Khoai luộc ngày đông ăn ngon tuyệt
GNO - Ở miền Bắc, khoảng tháng 10 âm lịch là khoai lang bắt đầu thu hoạch trên đồng. Những thửa khoai thu hoạch muộn nhất cũng chỉ đến tháng 11. Vì trời lạnh, không khí khô bởi tiết trời hanh hao nên những củ khoai nhanh chóng héo đi qua từng ngày.
Khoai lang luộc - Ảnh: Trịnh Viết Hiệp - Diễm Hương
Khi mới đào, tất cả các giống khoai lang luộc ăn đều bở tơi như bánh khảo, nhưng khi khoai héo thì bắt đầu chuyển sang ngọt lừ, ăn đến no căng bụng rồi mà vẫn còn muốn ăn nữa.
Hồi trước, vùng ngoại thành Hà Nội quê tôi thường trồng giống khoai lang Hoàng Long, một giống khoai vỏ đỏ nhạt, ruột vàng ăn rất thơm ngon, ngọt. Mùa dỡ khoai hầu như nhà nào cũng chất đầy các củ khoai dưới gầm giường, trái bếp, trữ để ăn dần mấy tháng. Khi đó, nhà nào cũng nghèo, gạo ăn luôn thiếu nên khoai lang luôn là món ăn chính trong sinh hoạt hàng ngày của người dân quê. Có gia đình, sáng ăn khoai luộc, trưa độn cơm với khoai, và tối cũng có một nồi khoai luộc kèm bên mâm cơm để chống đói.
Ăn khoai lang luộc khi vừa đào, dẫu thơm, bở tơi nhưng nhanh ngán, và không thể ăn được nhiều. Nhưng, khi vào đông, khoai héo, luộc lên ăn ngọt lừ như đường phèn, khi dưới đáy nồi đọng một lớp mật tiết ra từ các củ khoai, có màu vàng keo quánh lại. Khoai lang càng để lâu, héo quắt đi, luộc ăn càng ngọt, càng ngon bởi khi đó lượng nước trong củ khoai bay đi nhiều rồi, chỉ còn lại tinh bột và phần đường bên trong nên khi luộc lên có vị ngọt ngào, ăn không thấy ngán.
Ngày còn ấu thơ nơi quê nhà, mỗi sáng mùa đông mẹ tôi vẫn thường dậy sớm để nấu cám cho lợn, và tiện thể mẹ luộc một nồi khoai lang thật to để cả gia đình thức dậy ăn sáng. Bố mẹ tôi ra đồng làm việc cũng chỉ có mấy củ khoai lót dạ như thế. Anh, chị em chúng tôi cắp sách tới trường cũng thường xuyên ăn sáng bằng món khoai luộc.
Tôi là người không khoái món cơm độn xéo với khoai lang, nhưng khi vào đông tôi lại cực thích món khoai lang luộc. Chẳng vậy mà thi thoảng, khi sáng mẹ thức giấc dậy là tôi lại dậy theo để phụ mẹ nhặt khoai, rửa và sắp nồi luộc. Ngồi sưởi ấm bên bếp lửa với nồi khoai đang sôi, mùi thơm lan tỏa đã thấy thèm tứa nước miếng.
Khoai
luộc thường phải lâu, cỡ gần 1 tiếng đồng hồ mới được, bởi nếu luộc không lâu,
khoai không nhừ, mật không chảy ra thì không ngon. Khi các củ khoai trong nồi
đã mềm nhũn, mẹ tôi gạn cạn nước để các củ khoai ráo nước, đáy xoong có mùi
cháy mật thơm lừng.
Khoai được dỡ ra chiếc giá, hoặc rổ tre cho nguội rồi mới ăn. Khoai lang luộc ăn nóng cũng ngon, nhưng phải là ăn khi nguội mới cảm nhận được hết vị ngọt ngào của nó. Chẳng vậy mà khi nồi khoai được dỡ ra, tôi ra sức dùng quạt nan phe phẩy cho nguội, trước khi đợi cả nhà dậy cùng ăn.
Món khoai lang luộc chảy mật, ngọt ngào và tuyệt ngon ở quê tôi luôn là món dùng để thết đãi khách, mỗi khi nhà ai đó có người ở tỉnh, ở phố về chơi.
Diễm Hương (Hà Nội)
Ngọc Sương (Tuvien.com)