...... ... .

 

VỤ ÁN MỘT NGƯỜI TU

Viên Giác, 1995

 

Thích Như Điển

---o0o---

 

Phần 4

 

CHƯƠNG MƯỜI SÁU

THẾ PHÁT XUẤT GIA

Sư Chơn Nghĩa đọc mấy câu chú trước khi cạo tóc cho Phật Tử Trần Thị Diệu Duyên có pháp danh là Ngọc Chánh, như sau:

"Thế trừ tu phát

Đương nguyện chúng sanh

Viễn ly phiền não

Cứu cánh tịch diệt"

Nghĩa là:

"Cạo bỏ râu tóc

Cầu cho chúng sanh

Xa rời phiền não

Đến chỗ an vui"

Người đi tu ai cũng phải cạo tóc hết, vì râu tóc tượng trưng cho phiền não; nhưng cạo tóc mới chỉ là hình thức thôi, cạo tâm mới là vấn đề quan trọng; ngày nay cũng có nhiều tông phái không cạo tóc như Tịnh Độ tông ở Nhựt và một số chư tăng Việt Nam theo tân học ở ngoại quốc. Họ ăn vận áo quần tây, viện dẫn lý do là đi học có nhiều người chú ý. Đầu họ không cạo nhẵn, bảo rằng chúng bạn hay xoa đầu mình vì không có tóc. Nhưng hôm nay cô Ngọc Chánh chính thức phát nguyện xuất gia và chính thức trở thành một người nữ tu, đã để cho Sư Chơn Nghĩa cắt trọn mái tóc dài gần một thước mà cô đã dưỡng nuôi lâu nay, quả là điều hy hữu.

Đoạn Sư đọc tiếp:

"Hủy hình thủ chí tiết

Cắt ái từ sở thân

Xuất gia hoằng thánh đạo

Thế độ nhất thế nhân"

Nghĩa là:

"Bỏ mình giữ chí tiết

Cắt ái xa người thân

Xuất gia làm việc thánh

Hay độ tất cả người"

Đúng là ý chí của kẻ trượng phu. Cứ mỗi một chữ, một câu mà Sư Chơn Nghĩa đọc lên là cô Ngọc Chánh cảm động đến rơi nước mắt. Cô biết rằng cái khí tiết của người đi tu trong hiện tại là phải bỏ sự giàu có tạm bợ của thế gian. Xa rời tất cả tình yêu thương vị kỷ kể cả tình thương của gia đình và bè bạn và việc xuất gia hôm nay của mình đây có một ý nghĩa rất cao đẹp là trên đền ơn Tam Bảo, dưới cứu độ quần sanh. Ngay từ bây giờ Phật Tử Diệu Duyên hay cô Ngọc Chánh cảm thấy mình như có một trách nhiệm lớn lao đối với bản thân mình cũng như đối với xã hội.

Đoạn Sư đọc tiếp:

"Thiện tai thiện nữ nhơn

Năng liễu thế vô thường

Khí tục thú nê hoàn

Công đức nan tư nghì"

Nghĩa là:

"Này cô tín nữ kia

Hay hiễu đời vô thường

Xa tục vui Niết Bàn

Công đức khó nghĩ lường"

Đúng là tuyệt diệu. Khi Sư Chơn Nghĩa vừa buông cành dương rảy mấy giọt nước vào đầu của cô Ngọc Chánh và trong giờ phút nầy cô đã ngộ được cái tánh vô thường ấy. Mới ngày nào đó mái tóc mình còn đẹp, còn xinh, duyên dáng mặn mà, bây giờ đây không còn nữa. Niềm vui duy nhất của người tu là cảnh giải thoát và đó mới chính là một công đức to lớn vậy.

Nếu trước kia nàng nghĩ và biết được tất cả những điều như vừa cảm nhận được thì nàng đâu có làm cho Sư Tịnh Thường khổ tâm đến thế. Bây giờ Sư đã chết rồi, và ni cô Ngọc Chánh phải làm sao đây. Cô ân hận lắm và cúi sầm mặt xuống.

Buổi lễ xuất gia cảm động lắm. Tuy không có đông người đến dự nhưng cũng nói lên được ý nghĩa cao thượng của một việc làm. Một người con gái tầm thường yếu đuối, biết hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình để quyết chí tu hành và cứu độ quần sanh.

Sau mỗi thời kinh sáng, chiều cô Ngọc Chánh đều hồi hướng Tây Phương trang nghiêm Tịnh Độ; nhưng cô thấy hình như sức mình không đủ để cầu nguyện cho bà Bảy Diệu Đạo và Sư Tịnh Thường; nên một hôm cô Ngọc Chánh đã bàn với Sư Chơn Nghĩa rằng:

- Trước khi đi xuất gia, con có đi làm và để dành được một số tiền. Bây giờ con muốn dùng số tiền ấy để xây mồ mả cho Sư Tịnh Thường và nhất là làm sao phải làm cho được một đàng tràng chiêu mộ cho linh hồn của Sư và của bà Bảy Diệu Đạo.

- Việc ấy đâu có khó khăn gì. Sư sẽ đi cung thỉnh chư Tăng làm lễ đăng đàn chẩn tế và Sư cũng sẽ cho gia đình của Bà Bảy hay luôn. Nếu họ cùng đến đây để cúng thì hay biết mấy.

Đến ngày rằm tháng bảy năm ấy nhân lễ Vu Lan, Tịnh Xá Ngọc Châu đã làm lễ Chẩn tế cô hồn để cầu siêu độ cho các oan hồn uổng tử, nam nữ thương vong, nhất là hai vong linh của hai người xấu số. Tuy không cùng một cảnh ngộ; nhưng có lẽ họ đã có một nghiệp duyên. Nên cầu nguyện cho họ để biết đâu họ sẽ có cơ hội gặp nhau và giãi bày nỗi uẩn khúc.

Cả gia đình bà Diệu Đạo, con dâu rể, cháu chắt hôm đó đều đủ mặt nơi Tịnh Xá Ngọc Châu để cầu nguyện cho hương linh của bà Bảy. Khi nhìn vị sám chủ tự nhiên người con cả của bà Bảy nhốn nháo lên và quay cuồng trước bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ và hô hoán lên rằng:

"Má ơi! Thôi để con khai! Má đừng hành hạ con nữa. Kể từ ngày má mất đến nay con ăn không ngon, ngủ không yên cũng chính vì công việc của con đã làm. Tuy con không trực tiếp giết má để chia gia tài; nhưng con đã sai người thủ tiêu má. Xin má sống khôn thác thiêng chứng kiến cho lòng con và kể từ nay con xin chừa bỏ và sám hối tội lỗi của mình. Số tiền của ấy con xin dâng cúng và chùa và làm những công việc từ thiện để chuộc lại lỗi lầm xưa". 

Đèn nhang trên bàn Phật như rung đổ. Những vị kinh sư, gia trì đều như nín thở để lắng nghe những lời thổn thức của người con trưởng và khiến cho bao nhiêu người dự lễ hôm đó cũng rất ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì gia đình anh cả con bà Bảy lâu nay sống đầm ấm hạnh phúc, đạo đức như vậy, tại sao lại ra nông nổi ấy. Họ đâm ra thương hại nhà Sư Tịnh Thường và không ngớt lời nguyền rủa thế nhân.

Bây giờ nhà Sư Tịnh Thường cũng đã chết. Nếu Sư còn sống, không biết Sư xử trí như thế nào trong hoàn cảnh nầy đây.

Sau buổi lễ Chẩn tế hôm đó, cô Ngọc Chánh đã xây bia làm mả cho Sư Tịnh Thường một cách tươm tất và cô đã tìm về lại Việt Nam để thăm quê hương xứ sở cũng như để báo tin cho gia đình của Sư Tịnh Thường về sự kiện đã qua. 

Khi về đến Sóc Trăng, cô Ngọc Chánh không biết phải đi tìm ai để báo tin cả. Vì cảnh cũ giờ đây đã thay đổi hẳn, khác xưa rất nhiều. Khi hỏi thăm đến ba mẹ của Sư Tịnh Thường thì mới hay ông bà cũng đã ra người thiên cổ. Cuối cùng cô Ngọc Chánh quyết định tìm đến Tịnh Xá nơi Sư Tịnh Đạo, huynh đệ của Sư Tịnh Thường để báo tin. Mới gặp Sư Tịnh Đạo, cô Ngọc Chánh đã nức nở:

- Bạch Sư! Thế là hết! Không còn gì nữa đâu để mà nói.

- À ! Té ra là Diệu Duyên con đã xuất gia? Và nay pháp danh của con được gọi là gì?

- Bạch Sư! Ngọc Chánh.

- Ai cho con thế phác và ai đã đặt pháp danh cho con?

- Người thế phác cho con chính là Sư Chơn Nghĩa và pháp danh nầy cũng do người đặt cho.

- Còn Sư Tịnh Thường đâu?

- Cô Ngọc Chánh trả lời: Bạch Sư câu chuyện dài lắm.

Thế rồi cô Ngọc Chánh bù lu bù loa kể hết đầu đuôi câu chuyện cho Sư Tịnh Đạo nghe. Người rất mủi lòng và sai đệ tử lên chánh điện để làm lễ cầu siêu cho Sư đệ của mình.

Bây giờ giữa chốn phồn hoa đô hội, biết ai là người chân thật, ai là kẻ giả dối đây? mỗi người hãy tự tu tỉnh bởi chính mình. Hôm nay đốt mấy nén hương nầy để khấn Sư và cầu nguyện cho Sư đệ của ta được tiêu diêu nơi miền lạc cảnh. Ta không ngờ ngày trùng phùng tao ngộ lại là ngày chảy nước mắt bi thương để nghe qua một tấn thảm kịch hơn là một cuộc gặp mặt huy hoàng.

Đêm đó Sư Tịnh Đạo mơ màng nhớ lại tất cả mọi câu chuyện từ xưa đến nay, nhất là từ khi huynh đệ tu hành. Rồi ngày đó Sư Tịnh Thường ra đi mang một lý tưởng, đồng thời cũng đi trốn chạy một vấn đề, không ngờ vấn đề hôm nay lại có một đáp số như thế. Nghĩa là Sư đã chết, cô Diệu Duyên đã đi tu. Sư Chơn Nghĩa là một tình địch của Sư, bây giờ lại là người thế độ Bổn Sư của cô Ngọc Chánh.

Sư Tịnh Đạo nhắm mắt lim dim chuẩn bị ngủ thì thấy hình ảnh Sư Tịnh Thường lại hiện về trước mặt mình và gọi:

- Sư huynh ơi! Sư đệ Tịnh Thường đây. Đợi đệ với!

- Huynh đang ở đây, chứ có đi đâu mà đợi!

- Huynh lầm rồi. Huynh đang ở trong cõi vô hình với đệ đây mà.

Sư Tịnh Đạo nhìn kỹ lên tường thấy hình ảnh của Sư Tịnh Thường đang tọa vị trên một toà sen, mặt mày sáng rỡ và có nụ cười thật tươi. Sư Tịnh Đạo choàng mình ngồi dậy, hai tay chắp lại và niệm lớn lên rằng:

"Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật".

 

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

 

CÂU CHUYỆN GIỮA ĐƯỜNG 

Đường ở đây ai muốn hiểu sao thì hiểu. Đạo cũng được mà đời cũng xong. Nhưng giữa đời và đạo chẳng có gì cách nhau cả, chỉ trong gang tấc cận kề mà thôi.

Khi quý vị đọc quyển sách nầy thấy có 3 đến 4 Chương không liên quan với nhau, nhất là Chương Một và Chương Hai. Bây giờ đến Chương thứ Mười Bảy nầy và kể luôn cả Chương Thứ Mười Tám nữa, đúng ra nó không thuộc vào trong mẩu chuyện "Vụ Án Một Người Tu"; nhưng ít nhiều cũng liên quan đến sự tu hành và người thế tục, nên tôi tạm cho vào đây, không phải cho dày quyển sách, cốt có được nhiều trang cho quý vị đọc, mà chỉ nhằm một mục đích nói lên những sự thật cho thế nhân biết. Nếu được, mỗi người tự sửa đổi một chút có lẽ sẽ đỡ đi nhiều.

Chuyện xảy ra như vầy:

Khi ra đi tị nạn, mọi người Việt Nam chúng ta, trong đó đa số là Phật Tử cũng đã không mang theo được gì nhiều, ngoại trừ lo chạy cho thoát thân. Đến được đảo, lo sao cho mau mau đi định cư. Sau khi định cư xong, mong sao cho có việc làm. Có việc làm rồi, có tiền chút đỉnh lo tiêu xài hoặc giả gởi về Việt Nam cho thân nhân bằng hữu. Cuối tuần họp mặt hội hè hoặc cưới hỏi, ma chay… Chính trong những câu chuyện qua lại ấy nhiều người Phật Tử đã nảy sinh ra việc lập hội, làm chùa và thỉnh Thầy về giảng dạy giáo lý.

Có một số nơi, đã có quý Thầy thì đỡ lo. Thầy sẽ đứng ra lo mọi vấn đề và Phật Tử chỉ có việc hỗ trợ cho Thầy để làm chùa, tạo tượng, đúc chuông thì tạm ổn; nhưng có một số nơi thỉnh Thầy không được, do đó họ tự động kêu gọi xây dựng chùa. Khi chùa chưa có Thầy họ phải tìm mọi cách để đi thỉnh Thầy, thỉnh Cô về trụ trì. Có nhiều người buột miệng nói rằng: Thời buổi nầy nghề tu sao mà đắt giá quá; nhưng chẳng thấy ai tu. Đúng vậy, người tu quá hiếm người ta mới khổ công đi tìm là vậy. Phật Tử ngày nay thì kén chọn dữ lắm. Họ nghĩ rằng: một người tu thì phải thế nầy, một người tu phải thế kia, v.v… nếu người tu không hợp với nhãn quan của họ, họ lại mời Sư ra đi.

Sau đây là một số câu chuyện có thật, xin kể để hầu quý vị.

Chuyện xảy ra ở Pháp vào thời điểm 79, 80 gì đó. Có một bà thí chủ rất giàu đạo tâm và giàu cả vật chất. Đi đâu bà cũng khoe là đã ấn tống kinh nầy, kinh kia nhưng đều để ẩn danh hết. Một hôm nọ bà bảo tôi rằng:

Hồi còn ở Việt Nam con ấn tống kinh đó một triệu đồng, Thầy giở ra mấy trang cuối trong phương danh ấn tống thì thấy. Đó là gia đình con. Thầy xem cho biết thôi, đừng nói với ai làm gì.

Bà nầy Phật Tử theo Nam Tông; nhưng cả Nam lẫn Bắc Tông bà đều thông hiểu.

Bà và Ban Tri Sự một chùa nọ có thỉnh một vị Sư cũng danh tiếng lắm, đã đỗ Tiến sĩ triết học bên Ấn Độ, chứ đâu phải tầm thường. Dân du học mà. Ban đầu khi về chùa đây Thầy trò vui vẻ lắm. Bỗng một hôm chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, Thầy trò đối thoại với nhau không nể lời và bà ta nói xẵng giọng:

- Tôi nói cho Sư nghe! Sở dĩ lâu nay tôi lạy Sư là tôi lạy chiếc áo của Sư chứ đâu phải lạy Sư. Chiếc áo tượng trưng cho Đức Phật, nên tôi mới lạy, Sư đừng nghĩ tôi lạy Sư mà lầm.

Ông Thầy cũng chẳng vừa chi. Vì ông ta có học mà.

Ông ta cũng hạ giọng thật lớn:

- Mô Phật! Điều ấy không sai, nhưng không hoàn toàn đúng. Giả sử bây giờ tôi đi tắm, bà đến chùa không thấy tôi, chỉ thấy chiếc y tôi treo ngoài kia kìa, bà có đến chiếc y đó để lạy hay không?

Bà Phật Tử cụt hứng chạy vào nhà bếp thu dọn hành lý và quày quả ra đi. Còn Sư chẳng bao lâu sau Sư cũng từ giã xứ Pháp và sang Hoa Kỳ để định cư. 

Lời bàn:

Thật ra Phật dạy: Y pháp bất y nhơn rất đúng. Nghĩa là nương vào giáo pháp của Đức Phật để tu, chứ đừng nương vào con người. Vì con người còn có khi sai, khi đúng. Ở đây, bà Phật Tử nầy quá chấp, nhưng cũng quá thiên về vô vi không coi vị Sư nầy ra gì, nên mới có cách đối xử như thế. Nếu có Pháp của Phật mà Tăng không hoằng truyền giáo pháp ấy thì giáo pháp kia cũng không phát triển được. Nếu để một chiếc y đó nguyên một chỗ, chiếc y nó cũng chỉ có giá trị một miếng vải không hơn không kém mà thôi. Khi người Tăng sĩ mặc chiếc y ấy vào, thực hành giáo pháp của Đức Phật, chiếc y ấy mới xứng đáng với giá trị của nó chứ. Vì vậy cũng đừng xem nhẹ phương tiện, chỉ nhắm đến mục đích, mà xin nhớ rằng mục đích và phương tiện đôi khi cũng phải tương xứng với nhau.

 

Một câu chuyện khác cũng xảy ra tại Âu Châu, như sau:

Nguyên là ở các xứ tự do nầy, cứ 7 người hợp lại có thể thành lập một đoàn thể, rồi lập ra nội quy, điều lệ, là hợp thức với chính quyền rồi. Ở một nước nọ, Phật Tử còn khan hiếm, làm sao Sư tìm ở đâu cho đủ 7 người mà lập hội. Vì vậy nên khi lập Hội, quý vị Phật Tử có mời Sư giữ chức Hội Trưởng; nhưng Sư từ chối có lý do; "Chữ nghĩa ở đây tôi không biết, làm Hội Trưởng để làm gì? Vả lại va chạm với tiền bạc, luật pháp tôi không ham đâu, quý vị làm đi, để tôi chỉ cố vấn cho Hội thôi".

Vì tập hạnh hỷ xả nên Sư chẳng màng danh lợi chi. Điều đó cũng đúng với luật lệ của nhà chùa thôi. Nhưng khi có những vấn đề quan trọng ra biểu quyết thì Sư không có quyền. Sư chỉ là cố vấn thôi. Vì vậy Sư cảm thấy mình bị Hội coi thường, có vẻ hất hủi Sư. Khi ra ngoài, nhiều người thêm mắm giặm muối vào, khiến Sư cũng buồn. Họ bảo rằng:

"Sư ở đó làm gì nữa? Tất cả chức vụ quan trọng Hội đều nắm hết. Sư không có quyền gì ráo trọi. Sư chẳng khác gì một ông Từ giữ chùa. Mà ông Từ giữ chùa còn có hoa quả bánh trái. Còn Sư ở đây không có một quyền lợi gì cả. Vậy Sư ở đây để làm gì? Tiền bạc cũng không có quyền kiểm soát và nhất là thùng phước sương, tại sao Sư không được có chìa khóa để mở v.v… và v.v…

Sư nghe người nào nói cũng có lý, Sư bèn hỏi ý của một số người khác, bây giờ phải tính sao đây? Lại có người bày Sư phải ra một liên danh khác để bầu cử trong ấy Sư làm Hội Trưởng và tụi con sẽ hỗ trợ Sư. Cuối cùng rồi cũng phải làm theo tính cách dân chủ nầy; nhưng phía kia có tính cách gian lận, không bầu cử công khai. Sư lần này bị ra rìa và nghe lời xúi giục của những người khác nên Sư lại đi kiện Hội.

Đây là điều làm cho thế nhân dị nghị chê cười. 

Lời bàn:

Phàm việc gì thuộc về nội bộ; nên giải quyết trong nội bộ với nhau. Thầy và Hội hay Thầy và Phật Tử cũng giống như cha mẹ đối với con cái. Chuyện gì không phải hãy bàn bạc với nhau cho kỹ lưỡng, không nên đem ra pháp luật và nhờ pháp luật can thiệp. Quả là điều đáng trách cả Hội lẫn Thầy.

Sống ở xứ nầy đi làm việc đạo thấy có nhiều điều mà ở trong nước không thể nào tưởng tượng nổi. Ví dụ có một số chùa ở Mỹ và Canada có những việc như sau, xin kể để quý vị nghe và rút kinh nghiệm.

Khi chùa chưa có Thầy thì Phật Tử nằng nặc đòi có Thầy cho được. Sau khi đã coi tướng coi tá ông Thầy xong rồi (Làm như đi coi mắt nàng dâu không bằng). Sau đó mới cung thỉnh. Lễ thỉnh trang trọng lắm., cả Ban Trị Sự đều cúc cung thành kính thỉnh Thầy. Sau khi Thầy về chùa ở, Thầy cũng tâm lý lắm chứ, thu phục hầu hết nhân tâm của Phật Tử, lúc bấy giờ Thầy mới bắt đầu rỉ tai với mọi người quen biết là Ban Trị Sự khó chịu, không cho Thầy trọn quyền coi sóc việc chùa; nên Thầy muốn ra ở riêng. Khi nghe Thầy nói như vậy, quý Phật Tử thân tín nỡ nào để Thầy trơ trọi một mình, nên lại phải lạc quyên để xây chùa to Phật lớn cho Thầy để Thầy có toàn quyền. Thế là ngôi chùa cũ vắng tanh như Chùa Bà Danh không bằng. Dĩ nhiên Phật Tử thấy chùa có Thầy thì tới, còn chùa không có Thầy làm sao linh bằng; nên chùa cũ vắng vẻ lắm. Tuy nhiên Ban Trị Sự cũ vẫn gồng mình tiếp tục gánh vác công việc chung. Một thời gian sau sóng gió đã tạm yên, công việc chùa tạm ổn thì một số Phật Tử cũ lại lục tục kéo về và hỏi ra mới biết, họ chạy theo Thầy để lo cho Thầy; nhưng Thầy đã phụ lòng họ, nên họ phải trở lại chùa xưa; nên nhiều người đã thốt lên rằng: "Đường đường Tăng tướng, dung mạo khả nghi", khiến ai nấy cũng xót dạ vô cùng. Đời nầy sao có nhiều chướng duyên quá.

Một chuyện khác cũng xảy ra tại xứ Mỹ.

Có một Thầy có một đệ tử sang tạn tại đây và được đón vào trong một chùa đã được xây dựng sẵn để ở. Thời gian đầu giữa Thầy và Ban Trị Sự cũng vui vẻ lắm; nhưng một thời gian sau giữa Thầy và Ban Trị Sự đụng độ với nhau, do đó có một nhóm Phật Tử lại đón Thầy và Cô ra. Nhóm nầy cũng tận tụy lắm; nhưng sau đó các Phật Tử đề nghị Thầy là nên gởi Sư Cô đi học chỗ khác. Thầy không đồng ý và giữ cô ở lại chùa, thế là bất mãn và Thầy dọn ra làm chùa khác, còn Phật Tử mở thêm một chùa khác nữa.

Lại cũng chuyện tại xứ Mỹ.

Khi Cô chưa đến thì Hội sinh hoạt bình thường. Khi cô đến rồi thì Cô muốn là Hội giao quyền quản trị lại cho Cô và sau đó Cô bàn với một số quý vị trong Ban Trị Sự làm lễ hiến dâng tài sản ấy cho Giáo Hội. Lúc ấy quý vị trong Bạn Trị Sự thấy cũng hữu lý thôi. Vì tài sản đây là tài sản chung mà. Khi làm giấy tờ có Luật sư đàng hoàng; nhưng sau khi giấy tờ đã ký rồi thì một số hội viên phản đối và gởi thư đi tứ tung tố là Cô và Thầy đã cướp chùa của Hội. Vụ nầy kiện tụng lung tung mà mang tai mang tiếng tại xã hội cờ hoa nầy không ít.

Bên phía Phật Tử họ cũng không vừa gì. Vì có nhiều nhóm mượn đạo tạo đời nên vào chùa lập vây lập cánh với nhau. Chuyện Đạo chẳng hiểu chữ nhứt một; nhưng đi đâu cũng oang oang tự đắc là ở Việt Nam đã quy y và có ở chùa nữa. Nhưng bên trong thì thâm trầm tổ chức một kế hoạch nhằm thu phục nhân tâm về phe mình. Trong hcùa có hai phe phái rõ rệt nhau. Một phía theo Thầy ủng hộ Thầy hết mình. Một phía chống lại phái theo Thầy. Bên phái chống lại Thầy bày ra một màn lả lướt ngoạn mục như xưa nay chưa từng thấy xảy ra ở cửa thiền. Đó là mỹ nhơn kế.

Phía phá hoại đã rập tâm và cho một cô gái rất đẹp, ăn mặc hở hang vào phòng Thầy thủ sẵn, chờ Thầy về là dở trò ong bướm. Phái này cho máy chụp hình, quay phim sẵn để thâu hết vào máy để làm bằng chứng và tống cổ Thầy ra khỏi chùa vì lăng nhăng nữ sắc và đó cũng là cơ hội tốt để phe nầy thanh toán phe kia: nhưng may làm sao là hôm đó sau khi đi học về, Thầy không về chùa mà đến nhà một Phật Tử. Phe nầy chờ đến tối Thầy không về, đành thu hồi chiến lược.

Đúng là Hộ Pháp đã giúp Thầy. Chắc Thầy nầy còn tu hành tinh tấn. Nếu không! dầu bất cứ dưới hình thức nào Thầy cũng mang họa.

Lời bàn:

Nếu muốn tranh bá đồ vương thì hãy ra chốn sa trường mà quyết ăn thua đủ. Xin đừng lợi dụng cửa chùa để làm cho mang tai mang tiếng ông Thầy bà Cô khổ lắm. Phước đâu không thấy đã thấy tội tầy trời. Tội nầy thì đất cũng chả dung mà trời cũng chẳng tha đâu. Ông Thầy đâu phải là vật hy sinh tế thần mà Phật Tử làm vậy? Tội ấy không nhỏ đâu. Bởi thế nên có nhiều Thầy ví von nói rằng: ngày nay tại ngoại quốc, nhiều nơi đã lập ra Ban Trị Sư chứ không phải lập Ban Trị Sự để làm việc đạo.

Một chuyện nữa cũng xảy ra tại Hoa Kỳ. Vì Hoa Kỳ là nước lớn, có gần một triệu người Việt, nên chuyện xảy ra ở nơi đây cũng rất nhiều.

Có chùa nọ thấy rằng việc đón Sư, mời Thầy về trụ trì thấy nó phức tạp quá, bèn nghĩ ra một cách "thuê Sư". Nếu Sư nào đó đến chùa làm lễ cầu an, cầu siêu và cúng vong sau một tiếng đồng hồ, trả Sư 50 đô-la, rồi Sư về chùa Sư ở, còn chùa nầy thì Ban Trị Sự ở đây lo.

Nghĩ thế cũng lưỡng lợi cả hai bên. Sư cũng có tiền mà khỏi bị thị phi nhơn nghĩa. Còn Hội cũng có mối lợi thu vào; nhưng cũng khỏi bị Sư chi phối.

 

Lời bàn:

Người đi tu đâu phải vì bả lợi danh và quyền cao chức trọng mà phải đi tụng kinh thuê như vậy. Vì sự nghiệp cũng như nghề nghiệp của Sư đâu có phải là nghề tụng kinh, mà sự nghiệp của Sư là trí tuệ kia mà! "Duy Tuệ Thị Nghiệp". Người đi tu là người cầu giải thoát, chứ không phải cầu tiền tài. Cũng vì vậy cho nên nhiều hội đã cho các Sư ngồi chơi xơi nước và bảo rằng: Quý Sư chỉ lãnh đạo tinh thần thôi. Còn vật chất thì Hội phải lãnh đạo chứ".

Một chuyện khác cũng khá hấp dẫn và cũng xảy ra tại Hoa Kỳ.

Chùa nầy không có Thầy; nhưng một bên là Ban Trị Sự và một bên là quần chúng Phật Tử tranh nhau ngôi chùa. Bạn Trị Sự đứng về mặt pháp lý họ đầy đủ quyền hành trong việc xây dựng cũng như điều khiển ngôi chùa nầy. Nhưng quý Phật Tử họ không đồng ý và nói rằng họ có công có của đóng góp vào đây rất nhiều nên cũng phải có quyền quyết định nữa. Hai bên giằng co hơn thiệt. Câu chuyện cứ kéo dài mãi đến nỗi mỗi chủ nhật cùng một thời điểm, bên trong Ban Trị Sự tụng kinh cầu an thì bên ngoài sân chùa nhóm Phật Tử chỏ miệng vào bên trong tụng kinh cầu siêu. Không khí còn hơn cái chợ. Vì ai cũng lớn tiếng tụng cho át bên kia. Cuối cùng rồi phải nhờ đến Luật sư dàn xếp. 

Lời bàn: Luật sư họ đâu có biết tu, chỉ biết có luật mà quý Phật Tử đã sợ rồi. Trong khi đó giữa Ban Trị Sự và Phật Tử, cả hai đều không biết tu mơi ra nông nỗi ấy. Không biết làm như thế có lợi cho ai? Chỉ cốt cho thế gian và ngoại đạo cười cho thôi.

Ở Mỹ và Canada có nhiều chuyện ngộ nghĩnh lắm mà các xứ Âu Châu ít thấy. Điều ấy cũng dễ hiểu như trên vừa mới trình bày. Nơi nào càng đông dân Việt Nam nơi đó cũng ăn nên làm ra; nhưng chính nơi đó cũng là nơi nhiều chuyện nhất.

Bây giờ sang đến Úc.

Đất Úc là nơi rất rộng và cũng đông dân cư Việt Nam, nên cũng có lắm chuyện.

Nguyên là mấy Thầy và Phật Tử tin tưởng với nhau và cùng chung nhau lại để mua một ngôi nhà làm chùa. Tất cả đều dồn tiền và để một vị trụ trì đứng tên thôi cho đỡ rắc rối về vấn đề luật pháp. Nếu khai báo đây là một ngôi chùa thì phải đầy đủ phương tiện hơn mới được chấp nhận như vệ sinh công cộng, cứu hỏa v.v… cứ thế và cứ thế, tiền vào và lợi danh cũng vào theo, nên Thầy trụ trì manh tâm đoạt chùa và tất cả tài sản của cải đều vào Konto riêng của mình. Còn Hội thì khôg có gì cả!

Đến khi Thầy trụ trì trở mặt muốn chiếm làm của riêng thì mọi việc đã xong rồi. Lúc bấy giờ cũng đã kiện thua; nhưng tất cả đều quá muộn.

Lại cũng chuyện xảy ra tại Úc.

Một chùa nọ, khi đang xây cất, kêu gọi với tư cách Giáo Hội; nhưng khi xây cất hoàn thành, biến thành của Tông phái mình và nghe đâu còn hạn hẹp hơn nữa là làm di chúc để lại cho gia đình mình nữa. 

Lời bàn: Không biết nửa tháng, ít nhất là trong mùa an cư kiết hạ của mỗi năm chư Tăng có tụng giới Bố Tát không? Nếu có thì làm sao ra nông nỗi ấy được. Vì của cải là những thứ hữu hình hữu hoại mà, chỉ có giới đức mới tồn tại lâu đời chứ. Làm sao lại làm những chuyện mà giới luật không cho phép như thế được?

*

Đi đâu cũng nghe Phật Tử than về Thầy mình và ngược lại ông Thầy cũng hay than về Phật Tử cũng không ít. Đại để Phật Tử than về Thầy như sau:

- Tại sao Thầy không hớt cái tóc cho nó ngắn lại dễ coi không?

- Tại sao Thầy mặc đồ tây đi học mà không mặc đồ tu?

- Tại sao Thầy đi cái xe gì mà sang quá vậy?

- Tại sao Thầy chở mấy cô Phật Tử trẻ ấy đi hoài?

- Tại sao sáng Thầy không tụng kinh Lăng Nghiêm?

- Tại sao Thầy ở không mà Thầy không chịu đi học ngoại ngữ?

- Tại sao Thầy vừa ăn chay lại vừa ăn mặn? v.v… và v.v…

Thôi thì có hàng ngàn câu hỏi tại sao và sau đây là hàng ngàn lý do để trả lời:

Sỡ dĩ Thầy không cạo đầu như ở Việt Nam vì ở đây lạnh lắm. Mùa đông trừ 3 đến 40 độ C kia mà, cạo riết nó sưng màng óc làm sao? Vả lại phải đi vào trường học và đi làm thêm nữa, tụi bạn nó thấy đầu mình không có tóc, chúng nó lại trêu chọc nữa. Vả lại bên Âu Mỹ nầy nè, chỉ có người bị tù mới cạo tóc mà thôi.

Còn hỏi tại sao Thầy không mặc đồ tu đi học mà mặc đồ tây – thì đây là câu trả lời - Vì tụi Mỹ nó tưởng mình hippy. Đầu cạo nhẵn áo mặc thùng thình nó tưởng mình hippy kiểu mới nên cứ bị trêu chọc hoài.

Còn đi chiếc xe cũ nó hư hoài nên phải đi xe mới cho đỡ bị sửa chữa. Vả lại xứ Mỹ, xứ Úc, Canada nó rộng thênh thang, đi xe cũ rủi hư giữa đường thì làm sao mà sửa. Khi đi không lẽ đi một mình, cũng tốn xăng như vậy thôi, nên mấy bà mấy cô mới xin đi ké. Đó là lý do, chứ đâu phải chở riêng cô nào đâu.

Còn nữa, sáng sớm nào cũng phải đi học, đi làm, chỉ có cuối tuần là rảnh, tụng Lăng Nghiêm thập chú cũng được rồi. Cần gì phải tụng đủ, vì qua đây chắc Phật cũng châm chế mà. Thời đại kim tiền nầy, thì giờ đâu mà ngồi đó ê a sợ tụi Mỹ nó cười cho.

Bây giờ Thầy lớn tuổi rồi học ngoại ngữ sao vô? Thôi thì có chữ nào xài chữ nấy.

Còn việc chay tịnh thì ở đây khó giữ lắm. Đi làm, đi học giữa đường, giữa chợ, có gì dùng nấy cho nó xong, chấp nhứt làm gì những cái nhỏ nhặt đó.

Ngược lại phía quý Thầy cũng trách quý Phật Tử như sau:

Mấy ông nội đó đâu có biết đạo là gì? Tới chùa xem nhà Sư chẳng ra cái gì hết, như kẻ ăn người ở không bằng! Mấy ông ấy ỷ lại vào bằng cấp nên coi người tu không ra gì cả. Còn mấy bà ỷ có tiền nên xài xể Sư, hoặc giả sai sử Sư, Thầy cũng đâu có khác gì ông Từ? Họ vào chùa ăn xả ra đó, rồi về nhà. Còn mình cong lưng ra dọn chùa để họ tới bắt chân chữ ngũ ngồi nói chuyện thế gian. Còn nữa, có dịp tụm năm, tụm ba lại là nói chuyện hơn thua, bài bạc, tiền của chứ có bao giờ nghe họ nói đến chuyện tu học đâu? v.v… và v.v…

Đây là câu trả lời của họ. Sở dĩ chúng tôi chưa biết đạo cho nên chúng tôi mới đi chùa. Chứ biết rồi thì đi làm gì nữa. Còn bằng cấp, địa vị đâu phải là một cái tội. Nếu có chăng, chỉ vì mình không biết xử dụng đến nó mà thôi. Chúng tôi không phải đến chùa để khoe bằng cấp, mà vì quen thói ngoài đời nên mới giới thiệu ông nọ bà kia vậy thôi. Nếu chúng tôi có nhỡ lời với quý Sư, vì cứ nghĩ quý Sư cũng bằng tuổi con cháu của tôi ở nhà nên mới nhờ bưng chén trà, chén nước. Còn chùa chiền dựng lên là để đón khách thập phương. Nên việc coi sóc chùa chiền là của quý Thầy, quý Cô, quý Sư, quý Sãi chứ đâu có phải của tụi tui. Mỗi chiều chủ nhật trông cho lễ xong là phải về nhà để ngày mai còn đi cày nữa chứ. Chỉ quét dọn, sửa soạn có chút xíu là quý Sư đã la hoán lên rồi…

Đại khái, đó là những chuyện bình thường hay xảy ra tại chùa và đây là vài nhận xét.

Nếu đem Luật sư mà tranh cãi, dĩ nhiên có bên thắng bên thua và ở đây, chúng ta phải đem lương tâm của mỗi người ra tự cải, rồi tự chúng ta xét xử chúng ta mới hay hơn. Vì bên nào cũng cho mình là đúng, là phải nên mới làm việc ấy. Không bên nào tự thấy được rằng cả hai bên đều quan trọng như nhau cả, nếu thiếu một trong hai ắt sẽ không thành. Nếu có vị Thầy giỏi mà không có Phật Tử hỗ trợ, việc ấy ắt cũng sẽ chẳng thành công. Ngược lại có Phật Tử giỏi mà không có Thầy thì công việc cũng không thông suốt. Có một câu chuyện trong Kinh Bách Dụ ngày xưa Đức Phật đã dạy đệ tử của Ngài, xin chép vào đây để làm bài học căn bản.

Câu chuyện được kể về đầu rắn và đuôi rắn.

Một hôm nọ đầu rắn và đuôi rắn cãi nhau. Đuôi rắn cứ giành đi trước, đầu rắn không chịu cứ giằng co nhau mãi. Một hôm đầu rắn đồng ý để cho đuôi rắn đi trước.

Cũng vì đuôi rắn không có mắt nên đi bụ sụp hầm.

Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi; nhưng lời bàn trong Kinh Bách Dụ thì thấm thía lắm. Đầu rắn ví như cha mẹ, Thầy Tổ, người lãnh đạo một tổ chức. Xòn đuôi rắn giống như con cái, tín đồ v.v… Con cái càng ngày càng lớn cũng như tín đồ càng ngày càng phát triển, cũng muốn chứng tỏ cho cha mẹ mình, cho Thầy Tổ mình biết mình là người đã trưởng thành nên giành quyền lãnh đạo. Cha mẹ vì thương con hoặc cả nể cho nên đã cho con cái mình làm việc ấy. Tuy có khả năng đó; nhưng thiếu kinh nghiệm, nên cuối cùng đã bị sụp hầm.

Từ câu chuyện nầy chúng ta thấy rằng: một con rắn không thể thiếu đầu hoặc thiếu đuôi được, mà cả đầu lẫn đuôi phải hòa hợp với nhau mới có thể mang cái thân rắn đi đến nơi đến chốn. Từ đó chúng ta nhìn về cách tổ chức của chúng ta cũng vậy. Tuy rằng ông Thầy hay cha mẹ mình già nua rồi, cổ lỗ sĩ lắm rồi; nhưng nếu không có những người nầy thì chúng ta không thể học hỏi kinh nghiệm được. Chúng ta nên từ cha mẹ mà đi lên, chứ không nên nhận chìm cha mẹ xuống để mình bước lên đài danh vọng trước sau gì rồi cũng bị sụp hầm.

Hai tổ chức, hai đoàn thể đạo đời cũng giống như hai bông hoa đẹp. Nếu để xa nhau đã đẹp rồi, phải đem ghép chung lại vào nhau thì càng đẹp hơn nữa. Còn ở đây mọi người chỉ tự hãnh diện về đóa hoa của mình và chê đóa hoa khác là xấu xí, là dư thừa v.v… Không ai tự thấy rằng hoa nào cũng được trưởng dưỡng từ những đống phân dơ cả. Phân bón càng dơ, cây cỏ hoa lá càng tốt. Người nào từ chỗ tội lỗi, vượt thoát và vươn lên cao, quả kẻ ấy có ý chí vô cùng. Nếu ai cũng tự nhìn mình và tự hiểu rằng mình từ đống phân mà ra, rồi trổ bông sinh trái và hoa chính từ phân, phân chính từ hoa, hoa chính là phân và phân chính là hoa thì hòa hợp biết bao và đẹp đẽ biết bao.

Một câu chuyện khác tôi cũng đã có dịp đề cập trong những quyển sách khác rồi; nhưng thiết tưởng viết lại đây cũng không thừa; nên gởi đến quý vị để làm quà.

Một ông Giáo sư Tâm lý học, một hôm vào lớp không mang sách vở gì cả, chỉ trừ một tờ giấy trắng và một cây bút đen. Sau khi Thầy trò đã chào hỏi nhau, ông ta lấy cây viết đen, chấm lên một chấm nhỏ đậm trên tờ giấy trắng, đoạn ông ta giơ cao lên cho mọi người thấy và bắt đầu hỏi:

- Các anh chị em sinh viên có thấy gì đây không?

- Thưa Thầy, tụi em có thấy.

- Thấy gì?

- Thấy một chấm mực đen.

Ông Thầy chậm rãi xuống giọng và giải thích:

Thật ra mấy anh chị em thấy như thế cũng không sai; nhưng không hoàn toàn đúng. Vì sao vậy? Vì tờ giấy trắng to như vậy tại sao các anh chị em không thấy, mà chỉ thấy một chấm đen? Từ nay các anh chị em nên đổi cách nhìn đi. Tờ giấy trắng cũng như cái hay cái đẹp của người khác mà chúng ta dễ quên đi, hay cố tình quên đi, trong khi chấm mực đen nhỏ có một chút xíu cũng giống như lỗi nhỏ của con người thì chúng ta dễ thấy vô cùng. Nếu chúng ta ai cũng đứng từ quan điểm chấm đen ấy để nhìn và phê phán sự việc, té ra trong tâm chúng ta toàn là những vết đen thì việc nhận xét của chúng ta về một đối tượng nào đó nó mang đầy tính chất thành kiến, làm sao công bình được và mong rằng bài học hôm nay sẽ giúp ích cho các anh chị em về sau nầy trong cuộc sống hằng ngày.

Bài học ấy cũng chính là bài học của chúng ta ngày hôm nay hay cho cả mai hậu nữa. Thầy chỉ toàn thấy chấm đen của Phật Tử, ngược lại Phật Tử cũng toàn thấy chấm đen của Thầy. Không ai trong chúng ta tự thấy hoặc bảo cho người khác cùng thấy cái hay cái đẹp của Thầy và của các Phật Tử cả. Đó là một sai lầm rất lớn.

Chúng ta phải thấy về Thầy như thế nầy. Trong cuộc sống đua chen danh lợi như thế, mà Thầy quyết bỏ lại sau lưng, giã từ cha mẹ, người thân vào chùa tu niệm, sống đời khổ hạnh như thế chỉ nhằm tự cứu mình và cứu đời quả là một hạnh nguyện Bồ Tát đáng ca ngời biết bao.

Từ phía quý Thầy, chúng ta cũng phải ca ngợi quý Phật Tử rằng. Trong cuộc sống bận rộn như thế, ngoài việc lo sinh kế cho gia đình, bận rộn suốt tuần, chỉ có cuối tuần mấy ngày rảnh lại phải hy sinh hết cho việc chùa, quả là một tấm gương hết sức cao đẹp, chúng ta nên lấy đó tự soi chung. Và còn nhiều cách khác để tán dương hơn nữa. Dĩ nhiên khi chúng ta thấy những điểm tốt của người khác, không có nghĩa là chúng ta bao che những lỗi lầm cho nhau; nhưng nói thế để tăng lòng tin và nói thế để hăng hái trong công việc hằng ngày.

Ở đây có vài điều cũng cần phải lưu ý. Về phía quý Thầy phải tự nỗ lực hơn nữa trong việc tu và việc học. Chúng ta không phải cậy chiếc áo nhà tu để được lợi dưỡng và được cung phụng, mà chúng ta phải chứng minh cho tín đồ thấy rằng chúng ta đã cố gắng hết mình và chúng ta có khả năng để lãnh đạo quần chúng.

Phía tín đồ cũng thế, hãy dừng ngay ở cương vị của mình là một Phật Tử. Không nên đi quá trớn như một "mẹ Sư" thì nguy hiểm vô cùng. Vì Phật Tử tại gia cố gắng trong nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo của mình chứ không phải là nhiệm vụ chi phối ngôi Tam Bảo. Nguy hiểm lắm. Phải nhớ là Thầy trò, đệ tử giống như đầu rắn và đuôi rắn bên trên; phải cùng nhau hợp sức lại thì mới tạo dựng được việc to lớn hơn. Nếu không, chúng ta sẽ dẫm chân tại chỗ.

Phải kiên nhẫn hơn nữa để giải quyết sự việc. Phải hạ mình hơn nữa để tự tu thân và hãy tự kiểm điểm mình về mọi phương diện thì mơi mong thành công một cách trọn vẹn được.

Gương người xưa còn nhan nhản ở đó, tại sao chúng ta không học hỏi để tự tôi luyện mình. Ví dụ chuyện các ông vua bà chúa của xứ ta hay trên thế giới ngày nay cũng vậy. Đâu có ông nào đậu cử nhân, tiến sĩ, mà họ đã cai dân trị nước mấy ngàn năm. Nước thịnh dân cường. Quả nhiên điều ấy không phải chỉ cần tài, mà đức hạnh của ông vua phải nhiều và phải cao rộng mới cảm hóa lòng dân được. Còn ngày nay thế giới nầy, họ cai trị bằng tài, nhưng thiếu đức. Do vậy nên thế giới chiến tranh loạn lạc triền miên. Thiên tai bão lụt khắp nơi, hạn hán, mất mùa, thiên nhiên bị hủy hoại làm cho con người cũng bị ảnh hưởng lây.

Từ những hình ảnh đơn thuần mộc mạc ấy Tăng Đoàn chúng ta phải củng cố nhiều hơn nữa để trở về lại cương vị của mình, như người con tìm về nơi cố hương với cha mẹ. Xin đừng từ bỏ quê cha đất tổ lâu quá. Còn Phật Tử hãy nỗ lực và tự hạ mình xuống để làm nhiệm vụ của kẻ hộ đạo thì mới mong Phật Giáo được phát triển như các nước tại Á Châu, như Thái Lan, Tây Tạng v.v…

Nói và viết về những việc trên sợ rằng "bứt dây sẽ động rừng"; nhưng đây chỉ là một chứng liệu khi làm việc đạo tại xứ người mà thôi. Không nhằm mục đích khiêu khích và nhất là chê bai cá nhân hay đoàn thể nào cả. Vì dẫu sao suốt 20 năm qua chúng ta đã hy sinh quá nhiều rồi. Hy sinh cho dư luận báo chí đục giữa. Hy sinh cho nhiều mưu đồ chính trị khác nhau. Hy sinh cho những sự chống đối vô nghĩa. Chúng ta cũng đã làm vật tế thần cho các tổ chức chính trị nhiều rồi. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy tự thức tỉnh mình để trở về vị trí của mỗi người. Có thế mới không hoài công của chư Phật và chư Tổ đã cưu mang chúng ta và mong mỏi đón tiếp chúng ta nơi cõi giải thoát kia.

 

CHƯƠNG MƯỜI TÁM

 

KẾT LUẬN

Tôi bắt đầu viết sách nầy vào ngày 21 tháng 6 năm 1995 tại thư phòng Chùa Quan Âm tại Montréal, Canada, và cho đến hôm nay là ngày 28 tháng 6 năm 1995, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 46 của tôi, tôi cố gắng để hoàn thành làm món quà nho nhỏ cho tất cả quý Phật Tử Chùa Quan Âm tại đây và cũng là món quà gởi về xứ Đức cho chư Tăng Ni và Phật Tử tại đó, nhất là nơi Chùa Viên Giác, nơi chúng tôi đang trụ trì.

Như vậy tác phẩm nầy gần 300 trang viết tay, nếu đánh máy lại chắc cũng hơn 200 trang. Một cuốn sách như thế cũng vừa. Vì nhiều trang cầm tay cũng nặng và có nhiều người lười đọc.

Tôi phải biết ơn tất cả mọi người nơi đây, nhất là Ban Trị Sự của Chùa Quan Âm, mỗi ngày đều chia phân ra để lo cơm nước cho tôi, lo bút mực cho tôi, lo giấc ngủ cho tôi v.v… Xin cảm ơn tất cả. Nhờ thế mà tôi có thì giờ để mỗi ngày có thể viết liên tục trong 5 tiếng đồng hồ. Vì vậy tác phẩm nầy đã hoàn thành trong một thời gian kỷ lục chỉ có 6 ngày. Mỗi tiếng đồng hồ tôi viết độ chừng 10 trang giấy. Như vậy trong 300 trang nầy phải cần 30 tiếng đồng hồ, 30 tiếng đồng hồ ấy giá trị vô ngần. Vì chung quanh tôi, mọi người đều lo lắng cho tôi, để cho tôi được yên mà viết.

Đặc biệt anh Thị Pháp Huỳnh Phước Bàng đã cận kề và lo lắng cho tôi từng tờ giấy, từng cây viết, từng trái cây, từng ly nước, từng tách trà để tôi yên thân mà viết và quý Bác đã chăm sóc từng miếng ăn, thức uống, chỗ nghỉ ngơi, làm việc v.v… mới có thể hoàn thành tác phẩm nầy.

Cứ mỗi ngày tôi thức dậy lúc 5 giờ 45 phút, sau khi súc miệng rửa mặt, tập thể dục vài phút rồi lên chánh điện. Tại chánh điện tôi ngồi thiền độ 15 phút, sau đó tụng kinh Lăng Nghiêm và kinh hành nhiễu Phật. Sau đúng một tiếng đồng hồ tôi xuống tăng phòng, pha trà uống ba chén. Tiếp đến là cầm bút viết liên tục trong vòng một tiếng đồng hồ đến 8 giờ sáng là giờ điểm tâm.

Giời điểm tâm cũng là giờ để gặp gỡ mọi người trong chùa, nên tôi ngồi nán lại đến 8 giờ rưỡi hoặc 8 giờ 45 phút. Sau đó đi dạo khắp vườn chùa, xem hồ sen và vườn rau cải cho tâm hồn thảnh thơi, xong vào lại thư phòng, uống trà và bắt đầu viết từ 9 giờ đến 10 giờ. Sau đó nghỉ độ 30 phút. 10 giờ 30 viết đến 11 giờ 30 là nghỉ trưa. Vì mấy bữa nay sao trời nóng quá. Đã hơn 15 năm qua tôi đến Canada mỗi năm ít nhất là một lần; nhưng chưa bao giờ đến được vào mùa hè. Năm nay vì việc chùa bên Đức cũng tạm yên, nên tôi có hứa là sẽ đến Canada an cư kiết hạ một tháng. Khi đến đây, máy bay trước khi đáp xuống phi trường Montréal ngày 19.6.95 báo rằng nhiệt độ ở đây 36 độ C. Nghe mà toát mồ hôi. Vì sáng đó tại Đức, từ chùa đến nhà "gare" Hannover để đi phi trường Frankfurt tôi nói tài xế xe hơi phải bật sưởi mới đỡ lạnh được. Bên Đức, nhiệt độ chỉ có 8 độ thôi. Cũng vì lẽ đó tôi mang theo trong va-ly kỳ nầy toàn là đồ mùa đông nên khi mặc vào, nực nội vô cùng.

Nhưng năm trước tôi đến đây vào mùa thu và mùa Đông. Cũng đã có nhiều lần tôi tả về mùa thu Canada đăng trong Viên Giác và trong quyển Đường Không Biên Giới đã làm cho nhiều người thích thú. Bây giờ mùa hè tại Canada nóng quá, không biết có ai thích chăng?

Sau khi dùng trưa vào lúc 12 giờ, tôi lại vào Tăng phòng để ngơi nghỉ. Đúng 2 giờ chiều là dậy tắm rửa và sửa soạn cho giờ viết của buổi chiều. Vì buổi chiều nắng nên tôi bắt đầu viết vào lúc 15 giờ đến 16 giờ thì nghỉ, đi vòng quanh chùa lần thứ 2 cho tâm hồn thoải mái một chút. Nếu cốt chuyện bị bí lối, chính những giờ phút đi dạo như thế nầy sẽ được khai thông và tìm ra nội dung hay nhân vật mới cho câu chuyện.

16 giờ 30 tôi viết mãi cho đến 17 giờ 30 rồi lại thôi. Như thế là đúng 5 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày đều đặn như vậy trong vòng 6 ngày thì xong. 18 giờ dùng cháo đến 18 giờ 30. Đây cũng là thời gian tôi tiếp khách hoặc trả lời điện thoại. Quý Phật Tử tại địa phương thường hay lui tới để thăm tôi vào giờ nầy. 19 giờ 30 là giờ lễ kinh Đại Niết Bàn. Tôi có phát nguyện sau khi lễ kinh Pháp Hoa xong (mỗi chữ mỗi lạy), bây giờ đến kinh Đại Bát Niết Bàn cũng thế. Khi tôi lễ quý Phật Tử tại chùa cũng đã lễ theo. Đây là một công đức không thể nào thiếu được trong sự tu hành. Tôi vẫn thường hay nói cho quý Phật Tử nghe rằng: Quý vị cúng dường vào chùa 10 hay 20 đồng mục đích là để tạo phước và kiếp sau sẽ giàu có hơn bây giờ, còn muốn tạo Đức thì phải tu. Nhưng tu như thế nào để có đức, thì đây là những phương pháp gồm: tụng kinh, ngồi thiền, lễ bái và niệm Phật. Ngoài các phương pháp mà chư Tổ ngày xưa đã đặt ra để tự tu cho mình và chứng đạo chắc chắn và quyết rằng không có phương pháp nào hay hơn được.

Lạy chừng 1 tiếng đồng hồ khoảng trên 200 lạy, mỗi đêm liên tục như thế cho đến cuối tuần thì Thọ Bát Quan Trai, thiền trà theo Nhật Bản, v.v…

Khoảng 22 giờ thì đi ngủ. Tôi lịm dầm theo nhịp đập của tim rồi trở về với nguyên thỉ của đất trời vạn vật.

Mỗi năm tại Đúc chư Tăng và Phật Tử có lo riêng cho tôi 3 ngày lễ. Tuy không rầm rộ lắm; nhưng cũng nói lên được tình nghĩa Thầy trò, sư đệ. Đó là ngày giỗ của thân mẫu tôi vào ngày 27 tháng 3 âm lịch, ngày giỗ của thân phụ tôi vào ngày mồng 9 tháng 7 ăm lịch và ngày sinh nhật của tôi vào ngày 28 tháng 6 dương lịch. Năm 1949 nhằm ngày mồng một tháng 6 âm lịch tôi ra đời và năm nay, chính lúc tôi viết lời kết luận nầy cũng đúng vào ngày mồng một tháng 6 năm AᴠHợi. Đúng là một sự ngẫu nhiên.

Trong thời gian một tuần lễ nầy tôi cũng đã gặp Thầy Huyền Diệu từ Phật quốc bên Ấn Độ qua chiếu phim về việc xây dựng chùa Việt Nam tại đó. Tôi và Thầy có nhiều trao đổi cũng vui vui.

Có nhiều Phật Tử hỏi Thầy tại sao Ấn Độ là nơi phát sinh về Phật Giáo, mà Phật Giáo ngày nay tại đó không còn phát triển nữa?

Thầy trả lời rằng:

"Ví dụ người ở gần bóng đèn thì ít thấy ánh sáng tại chỗ, mà người ở xa mới thấy được ánh sáng ấy và bây giờ chính là lúc chúng ta mang ánh sáng ấy dội lại nơi sản sinh nầy đây".

Những công trình xây dựng của Thầy ấy tại Bồ Đề Đạo Tràng và tại Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật Đản Sanh, quả thật không có gì có thể tán dương hết được. Vì công đức ấy to lớn lắm. Đây chính là những đóng góp hữu hạn trong hiện tại; nhưng có giá trị vô hạn trong tương lai.

Năm 1989 khi tôi đến chiêm bái Phật Tích lần đầu cũng là do ý của Thầy Huyền Diệu đốc thúc lúc bấy giờ. Lúc ấy tôi đã do dự không muốn đi, vì đang lúc làm chùa. Không phải chỉ vì lý do tài chánh, mà còn lý do khác là nên ở lại tại chỗ, nếu có điều gì thợ thầy xây cất cần đến mình thì mình góp ý ngay. Nếu đi, sẽ sinh ra trễ nải. Điều ấy tôi đã lầm. Cũng chính vì nhờ đi chiêm bái Phật tích lần ấy mà khi về lại Đức tôi mới có thể hoàn thành ngôi Chùa Viên Giác được. Đạo lực và niềm tin lúc ấy tăng gấp 10 lần sau khi đã đi chiêm bái về.

Trong khi đi chiêm bái lòng tôi xúc động rất nhiều về những thánh tích; nhưng tôi cũng ngao ngán cho cái nghèo khổ, giai cấp, hệ thống hành chánh rườm rà và chậm rì của Ấn Độ, nên sau khi về lại Đức, lúc viết quyển "Lòng Từ Đức Phật" tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ đi Ấn Độ nữa.

Thế mà lạ thay, đến năm 1994 sau khi hoàn thành ngôi chùa Viên giác 99% tôi lại có ý định đi Ấn Độ một lần nữa để tạ ơn Tam Bảo. Cuối năm 1994 Ấn Độ bị dịch hạch, nên cuộc hành hương phải dời lại vào tháng 2 năm 1995.

Sau khi đi chuyến hành hương nầy về tôi lại nghĩ chắc còn phải đi đến lần thứ ba, thứ tư và thứ năm nữa mới thôi. Có lẽ đất Phật là xứ linh thiêng mầu nhiệm. Khi đến được Bồ Đề Đạo Tràng rồi, phải nói rằng đây là chốn cực kỳ linh thiêng. Ai tin tưởng sẽ thấy rõ điều đó và nhất là nơi đây có ngôi Chùa Việt Nam do Thầy Huyền Diệu xây cất nữa. Ở giữa cánh đồng mạ xanh bát ngát, gió thổi vi vu, mọc lên một cảnh chùa, trong khiêm nhường so với các quốc gia Phật Giáo khác; nhưng đây cũng là một hãnh diện của Phật Giáo Việt Nam mình. Có cây cỏ xanh tươi và khung cảnh thật tuyệt đẹp.

Nếu ai đó đi hành hương vào mùa thu đông sẽ thường thức được lúa gạo, rau quả do chùa trồng. Vườn chùa mang lại rau xanh, trái ngọt của quê hương cho người xa xứ. Đây cũng là một niềm vui nho nhỏ khi đến chốn nầy.

Rồi Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đã giáng trần, nơi vua A Dục đã xây trụ đá để kỷ niệm, ngày nay Chùa Việt Nam do Thầy Huyền Diệu dựng xây cũng đã tô điểm thêm cho Phật tích nầy, một cố gắng vươn lên của Phật Giáo Việt Nam mình. Đúng là:

"Nước lã mà vả nên hồ

Tay không mà dựng cơ đồ mới ngoan"

Tất cả mọi công đức ấy có được, dĩ nhiên cũng phải nhờ những học trò Âu Mỹ của Thầy ấy; nhưng người Phật Tử Việt Nam mình ở khắp năm châu bốn bể cũng đã đóng góp vào đây rất nhiều; nên chúng ta rất hãnh diện về việc này.

Hy vọng rồi mai đây nơi Phật tích ấy sẽ còn nhiều ngôi chùa Phật Giáo sẽ được xây dựng nên để kỷ niệm nơi một bậc vĩ nhân của nhân loại, một bạc Đại Giác, một Đấng Giác Ngộ đã ra đời.

Mỗi người sinh ra đời đều do nhân duyên, nghiệp lực mà thành, rồi cũng do nhân duyên nghiệp lực rồi đến, rồi đi, rồi còn, rồi mất. Vì vậy xin kết luận cho quyển sách nầy với hai chữ "Như Thị" như trong kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật mà Đức Phật đã dạy đấy thôi.

Bây giờ trời đã đổi gió, lá cây chuyển động mạnh, bên ngoài như báo hiệu một trận mưa rào sắp đến, cốt gột rửa bao nhiêu bụi băm suốt cả một tuần qua đã làm cho đất đai bị khơi động, bây giờ có dịp tắm rửa để trở về trạng thái uyên nguyên của nó.

Nếu quyển sách nầy, duyên may có ai đọc được, xin hồi hướng phần phước báu ấy về cho đương sự, nếu có được điều hay. Chẳng may vì sự vô tình mà gặp một vài câu chuyện hoặc vài hoàn cảnh giống nhau trong khi tôi không cố ý để viết, kính xin quý vị lượng thứ cho.

Cầu nguyện cho đất nước thật sự an bình, người người đều được an lạc để mang lại niềm tin và sự sống cho nhau và mong một ngày không xa sẽ trở về lại đất mẹ thân yêu để thăm lũy tre làng và con đường mòn dẫn về chốn cũ.

Viết xong vào lúc 16 giờ ngày 28 tháng 6 năm 1995 tại thư phòng Chùa Quan Âm Montréal – Canada.

Thích Như Điển

 

---o0o---

Mục Lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4

---o0o---

Vi tính: Hoa Giác, Minh Chính

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 6-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Gi Trăng mình bung Thưởng thức các món ngon tại Ẩm thực Thương món khóm mít trộn chay của vợ æ ç¾ thánh cha Học thuyết Vô ngã của Phật giáo và nu tình thương và giáo dưỡng của trụ trì cáo phó hòa thượng thích quảng bửu 3 thực phẩm giúp giảm cholesterol Giáo lý vô ngã Các món chay Thoà t Do Chùa Ba Vàng cầu siêu cho Đại tướng Võ tôi Phát hướng Giáo lý vô ngã phà Æt gió truyen Quảng ngữ của Hòa Thượng La Hánh Quế benh Khánh Hòa Giỗ Tổ khai sơn Đông Phước Quan điểm của Phật giáo và tâm lý học ngôi chùa của miền tâm thức và tình khi ï¾ï½½ Đà cương Thuốc chống trầm cảm làm tăng nguy cơ cau chuyen nguoi mu so Chánh niệm là trị liệu hiệu quả cho Nghi giáo Và 5 tan o thai lan mà Màu Đà Nẵng Tưởng niệm lần thứ 35 ngày 还愿怎么个还法 Có nỗi nhớ không mang tên quÃÆ Bắt bệnh theo thời tiết Lạm dụng caffeine có thể gây ra lo minh asvaghosha Xuân có đi có đến Tuà Thực dưỡng sống thọ sç ½