Quan Thế Âm là vị Bồ Tát rất gần gũi với đời sống của chúng ta. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng Quan Thế Âm Bồ Tát không có thật và đó chỉ là một hình ảnh ngụy tạo được lập ra từ Trung Quốc. Để hiểu sâu hơn về vấn đề ấy như thế nào, cũng như tránh đi sự ngờ vực không căn cứ, mời bạn đọc qua bài chia sẻ Bồ Tát Quán Thế Âm – Tín Ngưỡng Và Triết Lý.
Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm
Danh hiệu đầy đủ của Bồ Tát Quán Thế Âm là: Nam Mô Nhĩ Căn Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Chúng ta thấy trước danh hiệu: Quán Thế Âm Bồ Tát làm một chuỗi từ rất dài, đó là pháp môn tu và ý nghĩa về công hạnh của Ngài.
Ngoài danh xưng Bồ Tát Quán Thế Âm người đời còn có thể gọi Ngài là Quan Thế Âm hoặc Quán Tự Tại… Mỗi danh xưng đều mang một ý nghĩa riêng:
Quan Thế Âm: Là dùng nhãn căn này để nhìn cuộc đời, nghe ngóng tiếng kêu đau thương của cuộc đời để mà dang tay cứu độ.
Quán Thế Âm: Là dùng tâm để quán chiếu lại từng loại tâm thức sâu xa của chúng sanh dựa vào thinh trần
Quán Tự Tại: Là nói lên cái giá trị tu hành của Bồ Tát làm cho chúng sinh được an lành tự tại, không lo lắng, không sợ hãi cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm còn có cái tên là Vô Úy.
Dựa vào lịch sử chúng ta biết rằng khoảng thế kỷ đầu Tây lịch, Việt Nam chúng ta bắt đầu biết đến Quan Thế Âm Bồ Tát bằng sự tín ngưỡng. Khi ấy, qua lời giới thiệu của những người thương buôn Ấn Độ vào Việt Nam, họ chỉ xem Bồ Tát là vị thần có quyền năng cứu khổ ban vui và nhất là cứu độ chúng sinh trên biển lớn để vượt qua khỏi cái tại nạn ách nàn.
Từ đó, người Việt chúng ta biết đến đạo Phật thông qua Bồ Tát Quán Thế Âm chứ không phải là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho nên hình ảnh của Quán Thế Âm đã trở nên rất quen thuộc và phổ biến trong niềm tin của mọi người.
Bồ Tát Quán Thế Âm là một biểu tượng tín ngưỡng tuyệt vời
Tín ngưỡng chính là lòng tin của mọi người về một nhân vật nào đó mà không biết về lịch sử hay triết lý của người đó ra sao, như thế nào. Lòng tin này được hình thành từ thực tế, bằng chính trải nghiệm trong cuộc đời của họ.
Quan Thế Âm Bồ Tát cũng vậy. Những người bình dân có thể là Phật tử hay không phải Phật tử, khi họ trải qua những khổ nạn nhờ vào sự mong cầu Bồ Tát có được cuộc sống bình an, hạnh phúc, khỏe mạnh thì họ sẽ khởi tâm yêu mến, tôn kính và rất tin vào sự linh ứng của Ngài.
Thông thường người ta biết đến Bồ Tát Quan Thế Âm qua hai tính đặc thù: Một là cầu nguyện để được bình an tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ. Hai là cầu để có được con trai con gái.
"Có một cô Phật tử ở Đà Nẵng, khi mang thai được bác sĩ chuẩn đoán là đứa con bị down nên khuyên cô nên bỏ. Cô rất đau khổ nhưng nhất quyết phải giữ đứa con này dù nó như thế nào. Cô không muốn rơi vào tội sát sinh cũng như cô nghĩ có lẽ đây là nghiệp báo xấu của mình nên phải đối diện với nó.
Bên cạnh đó, nhờ nghe những bài giảng về Quan Thế Âm nên cô biết được công hạnh cứu khổ của Ngài nên đêm ngày thành tậm cầu nguyện, tụng trì danh hiệu và làm nhiều điều phước đức. Chẳng lâu sau khi cô sinh con, một điều kỳ diệu là đứa trẻ lành lạnh, không có dấu hiệu của bệnh down. Và hiện nay bé đã 3 tuổi, kháu khỉnh, khỏe mạnh".
Đây là câu chuyện có thật qua lời kể của Thầy Thích Phước Tiến khi cô gặp trực tiếp thầy để cảm ơn về những bài giảng giúp cô có giải pháp xoay chuyển được nghiệp báo của mình.
Đó là một trong những lý do vì sao người đời tin Quan Thế Âm Bồ Tát mà không cần biết lịch sự về vị Bồ Tát này. Cho nên ý kiến cho rằng Bồ Tát là huyền thoại, là phi thực tế có thể sẽ gây mâu thuẫn trong những tình huống thực tế trên.
Chúng ta được biết có hai con đường để đến với đạo Phật đó là tùy tín hành và tùy pháp hành. Và phần lớn giới bình dân của chúng ta đến với đạo Phật bằng tín hành tức là bằng niềm tin. Cho nên tại sao lại phủ nhận một giá trị thiêng liêng ấy như là phương tiện để đưa đạo vào đời, mà phương tiện này lại có sự hữu dụng thực tiễn với mọi người.
Trong bài nguyện hương của chúng ta hàng đêm có câu:
Quán Âm thị hiện
Thuyết pháp độ sanh
Lâm nạn xưng danh
Tầm thinh cứu khổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm vế mặt triết lý
Tuy nhiên nếu tôn thờ Bồ Tát bằng sự tín ngưỡng thì cũng có những tác dụng phụ đi kèm. Đầu tiên là làm đạo Phật của chúng ta đi giá trị thật. Người ta sẽ đến với đạo Phật bằng sự cầu cúng, vái van chứ không biết làm việc thiện để tạo phước lành. Khi mất đi triết lý thì đạo Phật rất đỗi bình thường như những tôn giáo khác.
Thế nhưng nếu thiên về triết lý quá thì lại bỏ đi một khoảng cách rất lớn đối với giới quần chúng bình dân. Vì vậy cho nên tín ngưỡng và triết lý cần phải dung nhiếp với nhau để đưa đạo vào đời.
Có những người cầu nguyện được thì cho Bồ Tát linh, nhưng có nhiều người cầu nguyện không được thì họ nghĩ Bồ Tát không linh, Bồ Tát thiên vị rồi không đi chùa, không cầu nguyện. Sự thật Bồ Tát hay Đức Phật cũng không cần chúng ta tin hay là không tin. Đạo Phật chúng ta không phải là tôn giáo nhưng mà giới thiệu niềm tin là vì phương tiện độ đời. Các vị Bồ Tát cũng thế.
Vì sử dụng phương tiện để độ đời cho nên có những việc gọi là bất khả tư nghì nghĩa là ngoài suy nghĩ của chúng ta. Đức Phật đã từng nói trong các kinh “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Như vậy đạo Phật không phải là giới thiệu niềm tin đến mọi người vì Đức Phật hay Bồ Tát không mang nghĩa là người ban phước giáng họa cho cuộc đời.
Đức Phật chỉ giới thiệu đạo giác ngộ, giới thiệu về chân lý và những triết lý thật trong cuộc đời. Cho nên về mặt tín ngưỡng cũng có sự thu hút người rất mạnh nhưng mà không khéo lại mang đến sự hiểu biết lệch lạc về đạo Phật.
Tinh thần của đạo Phật dựa trên nhân quả
Tinh thần của đạo Phật về sự hạnh phúc hay khổ đau của con người dựa vào nhân quả. Ở đây cầu nguyện được hay không là do phước báo của chúng ta quyết định. Người có đủ phước báu thì nhận nhiều cơ hội để thành tựu ước mơ và ngược lại
Một gia đình được bình an, tai qua nạn khỏi cơ bản nhất cũng phải hiểu rằng gia đình đó cũng có phước đức, mà người đời hay gọi là phúc đức ông bà để lại. Cho nên sự cầu nguyện của chúng ta với Bồ Tát có thể linh thiêng gia hộ được hay không một phần rất lớn do biệt nghiệp và cộng nghiệp của cá nhân hay là của tập thể.
Vì thế trong cuộc sống, bên cạnh niềm tin thì chúng ta cần phải biết gieo trồng những căn lành tương thích. Nhiệm vụ của các Đức Phật hay là Bồ Tát trên cuộc đời này tùy duyên hóa độ. Không phải là các Ngài không muốn độ chúng ta, chỉ là các Ngài không thể không vượt qua được quy luật của nhân quả để thay đổi nghiệp của chúng ta.
Ngày xưa khi dân chúng kinh thành Ca Tỳ La Vệ bị Vua Tỳ Lưu Li dẫn binh sang để tàn sát, Đức Phật 3 lần cản ngăn nhưng cuối cùng vua Tỳ Lưu Li phải đi đêm khuya để qua tàn sát dân chúng kinh thành để trả thù. Lúc đó Đức Phật ngồi thiền và chấp nhận vì đây là định nghiệp của dân chúng Ca Tỳ La Vệ phải trả.
Như vậy với định nghiệp, Đức Phật cũng không can thiệp được cho dù lúc Ngài còn tại thế.
Vì thế về mặt tín ngưỡng, việc cầu cúng thành tâm nguyện ước thì chúng ta cứ việc thực hiện. Nhưng nếu ước nguyện không đạt được thì hãy xem xét lại phước báu mình đã tạo được như thế nào. Người Phật tử sống như vậy thì vừa giữ được tín ngưỡng mà vừa giữ được tinh túy của Phật giáo trên tinh thần nhân quả quyết định được tất cả số phận của chúng ta.
Bài viết: "Bồ Tát Quán Thế Âm: Tín Ngưỡng Và Triết Lý"
Thích Phước Tiến - Vườn hoa Phật giáo
Trúc Loan (Tuvien.com)