Bất bạo động là một trong những tư tưởng căn bản của giáo lý Phật giáo. Nguyên tắc này được thể hiện trong nhiều tác phẩm kinh điển của Phật giáo.
1. Bất bạo động là một trong những tư tưởng căn bản của giáo lý Phật giáo. Nguyên tắc này được thể hiện trong nhiều tác phẩm kinh điển của Phật giáo. Một bài kệ trong Kinh Pháp Cú có đoạn:
"Kẻ ấy sỉ nhục ta, đánh đập ta,
Kẻ ấy đánh bại ta, kẻ ấy cướp bóc ta!
Kẻ nào nuôi dưỡng những ý nghĩ như thế
Không bao giờ được an tịnh trong thù hận...
Còn kẻ nào không nuôi dưỡng những ý nghĩ ấy,
Được nhanh chóng an tịnh,
Không bao giờ trong đời,
Hận thù được lắng dịu bằng hận thù,
Chỉ có tình thương mới làm lắng dịu được hận thù.
Đấy là luật vĩnh cửu"([1]).
Trong Kinh Bổn Sanh lại đề cập đến những câu chuyện mà Đức Phật đã kể cho các đệ tử nghe về việc Ngài, khi còn là Bồ tát trong các kiếp trước, đã luôn từ bi, khoan hoà trong khi cảm hoá nhiều kẻ dữ dằn cho dù phải bị đánh đập, chặt tay, móc mắt,v.v...
Còn trong các bộ Tạp A Hàm, Kinh Trung Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ,... đều đề cập về chuyện Tôn giả Punna cương quyết xin phép đến hoằng dương Phật pháp cho người dân xứ Sronàparanta, cho dù đã được Đức Phật cảnh báo rằng, đó là những cư dân bạo lực và dữ dằn. Đoạn hội thoại giữa Đức Phật và vị Tôn giả Punna đó cụ thể như sau:
"Đức Phật: Người dân ở xứ Sronàparanta nóng nảy, bạo lực, dữ dằn. Họ nói những lời dữ dằn, thô lỗ. Nếu họ nói với ông những lời dữ dằn, thô lỗ, hỗn láo thì ông nghĩ thế nào?
Punna: Con sẽ nghĩ rằng người dân ở Sronàparanta quả thực là những người tốt bụng và hiền lành vì họ không đánh con bằng tay, cũng không ném đá vào con.
Đức Phật: Nhưng nếu họ đánh ông bằng tay hay ném đá vào ông thì ông sẽ nghĩ thế nào?
Punna: Con sẽ nghĩ rằng họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ không đánh con bằng gậy, không đâm con bằng gươm.
Đức Phật: Nhưng nếu họ đánh ông bằng gậy hoặc đâm ông bằng gươm thì ông sẽ nghĩ thế nào?
Punna: Con sẽ nghĩ họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ không giết chết con.
Đức Phật: Nhưng nếu họ giết ông, này Punna, ông sẽ nghĩ thế nào?
Punna: Con sẽ nghĩ họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ giải thoát cho con khỏi cái thân xác thối tha này một cách dễ dàng. Con biết rằng có nhiều tu sĩ đã hổ thẹn vì cái thân xác của mình, đã bối rối, chán nản và các vị ấy đã tự tử bằng khí giới, đã dùng thuốc độc, đã tự treo cổ bằng dây thừng hay lao mình vào vực sâu.
Đức Phật: Này Punna, ông có thiện tâm, nhẫn nhục cao nhất. Hãy đi và dạy cho họ làm sao để họ giải thoát được như chính ông, ông đã giải thoát"([2]).
Một số dẫn chứng tiêu biểu nêu trên, tuy chưa nhiều nhưng có lẽ cũng đủ để chúng ta thấy rõ rằng, tư tưởng bất bạo động của Phật giáo không dựa trên chủ trương lấy oán báo oán, mà dựa trên cơ sở lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Nguyên tắc bất bạo động của Phật giáo không phải là sự sợ hãi mà chính là biểu hiện của sự dũng cảm, của lòng từ bi và của tình yêu hoà bình.
2. Là một tín đồ Ấn Độ giáo nhưng tư tưởng bất bạo động của Phật giáo đã thấm đẫm trong tư tưởng và hành động của M.Gandhi (1869-1948), một vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ trong những thập niên nửa đầu thế kỷ XX, một người anh hùng được cả dân tộc Ấn Độ tôn kính với tên gọi Thánh Gandhi.
Trong khoảng 40 năm hoạt động chính trị, M.Gandhi và những người đồng chí của ông trong Đảng Quốc Đại đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đấu tranh đòi quyền tự trị từ tay thực dân Anh theo một đường lối rất riêng biệt, đường lối đấu tranh bất bạo động.
Tư tưởng bất bạo động được M.Gandhi sử dụng ngay khi ông lãnh đạo các cuộc đấu tranh của người Ấn Độ tại Nam Phi vào những năm 1907-1908 và 1913, bắt đầu với một phương pháp có tên gọi "Satjagraha", tạm dịch là Kiên trì Chân lý.
Yêu cầu cụ thể với một người theo phương pháp Satjagraha có nhiều, nhưng thể hiện chủ yếu với tư cách cá nhân, với tư cách tù nhân và với tư cách là thành viên của một nhóm, đều thể hiện rõ ràng và sâu sắc tinh thần bất bạo động. Chẳng hạn: "Một người Satjagraha sẽ không có sự giận dữ. Anh ta sẽ chịu đựng sự giận dữ của đối thủ. Trong khi làm như thế, anh ta sẽ kiên nhẫn chịu đựng sự công kích từ đối thủ, không bao giờ trả đũa, nhưng anh ta sẽ không phục tùng đối với mệnh lệnh được đưa ra trong sự tức giận, không sợ hãi hình phạt hay những gì tương tự, v.v..."([3]).
Như vậy, Satjagraha, theo quan điểm của M.Gandhi, là sự chứng minh Chân lý không phải bằng việc bắt đối thủ phải chịu đau khổ mà là tự chính bản thân mình. Satjagraha chính là tiền đề tư tưởng bất bạo động trong đường lối đấu tranh của M.Gandhi, hay cũng còn được gọi là chủ nghĩa M.Gandhi.
Quan niệm cụ thể về tư tưởng bất bạo động, M.Gandhi cho rằng, không có một Thượng đế nào khác ngoài Chân lý. Phương tiện duy nhất để nhận thức được Chân lý là Ahimsa (Ahimsa nghĩa là không làm điều ác). Theo ông, Ahimsa là một nguyên tắc rộng lớn, con người chỉ là những kẻ bất lực bị mắc vào ngọn lửa của Himsa (điều ác).
Sau khi về nước, năm 1915, M.Gandhi tiếp tục áp dụng phương thức bất bạo động trong những hoạt động đấu tranh trước thực dân Anh để đòi quyền tự trị cho nhân dân Ấn Độ. Sở dĩ M.Gandhi tiếp tục sử dụng phương thức đấu tranh này, vì theo ông, Satjagraha có thể sử dụng hiệu quả trong mọi hoàn cảnh.
Khi áp dụng vào lĩnh vực chính trị, M.Gandhi tin tưởng rằng, Satjagraha, mà cốt lõi là tư tưởng bất bạo động, có thể đưa tới một "xã hội tốt đẹp" thông qua sự thay đổi con tim hơn là thông qua việc áp dụng sức mạnh tàn bạo.
Đương thời, khát khao lớn nhất của nhân dân Ấn Độ là đòi lại quyền tự trị đất nước từ tay thực dân Anh. Áp dụng quan điểm bất bạo động vào trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước như vậy, M.Gandhi coi "Quyền tự trị" chính là Chân lý, trong đó Satjagraha là sự khẳng định quyết tâm của nhân dân Ấn Độ đối với quyền tự trị. Tất nhiên, sự khẳng định đó phải dựa trên cơ sở Ahimsa, tức là bất bạo động.
Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng Quốc Đại, M.Gandhi cho rằng, trong hoàn cảnh lịch sử đương thời thì đấu tranh bất bạo động là phương thức có khả năng duy nhất để đạt được nền tự trị cho Ấn Độ. Do vậy, trong nhiều thập kỷ, với uy tín chính trị của mình, M.Gandhi đã được Đảng Quốc Đại giao cho trọng trách trực tiếp chỉ huy các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Ấn Độ theo đường lối bất bạo động. Những cuộc đấu tranh quần chúng do M.Gandhi khởi xướng và lãnh đạo đã góp phần quan trọng buộc thực dân Anh trao trả quyền tự trị cho Ấn Độ vào năm 1947.
3. Phương thức đấu tranh bất bạo động của M.Gandhi đã có những tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của giới Phật giáo miền Nam Việt Nam trước Chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.
Ngay khi bắt đầu, trên cơ sở cho rằng, thời cơ cho việc phát động một phong trào chống chính quyền Ngô Đình Diệm đã đến, trong hội nghị diễn ra vào đêm 7/5/1963 tại chùa Từ Đàm, giới Phật giáo miền Nam Việt Nam đã quyết định sẽ công khai hình thức đấu tranh với những sách lược cơ bản như sau:
"Tính chất: Thuần túy tín ngưỡng,
Mục tiêu: Bình đẳng và tự do cho tín ngưỡng Phật giáo (trong phạm vi nhân quyền),
Phương pháp: Bất bạo động,
Đối tượng: Chỉ phản đối chính sách bất công, không coi Chính phủ, nhất là không coi Thiên Chúa giáo là kẻ đối lập"([4]).
Trong Bản Phụ đính của "Bản Tuyên ngôn ngày 10/5/1963"([5]) được công bố ngày 23/5/1963, những nhà lãnh đạo Phật giáo miền Nam sau khi phân tích tình hình thực tế cụ thể đã tái khẳng định phương thức được áp dụng trong cuộc đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của Chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ là "bất bạo động":
"Chúng tôi ý thức được chúng tôi đang trong hoàn cảnh mà chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc đấu tranh của chúng tôi. Vì những lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hi sinh đến cùng độ và lấy sự hi sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển đến tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi.
Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố một cách minh bạch rằng, những tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi, vị Thánh của sức mạnh "bất bạo động", chính phủ chỉ nên nghĩ đến điều ấy hơn là nhọc lòng nghĩ đến Phật giáo đồ được huy động... Chúng tôi, với phương pháp "bất bạo động", sẽ đấu tranh trong phạm vi hợp pháp được ngần nào tốt ngần đó. Nhưng tinh thần và phương pháp "bất bạo động" không chỉ có thế, nên chúng tôi sẵn sàng hi sinh đến cùng theo phương pháp này"([6]).
Trên thực tế, cho dù có nhiều thời điểm bị đàn áp một cách dã man, nhưng phương thức đấu tranh "bất bạo động" luôn được giới Phật giáo miền Nam Việt Nam áp dụng một cách tương đối triệt để, không những thể hiện trên những văn bản với phía chính quyền, tiêu biểu như hình thức thỉnh nguyện thư, mà còn bằng những việc làm cụ thể như rước linh hằng tuần, biểu tình, tuyệt thực, đàm phán, và cao nhất và có hiệu quả nhất là hình thức tự thiêu.
Có thể nói, trong một hoàn cảnh lịch sử chính trị xã hội miền Nam đương thời như vậy, với một tinh thần giáo lý và cả thực lực của Phật giáo như vậy, thì việc Phật giáo đồ miền Nam Việt Nam chủ yếu áp dụng phương thức đấu tranh "bất bạo động" là một điểm thích hợp và dễ hiểu. Kết quả thực tiễn của phương thức đấu tranh này đạt được là rất đáng kể. Nó là một trong những tác nhân chính yếu lật đổ Chính quyền Ngô Đình Diệm.
4. Liên quan đến phương thức đấu tranh bất bạo động của giới Phật giáo miền Nam Việt Nam, từ năm 1963 và cả những năm tiếp theo, chúng ta thấy nổi bật lên hiện tượng để bảo vệ đạo pháp, nhiều nhà sư và Phật tử tại gia phát nguyện tự thiêu, mà tiêu biểu nhất và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất có lẽ là trường hợp của Hoà thượng Thích Quảng Đức.
Trong kinh điển Phật giáo, chẳng hạn Phẩm Dược Vương Bồ Tát thứ 23 trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Đối Trị thứ 3 trong Kinh Đại Phương Tiện Báo Ân, v.v... đã đề cập đến việc các vị Bồ tát tự thiêu để bảo vệ chính pháp và cứu độ chúng sinh. Hiện tượng này đã từng xuất hiện trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Năm 455, nhà sư Thích Đàm Hoằng tu hành ở chùa Tiên Sơn tự thiêu là một ví dụ.
Đối chiếu giáo lý Phật giáo vào trong hành động phát nguyện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức và nhiều tăng ni, Phật tử tại gia miền Nam Việt Nam, chủ yếu diễn ra năm 1963, chúng ta thấy:
Thứ nhất, trước hết, các hành động tự thiêu, thấp hơn là đốt ngón tay hoặc chặt cánh tay, là một hành động được tiến hành một cách tự nguyện để bảo vệ Phật pháp. Hành động này xuất phát từ hạnh Bố thí của Phật giáo.
Hạnh Bố thí của Phật giáo gồm các hình thức: Tài thí (hay Bố thí Tài) là bố thí tài vật như nhà cửa, tiền bạc, quần áo, của cải, vật chất. Pháp thí (hay Bố thí Pháp) là bố thí Phật pháp, nghĩa là giáo dục Phật pháp cho người khác, cho người khác những lời nói tốt đẹp và có ích lợi. Vô Uý thí (hay Bố thí Vô Uý) là làm cho người khác thoát khỏi sợ hãi, được an tâm. Trong các hình thức bố thí nêu trên, thì Pháp thí và Vô Uý thí cao cấp hơn Tài thí([7]).
Trong Lục Độ Tập Kinh của tăng sĩ Khương Tăng Hội, viết vào thế kỷ III, còn cho biết thêm về loại hình Bố thí Vô cực của các vị cao tăng, cụ thể là các vị Bồ tát. Theo đó, vì Phật pháp và vì chúng sinh, các vị Bồ tát sẵn sàng bố thí một cách vô tư, không tiếc của cải lớn nhỏ, không giới hạn kể từ tính mạng đến tài sản, từ vợ con của mình, ngôi vua của mình đến quốc thổ của mình.
Thứ hai, cho dù xuất phát điểm với mục đích là bảo vệ đạo pháp, nhưng những hành động phát nguyện tự thiêu này cũng đồng thời là hành động yêu nước. Bởi vì, như Hà Thúc Minh đã từng chứng minh rằng, cho dù Phật giáo nguyên thuỷ không phải là một học thuyết về chủ nghĩa yêu nước, nhưng để tồn tại và phát triển ở mảnh đất Việt Nam vốn là nơi có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt, Phật giáo không thể không thấm đượm tinh thần yêu nước. Có lẽ chính người Việt Nam đã thổi vào Phật giáo tinh thần yêu nước([8]).
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, giáo lý Phật giáo không chỉ dạy Phật tử một phương thức đấu tranh bất bạo động. Kinh điển Phật giáo từng nêu chuyện Đức Phật, trong một kiếp trước, đã từng phải giết một tên tướng cướp để cứu 500 người lái buôn.
Cho nên, vào những năm 1925-1926, khi các nhà sư trẻ ở Nam Bộ tham gia những cuộc vận động yêu nước, bị chất vấn "ai xui thầy chùa đi biểu tình", giáo thụ Thiện Chiếu ở chùa Linh Sơn (Sài Gòn) đã viết bài trả lời trên báo rằng: "Thuyết từ bi cứu khổ của Phật Tổ xui Phật tử tham gia những cuộc vận động yêu nước thương dân chớ không ai xui cả"([9]).
Tiếp đó, trước cổng chính Linh Sơn Tự, khi nhà sư Thiện Chiếu còn làm giáo thụ ở ngôi chùa này, người ta thấy dán đôi câu đối: "Phật pháp thị nhập thế nhi phi yếm thế. Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh" (đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế. Từ bi lắm lúc phải sát sinh để cứu độ chúng sinh).
Sau này, nhà sư Thích Minh Nguyệt, người thành lập "Hội Phật giáo Cứu quốc" năm 1946 ở khu vực Đồng Tháp Mười, đã hoàn toàn đúng đắn khi tuyên bố: "Phật giáo Việt Nam chỉ bền vững và có ý nghĩa khi đã biết gắn mình vào với dân tộc Việt Nam, hoà mình trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, không thể khép kín hoặc tách rời cộng đồng đó.
Đứng trước họa xâm lăng đương đe dọa Tổ quốc, người Phật tử không thể ngồi yên gõ mõ tụng kinh cầu nguyện, mặc cho kẻ thù đem súng đến tàn sát những người ruột thịt của mình. Có ý thức như vậy và hành động đúng như vậy, tăng ni, Phật tử mới thể hiện đúng tinh thần "vô ngã vị tha" của Đức Phật, nghĩa là người Phật tử luôn quên mình cứu độ chúng sinh"([10]).
Bởi vậy, thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, không phải mọi lúc, mọi nơi, tăng ni và Phật tử đều áp dụng phương thức bất bạo động trong các cuộc đấu tranh với quân xâm lược. Khi đất nước gặp họa xâm lăng, nhiều nhà sư đã "cởi cà sa, khoác chiến bào" trực tiếp cầm vũ khí đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Thời Lý - Trần trong các thế kỷ XI - XIV đã từng thấy rất nhiều, sau này, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thế kỷ XX cũng như vậy./.
Nguồn: btgcp.gov.vn
[1] Dẫn theo: Thích Chơn Thiện. Tăng già thời Đức Phật. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2000, tr.108.
[2] Thích Chơn Thiện. Sđd, tr.109-110.
[3] Dẫn theo: Văn Ngọc Thành. Đảng Quốc Đại với cuộc đấu tranh đòi quyền tự trị Ấn Độ từ 1916 đến 1920. Luận án Tiến sĩ Sử học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội 2002, tr.118.
[4] Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 2, ngày 30/4/1964, tr.4. Dẫn theo: Lê Cung. Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963. Nxb Thuận Hóa. Huế 2003, tr.141.
[5] Tên đầy đủ của văn bản là Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ngày 10/5/1963. Trong văn bản này, giới Phật giáo Miền Nam Việt Namyêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi 5 nguyện vọng sau:
1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn Công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng quy chế đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10.
3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức".
[6] Dẫn theo: Lê Cung. Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963. Nxb Thuận Hoá. Huế 2003, tr.229.
[7] Tuy nhiên, An Bình Sơn có lý khi cho rằng, Vô Uý thí là kết quả của Tài thí và Pháp thí cho nên không cần phải tách ra thành một loại riêng. Xem: An Bình Sơn. Về Hạnh Bố Thí, http//www.quangduc.com
[8] Xem: Hà Thúc Minh. Lịch sử tư tưởng Việt Nam và vấn đề Phật giáo, trong: Viện Triết học. Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam. Hà Nội 1986.
[9] Dẫn theo: Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Tập 2. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1975, tr.230.
[10] Hà Thúc Minh. Sđd, tr.47.
Ngọc Sương (Tuvien.com)