A DỤC VƯƠNG (ASOKA)

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

THÍCH TÂM MINH

 

---o0o---

   

Chương III

CHÍNH SÁCH CỦA Asoka

J. Jolly và R.Schmidt nêu nhận xét rằng người ta có thể đánh giá tài năng lãnh đạo và quản lý quốc gia của một ông vua qua hai đặc điểm nổi trội, khả năng điều hành nhà nước và tài ứng dụng đúng lúc và có hiệu quả các nguyên tắc nhằm bảo đảm cho tự thân, quốc gia, dân chúng và nhiều yếu tố khác của quốc gia được an toàn và hơn thế được lợi ích và hạnh phúc. [85] Nhận xét này xem ra hoàn toàn thỏa đáng đối với trường hợp Asoka, một hoàng đế không những giỏi về mặt lãnh đạo và điều hành quốc gia mà còn rất xuất sắc trong việc ứng dụng đúng lúc các nguyên tắc trị quốc khiến cho nước nhà ngày càng hưng thịnh và dân chúng được an cư lạc nghiệp . Về khả năng thứ nhất của Asoka, nghĩa là tài lãnh đạo và điều hành quốc gia của ông, chúng ta đã có dịp nói đến ở chương trước đây. Trong chương này chúng ta sẽ tập trung xem xét khả năng thứ hai của Asoka, tức là khả năng ứng dụng đúng lúc và có hiệu quả các nguyên tắc điều hành quốc gia hay còn gọi là chính sách trị quốc của ông.

Về chính sách trị quốc của Asoka,các bia ký và trụ đá của ông cung cấp cho chúng ta một số lượng thông tin rất lớn. Chính các bia ký và trụ đá của ông là các văn kiện lịch sử hết sức quan trọng và tuyệt đối cần thiết cho công tác nghiên cứu và đánh giá về con người Asoka cũng như sự nghiệp của ông, về cơ cấu tổ chức và quản lý nhà nước dưới triều đại ông, đặc biệt là về các chính sách mà Asoka đã đề ra mỗi lúc khác nhau nhằm củng cố và phát triển quốc gia. Tài liệu bia ký và trụ đá của ông cũng phản ánh rất rõ lý tưởng hòa bình mà Asoka đã nỗ lực theo đuổi nhằm mang lại thái bình cho đất nước và thiết lập quan hệ hòa hiếu với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, để hiểu rõ các chính sách của Asoka chúng ta sẽ tập trung xem xét hai đường lối chính của nhà nưóc Maurya dưới hai hình thức gọi là đối nội và đối ngoại.

I.  Đường lối đối nội:

Về phương diện đối nội, nhà nước Asoka tiêu biểu cho một nhà nước vì dân, được cụ thể hóa qua các chính sách sau đây :

1.Chính sách lấy dân làm gốc :

Nhà nước Asoka không phải là nhà nước do dân bầu nhưng lấy dân làm gốc. Các quan chức nhà nước Asoka cũng không do dân bầu nhưng phục vụ vì lợi ích của nhân dân. Quan điểm lấy dân làm gốc, vì hạnh phúc nhân dân mà phục vụ là đặc điểm nổi bật của nhà nước Asoka. Quan điểm hay chính sách ấy trước hết được thể hiện một cách cụ thể và sinh động qua cách nói của Asoka cũng như qua tấm gương phục vụ không mệt mỏi của ông vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Trong bia ký Kalinga, văn bản Dhauli, Asoka tuyên bố: “ Tất cả mọi người là con cái của ta. Bởi t among muốn cho các con ta được hạnh phúc và an lạc đời này và đời sau, ta cũng mong cho tất cả mọi người được như vậy.”

Asoka là một hoàng đế rất mực thương dân , xem dân như con cái của mình, lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân. Cách nghĩ và cách nói này  của Asoka là một bằng chứng của quan điểm lấy dân làm gốc. Một bằng chứng khác của chính sách lấy dân làm gốc của Asoka là ông tự xem mình không chỉ là một vị vua phải có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc cho dân mà còn là một người mắc nợ nhân dân, cần phải nỗ lực làm việc nhiều hơn thanh toán món nợ ấy. [86]Bia ký VIII xác nhận Asoka từ bỏ nhiều thú vui của cá nhân để tập trung vào công việc chăm lo hạnh phúc và giáo dục nhân dân. Ông xem trọng việc nước hơn việc nhà, lấy hạnh phúc của dân làm thú vui cho chính mình. Asoka làm việc không mệt mỏi, chú tâm giải quyết việc nước việc dân ở mọi lúc mọi nơi. Trong bia ký VI, Asoka ra lệnh cho các quan chức có trách nhiệm phải báo cáo ngay cho ông mọi công việc liên quan đến đời sống nhân dân, thậm chí khi ông đang ăn, đang ở hậu cung, đang ngủ, đang ở tại các trại chăn nuôi, đang ở chỗ thuyết giáo hay khi ông đang vui chơi. Nhưng dù đã làm việc hết mình, Asoka vẫn không hài lòng về khả năng giải quyết công việc của mình. Bia ký VI ghi nhận sự kiện rằng Asoka phàn nàn về năng lực làm việc của mình. Ông tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích của nhân dân mà theo ông căn bản của việc làm ấy chính là nỗ lực giải quyết công việc. Nhưng Asoka không chỉ quyết định việc nước  việc dân dựa trên báo cáo, ông còn đích thân thị sát và giải quyết công việc tại các địa phương. Tiểu bia ký I, văn bản Brahmgiri, và bia ký VIII xác nhận Asoka đã thực hiện nhiều cuộc tuần du các địa phương nhằm xem xét tình hình đất nước và đời sống nhân dân.

Từ các thông tin bia ký và trụ đá trên đây ta có thể khẳng định rằng quan điểm hay chính sách lấy dân làm gốc đã được thực hiện một cách triệt để bởi hoàng đế Asoka. Các quan niệm như “đi sâu đi sát quần chúng ,” “ lãnh đạo là đầy tớ của dân ,” xem ra đã được vận dụng triệt để và có hiệu quả bởi Asoka cách nay hơn 20 thế kỷ !

Một bằng chứng khác về chính sách lấy dân làm gốc của Asoka là đội ngũ các quan chức nhà nước Maurya thường xuyên được giáo dục về lý tưởng phục vụ nhân dân và về ý thức trách nhiệm lãnh đạo. Asoka tỏ ra rất quan tâm việc huấn luyện đội ngũ các quan chức đại diện nhà nước chăm lo việc dân, và chính ông là tấm gương sáng cho việc huấn luyện đó. Theo các thông tin bia ký thì đội ngũ quan chức các cấp của nhà nước Asoka được huấn luyện tốt và làm việc khá thông minh và có hiệu quả. Trong các chỉ dụ của mình, Asoka thường xuyên nhắc nhở quan chức các cấp của ông sống đúng pháp ( Dharma ) và thực thi công việc đúng pháp luật để nêu gương cho mọi người .[87] Ông quy định các quan chức có phẩm hàm khác nhau cứ ba hay năm năm một lần phải có trách nhiệm tuần du địa bàn quản lý của mình nhằm phổ biến, hướng dẫn và khuyến khích mọi người sống theo pháp luật. Các quan chức phải làm việc cần mẫn và phải hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của mình. [88] Asoka cho rằng mục đích của kẻ làm quan là phải chăm lo hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy , theo ông, kẻ làm quan cần phải hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân và phải làm việc hết mình vì lợi ích của nhân dân .[89] Quan lại phải hết lòng chăm lo cho dân, tựa như vú em hết lòng chăm lo cho con trẻ. Ông phát biểu; “ Giống như một người giao phó đứa con thân yêu của mình cho người vú chăm bẵm, nghĩ rằng: “ Bà vú ân cần này sẽ chăm sóc chu đáo cho đứa con của ta ;” cũng vậy, ta thiết lập đội ngũ các quan chức Ràjjùka với ý nghĩ rằng họ sẽ làm việc cần mẫn vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.”[90]

Như vậy, song song với cách sống và làm việc tích cực của mình, lối giáo dục và rèn luyện cán bộ nhà nước trên đây của Asoka chắc chắn đã mang lại những kết quả nhất định cho đường lối lãnh đạo của ông. Tài liệu Aśokàvadàna thuật câu chuyện rằng Mahendra, em trai Asoka, là một kẻ bướng bỉnh đã làm nhiều việc phi pháp khiến quần chúng oán hận. Các quan chức của Asoka biết được liền nhắc nhở Mahendra: “ Chúng tôi mong rằng ngài sẽ tuân thủ các nguyên tắc mà quốc gia đã đề ra cho chúng ta và tỏ rõ công lý đối với những ai tìm cách phá vỡ các nguyên tắc ấy, bởi lẽ nhà nước có công minh thì dân mới tín nhiệm; khi nhà nước được dân tín nhiệm thì quốc gia sẽ thái bình,” [91] Những lời lẽ được thốt ra như thế này chứng tỏ đội ngũ các quan chức nhà nước Asoka đã được giáo dục rất tốt về chính sách lấy dân làm gốc và các quyên tắc trị quốc dựa trên chính sách ấy.

2.Chính sách đức trị :

Một đặc điểm khác của Asoka là luôn luôn đề cao đạo đức nhân ái và vận dụng triệt để chính sách đức trị ( Dharma-vijava ) trong suốt thời gian ông trị vì. Khắp nơi trong các bia ký và trụ đá của ông, yếu tố đạo đức nhân ái hay đường lối đức trị được nhấn mạnh vướt trội. Divyàvadàna nói rằng Asoka trị vì một vương quốc rộng lớn mà không có đàn áp, không bắt ép người vô tội, không dùng vũ lực mà dùng đức trị.[92] Mặc dù là truyền thuyết, nhận định này ngụ ý rằng nhà nước Asoka là một nhà nước đức trị. Dưới thời Asoka, không một cuộc bạo loạn nào được ghi nhận đã xảy ra trong vương quốc Maurya như từng xảy ra trước đó nhiều lần dưới thời Bindusàra. Phải chăng đây là bằng chứng của một đất nước thái bình thịnh trị? Bia ký V cho chúng ta hay mười ba năm sau khi lên ngôi, Asoka thành lập một đội ngũ quan chức các cấp có trách nhiệm trông coi về kỷ cương và đạo đức xã hội gọi là Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta. Nhiệm vụ của các quan chức này là thúc đẩy kỷ cương đạo đức hay còn gọi là chính sách đức trị nhằm bảo đảm lợi ích và hạnh phúc cho tất cả mọi người, đặc biệt là quần chúng ở các vùng xa xôi như Yavana, Kamboja, Gandhàra, cư dân các vùng biên giới, các đối tượng già yếu, làm thuê làm mướn, bị tù tội hay bị lưu đày khổ sai.[93] Mười ba năm sau, tức 26 năm sau khi lên ngôi, Asoka thành lập thêm đội ngũ các quan chức có trách nhiệm trông coi về pháp luật gọi là Ràjùka . Cũng giống như đội ngũ các Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta, nhiệm vụ của các quan chức Ràjùka cũng có trách nhiệm xem xét các trường hợp tù nhân xin kháng án và giúp các tù nhân bị xử tôi chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng đời sau sẽ được may mắn.[94]Các chỉ dụ ghi trong trụ đá I và VII quy định quan chức các cấp của chính phủ phải sống kỷ cương và nêu cao đạo đức, đồng thời phải phổ biến chính sách đức trị của nhà nước nhằm dẫn dắt cuộc sống hạnh phúc nhân dân. Để làm tốt việc này, các quan chức phải điều hành việc nước theo pháp luật, xử lý công việc theo pháp luật, phải làm cho dân được hạnh phúc nhờ pháp luật và bảo vệ dân bằng pháp luật. Quan chức các cấp cũng có trách nhiệm tuần du theo định kỳ ba năm hay năm một lần tùy theo phẩm hàm nhằm phổ biến, khuyến khích và nhắc nhở nhân dân sống đúng pháp luật. Với Asoka, pháp luật đồng nghĩa với kỷ cương đạo đức. Người sống đúng pháp luật do đó là người tôn trọng kỷ cương và nêu cao đạo đức. Hai yếu tố kỷ cương và đạo đức không tách rời nhau trong quan niệm không tách rời nhau trong quan niệm pháp luật của Asoka. Asoka xem kỷ cương đạo đức là nhân tố của hạnh phúc. Bởi vậy theo ông, sống và làm việc theo pháp luật tức là sống tạo hạnh phúc cho mình và đem hạnh phúc cho người.

Asoka rất quan tâm xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị trên cơ sở phát huy nếp sống đạo đức của quần chúng và tỏ rõ biện pháp đức trị. Ông khuyên dạy tất cả con cái, cháu chắt và thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức Chánh pháp ( Dharma ) và phải có trách nhiệm khuyến khích nếp sống đạo đức Chánh pháp .[95]Asoka quan niệm Chánh pháp (Dharma ) là thiện hay tốt lành ( sàdhu ) được thể hiện qua việc tránh xa điều ác hay tội lỗi, làm các việc lành, sống với tâm lương thiện, hào phóng, chân thật và trong sạch.[96] Ông nhắc nhở mọi người sống đúng Chánh pháp “ bởi những ai theo đúng Chánh pháp sẽ được hạnh phúc đời này và đời sau.” [97]Ông kêu gọi mọi người tránh xa sát sanh hay làm hại; hiếu kính cha mẹ; tôn trọng thầy cô giáo; đối xử tốt với bà con, bạn bè cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-mô; xử sự hào phóng với kẻ làm công, người giúp việc; giúp đỡ người nghèo khó, kẻ bất hạnh.[98] Ông khuyên mọi người sống từ hòa, chân thật, trong sạch, thanh cao, trọng lẽ phải, tự chế, biết đủ, biết ơn và tiết kiệm.[99] Ông khuyến khích mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật hay tiễn người đi xa bằng những việc làm thiết thực phù hợp Chánh pháp mà ông gọi là vận may Chánh pháp ( Dharma-mangala )  như bố thí, không sát sanh, tôn trọng thầy cô giáo, cung kính cúng dường các bậc hiền thánh, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở.[100] Asoka đề cao đạo đức bằng cách đề cao Pháp thí ( Dharma-dàna) , nói rằng tất cả mọi người nên từ bỏ sát sanh, hiếu kính cha mẹ, cung kính cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn, giúp đỡ bà con bạn bè, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở và khuyến khích người khác làm điều tương tự .[101]

Trong chính sách đối với kẻ lầm đường lạc lối, Asoka tỏ rõ tấm olòng khoan dung trong các trường hợp lỗi lầm và công bằng trong xét xử. Ông tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm phải sai lầm nhưng biết ăn năn hối lỗi. Ông chủ trương không truy quét các tọi phạm nhưng ra sức thuyết phục họ trở về con đường lương thiện để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.[102] Trong các chỉ dụ ghi ở bia ký V và trụ đá IV, Asoka quy định các quan chức Dharma-mahàmàtra và Ràjùka phải có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của các phạm nhân để “pháp luật luôn đi đôi với công lý”[103] và để “ không một ai phải chịu cảnh tù tội hay khổ đau mà không có lý do.”[104]Các quan chức phải tuân thủ con đường trung đạo ( majham patipàda ) , nghĩa là phải tỏ ra công bằng và không thiên vị trong công tác điều hành và xử lý công việc.[105] Họ phải quản lý theo Chánh pháp hay pháp luật ( Dharma) , giải quyết công việc theo pháp luật, khiến cho dân được hạnh phúc nhờ pháp luật và bảo vệ dân bằng pháp luật.[106] Các phạm nhân phải được đối xử công bằng, có quyền kháng án trong trường hợp bị xứ oan, được ân giảm hình phạt trong trường hợp phải nuôi con dại, gặp bất hạnh rủi ro hay bị khổ đau bởi tuổi già.[107] Trụ đá V ghi nhận sự kiện rằng 26 năm kể từ khi lên ngôi, Asoka đã 25 lần ân xá cho các phạm nhân.

3.Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân :

Có thể nói rằng chăm lo hạnh phúc cho dân là chính sách lớn và là chính sách hàng đầu của nhà nước Asoka. Chính sách này bắt nguồn từ chính sách lấy dân làm gốc của nhà nước Maurya và là cụ thể hóa câu nói của Asoka xem dân như con cái mình, mong muốn cho dân được hạnh phúc an lạc, giống như các con mình. Đã là gốc thì việc chăm bón cho gốc được vững chắc, xanh tươi là bổn phận của nhà lãnh đạo. Đã là con cái thì việc chăm lo hạnh phúc cho con cái là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, Asoka xem ra vừa là vua vừa là cha mạ của dân.

Về phương diện chăm lo hạnh phúc cho dân, Asoka tỏ rõ tấm lòng của một hoàng đế thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của dân hơn bất kỳ vị hoàng đế nào trong lịch sử. Tấm lòng của ông dành cho dân có thể sánh với tấm lòng của bậc làm cha mẹ dành cho con cái mình và được thể hiện qua hai việc làm cụ thể: chăm lo đời sống vật chất cho dân và giáo dục nhân dân trở thành những công dân tốt. Một bậc cha mẹ hết lòng yêu thương con mình hẳn sẽ làm hai công việc như Asoka đã làm, nghĩa là nuôi dưỡng con khôn lớn và giáo dục con nên người. Asoka cũng tỏ ra là một hoàng đế thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân khi ông thiết lập đội ngũ quan chức nhà nước các cấp sẵn sàng lo cho dân với niềm tin rằng các quan chức của mình sẽ hết lòng chăm lo hạnh phúc cho dân, giống như những người vú ân cần chăm bẵm những đứa con thân yêu mà ông đã tin tưởng gởi gắm. Như vậy, đội ngũ lãnh đạo của nhà nước Asoka,từ vua chí quan, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka thể hiện rõ nét ở các điểm sau đây:

a.Tấm gương làm việc và phục vụ không mệt mỏi của Asoka vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân : Asoka thương dân, lo lắng cho hạnh phúc của dân không chỉ ở lời nói hay tấm lòng mà còn ở những hành động và việc làm cụ thể. Việc ông từ bỏ nhiều thú vui cá nhân để tập trung giải quyết việc nước việc dân như được ghi nhận trong bia ký VIII là biểu hiện cụ thể tấm lòng thương dân, lo lắng cho hạnh phúc nhân dân của một vị vua. Thái độ tích cực giải quyết việc nước việc dân không kể giờ giấc và nơi chốn của ông cũng nói rõ tấm lòng thương yêu và lo lắng của ông đối với nhân dân và hạnh phúc của nhân dân.[108] Ngoài ra, việc ông thường xuyên du hành nhằm thúc đẩy lợi ích và hạnh phúc của nhân dân như được ghi trong bia ký I là bằng chứng sống động của chính sách quan tâm chăm lo cho dân của nhà nước Asoka. Nhưng dù đã làm việc hết mình như thế, Asoka vẫn không hài lòng về khả năng giải quyết công việc của mình. Bia ký VI ghi nhận sự kiện rằng Asoka tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích chung của cộng đồng, một việc làm cao cả đòi hỏi năng lức giải quyết rất lớn, và ông từng phàn nàn về khả năng làm việc yếu kém của mình.

b.Thiết lập đội ngũ quan chức nhà nước các cấp thuộc các ban ngành khác nhau nhằm mục đích phục vụ hạnh phúc của nhân dân  : Một đặc điểm khác của chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka là việc thiết lập đội ngũ quan chức các cấp thuộc ban ngành khác nhau của chính phủ nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân.Asoka rất quan tâm chính sách chăm lo hạnh phúc và giáo dục nhân dân. Ông thành lập nhiều ban ngành nhà nước các cấp chuyên lo lợi ích cho cộng đồng như ban chuyên trách về pháp luật, ban chuyên trách về kỷ cương và đạo đức xã hội, ban chuyên trách về nông nghiệp, ban chuyên trách về chăn nuôi, ban chuyên trách về phụ nữ, ban chuyên trách về các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội.Các quan chức của nhà nước Asoka được huấn luyện rất kỹ về lý tưởng phục vụ nhân dân và ý thức trách nhiệm lãnh đạo. Bia ký VI nêu rõ sự kiện năm thứ mười ba sau khi lên ngôi Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàta và Dharma-yukta với mục đích thúc đẩy kỷ cương và đạo đức xã hội. Trụ đá IV ghi nhận thêm rằng 26 năm sau khi lên ngôi. Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Ràjùka có trách nhiệm trông coi về pháp luật nhằm mục đích bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Các Ràjùka này được huấn luyện nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc cũng như khổ đau của dân và có trách nhiệm khuyên răn quần chúng các địa phương sống kỷ cương đạo đức để được lợi ích đời này và đời sau. Các Ràjùka cũng được giáo dục xem xét các trường hợp xin kháng án của thân nhân các phạm nhân hay giúp cho các tù nhân đã bị xử tội chết được hưởng lợi ích đời sau bằng cách tạo cho họ cơ hội bố thí trong ba ngày  được gia hạn ( thời gian để thân nhân hoặc xin kháng án hoặc không xin kháng án) .Asoka tuyên bố trong bia ký rằng ông thiết lập đội ngũ các Ràjùka với mục đích phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân và ông tin các quan chức này sẽ hết lòng chăm lo cho dân.

c. Đẩy mạnh  đường lối đức trị hay kỷ cương đạo đức nhằm đưa đất nước tiến đến thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp : Asoka ý thức rất rõ thế nào là lợi ích của đường lối đức trị trong một quốc gia độc lập hoàn toàn vể chính trị và quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng. Các tài liệu bia ký ghi nhận rằng sau chiến thắng  Kalinga, Asoka từ bỏ mọi ý đồ chiến tranh và theo đuổi chính sách hòa bình, đồng thời đẩy mạnh đường lối đức trị nhằm xây dựng đất nước thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Bia ký XIII xác nhận tám năm sau khi lên ngôi, Asoka bắt đầu thực hành Chánh pháp (Dharma), yêu mến Chánh pháp và phổ biến Chánh pháp. Ông tuyên bố áp dụng nguyên lý đức trị ( Dharma-vijava chinh phục bằng Chánh pháp hay đạo đức ) trong tất cả đường lối trị quốc cũng như trong chính sách bang giao với các quốc gia láng giềng. Mục đích đường lối đức trị của Asoka là thúc đẩy nếp sống đạo đức của toàn dân nhằm xây dựng đất nước thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp, đồng thời tỏ rõ thái độ hòa bình, hòa hiếu của nhà nước Maurya đối với các quốc gia khác. Bia ký IV, dựng vào năm thứ mười sau ngày Asoka lên ngôi, nói rõ quan điểm đức trị của Asoka. Sắc dụ chép : “ Hàng trăm năm trước đây, việc giết hại thú vật để tế lễ, đối xử không thương tâm với sinh linh, xử sự không đúng với các thân nhân, với các Sa-môn, Bà-la-môn đã không ngừng gia tăng. Nay, do kết quả thực hành Chánh pháp, đức Thánh thượng Priyadarśì  ban chiếu chỉ rằng tiếng trống trận (bherì-ghosa)  năm xưa nay biến thành tiếng gọi của Chánh pháp ( Dharma-ghosa). Nhờ các điều lệ tôn giáo do đức Thánh thượng Priyadarśì ban bố, việc từ bỏ giết hại thú vật, không làm hại sinh linh, đối xử tốt với bà con, với các Sa-môn, Bà-la-mô, hiếu thảo với cha mẹ và các bậc trưởng thượng ngày càng được gia tăng. Đức Thánh thượng Priyadarśì sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thực hành này. Tất cả con cháu của đức Thánh thượng Priyadarśì sẽ đẩy mạnh việc thực hành đạo đức và Chánh pháp cho đến  muôn đời, sẽ sống trong đạo đức và Chánh pháp và sẽ truyền dạy đạo đức và Chánh pháp.” Bia ký VIII ghi nhận thêm rằng cùng năm ấy, Asoka công du chiêm bái thánh tích Bodhgayà, chỗ đức Phật giác ngộ, thăm viếng và tặng quà cho các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, tiếp xúc với quần chúng trong nước, giảng dạy đạo đức cho dân và thảo luận với nhân dân về đường lối đức trị. Năm thứ mười ba sau khi lên ngôi, Asoka thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra và Dharma-yukta nhằm mục đích phổ biến và thúc đẩy chính sách đức trị , bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của toàn dân, đặc biệt đối với dân chúng các vùng xa xôi như Yavana,Kamboja, Gandhàra, cư dân các vùng biên giới, các đối tượng già yếu, làm thuê làm mướn, bị tù đày hay khổ sai.[109] 26 năm sau khi lên ngôi. Asoka tiếp tục đẩy mạnh đường lối đức trị bằng cách thành lập thêm đội ngũ các quan chức Ràjùka có nhiệm vụ thúc đẩy kỷ cương và đạo đức ở các tỉnh thành địa phương, xem xét các trường hợp phạm pháp xin kháng án và tạo điều kiện cho các phạm nhân được làm việc thiện.[110] Ngoài ra, chính sách ân xá cho phạm nhân trước thời hạn tù đày của Asoka cũng nói rõ mục đích của đường lối đức trị mà nhà nước Asoka đã nỗ lực theo đuổi. Trụ đá V ghi lời Asoka xác nhận rằng ông đã 25 lần ân xá cho các phạm nhân.

d.Tăng cường đầu tư cho chính sách an sinh, phúc lợi xã hội : Có lẽ nét nổi bật nhất trong chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka là tăng cường đầu tư cho chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Asoka rất quan tâm chính sách này và chính ông đã đặt tiền đề cho nhiều chế độ an sinh , phúc lợi xã hội được duy trì ở Ấn Độ cho đến ngày nay. Các chế độ phúc lợi xã hội hiện hữu trong xã hội Ấn độ hiện đại như chăm sóc các vườn cây cảnh, các công viên công cộng tạo cảnh trí và bóng mát cho quần chúng có chỗ thư giãn hay nghỉ ngơi, xây các giếng nước dọc hai bên đường hay tại những nơi có đông người qua lại để phục vụ tiện ích cho dân, hẳn đã có mặt và được làm rất tốt dưới thời Asoka. Rõ ràng không chỉ đến thời Asoka chính sách an sinh, phúc lợi xã hội mới được vận dụng. Sách Arthaśàstra và những ghi chép của Mégasthènes cho chúng ta biết nhà nước Maurya dưới thời Chandragupta rất quan tâm chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Asoka cũng xác nhận trong bia ký rằng nhân dân của ông đã hưởng được hạnh phúc nhờ các điều kiện phúc lợi xã hội mà các vị vua tiền nhiệm và chính ông đã tạo ra .[111]Tuy nhiên chỉ dưới thời Asoka chính sách này mới được vận dụng triệt để và đạt hiệu quả cao. Lý do cũng dễ hiểu.Nhà nước Asoka theo đuổi chính sách hòa bình, không chiến tranh, chủ trương chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái, không dùng vũ lực hay quân sự. Trong một quốc gia yêu chuộng hòa bình và đề cao đạo đức, không chủ trương chiến tranh hay dùng vũ lực quân sự như thế thì các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội có đủ điều kiện , để được phát triển mạnh mẽ. Bia ký và trụ đá Asoka thông báo cho chúng ta khá chi tiết về các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của nhà nước Maurya. Tài liệu của Mégasthènes nói đến sự kiện các quan chức Ràjùka dưới thời Asoka có trách nhiệm trông coi các công trình công ích như bảo vệ và nạo vét sông rãnh, đào giếng, đắp đê, làm đường .[112] Bia ký XII nói đến một loại quan chức gọi là vraja-bhùmika chuyên lo các công viên công cộng, các vườn xoài, các giếng nước, các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành .[113] Trong chỉ dụ ghi ở trụ đá VII , Asoka ra lệnh cho trồng dọc theo các đường lộ các loại cây đa tạo bóng mát cho người và thú vật, thành lập các vườn xoài, đào các giếng nước cách nhau hai ba dặm đường, xây dựng các nhà nghỉ dành cho khách bộ hành, lập các trạm cung cấp nưóc tại nhiều nơi khác nhau để phục vụ cho người và súc vật. Bia ký II ghi sắc chỉ của Asoka cho thành lập khắp nơi, trong vương quốc Maurya cũng như tại các quốc gia lân cận như Chola, Pàndya, Sàtiyaputra, Keralaputra, các xứ sở Tây Á do người Hy lạp cai trị, hai loại hình trị liệu gọi là  chi kìchha,một dành cho người và một dành cho thú vật. Các loại cây thuốc cần cho việc điều trị người và thú vật cũng được cho nhập khẩu ươm trồng khắp nơi ở trong nước và xuất sang trồng ở nước ngoài.R.Mookerji cho rằng thuật ngữ chikìchha được đề cập trong bia ký II ngụ ý đầy đủ các điều kiện chăm sóc y tế như (a) đội ngũ các y bác sĩ, (b) thuốc men và (c) bệnh viện.[114] Như vậy, dưới thời Asoka hệ thống chăm sóc sức khỏe cho dân cũng như điều trị cho thú vật đã được thiết lập khắp nơi trong vương quốc Maurya. Điều đáng ghi nhận thêm trong bia ký này là Asoka không chỉ thành lập hệ thống chăm sóc y tế ở khắp nơi trong nước, ông còn mở rộng hệ thống chữa trị sang các nước láng giềng. Điều này chứng tỏ rằng Maurya không chỉ là một đất nước thái bình thịnh trị mà còn là bè bạn tốt của các quốc gia khác.

e.Chế độ đặc biệt dành cho các đối tượng xã hội gặp cảnh ngộ khó khăn : Ngoài các chế độ phúc lợi xã hội mà mọi công dân Maurya đều được hưởng, nhà nước Asoka còn có chính sách đặc biệt dành cho một số đối tượng gặp cảnh ngộ khó khăn trong cuộc sống như người già cả, kẻ không nơi nương tựa , phụ nữ bất hạnh, người bị tù đày hay khổ sai. Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka vươn tới tận mọi ngỏ ngách của xã hội. Bia ký V quy định các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của phạm nhân, trợ cấp tiền bạc trong trường hợp tù nhân có gia đình quá đông người [115] hay phải lo cho con dại, đình chỉ khổ sai trong trường hợp tù nhân bị ngược đãi, phóng thích tù nhân trong trường hợp tuổi già . Trụ đá IV quy định các quan chức Ràjùka phải xem xét đơn kháng án của thân nhân các phạm nhân, tạo điều kiện đế các tù nhân bị xử tội chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng hưởng được lợi ích đời sau. Các đối tượng già yếu không nơi nương tựa cũng được quan tâm đặc biệt bởi nhà nước Asoka, như được ghi trongbia ký V . Trong chính sách đối với phụ nữ, các quan chức Stryadhyaksha-mahàmàtra có trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho nữ giới, đặc biệt đối với các phụ nữ làm nghề múa hát, bán thân hay kỹ nữ .[116] B.M.Banrua cho rằng nhiệm vụ của các quan chức Stryadhyaksha-mahàmàtra là ngăn chận, không để các hạng phụ nữ này làm hoen ố đạo đức xã hội, đặc biệt đối với các Sa-môn, Bà-la-môn.[117]. Như vậy nếu quan điểm của Barua là xác thực thì điều đó cũng có nghĩa là nhà nước Asoka hẳn đã có chính sách đặc biệt dành cho một số đối tượng phụ nữ gặp cảnh ngộ bất hạnh, ít nhất phải tạo công ăn việc làm mới cho họ.

4.Chính sách tôn giáo :

Như phần lớn các vị vua Ấn Độ, Asoka rất quan tâm tôn giáo và luôn tỏ ra có trách nhiệm đối với các tổ chức tôn giáo nằm trong phạm vi cai quản của mình. Ông xem tôn giáo là tiếng nói của đạo đức và tâm linh, do đó việc chăm sóc và đối xử đúng đắn với tôi giáo cũng đồng nghĩa với việc chăm sóc và đề cao nếp sống đạo đức và tâm linh của quốc gia. Asoka tự hào về một quốc gia có nhiều tổ chức tôn giáo. Bia ký XII ghi rõ lập trường tôn trọng và ủng hộ tất cả mọi đoàn thể và tổ chức tôn giáo của Asoka. Chỉ dụ viết: “Đức Thánh thượng Priyadarśì tôn trọng tất cả mọi giáo phái, tu sĩ cũng như cư sĩ, và ban quà tặng cùng phẩm vật cúng dường để bày tỏ tấm lòng tôn trọng của ngài. Đức Thánh thượng ban chiếu chỉ rằng người ta không nên chỉ tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác vì lý do này hay vì lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những làm tổn thương giáo phái của mình mà còn làm thương tổn giáo phái của người khác. Về nhiều phương diện khác nhau, tất cả mọi giáo phái đều xứng đáng được tôn trọng. Những ai tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng “như vậy ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta,” thì ngược lại những người ấy chỉ làm tổn thương giáo phái của chính mình. Do vậy , tất cả mọi giáo phái nên hòa thuận với nhau bằng cách lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe giáo lý của nhau.”

Chỉ dụ trên đây có thể được xem là chính sách cơ bản của nhà nưóc Asoka đối với tôn giáo. Chỉ dụ ấy khẳng định rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của nhà nước Asoka. Mặc dù là một Phật tử, Asoka tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người và xử sự bình đẳng đối với các tôn giáo khác. [118] Ông khẳng định niềm tin đối với Phật, Pháp, Tăng [119] nhưng không ép buộc hay lôi kéo ngưòi khác theo tín ngưỡng của mình. Đường lối đức trị của Asoka in đậm giáo pháp của đức Phật nhưng không vì thế mà khiến ảnh hưởng đến niềm tin của người khác. Ishwar Topa ghi nhận rằng mặc dù có thế lức lớn và là chỗ dựa vững chắc của Phật giáo Asoka đã tỏ ra vĩ đại hơn trong việc khuyến khích sự phát triển chung của các tôn giáo và các nền văn hóa.Chính lý tưởng to lớn rộng mở của đạo Phật đã khiến Asoka trở thành vĩ đại nhất trong số các hoàng đế vĩ đại của thế giới.[120]

Các tài liệu liên quan không thống nhất về thái độ của Asoka đối với các tôn giáo. Tài liệu Tích Lan lưu giữ trong các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa đề cập đến sự kiện Asoka kế tục các hoàng đế tiền nhiệm thết đãi 60.000 Bà-la-môn mỗi ngày. Sự việc kéo dài được ba năm , sau đó các tu sĩ Phật giáo với số lượng tương tự thay chân các Bà-la-môn tiếp nhận khoản thết đãi này. Người ta nói rằng mỗi ngày Asoka chi tới 40.000 tiền vàng cho việc thết đãi các tu sĩ Phật giáo.[121] Truyền thống Kỳ Na giáo gắn Asoka với việc truyền bà tín ngưỡng này vào lãnh thổ Kashmir.[122] Abul Fazl,một đại thần của hoàng đế Akbar, viết trong tác phẩm Àin-i-Akbar của mình rằng khi Asoka lên ngôi, ông ngược đãi Bà-la-môn giáo và ủng hộ việc thiết lập Kỳ Na giáo tại Kashmir. Truyền thống Kỳ Na giáo thông báo với chúng ta dưới triều đại Asoka, các Nigantha ( tu sĩ Kỳ Na giáo ) rất nổi tiếng và quan hệ mật thiết với Asoka.[123] Tuy nhiên nhận định này là hoàn toàn trái với những gì được đề cập trong tác phẩm Aśokàvadàna rằng Asoka đã sát hại nhiều tu sĩ Kỳ Na giáo. Tài liệu Vitàśokà-vadàna thuộc Aśokà-vadàna kể rằng sau khi chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo, Asoka trở thành một tín đồ quá trung thành với tôn giáo này đến độ ông đã ra lệnh giết hại hàng chục ngàn tu sĩ Kỳ Na giáo [124]

Cứ theo các tài liệu trên đây thì ngoài tín ngưỡng của mình là Phật giáo, Asoka ngược đãi các tôn giáo khác mà rõ nét nhất là Bà-la-môn và Kỳ Na giáo. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương và đường lối lãnh đạo của Asoka xem dân như con cái va nỗ lực làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân, như được thấy trong các tài liệu bia ký và trụ đá của ông. K.Hazra cho rằng thật khó tin một hoàng đế tỏ rõ tấm lòng thương yêu và lo lắng cho hạnh phúc của tất cả thần dân như Asoka lại mắc phải những sai lầm nghiêm trọng như các truyền thuyết mô tả.[125]Cũng theo K.Hazra thì không có một chứng cứ nào trên thế giới cho thấy một vị vua Phật giáo vì lý do xây dựng và phát triển tôn giáo của mình lại chủ trương triệt tiêu các tôn giáo khác. [126] Rõ ràng những gì các truyền thuyết nói về Asoka là hoàn toàn trái ngược với những gì mà chính Asoka đã phát biểu trong các chỉ dụ của ông. Từ bia ký XII, ta thấy rằng Asoka không những tôn trọng và ủng hộ tất cả các tôn giáo, ông còn khuyên tín đồ các tôn giáo tôn trọng nhau và không nên bài xích lẫn nhau vì bất kỳ lý do gì, “ bởi tất cả mọi tôn giáo đều xứng đáng được tôn trọng và bởi sự bài xích tôn giáo người khác sẽ khiến thanh danh tôn giáo mình bị thương tổn.” Đây quả là lời nói tâm huyết của một hoàng đế đầy nhân từ và bao dung, hiểu rõ đức tin của chính mình và vì thế không muốn làm tổn thương đức tin của chính mình và vì thế không muốn làm tổn thương đức tin của người khác. Từ đây chúng ta có thể nêu nhận xét rằng nếu Asoka đã là một tín đồ hết lòng hết dạ với tín ngưỡng của mình thì chắc chắn ông đã không làm những gì khiến tổn thương thanh danh tôn giáo của ông. Hơn thế, là một hoàng đế, Asoka không thể chỉ vì tín ngưỡng của mình mà phá vỡ niềm tin của đại đa số quần chúng bởi những hành vi ngược đãi tôn giáo thô thiển. Chắc chắn ít có nhà lãnh đạo nào lại không hiểu rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong đó có các tổ chức tôn giáo thường đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong một xứ sở rộng lớn và có số lượng tôn giáo phong phú như Ấn Độ. Thái độ này có thể được tìm thấy ở một số các vị vua Ấn Độ như Bimbisàra, Pasenadi, đặc biệt là Ajàtasuttu mà tên tuổi của họ được lưu lại trong các văn bản tôn giáo, không chỉ ở đạo Phật mà cả Ấn giáo và Kỳ Na giáo, như là những tín đồ mộ đạo và ủng hộ viên tích cực. Sự kiện các vị quốc vương này được lưu danh và được đề cao trong các kinh sách tôn giáo chứng tỏ họ đã có những đóng góp hay ảnh hưởng nào đó đối với các tôn giáo đương thời hoăc chí ít họ không chủ trương bài xích hay ngược đãi tôn giáo nói chung.

Xét trường hợp Ajàtasattu được đề cập trong bản kinh Sa-môn quả ( Sàmaññaphala Suttanta ). Trường Bộ, ta có thể hiểu được biện pháp trị quốc và thái độ của vị vua này đối với các tôn giáo nằm dưới quyền cai quản của ông. Bản kinh cho chúng ta hay Ajàtasattu từng đến tham vấn hầu hết các nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời kể cả đức Phật để dò hỏi về chủ trương và đường lối của các tôn giáo này. Sự kiện này cho thấy Ajàtasattu rất khôn khéo trong lãnh vực ngoại giao và nắm bắt chủ trương của các tôn giáo thường là bộ phận sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn đối với đại đa số quần chúng. Trong văn bản, Ajàtasattu biểu lộ thái độ không hài lòng đối với các học thuyết tôn giáo đương thời và chỉ chấp nhận giáo pháp của đức Phật sau khi đàm đạo với ngài. Nhưng dù không hài lòng với chủ trương của một số nhà lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, Ajàtasattu hoàn toàn không chỉ trích hay bài xích quan điểm của họ , bởi theo lời ông thì ông không thể làm cho một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước ông không được vui lòng.[127]

Thái độ tương tự như vậy được thấy rõ hơn ở Asoka. Bia ký XII xác nhận rằng Asoka tôn trọng và khuyến khích sự phát triển của tất cả mọi đoàn thể hay tổ chức xã hội, cả tu sĩ lẫn cư sĩ, đặc biệt khuyến cáo mọi tổ chức tôn giáo không nên chia rẽ mà nên hòa thuận với nhau. Điều này chứng tỏ Asoka ý thức rất rõ vai trò của các đoàn thể xã hội hay tổ chức tôn giáo nằm dưới quyền cai quản của ông. Tiểu bia ký I , văn bản Brahmagiri, đề cập sự phát triển của tín ngưỡng đa thần ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Bia ký này chép: “ Thời gian này dân chúng ở Jambudvìpa (Ấn Độ) chưa gần gũi với thần thánh đã trở nên gần gũi với thần thánh.” F.W.Thomas cho rằng câu nói này ngụ ý việc Asoka mở rộng tín ngưỡng thần linh của Bà-la-môn giáo cho cư dân các bộ lạc vùng núi chưa từng biết tới tín ngưỡng này.[128] Theo R.Mookerji, câu nói trên mang hai ý nghĩa, thứ nhất, vào thời gian này ở Jambudvìpa, những người chưa tín ngưỡng thần thánh đã trở nên tin tưởng và tôn thờ thần thánh và thứ hai, vào thời gian này, xung đột về thần thánh và các tín đồ tôn thờ thần thánh đã lắng dịu đáng kể ở Jambudvìva.[129] Bia ký IV ghi nhận những biểu hiện tiến bộ về đạo đức trong đời sống nhân dân Ấn Độ nhờ các điều răn tôn giáo do Asoka công bố. Tài liệu Divyàvadàna cũng cho chúng ta biết dưới thời Asoka Ấn Độ là một đất nưóc thái bình thịnh trị. Như vậy, từ các thông tin trên chúng ta có đủ bằng chứng để khẳng định rằng Asoka không hề mắc sai lầm trong chính sách tôn giáo nói riêng và trong các chính sách trị quốc của ông nói chung.

Ta không thể phủ nhận một số tình cảm ưu ái mà Asoka đã đặc biệt dành riêng cho tôn giáo của mình là Phật giáo. Chẳng hạn, việc ông thăm viếng các thánh tích và thiết lập các bia ký và trụ đá tại các địa danh Phật giáo, xây dựng các bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật, ủng hộ hội nghị kiết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba, v.v… Tuy nhiên những việc làm như thế không có nghĩa là Asoka quá thiên vị tôn giáo của mình mà không màng tới các tôn giáo khác.Bia ký Nigliva ghi sự kiện rằng mười bốn năm sau khi lên ngôi, Thánh thượng Priyadarśì cho mở rộng gấp đôi ngôi bảo tháp tôn thờ xá lợi đức Phật quá khứ Konàkamana ( Câu Na Hàm Mâu Ni ) ; hai mươi năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng ngự giá đảnh lễ ngôi bảo tháp và cho xây dựng một trụ đá tại đây. Các bia ký hang động đồi Barabar chép rằng mười hai năm sau khi lên ngôi, Thánh thượng Priyadarśì ban hang động Nigrodha cho các tu sĩ Àjìvika. Bia ký VIII bảo mười năm sau khi lên ngôi, Asoka công du chiêm bái thánh tích Bodhgayà, thăm viếng và tặng quà cho các Sa-môn (śramana) và Bà-la-môn ( brahmana) . Danh từ śramana-bràhmana ngụ ý các tu sĩ Bà-la-môn giáo và các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác không chấp nhận truyền thống kinh điển Vệ đà (Veda)  của Bà-la-môn giáo thường được gọi chung là Sa-môn (śramana). Các tu sĩ Phật giáo cũng được gọi là śramana. Như vậy, cứ theo thông tin bia ký trên thì Asoka không chỉ thăm viếng thánh tích và các tu sĩ Phật giáo, ông còn viếng thăm và tặng quà cho các tu sĩ Bà-la-môn cũng như các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác mà nổi trội trong thời đại ông là các tu sĩ Kỳ Na giáo và các tu sĩ phái Àjìvika. Trong các chỉ dụ của ông , Asoka bày tỏ sự kính trọng đối với các tôn giáo [130] và khuyên tất cả thần dân của mình kính trọng và đối xử đúng đắn với các Sa-môn và Bà-la-môn.[131] Điều này tỏ cho thấy Asoka đã áp dụng chính sách bình đẳng đối với các tôn giáo và thành viên của các tổ chức tôn giáo. Trong cơ cấu tổ chức nhà nước, Asoka thiết lập đội ngũ các quan chức Aharma-mahàmàtra có trách nhiệm phục vụ các mục đích tôn giáo và lo phân phối các phẩm vật cúng dường của hoàng gia cho các tổ chức tôn giáo .[132]Trụ đá VII nói đến bốn tôn giáo tiêu biểu đương thời gồm Phật giáo, Bà-la-môn giáo, Kỳ Na giáo và giáo phái Àjìvika.

II. Đường lối đối ngoại :

Về phương diện đối ngoại, nhà nước Asoka tiêu biểu cho một nhà nước chủ trương hòa bình độc lập dân tộc và hợp tác quốc tế, được thể hiện qua các chính sách sau đây:

1.Chính sách hòa bình, độc lập dân tộc :

Nhà nước Asoka chủ trương hòa bình và độc lập dân tộc trên cơ sở không tiến hành chiến tranh và không xâm lăng các quốc gia khác. Asoka có lẽ là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử loài người từ bỏ tham vọng chiến tranh và có ý đồ xâm lăng ngay sau khi đã bước lên đỉnh cao của quyền lực. Ít có vị hoàng đế nào lại tỏ ra xấu hổ về chiến tranh và ân hận công cuộc xâm lăng ngay sau ngày chiến thắng như Asoka. Khát vọng chiến thắng và tham vọng chiếm hữu thường làm cho con người trở nên mù mắt trước mọi lầm than và tủi nhục của kẻ khác. Asoka là một trong số rất ít nhà lãnh đạo thấy rõ  nguy cơ của chiến tranh và hậu quả đen tối của ý đồ xâm lăng. Ông không ngại diễn tả cho mọi người cảnh tượng xấu xa và tàn khốc của nạn xâm lăng Kalinga mà chính ông là tác nhân. Bia ký Kalinga của ông có lẽ là bản cáo trạng đầu tiên và hay nhất về tội ác chiến tranh và chính sách xâm lăng; “ 100.000 người bị giết chết, 150.000 người bị bắt làm tù binh và hàng trăm ngàn người khác đã bỏ mạng tại chiến trường Kalinga. Thánh thượng Priyadarśì vô cùng hối hận việc xâm lăng Kalinga bởi đã gây ra cảnh tàn sát, chết choc và tù đày đầy tan thương cho dân chúng của một xứ sở độc lập.” Bia ký Kalinga nói tiếp rằng Asoka rút ra bài học lớn từ cảnh tượng tang thương của chiến trận Kalinga và bắt đầu thể hiện tấm lòng khoan dung độ lượng của mình đối với các trường hợp lỗi lầm. Ông bắt đầu thực hành Chánh pháp ( Dharma), yêu mến Chánh pháp và truyền bá Chánh pháp , [133] tuyên bố thay trống trận ( Bherì-ghosa ) bằng Chánh pháp ( Dharma-ghosa), [134]chủ trương chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái hay đức trị ( Dharma- vijaya ) . [135]

Kể từ sau chiến thắng Kalinga, Asoka từ bỏ mọi ý đồ chiến tranh xâm lăng và theo đuổi chính sách hòa bình đức trị. Bia ký Kalinga II , văn bản Jaugada, nêu rõ lập trường hòa bình và thái độ thân thiện của Asoka đối với các quốc gia láng giềng. chỉ dụ viết : “ Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này : Nhà vua này muốn gì ở chúng ta ?” Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp ( Dharma ) để được lợi ích đời này và đời sau. Asoka còn khẳng định trong chỉ dụ của mình rằng ông làm như thế là để trả nợ cho tất cả chúng sanh và ông muốn mọi người hiểu rằng ý chí, quyết tâm và lời hứa của ông về hòa bình sẽ không thay đổi. Ông ra lệnh cho các quan chức cao cấp phải làm việc thật tốt “để mọi người hiểu ra rằng đối với quần chúng đức vua như một người cha luôn luôn mong ước điều tốt lành cho các con mình.” Không một cuộc chiến tranh hay xâm lăng nào được ghi nhận đã nổ ra hay được tiến hành bởi nhà nước Maurya kể từ sau ngày Asoka chinh phục xứ sở Kalinga. Asoka đã thực hiện trọn vẹn lời cam kết của mình và kiên quyết theo đuổi đường lối hòa bình cho đến cuối cuộc đời.

2.Chính sách trao đổi và hợp tác quốc tế vì lợi ích của các dân tộc:

Sau một thời gian thực hiện đường lối đức trị và chăm lo hạnh phúc cho dân, nhà nước Asoka đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Asoka xác nhận trong các bia ký của mình về những kết quả mà quốc gia của ông đã đạt được nhờ theo đuổi đường lối đức trị. Tiểu bia ký I , văn bản Brahmagiri, ghi nhận sự phát triển của tín ngưỡng đa thần ở khắp nơi trong xứ sở Jambudvìpa. Thông tin này, một mặt nói rõ sự kiện Asoka không hề ngược đãi Bà-la-môn giáo khi ông chuyển sang tín ngưỡng Phật giáo, nhưng mặt khác tỏ cho thấy rằng lúc này dân chúng Ấn Độ đang sống trong niềm tin tôn giáo và đang thiên về đời sống đạo đức. Bia ký IV đề cập sự kiện nhân dân Ấn Độ đã tỏ ra tiến bộ rõ rệt trong tất cả các mối quan hệ: hiếu phụng cha mẹ; vâng lời thầy cô giáo; thuận thảo với anh chị em; xử sự đúng đắn với bà con, bạn bè; cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; thương yêu và bảo vệ muôn thú. Ta có thể nói rằng từ những thành quả mà Asoka đã đạt được trong đường lối lãnh đạo của ông đã khiến vị vua này nghĩ đến việc mở rộng chính sách đức trị sang các nước láng giềng trên cơ sở trao đổi và hợp tác quốc tế vì lợi ích và hạnh phúc của các dân tộc.

Bia ký II, văn bản Jaugada, nói rõ nguyện vọng của Asoka muốn giới thiệu Chánh pháp ( Dharma) hay đường lối đức trị ( Dharma-vijaya) cho nhân dân các quốc gia khác “ vì lợi ích đời này và đời sau”. Theo sử liệu Dìpavamsa và Mahà-vamsa thì vua Tích Lan Devànampiya Tissa là một người bạn tốt và là đồng minh đáng tin cậy của Asoka mặc dù cả hai chưa hề gặp mặt; trong một văn thư gởi cho Devànampiya Tissa, Asoka thông báo ông đã quy y Phật, Pháp, Tăng và khuyên Devànampiya nên tín ngưỡng Tam bảo.[136] Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Tích Lan càng gắn bó chặt chẽ sau sự kiện Mahendra, con trai Asoka, nhận trách nhiệm giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan. Biên niên sử Tích Lan [137]nói đến việc sứ giả hai nước liên tục qua lại với nhau nhằm chuyển đạt thông điệp hợp tác của hai hoàng đế vì lợi ích của hai dân tộc. Tài liệu này nói rằng vua Devànampiya Tissa của Tích Lan và 50.000 thần dân của ông đã trở thành những người Phật tử đầu tiên ngay sau khi Trưởng lào Mahendra vừa đặt chân lên đất nước này và thuyết giảng bài pháp thứ nhất.

Tài liệu kể tiếp rằng sau khi nghe Mahendra thuyết giảng , hoàng hậu Anula ( có nơi bảo là công chúa) và 500 thị tỳ của bà tỏ ý muốn xuất gia nhưng không thể thực hiện ý nguyện bởi giáo hội ở đây đang thiếu các thủ tục cần thiết cho nữ giới xuất gia. Vua Devànampiy sau khi xem xét sự việc đã phái sứ giả sang Ấn Độ, đệ trình Asoka ý nguyện của mình muốn mời Tỷ-kheo ni Samgha-mitra, con gái Asoka, sang Tích Lan tiến hành các thủ tục xuất gia cho phụ nữ đồng thời xin một nhánh cây Bồ đề đem về trồng ở Tích Lan cho quần chúng kính ngưỡng. Tài liệu thuật rằng mặc dù rất buồn lòng phải xa cách người con gái yêu quý của mình, Asoka đã đáp ứng yêu cầu của nhà vua Devànampiya, gởi Samgha-mitra sang đảo Sư tử và chiết tặng nhánh cây Bồ đề sang Tích Lan được mô tả khá sinh động ở bức tranh phù điêu trên cổng phía Đông Đại bảo tháp Sàñchì. Tài liệu Tích Lan còn nói rằng trong khi Asoka đang tham dự lễ tiễn chân sứ giả mang nhánh cây Bồ đề về Tích Lan thì một phái bộ ngoại giao Tích Lan khác do tăng sĩ Sumana, người cùng đi trong phái đoàn truyển giáo của Mahendra và là cháu ngoại Asoka, dẫn đầu, đến Ấn Độ truyền đạt ý nguyện của nhà vua Tích Lan xin thỉnh cầu xá lợi Phật cho xứ sở mình. Asoka đáp ứng nguyện vọng của nhà vua Tích Lan bằng cách gởi tặng nhân dân Tích Lan một dĩa đầy xá lợi mà sau đó được tôn thờ tại bảo tháp Thuparama ở Colombo. Các chuyên gia về Phật giáo Tích Lan sơ khởi đã để lại ấn tượng sâu sắc và tiếp tục đánh thực lòng nhiệt thành mộ đạo của hàng triệu tín đồ Phật giáo xứ sở này. Thứ nhất là nhánh cây Bồ đề thiêng liêng do Asoka gởi tặng và thứ hai là chiếc răng Phật được mang từ Ấn Độ về Tích Lan khoảng 500 năm sau đó. [138]

Nhưng quan hệ của nhà nước Asoka với các quốc gia khác không chỉ về phương diện tín ngưỡng và văn hóa. Song song với các phái đoàn truyền giáo được gởi đi khắp nơi trong và ngoài nước nhằm mục đích phổ biến Chánh pháp ( Dharma ) và giới thiệu đường lối đức trị ( Dharma-vijaya ) , Asoka còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác và trao đổi với các nước về các lãnh vực khác như y học và trồng trọt. Bia ký II, văn bản Girnar, đề cập việc Asoka cho mở rộng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho dân và điều trị cho thú vật không chỉ ở trong nưóc mà còn vươn sang các nước láng giềng. Bia ký này nói đến một số quốc gia được hưởng chế độ chăm sóc y tế của nhà nước Asoka gồm Chola, Pàndya, Sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnì ở phương nam, Antiocho ở tây bắc và các quốc gia láng giềng với Antiocho. Tài liệu này cũng nói rõ việc Asoka cho xuất và nhập khẩu các loại cây làm thuốc và cây ăn quả để trồng trong nước và ở nước ngoài. Như vậy quan hệ giữa nhà nước Maurya với các quốc gia khác trở nên thân thiện và gắn bó không chỉ trên phương diện trao đổi văn hóa và tín ngưỡng mà còn thể hiện ở sự chăm sóc lẫn nhau cả về phương diện đời sống vật chất lẫn sức khỏe tinh thần.

Nhận định về đường lối lãnh đạo của Asoka, K.Hazra nói rằng Asoka đã giữ vững đế quốc rộng lớn của mình và thiết lập quan hệ thân thiện với các thế lực nước ngoài mà không dùng đến vũ lực chiến tranh hay chính sách xâm lược.[139] Theo W.Rahula, Asoka là vị hoàng đế lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áp dụng những lời dạy của đức Phật về hòa bình, bất bạo động và yêu thương trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn về cả nội bộ lẫn ngoại giao. Ông công khai quay lưng lại với chiến tranh, bạo động và đón nhận thông điệp của bất bạo và hòa bình. Không có bằng chứng lịch sử nào nói rằng có vua láng giềng nào đã lợi dụng sự sùng đạo của Asoka để tấn công ông về quân sự, hay có một cuộc nổi loạn nào trong đế quốc ông lúc sinh thời .Trái lại hòa bình ngự trị khắp trên lãnh thổ, và ngay cả những xứ bên ngoài vương quốc ông cũng dường như đã chấp nhận sự lãnh đạo nhân từ của ông.[140] Quan điểm của hai học giả này là hoàn toàn chính xác bởi theo thông tin ghi ở bia ký XIII thì Asoka không chỉ thu phục nhân tâm quần chúng trong nước mà còn đạt được thành công lớn trong đường lối ngoại giao dựa trên cơ sở đức trị ( Dharma-vijay ). Nguồn tin này cho hay các quốc gia và dân tộc đương thời chấp nhận đường lối đức trị của Asoka gồm Chola, Pàndya, Tàmraparnì ở phương Nam, các lãnh địa và dân tộc Kamboja, Nabhaka, Nabhiti, Pitinika, Andhra và Palida ở phía Bắc và Đông Bắc, các quốc gia ở Tây Bắc như vương quốc vua Anitocho, vương quốc vua Ptolemy, xứ sở vua Antigocho , vương quốc vua Maga và vương quốc vua Alexander. Theo khảo cứu của P.H.L.Eggermont [141] thì Antiochus II, trị vì Babylon và Persia khoảng 261-247 trước Công nguyên; Ptlemy tức Ptolemaseus II, trị vì Ai Cập từ 285-247 trước Công nguyên; Antigono hay Antigonus Gonatas trị vì Macedonia từ 277-240 trước Công nguyên; Maga hay Maka làm vua Xy –ri 50 năm, qua đời trong khoảng thời gian 253-250 trước Công nguyên; Alexander là hoàng đế xứ Epirus, lên ngôi vào năm 272 trước Công nguyên và mất vào năm 255 trước Tây lịch.


[85] J.Jolly & R.Schmidt, Kautilya’s Arthaśàtra,I,tr.5.

[86] Bia ký Kainga II,văn bản Jaugda;bia ký VI, văn bản Girnar.

[87] Trụ đá I.

[88] Bia ký Kalinga.

[89] Trụ đá IV.

[90] Trụ đá IV.

[91] V.A.Smith,Asoka,tr.232.

[92] EB,II, fascile,2tr.190.

[93] Bia ký V.

[94] Trụ đá IV.

[95] Bia ký IV,V,IX,XI,XIII.

[96] Trụ đá II.

[97] Trụ đá VII.

[98] Tiểu bia ký II; Bia ký III,IV,VII,VIII, IX,XI,XIII;trụ đá V, VII.

[99] Tiểu bia ký II; bia ký III ,XIII;trụ đá II, VII.

[100] Bia ký IX.

[101] Bia ký XI.

[102] Bia ký XIII.

[103] Trụ đá IV.

[104] Bia ký Kalinga I.

[105] Bia ký Kalinga I.

[106] Trụ đá I.

[107] Bia ký V.

[108] Bia ký VI.

[109] Bia ký VI.

[110] Trụ đá IV.

[111] Trú đá VII.

[112] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.52.

[113] R. Mookerji, Asoka,tr,58.

[114] R.Mookerji,Asoka,tr.132,phần chú thích cuối trang.

[115] D.R.Brhandarkar, Asoka,tr.63.

[116] B.M.Barua,Asoka and hia Inscriptions,tr.183.

[117] Như trên.

[118] Trụ đá VI;biaký XII.

[119] Bia ký Bhabrù hay Bairat.

[120] B.M.Barua, Asoka and his Inscriptions,tr.358.

[121] V.A.Smith, Asoka,tr.208.

[122] JEFA,tr.30-31.

[123] JNI,tr.139.

[124] Nguyên bản dùng chữ Àjìvikas, đúng ra là  chữ Niganthas bởi toàn bộ câu chuyện đề cập về các tu sĩ Kỳ Na giáo bị sát hại . Có lẽ tác giả của câu chuyện đã có sự nhầm lẫn giữa các vị Àjìvika, các tu sĩ tuân thủ nếp sống khổ hạnh do giáo chủ Makhali Gosàla đề xuất, và các vị Nigantha, tức các tu sĩ Kỳ Na giáo chấp nhận nếp sống khắc kỷ khổ hạnh do Nigantha Nàtaputta hay Mahàvìra chủ trương.

[125] RPBAI,tr.67.

[126] Như trên.

[127] Kinh Sa môn quả, Trường bộ.

[128] R. Mookerji, Asoka,tr.111,phần chú thích cuối trang.

[129] R.Mookerji, Asoka,tr.111,phần chú thích cuối trang.

[130] Bia ký XII, trụ đá VI.

[131] Bia ký III, IX,XI,XIII.

[132] Trụ đá VII.

[133] Bia ký XIII.

[134] Bia ký IV.

[135] Bia ký XIII.

[136] V.A.Smith, Asoka,tr.212.

[137] V.A.Smith, Asoka,tr.213-15; R.Mookerji, Asoka,tr.35-36.

[138] P.V.Bapat, 2500 of Buddhism,tr.75.

[139] RPBAI,tr.64.

[140] Thích nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì ,tr.204-06.

[141] DHB, phần I, tr.142.

 

 

---o0o---

 

[ Mục Lục] [Chương 1] [Chương II] [Chương III] [Chương IV]

[Chương V] [Chương VI] [Chương VII] [Chương VIII]

 

---o0o---

Đánh máy: Kim Thư

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày: 01-09-2006

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

5 tan o thai lan 11 loi khuyen tam huyet giup nguoi sap chet hạnh phúc là gì mà ai cũng phải tìm lon bßi món chay bánh hoa hồng chùa hồng từ thân thể thi hóa qua điệp khúc 18 chữ phan 4 GiÃƒÆ i quà TT Huế Lễ húy kỵ Ôn Kim Tiên Ấn Hoại Văn Thành Khuôn in hoại rồi Tiếng gà gáy trưa 3 tự tánh di đà 6 Lễ Đại tường khánh tạ bảo tháp hồng bà kanadeva tu dau kho den cham dut dau kho cach nhau bao xa đạo đức phật giáo và giới luật cho sï¾Îæ ton thế mà Š4 điều cần làm khi phát hiện ung thư cha tôi Ân đức sự hiện diện chùa quan âm phÃ Æ Giấc ngủ quan trọng thế nào niết bàn CẠchú Độ người hấp hối theo kinh tạng trọn viên hoà vua dau bep yan can cook chia se ve am thuc chay à bo bo phương thuốc kỳ diệu ám xÃ Æ Chúng nguyễn hữu kha 1902 Tiểu sử cố đại lão Hòa thượng nguyen huu kha 1902 dong nghia voi loai vat chùa diêm điền Xuân Món chay ngày Tết Mồng 3 Vai trò ngôi chùatrong việcgiáo dục thanh Vì sao bạn mất ngủ về đêm an trú nơi cô tịch là thực hành phat trong tam thoÃ