6 loại thuốc uống tương tác xấu với bia rượu
Do đó, uống bia rượu khi đang điều trị bằng thuốc có thể gây tác động tiêu cực lên các triệu chứng và bệnh lý đó. Ví dụ, nếu uống bia rượu sẽ làm giảm mức đường huyết dẫn đến kiểm soát tiểu đường kém.
Theo dược sĩ Danya Qato, Đại học Brown (Providence) thì sự nguy hiểm do dùng rượu bia khi đang dùng thuốc là có thật và có thể gây tử vong vì “Cồn trong bia rượu có thể có tác động khôn lường đối với tính hiệu quả của điều trị bằng thuốc”.
Uống bia rượu khi đang điều trị bằng thuốc có thể gây
tác động tiêu cực lên các triệu chứng và bệnh lý đó - Ảnh minh họa
Dưới đây là các loại thuốc điều trị một số bệnh có thể tương tác xấu với bia rượu:
1 - Thuốc trị suy nhược
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tại Hoa Kỳ cứ 10 người từ 12 tuổi trở lên thì có 1 người phải dùng thuốc chống suy nhược tinh thần. Cả suy nhược tinh thần và cồn đều làm chậm hệ thần kinh trung ương, tác động đến não, làm giảm khả năng tư duy và sự tỉnh táo. Kết hợp thuốc này và cồn trong bia rượu sẽ làm tăng cảm giác buồn ngủ, giảm khả năng phán đoán, phối hợp và phản ứng chậm.
Do đó nếu dùng thuốc này và dùng bia rượu sẽ làm triệu chứng của suy nhược trở nên xấu hơn. Nếu dùng loại MAOI thì càng phải tránh bia rượu hoàn toàn. Hậu quả xấu hơn là có thể làm tăng huyết áp.
Ngoài ra nếu dùng các loại Zoloft, Prozac và Paxil thì khi uống bia rượu phải tránh lái xe vì có thể gây buồn nôn, chóng mặt và tập trung kém.
2 - Thuốc hạ cholesterol
Các statin như Lipitor và Crestor nằm trong nhóm các thuốc hạ cholesterol bán chạy nhất tại Hoa Kỳ, khoảng 32 triệu người sử dụng - theo Đại học Y khoa Harvard.
Khi uống các thuốc này, uống ít bia rượu thường không gây tác hại lớn. Tuy nhiên, nếu người dùng thuốc giảm cholesterol mà lại có tiền sử nghiện bia rượu nặng thì cần lưu ý vì gan đã tiềm tàng bị tác dụng phụ do điều trị bằng statin nên việc thường xuyên dùng các thuốc này và bia rượu sẽ phá hủy gan.
Các vấn đề về gan thường không biểu hiện bằng các triệu chứng có thể nhận biết mà chỉ được phát hiện qua xét nghiệm chức năng gan.
3 - Thuốc trị huyết áp và tim mạch
Tại Hoa Kỳ, cứ 10 người trưởng thành thì có 7 người phải điều trị huyết áp cao bằng thuốc. Cồn được xem là tác nhân làm giảm hiệu quả của beta-blocker - thuốc điều trị cho người bị đau tim, suy tim, đau tức ngực và nhịp tim bất thường.
Với các bệnh nhân dùng thuốc kiểm soát huyết áp thấp hoặc điều trị bệnh tim, đột quỵ thì cồn làm huyết áp giảm nghiêm trọng - theo Elder, Bệnh viện Đại học Pennsylvania. Và tốt nhất là nên tránh hoàn toàn rượu bia.
4 - Thuốc trị tiểu đường
Có khoảng 70% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị tiểu đường và phải điều trị bằng thuốc uống, theo thống kê từ Khảo sát Sức khỏe Quốc gia năm 2007-2009 và khoảng 26 triệu trẻ em và người lớn mắc tiểu đường, theo CDC.
Các bệnh nhân tiểu đường nên lưu ý rằng cồn có thể làm giảm đường huyết chẳng những ngay lúc uống mà còn trong vòng 24 giờ sau đó. Một số loại thuốc trị tiểu đường nếu uống bia rượu sẽ gây tác dụng phụ nghiêm trọng do làm tăng nhiễm axit lactic trong máu, gây buồn nôn và uể oải.
Các thuốc khác như glimepiride và thuốc thuộc nhóm sulfonylurea cũng hay tương tác với cồn, gây chóng mặt, nôn mửa, nổi mẫn đỏ và gây giảm đường huyết.
5 - Thuốc giảm đau
Nếu uống acetaminophen (Tylenol) mà lại bị nghiện rượu nặng thì sẽ hại gan. Aspirin và ibuprofen lại gây khó chịu cho dạ dày, vì vậy nên tránh dùng bia rượu khi đang dùng thuốc để tránh nguy cơ khối u và xuất huyết dạ dày.
Các thuốc opioids như Vicodin và OxyContin nếu sử dụng khi uống bia rượu có thể gây nôn ói, huyết áp giảm, giảm khả năng tư duy, các vấn đề về thở. Mỗi năm, đã có ghi nhận về tử vong do dùng quá liều bia rượu và các thuốc này.
6 - Thuốc ngủ
Bác sĩ khuyên khi uống thuốc ngủ thì không được uống bia rượu. Các thuốc như Lunesta hoặc Ambien nếu có uống thêm bia rượu sẽ gây ra tác dụng phụ, hại cho não gây nôn mửa và chóng mặt nghiêm trọng, tăng nguy cơ té ngã và tai nạn giao thông.
Uống nhiều bia rượu khi uống thuốc ngủ làm giảm huyết áp nghiêm trọng và gây khó thở. Nếu có uống rượu bia thì phải ít nhất sau đó 6 tiếng mới được uống thuốc ngủ, theo khuyến nghị của bác sĩ.
Đức Hòa (Theo Live Science)
Ngọc Sương (Tuvien.com)