Mùa xuân Sài Gòn -TP.Hồ Chí Minh. Đô thị này không phải là tất cả Nam Bộ, nhưng lại là Nam Bộ và… cả nước, vừa rất riêng lại vừa rất chung. Trên những đường phố đầy nắng sáng, có sắc tươi của mai vàng cười bên những cánh đào mang phong vị của khí lạnh mùa xuân xứ Bắc. Mát dịu gốm xanh Bát Tràng bổ sung cho nâu vàng đầm ấm của thủ công đất thó Bình Dương - Biên Hòa.

	Đón & tìm

Đón & tìm

Mùa xuân Sài Gòn -  TP.Hồ Chí Minh.
 Đô thị này không phải là tất cả Nam Bộ, nhưng lại là Nam Bộ và… cả nước, vừa rất riêng lại vừa rất chung. Trên những đường phố đầy nắng sáng, có sắc tươi của mai vàng cười bên những cánh đào mang phong vị của khí lạnh mùa xuân xứ Bắc. Mát dịu gốm xanh Bát Tràng bổ sung cho nâu vàng đầm ấm của thủ công đất thó Bình Dương - Biên Hòa.

Và đã từ rất lâu, bánh chưng vuông của “nghĩa đất” trong sự tích Lang Liêu đã có mặt bên đòn bánh tét giắt lưng của những lưu dân trên đường Nam tiến. Đi về đất mới, lòng những người xa xứ không nguôi nỗi nhớ cội nguồn. Những người dân Quảng Nam đã đem cả vào đây một nghề truyền thống để hình thành làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng. Họ còn mang cả những món ăn thân thuộc để hình thành cái chợ Bà Hoa đầy sắc hương riêng biệt. Nếu thử hỏi những người phụ nữ gánh đôi bầu sơn dầu bán bánh cốm trên đường phố, thì có đến tám phần mười là người có gốc Bình Định, Phú Yên. Những xe mì gõ “tắc xực” trên những phố khuya lay lắt ánh lửa củi hầu như thuộc về những thanh thiếu niên Quảng Ngãi, nơi mà hơn 30 năm trước, cả thế giới kinh hoàng biết đến qua vụ thảm sát Mỹ Lai, Sơn Mỹ… Sài Gòn là đất của dân tứ chiếng (nhưng không phải theo nghĩa xấu của câu tục ngữ xưa, điều này thì ai cũng rõ). Dù đến ngụ cư theo cuộc đẩy đưa của số phận hay tìm về đô thị này theo một dự định riêng, dường như chỉ sau mươi năm, tất cả đều trở thành người-sài-gòn, hòa điệu vào nhịp sống riêng - chung mà chung - riêng của thành phố. Những tên đất, tên người cũng mang một bản sắc văn hóa riêng: không là Tam Thái mà phải là Tam Thới. Rồi những chợ Bà Chiểu, Giồng Ông Tố, cầu Ông Đen… Tất cả là sự rõ ràng, mộc mạc. Ngay cả mâm hoa quả trên bàn thờ gia tiên gồm những trái quả của một thiên nhiên ưu đãi cũng thể hiện sự hồn nhiên trong mơ ước của tấm lòng người: cầu dzừa đủ xài (mãng cầu, quả dừa, trái đu đủ, trái xoài). 
Đất và người, trong bầu khí văn hóa cởi mở ấy đã trở thành môi trường thuận lợi cho những nỗ lực vươn lên. Không hiếm những người xứ lạ đến Sài Gòn với hai bàn tay trắng, nhiều năm sau đã trở nên người thành đạt. Lại cũng có biết bao người “bản địa” qua nhiều đời vẫn chẳng bận tâm gì tới cảnh ở nhà trọ, ăn cơm vỉa hè. Nhưng có lẽ không nên kể lể dài dòng thêm nữa, bởi Sài Gòn là… tụ điểm của dòng sống, với vô vàn sắc điệu và cung bậc thanh âm.


                                                               ***
Cuối năm, bên những ly rượu con vỉa hè, thường cháy lên nỗi buồn xa xứ. Trong mờ sương của ký ức và trong ánh pha trộn của những tháng ngày phía trước, hiện ra câu hỏi Được và Mất. Không phải là những suy niệm siêu hình về lẽ tồn vong của kiếp nhân sinh, mà trong tấm lòng của người công dân với đất nước. Và xin hãy bình tâm, bởi phải chăng, những lòng hoài cổ thì thường muốn êm đềm trong bóng sáng dịu dàng của những thành tựu văn hóa xưa mà không muốn tiếp nhận những đổi thay mới; còn những ai chìm theo  nhịp sinh hoạt hối hả hướng về tương lai thì thường có khuynh hướng “dị ứng” với cái cũ?!
Có phải một đức tính đáng yêu của người Sài Gòn là lòng mến khách, đã phai nhạt dần đi? Trong những món ăn thức uống ngày xuân, thói quen chăm chút dần dần được giản đơn đến mức đánh mất cả ý nghĩa đoàn tụ trong mỗi gia đình khi Tết đến? Dường như những lời phàn nàn ấy đều không sai nhưng cũng dường như, nó xuất phát từ cái nhìn có phần bảo thủ và phiến diện. Nhịp sống đổi thay liên tục, nhất là trong bối cảnh của kỷ nguyên mới và của một quốc gia sau chiến tranh đang vật vã với muôn vàn gian khó. Xin hãy lưu ý chi tiết nhỏ này: giờ đây, nhiều người chủ gia đình quan tâm đến một gốc mai xuân và những chậu hoa Tết hơn là mấy ký nếp, một vài lạng thịt. Những câu đối mừng xuân, những bức thư pháp, những lễ hội truyền thống… đang dần dần sống lại. Dẫu mới chỉ là những biểu-hiện-bên-ngoài, thực tế ấy cũng chứng minh được rằng, cội nguồn vốn là cái gì không dễ mất đi trong lòng người Việt.
Và rồi đây, khi mà những hình thức văn hóa đi vào mỗi con người để biến thành sự sống trong tất cả những biểu hiện nhỏ nhất và bình thường nhất, khi mà văn hóa trong nghĩa hẹp, đã biến thành văn minh; khi ấy, có lẽ câu hỏi về Được và Mất sẽ chuyển sang những phạm trù khác trên nẻo về tương lai, về mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại.


                                                                     ***
Cuối năm, bên cái quán cóc ven đường, những chiếc lá rụng nhiều hơn. Tiếng lá khô vỡ dưới chân người qua trở nên giòn hơn, gợi nhớ tới sự dọn dẹp của những vùng ẩm tối trong vẻ đẹp của sự thô thiển đáng yêu. Tiếng lá còn nhắc nhớ một điều đã xưa quá rồi, chẳng còn áp dụng ở đâu nữa. Rằng năm mới, bắt đầu không phải vào tháng Giêng mà từ  tháng 11 âm lịch của năm trước, theo quy luật của Dịch lý: giữa giá rét mùa Đông, đã tượng mầm mùa Xuân (lục âm sinh nhất dương).
Tiếng lá vỡ còn nói rằng, mọi sự rồi sẽ kết thúc (cũng như sẽ bắt đầu), như một kiếp nhân sinh. Nhưng trước khi nhắm lại, đôi mắt sẽ còn nói với những người đang tiếp tục sống, rằng nó đã đón chờ, đã tìm kiếm và đã gặp mùa xuân đích thực: Trái Tim Người.
Bên trên tiếng lá vỡ ấm nóng, Sài Gòn bắt đầu xuân.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT


Về Menu

Đón & tìm

gió dự mong một giới sau thuc ruc ro co hoa pg tai le hoi vesak nguoi viet o san Thiền định và khoa học thần kinh Con Lý Thái Tổ với Phật giáo Thai biệt Chén trà trong sương sớm SÃƒÆ c 因果回德 thiền Vu lan cách đạo Cà rốt thực phẩm của mắt và tim Tam chÙa Thiên Visakha Hoi 人生是 旅程 風景 van hay song nhu ngay mai ta khong con duoc song nua Quen mà lạ Chè đậu xanh viên rau câu vi sao chung ta so toi phuoc hạnh phúc ở đâu NhÃƒÆ hạnh phúc giữa vườn hoa phật giáo 静坐 vムchua diem dien chien thang nhung cam xuc tieu cuc nghĩ Nhất 心经全文下载 giải 欲移動 Tọa đàm về Thiền sư Minh Châu Hương hãy là bậc đại trượng phu nghiep bao gioi thieu tong quat phan 2 Lửa hãy Cần Thơ Cử hành tang lễ Hòa thượng