Con đường Bồ Tát Hạnh, mà Lương Võ Đế và Trần Thái Tông đã tu tập và hoàn thiện một cách mỹ mãn, độ mình và độ người, cứu mình và cứu chúng sanh, an lạc và phân hưởng sự an lạc đến cho chúng sanh
Hai vị vua hai phương trời một hạnh nguyện

.

Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.

Lương Võ Đế thọ Bồ Tát giới với pháp sư Huệ Ước, sau khi thọ giới ông thổ lộ tấm chân tình: "Tôi nghĩ nếu không thọ Bồ tát giới thì làm sao có tâm từ bi, làm hạnh bình đẳng? Vì vậy nên tôi mong cho ức triệu sanh linh đều được sung sướng".

Nội điển lục nói : "Lương Vũ Đế, vị Bồ Tát bất tư nghì"

Trong Thiền Tông Bản Hạnh, Thiền Sư Chân Nguyên ( 1647-1726) viết về vua Trần Thái Tông như sau:

"Chư tổ truyền đến nước ta
Thiền tông ý chỉ chép ra lời này
Trước kể Trần triều cho hay
Đế vương học đạo là Trần Thái Tông.
Trị vì thiên hạ đông tây
Vạn dân phú quý no lòng âu ca
Thái Tông trị vì quốc gia
Lòng muốn tu đạo để hoà độ thân
Bề trên báo được tứ ân
Bề dưới chửa khỏi trầm luân Tam đồ
".

Chúng ta đang sống với muôn ngàn đau khổ phủ ngập, từng hơi thở phủ kín bởi âu lo, thường xuyên đối diện với bất an biến động, bước đi với bao nỗi nhọc nhằn trỉu nặng, tâm tư đong đầy lụy phiền ấp ủ. Hai chữ hạnh phúc lúc nào cũng xa vời, yêu thương lúc nào cũng vắng bóng, thân phận con người vốn đã mong manh lại càng mong manh hơn. Từ vô thường chi phối đến vô minh tham sân si lũng đoạn, từ nổi trôi sinh tử đến trầm luân đau khổ, lúc nào cũng chờ chực chung quanh, không ngôn từ bút mực nào tả cho hết nỗi đau sự khổ, những mất mát đau đớn ta đang gánh chịu, không biết lúc nào có cơ may vượt thoát. Ta bằng lòng với số phận không một lời tìm hiểu, ta lắc đầu trốn chạy, nghiệp quả vẫn không buông tha. Đó là điều hẳn nhiên của sự tác nghiệp, mà ta đã và đang tạo ra, nhưng ta quyết không để cho điều đó chi phối mình mãi. 

Làm sao có được hạnh phúc an lạc thường hằng trong cõi nhân sinh? Con đường thoát ra, để viên thành đạo nghiệp giải thoát, đều phải đi qua chặng đường phát khởi và thực hành tâm hạnh của Bồ Tát, đó cũng là phương cách tối hậu để thành tựu Phật quả. Sự xuất hiện của những bậc Bồ Tát ở trong từng tâm cảnh quốc độ, mở ra cánh cửa giác ngộ và cứu độ, dấn thân đi vào cõi đời ô trọc, vào nơi lầm than để ban vui cứu khổ, san sẽ từ bi chia sớt trí tuệ, làm nơi nương tựa tâm linh kiên cố, xoa dịu nổi thống khổ mà chúng sanh đang lặn hụp. Dù ở đâu, cương vị nào, tấm lòng bi nguyện sắc son ấy không bao giờ thay đổi, quyết đem an lạc đến với muôn loài. Để hoàn thành sứ mạng giải thoát cao cả ấy, cho dù dấn thân hay xả thân cũng trong tinh thần hồi hướng đến tất cả chúng sanh, không phân biệt nỗi khổ màu da chủng loại, tất cả cho và vì muôn loài.

Muốn phát khởi Bồ Tát Hạnh ta phải nương vào đạo lực của chư Phật và Bồ Tát, đem hết tâm thành trong sự hợp nhất tương tác, quyết không gián đoạn, dấn thân đi vào cuộc đời, đi vào nơi thống khổ điêu linh ra tay chuyển hoá, bắt nhịp từ đây, từ cõi tử sinh nầy để hoá độ. Tinh thần nhập thế cứu độ của Bồ Tát thật thâm sâu, vì hoàn thành sự nghiệp độ sanh, lúc nào cũng hy sinh không màng đến tự thân, lấy sự cứu độ giải thoát an lạc của chúng sanh, làm công hạnh tu tập. Dù đạt quả vị Phật cùng cảnh giới Niết Bàn cũng không riêng mình an hưởng, liên tục xả thân vì muôn loài. Nếu chúng ta thường xuyên thực hành tâm nguyện Bồ Tát thì lúc nào Bồ Tát cũng hiện hữu trong ta, nếu ta biết tu tập, quán chiếu thật sâu, tinh tường, thì lúc nào cũng thấy Bồ Tát ở chung quanh. 

Vấn đề ở chổ ta có phát khởi liên tục, thực tập tâm hạnh của Bồ Tát, thường xuyên tạo công đức lành, và hướng nguyện đến cho chúng sanh? Sự hữu hạn của tâm thức không thể nào hiểu nỗi vô hạn của nguyện lực, nếu không phát khởi Bồ Tát hạnh thì làm sao hiểu được Bồ Tát nguyện. Sự chuyển tiếp để giác ngộ bùng lên, đòi hỏi chúng ta phá vỡ tập quán cố hữu, chấm dứt sự tác động chi phối của vô minh, tham sân si, nổ lực chuyển đổi toàn diện thân khẩu ý, thường xuyên sống với tỉnh thức. Bồ Tát một lòng độ sanh trì hoãn thành Phật, tâm lượng vô biên ấy không thể nghĩ bàn, nguyện lực ấy khởi đi từ vô lượng kiếp về trước, tồn tại mãi đến vô lượng kiếp về sau, như hư không lồng lộng dung chứa tất cả không hề ngăn ngại, một sự lặng thinh bao trùm trên cõi tử sinh không lưu lại dấu vết.

Trong thế giới vô tận đau khổ nầy, có hằng hà sa số Bồ Tát đang ra tay cứu độ. Nếu chúng ta thường xuyên tu tập Bồ Đề Tâm, thì nhìn đâu cũng thấy chất Phật, tâm Phật ngự trị, chỉ cần một phút lắng lòng bình yên với tâm lượng hải hà ta sẽ nhận ra ngay, đang ở thật gần chung quanh mà ta tiếp xúc mỗi ngày, một khi ta biết mở rộng cõi lòng, để cho tâm thức nhẹ nhàng thì nhìn đâu thấy đâu cũng đều an tịnh. Trong sự buồn vui của đời sống, từ mái ấm gia đình đến thiên nhiên muôn vật đều mang lại cho ta những sắc màu tươi đẹp. Nhìn với con mắt ngăn ngại, với cái tâm nhỏ hẹp thì ta chỉ thấy phiền não dẫy đầy đau đớn phủ ngập. 

Ta cố tập tu để thấy tất cả đều như nhau, đều có chủng tử của Phật tánh và đều bình đẳng trong luân hồi. Ta phải tạ ơn đời sống vừa đau đớn nhưng cũng vừa hạnh phúc nầy, cả hai khía cạnh mê ngộ được mất, vừa đem đến cho ta những phút giây yêu thương nhưng cũng vừa tước đoạt, như hai mặt sấp ngữa của bàn tay, đưa qua lấy lại. Trong cõi muôn màu lắm sắc ấy nó làm ta choáng ngợp, không phân biệt thật giả, hạnh phúc luôn đi kèm với khổ đau, vui buồn lẫn lộn. Nhưng với một người biết tu tập, là phải duyên theo cảnh mà thăng hoa cái tâm, nhận chân ra được mọi vấn đề trong sự tỉnh thức sáng soi bởi tuệ giác, như thế cõi tử sinh mới không làm cho ta chùn bước. Bởi lẽ cuộc đời như một quán trọ đến rồi đi, ta dừng chân ghé lại đến lúc thì phải ra đi, tìm cầu gì trong thế giới hư ảo nầy, đến như thế nào và đi như thế nào đều do ta định đoạt?

Đời sống chúng ta thật giới hạn, chỉ một sát na hơi thở đã biến đổi, ta sống trong tâm cảnh nào thì cũng phải sống, chết trong tâm cảnh nào thì cũng phải chết. Ta ghi nhận một điều, sống với cái tâm nào thì chết cũng với cái tâm ấy, đi về đâu đến đâu nó cũng đeo bám mãi theo ta, cứ thế tạo thành nhân quả, nghiệp lực cho sự tái sinh. Muốn thay đổi, ta phải đổi thay từ chính cái tâm ấy. Nếu không nổ lực tu tập, thì những phiền lụy đau đớn, sẽ liên tục đong đầy trong ta từng phút giây, theo ta trên từng bến bờ sinh tử, kéo lê ta trong muôn kiếp luân hồi. Điều quan trọng nhất, ta phải sống và chuyển đổi trong một tâm cảnh như thế nào, dứt bỏ không vướng bận, để có được sự tỉnh thức, an lạc ngay từ bây giờ. 

Nổi đau sự khổ lúc nào cũng có mặt, hạnh phúc an lạc lúc nào cũng hiện hữu, ta có nhận chân và tìm thấy hay không đều do ta quyết định. Sự ý thức và trãi nghiệm một cách minh mẫn về nhân quả nghiệp lực, vô minh, khiến ta có đủ bình tâm để nhận ra từng vấn đề, có đủ trí tuệ để quán chiếu trong từng tâm cảnh, ta biết rõ ràng không gì xảy ra, không gì tự nhiên vô cớ đến với ta mà không do nhân quả. Tất cả đều có sự liên kết của tương duyên, tương sanh, tương hợp. Thay vì phải sống với vô thường bất định, ta phải làm sao sống trong sự tự nhiên của muôn vật, trong sự chuyển hoá tột cùng, nhiệm mầu thường hằng của Phật tính, thấu rõ được bản thể vô sinh diệt của Chân Như, cho "thân nhẹ, tâm an, miệng mĩm cười" trong thế giới của hôm nay và ngày mai.

Bồ Tát có mặt khắp chốn mọi nơi, nhập dòng nhập cảnh với vô số tâm nguyện khác nhau, tùy theo từng tâm cảnh của mỗi chúng sanh mà hiện thân tướng cùng cảnh ngộ để hoá độ. Ta thực tập theo mười hạnh nguyện rộng lớn của ngài Phổ Hiền Bồ Tát, ta noi theo công hạnh của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, cứu giúp chúng sanh ở hai cõi sanh và tử, ta tu tập hạnh hy sinh cho muôn loài đến không cùng tận, không cần đáp trả, như ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát cứu độ trong cảnh giới địa ngục. Trong Kinh Điạ Tạng, phẩm thứ tư Nghiệp Cảm Của Chúng Sanh, ông vua nước lân cận. "Vô lượng vô số na do tha bất khả thuyết kiếp về thuở trước, lúc đó, có đức Phật ra đời hiệu là Nhứt Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.

Đức Phật đó thọ sáu muôn kiếp. Khi ngài chưa xuất gia, thời ngài làm vua một nước nhỏ kia, kết bạn cùng với vua nước lân cận; hai Vua đồng thật hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhơn dân. Nhơn dân trong nước lân cận đó phần nhiều tạo những việc ác. Hai vua cùng nhau bàn tính tìm những phương chước để dắt dìu dân chúng ấy. Một ông phát nguyện: "Tôi nguyện sớm thành Phật sẽ độ dân chúng ấy làm cho đều được giải thoát không còn thừa". Một ông phát nguyện; "Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề thời tôi nguyện chưa thành Phật". Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: "Ông Vua phát nguyện sớm thành Phật đó, chính là đức Nhứt Thiết trí Thành Tựu Như Lai. Còn ông vua phát nguyện độ chưa hết những chúng sanh tội khổ thời chưa nguyện thành Phật, đó chính là ngài Điạ Tạng Bồ Tát đây vậy". Việt dịch, Hoà Thượng Thích Trí Tịnh.

Quả thật Lương Võ Đế và Trần Thái Tông đều là những người con Phật cao cả, xem ngai vàng như chiếc dép rách, ung dung liệng bỏ bất cứ lúc nào, một lòng tu theo Bồ Tát Hạnh không biết mõi mệt. Lương Võ Đế, ông vua với đầy uy quyền, với cao lương mỹ vị, lầu son gác tía, với bao cung phi mỹ nữ hầu hạ, nhưng Lương Võ Đế không màng đến, vẫn làm một sơn Tăng, quyết tâm đi theo con đường của chư Phật cùng Bồ Tát. Từ khi hoàng hậu Hy Thị mất, hơn bốn mươi năm ông không chạm đến nữ sắc, không gần thê thiếp. Ông sống và tu trong một khung cảnh uy quyền và dư thừa của một quân vương, thức ngon vật lạ sẵn sàng dâng đến, với bao tiên nữ giáng trần thi nhau quyến rũ, nhưng một lòng kiên định tu tập ông không bận tâm. Quả thật ông là một con người vĩ đại, xứng với câu "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". 

Là một ông vua đầu tiên của Trung Hoa tự mình ăn chay, khuyến khích việc ăn chay, thực hành tâm nguyện Từ Bi yêu thương cứu khổ muôn loài cho được viên mãn, ông không vì cung phụng cho bản thân, thật ngon khoái khẩu mà tước đi sanh mạng của sinh vật. Không những thế, ông còn dùng Sám Pháp đã sáng tác, liên tục thực hành công phu bái sám lạy Phật không ngơi nghĩ, hành trì Bồ Tát giới, Bồ Tát hạnh, Bồ Tát đạo, không một phút xao lãng, lấy phước huệ song tu làm sự nghiệp, tự mình nổ lực tu mà còn ra tay tế độ chúng sanh. Không vì, chỉ lo tu tập cho bản thân mà ông quên đi bổn phận của một ông vua, chỉ biết lo việc đạo mà quên việc đời, ông chăm sóc đời sống vật chất cho dân chúng được ấm no, mà đời sống tinh thần cũng được đầy đủ, hạnh phúc nhất đó là việc ông chọn đi theo con đường của Đức Phật, và phát huy Đạo Phật lớn mạnh ở Trung Hoa.

Cựu Tổng Thống Bill Clinton của Hoa Kỳ, đươc tổ chức quốc tế bảo vệ động vật PETA bình chọn ông Clinton "Nhân vật của năm 2010" Với lý do tôn vinh "Ông Clinton đã dùng ảnh hưởng của mình để phát huy tác dụng và ích lợi của chế độ ăn chay." Trả lời phỏng vấn đài truyền hình, ông Bill Clinton tuyên bố "Tôi sống nhờ ăn các loại đậu, rau xanh, trái cây. Mỗi buổi sáng, tôi uống phụ gia protein, nước trái cây, không uống sữa. Nhờ vậy, tôi vẫn có đủ dinh dưỡng, bảo đảm sức khoẻ". Đơn giản, là ông ăn chay vì lý do sức khoẻ và bệnh tật, cho chính bản thân ông, chứ ông đâu có theo đạo Phật để biết lợi ích của việc ăn chay trong đạo Phật. Hơn nữa ông Bill Clinton mới ăn chay khoảng một năm, đã được tuyên dương như thế, còn vua Lương Võ Đế đã ăn chay hàng mấy mươi năm, và mấy triệu người ăn chay theo ông, trãi qua mười mấy thế kỷ nay. Không một sự tuyên dương nào, sánh bằng hạnh nguyện Bồ Tát trong ông.

Theo những nhà nghiên cứu, trung bình mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng trên 27 tỷ gia cầm bị giết để dùng làm thức ăn cho con người, và mỗi người tiêu thụ khoảng trên 100 gia cầm. Nếu chúng ta làm phép tính, trên thế giới có 195 quốc gia lớn nhỏ, có gần 7 tỷ người, thì con số gia cầm bị giết hại để cung phụng cho con người thì thật là khủng khiếp. Với sự tiến bộ của khoa học ngày nay, người ta còn phân tích ra sự lợi ích của việc ăn chay giúp cho cơ thể giảm nhiều bệnh tật, tuổi thọ tăng từ 6-10 năm, so với người ăn thịt gia cầm, ăn chay còn giúp ích đến môi trường thiên nhiên, cải thiện môi trường sống của muôn vật nữa. Ta có quyền lựa chọn thức ăn cho mình, ăn chay là một sự lựa chọn bình đẳng nhất. Những sinh vật bị giết hại, vì cung phụng miếng ăn cho mình, không hề có sự lựa chọn nào cả. Nếu sinh mạng là điều đáng trân qúy, thì không một ai, nhân danh điều gì, có quyền tước đi sinh mạng của kẻ khác, dù đó là một chúng sanh bé nhỏ. Mười mấy thế kỷ trước Lương Võ Đế đi theo chân lý của Phật, đã lựa chọn ăn chay để không giết hại sinh mệnh của chúng sinh, ông không hề nhân danh một điều gì cả, chỉ thể hiện tinh thần Từ Bi một cách rốt ráo trọn vẹn, ông đã ăn chay và khuyến khích dân chúng ăn chay. Nếu tính đến hôm nay, thì ông đã cứu được biết bao sinh mạng? Công ơn của ông đối với muôn loài vô cùng to lớn vậy.

Trần Thái Tông, một con người siêu việt, một thiền sư cư sỹ nổi bật, công hạnh và tâm nguyện Bồ Tát của ông, đong đầy theo từng nhịp bước của mê ngộ, dong ruỗi trong cõi tử sinh tìm về nơi an tịnh giải thoát. Là ông vua đầu tiên của nhà Trần và cũng là người khai mở nên triều đại thuần nhất, mang lại sự hưng thịnh cho Dân Tộc. Ông có được ngai vàng từ khi còn trẻ, do sự chọn lựa của Trần Thủ Độ, không vì thế mà ông không làm tròn bổn phận, ông còn làm cho sáng lạng xứng đáng hơn. Ông cùng với dân quân nước Việt, đánh đuổi quân Nguyên xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Song song với việc bảo vệ quốc gia đem lại an bình cho dân tộc, Trần Thái Tông còn nổ lực tu tập đem ánh sáng giác ngộ chiếu rọi muôn nơi, đem từ bi yêu thương gieo rắc muôn nẽo. Tâm lượng Bồ Tát trong ông không những mang lại an lạc cho muôn dân, mà còn cho cả một triều đại nhà Trần tiếp nối theo dấu chân ông, không những ông mang lại sự lợi lạc cho một đời mà còn nhiều đời, cho một thế hệ mà còn nhiều thế hệ nữa, đến tận hôm nay và ngàn sau.

1. Lương Võ Đế

"Theo Trung quốc sử lược, vua nhà Tề là Phế Đế Bảo Quyên chơi bời vô độ, bỏ bê triều chánh, ngược đãi đại thần. Tôn thất nhà Tề tên Tiêu Diễn đang làm Thứ Sử Ung Châu, hợp binh với em của vua Tề là Bảo Dung, dấy lên ở Giang Lăng, chống lại Phế Đế Bảo Quyên. Bảo Dung tự lập làm vua, hiệu là Hòa Đế. Tiêu Diễn đánh lấy Quách Thành, phá Tầm Dương, vây Kiến Nghiệp, Hòa Đế bị giết. Tiêu Diễn vào kinh đô, buộc vua Tề nhường ngôi cho. Tiêu Diễn lên làm vua, đổi quốc hiệu là Lương, xưng là Lương Võ Đế, năm 502.

Lương Võ Đế giết hại tôn thất nhà Tề. Tôn thất nhà Tề cầu cứu nước Ngụy. Hai nước Lương và Ngụy đánh nhau, tướng của Ngụy là Hầu Cảnh chạy sang đầu Lương Võ Đế, được Lương Võ Đế trọng dụng, phong làm Hà Nam Vương. Lương Võ Đế có tài kiêm văn võ, nên đã làm nước Lương một thời hùng mạnh. Nhưng nhà vua rất hâm mộ Đạo Phật, và qui y Phật pháp vào năm 517. Năm 527, Lương Võ Đế vào chùa làm sư tu hành. Các quan yêu cầu dữ lắm, vua mới trở lại ngôi. Năm 529, vua lại vào chùa tu lần nữa. Năm 538, có sứ đưa về nước xá lợi của Phật. Vua Lương Võ Đế dạy lập đền thờ. Trong dịp nầy, vua bố thí cho dân chúng và ra lịnh ân xá các tội nhân bị cầm ngục. Nhà vua lấy của kho cho xây dựng rất nhiều chùa chiền ở khắp nơi trong nước, ủng hộ Tam bảo, được các tín đồ Phật giáo tôn nhà vua là Phật Tâm Thiên Tử. Năm 547, Lương Võ Đế lại vào chùa tu nữa."

Trong Tịnh Nghiệp Phú, Lương Võ Đế viết : "Chính trị trên thì hôn bạo, dân tình dưới thì loạn ly, đạo quân tử ẩn mặt, đường tiểu nhân lớn thêm... Người ngay thẳng phải mất đầu, tôi trung dũng bị giết chóc, sắc phục đồng nhà Tề mà đầu ai cắm thân ấy, ai cũng xưng mình là đế chúa tôn cao, dối trá quần chúng, nghi hoặc lòng người.... Tôi phải phấn lực đứng dậy san phẳng những kẻ ấy. Khi gian hùng đã trừ, dân tình hết khổ rồi thì tôi định về vườn, cuốc rau lặt cỏ. Nhưng dưới vì lòng người thúc ép, trên sợ lẽ phải, nên bất đắc dĩ phải nhận lấy ngôi báu. Thiệt như bước xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng... 

Đời có kẻ dư luận so sánh tôi với Thang, Vũ. Nhưng Thang, Vũ là Thánh, tôi là kẻ phàm phu. Tôi khi còn nhỏ vì chưa có chánh tín, chánh giải nên sát hại sanh mạng, ăn thịt ăn cá, cho đến khi lên ngôi, sơn hào hải vị đầy dẫy, nhưng trước cảnh đó, nhờ Phật pháp mà phải sa nước mắt, nghĩ rằng đây là máu thịt của cha mẹ bà con mình, giận mình chưa xả thân cúng dường họ được, bây giờ nỡ nào ngồi ăn. Nhưng chỉ tự làm, không cho ai hay. Lâu rồi có người biết, thiệt lòng khuyên tôi, nhưng điều đó đâu phải là chí trung đối với tôi. Tôi nghĩ thống trị thiên hạ không phải bản chí của tôi. Lời Đỗ Thứ nói rất đúng : Cắt lòng quăng ra giữa đất thì cũng chỉ là vài miếng thịt mà thôi. Nên ai biết được tôi không tham thiên hạ ? Chỉ người nào làm được việc mà người khác không làm nổi mới đủ điều kiện hiểu biết tâm tôi. Tôi xa lánh phòng thất, không dùng thị thiếp cung tần đã hơn 40 năm nay".

Cuộc gặp gở với Bồ Đề Đạt Ma

Đó là cuộc diện kiến ly kỳ giữa Lương Võ Đế với Bồ Đề Đạt Ma ( Bodhidharma ) một nhân vật đầy huyền thoại, một kẻ được mệnh danh siêu việt phi thường độc đáo trong lịch sử Thiền Tông, hiên ngang sừng sững lồng lộng trên bầu trời Đông Độ, thong dong quảy dép về Tây, phi hành trên ngọn thông lãnh, mấy mươi thế kỷ trôi qua vẫn không một ai có thể sánh bằng.

- Lương Võ Đế hỏi: Từ ngày tôi làm vua đến nay lập nhiều chùa, in kinh, độ tăng rất nhiều không thể kể hết, như vậy có được công đức không?

- Bồ Đề Đạt Ma đáp: Không có công đức gì cả.

- Vua hỏi: Tại sao không?

- Công đức ấy chỉ được tiểu quả ở cõi nhơn thiên mà thôi, vì còn thuộc nhân hữu lậu, tuy có mà không thực.

- Làm thế nào mới gọi là chân công đức?

Bồ Đề Đạt Ma trả lời:

- Trí thanh tịnh, thể vốn lặng nhiệm mầu, công đức như vậy không thể lấy thế pháp mà cầu được.

Vua hỏi: Thánh Đế đệ nhất nghĩa là gì?

Bồ Đề Đạt Ma: Trống rỗng, không gì gọi là Thánh (Quách nhiên vô thánh).

Vua hỏi: Vậy chứ ai đang đối diện trước mặt trẩm đây?

Bồ Đề Đạt Ma trả lời:

- Không biết (Bất thức).

Bao nhiêu công sức và phước báo in kinh độ tăng lập chùa, chỉ một chưởng lực của Bồ Đề Đạt Ma tất cả trở thành tro bụi, xoá nhoà mọi dấu vết. Với một người chưa hề tiếp cận Thiền Tông như Lương Võ Đế thì làm sao hiểu được thâm ý vượt thoát đó. Chặng đường đi đến giải thoát, phải bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ, từ hành trang đến bao phiền lụy, từ tâm thức đến những tác nghiệp, đâu đó bỗng chốc vỡ tan để cho giác ngộ thường hằng toả chiếu. Chỉ có chân thường chân lạc mới không bị thời gian đào thải, ngoài ra đều bị chi phối bởi thành trụ hoại diệt, chỉ có cái tâm chất đầy tuệ giác, tỉnh thức trên từng lối đi lại của tử sinh, tháo gở mọi dính mắc mới rốt ráo viên thành.

"Lương Võ Đế đã không vứt bỏ những gì do chính mình tạo, nên đã không trực nhận được những gì Bồ Đề Đạt Ma đáp, lời nói ấy quả như một chưởng lực siêu phàm, làm cho Lương Võ Đế chới với không biết phải bám vào đâu. Và nếu Võ Đế cảm nhận đi chăng nữa thì sự cảm nhận đó vẫn chưa là dấu hiệu của một cảm thông tương quan, có thể nói đó chỉ là một thoại ngữ và họ Lương cần phải tốn cả tâm huyết mới hoàn thành được. Nó tựa như dòng sông trong xanh sâu thăm thẳm công năng của nó có thể cuốn phăng đi tất cả cặn bã của cuộc đời và ngược lại làm cho kẻ đứng ngắm hoảng kinh, dòng tâm của Ngài sâu hun hút không một lối đi vào nếu, không bằng vào cửa ngõ đi là vào cõi chết để biến dạng thành một con nguời hoàn toàn vượt thoát ra khỏi tử sinh, và Lương Võ Đế là một con người đã không muốn chết theo nghĩa đó, như vậy dĩ nhiên họ Lương đã không tìm thấy sinh lộ cho tiến trình giác ngộ ấy nơi Ngài".

Thánh Đế đệ nhất nghĩa là gì? Lương Võ Đế mang ra hỏi tổ Đạt Ma. Có thể đây là sự tra vấn mãnh liệt nơi nội tâm của ông, một sự phân vân mù mờ chưa tìm ra được đầu mối, một sự bí lối chưa rõ đâu là nguyên nhân, đâu là tục đế chân đế, và đâu là chân lý trọn vẹn? Tất cả những điều ấy nối kết tạo thành dấu hỏi to lớn khiến Lương Võ Đế không biết phải bám vào đâu để phăng ra nguồn cội. Nó nhập nhằng giữa cái nầy với cái kia, giữa đối tượng và nhận thức, dằng co bám víu vào thành quả công đức. Khi vua Lương đặt ra câu hỏi "Thánh Đế đệ nhất nghĩa là gì"? Ông đã đi một bước lớn khá dài trong tiến trình tâm linh, nhờ đó vén lên, mở ra chân lý tối hậu của thánh đế, mà sự diêu dụng vô cùng không tận, không gì có thể so sánh đuợc, nó lặng yên tương tác trên từng hiện hữu, không có khởi đầu hay kết thúc.

Nếu không có câu hỏi ấy, thì sẽ không bao giờ có được công án tuyệt vời đầu tiên trong lịch sử Thiền tông "Trống rỗng không gì gọi là thánh" (Quách nhiên vô thánh) mà âm vang ấy chấn động trong thiền môn, tạo thành cơn dông bão quét sạch mọi trì trệ ứ đọng, trong tiến trình đi tới của tâm linh, mở ra phương trời rực sáng của trí tuệ, mà tâm thức dong ruỗi của ta không bao giờ đo lường bắt kịp. Đó là sự lặng thinh tối thắng của Niết Bàn tịch diệt, một sự rỗng không tròn đầy tuyệt vời, vượt thoát thánh phàm, năng sở tri, nhị nguyên. Thông thường chúng ta đứng ở khía cạnh chứng đắc "Quách nhiên vô thánh" của Bồ Đề Đạt Ma để suy luận nhận định, nhưng có được bản lãnh như Lương Võ Đế, dám đối đầu với Bồ Đề Đạt Ma một kẻ siêu việt, với nội tâm giác ngộ cao tột, để nêu ra câu hỏi "Thánh đế đệ nhất là gì" không phải điều dễ dàng. Mặt khác nếu không có "Thánh đế đệ nhất nghĩa là gì? ", thì sẽ không có "Quách nhiên vô thánh".

Nếu không có "Thân là cội bồ đề" (Thân thị bồ đề thọ ) của ngài Thần Tú, ắt hẳn sẽ không có "Bồ đề vốn không cội" ( Bồ đề bổn vô thọ ) của lục tổ Huệ Năng, với pháp môn đốn ngộ lừng lẫy trong thiền tông mà mấy mươi thế kỷ trôi qua, liên tục sống dậy trong từng tâm thức. Có phải Thần Tú đã châm ngòi cho sự bùng lên giác ngộ của Huệ Năng? Nếu không có Thần Tú hẳn đã không có Huệ Năng? Chính nhờ Thần Tú đẩy Huệ Năng tung mình lên cao, đạt đến đỉnh của Giác Ngộ, để rồi được ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng. Công ơn của Thần Tú vô cùng to lớn đối với Huệ Năng vây. Khi trực diện với Bồ Đề Đạt Ma, dù Lương Võ Đế có nắm được yếu chỉ, có được giác ngộ hay không, nhưng đã khiến cho Bồ Đề Đạt Ma để lại một công án vô cùng độc đáo trong Thiền tông, nhờ đó không biết bao nhiêu hành giả tìm thấy giác ngộ. Công ơn của Lương Võ Đế lớn lao không thể nghĩ bàn.

Có điều chúng ta cần ghi nhận Thiền Tông chưa có măt ở Trung Hoa lúc bấy giờ, vua Lương chưa bắt kịp tư tưởng của Bồ Đề Đạt Ma lúc đó cũng là điều dễ hiểu. Đứng về phương diện tu tập giác ngộ Lương Võ Đế vẫn có những sở ngộ riêng biệt, về khía cạnh truyền thừa mà đạo Phật ở Trung Hoa lúc bấy giờ mang lại. Hơn nữa sự giác ngộ trong mỗi chúng ta, không ai giống ai, do vì tâm cảnh, nghiệp quả, giai tầng tri thức trong mỗi con người vốn không đồng đều, nếu đứng ở khía cạnh giác ngộ do bùng vỡ của tâm thức, lập nguyện dấn thân thì càng khó khăn. Vì giác ngộ là giác ngộ chính cái tâm nầy, cái tâm thuộc về ta, chỉ có chính ta mới nhận biết. Sự đánh giá của kẻ khác không có giá trị, vì sự biến động của tâm thức thường xuyên sai sử tác động bởi vô minh, vì thế quan điểm nhận thức thuộc về riêng họ và của chính họ. 

Sự sâu thẳm của dòng tâm, sự mênh mang vô tận không cùng của giác ngộ, không một ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn, không một hình thái tướng trạng nào trông thấy đuổi bắt nắm giữ, nó vượt ra ngoài mọi phán đoán luận bàn. Ta không thể dùng cái tâm lăng xăng để thẩm định cái lặng thinh không dong ruỗi, ta không thể dùng ngôn từ để diễn tả cái vô ngôn câm nín, ta không thể dùng hữu hạn để thẩm định cái vô hạn, ta không thể dùng thế gian pháp để đo lường xuất thế gian pháp. Nó vốn khước từ tất cả mọi nhãn hiệu phù phiếm mà ta cố tình đóng khung nhét vào, xóa sạch tất cả mọi dấu vết, chỉ có sự nổ lực tỉnh thức lặng thinh gõ nhịp trên từng hiện hữu may ra mới đưa ta đến gần xúc tác.

Ta ngồi ở đây, sống thở nơi đây nhưng tâm thức không ở cùng ta, nó làm cuộc viễn du lang thang đâu đó, đến chổ nầy ghé chổ kia, tách rời sự kiểm soát, nên ta mãi làm kẻ lữ hành cô độc, đến đi trong sinh tử mà chẳng chịu dừng chân. Nếu để cho mình lang thang đếm buớc vô định như thế, thì luân hồi cứ mãi đẩy ta đến tân cùng hố thẳm, sầu đau thương nhớ, bám theo ta trên từng nẽo đường sinh tử vô tận. Đến lúc ta phải lên đường phá trừ tận diệt vô minh, để ánh sáng trí tuệ bùng lên, vượt ra ngoài ràng buộc, thong dong không bị trần lao ngăn cách, không còn lo sợ mong cầu, không đớn đau phủ ngập, an lạc trong từng đến đi, để thấy cuộc đời vẫn chỉ là cuộc đời, với đầy đủ cung bậc của sinh tử, như một chặng đường dừng chân thăm viếng, một hành trình phụng sự cho chính mình và tha nhân trong ý nghĩa vượt thắng. Để từ đó ta biết quán chiếu lẽ tất nhiên của vô thường sinh diệt, tìm cho mình một sinh lộ, một lý tưởng cao cả để hành trì tu tập phụng sự, trong sự sáng soi của tuệ giác. Sự giác ngộ phải được thể hiện ở ngay lúc nầy, cuộc đời nầy, cảnh giới nầy, chúng sanh nầy, con người nầy, tâm thức nầy, ngoài ra tất cả đều vô nghĩa, như gió thoảng mây bay, như mặt nước hồ chưa từng in bóng.

Cuộc diện kiến ấy vẫn còn gay cấn, khi năng, ngã, sở, được Lương Võ Đế nêu ra: "Vậy chứ ai đang đối diện trước mặt trẩm đây"? Bồ Đề Đạt Ma trả lời: Không biết (bất thức). Đó là sự khẳng định, và cũng là một xác quyết kinh khiếp về thực tại, khiến cho vua Lương đã chới với lại càng chới với hơn, đẩy Lương Võ Đế lên tận mây ngàn không biết phải bám vào đâu, không còn gì, có gì để mà níu kéo, không có năng tri, sở tri, đối tượng nhận thức nhân ngã, nó vượt ra ngoài những lầm chấp mời gọi. Vì lẽ tiến trình đi đến giác ngộ, tất cả mọi thứ đều phải vỡ tung đổ sập, xóa nhòa mọi biên cương dấu vết, không ràng buộc nhọc nhằn, buông bỏ tất cả không một thứ gì dính mắc, dù đó chặng đường tra vấn hay thành quả nổ lực đạt được. Còn móng ý động tâm, tức khắc phải bung xuống vực sâu tử sinh, giác ngộ là như vậy, tự đào thải và vượt ra ngoài sự đào thải của tâm thức, của thời gian lẫn không gian.

Chúng ta không thể dùng đến cái tâm lăng xăng vọng động, mê thì nhiều ngộ không được bao nhiêu, cái tâm đong đầy vô minh phiền não để so sánh ai giác ngộ hơn ai, ai chưa giác ngộ. Không thể và không bao giờ làm được, ta không thể đứng ở bên ngoài để đánh giá điều ở bên trong của người khác. Chỉ có những bậc chứng ngộ mới đủ tuệ giác năng lực nhận biết điều đó. Có những điều chúng ta cho là thiện, là phước, chỉ có trong hành động tướng trạng, nhưng trong tận cùng bản chất lại là bất thiện. Đo lường ở hành động ta dễ dàng bị chính cái tâm thức của mình lừa dối, như đã từng lừa dối ta trong vô lượng kiếp. Ta khắc ghi một điều đức Phật dạy "Ta là Phật đã thành các con là Phật sẽ thành". Mọi hành động từ thân khẩu ý, tham sân si, xuất phát và điều khiển bởi chính cái tâm của ta, hoán chuyển thay đổi cũng phải từ đó, muốn được giác ngộ cũng phải khởi đi cái tâm đó, dồn tất cả mọi công năng tu tập hướng nguyện đến cho muôn loài, đem giới định tuệ tâm hương rãi đến muôn nơi, có như thế ta mới báo đáp thâm ân của chư Phật, Bồ Tát.

Lương Hoàng Sám (Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp)

Lương Võ Đế có bà hoàng hậu là Hy Thị, tánh tình ghen tương ác độc hay hành hạ các cung phi. Vì tức giận quá bà đâm đầu xuống giếng tự tử, bị đọa làm con rắn mãng xà, thường vào cung tác quái, một hôm báo mộng cho Lương Võ Đế xin vua làm phép giải cứu. Nhà vua thỉnh vị Thánh tăng là Thích Bảo Chí (Chí Công Hoà Thượng) làm Sám chủ, soạn ra bộ Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp ( Lương Hoàng Sám) rồi nhờ chư tăng trì tụng kinh ấy cầu siêu cho bà Hy Thị, nhờ đó bà được siêu sanh.

Lương Hoàng Sám do "Các vị đại pháp sư đời Lương tập hợp biên soạn". Có lẽ Lương Võ Đế chủ biên và góp nhiều công sức trong việc biên soạn nầy, chứ không hẳn chỉ do các đại sư biên tập. "Lương Hoàng Sám nồng hậu, chân thành, bác lãm, mà những điều nầy chính là văn khí của Lương Võ Đế". "Nội dung Lương Hoàng Sám quả thật đặc biệt, đối với tất cả sám pháp sau sách ấy. Trước sách ấy, sám pháp chưa hề có. Điều đặc biệt đầu tiên là cái tên Từ Bi Đạo Tràng do mộng thấy Di Lặc Thế Tôn đặt cho. Rồi trong tất cả danh hiệu phật và Bồ Tát mà Lương Hoàng Sám lễ bái, danh hiệu Di Lặc Thế Tôn được để lên trên hết. Cuối cùng, Lương Hoàng Sám nguyện cầu được cùng Di Lặc Thế tôn sinh ra thế giới này, dự pháp hội đầu tiên của ngài. Tâm nguyện này, về nhiều phương diện quả thật đặc biệt". Trong phần: Tiểu Dẫn, dịch giả Lương Hoàng Sám, Hoà Thượng Thích Trí Quang.

Lương Võ Đế ngày đêm nổ lực hành trì công phú bái sám lạy Phật, ông đã được nhẹ nhàng thong dong. Chúng ta theo bước chân ông, ra công gắng sức sám hối lổi lầm của mình, quyết không tái phạm, để chuyển đổi nghiệp lực ngay từ bây giờ cho được an tịnh. Lương Hoàng Sám, song hành sánh bước trên từng bến bờ mê ngộ, làm thay đổi hoán chuyển tâm thức chúng ta bây giờ và tận ngàn sau.

2. Trần Thái Tông

Trần Thái Tông được kể như một vị vua anh hùng tài kiêm văn võ, ông lấy tấm lòng trung hậu của dân làm nỗi lòng sâu xa chân thật của mình, tâm ấy cùng nguyện ấy ông không đạt được ở nơi bình thường tự nhiên, mà nó vất vả xông pha, lên thác xuống gềnh vào sinh ra tử, được mài dũa tinh luyện từ nơi cuộc đời, từ trong nỗi đau nổi khổ của chúng sinh, không chỉ nỗi đau nơi thể xác, mà ông còn thể hiện bằng mọi cách để mang lại sự an lạc trong tâm hồn đến cho họ. Sự trãi nghiệm vô cùng qúi báu, với tấm lòng vì nước quên thân, vì sự giải thoát cho nhân sinh, đã tạo nên một Trần Thái Tông còn sống mãi với thời gian, thành tựu được cả hai sự nghiệp chính trị và tâm linh, đem lại an bình hạnh phúc cho dân tộc, sách Khoá Hư Lục một áng văn bất hủ lớn mãi theo nhịp thời gian của nền văn học Việt Nam, và cũng là một tác phẩm tuyệt vời vô giá của Đạo Phật Việt.

Cuộc gặp gở với Trúc Lâm Quốc Sư

Trong lời tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Trần Thái Tông thuật lại buổi găp gỡ, qua đó ta thấy Quốc sư Trúc Lâm đã khai mở cho ông hai khía cạnh, chính trị và tâm linh vô cùng lợi lạc. Về tâm linh: "Thấy Trẫm, Quốc Sư mừng rỡ. Người ung dung bảo Trẫm: Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau răm nhai hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nỗi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không? Trẫm nghe lời thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra liền thưa với thầy rằng: Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp các đế vương đời trước, hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác. 

Thầy đáp: Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng đọng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chổ, không cần đi tìm cực khổ từ bên ngoài". Về chính trị xây dựng quốc gia dân tộc, Quốc Sư Trúc Lâm khuyên vua như sau: "Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên". Thiền sư Thích Thanh Từ dịch, Thiền Sư Việt Nam, trang 221,222.

Cuộc gặp gỡ tuyệt vời, với Trúc Lâm Quốc Sư đã chuyển hướng hoàn toàn con người của Trần Thái Tông, bao nhiêu đau khổ, lụy phiền bí lối đều tan biến, như ông nói "Dập tắt ngay mọi điều vương vấn". Và cuộc gặp gỡ ấy đã để lại dấu ấn tư tưởng, hành động vô cùng to lớn, không những cho chính bản thân ông mà còn cho cả dân tộc. Ở đó ta thấy một Trần Thái Tông anh minh lỗi lạc, vì nước quên thân đem lại thịnh trị cho nhân dân, và một Trần Thái Tông với tâm linh cao vút, độ mình và độ người trong ý nghĩa cùng tuyệt của giác ngộ. Không những vậy cuộc gặp gỡ ấy còn đóng góp vào vào nền thiền học Việt Nam, những công án vô cùng ý nghĩa. "Trong núi vốn không có Phật". "Phật ở trong tâm ta". "Tâm lắng đọng, trí tuệ xuất hiện đó là Phật ". "Giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chổ". "Không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài". Chúng ta gõ thật mạnh vào trong tận cùng, hít thở thật sâu vào từng công án, muốn thấy được Phật là phải tìm ngay trong chính cái tâm của mình, ngoài tâm ra không có Phật, không có gì để ngộ. 

Đó là sự lắng đọng an lạc viên mãn trùng khắp. Tâm chính là nguồn gốc khiến ta trôi lăn trong sinh tử, cũng là mấu chốt đưa ta đến giải thoát. Ta phải làm sao để cho Phật tính ở trong ta thức dậy, nó vốn có mặt ở trong ta từ vô lượng kiếp về trước, đến vô tận kiếp về sau không hề biến đổi, không đến, không đi, không tìm, không gọị, không cầu, không mong, thường hằng trong vô tận của thời không, chẳng hề suy chuyển. Vua Trần Thái Tông đã nối tiếp kết hợp, đặt nền móng vững chắc cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang đậm dấu ấn của người Việt, mang hạnh nguyện đi vào cuộc đời để chuyển hoá khổ đau, tìm sự giác ngộ, giải thoát từ trong cuộc đời. Mấy thế kỷ đã trôi qua, tư tưởng và công hạnh của ông để lại cho hậu thế vẫn còn đậm nét, con đường mà ông đã đi đã đến vẫn theo nhịp thời gian khắc ghi trong từng tâm khảm, khiến chúng ta phải nổ lực thật nhiều mong theo kịp bước, để khổ đau hoá thành an lạc, sinh tử không còn làm hể hấn, để được thong dong trên nẽo đi về, không còn so sợ hụt hẩng.

Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi (trong sách Khoá Hư Lục)

"Bộ kinh Khoá Hư của Ngài rất phổ thông ở các chùa Việt Bắc đáng là bộ sách Thiền học đặc biệt Việt Nam vô cùng qúy giá không những cho nhà chùa mà cho cả giới tư tưởng và nghệ thuật trong nước và ngoài nước. Nó vừa là sách triết học căn bản, vừa là Thánh thơ tôn giáo. Vua Trần Thái Tông là bậc anh hùng tài kiêm văn võ, không những đã có công khai sơn phá thạch cho cả một triều đại anh dũng bậc nhất của lịch sử dân tộc, Ngài còn mở đuờng cho cả một dòng tư tưởng Thiền học riêng biệt Việt Nam phản chiếu cả một giai đoạn lịch sử dân tộc". (Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 4 trang 11)

Là một con người bình thuờng có thất tình lục dục, tham sân si như chúng ta, nhưng nhờ biết tu biết đoạn trừ nên ông được an nhiên tự tại. Niềm hối hận lớn nhất của Trần Thái Tông có lẽ trong việc phế hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, và việc sát hại tôn thất nhà Lý, dù cả hai việc nầy đều do Trần Thủ Độ chủ trương, mặc cho Thái Tông ra sức phản đối, vì quyền uy của Trần thủ Độ quá lớn, Thái Tông không cách nào làm khác hơn. Những oái ăm và nghiệp quả đó, đè nặng lên tâm tư Trần Thái Tông, không nhiều thì ít dự phần sáng tác ra Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi. Ông sáng tác ra tác phẩm ấy không chỉ cho riêng ông hay vì một cá nhân nào, mà trước là tự mình sám hối những lỗi lầm do mình tác tạo, và sau để lại cho hậu thế. Ông khẳng định "Lợi mình tức lợi người" một câu nói đầy bao dung. Nếu áp dụng vào đời sống tu tập, sám pháp nầy rất thiết thực, nhằm cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta sự gây hại thường xuyên của sáu căn, (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khiến ta nhận biết rõ ràng để không tái phạm, thành tâm phát nguyện thực hành, sẽ chuyển hóa sự tác nghiệp, chỉ có sự trãi lòng sám hối và liên tục cảnh tỉnh ta mới nổ lực thăng hoa cuộc sống, mang lại lợi lạc cho mình và tha nhân.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sinh ra sáu thức, đó cửa ngõ đi lại, phát sinh đắm nhiễm, cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến ta đắm chìm trong bể khổ trầm luân, dẫn đưa chúng ta đi dài dài đi mãi mãi vẫn chưa đi hết ba cõi sáu đường. Sự quán chiếu, một cánh bền bĩ thâm sâu, chuyển hoá sự dính mắt từ sáu căn thức ấy, trở thành sáu độ Ba La Mật, là chúng ta đang đi trên con đường thực hạnh Bồ Tát Hạnh nguyện một cách vi diệu. Trong sáu thời tu tập cho sáu căn, mỗi thời dành cho mỗi căn, từ khuya đến tối lúc nào cũng nổ lực sám hối. Chỉ có sự thành tâm trọn ý, hiệp cùng với quyết tâm không tái phạm, mới khiến ác nghiệp của ta tiêu trừ, thiện nghiệp phát sinh, khi có được thiện nghiệp thì ta mới đủ năng lực trí tuệ, đoạn trừ vô minh, tham sân si, để tiếp tục đạt đến sự an tịnh tròn đầy. Trong Lục thời Sám Hối Khoa Nghi, Trần Thái Tông chú trọng đến: Dâng hương hoa, tâu bạch, sám hối, phát nguyện, hồi hướng, kệ vô thường. Trong sự sám hối từng căn, có sự thành tâm, trãi lòng chí thành sám hối, hướng nguyện, khuyên răn, nhắc nhở. Sau khi đã sám hối mỗi căn, đều có mười hai lời phát nguyện thực hành. Nếu chúng ta biết áp dụng phương cách tu tập như ông, thì sẽ mang lại ích lợi một cách hoàn mỹ.

Chúng ta thử đọc đoạn: 

Trước hết sám hối, về tội của mắt gồm có những điều lược kể như sau:

Đệ tử chúng con, chí tâm sám hối,
Từ kiếp vô thủy cho đến ngày nay,
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm.
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
Tội mắt gồm có, các điều như sau:
Nhân ác xem kỷ, nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành:
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tiá phải vàng sai:
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang:
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn:
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô:
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần:
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên:
Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người:
Dù được làm người, lại bị mù chột.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ.
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

Đệ tử chúng con, chí tâm phát nguyện:

Một nguyện rộng mở, cặp mắt chánh kiến,
Hai nguyện lau sạch, cát bụi trần lao,
Ba nguyện nhìn hình, mắt không đắm mến,
Bốn nguyện thấy sắc, tâm chẳng lay động,
Năm nguyện quên đầu, cần kíp nhận ra,
Sáu nguyện mắt tuệ, tự tròn đầy đủ,
Bảy nguyện hiện nay, sớm tỉnh mộng trần,
Tám nguyện hằng được, sáng xưa trong suốt,
Chín nguyện khi nhìn, trừ che huyễn uế,
Mười nguyện chổ thấy, chấm dứt hoa sanh,
Nguyện thứ mười một, trông xa mây cuốn,
Và nguyện mười hai, chớp mắt nghiệp băng.

Nghi thức Sám Hối Sáu Căn, chùa Quang Nghiêm, Hoa Kỳ thực hiện, Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch.

. Tâm hạnh ấy vẫn mỗi ngày một lớn dần theo nhịp tử sinh, hạnh nguyện ấy ngày càng toả chiếu theo từng chuyển động của tâm thức, lớn theo từng nhọc nhằn đau khổ, hay vơi dần khi an lạc phủ vây. Chừng nào, lúc nào, đến được với chúng ta, chỉ có chính ta mới có câu trả lời.

Vườn Hoa Phật Giáo


Về Menu

hai vị vua hai phương trời một hạnh nguyện hai vi vua hai phuong tro i mo t ha nh nguye n tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

激安仏壇店 bat Bệnh viêm phổi nguy hiểm ra sao 实空胜解已生起 bắc vượt ปฏ จจสม 地藏經教學 au 仏壇の線香の位置 心经全文 元代 僧人 功德碑 佛教极乐世界指什么 æ³ äº æ ˆå den 簡単便利戒名授与水戸 chon 康 惡 Liên Phà năm nam phuong tien phap mon niem phat chàm can 可児 七五三 thà 七佛灭罪真言全文念诵 Cái 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 ä 人 Ä Æ Trà bao tử Trăng tuy bồ tai sao doi tu an do giao sang phat giao lai la 横柱指合掌 末法世界 æ ä½ å 每天都能聽到同行善友的善行 Một nẻo về đắc nhân tâm 楞嚴經全文翻譯白話文及全文 河南有专属的佛教 五痛五燒意思 持戒波羅蜜についての詳細な解説 CÒn 藏传佛教双修真相 Lễ tưởng niệm húy nhật Đức Ai Bạn tôi bien doi nhieu song ca