 9 năm Giáp Thân. Nghĩa là trước lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hai ngày. Có nhiều người bảo tôi tại sao không coi ngày để cho xuất gia, thì tôi thường hay trả lời rằng: Nhân duyên nó là vậy thì hãy tùy duyên đi. Tôi biết có nhiều Thầy Cô khi nhận đệ tử thì xem tuổi, xem ngày và cho xuất gia phải kiêng cữ từng li từng tí; nhưng cuối cùng những người như thế tôi thấy cũng chẳng bền. Sự tỉnh thức và sự dụng công tu học cũng như uy đức của chúng Tăng mới là căn bản, chứ những sự kiêng cữ ấy nó chỉ có tính ước lệ mà thôi.

Hôm đó Hòa Thượng Thích Thanh Thế là sư đệ của Hòa Thượng Bảo Lạc đến từ Việt Nam chứng minh và sự tham dự đông đủ của chư Tăng Ni trong Trung Tâm và một số Phật Tử đi hành hương. Thế là mái tóc đen của mẹ cha xin trả lại cho mẹ cha; người trần thế xin trả về cho trần thế. Giờ đây dưới cội Bồ Đề; nơi Kim Cương Tòa là một người đầu tròn áo vuông và tư tưởng cũng như y trang cô đã chuẩn bị từ lâu rồi; nên không có gì là bỡ ngỡ mấy.

Giờ đây dưới cội Bồ Đề có thêm một tâm hồn hướng thượng và trong giáo lý Phật Đà có ghi thêm tên tuổi của một người nữ Việt Nam đã có công với Tam Bảo nơi cội Bồ Đề được dự vào hàng ngũ của người xuất gia, với danh nghĩa là người tỵ nạn Việt Nam đi tìm đạo và ngoài ra cộng đồng Tăng Lữ Việt Nam ở ngoại quốc cũng có thêm một Ni cô giỏi ngoại ngữ và dày dạn kinh nghiệm trong việc ngoại giao cũng như chúng lý. Viên Giác có thêm một Ni cô tuổi đời hơn 50 vẫn còn có một thời gian khá dài để phụng sự cho đạo. Đó là kết quả của bao nhiêu ngày tháng cô Thiện Liên đã đi tìm và nay thì nhân duyên là vậy.

Ngoài ra có hơn hai mươi Phật Tử đến từ Hoa Kỳ cũng đã được tôi, Thầy Thanh Thế, Thầy Tâm Tường, Thầy Hạnh Chánh, Thầy Đồng Văn, Hạnh Nguyện, Hạnh Định v.v... truyền cho họ tại gia Bồ Tát Giới ngay dưới cội Bồ Đề nầy.

Một sự kiện khác cũng không kém phần quan trọng là anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu người anh cả của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại ngày nay cũng đã được gắn huy hiệu cấp Dũng dưới cội Bồ Đề do Thượng Tọa Thích Viên Lý đọc bảng tấn phong thọ cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trong nước gởi ra. Thượng Tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục của GHPGVNTN tại Hoa Kỳ đọc những quyết định của Giáo Hội và tôi với tư cách là Tổng Thư Ký GHPGVNTN Âu Châu đã gắn huy hiệu cấp Dũng với lá Bồ Đề có bốn hột cho anh. Đây cũng là cấp cao nhất của GĐPTVN mà chúng tôi hay gọi là cấp Tướng. Sau đó Thầy Viên Lý, Thầy Nguyên Siêu và chúng tôi đã rước nến từ dưới cội Bồ Đề, nơi Kim Cương Tòa đốt sáng cả một chân trời rồi từ từ truyền ánh sáng ấy qua cho anh Cao Chánh Hựu, anh Tư Đồ Minh và anh Bạch Hoa Mai. Đây là một dấu mốc quan trọng, một sự kiện lịch sử có một không hai của Tổ Chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước vậy.

Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã qua 60 năm sinh hoạt ở trong nước và 30 năm sinh hoạt ở ngoại quốc. Cũng có lúc thăng, lúc trầm, lúc khởi sắc, lúc bi thương nhất là trong các thời kỳ Pháp Nạn; nhưng Gia Đình Phật Tử bao giờ cũng gắn liền với Giáo Hội và với đất nước. Ngày nay ở ngoại quốc mỗi quốc gia có người Việt Nam sinh sống đều có Phật Tử và nơi nào có Huynh Trưởng thì các anh chị em cũng cố gắng tổ chức thành một Gia Đình Phật Tử, mặc dầu Đoàn Đội không đủ; hoặc ngành Oanh Vũ thì nhiều; nhưng ngành Thiếu thì bao giờ cũng Thiếu. Vì các em lo bận học và thi cử; nhưng khi sang ngành Thanh rồi thì kẻ đi lấy chồng, người đi làm xa v.v... thế là Gia Đình Phật Tử yếu dần. Lý do chính là thiếu người hướng dẫn; nhất là các anh chị Trưởng có nhiều năm kinh nghiệm. Đã có lần tôi viết về: „Giáo dục Thanh Thiếu Niên Việt Nam ở Hải Ngoại ngày nay“ có đề cập về vấn đề nầy và đã có nhiều Tổ Chức cho lên trên mạng Internet và đã có nhiều người đọc, theo dõi cũng như thực hiện theo.

Từ cấp mở mắt của chim Oanh Vũ cho đến những cấp bậc lớn nhất của Gia Đình Phật Tử đều có những phù hiệu khác nhau đeo kèm với hoa sen trắng. Riêng bốn cấp lớn nhất của Gia Đình Phật Tử là cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn và cấp Dũng. Trong bốn cấp nầy theo nội quy của Gia Đình Phật Tử là phải trải qua nhiều trại huấn luyện và phải trình nhiều Tiểu Luận, Luận Văn và Luận Án, có những đề tài liên quan với Phật Học và đặc biệt là vấn đề đào tạo một thế hệ thanh thiếu niên sống theo tinh thần Bi Tri Dũng của Đạo Phật. Trên mỗi cánh tay áo phải của quý anh chị đều có đeo cấp bậc của mình. Cấp Tập gồm 2 lá Bồ Ðề và 1 hạt màu nâu, nền vàng. Cấp Tín gồm hai lá Bồ Đề và hai hạt. Cấp Tấn cũng hai lá Bồ Đề; nhưng ba hạt và cấp Dũng cũng hai lá Bồ Đề; nhưng bốn hạt. Cả nước Việt Nam chỉ có bốn anh cấp Dũng và mới đây có thêm năm anh được thọ cấp ấy. Trong đó có anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu. Nguyên là một Thẩm Phán trong Tòa Án Quân Sự ở Đà Nẵng trước năm 1975 và tất cả các anh cấp Dũng hầu như ai cũng trên 70 tuổi cả. Có vị đã hơn 80 tuổi như anh Châu tại Việt Nam. Thế nhưng trong Gia Đình Phật Tử họ vẫn gọi nhau là anh chị, như trong một gia đình rất thân mật.

Chính nhờ „giây thân ái“ đó đã kết thành vòng tay lớn. Cho nên trong suốt 60 năm qua trong nước cũng như ở ngoại quốc đã có nhiều Hòa Thượng, nhiều Thượng Tọa, Sư Bà, Ni Sư, Đại Đức v.v... cũng đã xuất thân từ tổ chức Gia Đình Phật Tử nầy. Điều đặc biệt cũng chỉ có Việt Nam mới có Tổ Chức Gia Đình Phật Tử do Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập vào thập niên 40. Còn trên thế giới chưa có nước Phật Giáo nào có được một Tổ Chức quy tụ cả hơn 300.000 người trẻ có kỷ luật như thế.

Tôi vốn cũng là thành viên của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới gồm 36 nước Hội Viên và tôi cũng đã đảm nhận công việc của Thanh Niên Tăng Ni Thế Giới; nhưng tổ chức nầy nó cũng chỉ có tính cách tinh thần thôi. Chứ sự sinh hoạt không sinh động như của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Chúng tôi đã họp rất nhiều lần tại Taipei, Souel, Singapore, Malaysia, Hannover, Indonesia v.v... nhưng đầu tiên trong mấy năm nay cũng chỉ có tính cánh thân hữu, trao đổi thôi chứ chưa có gì thực tế cụ thể cả.

Hôm nay ngày 7, 8, 9 tháng 11 năm 2004 dưới cội Bồ Đề, nơi Kim Cương Tòa, nơi mà Đức Bổn Sư đã chứng ngộ đạo lý vô thượng, các anh chị em Huynh Trưởng lần đầu tiên về đây dự Đại Hội từ khắp các châu và mong rằng trong đời người Huynh Trưởng và nhất là đời người Phật Tử ít nhất cũng nên có một lần về đất Phật để chiêm bái, nguyện cầu, thì kết quả của sự dụng công trên đường học đạo ấy càng ngày càng thăng hoa rất nhiều.

Sở dĩ Phật Giáo Tây Tạng nổi tiếng ở ngoại quốc ngày nay ở nhiều mặt. Vì lẽ chư Tăng và Phật Tử hành trì, hạ thủ công phu rất nhiều; nhiều hơn chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam mình nhiều lắm. Ngày nay tại Việt Nam và ở ngay hải ngoại nầy có rất nhiều người đi xuất gia, tu và học; nhưng người hành trì và dụng tâm hạ thủ công phu để giải thoát thì phải nói rằng ít lắm. Rất ít so với Phật Giáo của nước khác. Tôi đã có cơ duyên đón tiếp cũng như tham dự những khóa tu do Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ giảng ở Đức có khi lên đến hơn 10.000 người một lúc. Cả Hội Trường đều im phăng phắc qua tâm từ của Ngài và tâm từ ấy được thể hiện qua những nụ cười thật từ bi trí tuệ và mỗi ngày như thế Ngài dậy từ 3 hay 4 giờ sáng và từ đó Ngài hành trì cho đến 6 giờ sáng mới nghỉ. Một vị Thầy được truyền thống Phật Giáo Tây Tạng cũng như thế giới tôn xưng là hậu thân của Bồ Tát Quan Thế Âm mà còn dụng công tu học như thế. Còn chúng ta thì sao? Xin tự hỏi lại ở mỗi người.

Thật sự ra đi xuất gia tu học là phải tự hiểu mình là ai, chứ không phải để hiểu người khác là ai. Đây là vấn đề sinh tử của việc tu học vậy. Vì trong sáu tỷ người hiện nay có mặt trên châu lục nầy không có ai giống ai về vấn đề tâm lý, tình cảm, gương mặt và ngay cả chỉ tay của mỗi người mỗi khác, làm sao chúng ta có thể hiểu hết được tâm lý của con người. Điều quan trọng là mình phải hiểu bốn chân lý căn bản. Đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên để tu, quán sát, xem xét, tập trung vào đề tài thiền quán cũng như tự kiểm soát thân tâm của mình. Khi trí huệ mình được khai mở, như Đức Phật đã tỏ rạng vào đêm mồng 8 tháng 12 cách đây 2548 năm về trước dưới cội Bồ Đề thì lúc ấy ta sẽ hiểu được tất cả bản thể của vũ trụ. Còn bây giờ không cần phải hiểu để làm gì, mà dầu cho có bậc giác ngộ nào đó có nói cho ta thật cặn kẽ đi nữa. Chắc gì ta đã tin.

Tại sao ta không tin? Tại vì chúng ta còn ngờ vực. Tại sao lại ngờ vực? Vì thành kiến, ngã chấp tràn đầy và vô minh kiến hoặc còn ngự trị nơi cái tu và cái học cái chấp trước của mình thì làm sao chấp nhận người khác và chấp nhận sự hiểu biết của người khác được. Do vậy, nếu mỗi người trong chúng ta đều hiểu rõ nguyên tắc nầy thì chắc chắn sự tu học sẽ có kết quả.

Kể từ ấy đến nay đã có không biết bao nhiêu bậc giác ngộ về lý duyên sanh và tánh không cũng như các pháp không thật tướng nầy. Cho nên đã có rất nhiều vị đắc đạo từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Nhựt Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Tây Tạng, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan v.v... vì những vị Tổ Sư ấy biết ứng dụng giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống nội tâm của mình. Còn bao nhiêu người khác vẫn còn lang thang trong lục đạo cũng chỉ vì không hiểu mình là ai và cứ cố bám lấy cái ngã ấy để xây thành những bức thành kiên cố của si mạng và tà kiến thì thời gian nổi trôi trong sự vui ở cõi chư Thiên, trong sự khổ đau của loài người hay sự đọa đầy nơi địa ngục vẫn còn nhiều thì giờ lắm. Vì vậy mỗi người hãy mau mau tỉnh thức mà dụng công tu học vậy.

Chúng ta đi đến Bhutan, Népal, Trung Hoa, Nhựt Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện v.v... đi đến đâu cũng thấy chùa to Phật lớn. Vì có như thế mới tượng trưng được cái đại thể của dân tộc. Còn Việt Nam chúng ta phải nói rằng còn thua xa Phật Giáo thế giới rất nhiều về phẩm cũng như về lượng. Do vậy nên cố gắng hành trì và thể hiện sự tu học ấy càng đậm nét hơn nữa. Trên từ các bậc Hòa Thượng, dưới cho đến các chú tiểu, Ni cô mới vào chùa cũng phải có một tâm niệm như thế, thì mới mong Phật Giáo ngày càng đi sâu vào quần chúng hơn nữa. Nếu không, cũng chỉ là hình thức bên ngoài. Chứ đó quyết không phải là tình thần mà Đức Phật muốn dạy cho chúng ta.

Hy vọng ở thế hệ ngày mai, cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc càng ngày càng có nhiều người hiểu về giáo lý của Đức Phật, rồi phát tâm tu học, giải thoát, để cứu đời ra khỏi những tật đố, tai ương. Nếu chúng ta chưa hiểu một cách rốt ráo về giáo lý của Đức Phật thì chúng ta cũng chỉ như người mù sờ voi vậy thôi. Sờ trúng cái nầy thì nói nó giống như cái gì mình đã chấp; nhưng trên thực tế con voi nó không phải như vậy. Nó không phải từng phần, mà nó cũng chẳng phải toàn phần. Vì tất cả nó cũng chỉ là một sự tổng hợp của mọi thứ, con voi ấy mới trở thành một con voi. Khi chúng ta chưa hiểu đạo thì chúng ta nghĩ là: Đạo phải phục vụ cho mình; nhưng khi chúng ta hiểu đạo rồi thì chúng ta phải nói: Mình phải phục vụ cho đạo mới phải. Vì đạo cần phải bảo vệ; chứ mình đâu có quan trọng gì đối với 6 tỷ người ấy ở đầu thế kỷ thứ 21 nầy mà bảo vệ.

Có nhiều nhà Sư nhìn Đạo Phật dưới nhãn quan nầy hay nhãn quan nọ. Rồi đem Đức Phật từ khía cạnh nầy gắn sâu vào khía cạnh khác và nếu không vậy thì cũng uốn đổi tư tưởng của mình theo cái nhìn phiến diện nào đó và muốn cho mọi người phải theo mình, thì đây là hoàn toàn sai trái với giáo lý của Đạo Phật. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng: Có phải trong quá khứ do Phật Nhiên Đăng Thọ Ký mà ta thành Phật chăng? Ngài Tu Bồ Đề đáp rằng: Nếu Như Lai mà do Phật Nhiên Đăng thọ ký để thành Như Lai thì đó chẳng phải là Như Lai vậy. Vì sao thế? Vì: „Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai“. Nghĩa là: Như Lai chẳng từ đâu đến, lại chẳng đi về đâu. Nên có tên là Như Lai. Vậy ở mỗi chúng ta đều có Như Lai; nhưng chúng ta vẫn mãi tìm cầu Như Lai ở cõi khác, hoặc ở ngoài ta. Trong khi đó Như Lai ở trong ta thì chẳng có ai tìm cầu, nhắc nhở đánh thức dậy. Thực sự ra Tịnh Độ hay Niết Bàn, địa ngục hay khổ đau nó chỉ có một cửa chứ không có hai. Đi vào thì mình gọi là đi vào địa ngục. Bước đến cảnh khổ. Còn đi ra thì mình nói đi khỏi luân hồi, sanh vào Tịnh Độ. Cũng chỉ có một cửa ấy chứ không có hai cửa. Giống như ví dụ lúc ban đầu là trái hồng còn non nếu ăn sẽ bị đắng. Nếu qua thời gian chịu hấp thụ ánh sáng mặt trời, sương gió thì hồng kia sẽ chuyển từ xanh sang vàng và từ chát đến ngọt. Vị ngọt ấy quyết không từ ngoài mà đến. Nó ở bên trong trái hồng ấy. Nhưng làm thế nào và thời gian bao lâu để hồng kia chuyển từ đắng sang ngọt lệ thuộc bởi khí hậu và những điều kiện khác. Đôi khi hồng mới non còn chát đã rụng rồi; nhưng khi hồng đã ngọt rồi thì không còn vị đắng nữa.

Cũng như thế ấy, sự giác ngộ hoàn toàn nếu đi theo con đường căn bản thì từ Bồ Tát đến thành Phật phải trải qua ba A Tăng Kỳ Kiếp, mà mỗi A Tăng Kỳ kiếp như vậy là một con số 1 và năm mươi hai con số 0 đi kèm phía sau. Như thế khi đã thành Phật rồi thì không còn bị luân hồi nữa. Điều quan trọng ở đây là chúng ta có tự chuyển không? Hay chúng ta cứ mãi tìm cầu bên ngoài. Nếu cứ thế thì Đức Phật trong tương lai ấy vẫn cứ ngồi yên trong cõi lòng ấy, chứ không thể vực dậy được, như Hồng kia vẫn chát rơi rụng chứ không tự chuyển với khả năng sẵn có của mình từ chát sang ngọt được. Thật đáng tiếc thay.

Cũng như lửa; nếu không từ củi thì sẽ không có lửa; nhưng lửa đâu phải tự sinh mà do bản chất của gỗ trong ấy đã có lửa rồi. Phật tánh cũng chỉ vậy thôi. Khi nào chất xúc tác trợ duyên thì Đức Phật kia sẽ ngồi dậy bên trong để tỉnh thức chúng ta như Vua A Dục đã quỳ gối xuống Dưới Cội Bồ Đề vậy và mong rằng tất cả chúng ta cũng đều hiện thân là những người con Phật biết thật sâu sắc cho sự hiện hữu giác ngộ ấy nằm bên trong chứ không phải bên ngoài, thì ai ai cũng sẽ an lạc, hạnh phúc, chứ không phải chỉ có một vài người có thể ngộ được chân lý ấy mà thôi.

 

 

Lời Cuối

 

Có nhiều người hỏi tôi rằng: Sau ba tháng Thầy nhập thất năm rồi (2003) tại Úc Thầy thấy được gì?

Tôi trả lời rằng: Có hai cái thấy. Một cái thấy bên trong và một cái thấy bên ngoài. Cái thấy bên trong là biết mình thêm một chút nữa và rõ được nẻo đi về của một hành giả tu theo Tịnh Độ Tông. Bên trong thì chỉ có vậy. Còn bên ngoài thì vô số chuyện mà có lẽ chúng ta ít để ý đến; nên xin kể một vài câu chuyện để hầu quý vị.

Tôi và quý Thầy, quý Chú ở trên núi rừng nầy năm rồi là năm vị và năm nay bốn vị. Ở đây không có truyền hình và truyền thanh; nhưng chúng tôi biết được ngày nào sẽ nắng và ngày nào sẽ mưa. Đó là do những động vật chung quanh mình báo hiệu. Ví dụ như tối nay thấy những con mối bay đầy vào cửa sổ là biết chắc chắn rằng ngày mai sẽ mưa to. Hoặc thấy những con kiến hùm càng to làm những bờ thành cao chung quanh ổ của chúng là thế nào cũng sẽ có một trận mưa dữ dội về đêm. Đêm nghe tiếng ve sầu càng cao giọng và càng lâu thì biết ngày mai sẽ nắng gắt. Không biết những con vật nầy nó có cơ quan nào để đo mà biết chính xác đến 100% như thế. Nhiều khi còn hơn cả Nha Khí Tượng nữa. Nha khí tượng lúc nói mưa thì trời không mưa, còn nói không mưa thì trời mưa; chứ những con vật nầy nó biểu hiện những hành động đúng chức năng của nó.

Con kiến bình thường nó đào lỗ thật sâu và mỗi ngày chúng mang đất lên khỏi miệng hang rất chuyên cần. Hình như con nào cũng phải có bổn phận ấy. Còn con nào đi tha mồi về thì con đó có bổn phận chỉ tha mồi, con khác không giành mồi của con nầy. Không biết khi đem vào tổ của chúng, chúng có ăn chung hay không thì không rõ; nhưng ở bên trên mặt đất thì thấy cùng một loại kiến, chúng sống với nhau hòa bình lắm. Có một điều cũng hơi ngạc nhiên là những con kiến nhỏ rất hung tợn, đôi khi dọa nạt và ăn thịt những con kiến lớn khác chủng loại. Con kiến lớn có cái càng dài thì khó mà cắn con kiến nhỏ được; nhưng những con kiến nhỏ thì ngược lại, lợi dụng thế nhỏ con của mình khi một con kiến lớn bò về gần miệng hang thì đầu tiên là một rồi hai, ba, bốn con nhỏ bu vào chân con kiến lớn, cắn con kiến lớn đến cong mình rồi phải nộp mạng cho một lũ kiến nhỏ như thế. Ở đây có lẽ con kiến lớn không dùng đến trí. Còn những con kiến nhỏ ỷ thế đông nên làm càn chứ thật ra chúng nó cũng không dùng đến trí khôn chút nào cả. Điều nầy con người khác chúng là vậy.

Nhưng tại sao nó biết mưa bão đến, thì phải chịu thua. Không hiểu có ai nghiên cứu về loại côn trùng nầy không, chứ ở nơi núi rừng nầy tôi đã thấy qua như vậy. Mà ở đây không phải chỉ có một loài kiến mà thôi. Theo tôi nghĩ ít nhất cũng chừng hai mươi loại. Có con nhỏ rí, chúng sống thành bầy rất vui nhộn. Có con giống cây kim màu đen, đầu giẹp. Có loại kiến màu hồng chừng 1 cm. Có loại màu đen to. Cũng có những loại màu đỏ. Loại nầy có con 1 cm; có con 2 cm và có con đến 4 cm cũng không chừng. Có lẽ chỉ có núi đồi của xứ Úc nầy mới có những con kiến như thế. Chứ ở Âu Châu thì hiếm thấy lắm.

Nhiều lúc tôi mang cho chúng đường, kẹo, bánh mì, cơm, gạo v.v... nhưng chúng chả thèm ăn. Chúng chỉ ăn xác chết của những con cuốn chiếu hay ruồi muỗi và ngay cả xác của những con kiến khác loài; chứ nhất quyết không ăn những loại mà chúng ít bắt gặp. Tuy nhiên cũng có nhiều loại động vật bốn chân ăn những rau quả, cơm gạo dư thừa mà mỗi buổi chiều sau khi ăn cơm xong tôi vẫn thường mang ra cho chúng. Đến sáng mai ra rừng kiểm soát lại thì chúng ăn sạch nhẵn không còn để lại sót một chút gì. Quan sát thật kỹ thì thấy những bàn chân thật lớn. Đây có lẽ là loại Kỳ Đà. Ban ngày nhiều lúc tôi thấy nó bò ngang vườn của Tu Viện nầy có con dài cả hơn một thước và nếu đem cân, chắc chúng nặng cũng chừng 50 kg thì ít. Ở trong rừng nầy mỗi lần đi xuống suối chúng tôi men theo dấu chân đã đi mòn của những con vật nầy để nhận biết đường đi và lối về. Ở đây là giang sơn riêng của chúng cả ban ngày lẫn ban đêm.

Trên cành cây thì có không biết bao nhiêu là loại chim đủ màu đủ loại. Dạn dĩ nhất là chim Két. Năm rồi khi chúng tôi nhập thất tại đây hằng mỗi buổi sáng chúng thường hay đậu trên mái nhà liếc qua rồi liếc lại như tỏ ý biết nghe kinh. Rồi đến lúc về lại Đức, có cả 18 con bay liệng trước xe như để tiễn đưa chúng tôi vậy. Năm nay khi trở lại Pháp Bảo. Thầy Phổ Huân bảo rằng: Con có lên ở trên thất cả hai tháng nhưng chẳng thấy con nào đến. Có phải lúc ấy là mùa Đông nên các con Két nầy đi kiếm ăn xa chăng? Nên đã không có mặt. Rồi năm nay khi đoàn của chúng tôi trở lại thì những con Két ấy có màu sắc rất đẹp, sặc sỡ như chiếc y màu áo của Đức Phật A Di Đà, mỗi sáng vẫn đến nghe kinh và trông có vẻ trìu mến lắm. Năm nay chỉ còn ba con và một ít chim con. Còn những con khác thì chưa thấy bay lại đây hay đã vì vô thường mà chúng đã bị mai một rồi không biết nữa.

Sáng nay (11.12.2004) Thầy Đồng Văn và chú Hạnh Đức phát nguyện đi bộ từ đây về chùa Pháp Bảo độ chừng 40 km và theo Hòa Thượng Bảo Lạc thì Thầy ấy đã đi 7 tiếng đồng hồ. Lúc khởi đầu đi cũng có ba con Két thật đẹp vào tiễn chân Thầy và Chú hạ san. Trông thấy cảnh nầy thật cảm động. Những con vật nầy thấy được gì nơi chúng tôi thì không rõ; nhưng chúng tôi thì thấy chúng muốn gần gũi con người. Có lẽ vì loài người lúc nào cũng muốn hại chúng; nên chúng chẳng dám gần chăng? Chứ những con Két rừng nầy bình thường thì khó mà gần chúng được. Thế mà chúng đã đến với chúng tôi. Thật là bất khả tư nghì.

Ngoài ra còn vô số con chim Hoàng Oanh, se sẻ, quạ, két trắng, chuột, châu chấu, cào cào, ve sầu, dế, Kangoorou, v.v... và v.v... chúng ở gần chúng tôi trong rừng nầy. Hôm nay vẫn còn thiên nhiên như thế; nhưng chắc 10 năm nữa thì nơi đây chắc cũng giống Pháp Bảo bây giờ. Hơn 20 năm về trước Pháp Bảo là một khu đất trống đầy cây; nhưng bây giờ là phố thị, thì Đa Bảo nầy có lẽ cũng vậy thôi. Thời gian sẽ thay đổi tất cả. Chẳng có cái gì đứng yên một chỗ như định luật thành, trụ, hoại, diệt mà Đức Phật đã nói từ lâu rồi.

Năm nay là năm nhập thất lần thứ 2 của tôi tại đây, tôi đã bắt đầu dịch quyển „Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận" (Siksasamuccaya) của Ngài Santideva Tịch Thiên là tác giả. Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn chỉ có 70 trang mà tôi và Thầy Đồng Văn đã dịch ra khoảng 230 trang đánh máy A4. Nếu in thành sách khổ A5 cũng sẽ bằng quyển Đại Đường Tây Vức Ký của tôi dịch năm rồi. Nghĩa là khoảng 450 trang. Có người dịch là Giáo Tập Yếu và chữ Santideva dịch là Bình Thiên; nhưng đó chỉ là dịch theo âm thôi chứ không phải dịch theo nghĩa. Nên có chỗ sai khác ấy. Có nhiều người cho rằng Ngài Santideva là tác giả của ba quyển: Một là Siksasamuccaya- Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận và hai là Boddhi-Caryatara- Bồ Tát Hạnh và ba là Sutrasamuccaya- Kinh Tập Yếu. Nhưng đa phần các học giả đều cho rằng quyển Kinh Tập Yếu nầy tác giả là Ngài Long Thọ (Nagarjuna). Tác phẩm Bồ Tát Hạnh thì đã được Thầy Trí Siêu đệ tử Hòa Thượng Thích Huyền Vi dịch sang tiếng Việt từ tháng 7 năm 1990. Thầy ấy dịch dựa vào bản từ tiếng Anh, tiếng Pháp và một ít tài liệu Tây Tạng và năm 1985 Hòa Thượng Thích Huyền Vi đã dịch Kinh Tập Yếu ra tiếng Việt và lấy nhan đề là Yếu Nghĩa Phật Pháp. Năm nay (2004) tôi đã dịch quyển Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận nầy của Ngài Santideva sang tiếng Việt xong. Như thế là phần tác phẩm của Ngài đã đủ. Riêng Tiểu Sử của Ngài Santideva quý vị có thể tham cứu nơi sách Bồ Tát Hạnh của Thầy Trí Siêu dịch hoặc tham cứu nơi phần lời nói đầu của sách Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận mà nay mai Viên Giác sẽ xuất bản ấn tống để có tài liệu thật đầy đủ về vị Đại Sư nầy.

Trong khi dịch, tôi đọc bản văn chữ Hán nơi Đại Tạng ra tiếng Việt để Thầy Đồng Văn và chú Thiện Tánh đánh máy vào Computer. Sau đó in ra sửa chữa lần thứ nhất do tôi dò lại. Tiếp theo Hòa Thượng Bảo Lạc giảo chánh lại một lần nữa mới đem đi layout. Sau khi đem layout tôi xem lại một lần cuối nữa trước khi đem đi in. Như vậy đã qua nhiều công đoạn; nhưng chắc chắn cũng còn sai sót. Vì văn nầy được dịch từ chữ Phạn sang tiếng Hán từ thế kỷ thứ 7, thứ 8; mà nay đến thế kỷ thứ 21 mới chuyển ra tiếng Việt; do vậy đôi khi ý từ có chỗ trùng lập; hoặc câu văn không được gãy gọn lắm. Cũng do chỗ học của chúng tôi còn kém cỏi đấy thôi. Kính mong quý độc giả lượng thứ cho.

Lần nầy đến Úc ít hơn lần trước. Tuy nhiên chỉ chưa đầy một tháng (từ 16 tháng 11 đến 12 tháng 12 năm 2004) mà tôi đã dịch xong dịch phẩm trên và tác phẩm nầy. Tác phẩm nầy tên là Dưới Cội Bồ Đề gồm 174 trang viết tay vào những cuối tuần và mỗi sáng sau thời Kinh Lăng Nghiêm. Hy vọng sau khi đánh máy và in thành sách chắc cũng được gần 200 trang như tác phẩm: „Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt“ như năm rồi. Cả hai tác phẩm như thế mà chúng tôi đã hoàn thành không vội vã, hấp tấp trong vòng chưa đến một tháng thì quý vị biết mỗi ngày chúng tôi phải làm việc ít nhất là 9 tiếng đồng hồ, chưa kể gần 3 tiếng đồng hồ hành trì vào buổi tối và buổi sáng.

Năm 2003 khi dịch xong tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký chúng tôi đã cho xuất bản 1.000 cuốn vào lễ Vu Lan năm 2004 tại Đức. In ấn tống 4.000 cuốn do chùa Phật Bảo ở Chicago lo liệu và đã phát hành hôm lễ Vu Lan năm 2004 tại Mỹ và Canada. Đến tháng 12 năm 2004 nhân lễ húy kỵ lần thứ 29 của cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu là Bổn Sư của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc chùa Pháp Bảo và quý Phật Tử tại Úc đã ấn tống 1.000 cuốn nữa. Ngoài ra hôm 21 tháng 9 âm lịch Thầy Như Tịnh ở Việt Nam báo tin cho tôi hay là nhân lễ húy kỵ của Sư Phụ tôi, Thầy ấy có mua 80 quyển Đại Đường Tây Vức Ký tại Việt Nam họ in lụa. Nghĩa là in lại không chính thức tại Việt Nam nhiều ngàn số để phát hành. Tuy không ai hỏi tôi để xuất bản sách ấy tại Việt Nam. Nhưng tôi rất vui. Vì có như thế Phật pháp mới được truyền bá khắp nơi nơi.

Như vậy chỉ một dịch phẩm ấy trong khi tôi nhập thất đã dịch ra tiếng Việt mà có cả bốn châu đã in ấn tống, phát hành số lượng ít nhất là 8.000 cuốn như thế quả là một sự thành công không bao giờ mong đợi mà có được như vậy. Công đức ấy nếu có được xin hồi hướng lên Tam Bảo và pháp giới chúng sanh. Nguyện cầu cho mọi người và mọi loài được vào nhà tri kiến của Như Lai.

Ngoài ra tác phẩm: „Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt“ tôi đã cho xuất bản ở Đức và Âu Châu chỉ 1.000 số và điều may mắn là Đạo Hữu Tâm Kiến Chánh ở Hoa Kỳ đã đọc vào băng Cassette cũng như MP3 và có diện toàn cầu hóa người nghe; nên chỉ sau một tháng đọc sách ấy vào băng đã có 1.042 người vào Internet để download gồm hai mươi hai quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam và số lượng người download nhiều nhất vẫn là ở Hoa Kỳ. Điều nầy sở dĩ có được cũng xin cảm ơn Đạo Hữu Tâm Kiến Chánh rất nhiều. Nếu không có phương tiện hoằng pháp bằng cách hiện đại hóa như Đạo Hữu đang thực hiện thì số người đọc và nghe làm sao có thể nhiều được đến thế. Ngoài ra Đạo Hữu Tâm Kiến Chánh ở Hoa Kỳ cũng sẽ đọc một số tác phẩm cũng như dịch phẩm của chúng tôi trong thời gian tới đây nữa. Xin cảm niệm công đức ấy.

Trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay (2004) tại Đức tôi đã dịch số cũ và số mới tổng cộng đến 850 trang viết tay trong quyển thứ 32 thuộc Đại Tạng Kinh và chú Sanh ở Đức đang đánh máy. Như vậy mỗi năm như thế tôi có từ hai đến ba tác phẩm và dịch phẩm được xuất bản. Đây là một giá trị tinh thần rất miên viễn mong quý Đạo Hữu và quý độc giả ủng hộ bằng lối ấn tống cũng như thỉnh sách băng để đạo được phát triển sâu rộng hơn vào quần chúng, đồng thời đó cũng là sự khuyến khích để những dịch phẩm và tác phẩm càng ngày càng có mặt nhiều hơn trên thế giới ngày nay với ngôn ngữ tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Mỗi năm như vậy bây giờ trở đi tôi có ba tháng ở Úc để nhập thất dịch kinh, tịnh tu, dạy chúng. Một tháng ở Ấn Độ để lạy Phật và hai tháng ở Canada cũng như ở Hoa Kỳ để hoằng pháp. Như vậy đã hết sáu tháng rồi. Sáu tháng còn lại đa phần tôi ở Đức và Âu Châu. Trong sáu tháng đó có ba tháng An Cư Kiết Hạ tại chùa Viên Giác Hannover, lạy kinh và dịch kinh, dạy chúng. Chỉ còn ba tháng còn lại cho các Phật sự tại Âu Châu. Như thế thời gian trôi qua nhanh lắm. Hết Hạ sang Thu, hết Thu sang Đông, rồi Xuân rồi Hạ trở lại. Nếu không hạ thủ công phu thì mỗi năm chỉ có trừ thêm đi một tuổi chứ chẳng cộng được tuổi nào. Sự già, bệnh chết đang chờ trước cửa tử sinh. Do vậy mà tôi luôn luôn quán niệm về thời gian như „lửa cháy trên đầu“ phải lo quay về với tự thân để tu học là vậy.

Việc nầy sở dĩ có được không phải chỉ đơn thuần mà thành tựu. Dưới đây là những lý do chính.

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là bào huynh của tôi đã cùng với quý Phật Tử tại Pháp Bảo mua xong một cơ sở và đất đai độ 25 mẫu Tây. Tính ra đâu chừng 100.000 mét vuông nếu tôi nhớ không lầm. Trong đó có một ngôi nhà rất xinh xắn gồm hai tầng. Thầy Bảo Lạc đã cho Thầy trò chúng tôi xử dụng suốt ba tháng như thế; điện, gas, nước mưa đều do Pháp Bảo đài thọ. Ngay cả thức ăn cũng có các Phật Tử cúng dường. Do vậy ở đây xin niệm ân trên từ Hòa Thượng đến Thầy Phổ Huân, quý Cô Giác Trí, Giác Thủy, Giác Duyên, Giác Anh và dưới đến quý Phật Tử tại Pháp Bảo đã gia trì và hỗ trợ cho cá nhân tôi cũng như Thầy trò của chúng tôi được có những ngày tháng yên tĩnh, đẹp tuyệt vời như vậy để tu học và hành trì mà kết quả của năm 2003 đã thấy rõ. Còn năm nầy 2004 cũng lại là một năm đầy đủ ý nghĩa nữa.

Ví dụ như nước ngoài bể chứa càng ngày càng nhiều hơn, mưa nhiều hơn, cây cối trong rừng tươi tốt hơn mặc dầu chính phủ dự tính năm nay nóng lắm và cháy rừng nhiều. Nhưng điều ấy đã trái ngược lại. Có lẽ vì nhờ sức gia trì của tám vị Thần Kim Cang và bốn vị Bồ Tát mà đêm nào tôi cũng thỉnh các Ngài về để nghe kinh cùng hộ trì gia hộ. Đó là kết quả không chỉ bằng lời nói mà bằng sự hạ thủ công phu của chúng tôi và Đại Chúng tại Tu Viện Đa Bảo trên núi rừng nầy.

Thầy Đồng Văn đã chịu khó cùng tôi dịch thuật và đánh máy từng chữ rồi từng chữ, từng câu lại từng câu phân đoạn, ngắt ý v.v... chú Thiện Tánh lo phụ cho Sư Phụ trong những khâu đánh máy bản dịch kinh tạng hai tuần đầu và quyển sách nầy. Chú Hạnh Đức đã hoàn thành những món chay tinh khiết và xây dựng một cảnh trí vườn tược trong tu viện rất đẹp mắt. Ngoài ra còn hăng hái lái xe lên xuống giữa Tu Viện và chùa Pháp Bảo nữa. Do vậy mà sự thành công nầy không phải chỉ một người mà thành tựu được. Xin cảm niệm tất cả và mong rằng những ngày tháng đẹp ấy nơi Tu Viện vẫn còn trong tâm khảm của mọi người.

Ngoài ra mỗi tối trong khi tôi trì kinh, niệm Phật thì Thầy Đồng Văn đã hướng dẫn hai chú về chữ Hán qua việc học Tỳ Ni, sau đó là Oai Nghi và 30 phút sau cùng của mỗi tối là thực tập chuông mõ, nghi lễ tán tụng v.v... Như vậy mỗi người trong chúng ta đều nỗ lực; nên trời năm nay đã mưa nhiều hơn. Cây rừng xanh hơn mọi năm và chim chóc lại tụ hội về đây đông hơn, càng ngày càng có nhiều loại khác nhau nữa.

Có nhiều người hỏi tôi rằng: Thầy ở trên đó toàn là rừng núi, buồn hiu hắt. Có gì vui đâu? Tôi hỏi lại những vị ấy rằng: Vậy theo Đạo Hữu cái gì là vui? Có người trả lời thế nầy. Có người trả lời thế nọ; nhưng rốt cuộc chẳng thấy cai đó là những niềm vui. Ngày xưa cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi làm quan về trí sĩ. Chán cảnh quan lại của triều đình, chỉ muốn tiêu khiển với non cao núi thẳm nên mới có hai câu thơ rằng:

„Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người tìm chốn lao xao“.

So ra một vị được người đời xưng tụng là Trạng Trình mà khi đi vào chỗ vắng vẻ ở để an thân, cụ tự cho mình là dại. Còn nơi lao xao thị tứ, nơi chốn ba quân, tung hô vạn tuế đó. Có áo mũ cân đai... là chỗ khôn thì xin người cứ tìm vào. Như vậy quan niệm giữa dại và khôn, sống yên ổn an nhàn thủ phận và vào lại chốn thị thành, danh lợi, mỗi người đều có mỗi quan niệm khác nhau.

Còn người tu sống hạnh xả ly, phải xa rời nơi ồn ào và phải tập trung vào nội tại. Nơi ấy gọi là A Lan Nhã hay gọi là chốn không tịch. Người xuất gia nên vui với niềm vui như thế. Đây là điều Đức Phật đã dạy tự ngàn xưa. Còn bây giờ đa số phải chen chân vào xã hội để sinh hoạt chung với Phật Tử quả thật Đạo Phật có đi vào đời đó; nhưng Đạo Phật, nhất là người tu, tự đánh mất đi giá trị nội tại của mình rất nhiều.

Ở chốn núi rừng nầy mà tâm an, ý tịnh tự chịu chấp nhận đời sống thanh bần sau khi để lại phía sau mình bao tiếng khen chê, phê phán thì quả là một niềm vui vi diệu, an lạc tự tại đâu có chốn nào bằng. Khi mà tâm tư của mình vốn cần có những nơi như thế để dễ tỉnh thức hơn.

Còn niềm vui ngoài thế tục. Có đó chứ! Nhưng kết quả là bao nhiêu sự chán chường ngao ngán. Niềm vui của công danh thành tựu; niềm vui của tiền tài vật chất; niềm vui của hạnh phúc lứa đôi; niềm vui của rượu nồng, của thuốc cay, của sắc đẹp v.v... Tất cả đều sẽ trôi qua nhanh như ngọn gió thổi trong chốn bụi trần nầy thôi. Chẳng có gì để phải chờ đợi và tiếc thương ta cả.

Mới đây báo chí có đăng tin là có một người ở Mỹ chỉ còn 78 xu nơi sổ ngân hàng và sau hơn 10 ngày khai phá sản, đã vỡ nợ đến gần 50.000 US. Anh ta đã mua một vé số và thời hên đã đến là anh ta trúng độc đắc được 150.000.000 US. Anh ta muốn lãnh một lần thôi. Do vậy chỉ lãnh được 88.000.000 US. Khi đó đài truyền hình có phỏng vấn vợ chồng anh ta rằng số tiền ấy dùng để làm gì và vợ chồng sẽ sống ra sao thì cả hai đều trả lời rất ngọt ngào và trôi chảy; nhưng 10 ngày sau nữa thôi là cô vợ ra tòa ly dị đòi chia của trúng ấy ra làm hai phần. Rõ ràng là hồi ông chồng khai phá sản và nợ nần đến 50.000 US kia, bà vợ chẳng chịu chia đôi để trả nợ. Còn bây giờ khi đã có tiền thì nợ cũ đã quên mà tình xưa cũng chẳng nhớ, mà bây giờ chỉ có tiền nó đã làm mờ mắt người ta như thế. Thử hỏi hạnh phúc nó là gì? Nó ở đâu? Nó ở ngoài hay ở trong vậy?

Cũng mới đây, trước khi đi nhập thất, ở Đức tôi có xem truyền hình và biết có một người Đức trúng 33.000.000 Euro nhưng ông ta không nhận. Người ta phỏng vấn ông ta rằng tại sao ông trúng số mà ông không nhận? Ông ta bảo rằng tôi mua giấy số cho vui vậy thôi. Trúng ít thì tôi nhận; nhưng trúng nhiều như thế tôi không nhận. Vì tôi biết đồng tiền ấy nó sẽ làm hư hạnh phúc gia đình của tôi và bây giờ tất cả số tiền ấy tôi giao lại cho cơ quan từ thiện làm phước giúp đỡ mọi người. Thế là có người tiếc, có người chê, cho ông ta là người không biết việc. Dở quá, dại quá đi thôi! Của trời cho mà, sao lại không nhận v.v... và v.v... nhưng vợ chồng ông bây giờ rất vui và vẫn còn sống hạnh phúc với nhau. Họ đã làm chủ được đồng tiền kia, chứ không phải đồng tiền kia đã làm chủ họ được.

Thông thường theo thống kê, những người trúng số độc đắc những tháng năm sau đó là những tháng năm sống khổ sở nhất. Cũng chính vì quan niệm của trời cho nên tha hồ đem xài, có khi đi đánh bạc còn thâm thủng nợ nần nữa là khác. Nếu người nào có tâm từ chia số tiền ấy ra làm nhiều phần và lấy một phần làm từ thiện thì còn được tiếng vang và ơn nghĩa. Nếu không, tiền ấy nó cũng sẽ vuột khỏi tầm tay mình. Việc làm từ thiện không nhất thiết phải đem cúng xây chùa, mà xây trường học, làm cầu cống, đào giếng, giúp trẻ em mồ côi v.v... tất cả đều là những điều lợi ích đáng làm.

Tục ngữ Pháp có câu: „Après la pluie, il fait beau“. Nghĩa là: Sau cơn mưa trời lại sáng. Hay Việt Nam mình cũng có câu: „Đâu có ai giàu ba họ, mà cũng chẳng có ai khó ba đời“. Hoặc câu: „Hết cơn bĩ cực đến ngày thái lai“ v.v... nó cũng đã giúp cho bao nhiêu người có một cuộc sống an ổn, tự tin vào mình hơn là vào người. Đó là nghĩa bóng. Còn nghĩa đen như ta thấy đó: Sau cơn mưa làm cho đất cát tươi nhuận, cây cỏ nở hoa; mặt trời sẽ dọi sáng vào nơi nơi và thế là mọi người có những ngày quang đãng khác. Chẳng lẽ cứ mưa hoài hoặc nắng hoài thì loài người hoặc bao nhiêu côn trùng cây cỏ khác làm sao chịu đựng nổi được.

Có người bài bạc đỏ đen quên hết tất cả vợ con, tình nghĩa. Chỉ còn sát phạt với con bài để tìm chút niềm vui; nhưng vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy cửa nát nhà tan. Nếu họ hiểu được kết quả là gì thì làm sao có thể gây ra nhân hư đốn như thế. Tất cả cũng chỉ muốn hòa với những niềm vui giả tạm vụt tắt mà thôi. Còn niềm vui miên viễn ấy như Tất Đạt Đa Gautama đã đạt được dưới cội Bồ Đề thì ít người có được. Vì niềm vui ấy không phải trời cho mà phải do chính ta tìm lấy. Nó ở bên trong chứ không ở bên ngoài.

Vua A Dục, Hoàng Hậu, Thái Tử Mahinda, Công Chúa Shanghamitta v.v... chắc chắn đã có những niềm vui miên viễn nhờ vào giáo lý của Đạo Phật, chứ không phải ngai vàng hay tiền bạc đã làm cho tên tuổi của họ còn gắn bó mãi mãi cho đến đời sau nầy.

Rồi chư Tổ, chư Tăng và những người tỉnh thức họ sống với chủ trương: Tăng vô nhứt vật. Chẳng có cái gì là của riêng mình với chỉ ba y và một bình bát để hộ thân thì hẳn nhiên họ không phải là những người nghèo, mà là những người có cuộc sống thiểu dục tri túc giàu nhất trong thiên hạ đó.

Mong rằng tác phẩm nầy sẽ giúp cho quý độc giả có một cái nhìn thực tế qua nhiều thời đại khác nhau của những con người tỉnh thức, nhằm đưa mình đến một chân lý vĩnh hằng. Đó là sự giác ngộ giải thoát khỏi chốn luân hồi đau khổ của kiếp người mà chúng ta đang trả vay, vay trả như trong hiện tại.

Nguyện cầu cho mọi người mọi nhà đều an lạc, hỉ hoan trong ánh sáng từ bi của Đức Từ Phụ.

 

---o0o---

 

1 >> 2  >> 3  >> 4 >> 5 >> 6

---o0o---

Nguồn: www.viengiac.de

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-06-2008

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ï¾ thứ NhÒ Đạo đức kinh doanh theo Phật giáo trò và thầy trong giáo dục phật giáo Đạo đức kinh doanh theo Phật giáo mây chua kim cang huy Tiếng chuông tỉnh thức day luà chua minh khanh huong dai đâu thấy con goi la phat tich lan tro choi suc le vu lan nen cung vao ban ngay 1 mười hai nhân duyên Các thực phẩm chay đánh bật mùi sự cố chấp của đàn ông vì quan niệm tam phap the gian Chẳng tram thả tập thiền Ăn mặn làm tăng huyết áp Vu lan nhớ má Có thực mới vực được Đạo nh hình ảnh người phật tử thuần 虚云朝拜五台山从哪里出发 Tịnh người quà Phật giáo O cha và trà đạo Việt triết lăn à Cười Cà chua chống được nhiều căn bệnh ngày về Thiền minh sát trong ứng dụng dang dan tho gioi bo tat Đêm nằm mơ thấy Mẹ Quả chanh và nhiều công dụng tốt phuoc Phật ngọc Dâng trào lòng kính ngưỡng tam san han 10 tự tánh sâu xa của tâm phần 2