Danh nhân thế giới - Cao Tăng Pháp Hiển

 

Cao Tăng Pháp Hiển

HT. Thích Trí Quang

 

Mục Lục

Ghi Chú-Pháp Hiển

Ghi Sau Khi Duyệt Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

I. Lời Dẫn

II. Truyện Cao Tăng Pháp Hiển:

A. Câu Mở Đầu

B. Bài 1

C. Bài 2

D. Bài 3

E. Bài 4

F. Bài 5

G. Bài 6

H. Bài 7

I. Bài 8

J. Bài 9

K. Bài 10

L. Bài 11

M. Bài 12

N. Bài 13

O. Bài 14

P. Bài 15

Q. Bài 16

R. Bài 17

III. Tiểu Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

A. Câu Mở Đầu

B. Tiểu Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

Ghi Chú - Pháp Hiển

Thành tựu công nghiệp là vì biết quên cái mình trọng để trọng cái mình quên.

Pháp Hiển

Ghi Sau Khi Duyệt Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

Trong khi dịch truyện ngài Pháp Hiển, điều đáng tiếc là tôi không có bản Phật quốc ký địa lý khảo chứng của Thanh Đinh Khiêm, tác phẩm được Đinh Phúc Bảo và Lương Khải Siêu khen và giới thiệu. Nếu có thì địa danh trong truyện đã được ghi chú tên mới cả. Cầu mong có ngày và có người làm việc này.

Tại A? Độ và tại Tích Lan, ngài Pháp Hiển đã tìm và chép những văn bản sau đây:

1. Luật của Đại chúng bộ, "phong phú và đầy đủ nhất".

2. Luật của Thuyết hữu bộ, 7 ngàn kệ.

3. Luận Tạp a tì đàm tâm của Thuyết hữu bộ, 6 ngàn kệ.

4. 1 bộ kinh, 2 ngàn rưỡi kệ.

5. Kinh Phương Đẳng Bát Nê Hoàn, 5 ngàn kệ.

6. Luận của Đại chúng bộ.

7. Luật của Sa di tắc bộ.

8. Trường A Hàm.

9. Tạp A Hàm.

10. Tạp tạng.

Lúc về, ngài Pháp Hiển đi nhờ thuyền buôn, bị bão, lạc đường. Trên hải trình gian nguy, ngài" chỉ sợ mất kinh tượng, nên nhất tâm mà niệm Quan Âm đại sĩ". Rồi về nước thì dịch được 3 bộ "hơn trăm vạn chữ". "Những kinh luật luận khác chưa được dịch ra". Chưa được dịch ra thì bất hạnh cho Pg Trung Hoa. Nhưng bất hạnh hơn nữa là chưa được dịch ra mà không cất giữ được. So với việc tìm kiếm, sao chép, và đem về, thì việc cất giữ có khó khăn nguy hiểm gì đâu! Vậy mà không cất giữ được, tệ hơn nữa, không cất giữ, không có ý thức cất giữ! Sự tình như vậy không những chỉ đáng thống trách cho Pg Trung Hoa, mà trước hết, thật đáng thống trách đối với công đức của bậc vĩ nhân Pháp Hiển.

Mồng 9 tháng 5, 2537. Trí Quang

Lời Dẫn

Cái gương quên mình cầu pháp của ngài Pháp Hiển đã làm mối khuyến khích cho các vị khác, trong đó có ngài Huyền Tráng. Truyện của ngài được viết cách nay 16 thế kỷ, đã được dịch ra Anh văn*, Pháp văn* và Đức văn.

Truyện có cái tên rất ổn là Phật Quốc Ký, ghi về nước Phật. Tôi ngờ tên này mơí do chính ngài Pháp Hiển tự đặt. Nhưng tên này chỉ thấy nói riêng, còn chính truyện thì ghi Cao tăng Pháp Hiển truyện (Truyện của Cao tăng Pháp Hiển) mang số hiệu 2085 của Đại chính tân tu đại tạng kinh (Chính 51/857-866).

Ngoài ra còn 1 tiểu truyện do Cao tăng truyện ghi (Chính 50/337-338). Tiểu truyện này tôi không trích dịch và phụ lục ra đây, vì có ghi mấy chi tiết mà tôi e rằng người ghi nghe thêm. Nếu mấy chi tiết đó mà ngài Pháp Hiển tự ghi, thì truyện ngài còn thiếu nhiều chi tiết lắm.

Trở lại mà nói, truyện ngài Pháp Hiển được viết cách nay 16 thế kỷ, thì dĩ nhiên truyền thuyết và huyền thoại đều nói như thật. Nhưng chất thật thì rõ ràng, và tôi ngờ rằng chất thật này ngài Pháp hiển đã lược bỏ chi tiết không ít. Thôi thì được sự tự ghi ngần này cũng thừa cho ta hiểu và cảm phục.

Thế nhưng khi tôi dịch truyện ngài Pháp Hiển thì thâm tâm muốn nói đến sự cứu hộ của Quan âm đại sĩ sự cứu hộ mà còn có nhiều hơn nữa đối với ngài Huyền Tráng sau này.

 

Mười chín tháng hai, 2534 (1991)

Trí Quang

 

Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

(Triều đại Đông Tấn, Sa môn Thích Pháp Hiển tự ghi việc du hành Thiên trúc)

 

(1)

Pháp hiển tôi ngày trước ở Trường An, buồn vì Luật tạng quá thiếu, nên năm kỷ hợi (1) , hiệu Hoằng Thỉ thứ 2, cùng các pháp hữu Tuệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Tuệ Ư?g, Tuệ Ngôi, nguyện đến Thiên Trúc (2) tìm cầu Luật tạng.

Khởi đi từ Trường An, vượt đất Lũng, đến nước Càn Qui, kiết hạ ở đó. Kiết hạ rồi đi tới nước Nhục Đàn, vượt núi Dưỡng Lâu, đến trấn Trương Dịch. Trấn này bấy giờ đại loạn, đường sá không thông. Trấn vương ân cần, nên lưu lại cho vương làm thí chủ. Do vậy mà được gặp các thầy Trí Nghiêm, Tuệ Giản, Tăng Thiệu, Bảo Vân, Tăng Cảnh, mừng vì đồng chí hướng nên cùng nhau kiết hạ. Kiết hạ rồi đi tới xứ Đôn Hoàng.

(2)

Đôn Hoàng từ đông sang tây chừng 80 dặm, từ nam đến bắc chừng 40 dặm. Dừng lại đây hơn 1 tháng. Rồi tôi cùng 4 thầy theo sứ bộ đi trước, chia tay với nhóm thầy Bảo Vân tại Đôn Hoàng, và thái thú Lý Hạo cấp đồ vượt sa mạc.

Sa mạc có lắm gió nóng quái quỉ, gặp nhằm là chết, không ai toàn mạng. Trên không có chim bay, dưới không có thú chạy. Nhìn phía nào cũng ngút mắt. Muốn tìm hướng đi mà không biết nên đi về hướng nào, chỉ biết lấy xương khô của người chết làm dấu mà đi. Đi 17 ngày, kể có đến 1.500 dặm, thì đến được quốc gia Thiện Thiện.

Thiện Thiện đất gập ghềnh, mỏng và xấu. Đồ mặc dân gian gần như Trung Hoa (3) , chỉ khác cái áo dạ bện lông thành từng mảnh. Quốc vương tôn thờ Phật pháp. Cả nước có hơn 4.000 tăng sĩ, tất cả đều là tiểu thừa. Dân gian và tăng sĩ đều làm theo cách của Thiên Trúc, chỉ tinh thô khác nhau. Từ Thiện Thiện đi về hướng tây, các nước đều như vậy. Chỉ ngôn ngữ (4) là bất đồng. Nhưng tăng sĩ thì ai cũng học sách và tiếng Thiên Trúc.

Dừng ở Thiện Thiện 1 tháng thì đi theo hướng tây bắc, 15 ngày đến quốc gia Ô Di. Nước này tăng sĩ cũng có hơn 4.000 và cũng là tiểu thừa. Phép tắc nghiêm chỉnh. Nhưng tăng sĩ Trung Hoa đến đây không dự vào tăng chúng địa phương. Tôi được Công Tôn lo liệu (5) nên dừng lại hơn 2 tháng. Và do vậy mà tại nước Ô Di này được gặp lại nhóm thầy Bảo Vân. Nhưng người Ô Di thiếu lễ nghĩa, đãi khách rất bạc, nên các thầy Trí Nghiêm, Tuệ Giản, Tuệ Ngôi, phải trở lại xứ Cao Xương để kiếm hành trang. Tôi nhờ Công Tôn cung cấp (6) nên đi thẳng về hướng tây nam. Đường đi không có người ở. Đi rất gian nan. Nỗi khổ thật hết cách so sánh. Đi 1 tháng 5 ngày thì đến quốc gia Vu Điền.

Vu Điền nước giàu, dân thịnh, ai cũng tôn thờ Phật pháp, lấy niềm thích thú Phật pháp mà sống vui với nhau. Tăng sĩ có vài vạn, phần nhiều theo đại thừa, và cùng ăn đồng chúng. Dân chúng cư trú như có phân bố. Nhà nào cũng xây tháp nhỏ trước cửa, nhỏ nhất cũng cao đến vài trượng. Lại làm tăng phòng cung cấp khách tăng, kèm theo những đồ cần dùng khác. Quốc vương Vu Điền sắp đặt cho chúng tôi ở chùa (7) . Chùa này tên Cù Ma Đế, thuộc đại thừa, có 3.000 tăng sĩ, cùng ăn theo tiếng báo hiệu (8) . Vào nhà ăn thì uy nghi tề chỉnh, ngồi theo thứ lớp, và yên lặng hoàn toàn. Chén bát cũng không khua ra tiếng. Người (9) thêm đồ ăn cũng không gọi nhau mà chỉ lấy ngón tay ra dấu.

Các thầy Tuệ Cảnh, Đạo Chỉnh Và Tuệ Đạt đã đi trước, hướng đến quốc gia Kiệt Xoa. Còn chúng tôi muốn xem Đại lễ rước tượng nên đình lại 3 tháng. Vu Điền có 4 chùa lớn, chưa kể các chùa nhỏ. Từ mồng 1 tháng 4, trong hoàng thành đã quét dọn đường sá, trang hoàng phường khóm. Trên cửa hoàng thành căng màn lớn, trang trí mọi sự. Quốc vương cùng hoàng hậu và thế nữ ở trong màn ấy. Tăng sĩ chùa Cù Ma Đế là đại thừa, quốc vương trọng vọng, nên rước tượng trước hết. Bằng cách cách hoàng thành ba bốn dặm, làm một cỗ xe 4 bánh, cao hơn 3 trượng, trông như cung điện di chuyển, với sự trang hoàng bằng 7 chất liệu quí báu, treo lụa, treo cờ và cắm lọng. Tượng Phật đứng trong xe, có 2 vị Bồ tát hầu và chư thiên hầu theo. Các tượng hầu cũng trau vàng bạc, treo lên trong không. Tượng Phật rước đến cách cửa hoàng thành 100 bước thì quốc vương lột vương miện, thay áo mới, đi chân không, cầm hoa hương, cùng tùy tùng ra khỏi hoàng thành, đón rước tượng Phật, đầu mặt lạy dưới chân tượng, rãi hoa, dâng hương. Khi tượng vào hoàng thành thì từ màn lớn trên cửa, hoàng hậu cùng thế nữ tung rải các thứ hoa, rơi xuống nườm nượp. Sự trang trọng hiến cúng như vậy mỗi xe mỗi khác, đối với tất cả các xe sau này. Mỗi chùa rước tượng 1 ngày, khởi từ mồng 1 đến 14 tháng 4 mới hết. Rước tượng hết rồi quốc vương và hoàng hậu mới về cung.

Phía tây hoàng thành Vu Điền, cách bảy tám dặm có chùa tên Vương Tân, kiến thiết đã 80 năm, trải qua 3 triều vua mới hoàn thành. Chùa cao 25 trượng, chạm khắc văn vẻ, thếp phủ vàng bạc, sử dụng mọi thứ ngọc mà làm thành. Chùa có tháp lớn, sau tháp lớn là điện Phật, trang hoàng tốt đẹp, cột kèo cửa ngõ toàn thếp bằng vàng. Lại cất riêng tăng phòng, cũng tráng lệ hết nói. Quốc vương 6 nước phía đông Tuyết Sơn có bảo vật gì giá trị nhất cũng phần nhiều hiến tặng chùa Vương Tân này, chứ dùng đến rất ít.

Hết tháng 4, Đại lễ rước tượng xong rồi, một mình thầy Tăng Thiều đi theo đạo sĩ người Hồ mà đến nước Kế Tân. Còn chúng tôi đi đến quốc gia Tử Hợp. Đi đường 25 ngày thì đến. Quốc gia ấy quốc vương tinh tiến, tăng sĩ hơn 1.000, phần nhiều là đại thừa. Dừng lại ở đây 15 ngày, chúng tôi đi về hướng nam, 4 ngày thì đến lĩnh vực Tuyết Sơn (10) . Trong lĩnh vực này, trước hết chúng tôi đến kiết hạ tại quốc gia Huy. Kiết hạ rồi đi theo đường núi 25 ngày, đến quốc gia Kiệt Xoa, gặp nhau với nhóm thầy Tuệ Cảnh, lại đúng vào lúc quốc vương Kiệt Xoa tổ chức Ban giá việt. Ban giá việt, tiếng Trung hoa là Đại hội 5 năm 1 lần. Khi đại hội thì mời chư tăng mọi nơi cùng đến vân tập. Vân tập rồi chỗ ngồi chư tăng được trần thiết, treo lụa, treo cờ và cắm lọng. Lại làm hoa sen bằng vàng bằng bạc đặt sau chỗ ngồi chư tăng, trải lên trên chỗ ngồi ấy những tấm tọa cụ sạch sẽ. Quốc vương cúng dường đúng phép trong 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng, và phần nhiều cử hành vào mùa xuân. Cúng dường rồi, quốc vương lại khuyến khích quần thần cúng dường trong 1 ngày 2 ngày cho đến 7 ngày. Sau đó quốc vương đem ngựa của mình cho trọng thần cưỡi, lại đem lụa trắng, mọi thứ quí giá, và những vật dụng cần dùng của chư tăng, cùng quần thần phát nguyện cúng dường chư tăng, rồi xin chư tăng mà chuộc lại (11) những thứ quí giá.

Kiệt xoa là xứ lạnh vì Tuyết Sơn, không thể sản xuất những thứ lúa khác, mà chỉ có lúa mạch. Chư tăng làm lễ thọ tuế (12) rồi là sương giá đổ xuống, nên quốc vương xứ ấy thường thỉnh chư tăng đến mùa lúa mạch chín mới làm lễ thọ tuế. Kiệt Xoa lại có ống nhổ của Phật, làm bằng đá, màu sắc như bát ứng khí của Phật. Lại có 1 cái răng Phật, được quốc dân xây tháp tôn thờ. Kiệt Xoa có hơn 1.000 tăng sĩ, toàn là tiểu thừa.

Từ Tuyết Sơn trở về hướng đông, phục sức dân gian cũng gần giống Trung Hoa (13) , cũng chỉ khác nhau ở cái áo dạ. Phép tắc tăng sĩ thì càng gần Tuyết Sơn càng tinh hơn lên, không thể ghi hết. Kiệt Xoa là quốc gia chính giữa lĩnh vực Tuyết Sơn. Từ Tuyết Sơn tới trước, cỏ cây trái hạt đều khác Trung Hoa, chỉ 3 thứ tre, lựu và mía là giống. Từ Kiệt Xoa đi về hướng tây là hướng về bắc bộ Thiên Trúc. Chúng tôi đi đường 1 tháng thì vượt qua Tuyết Sơn. Tuyết Sơn có tuyết cả mùa đông và mùa hè, lại có rồng độc, phật ý là phun gió độc, mưa tuyết, thổi bay lên cát, sỏi và đá, gặp phải thì vạn người không còn một. Vì vậy mà thổ dân gọi là Tuyết Sơn.

(3)

Vượt qua Tuyết Sơn rồi, chúng tôi đến lĩnh vực bắc bộ Thiên Trúc. Mới vào lĩnh vực này thì có 1 quốc gia nhỏ tên là Đà Lịch, cũng có tăng sĩ và toàn là tiểu thừa. Quốc gia này, xưa kia, có 1 vị La hán dùng thần thông lực đưa 1 người thợ bậc thầy lên cung Đâu suất quan sát Di Lạc đại sĩ, coi cao thấp mặt mũi thế nào, rồi về xuống tạc tượng đại sĩ bằng gỗ. Trước sau lên xuống quan sát 3 lần, tượng mới hoàn thành. Tượng cao 8 trượng, mu bàn chân dài đến 8 thước (14) , những ngày chay thường có ánh sáng. Các vị quốc vương đua nhau cúng dường, và đến nay vẫn còn tại quốc gia Đà Lịch.

Chúng tôi lại xuôi theo hướng tây nam Tuyết Sơn, đi 15 ngày. Đường đi gian nan, cao và nguy hiểm. Núi toàn đá, dựng đứng như vách, và cao đến cả ngàn nhẫn. Nhìn hoa cả mắt. Muốn bước tới thì không biết đặt chân vào đâu. Phía dưới lại có sông Tân đầu. Người xưa có kẻ xoi đá thông đường, đặt thang bên cạnh, có đến 700 nấc (15) . Vượt thang rồi, bước nhẹ trên giây treo lớn mà qua sông. Sông thì 2 bờ cách nhau gần 80 bước. Cửu Dịch ghi chép, Trương Mạch và Cam Anh đời Hán, đều không đến đây.

Chư tăng có người hỏi tôi, rằng có thể biết được sự mở đầu của Phật pháp đi về hướng đông (15b) chăng. Tôi nói, tôi hỏi người Đà Lịch thì ai cũng nói, các bậc già và xưa tương truyền rằng, từ khi tạo lập tượng Di Lạc đại sĩ thì tự có tăng sĩ Thiên Trúc mang kinh luật vượt qua sông Tân Đầu này. Tượng được tạo lập quãng bách kỷ thứ 3 sau Phật nhập diệt, tính ra là thời đại Bình vương nhà Châu. Do đó mà nói thì Phật pháp lưu hành qua hướng đông là bắt đầu từ tượng Di Lạc đại sĩ. Phi đại sĩ kế tiếp đạo của đức Thích tôn thì ai làm cho Phật pháp được lưu thông để người biên địa cũng biết Phật pháp? Thế mới biết thầm kín mở đầu cho vận hội Phật pháp vốn không phải là việc của con người. Và thế thì cái mộng của Minh đế nhà Hán cũng có nguyên ủy mà có.

Qua sông Tân Đầu là đến quốc gia Ô Trường (16). Ô Trường là chính bắc bộ Thiên Trúc. Cả nước nói tiếng trung bộ Thiên Trúc. Trung bộ Thiên trúc là vùng được gọi là xứ trung tâm (17). Dân gian Ô Trường ăn với mặc cũng giống trung bộ Thiên Trúc. Phật pháp rất thịnh. Gọi chỗ ở của chư tăng là chùa, và có đến 500 chùa, toàn là tiểu thừa. Nếu có tỷ kheo khách đến thì ai cũng được cúng dường 3 ngày. Sau đó mới yêu cầu khách tự liệu cho yên chỗ. Trong quốc gia Ô Trường thường tương truyền với nhau, rằng Phật đến bắc bộ Thiên Trúc là đến quốc gia này. Phật để dấu chân lại ở đây, và dấu chân ấy thấy dài hay ngắn là tùy tâm niệm của người nhìn. Dấu chân ấy hiện nay vẫn còn như vậy. Lại có viên đá Phật phơi y, có chỗ Phật hóa độ rồng dữ, tất cả hiện nay vẫn còn. Viên đá Phật phơi y thì cao 1 trượng 4 thước, rộng chừng 2 trượng, một bên bằng phẳng.

Các thầy Tuệ Cảnh, Tuệ Đạt Và Đạo Chỉnh đi trước, hướng đến nước có ảnh của Phật là quốc gia Na Kiệt, còn chúng tôi kiết hạ tại quốc gia Ô Trường này. Kiết hạ rồi đi xuống phía nam, đến quốc gia Tú Ha Đa. Ở đây Phật pháp cũng thịnh. Có chỗ Đế Thích thử Bồ tát bằng cách hóa ra chim ưng và chim bồ câu, đòi Bồ tát cắt thịt đổi chim bồ câu ấy. Phật thành đạo rồi, cùng các đệ tử du hóa đến đây, nói rằng chỗ này vốn là nơi Như Lai cắt thịt đổi chim bồ câu. Quốc dân Tú Ha Đa nhân đó mà biết, và dựng tháp chỗ ấy, trang sức bằng vàng bạc.

Từ Tú Ha Đa đi về hướng đông 5 ngày thì đến quốc gia Kiền Đà Vệ, nơi trị vì của vương tử Pháp Ích, con A Dục vương. Khi Phật làm Bồ tát thì tại đây đã lấy mắt cho người. Cái chỗ Phật làm việc ấy cũng được dựng tháp lớn, trang sức vàng bạc. Kiền Đà Vệ phần nhiều theo tiểu thừa.

Từ Kiền Đà Vệ đi về hướng đông 7 ngày thì đến quốc gia Trúc Sát Thi La. Trúc Sát Thi La, Trung hoa dịch nghĩa là cắt đầu. Khi Phật làm Bồ tát, tại đây đã cắt đầu cho người, nhân đó mà có cái tên ấy. Lại đi 2 ngày nữa về hướng đông thì đến chỗ Phật đem thân cho cọp đói ăn. Cả 2 chỗ này cũng được dựng tháp lớn, cũng trang sức bằng các thứ vàng ngọc. Quốc vương, đại thần và dân chúng các nước đua nhau cúng dường, rải hoa và thắp đèn liên tục không dứt. Gồm với 2 tháp ở trên, người Trúc Sát Thi La gọi là 4 ngôi tháp lớn.

Từ Kiền Đà Vệ mà đi về hướng nam 4 ngày thì đến quốc gia Phất Lâu Sa. Xưa kia, Phật cùng đệ tử du hóa đến quốc gia này, có nói với tôn giả A Nan, rằng sau khi Như Lai nhập diệt, sẽ có vị vua tên Kế Nị Dà dựng tháp ở đây. Sau quả có vua Kế Nị Dà ra đời, và khi vua xuất hành quan sát, thì Đế Thích muốn gợi ý cho vua, nên hiện làm đứa bé chăn bò, xây tháp giữa đường. Vua hỏi cháu muốn làm gì vậy, đứa bé nói làm tháp Phật. Vua bảo tốt lắm. Rồi chính trên cái tháp đứa bé xây mà vua xây 1 ngôi tháp, cao hơn 40 trượng, trang sức bằng các thứ vàng ngọc. Mọi tháp chùa mà tôi đã thấy, không đâu tráng lệ bằng ngôi tháp này. Tương truyền rằng tất cả tháp trong đại lục Diêm phù, chỉ tháp này hơn cả. Vua xây tháp rồi, cái tháp nhỏ của đứa bé xây tự xuất ra phía nam của tháp lớn, cao chừng 3 thước.

Bát ứng khí của Phật cũng ở quốc gia Phất Lâu Sa. Xưa kia, quốc vương Nhục Chi đem đại quân đến đánh quốc gia Phất Lâu Sa là muốn chiếm lấy bát ấy. Đánh thắng rồi, quốc vương Nhục Chi, với lòng tín ngưỡng Phật pháp, muốn đem bát đi nên cúng dường rất lớn. Cúng dường rồi, quốc vương cho trang hoàng voi lớn, đặt bát lên trên. Nhưng voi mọp xuống, không bước tới được. Quốc vương lại làm cỗ xe 4 bánh để chở bát. Cỗ xe có 8 con voi kéo, cũng không đi tới được. Quốc vương biết cơ duyên của mình với bát của Phật chưa đến, rất hổ thẹn và than thở. Tức thì ngay nơi chỗ này, quốc vương Nhục Chi xây tháp và chùa, đặt người trấn giữ, và cúng dường nhiều cách. Chùa ấy chư tăng có hơn 700. Hằng ngày mặt trời sắp đứng bóng thì chư tăng thỉnh bát ra cho dân chúng cúng dường, rồi mới ăn cơm ngọ. Chiều tối, khi đốt hương cũng làm như vậy. Bát ấy của Phật có thể chứa 2 đấu. Màu sắc tổng hợp mà đen nhiều hơn, 4 phía rõ ràng, và dày chừng 2 phân. Bát rất tươi sáng. Người nghèo bỏ một ít hoa là đầy. Người giàu muốn cúng nhiều hoa, thì dẫu bỏ đến trăm ngàn vạn hộc cũng không đầy.

(4)

Các thầy Bảo Vân và Tăng Cảnh cúng dường bát của Phật rồi là trở về. Các thầy Tuệ Cảnh, Tuệ Đạt và Đạo Chỉnh đã đi trước đến quốc gia Na Kiệt cúng dường ảnh Phật, răng Phật và xương đỉnh đầu của Phật. Thầy Tuệ Cảnh bịnh, thầy Đạo Chỉnh ở lại chăm sóc. Chỉ một mình thầy Tuệ Đạt trở về nước Phất Lâu Sa gặp nhau. Nhưng rồi các thầy Tuệ Đạt, Bảo Vân và Tăng Cảnh trở về Trung Hoa. Thầy Tuệ Cảnh đáng lẽ mất (18) tại chùa thờ bát của Phật. Do vậy mà chỉ còn một mình tôi đi tới chỗ có xương đỉnh đầu của Phật. Đi theo hướng tây, 16 do tuần thì đến quốc đô Hê La, thuộc quốc gia Na Kiệt. Trong quốc đô Hê La có tinh xá tôn trí xương đỉnh đầu của Phật. Tinh xá được thếp toàn vàng, trang sức bằng 7 thứ quí báu. Quốc vương Na Kiệt kính trọng xương đỉnh đầu của Phật, sợ người cướp đoạt, mới bảo 8 người vọng tộc trong nước, mỗi người giữ một khuôn dấu, đóng dấu phong giữ. Cứ mỗi sáng sớm, 8 người cùng đến kiểm soát khuôn dấu của mình rồi mới mở cửa. Cửa mở rồi, dùng nước thơm rửa tay, thỉnh xương đỉnh đầu của Phật đặt ngoài tinh xá, trên tòa cao, với cái dĩa tròn bằng 7 thứ quí báu, dưới cái dĩa ấy có cái chuông bằng lưu ly úp trên tòa cao (19). Tất cả đều trang sức bằng ngọc châu không tròn. Xương đỉnh đầu của Phật màu vàng trắng, vuông tròn 4 tấc, phía trên nổi lên. Mỗi ngày, sau khi thỉnh ra, người trong tinh xá lên lầu cao, gióng trống lớn, thổi bầu lọ, gõ bản đồng. Quốc vương nghe thì đến tinh xá đem hoa hương cúng dường. Cúng dường rồi đội trên đỉnh đầu, tuần tự đi vào cửa đông và ra cửa tây. Sáng nào quốc vương cũng cúng dường lễ bái như vậy rồi mới lâm triều thính chính. Hàng cư sĩ trưởng giả cũng cúng dường rồi mới lo việc nhà. Ngày ngày như vậy, chưa bao giờ nhác, mệt. Cúng dường rồi thì thỉnh xương đỉnh đầu của Phật vào lại trong tinh xá. Ở đây có cái tháp tên Giải Thoát, làm bằng 7 thứ quí báu, khi mở khi đóng, cao cỡ 5 thước, dùng để tôn trí xương ấy. Trước cửa tinh xá, sáng nào cũng có người bán hoa hương. Ai muốn cúng dường thì mua. Quốc vương các nước khác cũng thường phái sứ giả đến cúng dường. Chỗ tinh xá vuông 40 bước, trời rung đất lở gì chỗ ấy cũng bất động.

Từ quốc đô Ha Lê đi về hướng bắc 1 do tuần thì đến quốc đô của quốc gia Na Kiệt. Quốc đô này vốn là chỗ Bồ tát dùng tiền bằng bạc mua 5 cánh hoa cúng dường đức Định Quang Như Lai (20) . Trong quốc đô cũng có tháp răng Phật, cũng được cúng dường như cách cúng dường xương đỉnh đầu của Phật. Đông bắc quốc thành, đi 1 do tuần thì đến 1 cửa hang, trong đó tôn trí tích trượng của Phật. Tại đây cũng xây tinh xá cúng dường. Tích trượng làm bằng gỗ đàn hương ngưu đầu, dài cỡ 1 trượng 6 hay 7, bọc bằng gỗ xoi ống, và cả trăm cả ngàn người nhắc lên cũng không nổi. Từ cửa hang đi về hướng tây, thì là nơi có cái y tăng già lê của Phật, cũng được xây tinh xá cúng dường. Tục Na Kiệt, hễ trời đại hạn thì quốc dân cùng nhau thỉnh y ra, lễ bái cúng dường, tức thì trời đổ mưa lớn.

Phía nam quốc đô Na Kiệt, đi một nửa do tuần thì có núi rộng lớn. Núi có cái phòng đá. Vách tây nam của phòng này là nơi Phật để ảnh lại. Vào trong phòng, đứng cách hơn 10 bước mà nhìn thì thấy ảnh như hình thật của Phật, với màu hoàng kim, tướng hảo và ánh sáng rõ ràng. Nhưng càng bước gần lại thì càng mờ, phảng phất như có mà thôi. Quốc vương các nước phái những công họa sư đến vẽ cũng không bằng được. Quốc dân Na Kiệt tương truyền với nhau, rằng cả ngàn đức Phật đều lưu ảnh lại ở đây. Phía tây phòng đá có ảnh, đi chừng 4 trăm bước, là chỗ mà khi Phật còn hay cạo tóc, cắt móng tay. Chỗ này Phật cũng tự cùng các đệ tử xây tháp, cao bảy tám trượng, để làm qui cách cho các tháp tương lai. Tháp ấy nay vẫn còn. Bên tháp có chùa. Trong chùa có hơn 700 tăng sĩ. Chỗ này còn có hàng ngàn tháp của chư vị La hán và Duyên giác.

Ở lại đây 3 tháng mùa đông rồi, tôi cùng 2 thầy (21) đi về hướng nam để vượt núi Tuyết sơn nhỏ. Núi này cũng mùa đông mùa hè đều có tuyết. Phía bắc núi ấy, trong bầu trời âm u gió lạnh thổi mạnh bạo, gặp phải thì ai cũng lạnh cứng miệng. Thầy Tuệ Cảnh không thể bước tới được nữa, miệng sủi bọt trắng, bảo tôi, rằng tôi không sống được, thầy hãy đi liền đi, không được chết cả. Nói rồi thầy mất (22). Tôi vỗ mà than, rằng bản nguyện không thành, số mạng như thế thì biết làm sao.

Tôi cố sức đi tới, qua được Tuyết Sơn nhỏ, đi về phía nam, đến quốc gia La Di. Quốc gia này gần đây có 3.000 tăng sĩ, theo cả đại thừa tiểu thừa. Tôi kiết hạ ở đây. Kiết hạ rồi đi xuống nữa phía nam, 10 ngày thì đến quốc gia Bạt na. Quốc gia này cũng có chừng 3.000 tăng sĩ, toàn là tiểu thừa. Từ đây đi về hướng đông 3 ngày thì lại qua đoạn khác của sông Tân Đầu. Đoạn này 2 bờ đều đất bằng. Qua sông rồi có 1 quốc gia tên Tỳ trà. Ở đây Phật pháp hưng thịnh, tăng sĩ học cả đại thừa tiểu thừa. Thấy người xuất gia Trung Hoa mà đến đây, các vị rất thương, nói sao người biên địa (23) mà biết xuất gia hành đạo, biết đi xa để cầu Phật pháp! Các vị cung cấp đủ những thứ cần dùng, tiếp đãi đúng phép.

Từ đây đi về hướng đông nam, dưới 80 do tuần, gặp chùa rất nhiều, tăng sĩ đến hàng vạn. Qua những chỗ này thì đến 1 quốc gia có tên Ma Đầu La. Rồi qua sông Bồ Na. Hai bên sông có đến 20 ngôi chùa, 3.000 tăng sĩ, Phật pháp càng thịnh.

Quốc vương các nước Thiên Trúc phía tây sa mạc đều tín ngưỡng Phật pháp, cúng dường chư tăng. Có khi các vị ấy bỏ vương miện, cùng thân quyến và quần thần tự tay bưng dọn đồ ăn cúng dường chư tăng. Bưng dọn rồi, các vị ấy trải tấm lót xuống đất, ngồi đối diện thượng tọa và chư tăng, chứ không dám ngồi trên giường ghế. Thời đại của Phật, phong cách các quốc vương cúng dường thế nào thì đến nay vẫn truyền lại thế ấy cho nhau.

(5)

Từ đây xuôi về hướng nam thì gọi là xứ trung tâm (24). Toàn xứ trung tâm nóng lạnh điều hòa, không có sương tuyết. Dân chúng an lạc, không có hộ tịch, phép quan. Chỉ có ai cày đất công mới đóng thuế. Muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Vua trị tội không dùng tử hình. Có tội thì chỉ phạt tiền, tùy việc nặng nhẹ. Dầu mưu phản đi nữa, chẳng qua chặt tay phải mà thôi. Hầu hạ chung quanh vua đều có bổng lộc. Cả xứ trung tâm, dân chúng không sát sinh, không uống rượu, không ăn hành tỏi, trừ những kẻ chiên trà la. Chiên trà la là những kẻ làm ác, ở riêng dân chúng. Khi vào thị thành, họ gõ cây để tự biểu thị, dân chúng biết mà tránh, không động chạm với họ. Cả xứ không nuôi heo gà, không bán sinh vật. Chợ không có địa điểm làm thịt và bán rượu. Mua bán đổi chác thì dùng vỏ ốc (25). Chỉ có chiên trà la, thợ săn và dân chài mới bán thịt.

Từ sau khi Phật nhập diệt, các quốc vương, trưởng giả và cư sĩ làm tinh xá cho chư tăng, cung cấp ruộng đất, nhà cửa, vườn tược, người giúp, bò trâu, chứng khoán, văn khế. Các thế hệ sau của các quốc vương cũng truyền lại cho nhau như vậy, không ai phế bỏ việc cúng dường ấy, nên đến nay vẫn còn. Chư tăng có phòng ốc, giường chăn, thực phẩm, y phục, không thiếu gì cả, và nước nào cũng đều làm như vậy. Chư tăng thì thường lấy công đức làm công việc, tụng kinh, ngồi thiền. Khách tăng đến thì chư tăng cũ đón tiếp, mang giúp y bát, cấp nước rửa chân, dầu xoa chân, và nước nghiền trái hạt dùng lúc phi thời. Ngay sau đó lại hỏi số tuổi thọ giới, rồi theo thứ tự của tuổi ấy mà khách tăng được cấp phòng thất, đồ nằm và những thứ khác, đúng như cách thức trong luật.

Chỗ chư tăng ở thì xây tháp các ngài Xá Lợi Phất, Đại Mục Liên, A Nan Đà, lại xây tháp luận, luật, kinh. Sau một tháng kiết hạ thì những người cầu phước khuyến hóa cúng dường, cúng dường nước nghiền trái hạt dùng lúc phi thời. Chư tăng thường tổ chức đại hội thuyết pháp. Thuyết pháp rồi cúng dường tháp ngài Xá Lợi Phất bằng hương hoa, đốt đèn suốt đêm, lại kiếm người biết đóng tuồng diễn lại cảnh khi ngài Xá Lợi Phất đang làm Bà la môn đến Phật xin xuất gia. Đối với các ngài Đại Mục Liên và Đại Ca Diếp cũng làm như vậy. Các tỷ kheo ni phần nhiều cúng dường tháp ngài A Nan Đà, bởi vì ngài này đã thỉnh cầu Phật cho phép nữ nhân xuất gia. Các sa di thì phần nhiều cúng dường ngài La Hầu La. Học luận thì cúng dường luận. Học luật thì cúng dường luật. Mỗi năm cúng dường 1 lần, và ai có ngày ấy. Đại thừa thì cúng dường kinh Đại bát nhã, bồ tát Văn Thù và bồ tát Quan A?.

Chư tăng làm lễ thọ tuế rồi, trưởng giả, cư sĩ, bà la môn, vân vân, đem những thứ y áo và vật dụng mà chư tăng cần dùng, đến cúng dường chư tăng. Chư tăng nhận rồi, ai cũng tự làm bố thí. Từ khi Phật nhập diệt đến giờ, những phong cách phép tắc mà thánh chúng (26) hành trì, đều được thừa truyền cho nhau chứ không bỏ mất.

(6)

Qua sông Tân Đầu rồi là đến lĩnh vực nam bộ Thiên Trúc. Bắt đầu từ đó cho đến biển nam, có bốn năm vạn dặm. Biển bằng phẳng, không có núi hay dòng nước lớn, chỉ có các sông. Từ đây đi về đông nam 18 do tuần thì có một quốc gia tên Tăng Già Thi. Quốc gia này là chỗ Phật trở xuống sau khi lên Đao Lợi 3 tháng thuyết pháp cho mẹ Ngài. Phật lên Đao Lợi, dùng thần thông lực không cho đệ tử tìm biết. Qua 7 ngày rồi, Ngài xả thần thông lực, nên tôn giả A Na Luật dùng thiên nhãn lực xa thấy Phật, và nói với tôn giả Đại Mục Liên, hãy lên hỏi thăm Phật. Tôn giả Đại Mục Liên lên liền, đầu mặt lạy ngang chân Phật, hỏi thăm Ngài. Hỏi thăm rồi, Phật bảo tôn giả, 7 ngày nữa Như Lai xuống lại Diêm Phù. Tôn giả Đại Mục Liên trở về báo tin như vậy. Bấy giờ quốc vương 8 nước lớn, cùng mọi thần dân, vì không thấy Phật đã lâu nên ai cũng khao khát trông đợi, và vân tập tại quốc gia Tăng Già Thi này mà chờ Phật. Lúc ấy có tỷ kheo ni Ưu Bát La tự nghĩ, hôm nay vua quan dân chúng đón Phật, mình là nữ nhân, làm sao được thấy Ngài trước hết. Nghĩ vậy nên tức thì dùng thần thông lực hiện ra làm vị Luân vương để được lạy Phật trước hết. Phật từ Đao Lợi về xuống thì 3 đường có cấp được hóa hiện ra. Phật hóa hiện và đi xuống trên đường ở giữa, có các cấp bằng 7 thứ quí báu. Phạn vương hóa hiện và đi xuống trên đường bạch kim, phía bên phải của Phật, và cầm quạt trắng mà hầu Ngài. Đế Thích hóa hiện và đi xuống trên đường tử kim, phía bên trái của Phật, và cầm lọng bằng 7 thứ quí báu mà hầu Ngài. Chư Thiên thì vô số, đi xuống theo Phật. Phật xuống rồi, 3 đường có cấp ấy lún xuống đất, chỉ còn lại 7 cấp. Sau này A Dục vương muốn thấy cái gốc cuối cùng của các cấp ấy nên bảo người đào bới. Đào bới đến lớp đất vàng mà vẫn không hết gốc ấy. A Dục vương càng kính tin, tức thì xây dựng tinh xá ngay trên các cấp, lại tạo tượng đứng cao 1 trượng 6 của Phật đứng ngay trên cấp chính giữa. Sau tinh xá, A Dục vương dựng một trụ đá, cao 20 khuỷu tay. Trên trụ đá tạc tượng sư tử. Nơi trụ đá, 4 bên đều có tượng Phật, trong ngoài trong suốt như lưu ly. Có 1 luận sư ngoại đạo tranh nhau chỗ này với sa môn. Sa môn thua lý, mới thề với ngoại đạo, rằng chỗ này nếu là của sa môn thì hãy có một sự linh nghiệm. Thề rồi, tượng sư tử trên đầu trục đá tức thì gầm lớn. Thấy sự linh nghiệm ấy, ngoại đạo run sợ, tâm phục và thoái lui.

Phật vì lãnh thọ thực phẩm chư thiên đến 3 tháng, nên thân Ngài tỏa ra hương thơm chư thiên, không còn như nhân gian. Do đó, Ngài tắm rửa thân mình, và sau người ta làm một cái nhà tắm ở chỗ ấy. Nhà tắm hiện nay vẫn còn. Cái chỗ tỷ kheo ni Ưu Bát La lạy Phật đầu tiên, nay cũng được dựng tháp.

Khi Phật còn, có tháp dựng chỗ Ngài cắt tóc và móng tay. Chỗ 3 đức Phật quá khứ và đức Phật Thích Ca ngồi thiền và kinh hành, chỗ tạo hình tượng các đức Phật, cũng đều có tháp, và đến nay vẫn còn cả. Chỗ Đế Thích và Phạn Thiên theo Phật về xuống, cũng được dựng tháp.

Có một trú xứ mà tăng ni có quãng 1.000 người, đều ăn đồng chúng, và học tổng hợp đại thừa tiểu thừa. Trú xứ này có con rồng tai trắng, làm thí chủ cho tăng ni, bằng cách làm cho quốc gia Tăng già thi lúa má phong phú, trái hạt chín nhiều, mưa gió đúng lúc, không gây tai họa. Do vậy mà tăng ni yên ổn. Tăng ni cảm cái ơn ấy nên làm cho rồng 1 cái tinh xá, trong có đặt chỗ ngồi. Tăng ni lại làm phước cho rồng bằng cách sắm sửa trai soạn và thay rồng cúng dường tăng ni. Hằng ngày tăng ni phái 3 vị đến trong tinh xá của rồng mà thọ thực. Mỗi năm kiết hạ rồi, rồng hóa làm rắn nhỏ, hai bên tai đều trắng. Tăng ni biết là rồng. Bèn lấy bồn đựng sữa đặt rồng vào, đem đến khắp thượng tọa và hạ tọa, rồng đều mọp xuống, như thể kính chào. Chào khắp rồi rồng ẩn. Mỗi năm rồng hiện một lần. Làm cho Tăng Già Thi nước giàu, dân thịnh, yên vui rất mực. Người các nước khác đến đây, không ai mà không được lo liệu, cung cấp những gì cần dùng.

Cách trú xứ nói trên, 50 do tuần về hướng tây bắc, có 1 ngôi chùa tên Đại Phần. Đại Phần là tên một ác quỉ. Ác quỉ này vốn đã được Phật giáo hóa. Người sau dựng tinh xá chính nơi chỗ giáo hóa này, và đem hiến cho 1 vị La hán. Vị này lấy nước rửa tay, nước nhỏ giọt xuống đất, chỗ này vẫn còn như cũ, quét trừ đi cũng thường hiện lên chứ không mất. Chỗ này lại có riêng 1 tháp Phật, quỉ thần tốt thường rưới quét, chưa bao giờ phải cần đến sức người. Có 1 quốc vương ngoại đạo nói, rằng đã thế thì ta cho nhiều binh sĩ đến ở đây để dồn thêm phân bẩn, coi các người quét rưới hết không. Quỉ thần tốt tức thì nổi gió lớn, thổi cho sạch hết.

Chỗ này lại có 100 tháp phụ, nhỏ. Người ta đếm suốt ngày cũng không biết được. Ai quyết ý muốn biết thì bên mỗi tháp đặt 1 người rồi đếm. Người ít hay nhiều gì rồi cũng không biết được.

Có 1 ngôi chùa có đến sáu bảy trăm tăng sĩ. Chùa có chỗ vị Duyên giác ngồi ăn, đất mềm và lớn bằng bánh xe lớn, mấy chỗ khác mọc cỏ, độc chỗ này không mọc. Lại có chỗ đất vị Duyên giác ấy phơi y, cũng không mọc cỏ, và dấu y ăn xuống đất đến nay vẫn còn.

Tôi kiết hạ tại tinh xá của rồng. Kiết hạ rồi đi tới theo hướng đông nam, 7 do tuần thì đến quốc đô Kế Nhiêu Di. Quốc đô này tiếp cận sông Hằng, có 2 ngôi chùa, toàn theo tiểu thừa. Cách quốc đô sáu bảy dặm về phía tây, tức bên bờ phía bắc sông Hằng, là chỗ Phật từng thuyết pháp cho đệ tử. Tương truyền rằng tại đây Phật đã nói về vô thường, khổ không, nói thân như bọt nước, vân vân. Chỗ này được dựng tháp, và nay vẫn còn.

Qua sông Hằng rồi đi về hướng nam, 3 do tuần thì đến 1 thôn, tên Ha Lê. Phật từng thuyết pháp, kinh hành và ngồi thiền trong thôn này, và những chỗ ấy đều được dựng tháp.

Từ đây đi về hướng đông nam, 10 do tuần thì đến quốc gia lớn Sa Kỳ. Ra cửa nam của quốc đô Sa Kỳ, nơi phía đông của đường đi, là chỗ Phật vốn ở đây nhấm dương chi rồi cắm xuống đất, tức thì sinh trưởng cây dương 7 thước, không hơn không kém. Ngoại đạo và bà la môn ganh ghét, nên hoặc chặt, hoặc nhổ, vất xa khỏi chỗ ấy, nhưng chỗ ấy vẫn sinh trưởng cây dương như cũ. Tại quốc đô Sa Kỳ cũng có chỗ 4 đức Phật kinh hành và ngồi thiền, được dựng tháp và tháp ấy vẫn còn như cũ.

(7)

Từ quốc đô Sa Kỳ đi về hướng nam, 8 do tuần thì đến quốc đô Xá vệ của quốc gia Câu Tát La. Quốc đô này dân chúng ít, chỉ có 200 nóc nhà, nên sáng sủa rộng rãi. Tức là quốc đô của Ba Tư Nặc vương trị vì. Chỗ tinh xá cũ của bà Đại ái đạo, chỗ giếng và vách của nhà trưởng giả Tu Đạt, chỗ Ương Quật Ma La đắc đạo, nhập diệt và hỏa thiêu, tất cả chỗ này người sau đều dựng tháp, và đều ở cả trong quốc đô Xá Vệ. Ngoại đạo và bà la môn ganh ghét, muốn phá hủy đi thì trời nổi giông chớp sấm sét, nên rốt cuộc không phá hủy được.

Ra cửa nam của quốc đô, đi 1 ngàn 200 bước, thì phía tây của đường đi là chỗ trưởng giả Tu Đạt kiến thiết tinh xá. Tinh xá mở cửa hướng đông. Hai bên cửa có 2 trụ đá. Trên trụ bên trái tạc hình bánh xe, trên trụ bên phải tạc hình con bò. Hai bên trái phải của tinh xá là nước hồ chảy trong sạch, cây cối còn tươi, và những thứ hoa thì có màu sắc khác nhau. Toàn khu tinh xá xanh tốt khả quan. Và đó chính là nơi được gọi là tinh xá Kỳ Hoàn.

Khi Phật lên Đao Lợi, thuyết pháp cho mẹ Ngài 90 ngày, Ba Tư Nặc vương vì nhớ và muốn thấy Phật, nên tạo tượng Phật bằng gỗ đàn hương ngưu đầu, tôn trí nơi chỗ Phật ngồi. Khi Phật về, vào tinh xá thì tượng ấy liền tránh đi và ra đón Phật. Phật bảo, Ngài cứ ngồi yên chỗ của Như Lai. Sau khi Như Lai nhập diệt, Ngài hãy làm chuẩn tắc cho 4 bộ đệ tử của Như Lai coi mà tạo tượng. Tượng lại ngồi lại chỗ của Phật Tượng này là đầu tiên của các tượng, người sau đều bắt chước. Phật thì do vậy mà dời qua ở tinh xá nhỏ phía nam, khác chỗ với tượng, và cách nhau 20 bước.

Tinh xá Kỳ Hoàn vốn có 7 tầng. Quốc vương và quốc dân các nước đua nhau cúng dường. Treo lụa, treo phan, cắm lọng, rải hoa, đốt hương, đốt đèn sáng luôn, và ngày ngày đều như vậy, không bao giờ ngừng. Nhưng rồi bị chuột tha tim đèn, làm cháy phan lọng, cháy lan cả tinh xá, 7 tầng cháy hết. Quốc vương và quốc dân các nước vô cùng buồn rầu, nghĩ rằng vị tượng đàn hương cũng bị cháy. Nhưng bốn năm ngày sau, mở cửa tinh xá nhỏ bên đông, bỗng thấy tượng ấy, nên ai cũng mừng hết sức. Bèn chung nhau trùng tu tinh xá được 2 tầng, rước tượng về lại chỗ cũ.

Tôi cùng thầy Đạo Chỉnh lần đầu tiên đến tinh xá Kỳ Hoàn. Nghĩ xưa kia Phật ở nơi đây đến 25 năm, mà mình sinh chậm, lại sinh ở xứ biên địa, cùng các thầy đồng chí hướng trải qua các nước, có người về, có người chết, ngày nay mới đến đây và thấy được chỗ Phật ở mà không thấy Phật nữa, lòng xiết bao bi cảm.

Chư tăng trong tinh xá ra hỏi chúng tôi, rằng các vị từ nước nào đến đây, tôi trả lời từ nước Trung Hoa. Chư tăng than rằng thật là kỳ lạ, người biên địa mà có thể đi cầu pháp và đến đây. Chư tăng lại bảo nhau, rằng các vị đại sư và hòa thượng của chúng ta thừa kế với nhau cho đến ngày nay, chưa ai thấy tăng sĩ Trung Hoa nào đến đây cả.

Tây bắc tinh xá, cách 4 dặm có khu rừng tên là Được Mắt. Xưa kia có 500 người mù dựa tinh xá mà ở đây. Phật thuyết pháp cho, và ai cũng phục hồi được mắt. Họ vui mừng, cắm gậy xuống đất. Gậy liền sinh trưởng cây lớn. Dân chúng trọng những cây ấy, không ai dám chặt, nên thành khu rừng, và lấy sự được phục hồi mắt mà đặt tên. Chư tăng tinh xá Kỳ Hoàn ăn ngọ rồi phần nhiều đến ngồi thiền trong khu rừng này.

Đông bắc tinh xá Kỳ Hoàn, cách sáu bảy dặm, bà Tỳ Xá Khư làm tinh xá thỉnh Phật và chư tăng, chỗ này vẫn còn.

Đại viện của tinh xá Kỳ Hoàn có 2 cửa, 1 hướng ra phía đông, 1 hướng ra phía bắc. Khu vườn rừng Kỳ Viên là chỗ trưởng giả Tu Đạt trải tiền vàng mà mua đất. Tinh xá được kiến thiết chính giữa, và Phật ở đây lâu nhất. Những chỗ Phật thuyết pháp, độ người, kinh hành, ngồi thiền đều dựng tháp cả, và đều có tên gọi. Lại có cả chỗ Tôn Đà L?giết mình để phỉ báng Phật. Ra cửa đông tinh xá, đi 70 bước thì phía tây của đường đi là chỗ mà xưa kia Phật luận nghị với 96 học phái ngoại đạo, quốc vương, đại thần, cư sĩ và dân chúng vân tập ở đây mà nghe. Bấy giờ một nữ nhân ngoại đạo tên Chiên Giá Ma Na, sinh tâm ganh ghét, mới độn áo trước bụng như người có thai, đến giữa đại hội mà phỉ báng Phật. Đế Thích liền hóa ra chuột trắng, cắn giây thắt lưng. Giây đứt, áo độn rơi xuống đất, đất nứt ra, và nữ nhân đang sống mà vào địa ngục. Rồi lại có chỗ Điều Đạt dùng móng tay có thuốc độc muốn hại Phật, cũng bị đang sống mà vào địa ngục. Tất cả những chỗ như vậy người sau đều có làm dấu. Riêng chỗ nghị luận thì dựng tinh xá cao chừng 6 trượng, trong đó có tượng Phật ngồi. Phía đông của đường đi có 1 ngôi đền của ngoại đạo, được gọi là Bóng Che. Đền này đường hẹp mà đối diện với tinh xá, và cũng cao chừng 6 trượng. Gọi là Bóng Che, là vì mặt trời ở hướng tây thì bóng tinh xá của Phật chiếu qua che đền ngoại đạo, còn mặt trời ở hướng đông thì bóng đền ngoại đạo chiếu qua hướng bắc, không thể nào che được tinh xá của Phật. Ngoại đạo thường phái người giữ đền, quét rưới, đốt hương, thắp đèn mà dâng cúng. Nhưng sáng sớm đèn ấy dời qua trong tinh xá của Phật. Ngoại đạo tức giận, nói đây là tăng sĩ lấy đèn của ta mà cúng dường Phật, và lại làm hoài như thế. Ngoại đạo do vậy mà ban đêm tự rình chờ. Thì thấy chính thiên thần họ thờ đem đèn đi nhiễu quanh tinh xá của Phật 3 vòng mà cúng dường. Cúng dường rồi biến mất. Ngoại đạo mới biết Phật lớn hơn thiên thần, tức thì thoát ly gia đình mà xuất gia trong Phật pháp.

Lại có tương truyền rằng, gần đây có việc này cốt làm rối tinh xá Kỳ Hoàn. Tinh xá Kỳ Hoàn có 18 tăng xá, tăng xá nào cũng có chư tăng ở, chỉ có 1 tăng xá trống. Mà trung bộ Thiên trúc có 96 học phái ngoại đạo, ai cũng biết hiện tại và vị lai, cũng có đồ đệ, cũng khất thực nhưng không cầm bát ứng khí, cũng cầu phước bằng cách làm nhà phước đức bên đường lớn, với đủ phòng thất, giường nằm, đồ ăn, thức uống, cung cấp cho người đi đường, người xuất gia, và khách qua lại, nhưng kỳ vọng của họ khác với chư tăng. Riêng Điều Đạt cũng có đồ chúng, nhưng cúng dường 3 đức Phật quá khứ (27) mà không cúng dường đức Phật Thích Ca (28) .

Đông nam quốc đô Xá Vệ, cách 4 dặm, là nơi mà khi Lưu Ly vương muốn đánh nước Xá Di, Phật đứng bên đường đón can, chỗ Ngài đứng cũng được xây tháp.

Phía tây quốc đô Xá Vệ, cách 50 dặm, đến 1 ấp tên Đô Duy, đây là chỗ đức Phật Ca Diếp giáng sinh, chỗ Ngài gặp thân phụ, chỗ Ngài nhập diệt, và tất cả các chỗ đều có dựng tháp. Xá lợi toàn thân đức Phật Ca Diếp cũng được dựng tháp lớn. Đông nam quốc đô Xá Vệ, đi 12 do tuần, thì đến 1 ấp tên Na Tì Đà, đây là chỗ đức Phật Câu Lâu Tần giáng sinh, chỗ Ngài gặp phụ thân, chỗ Ngài nhập diệt, các chỗ này cũng đều xây tháp. Từ ấp này mà đi về hướng bắc, gần 1 do tuần, thì đến một ấp là chỗ đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni giáng sinh, chỗ Ngài gặp phụ thân, chỗ Ngài nhập diệt, đều được dựng tháp cả.

(8)

Từ đây mà đi về hướng đông, gần 1 do tuần, thì đến quốc đô Ca Duy La Vệ. Trong quốc đô bây giờ không vua, dân cư thưa thớt, chỉ có chư tăng và mươi hộ dân cư mà thôi. Thế nhưng chỗ cố cung Bạch Tịnh vương có tạc tượng mẫu hậu của thái tử Tất Đạt và tượng thái tử cưỡi voi trắng vào thai mẹ; chỗ thái tử đi ra cửa đông quốc thành gặp bịnh nhân nên quay xe trở về, các chỗ này cũng đều dựng tháp, kể cả chỗ A Di coi tướng thái tử. Chỗ thái tử cùng các ông Nan Đà đấu voi, bắn cung và tên bay về phía đông nam 30 dặm, cắm xuống đất làm cho nước suối ngầm vọt lên, người sau sửa chữa làm giếng cho người đi đường uống. Chỗ thái tử thành Phật rồi về thăm phụ vương; chỗ 500 con trai họ Thích xuất gia rồi hướng về tôn giả Ưu Ba Ly mà làm lễ thì địa chấn nổi lên đủ 6 hình thức; chỗ Phật thuyết pháp cho chư thiên, 4 vị Thiên vương giữ 4 phía làm cho phụ vương của Ngài cũng không vào được; chỗ Phật ngồi dưới cây Ni Câu Luật, xoay về hướng đông cho bà Đại A? Đạo cúng dường tăng già lê, thì cây ấy nay vẫn còn; chỗ Lưu ly vương tàn hại họ Thích, họ Thích chết thì ai cũng được đạo quả Tu đà hoàn; tất cả những chỗ này đều được dựng tháp, và những tháp ấy nay vẫn còn cả. Đông bắc quốc đô Ca Duy La Vệ, cách vài dặm có ruộng của vua, là chỗ thái tử đã ngồi dưới cây quan sát người cày. Xa ra 50 dặm nữa về hướng đông quốc đô Ca Duy La Vệ, là hoa viên của vua. Hoa viên có tên Luận Dân. Mẫu hậu thái tử vào hồ của hoa viên, tắm rửa rồi lên bờ phía bắc, đi 20 bước, cất tay vin nhánh cây, hướng về phía đông mà sinh thái tử. Thái tử xuống đất thì đi 7 bước, có 2 long vương tắm cho. Chỗ tắm ấy thành giếng, và cả hồ tắm nói trên nữa, nay chư tăng thường lấy nước uống.

Chư Phật thì có 4 chỗ thường có, một là chỗ thành chánh giác, hai là chỗ chuyển pháp luân, ba là chỗ luận nghị thắng ngoại đạo, bốn là chỗ về xuống khi lên Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ. Những chỗ khác thì chỉ là thị hiện tùy thời cơ mà thôi.

Quốc gia Ca Duy La Vệ bây giờ hoang vắng, dân chúng thưa thớt, đường sá đáng sợ vì voi trắng và sư tử, không thể đi ẩu được.

Từ chỗ Phật giáng sinh mà đi về hướng đông, cách 5 do tuần thì có 1 quốc gia tên Lam Mạc. Quốc vương của quốc gia này cũng được một phần xá lợi của Phật, đem về dựng tháp và gọi là tháp Lam Mạc. Cạnh tháp có hồ, trong hồ có rồng, thường giữ tháp ấy, ngày đêm cúng dường. A Dục vương ra đời, muốn phá 8 tháp Xá Lợi để làm 84.000 tháp; phá 7 tháp rồi muốn phá tháp này, thì rồng hiện thân, đưa A Dục vương vào cung điện của mình, cho nhìn đồ mình cúng dường, rồi nói nhà vua cúng dường mà hơn như thế thì cứ phá tháp mà lấy xá lợi, tôi không giành với nhà vua. A Dục vương biết đồ cúng dường này không phải thế gian có được, nên đành trở lui. Chỗ này hoang vu, không ai rưới quét, chỉ có bầy voi lấy vòi hút nước rưới đất, lại lấy hoa hương gì có được mà cúng dường tháp. Có 1 tăng sĩ nước khác đến đây, muốn lạy tháp, gặp voi thì sợ quá, núp gốc cây mà nhìn, thấy voi cúng dường đúng cách, mới rất bi cảm, rằng ở đây không còn chùa nào để lo cúng dường tháp này, đến nỗi voi phải rưới quét! Tăng sĩ ấy liền xả giới tỷ kheo mà làm lại sa di, tự kéo cỏ cây, sửa dọn chỗ này sạch sẽ, khuyến hóa quốc vương mình xây chùa, rồi chính mình làm chủ ngôi chùa ấy. Chùa hiện nay có chư tăng ở. Việc này xảy ra gần đây, và từ đó đến nay thừa kế với nhau thường lấy sa di làm chủ chùa.

Từ đây đi về hướng đông, cách 3 do tuần, là chỗ thái tử bảo Xa nặc và ngựa trắng trở về, chỗ này cũng dựng tháp. Từ đây đi về hướng đông nữa, cách 4 do tuần là đến tháp tro của Phật, cũng có chùa ở đó.

(9)

Lại đi về hướng đông nữa, cách 12 do tuần thì đến quốc đô Câu Di Na Kiệt. Phía bắc quốc đô này là rừng Song Thọ, cạnh sông Hy Liên Thiền. Vùng này là chỗ Phật nằm xoay đầu hướng bắc mà nhập diệt, chỗ người đắc đạo cuối cùng là Tu Bạt, chỗ để kim quan của Phật mà cúng dường 7 ngày, chỗ Kim Cang lực sĩ buông kim xử, chỗ 8 quốc vương phân chia xá lợi của Phật, tất cả chỗ này đều dựng tháp, đều có chùa, và nay hiện còn. Tuy nhiên, quốc đô Câu Di Na Kiệt bây giờ dân chúng cũng ít ỏi, chỉ có một ít chư tăng và hộ dân.

Từ vùng này mà đi về đông nam, cách 12 do tuần thì đến chỗ mà các người Lê Xa muốn đuổi theo Phật khi Ngài sắp nhập diệt, nhưng Phật không cho. Họ luyến mộ Phật mà không chịu về. Phật hóa ra hào sâu và lớn, họ không vượt qua được. Phật cho bát ứng khí để làm tin, bảo họ về nhà mà dựng trụ đá. Trên trụ đá có khắc đề như vậy.

Từ đây mà đi về hướng đông, 10 do tuần thì đến quốc gia Tỳ Xá Ly. Phía bắc quốc đô Tỳ Xá Ly là tinh xá trùng các Đại Lâm. Đây là chỗ Phật từng ở, và là chỗ có tháp nửa thân của tôn giả A Nan. Trong quốc thành vốn có nhà của bà Yêm Bà La, bà làm tháp chỗ ấy hiến Phật, nay đang còn. Cách 3 dặm phía nam quốc đô, phía tây của đường đi, là chỗ bà Yêm Bà La đem vườn hiến Phật, làm chỗ ở của Ngài. Khi sắp nhập diệt, Phật đi với đệ tử ra khỏi cửa tây quốc đô Tỳ Xá Ly, xoay mình lại phía phải, nhìn quốc đô ấy mà nói với đệ tử, rằng đây là chỗ Như Lai đi lần cuối cùng. Người sau dựng tháp chỗ này.

Tây bắc quốc đô, cách 3 dặm, có ngôi tháp tên là Buông Cung Gậy. Có cái tên này là vì bên sông Hằng có 1 quốc vương. Hoàng hậu nhỏ của quốc vương sinh cái thai 1 khối thịt. Hoàng hậu lớn ganh ghét, bảo là sinh điềm xấu. Tức khắc đem bỏ vào cái hộp gỗ, ném xuống sông Hằng. Hạ lưu sông Hằng có 1 quốc vương đi du ngoạn, thấy hộp gỗ trôi nổi trên dòng nước, vớt mở xem thì là cả ngàn bé trai khỏe, đẹp. Quốc vương ấy đem về nuôi, lớn dần lên và rất khỏe mạnh, chinh phạt đâu cũng làm cho khuất phục. Kế đến chinh phạt nước của vua cha mình. Vua cha quá lo rầu, hoàng hậu nhỏ của vua hỏi lo rầu việc gì. Vua bảo, vua kia có ngàn đứa con trai, mạnh vô địch, muốn đánh nước ta nên ta lo rầu. Hoàng hậu nhỏ bảo đừng lo rầu làm gì. Hãy làm cái lầu cao phía đông quốc thành, giặc đến thì để tôi trên lầu ấy, tôi có thể làm cho giặc lui đi. Vua làm như lời. Khi giặc đến thì hoàng hậu nhỏ ở trên lầu, bảo rằng các người là con ta, tại sao cố ý phản nghịch? Giặc bảo, bà là ai mà bảo là mẹ chúng tôi? Hoàng hậu nhỏ nói, nếu các con không tin, thì cứ ngước lên mà hả miệng ra. Hoàng hậu nhỏ liền hai tay vắt 2 vú, mỗi vú chảy ra 500 dòng sữa, và rơi cả vào miệng của ngàn đứa con. Giặc biết đích mẹ mình, liền buông bỏ cung và gậy. Hai vị quốc vương nhân đó mà tư duy, và thành 2 vị Duyên giác. Nay tháp của 2 vị ấy đang còn. Sau này, khi Phật thành đạo rồi, bảo các đệ tử, rằng đây là chỗ mà Như Lai xưa kia đã cùng buông bỏ cung gậy. Người sau biết được như vậy nên dựng tháp chỗ này, và đặt tên là tháp Buông Cung Gậy. Ngàn đứa con thì chính là ngàn đức Phật trong hiền kiếp. Phật đứng cạnh tháp Buông Cung Gậy mà bảo tôn giả A Nan, rằng 3 tháng nữa Như Lai sẽ nhập diệt. Bấy giờ ma vương quấy rối tâm trí tôn giả A Nan, làm cho tôn giả đã không biết xin Phật ở đời thêm nữa.

Từ đây mà đi về hướng đông, cách ba bốn dặm thì có 1 ngôi tháp. Bách kỷ thứ 1 sau Phật nhập diệt, các vị tỷ kheo quốc gia Tỳ Xá Ly làm sai giới luật bằng 10 sự, mà lại viện chứng rằng Phật đã dạy như vậy. Bấy giờ các vị La hán và những vị tỷ kheo trì luật, có 700 tất cả, hội nhau tại đây mà tầm cứu luật tạng. Người sau dựng tháp tại đây, và nay cũng hiện còn.

Từ đây đi về hướng đông, cách 4 do tuần, thì đến chỗ mà 5 dòng sông hợp lại. Tôn giả A Nan từ quốc gia Ma Kiệt hướng về quốc gia Tỳ Xá Ly, muốn nhập diệt ở quốc gia này. Chư thiên báo cho A Xà Thế vương. Vương tức khắc nghiêm chỉnh xa giá, đem tướng sĩ đuổi theo đến trên sông. Các người Xa Lê nước Tỳ Xá Ly nghe tôn giả A Nan đến, cũng đến đón rước. Hai bên cùng đứng trên 2 bờ sông. Tôn giả A Nan nghĩ rằng, đi tới thì A Xà Thế vương giận, đi lui thì các người Xa Lê oán. Nghĩ vậy nên tôn giả ở chính giữa dòng sông, nhập định Ánh sáng của lửa, tự đốt mình mà nhập diệt, phân xá lợi ra 2 phần, mỗi phần cho 1 bờ sông. Hai bên do vậy mà cùng được một nửa xá lợi thân ngài, đêm về dựng tháp.

(10)

Qua sông Hằng, đi xuống phía nam 1 do tuần thì đến quốc đô Ba Liên Phất của quốc gia Ma Kiệt Đề. Ba Liên Phất là quốc đô A Dục vương trị vì. Trong đó, cung điện của vua toàn do quỉ thần làm ra, chất đá mà xây tường dựng cửa, khắc chạm văn vẻ, không phải thế gian làm được. Nay vẫn đang còn. Hoàng đệ của A Dục vương được đạo quả La hán, thường ở núi Kỳ Xà Quật, chí thích yên tĩnh. A Dục vương kính trọng, muốn mời về cung cúng dường. Vì ưa núi non yên tĩnh nên hoàng đệ không nhận lời. A dục vương nói với em, hãy nhận lời anh, anh sẽ làm núi ngay trong quốc đô cho em. A Dục vương liền sắp sửa đồ ăn thức uống, triệu tập quỉ thần mà bảo, ngày mai các vị hãy nhận lời mời của ta. Nhưng giường ghế không đủ, vậy xin các vị cùng tự mang đến. Sáng mai, các quỉ thần lớn cùng mang đá lớn đến, mở rộng bốn năm bước ngồi rồi, A Dục vương liền nhờ quỉ thần chất lại làm hòn núi đá lớn. Dưới núi đá, lấy 5 viên đá vuông lớn làm phòng đá, dài 3 trượng, rộng 2 trượng, cao hơn 1 trượng.

Có một vị Bà la môn đại thừa tên là La Thải Tư Mê, ở trong quốc đô của A Dục vương. Người trí tuệ sáng láng, không việc gì không thấu triệt, và lấy sự thanh tịnh mà sống. A Dục vương tôn kính, thờ như thầy, nên đến thăm viếng thì không dám cùng ngồi. A Dục vương kính trọng mà nắm tay đi nữa, Bà la môn đại thừa cũng rửa tay. Năm vị này hơn 50 tuổi thì cả nước ngưỡng vọng. Chính nhờ 1 người như vậy tuyên dương pháp hóa của Phật mà ngoại đạo không thể lấn lướt chư tăng. Bên cạnh tháp A Dục vương xây dựng, vị ấy dựng ngôi chùa Đại thừa. Chùa rất tráng lệ. Cũng có chùa tiểu thừa. Gồm cả lại thì có sáu bảy trăm chư tăng, uy nghi đàng hoàng, nhã quan. Bốn phương cao đức, sa môn và học giả, muốn cầu nghĩa lý thì đều đến chùa Đại thừa. Thầy của vị Bà la môn đại thừa cũng tên là Văn Thù sư lợi. Cả nước, bao nhiêu đại đức sa môn và tỷ kheo đại thừa đều tôn thờ vị thầy ấy. Vị thầy ấy cũng ở tại chùa Đại thừa.

Các quốc gia trong lĩnh vực trung bộ Thiên Trúc, chỉ quốc đô Ba Liên Phất của quốc gia Ma Kiệt Đề là lớn nhất. Dân chúng giàu thịnh, đua theo nhân nghĩa, hằng năm lấy ngày 8 tháng 2 làm ngày rước tượng Phật. Làm cỗ xe 4 bánh, cột tre thành 5 tầng, chồng cao 2 trượng, hình dáng như cái tháp. Trên quấn lụa trắng rồi vẽ hình chư thiên. Trang sức bằng bạc vàng, lưu ly, treo lụa, treo phan, cắm lọng. Bốn phía làm khám, trong có tượng Phật ngồi, tượng bồ tát đứng hầu. Có đến 20 cỗ xe như vậy. Mỗi cỗ trang hoàng khác nhau. Vào ngày 8 tháng 2, tăng tục toàn xứ đều hội diễn kịch nhạc, cúng dường hoa hương. Vị Bà la môn đại thừa làm lễ thỉnh tượng Phật. Các cỗ xe tượng Phật tuần tự đi vào quốc đô, và ở đêm tại đây. Cả đêm đốt đèn, hiến cúng kịch nhạc.

Nước nào cũng có đại lễ rước tượng như vậy.

Trưởng giả và cư sĩ các nước cũng thiết lập ngay trong quốc đô của họ những ngôi nhà Phước đức và Y dược. Mọi người nghèo nàn, cô độc, tàn tật, bịnh hoạn, đều đến những ngôi nhà ấy và được cung cấp mọi sự. Y sĩ khám bịnh, chăm sóc, uống ăn và thuốc thang thích đáng, làm cho yên ổn. Lành rồi thì tự do mà đi.

A Dục vương phá 7 tháp làm 84.000 tháp. Tháp lớn xây dựng đầu tiên là ở phía nam quốc đô, cách hơn 3 trăm dặm. Trước tháp có dấu chân của Phật nên dựng tinh xá, cửa hướng phía bắc. Phía nam của tháp có 1 trụ đá, chu vi 1 trượng bốn hay năm, cao hơn 3 trượng. Trên trụ có khắc đề, rằng A Dục vương đem đại lục Diêm phù hiến cúng chư tăng 4 phương, rồi đem tiền chuộc lại, và 3 lần làm như vậy. Phía bắc của tháp, cách ba bốn trăm bước, vốn là chỗ A Dục vương làm vườn địa ngục. Trong vườn có 1 trụ đá cũng cao hơn 3 trượng, trên có tượng sư tử. Trên trụ có khắc ghi lý do và năm tháng làm vườn địa ngục.

Từ đây đi về phía đông nam, 9 do tuần thì đến núi cô thạch Nhất Tâm. Đầu núi có phòng đá, hướng ra phía nam. Phật từng ngồi ở đây. Bấy giờ là lúc và chỗ Đế Thích đem thiên nhạc sĩ Bát giá đến gãy đàn cầm để làm vui Phật. Đế Thích còn đem 42 sự hỏi Phật, mỗi câu hỏi đều lấy tay vẽ đá, dấu vẽ nay vẫn còn. Ở đây cũng có chùa.

Từ đây đi về tây nam, 1 do tuần thì đến làng Na La. Ấy là sinh quán của tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả cũng trở về làng này mà nhập diệt. Tháp được dựng lên tại đây, mà nay đang còn.

(11)

Từ đây đi về hướng tây 1 do tuần thì đến quốc đô Vương Xá mới. Quốc đô mới này do A Xà Thế vương kiến thiết. Trong quốc đô ấy có 2 ngôi chùa. Ra cửa tây quốc đô mới, đi 3 trăm bước, là chỗ A Xà Thế vương được một phần xá lợi của Phật đem về xây tháp, cao lớn tráng lệ. Ra phía nam quốc đô mới, đi 4 dặm thì vào hang, đến giữa 5 núi. Năm núi bao vây, hình thế như là thành quách, và đó là quốc đô Vương xá cũ của Bình Sa vương. Quốc đô cũ này đông sang tây chừng năm sáu dặm, nam sang bắc bảy tám dặm. Đây là nơi 2 ngài Xá Lợi Phất và Đại Mục Liên đầu tiên gặp ngài Át Bệ; nơi Ni Kiền Tử làm hầm lửa và cơm độc mời Phật; nơi A Xà Thế vương cho voi đen uống rượu để hại Phật. Góc đông bắc quốc đô cũ này là chỗ những bậc kỳ cựu đã xây tinh xá trong vườn Yêm Bà La, thỉnh Phật và 1.200 đệ tử mà cúng dường. Tinh xá nay vẫn còn. Nhưng quốc đô cũ thì hoang vu, không còn ai ở. Vào hang rồi ven theo hướng đông nam của núi mà lên 15 dặm, thì đến núi Kỳ Xà Quật. Chưa đến đầu 3 dặm đã có hang đá, cửa hướng phía nam, đó là nơi Phật ngồi thiền. Qua tây bắc 30 bước, có 1 hang đá nữa, đó là nơi tôn giả A Nan ngồi thiền. Bấy giờ thiên ma Ba tuần hóa chim kên kên, đậu trước hang mà hù. Phật dùng thần thông lực, cách đá mà luồn tay xoa vai tôn giả A Nan, tôn giả liền hết sợ. Dấu chim đứng, lỗ tay luồn, nay còn cả. Do vậy mà gọi là núi Hang Điêu Thứu. Trước hang có chỗ ngồi thiền của 4 đức Phật. Các vị La Hán ai cũng có hang đá để ngồi thiền, nên hang đá có đến vài trăm. Phật kinh hành từ đông sang tây trước hang đá, Điều Đạt đứng phía bắc của núi, chỗ rất hiểm, ném đá làm bị thương ngón chân của Phật. Đá ấy nay vẫn còn. Ngôi nhà Phật thuyết pháp thì nay đã hư hỏng, chỉ còn gạch, vách và nền.

Núi Kỳ Xà Quật cao, xanh, hùng vĩ, và đây là ngọn cao nhất trong 5 ngọn núi. Ở trong quốc đô Vương Xá mới, tôi mua hoa hương, dầu đèn, nhờ 2 vị tỷ kheo cũ đưa đến núi Kỳ Xà Quật. Cúng dường hoa hương, đốt sáng dầu đèn rồi, tôi rất bi cảm, gạt nước mắt mà vái, xưa, tại đây, Phật đã nói Lăng Nghiêm; con sinh không gặp Phật, ngày nay chỉ thấy được chỗ Phật để dấu vết lại mà thôi! Tôi liền tụng Lăng Nghiêm trước hang đá. Và ngủ lại ở đây 1 đêm mới trở về quốc đô Vương Xá mới. Rồi lại ra phía bắc của quốc đô Vương Xá cũ, đi hơn 3 trăm bước, thì phía tây của đường đi là tinh xá vườn tre Ca Lan Đà. Tinh xá đang còn, có chư tăng quét rưới. Phía bắc tinh xá hai ba dặm là bãi Thi Ma Xa Na. Thi Ma Xa Na, Trung Hoa dịch là Bãi mộ bỏ người chết. Ven theo núi phía nam, đi về hướng tây 3 trăm bước, thì có 1 phòng đá gọi là Tân Ba La, là chỗ Phật thường ăn rồi ngồi thiền. Lại đi về hướng tây năm sáu dặm, trong bóng im phía bắc của núi có 1 hang đá, tên là Xa Đế. Đó là chỗ 500 vị La hán kiết tập pháp tạng sau khi Phật nhập diệt. Khi kiết tập, đặt 3 ghế cao, trang nghiêm, bên trái vọng ngài Xá Lợi Phất, bên phải vọng ngài Đại Mục Liên, còn ngài Đại Ca Diếp làm thượng tọa. Trong số 500 vị La Hán còn thiếu 1 vị. Bấy giờ ngài A Nan đang đứng ngoài cửa, chưa được vào. Chỗ đứng này cũng được dựng tháp, và nay vẫn còn. Ven theo núi còn có nhiều hang đá của chư vị La Hán ngồi thiền.

Ra phía bắc quốc đô Vương Xá cũ, đi xuống phía đông 3 dặm, thì có hang đá của Điều Đạt. Cách đó 50 bước có hang đá đen vuông lớn. Xưa có 1 tỷ kheo kinh hành trên hang đá này, tư duy thân là vô thường, khổ không, nên được bất tịnh quán, chán ghét thân này, liền cầm dao muốn tự sát. Nhưng nghĩ rằng Phật qui định giới luật cấm chỉ tự sát, lại nghĩ, nhưng đây là ta chỉ giết tên giặc đầy 3 độc tố. Liền đưa dao tự vẫn, mới đứt thịt thì được sơ quả, vào một nửa thì được tam quả, đã đứt thì thành La hán mà nhập diệt.

(12)

Từ đây mà đi về phía tây 4 do tuần thì đến thành Già Da, trong thành cũng hoang vắng. Lại đi về phía nam 20 dặm thì đến chỗ Bồ tát khổ hạnh 6 năm. Chỗ này có rừng có cây. Từ đây đi về phía tây 3 dặm thì đến chỗ Phật xuống nước tắm rồi chư thiên ấn cành cây xuống để Phật vin mà lên. Lại đi về phía bắc 2 dặm thì đến chỗ nữ nhân Di Da (29) hiến sữa cho Phật. Từ đây đi về phía bắc 2 dặm là chỗ Phật ngồi trên viên đá dưới đại thụ, hướng về phía đông mà dùng sữa. Đá và cây đang còn, Đá rộng dài chừng 6 thước, cao chừng 2 thước. Trung bộ Thiên Trúc lạnh nóng điều hòa, cây cối có thứ sống vài ngàn cho đến cả vạn năm.

Từ đây đi về phía đông bắc, cách một nửa do tuần thì đến 1 hang đá, là nơi Bồ tát vào trong đó, hướng về phía tây mà ngồi kiết dà, lòng nghĩ rằng nếu ta mà thành chánh giác thì hãy có sự linh nghiệm. Tức thì trên vách đá hiện ra bóng của Bồ tát, cao chừng 3 thước, đến nay vẫn còn sáng rõ. Bấy giờ trời đất đại động, chư thiên ở trong không gian mà thưa rằng đây không phải là chỗ chư Phật quá khứ và vị lai đắc thành chánh giác; cách đây về phía tây nam, đi gần nửa do tuần, đến dưới cây Bối Đa (30) mới là chỗ chư Phật quá khứ vị lai đắc thành chánh giác. Chư thiên thưa rồi đi trước dẫn đường. Bồ tát đứng dậy đi theo, đến cách cây Bối Đa 30 bước thì chư thiên trao cho ngài thứ cỏ cát tường. Bồ tát nhận lãnh rồi đi 15 bước nữa, thì 500 chim sẻ xanh bay lại, quanh Bồ tát 3 vòng mới bay đi. Bồ tát bước tới dưới cây Bối Đa, trải cỏ cát tường, hướng về phía đông mà ngồi. Bãy giờ ma vương sai 3 người con gái tuyệt đẹp từ phía bắc đến thử, ma vương mang quân từ phía nam đến thử. Bồ tát lấy ngón chân ấn xuống đất thì ma quân thoái tán hết, 3 người con gái biến thành bà già cả. Từ chỗ khổ hạnh ở trên cho đến các chỗ ở đây, người sau đều xây tháp, dựng tượng, và ngày nay đang còn tất cả.

Chỗ Phật thành chánh giác rồi, 7 ngày nhìn cây Bối Đa mà hưởng thụ cái vui giải thoát; chỗ Phật 7 ngày kinh hành từ đông sang tây dưới cây Bối đa; chỗ chư thiên hóa ra đài thất bảo cúng dường Phật 7 ngày; chỗ rồng quấn quanh Phật 7 ngày; chỗ Phật ngồi dưới cây Ni Câu Luật, trên đá vuông, hướng về phía đông, Phạn vương đến thỉnh cầu ngài chuyển pháp luân; chỗ 4 vị thiên vương hiến bát ứng khí; chỗ 500 thương khách hiến miến, mật; chỗ Phật hóa độ thầy trò cả ngàn người của anh em các ngài Ca Diếp; tất cả các chỗ như vậy cũng đều có tháp dựng lên.

Chỗ Phật thành chánh giác thì có 3 ngôi chùa, đều có chư tăng cư trú. Chư tăng được dân chúng hiến cúng, không thiếu thốn gì. Giới luật lại nghiêm cẩn, phong cách cử động và cư xử toàn là do phong cách thánh chúng thời Phật dẫn đến ngày nay. Từ khi Phật nhập diệt cho đến bây giờ, chư tăng 4 chỗ tháp lớn vẫn thừa kế phong cách như vậy, không hề dứt mất. Bốn tháp lớn là chỗ Phật giáng sinh, chỗ Phật thành chánh giác, chỗ Phật chuyển pháp luân, chỗ Phật nhập diệt.

A Dục vương đời trước, khi làm 1 bé con chơi giữa đường, gặp đức Phật Ca diếp đi khất thực, bé con hoan hỷ, vốc 1 vốc đất hiến Ngài. Đức Phật Ca diếp đem về tô mặt đất đường đi kinh hành của mình. Do vậy mà kết quả kiếp này bé con được làm Thiết Luân vương, thống quản đại lục Diêm phù. Vương cưỡi xe sắt thị sát Diêm phù, thấy sự trị tội của địa ngục giữa 2 dãy núi Thiết Vi, liền hỏi quần thần chỗ đó là gì. Họ tâu, đó là chỗ quỉ vương Diêm La trị tội nhân. Vương nghĩ quỉ vương mà còn làm địa ngục trị tội nhân, ta đây là chúa tể loài người sao không làm như vậy. Vương hỏi quần thần, ai có thể làm chủ ngục mà trị tội nhân cho ta? Quần thần tâu rằng, chỉ có kẻ rất ác mới làm được. Vương liền sai quần thần tìm khắp đây đó cho ra 1 kẻ rất ác. Thì thấy bên hồ có 1 người rất lớn, khỏe, da đen, tóc vàng, mắt xanh, đang dùng chân câu cá, miệng hú chim thú. Chim thú bay chạy đến thì bắn giết liền, không con nào thoát được. Tìm được người như vậy rồi, quần thần dẫn về dâng vương. Vương mật sắc rằng, nhà ngươi hãy xây tường cao 4 phía, bên trong trồng những thứ cây hoa trái, lại làm hồ đẹp, trang sức sao cho ai cũng thích. Rồi làm cửa cho chắc, hễ ai vào thì bắt liền, trị tội đủ cách, đừng cho thoát ra. Cho dẫu ta vào đó cũng trị tội, không tha. Nay ta phong cho nhà ngươi làm chủ ngục đó.

Bấy giờ có 1 vị tỷ kheo tuần tự khất thực nên vào cửa ngục ấy. Chủ ngục bắt được liền muốn trị tội. Vị tỷ kheo sợ hãi, xin hoãn chốc lát để ăn cơm ngọ. Thoáng cái, có 1 người vào, chủ ngục liền bắt bỏ vào cối mà giã, bọt đỏ chảy ra. Vị tỷ kheo thấy vậy, tư duy cái thân thật vô thường, khổ không, như bóng, như bọt, liền đắc thành đạo quả La hán. Thế rồi chủ ngục bắt vị tỷ kheo bỏ vào vạc sôi, vị ấy nhan sắc vẫn khoan hòa. Khi lửa tắt, nước nguội, thì thấy trong vạc có hoa sen, vị tỷ kheo ngồi ở trên. Chủ ngục tức khắc chạy tâu vương, rằng trong ngục có 1 sự kỳ lạ, xin vua đến xem. Vương bảo, ta đã có lịnh rồi, nay không dám vào đâu. Chủ ngục tâu, việc này không phải nhỏ. Vua nên đến mau, và đổi bỏ lịnh cũ đi. Vương theo vào. Vị tỷ kheo thuyết pháp cho vương. Vương tin hiểu, liền phá địa ngục, hối hận việc ác đã làm. Do vậy mà tin kính Tam bảo, thường đến dưới cây Bối Đa mà sám hối, thọ giới Bát quan trai. Hoàng hậu hỏi vua thường đi đâu, quần thần tâu thường đến dưới cây Bối Đa. Hoàng hậu liền rình lúc vương không có, sai người chặt ngã cây ấy. Vương đến thấy vậy thì ngã ra bất tỉnh. Quần thần rưới nước vào mặt, hồi lâu mới tỉnh. Vương liền dùng gạch nung xây 4 phía, đem cả trăm vò sữa bò mà rưới gốc cây. Vương lại nằm sải cả 2 tay 2 chân xuống đất, thề rằng cây Bối Đa này không sống thì ta không đứng dậy. Thế rồi, cây ấy liền từ gốc mọc lên, và còn cho đến ngày nay, cao gần 10 trượng.

(13)

Từ đây đi về phía nam 3 dặm thì đến 1 núi tên là Kê Túc. Tôn giả Đại Ca Diếp nay đang ở trong núi này. Bửa núi ra mà xuống, xuống đến chỗ không xuống được nữa thì rất xa (31) , ở đây có 1 lỗ hổng bên cạnh. Toàn thân tôn giả Đại Ca Diếp hiện ở trong lỗ hổng ấy. Ngoài lỗ hổng có đất của tôn giả rửa tay. Người địa phương đau đầu, lấy đất ấy xoa thì lành liền.

Từ ngày tôn giả Đại Ca Diếp vào trong núi Kê Túc, thì núi này có các vị La hán đến ở. Chư tăng các nước hằng năm đến đây cúng dường tôn giả. Ai thiết tha thì đêm có vị La hán đến, cùng nói chuyện, thảo luận, cởi mở thắc mắc cho rồi ẩn mất. Núi Kê Túc có cây chăn um tùm, lại lắm sư tử, cọp sói, không thể đi ẩu.

Tôi trở lại quốc đô Ba Liên Phất của quốc gia Ma Kiệt Đề, xuôi theo hướng tây sông Hằng, đi xuống 10 do tuần, thì đến 1 tinh xá tên là Khoáng Dã, nguyên là chỗ Phật ở, nay đang còn chư tăng. Lại xuôi theo hướng tây sông Hằng mà đi 12 do tuần nữa, thì đến quốc đô Ba La Nại của quốc gia Ca Thi. Đông bắc quốc đô này, cách chừng 10 dặm, là tinh xá của Tiên Nhân Lộc dã uyển. Ở đây vốn có vị Duyên giác ở, lại thường có dã lộc đến ở lại. Khi Phật sắp thành chánh giác thì chư thiên ở trong không gian hô lên, rằng người con trai của Bạch Tịnh vương xuất gia học đạo, 7 ngày nữa sẽ thành một đức Phật. Vị Duyên giác nghe rồi liền nhập diệt, nên gọi chỗ này là vườn Tiên Nhân lộc dã.

Sau khi Phật đắc đạo, thì nơi vườn ấy được xây dựng tinh xá. Vì Phật đã đến vườn ấy để hóa độ nhóm 5 người Câu Lân. Khi Ngài đến, 5 người bảo nhau, sa môn Cù Đàm khổ hạnh 6 năm, mỗi ngày chỉ ăn một nhúm mè và gạo, mà chưa đắc đạo, huống chi nay đi vào dân gian, buông thả thân miệng ý thì có đạo sao được. Ngày nay đến đây, chúng ta cẩn thận, đừng tiếp chuyện. Nhưng khi Phật đến thì cả 5 người đều đứng dậy mà lạy. Lại đi qua hướng bắc 60 bước, thì đó là chỗ Phật ngồi hướng về phía đông, mở đầu chuyển pháp luân, hóa độ cho 5 người. Hướng bắc chỗ này mà đi 20 bước nữa, là chỗ Phật thọ ký cho Di Lạc đại sĩ. Hướng nam chỗ này mà đi 50 bước nữa, là chỗ long vương la bát hỏi Phật, rằng bao giờ thì con thoát được thân rồng. Những chỗ này đều có dựng tháp, và nay đang còn. Trong vườn Lộc dã có 2 ngôi chùa, có chư tăng ở cả.

Từ tinh xá của vườn Lộc Dã mà hướng về tây bắc, đi 13 do tuần thì có 1 quốc gia tên Câu Diệm Di. Tinh xá ở đây tên là Cù Sư La, là chỗ xưa kia Phật đã ở, và nay vẫn còn chư tăng, phần nhiều theo tiểu thừa. Từ đây đi về hướng đông 8 do tuần, thì đến chỗ Phật đã ở đó hóa độ cho ác quỉ. Phật cũng hay ở tại đây. Chỗ Ngài kinh hành ngồi thiền đều có tháp, lại có cả chùa, với chừng 100 chư tăng.

Từ đây mà đi về hướng nam 200 do tuần thì có 1 quốc gia tên là Đạt Sấn. Quốc gia này có ngôi chùa của đức Phật Ca Diếp về thời quá khứ. Chùa xoi núi đá lớn mà thành, có 5 lớp. Lớp dưới hết là hình voi, có 500 phòng đá. Lớp thứ hai là hình sư tử, có 400 phòng đá. Lớp thứ ba là hình ngựa, có 300 phòng đá. Lớp thứ tư là hình bò, có 200 phòng đá. Lớp thứ năm là hình bồ câu, có 100 phòng đá. Trên hết cả thì có nước suối, ven theo trước phòng đá mà chảy qua chảy lại quanh phòng. Cứ như thế cho đến lớp dưới hết thì xuôi các phòng mà chảy ra cửa. Trong các phòng đá, chỗ nào cũng xoi đá thành cửa ngõ thông suốt và sáng sủa. Các phòng đá không có chỗ nào tối tăm. Bốn góc thì xoi đá làm thang mà đi lên. Người thời nay thân nhỏ, theo thang mà lên thì chỉ bằng một bước chân nhẹ của người thời đức Phật Ca Diếp (32) .

Ngôi chùa này được đặt tên là Ba La Việt. Ba La Việt là tiếng Thiên Trúc gọi chim bồ câu. Trong chùa thường có La Hán cư trú. Nhưng đất đai hoang vắng, không có cư dân. Cách rất xa mới có 1 làng, mà toàn là tà kiến, không hiểu gì về Phật pháp. Sa môn và bà la môn, dị giáo và dân chúng, thường thấy người bay vào chùa. Nên chư tăng các nước đến lễ bái chùa thì người làng hỏi sao không bay; chúng tôi thấy chư tăng ở đây bay cả. Chư tăng các nước nói thác rằng cánh chưa thành!

Quốc gia Đạt Sấn hiểm hóc, đường sá khó khăn, khó mà biết chỗ chùa nói trên. Nên ai muốn đi đến chùa ấy thì phải mang theo tiền của mà hiến cho vua Đạt Sấn, rồi vua sai người đưa đi, giúp đỡ và dẫn đường. Rốt cuộc tôi không đi được, chỉ nghe dân chúng Đạt Sấn nói mà thôi.

(14)

Từ quốc đô Ba la nại, tôi đi theo hướng đông, trở về quốc đô Ba liên phất. Chí nguyện của tôi là đi tìm giới luật, mà các nước bắc bộ Thiên trúc toàn là khẩu truyền cho nhau, không có bản viết để sao chép. Vì vậy mà tôi lặn lội xa hơn, đến các xứ trung bộ Thiên Trúc. Tại đây, trong 1 ngôi chùa đại thừa, tôi tìm được 1 bộ luật, đó là luật của Đại chúng bộ. Luật này khi Phật tại thế, được đại chúng đầu tiên tuân hành, được lưu truyền tại tinh xá Kỳ Hoàn. Ngoài ra, 18 bộ cũng đều có luật và thầy trò truyền cho nhau. Nhưng, đại trí tuy đồng mà chi tiết có khác, hoặc sự dụng có khai có giá, chỉ bộ luật của Đại chúng bộ là phong phú và đầy đủ nhất. Tôi lại tìm được 1 bộ luật có chừng 7.000 kệ. Đó là luật của bộ Tát Bà Đa mà chư tăng Trung Hoa tuân hành, và cũng là khẩu truyền cho nhau chứ không chép ra văn tự. Cũng trong bộ Tát Bà Đa mà tôi tìm được Tạp A Tì Đàm Tâm, có chừng 6.000 kệ. Lại tìm được 1 bộ kinh có chừng 2.500 kệ; tìm được 1 cuốn kinh Phương Đẳng Bát Niết Bàn, có chừng 5.000 kệ; tìm được A Tì Đàm của Đại Chúng Bộ (33) . Tôi ở lại 3 năm tại quốc đô Ba Liên Phất, vừa học Phạn bản, Phạn văn vừa sao chép luật bản.

Sau đó, thầy Đạo Chỉnh vì đến các xứ trung bộ Thiên Trúc, thấy được qui tắc của chư tăng, chư tăng cử động thật uy nghi và nhã quan, nên thầy than thở chư tăng Trung Hoa biên địa giới luật thiếu sót. Thầy nguyện từ nay sắp đi cho đến lúc thành Phật, không bao giờ sinh nhằm các xứ biên địa. Do vậy mà thầy ở lại Thiên Trúc, không về. Còn tôi thì bản tâm muốn làm cho giới luật lưu thông tại Trung Hoa nên trở về một mình.

(15)

Xuôi theo hướng đông sông Hằng, đi xuống 18 do tuần thì trên bờ phía nam có quốc gia lớn Chiêm Ba. Tại đây có tinh xá của Phật, có chỗ Phật kinh hành, có chỗ ngồi của 4 đức Phật, tất cả đều có tháp và hiện có chư tăng cư trú. Từ đây đi về hướng đông gần 50 do tuần thì đến quốc gia Ma Lê Đế, tức đến cửa biển. Ma Lê Đế là quốc gia có 24 ngôi chùa, đều có chư tăng ở, Phật pháp cũng hưng thịnh. Tôi ở lại tại đây 2 năm, chép kinh và vẽ tượng. Rồi chở theo thuyền lớn của thương gia mà ra biển, đi theo hướng tây nam, được gió nên 14 ngày thì đến quốc gia Sư Tử (34) .

Người Sư Tử nói quốc gia này cách Thiên Trúc 700 do tuần. Quốc gia này là đảo quốc, đông sang tây có 50 do tuần, nam sang bắc có 30 do tuần. Đảo nhỏ hai bên phải trái thì có đến vài trăm, cách nhau 10 dặm, 20 dặm, 200 dặm, và thống thuộc đảo lớn cả. Phần nhiều sản xuất ngọc quí, sản xuất cả ngọc ma ni, địa phương sản xuất vuông đến 10 dặm, được vua phái người giữ, và ai tìm được ngọc thì được lấy 3 phần 10.

Quốc gia Sư Tử vốn không phải có người ở, chỉ có quỉ thần và rồng. Thương gia các nước đến họp chợ tại đây. Khi chợ họp thì quỉ thần không hiện ra, chỉ đưa vật báu và đề giá. Thương gia y giá thì trả mà lấy. Nhờ thương gia qua lại mà ở, nên người các nước khác nghe biết cái vui ở đây mà kéo đến, do vậy mà thành nước lớn. Khí hậu điều hòa, không có mùa hè mùa đông khác nhau. Cỏ cây lúc nào cũng tốt, làm ruộng thì tùy ý, không cần có mùa.

Phật đến quốc gia Sư Tử, muốn hóa độ rồng dữ nên dùng thần thông lực, 1 chân đạp nhẹ phía bắc hoàng thành, 1 chân đạp nhẹ đỉnh núi, 2 dấu chân cách nhau 15 do tuần. Tại phía bắc hoàng thành, trên dấu chân của Phật, vua Sư Tử xây dựng tháp lớn, cao 40 trượng, trang sức bằng bạc vàng, hợp thành bằng các thứ ngọc. Cạnh tháp lại xây 1 ngôi chùa, tên là Vô Úy Sơn. Chùa có 5.000 chư tăng, lại cất 1 điện Phật, chạm cẩn bạc vàng, trang sức các thứ ngọc. Trong điện có vị tượng ngọc xanh, cao 3 trượng, cả mình ánh lên ánh sáng 7 thứ quí báu, tướng hảo uy nghiêm, diễn tả không hết. Trong tay phải của vị tượng có 1 viên ngọc vô giá.

Tôi từ khi rời Trung Hoa đến giờ, tiếp xúc mấy năm toàn là người ngoại quốc, nhìn vào đâu sông núi cây cỏ cũng không có gì giống xứ mình. Thêm nữa, các vị cùng đi thì hoặc bỏ cuộc, hoặc ở lại, hoặc chết chóc. Nhìn lại chỉ thấy bóng mình, lòng thường bi cảm. Hôm nay bỗng nhiên thấy 1 thương gia đến bên vị tượng ngọc, lấy 1 cái quạt lụa trắng (của Trung Hoa) mà cúng dường, tôi bất giác buồn thảm, nước trào đầy mắt.

Tiên vương Sư Tử phái sứ thần đến trung bộ Thiên Trúc xin hạt cây Bối Đa, về trồng cạnh điện Phật, cao chừng 20 trượng. Cây nghiêng về phía đông nam, quốc vương sợ lớn lên sẽ ngã, nên lấy 8 cột trụ lớn đầy ôm mà cắm quanh cây. Cây tăng trưởng giữa vòng trụ, xuyên trụ xuống đất mà thành gốc lớn, cỡ 4 ôm. Trụ tuy bị xoi ở trong mà vẫn bọc ở ngoài, nên người ta cũng không phá bỏ. Dưới cây xây tinh xá, trong tinh xá có tượng ngồi, tăng tục phụng thờ không mệt.

Trong hoàng thành có tinh xá thờ răng Phật, làm bằng 7 thứ quí báu. Tại đây quốc vương hay đến tịnh tu phạn hạnh, dân chúng hoàng thành cũng dốc lòng kính tin.

Sư Tử từ khi lập quốc đến giờ không hề đói khát, tan hoang, hỗn loạn. Kho tàng chư tăng cũng có ngọc, có cả ngọc ma ni vô giá. Quốc vương Sư Tử một hôm du ngoạn vào kho chư tăng, thấy ngọc ma ni thì sinh tham, nghĩ muốn chiếm đoạt. Nhưng 3 ngày thì tỉnh ngộ, liền đến chư tăng mà lạy, sám hối tâm lý tội lỗi. Nhân đó bạch với chư tăng nên lập qui chế, rằng từ nay về sau không chấp nhận quốc vương vào coi kho tàng, tỷ kheo đi nữa cũng phải đủ 40 tuổi giới mới được vào.

Trong hoàng thành có nhiều cư sĩ, trưởng giả, thương gia, nhà cửa mỹ lệ, đường ngõ bằng phẳng. Giữa các ngã tư thì đâu cũng dựng đài thuyết pháp. Mỗi tháng đến ngày mồng 8, 14 và rằm thì sắp tòa cao, 4 chúng tăng tục đều vân tập nghe pháp.

Theo người Sư Tử nói, thì quốc gia này có chừng 60.000 chư tăng, đều ăn đồng chúng. Quốc vương cúng dường riêng trong hoàng thành năm sáu ngàn chư tăng. Ăn đồng chúng thì cầm bát ứng khí đến lấy. Tùy dung lượng của bát, lấy đầy mà về.

Răng Phật thì cứ 3 tháng thỉnh ra 1 lần. Mười ngày trước đó, quốc vương trang sức voi lớn, phái một người nói hay, mặc phục sức của quốc vương, cưỡi voi, gióng trống mà hô lớn, rằng Bồ tát khổ hạnh từ 3 vô số kiếp, không tiếc tính mạng. Bố thí cả quốc thành, vợ con. Móc mắt cho người. Cắt thịt đổi bồ câu. Cắt đầu bố thí. Cho cọp đói ăn mình. Tủy não cũng không tiếc. Khổ hạnh đa dạng như vậy là vì chúng sinh mà cầu thành Phật đạo. Rồi ở đời 45 năm, thuyết pháp giáo hóa, làm cho ai bất an thì được an ổn, ai chưa vượt qua bờ bến bên kia thì được vượt qua. Cơ duyên chúng sinh hết rồi Ngài mới nhập niết bàn. Từ đó đến nay đã có 1497 năm. Ngài nhập niết bàn là con mắt của thế giới đã khép lại, chúng sinh khổ não mãi hoài. Nên 10 ngày sau đây, răng Ngài sẽ xuất hiện tại tinh xá Vô úy sơn. Tăng tục trong nước muốn kiếm phước thì ai nấy hãy sửa dọn đường sá, trang hoàng cửa ngõ, sắp đặt hoa hương cùng những cúng phẩm !

Hô như vậy rồi, quốc vương cho làm 2 bên các đường đi những hình tượng biến thể từ 500 đời trở lui của Bồ tát. Hoặc làm Tu đại noa. Hoặc làm Diệm biến. Hoặc làm voi chúa. Hoặc làm hươu ngựa. Mọi hình tượng đều vẽ và trang sức như sống. Sau đó răng Phật mới được thỉnh ra, đi giữa đường, vừa rước vừa cúng dường. Rước đến tinh xá Vô úy sơn, đặt trong điện Phật, tăng tục vân tập, đốt hương thắp đèn, cử hành nhiều tiết mục pháp sự, ngày đêm liên tục. Đủ 90 ngày rồi mới rước về lại tinh xá trong hoàng thành. Tại đây, đến các ngày chay cũng mở cửa và lễ kính đúng cách.

Phía đông tinh xá Vô úy sơn, cách 40 dặm có 1 núi, trong núi có tinh xá tên Chi đề, với 2.000 chư tăng. Trong chư tăng này có vị đại đức sa môn tên Đạt ma cù đế, dân chúng Sư Tử ai cũng ngưỡng vọng. Ngài ở trong phòng đá 40 năm, thường hành từ tâm, cảm đến rắn chuột cùng ở 1 phòng mà không hại lẫn nhau.

Phía nam hoàng thành, cách 7 dặm có 1 tinh xá tên Ma Ha Tì Kha La, với 3.000 chư tăng cư trú. Trong số đó có 1 vị cao đức sa môn, giới hạnh trong sạch, dân chúng đều nghi là bậc La hán. Ngày gần mất, quốc vương đến thăm, xin triệu tập chư tăng đúng phép mà hỏi ngài đắc đạo chăng? Ngài nói thật, rằng là La hán. Khi mất, quốc vương xét theo kinh luật, đem cách táng La hán mà táng ngài. Bằng cách ở phía đông tinh xá, cách bốn năm dặm, chất củi lớn và tốt, chu vi 3 trượng, cao cũng gần đến số đó. Trên đặt gỗ thơm, như là đàn hương, trầm thủy. Bốn phía làm bậc đi lên. Ở trên dùng lụa trắng loại tốt, quấn quanh. Lại làm 1 cái giường xe lớn, trông như xe tang Trung Hoa, chỉ không có rồng có cá. Khi sắp hỏa thiêu thì quốc vương và quốc dân đều vân tập, cúng dường hoa hương. Rồi theo giường xe đến chỗ hỏa thiêu, quốc vương lại tự cúng dường hoa hương. Cúng dường rồi đặt giường trên đống củi, rưới dầu tô mà đốt. Lửa bốc lên thì ai cũng thành kính, cởi những đồ khoác trên người, cùng với tàn quạt lọng dù, từ xa ném vào lửa để giúp lửa cháy. Cháy rồi thu tro cốt còn lại mà dựng tháp. Khi tôi đến đây thì không kịp lúc ngài còn, chỉ thấy tang lễ. Bấy giờ quốc vương Sư Tử càng tin Phật pháp, muốn xây dựng tinh xá mới cho chư tăng. Trước hết quốc vương thiết đại hội, trai tăng, rồi chọn 1 cặp bò tốt nhất, dùng bạc vàng và bảo vật trang sức trên sừng, làm bò cày. Quốc vương tự cày 4 phía thành quách, rồi chia đất ruộng ấy mà cấp cho dân chúng, với bằng khoán qui định rằng từ nay về sau, đời đời thừa kế như vậy, không được đổi bỏ.

Khi ở quốc gia Sư Tử, tôi được nghe 1 tăng sĩ Thiên Trúc ngồi trên tòa cao mà tụng kinh, rằng bát ứng khí của Phật vốn ở nước Tỳ Xá Ly, nay ở nước Kiền Đà Vệ, rồi mấy trăm năm thì đến nước Nhục Chi, mấy trăm năm thì đến nước Vu Điền, mấy trăm năm thì đến nước Khuất Tì, mấy trăm năm thì đến nước Sư Tử, mấy trăm năm thì quay sang Trung Hoa, mấy trăm năm thì trở về Thiên Trúc, rồi sau đó lên trên cung trời Đâu Suất. Những chữ mấy trăm năm, khi vị ấy tụng thì tôi nghe định số rõ ràng, chỉ nay mới quên mất. Vị tăng sĩ Thiên Trúc tụng tiếp, khi bát ứng khí của Phật lên đến Đâu Suất, Di Lạc đại sĩ thấy thì nói bát ứng khí của đức Phật Thích Ca đã đến đây! Đại sĩ cùng chư thiên hoa hương cúng dường 7 ngày. Sau 7 ngày, bát trở về Diêm phù, và Hải Long vương thỉnh vào long cung. Khi Di Lạc đại sĩ sắp thành Phật thì bát trở lại làm 4, ở tại chỗ cũ trên núi Át na. Di lạc đại sĩ thành Phật, thì 4 Thiên vương lại nhớ đến bát ấy, và đem dâng như đã dâng chư Phật quá khứ. Ngàn đức Phật thuộc Hiền kiếp cùng dùng bát ấy. Bát ấy đi rồi thì Phật pháp mất dần. Phật pháp mất rồi thì đời sống con người ngắn dần, ngắn đến chỉ còn 5 tuổi. Lúc chỉ còn 5 tuổi thì gạo dầu cũng mất cả. Bấy giờ con người rất ác, nắm lấy cây cỏ gì cũng thành khí giới, tàn sát lẫn nhau. Ai có phước thì tránh được vào núi, kẻ ác giết nhau hết rồi họ lại trở về, bảo nhau, rằng con người xưa kia vốn sống rất lâu, chỉ vì ác quá mà đời sống ngắn dần cho đến chỉ còn 5 tuổi. Vậy ngày nay chúng ta hãy cùng làm lành, sinh tâm từ bi, sống theo tín nghĩa. Ấy vậy, vì ai cũng sống theo tín nghĩa nên đời sống tăng dần cho đến 8 vạn tuổi. Bấy giờ Di Lạc đại sĩ xuất thế, đầu tiên chuyển pháp luân thì độ thoát cho đệ tử trong giáo pháp để lại của đức Thích Ca, là những người đã ở trong giáo pháp để lại ấy mà xuất gia, mà thọ trì 3 qui y, mà giữ 5 giới, mà tu Bát quan trai, mà hiến cúng Tam bảo. Các đại hội thuyết pháp thứ hai và thứ ba của đại sĩ thì hóa độ cho những người có cơ duyên với Ngài.

Tôi nghe rồi muốn chép lại, nhưng vị tăng sĩ Thiên Trúc nói bản kinh ấy tôi chỉ tụng miệng.

(16)

Tôi ở quốc gia Sư Tử 2 năm, tìm được luật bản của bộ Sa Di Tắc, tìm được Trường A Hàm, Tạp A Hàm, lại tìm được 1 bộ Tạp Tạng, toàn là những thứ Trung Hoa không có. Tìm được Phạn bản những kinh luật ấy rồi, tôi chở và đi trên thuyền lớn của các thương gia. Thuyền lớn có hơn 2 trăm người đi. Sau thuyền lớn cột giây kéo 1 thuyền nhỏ. Đi biển nguy hiểm, nên cột kéo thuyền nhỏ như vậy để phòng thuyền lớn hư hỏng. Thế nhưng khi được gió tốt, đi ra hướng đông 3 ngày thì gặp gió lớn, thuyền hở, nước vào. Các thương gia muốn qua thuyền nhỏ, thì người trên đó sợ quá nhiều, nên chặt đứt giây kéo. Các thương gia kinh hoàng. Tính mạng chỉ còn trong chốc lát. Sợ thuyền đầy nước nên đồ gì to nặng thì liệng cả xuống biển. Tôi cũng lấy bình, thau (35) , và những đồ khác ném xuống nước. Chỉ sợ các thương gia ném mất kinh tượng, nên tôi nhất tâm mà niệm Quan Âm đại sĩ và qui mạng chư tăng Trung Hoa, vái rằng con đi xa cầu pháp, xin được hộ trì cho thuyền có chỗ để đậu.

Gió lớn như vậy 13 ngày đêm thì thuyền đến bờ 1 hải đảo. Thủy triều xuống, thấy được chỗ hở của thuyền nên trám bít lại được. Rồi đi tới. Biển hay có hải tặc, gặp phải là khó sống. Nước biển mênh mông, không thấy bờ bến, không rõ phương hướng, chỉ ngó mặt trời mặt trăng và tinh tú mà đi. Trời mưa thì âm u, thuyền bị gió đẩy đi mà không còn biết chuẩn đích. Đêm tối thì chỉ thấy sóng lớn vồ nhau, ánh bạc như lóe lửa, thủy quái loạn xạ. Các thương gia hoang mang, lo sợ, không biết thuyền trôi hướng nào. Biển lại sâu quá, không có chỗ để bỏ đá xuống mà neo thuyền. Trời tạnh mới biết đông tây, lại nhắm hướng mà đi tới. Thế nhưng nếu gặp đá ngầm thì hết sống.

Tình trạng như vậy kéo dài đến 90 ngày, mới đến 1 quốc gia tên Da Bà Đề (36) . Quốc gia này ngoại đạo bà la môn hưng thịnh, Phật pháp thì không có gì để nói. Dừng ở đây 5 tháng rồi tôi vẫn đi theo các thương gia. Thuyền vẫn có trên vài trăm người, chở theo lương thực 50 ngày, ra đi ngày 16 tháng 4.

Tôi kiết hạ trên thuyền. Thuyền hướng về đông bắc, nhắm đất Quảng Châu. Đi hơn 1 tháng thì quãng canh hai gặp phải gió đen, mưa dữ. Các thương gia lại kinh hoàng. Tôi lúc ấy cũng nhất tâm mà niệm Quan A? đại sĩ và qui mạng chư tăng Trung Hoa, xin được độ trì cho đến trời sáng. Sáng rồi, những kẻ bà la môn trong số thương gia nói bàn, vì chở sa môn này mà làm cho chúng ta bất lợi, gặp nạn lớn mãi. Vậy hãy bỏ sa môn này xuống bên hải đảo nào đó. Không thể vì 1 người mà gây tai họa cho cả đám. Người tín đồ của tôi nói, các người bỏ vị sa môn này xuống, thì cũng bỏ tôi xuống. Không bỏ xuống thì hãy giết tôi đi. Nếu chỉ bỏ vị sa môn này xuống thì khi đến Trung Hoa, tôi sẽ đến vua tố cáo các người. Vua nước Trung Hoa cũng tin Phật pháp, trọng sa môn. Các thương gia trù trừ, không dám bỏ tôi xuống ngay. Bấy giờ trời lại âm u mãi, các hướng dẫn viên nhìn nhau hoang mang. Cứ như thế mà đi hơn 70 ngày. Lương thực và nước uống sắp hết. Phải lấy nước mặn mà làm đồ ăn. Nước uống thì còn vài thăng nữa là hết. Các thương gia nói, bình thường đi 50 ngày là đến Quảng Châu, nay mất nhiều ngày rồi, chắc là đã lạc hướng. Họ cho thuyền hướng về phía tây bắc để tìm bờ mà vào. Đi 12 ngày đêm thì đến được bờ phía nam của Lao Sơn, thuộc quận Trường Quảng, ấy là sau này mới biết rõ như vậy. Ở đây kiếm được nước và rau. Trải bao hiểm nguy, nhiều ngày lo sợ, nên bỗng nhiên đến được bờ bến này, thấy rau lê lá dâu thì biết đích đây là đất Trung Hoa, nhưng không thấy người hay dấu người đi, nên chưa biết đích là chỗ nào. Người nói chưa đến Quảng Châu, người nói đã quá rồi, không ai định được, nên đi thuyền nhỏ, vào bến tìm người để hỏi. Tìm được 2 người đi săn, đưa về bảo tôi thông dịch tiếng Trung Hoa để hỏi. Tôi vỗ về 2 người ấy, rồi hỏi từ từ, rằng các người là người nào, họ nói họ là Phật tử. Lại hỏi các người vô núi làm gì, họ bảo ngày mai là rằm tháng 7, chúng tôi đi kiếm đào để cúng Phật. Lại hỏi chỗ này thuộc về nước nào, họ nói đây là quận Trường Quảng, của đất Thanh Châu, thống thuộc nhà Tấn. Nghe vậy các thương gia mới rất mừng. Liền kiếm lễ vật, phái người đến quận Trường Quảng. Thái thú quận ấy là Lý Nghi, tôn kính Phật pháp, nghe nói có vị sa môn chở kinh tượng đi biển mà đến, liền đem người tùy tùng đi đến bờ biển, đón rước kinh tượng, đưa về quận l? Các thương gia người đi tới Dương Châu, người ở lại Thanh Châu. Còn tôi thì thái thú mời ở lại hết đông sang hè. Kiết hạ rồi, vì xa cách thầy bạn lâu ngày quá, nên tôi muốn về Trường An liền. Sắp đặt xong công việc, tôi xuôi xuống phía nam, hướng về kinh đô. Rồi gặp thầy bạn (37) xuất trình kinh luật đã kiếm được.

(17)

Tôi rời Trường An 6 năm thì đến trung bộ Thiên Trúc, ở đó cũng 6 năm, rồi về mất 3 năm mới đến Thanh Châu. Tôi đi qua gần 30 quốc gia. Từ sa mạc đổ về hướngtây, đi đến Thiên Trúc, thì uy nghi của chư tăng, nét đẹp của pháp hóa, không thể nào ghi cho hết, thầy bạn cũng chưa được nghe cho đủ. Nghĩ vậy nên tôi chẳng kể gì tính mạng, đi biển mà về, gặp đủ gian nan. May mà nhờ uy linh của Tam bảo, trong cơn nguy biến mà được cứu hộ, nên xin ghi chép lại những gì đã trải qua để người hiền cùng nghe thấy.

Năm nay giáp dần (38) , đã là năm 12 niên hiệu Nghĩa Hy của nhà Tấn, tuế thứ thọ tinh, kiết hạ gần xong thì có 1 tăng sĩ đến đón tôi. Tăng sĩ đến, ở chung mùa đông, nhân lúc rảnh việc giảng diễn, tăng sĩ hỏi thêm những điều tôi đã trải qua. Tăng sĩ là người cung thuận, nói năng chắc thật. Do vậy mà những gì trước đây tôi bỏ qua thì nay được khuyến khích ghi rõ hơn (39) . Tôi ghi đầu đuôi mọi việc, nhớ lại những lúc đã trải qua mà vã cả mồ hôi. Lặn lội nguy nan, không tiếc thân mạng là vì chí tôi có mục đích. Nên tôi nhất mực đi tới, gieo mình vào chỗ chắc chết để mong đạt tới muôn một của chí mình.

Do vậy mà được cảm thán, cho rằng xưa nay ít có, rằng từ khi dòng nước pháp hóa chảy qua Trung Hoa đến giờ, chưa có ai quên mình cầu pháp như vậy. Thế mới hay lòng thành cảm ứng thì không có sự cùng đường nào mà không thông, chí nguyện hướng dẫn thì không có công nghiệp nào mà không thành. Thành tựu công nghiệp là vì biết quên cái mình trọng để trọng cái mình quên.

 

Ghi Chú (1)

Kỷ hợi là năm 399.

 

Ghi Chú (2)

Thiên trúc: Ấn độ

 

Ghi Chú (3)

Chính văn là Hán địa.

 

Ghi Chú (4)

Chính văn là Hồ ngữ (ngôn ngữ rợ Hồ). Trung hoa có cái thói gọi các nước vùng này là Hồ.

 

Ghi Chú (5)

Dịch không chắc chính xác.

 

Ghi Chú (6)

Coi lại ghi chú 5

 

Ghi Chú (7)

Chính văn là Tăng già lam.

 

Ghi Chú (8)

Chính văn là Kiền chùy.

 

Ghi Chú (9)

Chính văn là Tịnh nhân.

 

Ghi Chú (10)

Chính văn là Thông lĩnh.

 

Ghi Chú (11)

Một cách bố thí cúng dường mà sự thực chỉ có lời nói. Thí dụ 1 ông vua thưa chư tăng hiến cả nước của mình; chư tăng nhận, rồi ông vua ấy xin chư tăng cho lại.

 

Ghi Chú (12)

Cũng gọi là giải chế (hết kiết hạ), thì chư tăng kiết hạ nhận được 1 tuổi hạ mới nữa, nên gọi là thọ tuế.

 

Ghi Chú (13)

Chính văn là Tần độ.

 

Ghi Chú (14)

Trượng và thước ở đây, nhẫn ở sau đây, toàn là cách và đồ đo xưa, của Tàu.

 

Ghi Chú (15)

Dịch không chắc chính xác.

 

Ghi Chú (15b)

Là đi đến Trung hoa. Xứ này ở hướng đông của xứ Ấn độ.

 

Ghi Chú (16)

Cũng độc trành.

 

Ghi Chú (17)

Chính văn là trung quốc (nhưng không phải là Tàu).

 

Ghi Chú (18)

Mất ở đây, chính văn là vô thường. Nhưng cả câu chính văn tại Phật bát tự vô thường, tại, có bản chép ưng. Do chữ này mà tôi dịch đáng lẽ. Còn ngài Tuệ Cảnh mất thiệt là tại núi Tuyết Sơn nhỏ, gần cuối đoạn này.

 

Ghi Chú (19)

Suy tưởng mà dịch, chắc chắn không chính xác.

 

Ghi Chú (20)

Tức Nhiên Đăng Như Lai (Dipamkara).

 

Ghi Chú (21)

Là ngài Tuệ Cảnh và ngài Đạo Chỉnh, người mất, người ở lại.

 

Ghi Chú (22)

Coi lại ghi chú 18 . Mất, ở đây chính văn là chung.

 

Ghi Chú (23)

Ấn độ xưa hay gọi trung bộ Ấn Độ là trung quốc (xứ trung tâm), gọi các bộ khác là biên địa (xứ biên thùy), gọi các nước khác, kể cả Tàu, cũng bằng danh từ này.

 

Ghi Chú (24)

Tức gọi là trung bộ Thiên Trúc.

 

Ghi Chú (25)

Vỏ ốc lớn thành xa cừ, tức gọi là bảo bối.

 

Ghi Chú (26)

Chư tăng của Phật mà thời Phật đang còn.

 

Ghi Chú (27)

Là các đức Phật Ca diếp, Câu Lâu Tần, Câu Na Hàm Mâu Ni.

 

Ghi Chú (28)

Vì Điều Đạt tự xưng là Phật.

 

Ghi Chú (29)

Dịch không chắc chính xác.

 

Ghi Chú (30)

Tức là cây Bồ Đề.

 

Ghi Chú (31)

Dịch không chắc chính xác.

 

Ghi Chú (32)

Dịch không chắc chính xác.

 

Ghi Chú (33)

Những chữ kệ trong đoạn này không phải là thể văn chỉnh cú, mà chỉ là cách tính tổng số chữ. Bất cứ thể văn nào, cứ 32 chữ là 1 bài kệ 4 câu 8 chữ, và có mấy bài kệ như vậy gọi là tổng số chữ của kinh, luật và luận. Thí dụ: 5.000 bài kệ là 5.000 x 32 = 160.000 chữ.

 

Ghi Chú (34)

Tức Tích Lan (Srilanka ngày nay).

 

Ghi Chú (35)

Bình và thau, hay vật nào nữa, là những dụng cụ của tỷ kheo, phải có đúng luật.

 

Ghi Chú (36)

Phật học đại từ điển trang 1417, dẫn Thái Viêm văn lục, nói địa điểm này là nước Ecuador, Nam Mỹ. Thái Viêm kết luận, người phát hiện Mỹ châu trước là ngài Pháp Hiển, không phải Kha luân bố sau này.

 

Ghi Chú (37)

Chính văn dùng chữ Thiền sư. Coi tiểu truyện thì biết đấy là chỉ cho thiền sư Ấn, tên Phật Đà Bạt Đà.

 

Ghi Chú (38)

Giáp dần là năm 414.

 Ghi Chú (39)

Xin coi lại lời dẫn .

 

Tiểu Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

Tiểu truyện này, như đã nói, ban đầu tôi không muốn dịch và phụ lục. Nhưng nay thấy làm như vậy càng tốt. Tiểu truyện này nằm trong Chính 50/337-338. Đầu đề "Tiểu truyện cao tăng Pháp hiển" là tôi đặt.

 

Trí Quang

 

Tiểu Truyện Cao Tăng Pháp Hiển

Thích Pháp hiển họ Cung, người Vũ dương, Bình dương. Có 3 anh đều mất lúc còn nhỏ. Cha sợ họa cũng đến với ngài nên mới 3 tuổi đã cho làm tiểu. Về nhà mấy năm, bịnh nặng gần chết, nên lại đưa vào chùa. Vào 1 đêm là lành nên không chịu về nữa. Mẹ muốn gặp mà không được, nên làm cái nhà nhỏ ngoài cửa để tính việc ngài đi về. Lên 10 tuổi thì cha mất, chú nghĩ mẹ không sống một mình được nên ép ngài hoàn tục. Ngài thưa, trước đây con không vì có cha mà xuất gia. Con xuất gia là để xa trần lánh tục mà thôi. Chú khen lời ấy nên không ép nữa. Không bao lâu, mẹ mất. Hiếu hạnh hơn người, ngài lo tang mẹ hoàn tất. Rồi vẫn trở về chùa.

Ngài từng cùng đồng bạn vài mươi người đi gặt lúa. Giặc đói đến cướp. Đồng bạn chạy hết, ngài đứng lại một mình, nói với giặc, cần lúa thì xin cứ lấy. Có điều xưa kia các người không bố thí nên đời này đói nghèo. Nay lại cướp của người nữa thì e rằng kiếp sau càng đói nghèo hơn. Xin lo trước như vậy cho các người mà thôi. Nói rồi đi về, giặc cũng để lúa lại mà đi. Mấy trăm tăng chúng ai cũng phục.

Ngài thọ đại giới rồi thì chí hướng và hành vi đều sáng sủa, cử động và phong cách rất nghiêm chỉnh. Thường than kinh luật thiếu sót nên quyết chí tìm cầu. Lấy năm thứ 3 niên hiệu Long An của nhà Tấn, cùng các đồng học Tuệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Tuệ Ư?g, Tuệ Ngôi, xuất phát từ Trường An, đi về hướng tây, vượt sa mạc. Sa mạc trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, 4 phía mênh mông, không biết đi về ngã nào, chỉ nhìn mặt trời mà định hướng đông tây, ngó xương người chết làm dấu mà đi. Lại còn hay có gió nóng quái quỉ, gặp thì khó sống. Ngài phó mặc cảnh ngộ và tính mạng, nhất mực đi tới mọi sự hiểm nạn.

Nhưng rồi tới được Tuyết Sơn. Tuyết Sơn mùa đông mùa hè đều có tuyết. Lại có rồng ác phun gió độc, mưa cát sỏi. Đường núi lại gian nguy, dựng đứng cả ngàn nhẫn. Xưa có người xoi đá thông đường, bên cạnh đặt đường thang, vượt hơn bảy trăm nấc. Lại bước trên giây treo lớn mà qua sông, qua mấy mươi chỗ. Ấy toàn là nơi mà Trương Mạch và Cam Anh đời Hán đã không đi đến.

Kế đó lại vượt qua Tuyết Sơn nhỏ, gặp gió lạnh nổi dữ, ngài Tuệ Cảnh run cứng, không đi được nữa, bảo ngài, tôi chết ở đây, thầy nên đi trước đi, không được chết cả. Nói rồi thì mất. Ngài vỗ thây mà khóc, rằng chí nguyện không thành, số mạng như vậy thì biết làm sao. Ngài cố sức đi tới một mình, qua được đường núi hiểm nghèo.

Ngài đi qua hơn 30 quốc gia mà đến trung bộ Thiên Trúc. Cách thành Vương Xá hơn 30 dặm, có 1 ngôi chùa, ngài vào xin ở lại. Sáng ngày ngài muốn đến núi Kỳ Xà Quật. Trong chùa can rằng, đường đi rất khó, lại có lắm sư tử đen đón đường ăn người, làm sao đến được. Ngài nói, tôi từ xa lặn lội đến đây là nguyện đến Linh Sơn. Tính mạng thì không hẹn hò với ai cả, không bảo đảm được trong một hơi thở ra hay vào. Lòng thành bao năm, nay đâu có thể vì tính mạng mà bỏ cuộc. Hiểm nạn dẫu có, tôi cũng không sợ gì. Chư tăng không can được nên phái 2 vị đưa ngài đi. Đến núi thì trời sắp tối nên tính việc ở lại. Hai vị tăng sĩ sợ nên từ biệt mà về. Ngài ở lại một mình, đốt hương lễ bái, cảm thấy dấu cũ như nhìn thấy Phật còn. Đến đêm có 3 con sư tử đen đến ngồi xổm trước ngài, liếm mép, vung đuôi. Ngài tụng kinh không ngừng, nhất tâm nhớ Phật. Sư tử bèn cúi đầu hạ đuôi, phục trước chân ngài. Ngài đưa tay xoa mà nói, như muốn hại nhau thì chờ tôi tụng kinh xong, còn chỉ thử nhau thì xin lui đi. Một lát sư tử mới đi.

Sáng ngày trở về, đường chỉ một lối hẹp đi được. Ngài đi hơn 1 dặm, bỗng gặp 1 vị đạo nhân tuổi chừng 90, y phục thô, nhưng thần khí siêu việt. Ngài biết là bậc cao cả mà không hiểu là thần nhân. Sau đó lại gặp 1 tăng sĩ trẻ, ngài hỏi, vị cao niên tôi vừa gặp là ai, tăng sĩ nói đó là đức Ca Diếp, vị đại đệ tử của Phật, Ngài đại ân hận, chạy theo đến núi thì có viên đá nằm ngang chận cửa hang, nên không vào được. Ngài ứa nước mắt mà về.

Rồi đi đến nước Ca Thi. Tại đây có con rồng tai trắng, thường hứa với chư tăng làm cho mùa màng phong phú, và lời hứa thường hiệu nghiệm. Chư tăng làm nhà cho rồng, lại trai tăng cầu phước cho rồng. Thường kiết hạ rồi rồng hiện ra 1 con rắn nhỏ, 2 tai trắng, nên ai cũng biết là rồng. Bèn lấy bồn đồng đựng sữa, đặt rồng vào trong đó, đem trình từ thượng tọa đến hạ tọa rồi rồng mới ẩn. Mỗi năm rồng hiện 1 lần. Ngài cũng thấy.

Ngài đến trung bộ Thiên Trúc. Tại chùa Thiên Vương, phía nam tháp A Dục vương xây dựng, nằm trong thành Ba Liên Phất của nước Ma Kiệt Đề, ngài tìm được luật của Đại Chúng Bộ, lại được luật sao của Thuyết Hữu Bộ, Tạp A Tỳ Đàm Tâm, kinh Phương Đẳng Nê Hoàn, vân vân. Ngài ở lại 3 năm, học Phạn văn và Phạn bản, lại đích thân sao chép.

Rồi đem kinh tượng đi theo thuyền thương nhân mà đến nước Sư Tử. Cùng đi với ngài có hơn 10 người, bấy giờ người ở lại, người chết, nhìn lại chỉ một mình một bóng, nên ngài thường bi cảm. Một hôm, trước tượng Phật bằng ngọc, ngài thấy 1 thương nhân đem cái quạt lụa trắng của Trung hoa mà cúng dường, bất giác xúc động mà khóc.

Ngài ở lại nước Sư Tử 2 năm, lại tìm được luật bộ Sa Di Tắc, Trường A Hàm, Tạp A Hàm, Tạp Tạng, tất cả đều không có ở Trung Hoa.

Rồi ngài xuống thuyền lớn của thương nhân, đi theo đường biển mà về. Thuyền có chừng 200 người. Gặp gió dữ, nước vào, ai cũng kinh hoàng, ném bỏ những vật không mấy giá trị. Ngài sợ họ bỏ cả kinh tượng của mình nên nhất tâm xưng niệm Quan A? đại sĩ và qui mạng chư tăng Trung hoa. Thuyền bị đẩy đi theo gió, may mà không vỡ. Hơn 10 ngày thì đến nước Da Bà Đề, ở lại đây 5 tháng rồi ngài vẫn theo thuyền của thương nhân mà đi về hướng đông, chủ ý để đến Quảng Châu. Căng buồm đi 20 ngày thì đêm bỗng nổi gió lớn, cả thuyền lại hoảng sợ. Họ bàn với nhau, rằng vì chở sa môn này nên làm cho chúng ta khốn đốn. Không thể vì 1 người mà để chết cả đám. Họ muốn bỏ ngài xuống. Người tín đồ của ngài lớn tiếng mắng các thương nhân, rằng các người bỏ vị sa môn này xuống thì cũng bỏ cả tôi xuống. Không thì giết tôi đi. Vua đất Trung Hoa cũng thờ Phật kính tăng, tôi sống thì khi đến Trung Hoa tôi sẽ tố cáo, vua sẽ trị tội các người. Các thương nhân nhìn nhau thất sắc, miễn cưỡng mà thôi bỏ ngài xuống. Thế rồi nước uống hết, thực phẩm hết, thuyền thì mặc cho gió đẩy theo nước. Bỗng nhiên đến bờ, thấy rau lê lá dâu thì biết đích là đất Trung hoa, nhưng vẫn chưa biết rõ xứ nào. Bèn đi thuyền vào bến để tìm xóm làng, thì gặp 2 người đi săn, hỏi họ đây là đâu, họ bảo là bờ nam núi Lao sơn, quận Trường quảng, đất Thanh châu. Hai người đi săn lại báo cho Thái thú Lý Nghi. Thái thú vốn kính tin Phật pháp, nghe có vị sa môn từ xa mà đến thì đích thân đi đón. Ngài đem kinh tượng về theo Thái thú. Không mấy chốc, ngài muốn về nam. Thứ sử Thanh châu mời ở lại qua đông. Ngài nói tôi gieo mình vào chỗ khó mong trở về là chí muốn hoằng thông Phật pháp. Chí tôi chưa đạt, không dám ở lâu.

Rồi ngài xuôi nam, về kinh đô, cùng thiền sư Thiên trúc là ngài Phật Đà Bạt Đà, tại chùa Đạo tràng, dịch luật Ma Ha Tăng Kỳ, kinh Phương Đẳng Nê Hoàn, luận Tạp A Tì Đàm Tâm, tổng số hơn trăm vạn chữ.

Kinh Đại Nê Hoàn của ngài dịch ra thì lưu hành giáo hóa, ai cũng nghe thấy. Có 1 gia đình quên mất tên họ, ở gần cửa Chu Tước, đời đời phụng thờ Phật pháp, tự chép 1 bộ để đọc tụng cúng dường. Vì không có phòng riêng nên để 1 phòng với sách khác. Sau đó hỏa hoạn lan đến nhà người này, đồ đạc cháy hết, chỉ kinh Đại Nê Hoàn là còn y nguyên, khói lửa không táp đến, màu sắc cuốn kinh không hề biến đổi. Kinh đô truyền nhau, ai cũng bảo là thần diệu. Những kinh luật khác mà ngài mang về thì chưa được dịch ra. Sau ngài đến Kinh Châu, mất ở chùa Tân Tự, thọ 86 tuổi, ai cũng thương tiếc.

Sự du hành các quốc gia của ngài thì đã có truyện của ngài ghi lại.

- o0o -

Chân thành cảm ơn Đại đức Nhật Từ đã gởi tặng phiên bản điện tử này.
(Thích Nguyên Tạng, 22/6/2000)

- o0o -

| Mục lục Thích Trí Quang | Mục lục Tác giả |


Cập nhật ngày:01-07-2001

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

kinh sà m Con nói bạn về đi đứng Gạo lứt tôn giáo của biện chứng và khoa học Nhọc nhằn hạt thóc mùa lũ chùa đông đại vỏ táo giúp phòng ung thư con đường cứu khổ chúng sanh là triệc chiem nguong tuong phat khong lo dac biet nhat ha Ni峄噈 Già thich quang duc Bún hạt cơm này con xin dâng vo thuong Gỏi dưa leo uống tai sao co su song chet noi tiep nhau khau phuoc bau vo luong vinh danh voi doi Về Yan Can Cook trình diễn món chay tại Pháp Có thể dự đoán tuổi tác thông qua tế món chay rằm cuối năm Người Phật giáo nhớ đến bác Sáu Giàu xin giu tron cau the mất nghiệp khẩu nghiệp Giáo Cha Bún chúng ta đã vay mượn những gì từ Yoga tốt cho cả người lớn và trẻ em người thân nên tổ chức tang lễ như Tin bac Vận động thể chất tốt cho tim mạch Cần bổ sung đủ vitamin B2 cho cơ Ăn chay giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến trong Quả me Thuốc hay ngày hè gap nấu chay cà ri thái chay thế giới hiện đại và lối tu không bạnh Những cách giảm huyết áp vu lan nhà báo malcolm browne má Ÿ hãy sống và yêu thương vì cuộc đời Phượng tím