GN - Đại sư Tri Lễ xuất thế năm Canh Thân (960), niên hiệu Kiến Long nguyên niên, đời vua Thái Tổ...

	Đại sư Pháp Trí Tri Lễ (960-1028)

Đại sư Pháp Trí Tri Lễ (960-1028)

GN - Kể từ khi Tổ Trí Khải (538-597) khai sáng tông môn, học thuyết tông Thiên Thai, xuyên thời gian, đã phát triển thật sâu rộng và đa dạng để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Ấn Độ, hình thành một nền triết học tự lập và độc đặc cho Phật giáo Trung Hoa.

Trong nội bộ, đến đời thứ 17 của Tổ Pháp Trí (Tứ Minh) Tri Lễ, lại phân hóa thành 2 phái, Sơn Gia và Sơn Ngoại, tranh luận ráo riết, cho ta thấy một thái độ cởi mở bao dung của học trường thời bấy giờ.

Đại sư Tri Lễ xuất thế năm Canh Thân (960), niên hiệu Kiến Long nguyên niên, đời vua Thái Tổ triều Bắc Tống, quê ở Tứ Minh (nay là huyện Ngân), tỉnh Chiết Giang. Sư họ Kim, tự là Ước Ngôn, vua ban hiệu Pháp Trí, người đời gọi là Tứ Minh Đại Sư, đệ tử nối pháp của Thiền sư Bảo Vân Nghĩa Thông (927-988), là Tổ thứ 17 tông Thiên Thai. Xưa, cha mẹ lễ Phật cầu tự, đêm mộng thấy Thánh tăng bồng một đứa bé trao cho và bảo: “Đây là Phật tử La Hầu La, nên trân trọng”; không bao lâu thì Sư thọ sinh.

Năm Giáp Tuất (974), niên hiệu Khai Bảo thứ 7 , Sư được 15 tuổi, thọ giới cụ túc, đến năm 20 tuổi, thọ giáo điển Thiên Thai nơi Tổ Bảo Vân Nghĩa Thông1.  Mới được ba ngày, thủ tọa trong chùa bảo: “Pháp giới có thứ lớp, ngươi nên vâng làm”. Sư liền thưa: “Tại sao gọi là pháp giới?”. Thủ tọa nói: “Là đại tổng tướng, pháp môn viên dung vô ngại”. Sư nói: “Đã là viên dung vô ngại, sao lại có thứ lớp?” Thủ tọa không trả lời được. Ở được một tháng thì giảng thuyết Tâm kinh2, nổi tiếng khắp nơi.

Năm Tân Tỵ (981), niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc thứ 6, Sư thường thay thế Tổ Nghĩa Thông giảng dạy đồ chúng. Năm Giáp Thân (984), niên hiệu Ung Hy nguyên niên, Sư Từ Vân Tuân Thức (964-1032) từ núi Thiên Thai đến học đạo với Tổ Nghĩa Thông, được Sư đối đãi như bạn tri thức, xem nhau như thủ túc. Sau, đến viện Bảo Ân hoằng dương về Giáo Quán tông Thiên Thai, học chúng các nơi nghe danh hội về rất đông.

Năm 995, niên hiệu Chí Đạo nguyên niên, vùng Minh Châu bị hạn hán lâu ngày. Sư bèn cùng với Sư Tuân Thức hợp nhau tu Quang Minh Sám Pháp, nguyện ba ngày không mưa thì sẽ tự đốt một cánh tay để cúng dường chư Phật. Chưa hết hạn kỳ tu sám, thì trời đổ mưa to. Thái thú Tô Châu khắc bia ghi lại sự việc này để làm gương hậu thế. Vào năm 1003, niên hiệu Hàm Bình thứ 6, đời vua Tống Chân Tông, tại chùa Bảo Ân ở Nam Hồ, Sư giải đáp Nhị Thập Thất Điều (27 việc) cho Tịnh Chiếu, đệ tử Sa-môn Nguyên Tín3  người Nhật Bản.

Năm Giáp Thìn (1004), Sư hoàn thành bộ Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao và quyển Biệt Lý Chân Như Hữu Tùy Duyên Nghĩa. Tức thời, Sư Vĩnh Gia Kế Tề, đệ tử Sư Phạm Thiên Khánh Chiêu (963-1017), người sáng lập phái Sơn Ngoại, liền biên soạn sách Chỉ Giám để vấn nạn Biệt Lý Tùy Duyên; kế được Sư Thiên Thai Nguyên Dĩnh soạn Trưng Quyết, để giúp thêm ý cho Chỉ Giám. Sau lại có Sư Gia Hòa Tử Huyền soạn Tùy Duyên Phác để hỗ trợ hai sư Kế Tề và Nguyên Dĩnh. Sư Tịnh Giác Nhân Nhạc (992-1064), đệ tử Đại sư Trí Lễ, bèn soạn Thập Môn Chiết Nạn, để tổng phá những sai lầm trong Chỉ Giám của Sư Kế Tề, bắt đầu cho cuộc tranh luận

Đến năm 1007, niên hiệu Cảnh Đức thứ 4, Sư dạy đệ tử Thần Chiếu Bổn Như (981-1050) đem bộ Thập Nghĩa Thư và bộ Quán Tâm Nhị Bách Vấn đến chùa của Sư Khánh Chiêu ở Tiền Đường để ngăn cản, đả phá bộ Quang Minh Huyền Bất Lập Quán Tâm của phái Sơn Ngoại. Khởi đầu sự tranh luận như sau: Nguyên lai bộ luận Quang Minh Huyền Nghĩa được tin là do Tổ Trí Khải (538-597) soạn, có hai bộ: Quảng BảnLược Bản, đều song song lưu hành. Trước niên hiệu Cảnh Đức, Sư Từ Quang Ngộ Ân (912-986) ở Tiền Đường, thuộc đời thứ 16, soạn Kim Quang Minh Huyền Nghĩa Phát Huy Ký, cho rằng Kim Quang Minh Huyền Nghĩa thật ra chẳng phải là của Tổ Trí Khải, đồng thời chủ trương Chân Tâm Quán, lấy cảnh sở quán làm chân tâm tức chân như, để giảng giải Lược Bản. Đệ tử Sư Ngộ Ân là Phụng Tiên Nguyên Thanh (? – 998) và Linh Quang Hồng Mẫn cùng nhau biên bộ Nạn Từ Thập Nhị Điều, để phụ bổ giải thích thêm bộ Kim Quang Minh Huyền Nghĩa Phát Huy Ký của thầy mình. Sư Bảo Sơn Thiện Tín bèn đem sách dâng lên Đại sư Tri Lễ và mời thỉnh bình luận. Sư Tri Lễ bèn soạn cuốn Phù Tông Ký để biện minh cho Quảng Bản, bác bỏ thuyết cho rằng Kim Quang Minh Huyền Nghĩa chẳng phải là chân tác, đồng thời chủ trương Vọng Tâm Quán, lấy cảnh sở quán tức lục thức làm vọng tâm.

Sư Tri Lễ cho rằng: sư Ngộ Ân bỏ Vọng Tâm Quán là có Giáo mà không có Quán. Hai sư Phạm Thiên Khánh Chiêu (963-1017) và Cô Sơn Trí Viên (982-1022), học đồ của Nguyên Thanh, cùng đồng biên soạn Biện Ngoa, để biện luận cho Lược Bản. Đại sư Tri Lễ bèn soạn Vấn Nghi, bài bác Biện Ngoa. Sư Khánh Chiêu lại soạn Đáp Nghi Thơ, để trả lời Vấn Nghi. Sư Tri Lễ liền soạn Cật Nạn phản bác lại Đáp Nghi Thơ. Sư Khánh Chiêu bèn soạn Ngũ Nghĩa để hồi đáp Cật Nạn; Sư Tri Lễ biên soạn Vấn Nghi Trách Phú Vấn để đối đáp lại Ngũ Nghĩa.

Do những bất đồng như thế mà tông Thiên Thai chia làm hai phái Sơn Gia và Sơn Ngoại: Tri Lễ và Tuân Thức, cùng Nhân Nhạc, là những nhân vật trung tâm của phái Sơn Gia, đối tác với phái Sơn Ngoại của sư Ngộ Ân và các đệ tử về sau. Sự luận nghị của phái Sơn Gia phần lớn đều phát xuất từ Sư Tri Lễ, nên toàn bộ văn chương luận nghị của Sư đều được gom chép trong các sách: Thập Nghĩa Thư, Quán Tâm Nhị Bách Vấn.

Ngoài ra, vào năm 1014, Sư còn biên soạn bộ Quán Kinh Dung Tâm Giải, chỉ rõ Nhất Tâm Tam Quán, hiển bày ý chỉ bốn cảnh Tịnh Độ. Năm 1017, Sư trước tác Tiêu Phục Tam Dụng Chương để đả phá những sai lầm trong quyển Siển Nghĩa Sao của Cô Sơn Trí Viên. Sư Vĩnh Phước Hàm Nhuận, đệ tử Khánh Chiêu, mà cũng là pháp tôn của Trí Viên lại soạn cuốn Sám Nghi, cho rằng ba thứ Tiêu Phục của Tri Lễ còn hạn chế. Tịnh Giác Nhân Nhạc, đệ tử Tri Lễ, liền trích dẫn trong Sớ Nghĩa, dùng Tứ Giáo, Thập Pháp Giới để phá trừ bộ Sám Nghi của Hàm Nhuận, đồng thời soạn Chỉ Nghi để giúp thêm Sớ Nghĩa của Tri Lễ.

Trước đó, vào năm Kỷ Dậu (1009), Sư khởi sự trùng tu Viện Báo Ân; đến tháng 10 năm 1010) thì làm lễ lạc thành, được vua Tống Chân Tông ban hiệu: Sắc Tứ Diên Khánh Tự. (敕 賜 延 慶 寺). Trải qua hơn 40 năm, Sư trụ trì chùa Diên Khánh ở Tứ Minh, nên được người đời gọi là Tứ Minh Tôn Giả, Tứ Minh Đại Pháp Sư.

Ngày rằm tháng 10 năm 1013, Sư lập hội Niệm Phật thí giới, đích thân làm sớ văn để khuyên mọi người tu học. Từ đó, mỗi năm vào ngày rằm tháng Hai, chúng liên hữu đều câu hội về chùa đồng tu Tịnh nghiệp. Vào năm 1017, Sư hợp 10 vị Tăng, cùng tu Pháp Hoa Sám Pháp4 ba năm, hẹn ngày hoàn mãn sẽ tự thiêu để cúng dường kinh Pháp Hoa và cầu sanh Tịnh độ. Đến kỳ hạn thì đại chúng cực lực ngăn trở và cầu thỉnh Sư trụ thế, chí nguyện tự thiêu không thành. Thừa tướng Khấu Chuẩn trình tấu việc này lên triều đình, vua liền ban cho Sư tử y ca-sa5  và sắc phong cho hiệu là Pháp Trí Đại Sư, thỉnh Sư trụ thế để hoằng dương Chánh pháp. Sư bèn tu Pháp Hoa Sám ba ngày, để cầu quốc gia được thái bình. Quan Nội thị Du Nguyên Thanh muốn biết yếu chỉ sám pháp, Sư bèn soạn thuật bộ Tu Sám Yếu Chỉ để đáp tạ thánh ý. Trong năm này Sư hoàn thành bộ Quán Âm Biệt Hạnh Huyền Ký.

Sư lại nghĩ: Chư Tổ sư tiền bối, khi xiển dương Tịnh độ phần nhiều nói về sự tướng, nên tuy tạm ứng thời cơ nhưng chưa tỏ cùng tột lý viên đốn; nên Sư bèn soạn bộ Quán Kinh Diệu Tông Sao, luận giải rốt ráo lý u uẩn nhiệm mầu của Quán Kinh theo tông chỉ tông Thiên Thai. Đệ tử Sư Khánh Chiêu là Vĩnh Phước Hàm Nhuận liền soạn Chỉ Hà để chỉ trích Diệu Tông Sao. Đệ tử của Sư là Nhân Nhạc bèn soạn Phù Mô để chỉ rõ sắc tâm là một.

  Một ngày nọ, hai sư Tịnh Giác Nhân Nhạc và Quảng Trí Thượng Hiền tranh luận về pháp Quán Tâm Quán Phật, đến cầu Sư giải quyết đúng sai. Sư liền chỉ rõ Quán Tâm Quán Phật, nghĩa là y cứ vào tâm tánh mà quán y báo chánh báo. Nhân Nhạc không nói thêm, tự bỏ đi. Sau đó, sư Nhân Nhạc, ở chùa Thiên Trúc Thượng,  soạn Tam Thân Thọ Lượng Giải, nội dung chống lại ý chỉ tông phái. Sư Tri Lễ lo sợ xảy ra nạn dị thuyết đời sau này, nên soạn cuốn Liệu Giản Thập Tam Khoa để bác bỏ những điều mà Nhân Nhạc nêu ra. Nhân Nhạc lại tiếp tục với Thập Gián Thơ. Sư bèn viết Giải Báng để  phản bác lại. Nhân Nhạc không đồng ý, tiếp soạn Tuyết Báng, nêu những chỗ sai lầm của Quyền và Thật. Rồi, sư Hy Tối, đệ tử Quảng Từ, pháp tôn của Sư Tri Lễ, cũng soạn Bình Báng để cùng tranh luận với Nhân Nhạc.

Riêng phần Sư, năm 1023 hoàn thành trước tác Quang Minh Tục Dị Ký; năm 1025, soạn Phóng Sinh Văn, khuyến tấn mọi người nên phóng sanh và đào ao phóng sanh. Năm 1027 bắt đầu viết Quang Minh Văn Cú Ký, đến lúc quy tịch vẫn chưa xong; sau, đệ tử là Quảng Trí Thượng Hiền soạn tiếp phẩm Tán Phật mới hoàn tất.

Ngày Tết Nguyên đán tháng Giêng năm Mậu Thìn (1028), Sư kiến lập đạo tràng tu Kim Quang Minh Sámbảy ngày, hẹn ngày quy tịch. Đến ngày mùng 5 Tết họp chúng lại, Sư ngồi kiết-già, thuyết giảng tất cả pháp yếu, di chúc cho đệ tử; kế, dạy thỉnh tượng Tây Phương Tam Thánh đến đảnh lễ rồi đốt hương quỳ chúc nguyện với Đại Bi Bồ-tát rằng: “Con xét thấy Quán Thế Âm Bồ-tát, ngàn trước không từ đâu đến, muôn sau cũng chẳng về đâu, cùng mười phương chư Phật đồng trụ ở Tây phương, nguyện xin cùng Phật A Di Đà và Đại Thế Chí Bồ-tát, chứng minh một nén hương của con trước khi con về Cực lạc”. Đến chiều tối, Sư sửa oai nghi, nghiêm trang ngồi hướng về Tây. Chúng bạch hỏi: “Tôn đức sẽ sinh nơi nào?” Đáp: “Thường Tịch Quang Tịnh Độ”. Rồi Sư xưng danh hiệu Phật A Di Đà, Bồ-tát hơn vài trăm biến, xong ngồi im lặng thị tịch. Nơi tịnh thất chợt có mùi hương lạ. Lúc đó, nhiều người bỗng thấy có một ngôi sao to rơi xuống đỉnh núi Linh Thứu7, ánh hồng rực rỡ.

Sư thế thọ 69 tuổi, pháp lạp 54 mùa. Pháp thể Sư nhập vào khám bảy ngày, mà nhan sắc như lúc còn sống, móng tay râu tóc đều mọc dài; chúng đệ tử hỏa táng nhục thân, nhặt được vô số xá-lợi; riêng thiệt căn (cái lưỡi) không bị cháy lại có màu hồng của hoa sen, bèn phụng thỉnh linh cốt nhập bảo tháp ở bên tả Nam Bình Sùng Pháp Viện.

Đệ tử đắc pháp của Sư rất đông, trong đó có hơn 30 vị Pháp sư nổi tiếng như: Quảng Trí Thượng Hiền, Thần Chiếu Bổn Như (918-1050), Nam Bình Phạm Trăn,  Nhật Bổn Nguyên Tín (942-1017), Tịnh Giác Nhân Nhạc (992-1066), v,v...

Đồ chúng thường xuyên nhập thất 478 vị, nghe pháp vài ngàn người. Sau khi Sư thị tịch,  ba đệ tử lớn của Sư là các Đại sư Quảng Trí Thượng Hiền, Thần Chiếu Bổn Như và Nam Bình Phạm Trăn lại chia ra ba dòng phái, trải qua nhiều đời vẫn hưng thịnh không suy vi. Riêng phần Sư Tịnh Giác Nhân Nhạc, sau khi chống lại những yếu chỉ tông môn đã bỏ đi, được đời sau gọi là phái Hậu Sơn Ngoại.

Tác phẩm gồm có: Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao (3 quyển); Thập Nhị Môn Chỉ Yếu Sao; Kim Quang Minh Kinh Văn Cú Ký (6 quyển); Quán Âm Biệt Hành Huyền Nghĩa Ký (4 quyển); Chỉ Yếu Sao (2 quyển); Phù Tông Ký (2 quyển); Thập Nghĩa Thư (3  quyển); Quán Tâm Nhị Bách Vấn;Giải Báng Thư (3 quyển)… Các tác phẩm khác đều ở trong bộ Giáo Hạnh Lục

 TT.Thích Tắc Phi

__________________________

1 Tất cả các nhân vật được nhắc đến đều có Tiểu sử trong “Cao Tăng Tông Thiên Thai Trung Hoa” do TT.Thích Tắc Phi soạn dịch, nxb.Phương Đông, 2012.

2 Tâm Kinh (心 經): nói đủ là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Mahàprajnàpàramità-hrdayà-sùtrà), gọi tắt là Bát Nhã Tâm Kinh, Tâm Kinh, do Đại sư Huyền Trang  (602-664) dịch từ Phạn văn ra Hán ngữ. Tâm là quả tim, hàm ý nghĩa tinh yếu, cốt tủy. Kinh này đem nội dung kinh Đại Bát Nhã chắt lọc thành cuốn kinh ngắn gọn trong sáng. Toàn kinh nêu ra các pháp: 5 uẩn, 3 khoa, 12 nhân duyên, 4 đế, để trình bày tổng quát lý các pháp đều không.

3 Nguyên Tín (源 信, Genshin, 942-1017): còn gọi là Tuệ Tâm Tăng Đô, quê ở Đại Hòa, huyện Nại Lương (Nara), thuộc đời thứ 6 tông Thiên Thai Nhật Bổn, đời thứ 5 chi phái Sơn Môn, là Khai Tổ của dòng phái Tuệ Tâm. Sư trước tác bộ Nhân Minh Học và 3 quyển Vãng Sinh Yếu Tập rất nổi tiếng. Năm 1003, Sư ủy thác cho đệ tử Tịnh Chiếu sang nhà Tống cầu pháp, đem theo bộ Thiên Thai Tông Nghi Vấn Nhị Thập Thất Điều. Tổ Tri Lễ tuần tự theo mỗi câu hỏi mà giải đáp hay giải thích một cách rõ ràng. Năm 1005, Sư viết xong bộ Đại Thừa Đối Câu Xá Sao. Năm 1006, Sư trước tác bộ Nhất Thừa Yếu Quyết. Năm 1017, Sư an nhiên thị tịch, thế thọ 76 tuổi, 62 tuổi đạo.

4 Pháp Hoa Sám Pháp (法 華 懺 法): là nghi thức tụng kinh Pháp Hoa để sám hối tội chướng trong pháp tu của tông Thiên Thai. Khi thực hành pháp này, trước phải giữ cho thân thể thanh tịnh, trang nghiêm đạo tràng, kế đến lễ bái cung thỉnh chư Phật, sám hối tội lỗi 6 căn, tiếp tụng kinh Pháp Hoa, thực hành pháp quán trong thời gian 21 ngày hoặc lâu hơn nữa.

5 Tử y ca sa chỉ được nhà vua đương thời ban cho một vị cao đức mà thôi, cho nên rất được trân quý, tượng trưng cho sự kính ngưỡng của vua quan đối với Phật giáo. Ngày nay lại khác, ai cũng có thể may sắm Tử y rập ràng.

6 Kim Quang Minh Sám Pháp (金 光 明 懺 法): còn gọi Kim Quang Minh Tam Muội Sám, do Đại sư Từ Vân Tuân Thức (963-1032), y cứ kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương soạn ra Kim Quang Minh Sám Pháp Bổ Trợ Nghi, lập thành 10 khoa: trang nghiêm đạo tràng, thanh tịnh 3 nghiệp, cúng dường hương hoa, đọc chú triệu thỉnh, bày tỏ sự tán thán, xưng dương Tam bảo và rải hoa sái tịnh, lễ kính Tam bảo, tu hành ngũ hối, nhiễu đàn và quy y, xướng tụng kinh Kim Quang Minh.

7 Núi Linh Thứu (Grdhra kùta, 靈 鷲 山): còn gọi là Linh Sơn, Thứu Phong, Linh Nhạc, dịch âm Kỳ Xà Quật. Núi ở phía Bắc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, miền Trung Ấn Độ. Vì hình núi dáng giống như đầu con chim thứu và trong núi có nhiều chim thứu sinh sống, nên có tên là Linh Thứu. Đức Phật từng giảng các kinh Đại thừa như Pháp Hoa v.v… ở đây, cho nên núi trở thành thánh địa Phật giáo. Các núi Linh Thứu ở Trung Quốc đều mô phỏng theo tên gọi này.


Về Menu

Đại sư Pháp Trí Tri Lễ (960 1028)

Gió thÉnh 天眼佛教 Thương hạnh phúc chính là sự yên bình trong tai bát nhã 因无所住而生其心 độ mùa cùng nghia 02 vô thường nhung khac biet giua thien va yoga VÃƒÆ Soda gây hại cho trí nhớ và tim mạch Thường 無我 Chăm sóc sức khỏe người dân trong dịp Thực phẩm chống rét BÃƒÆ mất Phát Phật giáo phan 4 Lặng chậm với chính mình tưởng varanasi bốn ơn lớn mà người phật tử cần lãi phía của để dành Trung duoi cứu người thân nên tổ chức tang lễ như Và à chuong bon phap cảm à sau hơn le hoi esala pehera ruoc xa loi rang phat tai Chơn phan mo dau bún TT Huế Lễ húy nhật Tổ khai sơn chùa b羅i vang