Năm Meiji nguyên niên 1868 chính phủ muốn thực thi chính sách xem tôn giáo với chính trị là một chính giáo nhất trí nên đã ban hànhShinbutsu bunrirei tức sắc lệnh phân ly Thần Phật tách Thần Đạo khỏi Phật Giáo nhưng đưa Thần Đạo Shintô lên hàng
Lịch sử thiền tông Nhật Bản - Chương 5

Năm Meiji nguyên niên (1868) chính phủ muốn thực thi chính sách xem tôn giáo với chính trị là một (chính giáo nhất trí) nên đã ban hànhShinbutsu bunrirei tức sắc lệnh "phân ly Thần Phật" tách Thần Đạo khỏi Phật Giáo nhưng đưa Thần Đạo (Shintô) lên hàng tôn giáo quốc gia.

Tiết 1
MINH TRỊ DUY TÂN VÀ THIỀN

Nhật Bản mở cửa và cận đại hóa

Năm 1853, hạm đội Mỹ do Đề đốc Perry đến Nhật yêu sách mạc phủ mở cửa thông thương. Năm sau, hòa ước Nhật Mỹ được ký kết và Nhật Bản phải mở cửa. Quan tairô (đại lão, chức quản lý chính trị mạc phủ chỉ sau shôgun) là Ii Naosuke (1815-1860), không đợi sắc chiếu của thiên hoàng, trước áp lực, lại ký một hiệp ước giao thương bất bình đẳng với Mỹ năm 1856 và đàn áp đối lập (vụ "đại ngục" năm Ansei bắt giam nhiều người, 1858-59), điều này đã làm cho phái "nhương di" (chủ trương đánh đuổi người ngoại quốc) gây ra biến cố ngoài Sakuradamon (một trong những cửa thành Edo), ám sát ông ta (1860). Sau đó giữa triều đình, mạc phủ và các phiên trấn có thế lực như Satsuma, Chôshuu và Tosa, cuộc tranh luận về vận hội đất nước giữa chính sách kôbu gattai (công vũ hợp thể = thống nhất triều đình và mạc phủ) và sonnô jôi(tôn hoàng nhương di =phò vua đuổi giặc ngoài) vẫn chưa đi đến chỗ quyết định. Thế nhưng đến năm 1867 thì mạc phủ phải trao trả quyền hành cho triều đình (sử gọi là taisei hôkan hay đại chính phụng hoàn) và sau đó lệnh phục hồi quyền lực của thiên hoàng được ban bố , chính phủ mới được thành lập.

Năm 1868 bắt đầu cải niên hiệu thành Meiji (Minh Trị), thiên đô về Tôkyô, tiếp đó thi hành chính sách trung ương tập quyền với hai đạo luậthanseki hôkan (bản tịch phụng hoàn, 1869) bắt các lãnh chúa trả lại đất phong và haihan chiken (phế phiên trí huyện, 1871) bãi bỏ phiên để trấn lập những đơn vị hành chánh mới là 1 đạo (Hokkaidô), 3 phủ 72 huyện trên toàn quốc. Huyện (ken) của Nhật tương đương với tỉnh của ta. Lại đặt ra chế độ trưng binh xây dựng một quân đội cận đại (1873), lập ra ngân hàng (1872), bưu điện (1871), đường sắt (1872). Ngoài ra còn thiết lập những cơ xưởng nhà nước, đặt ra luật lệ mới và dựa trên đó mà phát triển một chính sách gọi là "phú quốc cường binh" hay nước giàu quân đội mạnh.

Song song với việc đó, để thống nhất cơ sở tư tưởng trong nước, nhà nước nhắm vào việc giáo dục dân chúng theo tư tưởng Thần Đạo, và do đó, đưa ra hai văn bản. Một là Shinbutsu bunrirei (Thần phật phân ly lệnh) hay là lệnh phân biệt thần và Phật (1868), sau là sắc chiếu về tôn giáo mang tên Taikyô senbu (Đại giáo tuyên bố, 1870). Lại đặt ra trong chính phủ một Bộ Tôn Giáo Tín Ngưỡng (Shingishô, 1872 đổi thành Kyôbushô nhưng phế bỏ năm 1875). Tất cả nhằm mục đích thần thánh hóa người lãnh đạo là thiên hoàng.

Để thực hiện mục đích "phú quốc cường binh", chính phủ Meiji chú trọng đến giáo dục. Năm 1871 đặt ra Bộ Giáo Dục, 1872, công bố học chế, 1890, ra sắc lệnh thi hành giáo dục cưỡng bách ở bậc cơ sở. Lại có nỗ lực xây dựng giáo dục cấp cao, mời các thầy ngoại quốc đến dạy để đưa kỹ thuật và học vấn Âu Mỹ vào trong nước cũng như đưa du học sinh ra nước ngoài học hỏi. Năm 1886, lập đế quốc đại học tại Đông Kinh (tiền thân của Đại Học Đông Kinh bây giờ) (đại học nhà nước) và sau đó, lập các đế quốc đại học ở Kyôto (1897), ở Sendai (1907) và ở các đô thị chính yếu.

Mặt khác, tư nhân cũng có nhiều người đứng ra lập đại học. Fukuzawa Yuukichi (1834-1901) mở Keiô Gijuku (1868, nay là Đại học Keiô), Niijima Jô ( 1843-90) mở Đại học công giáo Dôshisha (1875), Ôkuma Shigenobu (1838-1922) mở Tôkyô Senmon Gakkô (1882, nay là Đại học Waseda), Inoue Enryô (1858-1919) mở Tetsugakukan (1887, nay là Đại học Tôyô)...Sau đó lại có các trường Thánh Paulo (nay là Đại học Rikkyô, 1874) cũng là một trường thuộc hệ Công Giáo, Josei Eigakujuku (1900, sau là Đại học Tsudajuku), trường dạy tiếng Anh cho nữ sinh do bà Tsuda Umeko (1864-1929) dựng nên.

Hiểu biết của Nhật Bản về Âu Mỹ đã tăng thêm. Ý tưởng phải định ra hiến pháp và lập quốc hội, điều không thể thiếu được để trở thành một nhà nước có thể chen vai thích cánh với liệt cường, dần dần thành hình. Năm 1874, việc các ông như Itagaki Taisuke (1837-1919) viết kiến nghị về việc thành lập một quốc hội do dân bầu, đã làm cho cuộc vận động tự do dân quyền bùng lên. Chính phủ đành phải chấp nhận và năm 1889, bản Đại Nhật Bản Đế Quốc Hiến Pháp đã được công bố. Thế rồi theo đó mà quốc hội và nhà nước lập hiến đã ra đời. Thế nhưng tín ngưỡng vẫn không được hoàn toàn tự do và việc phân biệt chính trị với tôn giáo cũng không được xác nhận. Chẳng những thế mà đến năm 1890, nhà nước lại ban bố Kyôiku Chokugo (Giáo Dục Sắc Ngữ), sắc lệnh về giáo dục, bắt các nhà giáo phải dạy dỗ dân chúng biết phụng sự Thiên Hoàng, người tượng trưng cho quốc thể (thể thống quốc gia, kokutai) và đề ra nguyên tắc "chính trị với tôn giáo là một" (chính giáo nhất trí).

Vẫn vì mục đích "phú quốc cường binh", chính phủ tăng tốc phát triển kỹ nghệ.Một hệ thống tư bản chủ nghĩa dựa trên kỹ nghệ tơ sợi đã thành hình. Thế nhưng điều kiện làm việc quá hà khắc đã làm nổi dậy những cuộc vận động thợ thuyền. Nguyên lý chỉ đạo của cuộc đấu tranh này là tư tưởng xã hội chủ nghĩa càng ngày càng lan rộng và đã đưa đến phản ứng của chính quyền qua việc buộc tội và xử hình nhà tư tưởng xã hội Kôtoku Shuusui (1871-1911) với tội danh tổ chức ám sát Thiên Hoàng trong vụ án "đại nghịch". Thêm vào đó, năm 1891, xã hội lại rúng động một lần nữa với biến cố nhiễm độc ở mỏ đồng Ashio đối lập tư bản với nông dân.

Nhờ cận đại hóa, Nhật Bản trở thành hùng cường và giờ đây lại muốn dòm ngó lân bang. Họ đã đạt được nguyện vọng được chen chân vào hàng ngũ các quốc gia đế quốc thực dân. Trước tiên, sau chiến thắng trong trận Nhật Thanh (1894-95), họ chiếm Đài Loan làm thuộc địa, sau đó với chiến thắng trong trận Nhật Nga (1904-05), họ bắt Sa hoàng phải cắt nhượng phân nửa phía nam đảo Karafuto (Sakhaline).Cùng lúc, họ bắt Hàn Quốc phải thừa nhận quyền chỉ đạo, bảo hộ và giám đốc. Chuyện đó sẽ đưa tới việc thôn tính bán đảo Triều Tiên năm 1910. Thế rồi, dựa trên những thành quả đó, năm 1911, họ đã thay đổi được những điều khoản bất bình đẳng trong các hiệp ước ký với ngoại quốc trước kia.

Chính sách haibutsu kishaku hay "phế Phật hủy Thích" và Thiền

Năm Meiji nguyên niên (1868) chính phủ muốn thực thi chính sách xem tôn giáo với chính trị là một (chính giáo nhất trí) nên đã ban hànhShinbutsu bunrirei tức sắc lệnh "phân ly Thần Phật" tách Thần Đạo khỏi Phật Giáo nhưng đưa Thần Đạo (Shintô) lên hàng tôn giáo quốc gia. Nó đã tạo ra một cơn lốc bài báng Phật giáo trên toàn quốc. Phong trào đòi dẹp bỏ chùa chiền (phế tự) trong đó có các chùa Thiền lan tràn khắp nơi.

Trước tình trạng khó khăn đó, giáo đoàn Thiền Tông tức khắc liên kết với các tông phái khác làm thành những tổ chức liên minh như Chư Tông Đồng Đức Hội Minh (1868), Chư Tông Đồng Đức Hội (1868) để đưa kiến nghị lên chính phủ. Sau đó Bộ Nội Vụ (Minbushô) mới đặt ra cơ quan gọi là Tự Viện Liêu (Jiinryô, 1870) để thống nhất việc quản lý các chùa chiền. Phong trào "phế Phật hũy Thích" còn gọi là "bài Phật khí Thích" từ đó mới tạm ổn.

Thế nhưng, qua đến năm 1871, chính phủ lại ra lệnh sung công đất đai nằm ngoài khuôn viên nhà chùa làm cho kinh tế tùng lâm rơi vào cảnh khó khăn. Đặc biệt là các chùa thuộc tông Lâm Tế xưa nay vẫn sở hữu ruộng đất được mạc phủ và các phiên trấn tiến cúng theo chế độ "đất dấu son" (chu ấn địa) và đất dấu đen" (hắc ấn địa), tên gọi giữa trên con dấu đỏ (mạc phủ) hay dấu đen (phiên trấn) đóng lên trên giấy tờ chuyển nhượng. Nhiều tháp đầu (tacchuu) vì thế mà bị gộp vào chùa chính hay biến mất dạng. Trước nguy vong ấy, các giáo đoàn phải bỏ lối quản lý cũ vốn lấy các tháp đầu làm trung tâm của mọi hoạt động.Trong chế độ hành chánh mới, nhà nước chỉ cho phép giữ lại mối liên hệ của mạt tự (chùa chi nhánh) đối với bản sơn (chùa gốc) , còn như các tháp đầu thì về cơ bản từ nay chúng chỉ có địa vị ngang hàng với một mạt tự thông thường.

Tổ chức giáo đoàn và đào tạo các giáo đạo chức

Sau một thời đàn áp chính phủ lại chuyển qua chính sách lợi dụng Phật Giáo. Từ năm 1872, dưới sự hướng dẫn của Bộ Tôn Giáo, các chức thần quan (cho Thần Đạo) và tăng quan (cho Phật Giáo) gọi là kyôdôshoku (giáo đạo chức) được bổ nhiệm để thi hành một chính sách giáo dục quốc dân dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: kính thần, ái quốc, tôn quân. Lại đặt thêm chức kanchô (quản trưởng) ở mỗi tông phái để kiểm soát các những vị chức sắc này. Ban đầu Thiền Tông được coi như là một tông thôi nhưng từ năm 1874 đi thì chia ra làm hai: Lâm Tế (gồm cả Hoàng Bá) và Tào Động. Năm 1876, Hoàng Bá độc lập khỏi Lâm Tế, riêng Lâm Tế lại chia ra thành 9 chi phái.

Để đào tạo các "giáo đạo chức", các tông phái yêu cầu nhà nước thiết lập những cơ quan cho mục đích đó. Vì thế, ở Tôkyô có đặt ra Daikyôin (Đại GiáoViện), ở địa phương có các Chuukyôin (Trung Giáo Viện), ở các chùa và đền Thần Đạo có Shôkyôin (Tiểu Giáo Viện). Thế nhưng hoạt động của những cơ sở này phải đứng trên lập trường coi Thần đạo là chính, do đó, không giải thích cặn kẻ lập trường của Phật giáo cho nên giới Phật giáo lấy làm bất mãn.

Đến năm 1875 thì Bộ Tôn Giáo bị bãi bỏ. Sau đó, các tông phái phải tự mình đào tạo các "giáo đạo chức" cho nên họ phải thành lập và quản trị lấy những trường chuyên môn. Về phía các giáo đoàn Thiền Tông thì tông Lâm Tế đã mở Hannyarin (Bát Nhã Lâm, 1872, ngày nay là Đại học Hanazono ở Kyôto), tông Tào Động mở Senmon Hongakkô (Chuyên Môn Bản Học Hiệu, nay là Đại Học Komazawa ở Tôkyô). Tuy là trong việc đào tạo ở các cơ quan này, chính phủ theo dõi và chỉ đạo rất sát nhưng giáo đoàn cũng thông qua nó mà hoàn thành nhiệm vụ bức thiết là đào tạo được những tăng lữ biết thích ứng với hoàn cảnh xã hội mới.

Cơ sở giáo dục của Thiền Tông

Những cơ sở này đã nối tiếp truyền thống các học liêu thời Edo. Lý do chúng được thiết lập là vì giáo dục Phật giáo nếu chỉ ở trong phạm vi tăng đường thôi thì không thể đào tạo nhân tài biết thích ứng với những đổi thay của xã hội, và nếu như thế, không làm sao chấn hưng được tông môn. Hơn nữa, tình trạng thời đó còn cho thấy:

1) Nhiều tăng sĩ Phật giáo còn quá thiếu kiến thức phổ thông. 2) Phật giáo không đủ sức đối phó với thế lực Ki-Tô giáo, lúc đó đã hết bị cấm truyền giáo vì chính phủ không muốn đụng chạm với liệt cường. 3) Khuynh hướng giáo dục bằng nhà trường đã phổ biến trên toàn xã hội.

Sau đây xin giới thiệu những mốc thời gian đáng nhớ trong việc thành lập và phát triển hai đại học Phật giáo tiêu biểu ở Nhật:

1, Đại học Hanazono (Tông Lâm Tế):

Thành lập năm 1872 dưới tên Hannyarin (Bát Nhã Lâm) trong khuôn viên chùa Myôshinji ở Kyôto. Năm 1903, đổi thành Hanazono Gakurin (Hoa Viên Học Lâm) và chuyển về trung tâm thành phố Kyôto. Năm 1911, đổi tên thành Rinzaishuu Daigaku (Đại học tông Lâm Tế). Năm 1949, lại đổi tên thành Hanazono Daigaku (Đại học Hoa Viên). Năm 1966, ngoài bộ môn Phật giáo, dạy thêm sử học, quốc văn và công tác xã hội. Năm 2000, đào tạo đến cấp bậc tiến sĩ về ngành nghiên cứu Phật giáo.

2, Đại Học Komazawa (Tông Tào Động):

Nguồn gốc xa là học lâm (gakurin) tên Sendanrin (Chiên Đàn Lâm) của tông Tào Động mở ra trong khuôn viên Kichijooji (Cát Tường Tự) ở Surugadai thuộc Edo. Năm 1875, ở Seishôji (Thanh Tùng Tự, khu Shiba, Tôkyô), thiết lập Senmon Hongakkô (Chuyên Môn Bản Học Hiệu) để đào tạo tăng sĩ Tào Động. Năm 1904, cải danh thành Sôtô-shuu Daigaku (Đại học tông Tào Động). Năm 1913, dời về khu Komazawa bây giờ. Năm 1925, được danh hiệu Komazawa Daigaku theo qui chế đại học. Dạy các môn Phật giáo, Đông phương học, khoa học nhân văn. Năm 1949, chia làm 3 khoa: Phật (Thiền học, Văn học Phật giáo) Văn (Triết, Quốc văn, Văn chương Trung Quốc, Âu Mỹ, Sử Địa, Xã hội học), Kinh Thương. Năm 1964 thêm khoa Luật. Năm 1969 lại mở khoa Kinh Doanh.

Về sau, tông Lâm Tế chia thành 14 phái (1905), độc lập với bản sơn. Hiện nay các phái này hợp cùng 2 tông Tào Động và Hoàng Bá trở thành nền tảng của Thiền Tông Nhật Bản.

Mặt khác, tông Tào Động với nhau cũng có sự đối lập giữa Eiheiji (Vĩnh Bình Tự) và Sôjiji (Tổng Trì Tự). Năm 1872, tuy là 2 bản sơn nhưng Eiheiji được đặt vào vị trí cao hơn. Sau đó, Sôjiji vận động để độc lập nhưng không thành.Chức kanchô (quản trưởng) để kiểm soát các chùa trong tông được hai chùa thay nhau đảm nhận mỗi năm. Đến năm 1882 lại có qui chế tuyển người trụ trì cho hai chùa bằng cách công khai. Năm 1895, hai vị đứng đầu hai chùa lập được thỏa ước kết hợp với nhau làm một và dời cơ quan quản lý tông (tông vụ sảnh) về Tôkyô. Như thế giáo đoàn Tào Động với hai chùa làm bản sơn đã được thành lập. Thế nhưng chùa Sôjiji ở Noto (tỉnh Ishikawa) bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1898 nên chùa phải dời về Tsurumi (gần Yokohama, tỉnh Kanagawa). Ở Noto chỉ còn di tích một "tổ viện".

Về Lâm Tế thập tứ tông

Tháng 2 năm 1876, phái Hoàng Bá (bản sơn là Manfukuji tức Vạn Phúc Tự) độc lập với tông Lâm Tế. Sang đến tháng 9, Lâm Tế Tông bị chia ra làm 9 phái khác nhau: Các phái Tenryuuji (Thiên Long Tự), Shôtokuji (Tướng Quốc Tự), Nanzenji (Nam Thiền Tự), Kenninji (Kiến Nhân Tự), Tôfukuji (Đông Phúc Tự), Kenchôji (Kiến Trường Tự), Engakuji (Viên Giác Tự), Daitokuji (Đại Đức Tự), Myôshinji (Diệu Tâm Tự). Đến năm 1880 từ Tôfukuji lại đẻ ra phân nhánh là phái Eigenji (Vĩnh Nguyên Tự), năm 1903, từ Nanzenji lại chẻ ra phái Hôkôji (Phương Quảng Tự), năm 1905, Buttsuuji (Phật Thông Tự) tách khỏi Tenryuuji (Thiên Long Tự), cùng năm Kokutaiji (Quốc Thái Tự) độc lập với Shôkokuji. Năm 1908, Kôgakuji (Hướng Nhạc Tự) lại hoàn toàn tách ra khỏi Nanzenji sau khi đã nhận được phép (công hứa) từ năm 1890. Hiện nay thì con số chi phái tông Lâm Tế đã lên đến 14 phái. Các phân phái đẻ ra sau này thường là chùa địa phương, xa những trung tâm Phật giáo truyền thống như Kyôtô và Kamakura.

Giáo đoàn được cận đại hóa

Như đã nói, các tông phái Thiền Tông đều đặt chức kanchô (quản trưởng) để dại diện tông mình. Từ năm 1884, khi vai trò của kyôdôshoku(giáo đạo chức) bị phế bỏ thì các kanchô được ủy thác việc trông coi chế độ chư tông và pháp luật tự viện, phân chia chức vụ và danh hiệu tăng ni, phong chức và bãi chức trụ trì, chọn lựa những nhà truyền giáo và qui định những nguyên tắc về việc quản lý tài sản các chùa. Nhờ vậy mà cơ sở của chế độ giáo đoàn mà ta có ngày nay đã được thiết lập. Thế rồi từ đó họ tiến lên thành lập những thể chế và cơ cấu hành chánh cho tổ chức giáo đoàn hiện tại.

Để thích ứng với thời mới, giáo đoàn dù đã có một tổ chức mới rồi còn phải xúc tiến việc thống nhất giáo lý, nghi lễ, phương pháp tu hành...những gì đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đặc biệt đối với một việc hình thành một đại giáo đoàn vào lớn bậc nhất như tông Tào Động, đó là cả một việc làm to tát. Năm 1889, họ đã công bố Dôjô Gyôji Kihan (Động Thượng Hành Sự Qui Phạm) để qui định việc xuất gia, tu hành và những trách vụ, qua năm sau, qui chuẩn cho việc truyền đạo của người tu tại gia với tên gọi là Sôtô Kyôkai Shushôgi (Tào Động Giáo Hội Tu Chứng Nghĩa hay Tu Chứng Nghĩa) cũng đã ra đời. Trong thời gian này, từ trong phái Tào Động đã nẩy sinh ra những "tôn giáo mới" như Cứu Thế Giáo (Kuzekyô) của một người tên là Daidô Chôan (Đại Đạo Trường An, 1843-1908) vốn dựa trên tín ngưỡng Quan Âm, và Pháp Vương Giáo (Hôdôkyô) của Takada Dôken (Cao Điền Đạo Kiến, 1858-1923) nhưng cũng có thể hiểu đó là hiện tượng phải xảy ra trong quá trình tiêu chuẩn hóa một giáo đoàn.

Văn bản Động Thượng Hành Sự Qui Phạm đã có những qui định như "phải ngừng các hình thức cúng tế kỳ quái" do đó việc đốt tiền giấy vàng mã (shisen), một phong tục dân gian, đã bị đình chỉ. Mặt khác, Tu Chứng Nghĩa (Shuushôgi) trình bày lại những qui tắc mà cơ sở là Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) của Dôgen, ngày nay vẫn còn được áp dụng rộng rãi. Có điều là nó đã được viết ra cho người tu tại gia trong khi đối tượng của tác phẩm do Dôgen viết lại là những kẻ xuất gia cho nên không khỏi chứa đựng một số mâu thuẫn. Có thể nói lý do căn bản đã đưa đến việc này là trong khi Keizan Shôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn) đã đi đến chỗ thành lập một đại giáo đoàn có tính cách quần chúng thì Tông học Tào Động thời Edo (cơ sở cho Tông học Tào Động cận đại) lại đi theo một lập trường khác, nghĩa là trở về với tư tưởng của tông tổ Dôgen, để giữ được những nét đặc thù, căn cước (identity) của tông mình.

Thế nhưng tông Tào Động cũng không đi đến chỗ triệt để bắt buộc những tín đồ bình thường đi theo tư tưởng của Dôgen chép trong Tu Chứng Nghĩa. Những thể đắc về mặt tư tưởng mà Dôgen đòi hỏi một người xuất gia phải có (Dôgen vốn chủ trương phải xuất gia) làm sao những kẻ tu tại gia có thể thực hiện cho được, nếu không gọi đó là một đòi hỏi phi lý. Trong Tu Chứng Nghĩa có đặt ra 4 điều kiện: 1) sám hối diệt tội, 2) thụ giới nhập vị, 3) phát nguyện lợi sinh, 4) hành trì báo ân. Thế nhưng thực tế là khi truyền giáo, chỉ cần thỏa mãn được 2 điều kiện, đó là sám hội và thụ giới. Đương thời, hình thức "thụ giới hội" rất thịnh hành. Người có nhiệm vụ đứng đầu điều hành chuyện đó là chức kanchô nhưng chính ra "thụ giới hội" chỉ là một buổi lễ nặng về phần hình thức và mang nhiều tính cách tiêu khiển.

Bãi bỏ việc xuất gia

Không những chính sách của nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành của giáo đoàn Phật giáo mà nó còn thay đổi cả nếp sống và lối suy nghĩ của tăng ni là những thành viên cấu thành giáo đoàn ấy. Ngoài việc nhà nước bắt buộc mỗi một cá nhân trên toàn quốc đều phải có hộ tịch, từ năm 1872, theo lệnh của quan thái chính (tiền thân của nội các), việc các tăng lữ ăn thịt, lấy vợ, để tóc và có tên họ đều được nhìn nhận.

Theo đó, về mặt chế độ, người đi tu và người thế tục hoàn toàn không có gì khác nhau. Không còn có một giai tầng gọi là tăng lữ nữa. Đáng lý ra đây là một vấn đề rất lớn thế mà chính phủ không xem là như không có gì quan trọng và nhanh chóng thực thi. Rồi với thời gian, trong các tự viện, chế độ thế tập đã được thực hành một cách phổ thông (duy trường hợp các thiền tăng, nếu giữ vai trò sư gia (shige) thì về sau vẫn không được có vợ).

Lại nữa, sau khi việc lập hộ tịch đã được hoàn bị, nhà nước không còn cần áp dụng nguyên tắc terauke (mỗi đàn việt phải khai báo mình phụ thuộc vào chùa nào), do đó tự viện xem như được tách ra khỏi cơ cấu quản lý hộ khẩu. Tuy nhiên, trong bộ dân luật đem ra áp dụng vào năm 1898, chế độ về gia đình vẫn tiếp tục như cũ cho nên liên hệ giữa đàn việt và nhà chùa trên thực tế hầu như không có gì khác trước. Và cũng vì thế, ý thức của giáo đoàn Phật giáo và tăng lữ cũng không có thay đổi nào đáng kể.

Hoạt động của các thiền tăng và cư sĩ

Trong thời kỳ này, có nhiều thiền tăng hoạt động mạnh mẽ. Hơn nữa, có lẽ là hiện tượng của thời đại hay sao mà đã thấy xuất hiện những nhân vật với tầm hoạt động rộng rãi chưa từng có. Về phía tông Lâm Tế, sau khi phái Kogetsu (của Cổ Nguyệt Thiện Tài) suy vi, phái Hakuin (của Bạch Ẩn Huệ Hạc) với nhiều thiền sư cự phách, đã thu tông môn về một mối. Phái Hakuin có những người trong đám môn đệ của Gizan Zenrai (Nghi Sơn Thiện Lai) như Okkei Shuken (Việt Khê Thủ Khiêm, 1810-1884), người đã mở lại tăng đường ở chùa Myôshinji (1878) hay Imakita Kôsen (Kim Bắc Hồng Xuyên tức Hồng Xuyên Tông Ôn, 1816-1892), người đã đem tăng đường chùa Engakuji trở lại thời hưng thịnh. Cũng phải kể đến Yuri Giboku (Do Lợi Nghi Mục, 1822-1898) đã phục hồi Tenryuuji từ những đổ nát do cơn binh lửa. Từ cửa Daisetsu Shôen (Đại Chuyết Thừa Diễn) thì có Ogino Dokuon (Địch Dã Độc Viên, cũng được biết dưới tên Dokuon Shôju, Độc Viên Thừa Chu, 1819-1895), trụ trì Shôkokuji và đảm nhận chức kanchô cai quản cả Thiền Tông. Về đệ tử của Okkei Shuken (Việt Khê) thì có những người như Kazan Genko (Hòa Sơn Huyền Cổ, 1837-1917), còn đệ tử của Imakita Kôsen (Hồng Xuyên) thì đáng chú ý nhất là Shaku Sôen (Thích Tông Diễn, tức Hồng Nhạc Tông Diễn, 1859-1919), người đầu tiên đã đem Thiền truyền qua bên Hoa Kỳ.

Về hệ phái của Takushuu Kosen (Trác Châu) thì dưới trướng của Sozan Genkyo (Tô Sơn Huyền Kiều) có Razan Genma (La Sơn Nguyên Ma, 1815-1867). Người nhận pháp tự của Razan là Nakahara Zenchuu (Trung Nguyên Toàn Trung, tức Đặng Châu, 1839-1925) được biết nhiều với danh hiệu là Nantenbô (Nam Thiên Bổng). Nhân vì muốn kiểm tra thực lực của sư gia khắp nơi nên ông mới chủ trương lối tu thiền vượt ra ngoài phạm vi đạo trường, gọi là dôjô-yaburi (phá đạo trường). Lại nữa, từ hệ phái Myôji Sôseki (Diệu Hỷ Tông Tích, 1774-1848), lại xuất hiện Toyoda Dokutan (Phong Điền Độc Đam (Trạm), tức Độc Đam Tạp Tam, 1840-1917). Ông là người đã phục hưng Kokeizan Eihoji ( Hổ Khê Sơn Vĩnh Bảo Tự) và từng được bổ nhiệm làm kanchô chùa các phái Myôshinji và Nanzenji.


Shaku Sôen (Thích Tông Diễn, 1859-1919)

Shaku Sôen (Thích Tông Diễn), người đầu tiên truyền bá Zen sang Hoa Kỳ

Ông người thôn Takahama tỉnh Fukui. Tên thế tục là Hitose. Năm 12 tuổi đi tu với Okkei Shuken (Việt Khê) ở Myôshinji, sau tham học ở các chùa Kenninji, Sôgenji (Tào Nguyên Tự, tỉnh Okayama). Năm 1878, nhận pháp tự của Kitaima Kôsen (Hồng Xuyên) ở Engakuji. Sau khi tốt nghiệp đại học Keiô (lúc ấy là Keiô Gijuku) năm 1887, ông được Fukuzawa Yuukichi, viện trưởng Keiô, và Yamaoka Tesshuu (Sơn Cương Thiết Chu, 1836-1888) khuyến khích, mới sang Tích Lan và Ấn Độ du học. Khi về lại Nhật, ông trụ trì Hôrinji (Bảo Lâm Tự) ở tỉnh Kanagawa (gồm cả Yokohama bây giờ). Năm 1892, lúc 34 tuổi, ông sang trụ trì Engakuji và được bổ vào chức kanchô (quản trưởng) cho những chùa thuộc hệ phái ấy. Năm sau, Fukuzawa Yuukichi lại giúp đỡ tài chánh cho ông sang Chicago dự đại hội tôn giáo quốc tế. Ông nhân đấy chu du các nước trước khi theo đường Ấn Độ trở về quê hương. Năm 1902, lần đầu tiên ông hướng dẫn người Mỹ tham thiền ở Engakuji (Kamakura). Năm 1903, ông lại kiêm nhiệm chức kanchô của phái Kenchôji (cũng ở Kamakura). Năm 1905, ông từ chức kanchô để về trụ trì Tôkeiji (Đông Khánh Tự) cùng tỉnh. Cùng năm đó, ông lại sang Hoa Kỳ và lần này, đem theo một người thông dịch viên, không ai khác hơn là ...Suzuki Daisetsu (Linh Mộc Đại Chuyết, 1870-1966) để giúp chỉ đạo người Mỹ tu thiền. Năm 1914, ông trở thành viện trưởng Viện Đại Học Lâm Tế, qua năm 1916, lại trở về làm kanchô các chùa phái Engakuji. Tác phẩm để lại là Shaku Sôen Zenshuu (Thích Tông Diễn Toàn Tập) gồm 10 quyển. Nhà tư tưởng Tokutomi Sôhô (Đức Phú Tô Phong, 1863-1957) và các bạn có nhờ ông làm giảng sư cho nhóm nghiên cứu mang tên là Hekigankai (Bích Nham Hội) lúc hội mới thành lập. Sau này sẽ có những tên tuổi khác như văn hào Natsume Sôseki (Hạ Mục Sấu Thạch, 1867-1916) và chính trị gia Kôno Hironaka (Hà Dã Quảng Trung, 1849-1923) cùng đến tham gia giảng dạy với ông. Phải nhấn mạnh một điều là ảnh hưởng của nhóm này để lại rất là to tát.

Mặt khác, về phía phái Tào Động, hai nhân vật đáng chú ý hơn cả là Hara Tanzan (Nguyên, Đàn Sơn, 1819-92) và Nishiari Bokuzan (Tây Hữu Mục Sơn, 1821-1910). Hara trước tiên được mời đến dạy về Phật giáo ở Đại Học Đế Quốc Đông Kinh, tiền thân của Đại Học Đông Kinh bây giờ. Cái đặc sắc của Hara là ông chủ trương Phật giáo mà mình dạy là một môn tâm lý học (tâm tính tâm lý học) chứ không phải là một tôn giáo, rồi giải thích nó theo "chủ tri chủ nghĩa" (intellectualism) nghĩa là phải trình bày thế nào cho hợp lý. Ông là nhân vật đã xây dựng cho một môn học mà ngày nay ta gọi là Phật giáo học. Còn Nishiari Bokuzan (Mục Sơn) thì được biết tiếng như một Genzôka (Nhãn Tạng-gia) tức học giả chuyên trị tác phẩm Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng). Ông đã để lại 3 quyển hướng dẫn học Chính Pháp Nhãn Tạng (Shôbô Genzô Keiteki = Chính Pháp Nhãn Tạng Khải Địch[1], 1930). Các môn đệ của ông như Akino Kôdô (Thu Dã, Hiếu Đạo, 1858-1934), Oka Sôtan (Khâu Tông Đàm, 1860-1921) và Kishizawa Ian (Ngạn Trạch Duy An, 1865-1955) nối tiếp việc làm của ông nhưng như Yasutani Hakuun (An Cốc Bạch Vân, 1885-1973) đã phê bình khá nghiêm khắc là lời giải thích của thầy trò ông hãy còn quá hời hợt.

Thời đại này vốn nhiều biến động xã hội, cho nên người ta muốn tìm về sự yên tĩnh trong tâm hồn. Hơn nữa, cũng có hiện tượng là các thiền sư Imakita Kôsen (Hồng Xuyên) và Yuri Giboku (Nghi Mục) đã tích cực chỉ đạo những người tu tại gia. Tất cả đưa đến việc danh sĩ các giới đua nhau tham thiền và hoạt động của các cư sĩ đã gây được sự chú ý. Những cư sĩ này đã tích cực đóng vai trò cư sĩ của mình qua những hoạt động đa dạng như lập hội, xuất bản, giáo dục...bày tỏ mối quan tâm của họ đến xã hội.

Trong số những cư sĩ theo học Kôsen và Giboku phải kể đến người đã đóng vai trò trung gian giữa quan quân triều đình và mạc phủ (để giải quyết sự xung đột giữa hai bên) là kiếm khách Yamaoka Tesshu (Sơn Cương Thiết Chu, 1836-1888) và người đã lập ra Hộ Quốc Hiệp Hội (sau đổi tên thành Myôdô Kyôkai hay Minh Đạo Hiệp Hội) với mục đích truyền giáo là Torio Tokuan (Điểu Vĩ Đắc Am, 1847-1905). Nghệ sĩrakugo (kể chuyện tếu chuyên nghiệp) tài ba San.yuutei Enchô (Tam Du Đình Viên Triều, 1839-1900) cũng từng tham thiền với Giboku và được tặng danh hiệu Muzetsu Koji (Vô Thiệt Cư Sĩ) ý nói ông là kẻ đã đạt được trình độ diễn tả bên trên cả ngôn ngữ. Về phía tông Tào Động, người có danh tiếng hơn cả là Ôuchi Seiran (Đại Nội Thanh Loan, 1845-1918), một đệ tử của Hara Tanzan (Nguyên Đàn Sơn, đã nhắc đến ở trên). Seiran đã đóng góp nhiều trong việc biên tập Tu Chứng Nghĩa (Shuushôgi) trong quá trình thành lập một đại đoàn thể có tính chất "tôn hoàng phụng Phật" (sonnô hôbutsu) để rồi triển khai nó thành phong trào "ái quốc hộ Pháp" nghĩa là kết hợp tôn giáo với chính trị.

Trong bầu không khí đó, đã có những tạp chí lấy tư tưởng Thiền Tông làm cơ sở đã ra mắt. Tiêu biểu là Zenshuu (Thiền Tông, bắt đầu vào năm 1894), Zengaku (Thiền Học, sau đổi tên thành Thiền, từ năm 1895), Wayuushi (Hòa Dung Chí, bắt đầu từ 1897, sau đổi tên thành Thiền Học Tạp Chí rồi Đệ Nhất Nghĩa...), Zendô (Thiền Đạo, bắt đầu từ 1910).

Thiền Tông Nhật Bản (Zen) tiến ra thế giới

Thời đại này cũng là giai đoạn mà Phật Giáo đồ Nhật Bản bắt đầu nhìn ra thế giới. Bối cảnh của việc đó là ảnh hưởng của tư tưởng khai sáng đầu thời Meiji và sự phát triển của Nhật về mặt đối ngoại. Nó dẫn tới hai kết quả: một là Phật giáo đồ xuất dương thăm viếng các nước Âu Mỹ, hai là họ mở rộng hoạt động truyền giáo qua các thuộc địa của Nhật.

Các tăng sĩ tông Lâm Tế như Shaku Sôen (Thích Tông Diễn) đã nhiều lần ra nước ngoài (năm 1887 sang Tích Lan và Ấn Độ, năm 1893 và 1905 hai lần sang Mỹ). Theo lời khuyên của ông, Suzuki Daisetsu cũng đã qua Mỹ du học suốt khoảng thời gian 1897-1909. Về phần phái Tào Động thì kể từ năm 1901, họ đã gữi rất nhiều học tăng và nhà truyền giáo sang Mỹ, Âu Châu và Ấn Độ du học với danh nghĩa "Tào Động tông hải ngoại lưu học sinh". Trong số tăng sĩ du học, có những nhân vật như Ômori Zenkai (Đại Sâm Thiền Giới, 1871-1947), Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc Khoái Thiên, 1867-1937), Ui Hakuju (Vũ Tỉnh Bá Thọ, 1882-1963). Khi về nước, du học sinh đã mang theo phương pháp luận Âu Mỹ và nhân đó, khi nghiên cứu về Thiền, họ nhìn được thế đứng của nó trong một khung cảnh học thuật rộng lớn hơn, bao gồm cả Phật giáo học, tôn giáo học, lịch sử học lẫn triết học. Ngoài ra những nhà trí thức Nhật Bản thấu đáo văn minh Tây Phương hãy còn biết vượt lên trên giới hạn này để chỉ ngưng tụ cái nhìn của họ vào Thiền mà thôi. Nếu nhìn vào tác phẩm như Mon (Cánh Cổng) của văn hào Natsume Sôseki (1867-1916) hay Zen no Kenkyuu (Nghiên cứu về điều Thiện) của triết gia Nishida Kitarô (1870-1945), ta sẽ nhận ra rằng Thiền đã vượt qua khỏi ngưỡng cửa Phật Giáo để hòa nhập vào văn học và triết học.

Cùng với sự phát triển của Nhật Bản về mặt đối ngoại, cũng giống như các tông phái Phật giáo khác, Thiền Tông - chủ yếu là các đại giáo đoàn như chùa phái Myôshinji tông Lâm Tế và các chùa tông Tào Động - đã tích cực hoạt động truyền giáo ở nước ngoài. Địa bàn chủ yếu của họ là Hoa Kỳ và các thuộc địa của Nhật, nơi có nhiều người Nhật di dân đến. Dân bản xứ cũng trở thành đối tượng truyền giáo và kết quả là Thiền Tông đã tham dự một phần nào vào việc củng cố chính sách thuộc địa của Nhật. Ví dụ như vào khoảng năm 1914, tông Tào Động đã có 20 cơ sở trên đất Trung Quốc và 24 cơ sở trên đất Triều Tiên, tổng cộng 44 cơ sở truyền giáo.

Việc truyền đạo cho người Mỹ đã bắt đầu từ năm 1893, nhân dịp Shaku Sôen sang Chicago tham gia Đại Hội Tôn Giáo Quốc Tế. Cho đến đầu thời Shôwa (1926), các môn đệ của Sôen (Tông Diễn) như Suzuki Daisetsu (1870-1966), Shaku Sôkatsu (Thích Tông Hoạt, 1872-1961, lưu lại Mỹ 1906-1909), Yoshikawa Gyôdô (Cát Xuyên Hiểu Đạo, 1872-1961, lưu lại Mỹ 1931-1932), Sasaki Shigetsu (Tá Tá Mộc Chỉ Nguyệt, 1882-1944, môn đệ của Sôkatsu, qua Mỹ năm 1905) ... đã nối tiếp nhau đảm nhận công việc ấy.

Giáo đoàn Thiền Tông đứng trước chính sách của nhà nước

Thời kỳ này cũng là lúc trong giới Phật giáo nổi lên rầm rộ một cuộc vận động để đạo Phật được công nhận. Bởi vì các tín đồ muốn nhà nước phải bảo vệ đạo Phật. Cuộc vận động này đã tạo điều kiện để một dự án luật đầu tiên về tôn giáo được đưa ra trước quốc hội Nhật vào năm 1899. Dự án luật này nhằm thay đổi những điều khoản trong những hiệp ước bất bình đẳng với ngoại quốc để từ nay Ki-Tô giáo và Phật giáo cũng như các tôn giáo bản địa khác được đối xử một cách bình đẳng. Tinh thần dự án luật này cho ta thấy người Phật tử có sự cảnh giác rất cao về Ki-Tô giáo nhưng thời nó cũng chứng tỏ rằng giáo đoàn không thoát thoát ra nổi khuôn khổ của một hình thức "Phật giáo ái quốc chủ nghĩa" đã gắn bó với nhà nước tự ngày xưa và vẫn còn tiếp tục.

Tính cách của giáo đoàn Phật giáo là như thế cho nên không lạ gì mà trong hai trận chiến tranh Nhật Thanh và Nhật Nga, đã có nhiều nhà sư được gửi ra chiến trường (để cổ võ tinh thần binh sĩ và chấp hành Phật sự khi có lính tử trận). Giáo đoàn còn mỹ hóa cuộc chiến, vận động cung cấp vật tư, nói chung là tích cực hiệp lực với chính phủ, đóng vai trò người lính tiền khu cho quyền lực quốc gia. Kể từ khi "vụ án đại nghịch"[2] bùng nổ, để phòng ngừa những tư tưởng mà họ cho là nguy hiểm, Thiền Tông đã tích cực tham gia vào hoạt động của một ủy ban liên tôn tên là Sankyô Kaidô (Tam Giáo Hội Đồng, 1912) qui tụ các giáo phái Thần Đạo, Phật Giáo và Ki-Tô Giáo mong lợi dụng họ. Những hoạt động như thế này là một cơ hội tuyệt hảo để Phật giáo chứng minh rằng mình đã phục vụ cho quốc ích.

Lý do giáo đoàn Thiền Tông hiệp lực tích cực trong Hội đồng tôn giáo nói trên vào thời điểm "vụ án đại nghịch" còn vì một số tăng sĩ Lâm Tế và Tào Động bị vướng vào vụ án ấy. Uchiyama Kuudô (Nội Sơn Ngu Đường, 1874-1911), một vị tăng Tào Động đã bị xử cực hình vì bị kết tội là người theo xã hội chủ nghĩa. Chính ra ông chỉ hành động tự nguyện như một tăng sĩ muốn giúp đỡ người nghèo. Về điểm này thì việc làm của ông còn có tình người và tính cách tôn giáo hơn cả những vị đang giữ địa vị trung tâm trong giáo đoàn. Ngoài ra, Inoue Shuten (Tỉnh Thượng, Tú Thiên, 1880-1945), một tăng sĩ Tào Động bị tình nghi có dính trong vụ án này nhưng chính ra ông chỉ được biết là vì có lập trường chống chiến tranh và đã viết những bài trong tạp chí Tân Phật Giáo để phê phán chủ trương trung quân ái quốc mà thôi. 

Tiết 2
CHỦ NGHĨA QUÂN PHIỆT VÀ THIỀN

Trận thế chiến thứ nhất (1914-1918) và cuộc đại khủng hoảng kinh tế (1929)

Năm 1914, biến cố ở Sarajevo đã châm ngòi lửa chiến tranh, cuốn cả Âu Châu vào thảm họa của trận thế chiến thứ nhất (1914-1918). Vì đã ký kết một hiệp ước liên minh với Anh, Nhật cũng nhảy vào vòng chiến và thu hết những quyền lợi mà Đức từng có ở châu Á. Thế rồi, trong khi mọi cặp mắt đổ vào châu Âu, Nhật thừa thế đòi hỏi Trung Hoa Dân Quốc, lúc ấy là một nước cộng hòa non trẻ, phải thỏa mãn 20 điều đòi hỏi của họ (nhị thập cá điều yêu cầu) và mưu toan bành trướng thế lực trên đại lục (1915).

Nhờ có cuộc đại chiến bên trời Tây mà Nhật Bản hầu như độc chiếm thị trường Trung Quốc và có những hoạt động mạnh mẽ chưa từng thấy trong mọi lãnh vực từ đóng tàu, vận tải đường biển, điện lực, luyện thép, kỹ nghệ hóa học, kỹ nghệ tơ sợi. Đặc biệt họ phát triển kỷ nghệ nặng về hóa học, gia tăng con số công nhân và tập trung dân chúng về các vùng đô thị.Nhờ sự phồn vinh đó mà từ một nước đi vay nợ, Nhật trở thành một nước chủ nợ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật lại trở thành nhân viên thường nhiệm của hội đồng hội Quốc Liên và xác định được vị trí quan trọng của mình trên trường ngoại giao. Thế nhưng dần dần liệt cường bắt đầu có thái độ cảnh giác đối với Nhật, nhân vì Trung Quốc lên tiếng phản kháng nên Nhật Bản cũng phải chuyển qua một thái độ ngoại giao nhân nhượng và cắt bớt quân bị.

Giữa khi Âu Châu đang ở giữa thế chiến thứ hai, nhờ hoàn cảnh kinh tế sung túc, tư tưởng chủ nghĩa dân chủ phổ biến khắp thế giới. Ngay ở Nhật cũng có những nhà tư tưởng thuyết vè chủ nghĩa dân chủ như Yoshino Sakuzô (Cát Dã Tác Tạo, 1878-1933)[3] hay Minobe Tatsukichi (Mỹ Nùng Bộ, Đạt Cát, 1873-1948)[4], người đề xướng thuyết xem thiên hoàng chỉ có một chức vụ tượng trưng. Nhờ sự phát triển của ngành báo chí, đòi hỏi tự do ngôn luận được bùng lên, cao trào muốn thực hiện phổ thông đầu phiếu và chính trị nghị hội lan rộng. Đến năm 1918 thì thể chế chính trị chính đảng đã bắt đầu với Hara Takashi[5] (Nguyên Kính, 1856-1921).

Nhiều cuộc vận động có tính cách xã hội như của giới lao động, nông dân, phụ nữ, giải phóng burakumin (tức thành phần làm những nghề hạ tiện bị khinh miệt trong xã hội) cũng như những cuộc vận động xã hội chủ nghĩa và quốc gia chủ nghĩa xảy ra liến tiếp. Đến năm 1922, Đảng Cộng Sản Nhật dựa trên tư tưởng Mác-xít đã được thành lập, và từ đó hệ tư tưởng này đã ảnh hưởng đến các lãnh vực như học vấn, văn hóa và xã hội.

Thế nhưng kể từ những năm 1920 trở đi, kinh tế Nhật Bản đang hồi hưng thịnh bỗng đổi chiều và rơi vào tình cảnh đình trệ. Trước tiên, năm 1920, lần đầu tiên từ sau thế chiến, thị trường chứng khoán trụt giá không kìm nỗi, đến năm 1927 thêm cuộc khủng hoảng tài chính rồi đến năm 1929, cuộc sụp đổ kinh tế ở Mỹ đã lan đến Nhật, gây ra cuộc khủng hoảng đời Shôwa. Trong lúc những cuộc khủng hoảng không ngừng tiếp diễn, thì các xí nghiệp bị lôi kéo bởi khuynh hướng độc chiếm và tập trung. Các tập đoàn gọi là "tứ đại tài phiệt" (Mitsui, Mitsubishi, Yasuda và Sumitomo) và "ngũ đại ngân hàng" (Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda, Daiichi) thành hình. Lại nữa, cuộc động đất lớn vùng Kantô tức vùng chung quanh Tôkyô (Kantô daishinsai, 1923) còn làm cho tình hình xã hội đã bất an còn bất an thêm.

Trong hoàn cảnh như thế, năm 1925, cuộc phổ thông đầu phiếu đã được thực hiện song song với việc ban hành một đạo luật duy trì trị an. Điều đó có nghĩa là sự kiểm soát các phần tử xã hội, cộng sản và vô chính phủ sẽ chặt chẽ hơn trước. Nền dân chủ gọi là "dân chủ thời Taishô" ( niên hiệu từ 1912-26) đã bị kềm kẹp.

Năm 1931, quân đoàn Kantô (Kantôgun)[6] phê phán chính sách hòa hoản của chính phủ. Họ còn tỏ ra coi thường nội các và dàn cảnh biến cố Mãn Châu (Manshuu jihen). Năm 1932, quân Quan Đông đã đưa vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Tuyên Thống Đế Phổ Nghi (1906-1967) lên ngôi và lập ra Mãn Châu Quốc. Chính phủ Inukai Tsuyoshi (Khuyễn Dưỡng Nghị) bị lật đổ trong biến cố ngày 15 tháng 5[7]làm cho chính trị chính đảng đi đến hồi chung cuộc.Nhân vì Hội Quốc Liên không nhìn nhận Mãn Châu Quốc, Nhật bèn rút ra khỏi tổ chức này và từ đó càng bị cô lập trên trường quốc tế.

Năm 1936, nổ ra biến cố Ni.niroku[8]. Cùng năm đó, hiệp ước phòng vệ hổ tương Nhật-Đức đã được ký kết (qua năm sau minh ước 3 nước Nhật Đức Ý lại được phê chuẩn, sự kết hợp của 3 nước phe trục càng thêm gắn bó. Năm 1937, biến cố ở Lư Câu Kiều (ngoại ô phía nam Bắc Kinh) làm cho cuộc chiến tranh Nhật Trung bùng nổ. Năm 1937, lệnh tổng động viên toàn quốc được ban bố. Từ đó chính phủ ban hành nhiều đạo luật để ép giá cả, hạn chế việc cung cấp gạo, tổ chức những đoàn thể yêu nước gọi là "báo quốc hội" trong hãng xưởng.

Năm 1939, quân Đức tấn công Ba Lan, khơi ngòi lửa chiến tranh ở Âu Châu. Năm 1941, Nhật tuyên chiến với Mỹ và chiến cuộc bùng nổ trên toàn thế giới (đệ nhị thế chiến). Lúc đầu 3 nước phe Trục chiếm thượng phong nhưng lần hồi tình huống đã đảo ngược, thành ra bất lợi cho họ. Năm 1943, Ý đầu hàng, năm 1945, đến lượt Đức và Nhật hàng phục, quân Đồng Minh giành được thắng lợi.

Từ khi xảy ra biến cố Mãn Châu (cuộc đánh bom ở Liễu Điều Hồ, 1931), quyền phát ngôn của giới quân sự Nhật Bản tăng mạnh. Họ thần thánh hóa thiên hoàng, đả phá chủ nghĩa tư bản, chính trị chính đảng cũng như lập trường ngoại giao hòa hoản với thế giới. Thế rồi, giữa cao trào chủ nghĩa quốc gia cực đoan, họ siết chặt mọi quyền tự do dân chủ như ngôn luận, học vấn, tư tưởng. Đối tượng của sự đàn áp này không những trong vòng những ai có khuynh hướng cộng sản và xã hội mà lan rộng ra cả những thành phần ủng hộ chế độ tự do nữa. Liên tiếp xảy ra vụ Takikawa (1933)[9], vụ "Thiên Hoàng chỉ đóng vai trò tượng trưng" (1935)[10], vụ Yanaihara (1937)[11], vụ "Mặt trận nhân dân" (1938)[12], vụ Kawai Eijirô (1937-38)[13] cũng như việc cấm phát hành tác phẩm của Tsuda Sôkichi (1873-1961)[14] vào năm 1940. Nhân đó mà trong nhóm những người theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản không chịu nổi áp lực đã thấy xuất hiện những phần tử "hồi chánh" (tenkô =chuyển hướng) để tiến lại gần với chủ nghĩa quốc gia cực đoan.

Thiền trong thời kỳ dân chủ năm Taishô (1912-1926)

Quảng thời gian ngắn ngủi này là lúc Nhật Bản hưởng được tự do dân chủ có tên là Taishô demokurashi hay thời kỳ dân chủ đời Thiên Hoàng Taishô. Không khí dân chủ đã giúp cho học vấn được phát triển, kể cả Phật giáo học, bắt đầu với việc biên soạn, chú thích tư liệu cơ sở và in ấn kinh sách. Những sách vở được in từ cuối thời Meiji, đáng kể hơn cả có Đại Nhật Bản Hiệu Đính Đại Tạng Kinh (gọi là Tạng Kinh Manji[15], 1902-1905), Đại Nhật Bản Hiệu Đính Tục Tạng Kinh (Tục Tạng Manji), Đại Nhật Bản Phật Giáo Toàn Thư (1912-1922), Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (Đại Chính Tạng, 1924-34), Vọng Nguyệt Phật Giáo Đại Toàn Thư (1906-1937), Chức Điền Phật Giáo Đại Toàn Thư (1917)[16]... Sau giai đoạn đó, Ono Genmyô (Tiểu Dã Huyền Diệu, 1883-1939) đã bắt đầu xuất bản một phần bộ Phật Thư Giải Thuyết Đại Từ Điển (1933-78). Cũng đừng quên rằng trước các bộ sách trên, đã có bộ Đại Nhật Bản Hiệu Đính Súc Khắc Đại Tạng Kinh (Súc Chế Tạng Kinh) đã ra đời giữa năm 1880 và 1885. Đáng ghi chú hơn nữa là việc biên tập các bộ sách này không chỉ giới hạn với một lập trường tông phái nào đó mà mở rộng tầm nhìn ra toàn thể Phật giáo. Đặc tính đó ta còn có thể nhìn thấy qua việc thành lập một hiệp hội thống nhất mang tên Nhật Bản Phật Giáo Học Hội năm 1928.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các tông phái không phát hành song song thư tịch của họ. Liên quan đến Thiền Tông, chúng ta nhận thấy có các bộ sách lớn và tiêu biểu như Quốc Dịch Thiền Tông Tùng Thư (1919-1921)[17] của tổ chức Quốc Dịch Thiền Tông Tùng Thư San Hành Hội, Quốc Dịch Thiền Học Đại Thành (1929-30) của Quốc Dịch Thiền Học Đại Thành Biên Soạn Hội, Tào Động Tông Toàn Thư (1929-1938) của Tào Động Tông San Hành Hội, Trạch Am Hòa Thượng Toàn Tập (1928-30) của Trạch Am Hòa Thượng (Takuan) Hòa Thượng Toàn Tập Biên Tập Hội, Thiền Tông Mục Lục (1928) của thư viện trường Đại Học Komazawa. Công việc xuất bản này nhắm mục đích không gì khác hơn là phổ biến tư tưởng Thiền cho đông đảo đại chúng.

Về những thành quả nghiên cứu về mặt học vấn đạt được trong giai đoạn này, thì có những nghiên cứu lịch sử Phật giáo như một tổng thể của nhóm Murakami Senshô (Thôn Thượng Chuyên Tinh, 1851-1929), người chủ trương tạp chí Phật Giáo Sử Lâm (1894) hay nghiên cứu về Thiền Tông Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản (1919) của Kohô Chisan (Cô Phong Trí Xán, 1879-1967), Thiền Học Tư Tưởng Sử (1923-25) của Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc). Hơn nữa, về lĩnh vực văn học thì hai quyển Ngũ Sơn Văn Học Tiểu Sử (1906) và Ngũ Sơn Văn Học Toàn Tập (1906-1915) của Kamimura Kankô (Thượng Thôn Quang Quan, 1873-1926) cũng là hai tác phẩm đánh dấu được thời đại này. Khi học vấn hưng thịnh như vậy sẽ thôi thúc các tạp chí chuyên môn ra đời, cho đến ngày nay nhiều tạp chí vẫn còn tiếp tục hoạt động như tờ Phật Giáo Nghiên Cứu (bắt đầu từ 1925) , Kỷ Yếu Nghiên Cứu của Đại Học Komazawa (bắt đầu từ 1931, tuy có đổi tên). Ngoài ra tờ Đại Thừa Thiền mà độc giả là tầng lớp đại chúng, ra đời năm 1924 và còn được tiếp tục phát hành mãi đến bây giờ.

Một khi đã có sự tiến triển trong học vấn, sẽ không thể tránh những vấn đề đẻ ra từ sự khác biệt giữa tông học xưa nay vẫn theo lề lối cũ và nặng màu sắc tín ngưỡng, và học vấn sử dụng phương pháp luận du nhập từ phương Tây. Do đó, trong giới Phật giáo, chủ yếu là tông Tào Động, mọi người đổ xô tìm hiểu xem nên dùng phương pháp luận nào cho việc nghiên cứu tư tưởng. Tuy cuối đời Meiji đã có tác phẩm Phê Phán Giải Thích Thiền Học Tân Luận (1907) của thiền sư Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc) nhưng thời này lại có thêm "Phương pháp và tư liệu cơ sở để nghiên cứu Thiền học" (1918) của Okada Gihô (Cương Điền Nghi Pháp, 1882-1961), "Nhân bàn về việc nghiên cứu Phật giáo trên quan điểm tôn giáo học" đăng trong Niên báo của Phật Giáo Học Hội vào tháng 2/1930) của Etô Sokuô (Vệ Đằng, Tức Ứng, 1888-1958) nữa. Theo ý kiến của họ, những công trình nghiên cứu về Phật giáo từ đó đã sử dụng các kiến thức của sử học, đạo đức học, tâm lý học, triết học và tôn giáo học. Điều này cho ta thấy giới nghiên cứu Phật giáo như đã đáp lời kêu gọi của những nhà trí thức có quan tâm đến Thiền học mà đại biểu làNishida Kitarô và Suzuki Daisetsu.

Thế nhưng việc tu hành dựa lên những kiến thức học vấn như thế, có thể giúp cho người đi tu tìm được sự giác ngộ như lối tu có xưa nay hay không? Đó vẫn còn nghi vấn rất lớn. Giữa một học giả như Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc, Khoái Thiên) và một nhà thực hành như Harada Sogaku (Nguyên Điền, Tổ Nhạc, 1871-1961) đã có những điều không đồng ý. Đó là nguyên nhân khiến cho khi Nukariya mất, phái Tào Động chia thành hai phe và tranh cãi với nhau trong nhiều năm (cuộc tranh luận "tin thế nào cho đúng" hay Chính Tín Luận Tranh, 1928-1934).

Vì là người cùng chung giáo đoàn, Okada và Etô muốn đứng ra để hòa giải hai cách nhìn đối lập đó nhưng việc đã làm cho sự quan tâm đến tư tưởng Thiền trở thành cao trào không do hai ông mà do học giả Watsuji Tetsurô (Hòa "Thập"[18] Triết Lang, 1889-1960) một người thứ ba, nói về một đề tài không dính dáng gì đến giáo đoàn. Watsuji đã viết quyển sách nhan đề Sa Môn Đạo Nguyên (trong bộ Nhật Bản Tinh Thần Sử Nghiên Cứu, 1926). Tác giả đã chứng minh rằng một người như Dôgen, chẳng qua là ông tổ của một tông phái (Tào Động Nhật Bản) thế mà đã có ảnh hưởng bao trùm lên toàn bộ lịch sử tư tưởng Nhật Bản. Từ đó, phong trào nghiên cứu về Dôgen đã trở nên rầm rộ.

Cũng trong thời đại này, người trên thực tế hoạt động nhiều nhất có lẽ là tăng tông Lâm Tế Yamamoto Genbô (Sơn Bản, Huyền Phong, 1866-1961). Ông trải qua một thơ ấu quá khổ đau nên hầu như mù chữ. Từ cuộc sống như thế, nhân cách của ông có sức cảm hóa lòng người cho nên dù mang tư tưởng nào hay thuộc hạng người nào, họ đều mến mộ ông. Ông đã phục hưng hai chùa Ryuutakuji (Long Trạch Tự ở thành phố Mishima vùng Shizuoka) và Shôinji (Tùng Âm Tự của thành phố Numazu bên cạnh), nơi ngày xưa Hakuin đã sống. Năm 1936 lại lập biệt viện của Myôshinji (Diệu Tâm Tự) ở Tân Kinh (tức Trường Xuân) thuộc Mãn Châu. Thế nhưng càng có uy tín trong xã hội chừng nào, ông càng bị lôi cuốn vào guồng máy của nó chừng nấy. Trong những biến cố mở màn cho vụ đảo chính mang tên là Ni.niroku như các cuộc ám sát Bộ trưởng Tài Chánh Inoue Junnosuke cũng như vụ ám sát chủ nhân tập đoàn Mitsui là Dan Takuma do tổ chức cực hữu "uống máu ăn thề" Ketsumeidan (Huyết Minh Đoàn, 1932), nhân vì chủ phạm Inoue Nisshô (Tỉnh Thượng, Nhật Chiêu, 1886-1967) có thời đi tu dưới sự chỉ đạo của Yamamoto nên ông bị gọi ra tòa làm chứng. Thêm một lần nữa, trong vụ án sĩ quan Aizawa Saburô trong lúc làm việc đã chém chết Thiếu tướng Nagata Tetsuzan (vụ án Aizawa, 1935)[19] trong khi thừa hành công vụ nên Yamomoto phải ra trước vành móng ngựa làm chứng lần thứ hai.

Ngoài ra, trong thời gian này, tông Lâm Tế có một tác phẩm đã làm chấn động tùng lâm. Đó là Hiện Đại Tương Tự Thiền Bình Luận của một người có bút hiệu là Hama Hôô (Phá Ma Pháp Vương) mà tên thật không ai biết. Nó nhằm tung ra trước công luận những lời giải thích về các công án đã truyền trong mật thất của trường phái Hakuin.

Mặt khác, tông Tào Động lúc đó cũng có những nhà thực hành có hoạt động xuất sắc như Harada Sogaku (Nguyên Điền Tổ Nhạc) và Sawaki Kôdô (Trạch Mộc Hưng Đạo, 1880-1965) và có thể việc làm của hai ông mới là nét đặc sắc của Tào Động thời ấy.

Harada lúc đầu đã theo học Oka Sôtan (Khưu, Tông Đàm) và Akino Kôdô (Thu Dã, Hiếu Đạo) nhưng thất vọng nên mới sang học Lâm Tế và đạt được thể nghiệm kiến tính với thầy mới là Toyoda Dokutan (Phong Điền, Độc Đam (Trạm)). Vì lý do đó Harada đã đem công án Thiền vào tông Tào Động và đứng trên quan điểm coi việc đạt được giác ngộ (satori) là điều không thể thiếu được để tranh cãi với lập trường cổ điển mà nhóm theo Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc) bênh vực. Harada về Obama (tỉnh Fukui) mở đạo tràng ở Hasshinji (Phát Tâm Tự) để dạy đàn hậu tiến. Đương thời, trong vòng tông Tào Động, người ta đã tuyệt vọng về khả năng tu chứng của tông phái mình. Do đó một nhân vật Tào Động giữ địa vị cao như Watanabe Genshuu (Độ Biên, Huyền Tông, 1869-1963) chùa Sôjiji (Tổng Trì Tự) đã khuyên học trò mình tìm đến tăng đường Lâm Tế mà học Thiền. Về phần Harada, ông đã qui tụ chung quanh mình nhiều nhà tu hành có tiếng như Iida Tôin (Phạn Điền Đảng Ẩn, 1863-1937), Imanari Kakuzen (Kim Thành, Giác Thiền, 1871-1961) và Yasutani Hakuin (An Cốc , Bạch Vân). Nhân vì Harada hết sức tự tin về thể nghiệm giác ngộ của chính mình cho nên quay sang phê phán cả tổ của tông là Dôgen vì ông này xem thường việc kiến tính, đến độ giải thích rằng Dôgen mới chỉ làm được một công việc còn dang dở (Đạo Nguyên Thiền Sư Vị Hoàn Thành Phẩm). Đành rằng về sau, dưới áp lực của tông môn, Harada phải rút lại thuyết của mình trước công chúng nhưng nói chung, trên cơ bản, ông vẫn không chịu xê dịch một ly lập trường cũ. Các đệ tử của ông như Imanari (Kim Thành) và Yasutani (An Cốc) cứ y như thế mà kế thừa quan điểm của thầy. Cho nên dù mang tiếng là tông Tào Động, nơi tăng đường của các ông, vẫn xem việc học tập "khán thoại thiền" là chuyện đương nhiên.

Còn như Sawaki Kôdô (Trạch Mộc, Hưng Đạo) thì lập trường của ông là bảo vệ cho kỳ được truyền thống shikantaza (chỉ quản đả tọa) tức "chỉ ngồi xuống mà thiền" cố hữu của Tào Động. Sawaki được gọi là yadonashi Kôdô tức "Kôdô, người truyền giáo không nhà" (vô túc Hưng Đạo). Ông là thương binh trong trận Nhật Nga, được giải ngũ, trở về tu hành nhưng sống cuộc đời rày đây mai đó trên toàn quốc như một "ngôi chùa di động" (di động tùng lâm). Ông chỉ đạo tham thiền cho nhiều đồ đệ và được mọi người kính mến. Tuy nhiên khi nói về quãng đời lính tráng cũ, ông có lúc tự phụ là trong trận Nhật Nga đã giết người không gớm tay cho nên tư tưởng của ông e rằng không có nhiều tính chất tôn giáo mà chỉ là một mảng ý thức hệ.

Ngoài hai ông, trong tông Tào Động còn phải kể đến Arai Sekizen (Tân Tỉnh, Thạch Thiền, 1864-1927) đã truyền giáo ở Đài Loan, Hawai và Mỹ, Taneda Santoka (Chủng Điền, Sơn Đầu Hỏa, 1882-1940) xuất thân từ một ngôi chùa Tào Động, đã sống đời phiêu bạt và làm thơ haiku, cũng như Kawaguchi Ekai (Hà Khẩu Huệ Hải, 1866-1945), người tông Hoàng Bá, đã hai lần thám hiểm nhiều năm ở Tây Tạng ( 1897-1903 và 1904-1915), sau hoàn tục.

Thiền thời lâm chiến

Từ khi có biến cố Mãn Châu, giáo đoàn Thiền Tông đã đi trên con đường hợp tác với nỗ lực chiến tranh của nhà nước. Năm 1939, đạo luật về tổ chức tôn giáo được ban hành và có hiệu lực từ năm 1940. Theo chính sách thống nhất "nhất tông nhất phái" được đề ra, tông Lâm Tế lại hợp nhất để trở thành một phái. Các giáo đoàn Thiền Tông cũng có chân trong một tổ chức gọi là Phật Giáo Liên Hợp Hội (sau đó phát triển thành Đại Nhật Bản Phật Giáo Hội vào năm 1941) và tham gia vào Phật Giáo Hộ Quốc Đoàn. Năm 1944 khi tổ chức Đại Nhật Bản Chiến Thì Tôn Giáo Báo Quốc Hội với mục đích nhất nguyên hóa các tôn giáo ra đời, họ lại cũng tham gia vào đó nữa.

Trong tình huống như vậy, tất nhiên nẩy ra nhu cầu điều chỉnh tư tưởng xưa nay của tông môn và cả phương thức hành động. Các tăng sĩ và các nhà tôn giáo học có nhiệm vụ nghiên cứu cho tôn giáo một tư duy đặc biệt trong thời chiến. Do đó mà có những người như thầy trò Yamazaki Ekishuu (Sơn Kỳ Ích Châu, 1882-1961) và Sugimoto Gorô (Sam Bản Ngũ Lang, 1900-1937) đề xướng lối tu gọi là Kôdôzen (Hoàng Đạo Thiền ) dựa trên tư tưởng hoàng đạo coi thiên hoàng là trung tâm (Thiên Hoàng Tông). Trong tác phẩm Taigi (Đại Nghĩa, 1938), Sugimoto đã viết "Muốn thấu triệt Taigi là gì, trước tiên phải đi sâu vào giáo nghĩa của Thiền và dứt bỏ việc chấp vào ngã" và "việc tổng hợp chư tông chư học và đưa nhân loại đến cứu rỗi chỉ có thể tìm thấy nơi một vị thần độc nhất tức là thiên hoàng", rõ ràng có ý hướng muốn hợp nhất tư tưởng thiền với tư tưởng tôn quân. Ảnh hưởng của Taigi rất lớn. Cùng một thời điểm và soạn theo một mục đích có những cuốn sách kiểu Kojiki to Dôgen, Shinran (Cổ Sự Ký và Đạo Nguyên với Thân Loan, 1941) của Imanari Kakuzen (Giác Thiền).

Cũng trong giai đoạn này, Hội biên soạn toàn tập của Bạch Ẩn Hòa Thượng (Hakuin) đã cho xuất bản toàn tập của ông gồm 8 quyển (1934-35) cũng như Thường Tế Đại Sư Toàn Tập (1937) do Kohô Chisan (Cô Phong Trí Xán) biên tập. Thời này còn có nhiều công trình giá trị về mặt nghiên cứu có tính học thuật nhất là về phương diện sử học. Chẳng hạn liên quan đến Trung Quốc thì có cuốn Đệ Nhị Thiền Tông Sử Nghiên Cứu (1941) và Đệ Tam Thiền Tông Sử Nghiên Cứu (1943) của Ui Hakuju (Vũ Tỉnh Bá Thọ, 1882-1963)[20], Nghiên Cứu về Đạt Ma (1942) của Matsumoto Bunzaburô (Tùng Bản Văn Tam Lang, 1869-1944). Liên quan đến Nhật Bản phải nhắc tới Nhật Bản Phật Giáo Sử (1944-45) của Tsuji Zennosuke ("Thập" Thiện Chi Trợ, 1877-1955), Lịch sử Nam Thiền Tự (1936) của Sakurai Keiyuu (Anh Tỉnh, Cảnh Hùng, 1909-1991), Lịch sử Tổng Trì Tự (1938) của Kuriyama Taion (Lật Sơn, Thái Âm, 1860-1937), Công cuộc phát triển về địa phương của Thiền Tông (1942) của Suzuki Taizan (Linh Mộc , Thái Sơn, 1907-1996) vv...Ngoài ra, Thiền Tư Tưởng Sử Nghiên Cứu - Đệ Nhất (1943) trong đó Suzuki Daisetsu đánh giá lại thiền tăng đời Edo là Bankei Yôtaku cũng là một tác phẩm ra đời trong giai đoạn này.

Một đặc sắc trong việc nghiên cứu học vấn của thời kỳ này là việc điều tra thực địa những di tích Phật giáo ở Trung Quốc. Nó nằm trong bối cảnh thời điểm Nhật Bản muốn bành trướng thế lực ở đại lục. Nhiều kết quả đã được đem ra công bố như hai cuốn Chi Na Phật Giáo Sử Tích (1930) và Chi Na Phật Giáo Sử Tích Điều Tra Ký (1938) của Tokiwa Daijô (Thường Bàn, Đại Định, 1870-1945), cuốn Bồ Đề Đạt Ma Tung Sơn Sử Tích Đại Quan (1932) của Washio Junkyô (Tựu Vĩ, Thuận Kính, 1868-1941). Đó là những tác phẩm tiêu biểu chứ hãy còn nhiều báo cáo khác đã được đăng tải trong các tạp chí và học báo của Nhật Hoa Nghiên Cứu Hội khoảng năm 1936-1942. Những bài viết này nói nhiều đến di tích Phật giáo và văn bia liên quan đến Thiền Tông, dĩ nhiên đã ảnh hưởng tới việc nghiên cứu về Thiền Tông nói chung. Cũng cần nhắc lại là trước đó, Triều Tiên Tổng Đốc Phủ[21], cơ quan hành chánh Nhật cai trị Triều Tiên, đã công bố Triều Tiên Kim Thạch Tổng Lãm (1919-23), một văn kiện đóng vai trò tương tự cho trường hợp của Triều Tiên.

Tuy nhiên, những sử liệu này nếu đặt bên cạnh sự khám phá các văn bản Đôn Hoàng thì không đáng kể gì. Có đến trên phân nửa các văn bản Đôn Hoàng nói về Phật giáo, nhất là trong đó đầy những chứng tích của sách vở về Thiền Tông buổi đầu mà trước kia, hậu thế đã để cho mai một.

Những người đi đầu trong việc nghiên cứu các văn bản Đôn Hoàng là Yabuki Keiki (Thất Xuy, Khánh Huy, 1879-1939) với tác phẩm Minh Sa Dư Vận (1930) và Minh Sa Dư Vận Giải Thuyết (1933) cũng như học giả Trung Quốc là Hồ Thích (1891-1962) với Thần Hội Hòa Thượng Di Tập (1930). Sau đó đến lượt Suzuki Daisetsu với Đôn Hoàng Xuất Thổ Thần Hội Lục (1932) và Thiếu Thất Dật Thư (1935). Thêm vào đó, còn có học giả Triều Tiên là Kim Cửu Kinh (năm sinh và mất không rõ) đã soạn bốn quyển Khương Viên Tùng Thư (1934), và Cổ Dật Bộ (1932) liên quan đến những phần thất thoát trong bộ Đại Tạng Kinh tân tu vào năm Tai shô. Ui Hakuju cũng xuất bản Thiền Tông Sử Nghiên Cứu vào năm 1939.

Về các văn bản Đôn Hoàng

Đầu thế kỷ 20, có một người đạo sĩ họ Vương, sống và truyền giáo ở vùng hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng (thuộc tỉnh Cam Túc), ngẫu nhiên phát hiện một căn phòng bằng đá bị phong kín năm trong hang số 17 của khu này. Trong căn phòng đó, có nhiều văn bản sách vở cổ xưa (cũng có một số là sao chép lại) kể từ đời Nam Bắc Triều cho đến Tống sơ. Khi tin tức đó được tiết lộ ra thì vào năm 1907 đã có một đoàn thám hiểu người Âu đã đến và đem đi mất những phần quan trọng. Triều đình nhà Thanh sau mới nhận ra, đã cấp tốc cho bảo quản phần còn lại và chuyển về Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian đó, trong dân gian có lưu hành một số văn bản khác hình như do Vương đạo sĩ đã lén giữ lại. Về sau, người Nhật và người Nga còn mang thêm một số về nước (nhưng phải nói là không thiếu gì đồ giả). Vì những lý do trên cho nên di sản văn hóa Đôn Hoàng, một cuộc khám phá vĩ đại của thế kỷ, thành ra chia năm xẻ bảy và giờ đây, được giữ lại ở nhiều nơi trên thế giới. Những nơi chính là:

1) Thư Viện Hoàng Gia ở London (Anh) có một số do đoàn thám hiểm của Stein mang về năm 1907. 2) Thư Viện Quốc Lập ở Paris có một số do đoàn thám hiểm của Pelliot mang về năm 1908. 3) Bảo Tàng Viện Hermitage ở St Peterbourg do Oltenbourg (phiên âm) đem về năm 1914. 4) Bảo Tàng Viện Bắc Kinh. Ngoài thư tịch về Phật giáo chiếm đa số còn có sách vở Đạo giáo, các Hán tịch khác, kể cả công văn và hộ tịch.

Những khám phá ở Đôn Hoàng có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn thể khoa Trung Quốc Học vì nó còn lưu lại phần nào những sách vở đã thất lạc hay giữ được hình trạng nguyên thủy của một số tác phẩm. Về sự nghiệp nghiên cứu Thiền Tông, nhất là về lịch sử Thiền Tông buổi đầu, nó cũng đóng một vai trò không nhỏ nếu không nói là khiến người ta phải đặt lại toàn bộ vấn đề. Xin đơn cử một số văn bản Đôn Hoàng quan trọng: Lục Tổ Đàn Kinh, các tác phẩm của Hà Trạch Thần Hội (684-758) như Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận, Nam Dương Hòa Thượng Đốn Giáo Giải Thuyết Thiền Môn Trực Liễu Tính Đàn Ngữ, Nam Dương Hòa Thượng Vấn Đáp Tạp Trưng Nghĩa, các cuốn đăng sử của Bắc tông như Lăng Già Sư Tư Ký và Truyền Pháp Bảo Ký và các tác phẩm cương yếu của Ngưu Đầu Tông như Tuyệt Quán Luận.

Sự phát hiện và giới thiệu những tác phẩm của Thiền Tông buổi đầu này đã khơi gợi lên sự hứng thú đối với các ấn bản hoặc sao bản các kinh sách ngày xưa được truyền qua Triều Tiên và Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Suzuki Daisetsu đã ấn hành Hưng Thánh Tự Bản Pháp Bảo Đàn Kinh và Đại Thừa Tự Bản Pháp Bảo Đàn Kinh (1933, 1940). Việc này đã làm giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Thiền Tông buổi đầu bước được một bước dài. Dựa trên những tư liệu mới này, sau chiến tranh, Suzuki còn tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu mà thành quả đã được tom góp lại trong Thiền Tư Tưởng Sử Nghiên Cứu . Đệ Nhị (1951) và Thiền Tư Tưởng Sử Nghiên Cứu. Đệ Tam (1968).

Khi việc nghiên cứu gặp được thuận lợi như thế thì về mặt chế độ, tư tưởng lại bị khống chế. Hoạt động của các thiền tăng trong giai đoạn chiến tranh không có gì đáng nhắc lại. Họa chăng là trong những tác phẩm của giới trí thức đương thời, ta thấy họ đã dựa vào Thiền như cơ sở tinh thần để đối địch với thời cuộc.

Khi tình hình càng ngày càng đi vào chỗ tối tăm, khuynh hướng dựa vào tư tưởng nhà Thiền để tìm một căn cước (identity), một dân tộc tính cho con người Nhật Bản, được phát triển mạnh. Ta có thể thấy điều đó tiềm ẩn trong "Chữ Vô của Phương Đông" (Đông Dương Đích Vô) (1939) của Hisamatsu Shin.ichi (Cửu Tùng Chân Nhất, 1939), "Thiền và văn hóa Nhật Bản" (1940) và "Tính linh[22] của Nhật Bản" (1944) do Suzuki Daisetsu, những tác phẩm được nhiều người đọc. Cũng trong giai đoạn này, Wada Toshihiko (Hòa Điền, Lợi Ngạn, 1885-1967) đã soạn "Bài Giảng Về Thiền" (Zen no Kôza, 1937-39) gồm 6 quyển, Nagasaka Kineo (Trường Phản, Kim Hùng, 1886-1973) viết 8 quyển với nhan đề "Thiền" (Zen, 1941-42), cho thấy các bài giảng về Thiền có tính học thuật thi nhau ra đời như để hô ứng với hiện tượng tìm về dân tộc tính đó. Ngoài ra, sự quan tâm đối với Dôgen lại bùng lên. Akiyama Hanji (Thu Sơn, Phạm Nhị, năm sinh và mất không rõ) đã viết và cho xuất bản "Nghiên cứu về Đạo Nguyên" (1935) cũng như Tanabe Hajime (1885-1962) với "Triết học sử quan của Chính Pháp Nhãn Tạng" (1939). Về phía phái Tào Động, cũng có "Đạo Nguyên thiền sư trong vai trò tông tổ" (1944) do Etô Sokuô (Vệ Đằng Tức Ứng, 1888-1958) chấp bút.


Nishida Kitarô (chống cằm) và Suzuki Daisetsu thời trẻ

Suzuki Daisetsu (Linh Mộc Đại Chuyết)

Ông quê ở Kanazawa (tỉnh Ishikawa) ven biển Nhật Bản, tên thật là Teitarô (Trinh Thái Lang). Daisetsu là đạo hiệu do Shaku Sôen (Thích, Tông Diễn) đặt cho. Sinh trong một gia đình y sĩ, ông đang học cao trung thì bỏ nửa chừng đi dạy Anh văn. Năm 22 tuổi lên Tôkyô theo học ở trường chuyên môn tiền thân Đại học Waseda rồi trúng tuyển vào Đại học đế quốc Tôkyô. Ông thường đến hỏi đạo các danh sư như Imakita Kôsen (Kim Bắc Hồng Xuyên) hay Shaku Sôen. Năm 1897 sang Mỹ làm nhân viên biên tập cho nhà xuất bản Open Court. Trong thời gian ấy, dịch Đại Thừa Khởi Tín Luận sang tiếng Anh (1900) và xuất bản cuốn Đại Thừa Phật Giáo Khái Luận bằng tiếng Anh. Năm 1909, ông về nước và tiếp tục nghiên cứu về Thiền, dạy ở các đại học như Tôkyô, Gasshuuin và Ôtani. Năm 1921, sáng lập tạp chí Eastern Buddhist. Ông chơi thân với người đồng hương là triết gia Nishida Kitarô. Sau chiến tranh (1945), ông về Kamakura mở văn khố Matsugaoka, lâu lâu sang Mỹ một lần, và qua những trứ tác bằng tiếng Anh, giới thiệu tư tưởng Thiền Tông với thế giới. Trong thời gian ấy, ông tham gia đại hội lần thứ 2 về Triết Học Đông Tây (1949) ở Đại học Hawai và có dịp thảo luận về Thiền với học giả Hồ Thích (1891-1962). Từ 1950 đến 1958, ông lưu trú ở Mỹ, giảng dạy về Thiền ở các trường Yale, Hawai, Harvard và Princeton. Năm 1949, ông trở thành hội viên của Nhật Bản Học Sĩ Hội[23] và được trao tăng huân chương văn hóa. Viết rất nhiều nhưng trứ tác cơ bản vẫn là bộ Thiền Tư Tưởng Sử Nghiên Cứu (1943-68), "Thiền và văn hóa Nhật Bản", Tính Linh của Nhật Bản", tất cả thu góp lại trong Suzuki Daisetsu Toàn Tập gồm 30 quyển cộng thêm 2 quyển đặc biệt (1968-71). 

Tiết 3
THIỀN THỜI HẬU CHIẾN

Điểm khởi hành mới

Sau khi thất trận năm 1945, nước Nhật bị đặt dưới sự cai trị của Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Chiếm Đóng thuộc quân Đồng Minh (gọi tắt là GHQ). Nhiều chính sách mới được thực thi, trong đó có sự nhìn nhận quyền tham gia chính trị của phụ nữ, việc phóng thích chính trị phạm, giải tán tài phiệt, cũng như những cải cách về chính sách nông nghiệp và giáo dục...

Đến năm 1946, một hiến pháp mới được công bố với những điều khoản xác định chủ quyền thuộc về dân chúng, Thiên Hoàng chỉ còn là một biểu tượng trưng, nhà nước theo nguyên tắc hòa bình, bãi bỏ chiến tranh, và tôn trọng các quyền dân chủ cơ bản của người dân. Hiến pháp đó có hiệu lực kể từ năm sau. Từ đó, nước Nhật bắt đầu đi trên một con đường mới.

Thế rồi khi cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Liên Xô trở nên quá gay gắt, thế giới bước vào cuộc chiến tranh lạnh với một bên là khối tư bản Anh Mỹ, một bên là khối cộng sản mà Liên Bang Xô Viết là đầu tàu. Nhân vì Nhật Bản đang ở dưới sự cai trị của Mỹ, việc phục hưng kinh tế Nhật Bản nằm trong kế sách đối đầu với Liên Xô của Mỹ. Dần dần quân đội chiếm đóng đã ủy nhượng quyền hành lại cho chính phủ Nhật Bản.

Năm 1950, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên mở màn. Như một lực lượng hậu cần, Nhật Bản hưởng được ân huệ của nền kinh tế đặc nhu (cung cấp nhu yếu và dịch vụ cho chiến trường), cho nên chẳng mấy chốc đã khôi phục lại sức mạnh khoáng nghiệp và công nghiệp có trước chiến tranh. Sau khi hiếp ước hòa bình ký xong ở San Francisco năm 1951, Nhật Bản được độc lập và đến năm 1956 đã trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc. Thế rồi dưới sự lãnh đạo của các chính phủ bảo thủ kế tiếp, Nhật Bản duy trì liên tục được sự phát triển về kinh tế qua 3 thời kỳ thịnh vượng gọi là thời kỳ Jimmu (1955-57), Iwato (1958-61) và Izanagi (1965-70), cả ba đều là tên những giai đoạn vinh quang của Nhật trong thần thoại và cổ sử. Năm 1964 với Thế Vận Hội Tôkyô và năm 1970 với Hội Chợ Quốc Tế Ôsaka, từ từ Nhật Bản đã đạt được ngôi vị cường quốc thứ hai về kinh tế trên thế giới.

Cuộc chiến tranh lạnh tuy dai dẳng nhưng rốt cục cũng cáo chung vào năm 1989 khi Tổng Bí Thư Gorbachev thúc đẩy thành công một chính sách đổi mới trên quê hương ông, mở đường cho Đông Âu dân chủ hóa và nước Đức đi đến tái thống nhất (1990). Thế giới đã bước vào một thời đại mới. Thế nhưng hiểm họa chiến tranh hạt nhân, sự ô nhiễm môi trường sinh thái và những biến đổi đột ngột về khí hậu, sự tiến bộ về y học và di truyền học kèm theo vấn đề luân lý được đặt ra cho sinh mệnh...là những vấn đề mới và khó giải quyết mà con người ngày nay lần đầu tiên phải trực diện.

Ảnh hưởng của việc Nhật thất trận đối với Thiền

Việc Nhật Bản bại trận ảnh hưởng rất lớn đối với giới Phật giáo. Ở vùng đô thị, các đàn việt trực thuộc vào một ngôi chùa (đàn tín đồ) và các tự viện vì cơn binh hỏa đã phải ly tán, còn ở đồng quê thì sau vụ cải cách ruộng đất, tự viện mất hết đất trồng và đất rừng làm cho họ phải lâm vào cảnh cùng quẫn.

Ngoài ra, hiến pháp công bố năm 1946 dã xác nhận quyền tự do tín ngưỡng và bắt chính trị phải tách ra khỏi tôn giáo. Điều đó đã được cụ thể hóa bới đạo luật về các pháp nhân tôn giáo ra đời năm 1950. Bộ dân luật năm 1947 đã bãi bỏ chế độ gia đình dựa trên quyền chủ hộ (koshuken), bắt buộc giáo đoàn Phật giáo phải thay đổi hoàn toàn cách tổ chức. Lý do là theo đó, các chùa phải thoát khỏi mối quan hệ có tính cách nương tựa giữa chùa và nước cũng như giữa chùa và đàn việt như xưa mà chỉ còn có mỗi mối liên hệ giữa chùa và một cá nhân có nhu cầu tôn giáo thực sự. Để đối phó với tình hình mới như thế, các tông phái Thiền đã định ra "tông chế" cho mình (1952) và thiết lập những tổ chức như Hanazonokai (Hoa viên hội, 1947 trường hợp của phái Myôshinji tông Lâm Tế) hay Baikakô (Mai hoa giảng, 1951, của tông Tào Động) để khuyến khích việc giảng đạo tại gia. Họ cũng phát hành những tạp chí như Zen Bunka (Thiền Văn Hóa, sáng lập năm 1955). Thế nhưng, thật khó lòng thay đổi tổ chức của giáo đoàn một sớm một chiều như thế. Trên thực tế, ngoại trừ Asahina Sôgen (Triêu Tỉ Na, Tông Nguyên, 1891-79) tích cực tham gia vận động hòa bình, Yamada Mumon (Sơn Điền Vô Văn, 1900-1988) tận tụy ủy lạo vong linh những người chết trong chiến tranh, hay Ichikawa Hakugen (Thị Xuyên Bạch Huyền, 1902-1986) nêu lên vai trò trách nhiệm chiến tranh của giáo hội, hầu như không ai khác có một tiếng nói nào đáng kể.

Theo đạo luật mới về pháp nhân tôn giáo, các chùa được hoạt động truyền đạo một cách tự do và nếu một chùa nào muốn thoát ra khỏi tông phái (đơn vị hóa) thì cũng sẽ dễ dàng toại nguyện. Do đó, sau chiến tranh, các tân giáo đoàn thi nhau thành lập. Liên quan đến Thiền Tông thì có các phái thuộc hệ Lâm Tế như Kôshôjiha (Hưng Thánh Tự phái), giáo đoàn Ichihatayakushi (Nhất "Điền" Dược Sư), giáo đoàn Ningenzen (Nhân Gian Thiền), giáo đoàn Senshin (Tẩy Tâm)...và các phái thuộc hệ Tào Động như Nyoraishuu (Như Lai Tông) (sau đó đổi thành Như Lai Giáo), giáo đoàn Isson (Nhất Tôn), giáo đoàn Sanpô (Tam Bảo) vv...Trong số đó có giáo đoàn Ningenzen (tông Lâm Tế) mà chủ tể là Tatsuta Eizan (Lập Điền, Anh Sơn, 1893-? ) - một đệ tử của Shaku Sôkatsu (Thích, Tông Hoạt) - đã thừa kế tinh thần của Ryôbôkai (Lưỡng Vong Hội của Imakita Kôsen) và của giáo đoàn Ryôbôzen Kyôkai (Lưỡng Vong Thiền hiệp hội của Shaku Sôkatsu) mà đề cao "chủ nghĩa tại gia" . Phong trào này đáng chú ý vì người ta theo rất đông. Lại nữa, giáo đoàn Sanpô (tông Tào Động) do Yasutani Hakuun (An Cốc, Bạch Vân) đứng đầu, đã biết ứng dụng phương pháp "khán thoại thiền" của tông Lâm Tế, và tích cực truyền giáo ở hải ngoại.

Việc phát triển học vấn

Một đặc điểm của Thiền Tông thời học chiến có lẽ là hoạt động xã hội rất giới hạn của các thiền tăng. Ngoài nước, mối quan tâm của Âu Mỹ đối với Thiền càng ngày càng lớn và những hoạt động truyền giáo tích cực ở hải ngoại của các tăng Lâm Tế như Shibayama Zenkei (Sài Sơn Toàn Khánh, 1894-1974) và Nakagawa Sôen (Trung Xuyên Tông Uyên, 1907-1984), các tăng Tào Động như Yasutani Hakuun (An Cốc), Deshimaru Taisen (Đệ Tử Hoàn, Thái Tiên, 1914-1982) rất được lưu ý. Thế nhưng trong nước người ta không biết đến họ cho lắm, ngay cả việc làm của Tatsuta Eizan (Lập Điền Anh Sơn) và Hisamatsu Shin,ichi (Cửu Tùng Chân Nhất) (năm 1958 đã lập ra Hiệp Hội Thiền FAS), Fujikichi Jikai (Đằng Cát, Từ Hải, 1915 - , sau khi tham khảo Phật giáo Đài Loan đã đề xướng một lối tu thiền mới). Lần hồi, hoạt động của họ xem như bị tắt ngấm. Thế rồi trong bối cảnh mà những giá trị quan Âu Mỹ chiếm thượng phong như vậy, người ta không còn có thể chấp nhận một lối tu thiền chỉ nhắm mắt tôn thờ truyền thống mà không hề phê phán.

Việc truyền bá Thiền Tông ở các nước Âu Mỹ thời hậu chiến

Những người đã nỗ lực truyền giáo ở các nước Âu Mỹ ngoài Shibayama, Nakagawa,Yasutani, còn có các tăng Lâm Tế Seki Yuuhô (Quan, Hùng Phong, 1900-1982) và Suzuki Sôchu (Linh Mộc, Tông Trung, 1921-1990). Riêng Hisamatsu Shin.ichi đã được mời giảng về Thiền ở Đại Học Harvard. Sở dĩ người ta chấp nhận ông như vậy một phần nào cũng nhờ ở hoạt động mở đường trước chiến tranh của Suzuki Daisetsu đã khai sanh ra một phong trào tu Thiền rầm rộ gọi là "Zen boom" ở Mỹ trong thập niên 1950. Dạo đó sự quan tâm đối với Thiền Tông đã khơi nguồn trong quá trình phát triển của văn hóa Hippy và có dính dáng đến cả việc sử dụng cần sa ma túy, chứng tỏ người ta chẳng hiểu biết cho lắm về bản chất của Thiền. Tuy vậy phong trào này cũng đã đóng vai trò giúp cho người Mỹ tiến lại gần với Thiền và mở đường cho việc tìm hiểu về Thiền một cách thực tiễn và sâu sắc hơn. Những người đóng góp nhiều trong việc này là tăng Tào Động Suzuki Shunryuu (Linh Mộc, Tuấn Long, ? -1971) và tăng Lâm Tế Shimano Eidô (Đảo Dã, Vinh Đạo, 1932- ), hai người đã sống ở Mỹ một thời gian lâu và có cơ sở để chuyên chú vào việc chỉ đạo thiền sinh. Năm 1967, Suzuki Shunryuu đã thiết lập một trung tâm tu thiền gọi là Tassajara Zen Center (Thiền Tâm Tự) ở Monterey (California) để đào tạo các sư gia người Mỹ. Có thể nói đầy là tùng lâm đầu tiên trên đất Mỹ. Shimano cũng lập Quốc Tế Sơn Đại Bồ Tát Thiền Đường trong vùng núi non phụ cận New York. Trên đất Mỹ, còn có Rochester Zen Center do Philip Kapleau, một người từng đến Nhật học thiền với Nakagawa Sôen, Harada Sogaku và Yasutani Hakuun. Tác phẩm The Three Pillars ò Zen (Ba Trụ Cột của Thiền, 1965) ông viết hãy còn có giá trị kinh điển cho giới độc giả tiếng Anh. Ngày nay con số đạo tràng (Zen Center) ở Mỹ tăng lên rất nhiều và vẫn kế tục hoạt động. Bà Sasaki Ruth (phiên âm) từng theo học thiền với Sasaki Shigetsu (Tá Tá Mộc Chỉ Nguyệt) ở Mỹ đã mở một tháp đầu gọi là Long Tuyền Am trong khuôn viên Daitokuji và chỉ đạo tọa thiền cho những người ngoại quốc đến Nhật. Đó cũng là một hình ảnh chứng minh cho sự quốc tế hóa của Thiền Tông. Mặt khác, Deshimaru Taisen (Đệ Tử Hoàn) đã phụ trách truyền giáo ở Âu Châu, sau nhiều năm cố gắng, đã mở được đạo tràng trong một lâu đài bên bờ sông Loire mang tên Thái Tây Phật Giáo Đệ Nhất Đạo Tràng.

Trong khung cảnh ấy, lãnh vực nghiên cứu có tính học thuật là hưng thịnh hơn cả. Sau chiến tranh, số hội viên của Nhật Bản Ấn Độ Học Phật Giáo Học Hội thành lập vào năm 1951, càng ngày càng thêm đông. Trong số đó, những nhà nghiên cứu về Thiền Tông chiếm một vị trí không nhỏ. Ngoài ra, tờ Thiền Học Nghiên Cứu và một số tạp chí khác đã có từ trước thời chiến cùng với các tạp chí và kỷ yếu ra đời sau này như Tông Học Nghiên Cứu (từ 1956), Thiền Văn Hóa Nghiên Cứu Sở Kỷ Yếu (từ 1969), Thiền Nghiên Cứu Sở Kỷ Yếu (từ 1971) với mục đích chính là nghiên cứu Thiền Tông, đã được in ra và phát hành đều đặn.

Các cơ sở và các nhân vật đóng vai trò quảng bá quan trọng từ thời hậu chiến, về việc phát hành sách vở cơ bản, trước tiên phải kể đến Thư Viện Đại Học Komazawa, đã cho ra đời Tân Soạn Thiền Tịch Mục Lục (1962). Sau đó là Tào Động Tông Toàn Thư San Hành Hội với Tục Tào Động Tông Toàn Thư (1974-77). Hirakubo Akira Bình Cử Bảo, Chương) đã biên tập Tân Soạn Hiệu Đính Ẩn Nguyên Toàn Tập (1979), Akao Ryuuji ( Xích Vỹ, Long Trị) biên Bàn Khuê Thiền Sư Toàn Tập (1976), nhà xuất bản Chikuma Shôbô ấn hành một loạt Thiền Ngữ Lục (từ 1969-81) và một loạt Nhật Bản Thiền Ngữ Lục (1977-78). Nghiên cứu về lịch sử Thiền Tông đã có Sekiguchi Shindai (Quan Sơn, Chân Đại) với Nghiên Cứu Đạt Ma Đại Sư (1957) và Thiền Tông Tư Tưởng Sử (1964), Yanagita Seizan (Liễu Điền Thánh Sơn) với Nghiên Cứu Sơ Kỳ Thiền Tông Sử Thư, Haga Kôshhiro (Phương Hạ, Hạnh Tứ Lang) với Nghiên Cứu Văn Hóa Đông Sơn (1945) và "Nghiên Cứu về học vấn và văn học của thiền lâm thời trung cổ" (1956), Imae Aishin (Kim Chi, Ái Chân) với "Nghiên cứu lịch sử Thiền Tông thời trung cổ" (1970), Takamura Takeji (Ngọc Thôn, Trúc Nhị) với Nhật Bản Thiền Tông Sử Luận Tập (1976-81) và Ngũ Sơn Văn Học Tân Tập (1967-72), Tâmmura Takeji, Inoue Zenjô (Tỉnh Thượng, Thiền Định) biên "Lịch sử Engakuji" (1964), Kawase Kazuma (Xuyên Lại, Nhất Mã) với Nghiên cứu Ngũ Sơn Bản (1970). Vì lý do khuôn khổ trang giấy có hạn nên phải lược bỏ bớt một số công trình.

Nghiên cứu về thiền sư Dôgen cũng được tiếp tục một cách rầm rộ, phân ra làm hai luồng lớn, trong đó có những nghiên cứu về mặt văn bản do các tăng sĩ Tào Động và những nghiên cứu về mặt tư trưởng đảm nhiệm bởi các triết gia.

Loại nghiên cứu văn bản thì có "Nghiên cứu lịch sử trứ thuật của Chính Pháp Nhãn Tạng" (1972) và "Nghiên cứu về lịch sử truyền bá những dị bản của Chính Pháp Nhãn Tạng" (1973) của Nagahisa Gakusui (Vĩnh Cửu Nhạc Thủy), "Nghiên cứu về truyện ký của thiền sư Đạo Nguyên" (1953), Đạo Nguyên Thiền Sư Toàn Tập, hai tập, biệt san Đạo Nguyên Thiền Sư Chân Bút Tập Thành của Ôkubo Dôshuu (Đại Cửu Bảo, Đạo Châu), Đạo Nguyên Thiền Sư Truyện Nghiên Cứu (1979) của Nakaseko Shôdô (Trung Thế Cổ, Tường Đạo) vv....

Về loại nghiên cứu tư tưởng trước tiên cần nhắc đến "Vũ trụ ngôn ngữ của Đạo Nguyên" (1974) do Terada Tôru (Tự Điền, Thấu),"Chính Pháp Nhãn Tạng: cấu trúc luận lý tư tưởng của Đạo Nguyên" (1976) do Kasuga Yuuhô (Xuân Nhật Hựu Phương) viết. Ngoài ra, người đề cập đến Dôgen với quan điểm nghiên cứu tư tưởng sử và phê phán sự xa rời đại chúng của ông là Inenaga Saburô (Gia Vĩnh Tam Lang, 1913-2002) trong "Nghiên cứu lịch sử tư tưởng Phật giáo thời trung cổ[24] (1960)". Cũng phải nhắc tới "Nghiên cứu quốc ngữ học về Chính Pháp Nhãn Tạng", tác phẩm của Tajima Sodô (Điền Đảo, Sơ (?) Đường) với cái nhìn dưới khía cạnh ngôn ngữ học. Nói chung, tác phẩm của Dôgen đã được mổ xẻ bằng những phương pháp đa dạng.


Carl Gustav Jung (1875 - 1961) đã kết hợp Zen với Tâm Phân Học

Tuy vậy, khuynh hướng này không chỉ thấy ở việc nghiên cứu Dôgen mà thôi. Cùng sự phát triển của học vấn trong nhiều lãnh vực, vào thời hậu chiến, khi nghiên cứu về Thiền, người ta không dừng ở khía cạnh tư tưởng hay văn hóa mà còn nhìn đánh giá nó lại dưới những khía cạnh khác.Chikusa Gashô (Trúc Sa, Nhã Chương) trong "Nghiên cứu lịch sử xã hội của Phật giáo Trung Quốc" (1982) và Michibata Ryôshuu

(Đạo Đoan, Lương Tú) trong "Nghiên cứu lịch sử kinh tế xã hội của Phật giáo Trung Quốc" (1983) đã chú ý đến khía cạnh xã hội sử hay kinh tế xã hội sử, soi sáng thêm cách nhìn đối với Thiền. Suzuki Daisetsu và Eric Fromm (1900-1980) đã thử so sánh Thiền với tâm phân học(psycho-analysis) trong "Thiền và khoa học phân tích tâm lý" (dịch sang Nhật ngữ năm 1960). Akishige Yoshiharu (Thu Trọng Nghĩa Trị) và Kasamatsu Akira (Lạp Tùng, Chương), Hirai Tomio (Bình Tỉnh, Phú Hùng) nghiên cứu Thiền theo quan điểm khoa học tự nhiên (y học) bằng cách đo sự hô hấp và não ba của người đang tọa thiền.Gần đây, còn có những nghiên cứu đáng chú ý khác liên quan đến ngôn ngữ địa phươngthời trung cổ, sử dụng các bản sao chép (shômono) của Thiền Tông như tư liệu, hoặc đến cách chỉ đạo trong các tăng đường với phương pháp luận của giáo dục học.

Những vấn đề mới phải đối đầu

Càng tập trung mọi nỗ lực thuần túy học vấn để nghiên cứu Thiền thì người ta càng dễ đi đến mâu thuẫn về mặt tôn giáo, gây trở ngại việc đến tọa thiền ở tăng đường và khiến họ càng ngày càng cách xa thực tế xã hội. Tình trạng này làm tiêu hao lòng tin tôn giáo. Nó giải thích tại sao vào thời hậu chiến, các thiền tăng ngoài chuyện nghiên cứu viết lách, hầu như không còn có hoạt động nào đáng kể. Trước chiến tranh nhờ công lao của Yamamoto Genbô (Huyền Phong) và Sawaki Kôdô (Hưng Đạo) trong việc hướng dẫn tu hành, hãy còn đào tạo được nhiều nhà tu hành đạo đức có ảnh hưởng sâu xa đến quần chúng, chứ đến thời hậu chiến thì hầu như chuyện ấy không thể nào xảy ra được nữa.

Trước tình huống như thế dĩ nhiên thiền tăng dần dần bị mất chỗ đứng trong xã hội. Sau chiến tranh, số người cắp sách đến trường nhiều ra cho nên hình ảnh vị thiền sư như nhà trí thức của đời Edo hay ngay cả trước chiến tranh cũng đã phai mờ và tan biến cùng với sự cáo chung của một thời đại. Tuy rằng ngày nay, trong vòng các tông phái Phật giáo, chúng ta hãy còn có một số học giả lừng lẫy nhưng ngoài xã hội thì vai trò của tăng sĩ không còn được đánh giá cao. Điều này làm cho họ bị đẩy vào một cái thế không đề nghị được điều gì hữu ích cho xã hội. Đó là chưa kể việc lối giải thích công án xưa nay chỉ ở trong nội bộ giáo đoàn nay đã được công khai hóa và chịu sự kiểm tra nghiêm khắc về nội dung của những học giả có kiến thức chuyên môn Hán văn như Iriya Yoshitaka (Thỉ Nhập, Nghĩa Cao) chẳng hạn, nên thực tế cho thấy người ta không còn tin tưởng một cách đơn thuần vào những lời thuyết giảng của các thiền tăng.

Như để phản ứng lại trước tình huống ấy, mấy năm gần đây, một số học giả Đại học Komazawa ở Tôkyô đã đề ra một chủ trương gọi là "tông học phê phán". Những vị này thấy rằng Phật Giáo Trung Quốc, nhất là Thiền đã tiếp nhận quá nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Trung Quốc và lên án gay gắt điều đó. Thế nhưng việc Phật giáo Trung Quốc mà Thiền là một tiêu biểu không có tính chất Ấn Độ cho lắm đã là chuyện rõ như ban ngày, không cần phải nói ra. Chủ trương như thế cũng chẳng có gì mới mẻ. Chẳng những thế, qua bàn cãi mới thấy việc các vị ấy đề ra chỉ cho thấy là độc đoán và tùy tiện chứ không có tư liệu để phân tích và khai triển nghị luận.

Dầu chủ trương của các vị có nhiều điều không thể đánh giá theo quan điểm học thuật nhưng khi nhìn vào bối cảnh mà nó xuất hiện ta thấy đó là sự bất mãn đã sinh ra khi nhìn thấy việc nghiên cứu về Phật giáo trở thành xa lạ với những vấn đề hiện sinh và chỉ còn là một thứ học vấn phục vụ cho sự hiểu biết thuần túy. Phải hiểu chủ trương của các vị trong ý nghĩa của câu hỏi: "Bây giờ, Phật giáo phải làm chi đây?". Thế nhưng qua chủ trương, các vị không thấy đặt những vấn đề về việc đào tạo con bằng phương pháp tu hành truyền thống hay giải quyết những thực tế xã hội khác. Chủ trương nói trên chỉ là một thứ "nguyên lý chủ nghĩa" (fundamentalism) muốn xem Phật giáo Ấn Độ mới là chính thống (orthodox). Nó không có một điểm tiếp xúc nào với một Phật giáo đang tồn tại trong thực tế. Do đó trong giáo hội (giáo đoàn) thì còn có người để ý chứ ngoài xã hội hầu như chẳng ai quan tâm đến chủ trương này cả.

Cùng với sự phát triển cao độ về mặt kinh tế, xem như Nhật Bản đã giải quyết được vấn đề nghèo đói. Thế nhưng trên thế giới, hãy còn biết bao nhiêu nước vẫn ở trong tình tạng thiếu thốn về vật chất! Tôn giáo nếu cứ dửng dưng, không hướng mục đích của mình về việc giải quyết những vần đề đó thì không xứng đáng gọi là một tôn giáo. Hơn nữa, ở Nhật Bản, hãy còn có biết bao vấn đề khác và tầm nghiêm trọng càng ngày càng tăng: nuôi dưỡng người già, trông nom những người bệnh nan y ở giai đoạn cuối cùng (terminal care), dạy dỗ thanh thiếu niên hư hỏng, đối phó với các giáo phái khép kín và có hành vi phản xã hội (sect, cult). Cho dù xã hội trở nên sung túc đến mức nào cũng không thể dễ dàng giải quyết những vấn đề của tâm hồn. Đem đến hạnh phúc tâm linh cho con người phải là trọng tâm mục đích của tất cả các tôn giáo chân chính. Thế mà, trước nhất là Thiền Tông, sau đến những giáo đoàn (hội Phật) giáo khác hình như vẫn chưa có một đề nghị, nói chi một cống hiến đáng kể.

Nếu các giáo đoàn (hội) chỉ dồn hết tâm lực nương theo truyền thống mà sinh hoạt và tu hành đúng theo nghi thức đã qui định thì nói cho cùng, thì sẽ tự khép mình trong vòng "học vấn" khô khan chỉ được tôn phái của mình chấp nhận, đi tới đi lui trong sự nghị luận dông dài vô tích sự. Rồi sẽ đến lúc người ta sẽ đặt vấn đề cả về ý nghĩa sự tồn tại của giáo đoàn ấy. Ngày nay trong khi thế giới đang đối phó với những vấn đề mới và bức thiết như hiểm họa vũ khí hạt nhân, vấn đề môi trường sinh thái, hố bất công giữa người giàu và người nghèo, nước giàu và nước nghèo, vấn đề đạo đức về sinh mệnh..., thì câu chuyện truyền thống hay tôn giáo có lẽ chưa bao giờ thấy nhẹ hẫng như thế này. 
  

TẠM KẾT

Sau phần nghiên cứu lịch sử và địa lý (hai bài về Trung Quốc và Nhật Bản), để hoàn thành một công trình tổng hợp mang tên Từ Thiền Đến Zen: Văn Hóa Xã Hội Sử Thiền Tông, chúng tôi sẽ biên dịch thêm hai bài khác về văn hóa và xã hội của Thiền với nội dung như sau:

1) Văn hóa Thiền Tông Nhật Bản: tìm hiểu ảnh hưởng của thiền đối với văn hóa truyền thống Nhật Bản. Phần dẫn chứng sẽ có nhiều ví dụ cụ thể. 2) Thiền Tông và hiện đại: đề cập đến các chủ đề từ lý luận đến thực tiễn như thiền lý, thiền nghi, thiền hành, tổ chức giáo đoàn và vai trò của thiền trong xã hội hiện đại (Nhật Bản cũng như thế giới phương Tây).

Trong hai phần ấy, tuy vẫn tiếp tục sử dụng các chương cuối (phần 3) của cuốn Lịch Sử Thiền của giáo sư Ibuki Atsushi nhưng phải nhấn mạnh là các tác phẩm của lão sư Suzuki Daisetsu và những nhà nghiên cứu hậu bối mới là cơ sở chính yếu của việc biên dịch.

Nguyễn Nam Trân 
(trích từ Từ Thiền đến Zen: Văn hóa xã hội sử Thiền Tông)

Tư Liệu Tham Khảo 1) Đạo Uyển (Ban biên dịch), 1999, Từ Điển Phật Học, Nxb Tôn Giáo, Thành Phố Hồ Chí Minh (in thần thứ 2, 2006). 2) Einarsen, John, 2004, Zen and Kyoto, Uniplan xuất bản, Kyoto. 3) Hiromatsu Wataru chủ biên, 1988, Iwanami Tetsugaku Shisô Jiten (Từ Điển Tư Tưởng Triết Học Iwanami), Iwanami xuất bản. 4) Huh Nam-jin chủ biên, Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc Học Đại Học Quốc Gia Seoul và Đại Học Quốc Gia Việt Nam, 2005, Lịch Sử Hàn Quốc, Nhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Seoul, Seoul. 5) Ibuki Atsushi, 2001, Zen no Rekishi (Lịch sử Thiền), Hôzôkan, Kyôto, xuất bản. 6) Ômori Takashi chủ biên, 1992, Zen no Hon (Quyển sách về Thiền), Gakken, Tôkyô, xuất bản, ấn bản lần thứ 3 năm 1994. 7) Sueki Fumihiko, 1992, Nihon Bukkyôshi (Nhật Bản Phật giáo sử), Shinchô Bunko, Tôkyô, xuất bản. 8) Suzuki Setsuko chủ biên, 1999, Bairinguaru Nihonshi Nenbyô (Bilingual Chronology of Japanese History), Niên biểu song ngữ lịch sử Nhật Bản, Kodansha International, Tôkyô, bản in lần thứ 3 năm 2002. 9) Thông Thiền biên dịch, 2008, Từ Điển Thuật Ngữ Thiền Tông, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh. 10) Umehara Takeshi, 2009, Nihon Bukkyô wo yuku (Hành trình của Phật giáo Nhật Bản), Asahi Bunko Shinkan, Tôkyô xuất bản.

_____________

Chú thích: [1] - Khải địch: gợi mở, dẫn dắt, chỉ bảo. [2] - Năm 1910, mượn cớ có một kế hoạch ám sát Thiên Hoàng Meiji, nhà nước đã bắt và xử tử hình 12 nhân vật khuynh hướng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ trong đó có nhà văn Kôtoku Shuusui. [3] - Yoshino Sakuzô người tỉnh Miyagi miền Đông Bắc, con nhà buôn tơ sợi. Tốt nghiệp Luật Đại học Tôkyô năm. Tiểu luận tốt nghiệp viết về tư tưởng pháp lý của Hegel. Từ năm 1914 đến 1924, giữ chức giáo sư luật khoa cùng trường. Nghiên cứu về hiến pháp. [4] - Minobe Tatsukichi, nhà nghiên cứu pháp luật, người tỉnh Hyogo (gần Kobe bây giờ). Chuyên môn về luật hiến pháp và luật hành chánh. Giáo sư đại học Tôkyô. Chủ trương thiên hoàng chỉ đóng vai trò biểu tượng cho quốc gia và tranh cãi với Uesugi Shinkichi (Thượng Sam Thận Cát), người cho rằng thiên hoàng phải nắm thực quyền. [5] - Hara Takashi, chính trị gia và quan lại cao cấp từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, thành lập nội các chính đảng đầu tiên năm 1918. Được xem là một thủ tướng bình dân. Bị ám sát trước ga Tôkyô. [6] - Ám chỉ lực lượng lục quân Nhật Bản đồn trú Mãn Châu. Từ sau chận chiến tranh Nhật Nga, Nhật đã thành lập phủ đô đốc để cai quản Mãn Châu (1919) với quân đoàn làm chủ lực. Nó độc lập hẳn với lục quân. Bị tiêu diệt bởi Hồng Quân Liên Xô năm 1945 khi Nhật bại trận. [7] - Còn gọi là biến cố Goichigo (hay 5/15). Ngày 15 tháng 5 năm 1932, thủ tướng Inukai Tsuyoshi bị một nhóm sĩ quan hải quân trẻ ám sát bằng súng. Trước đó đã có nhiều vụ đảo chính và ám sát cũng do quân nhân gây ra từ năm 1930 trở đi. Bốn năm sau sẽ có biến cố Ni.niroku (2/26) tức 26/2/1936). [8] - Cuộc nổi dậy của 1500 lính lục quân có tư tưởng cực hữu ngày 26/2/1936, tấn công phủ Thủ Tướng, sát hai các đại thần, âm mưu đảo chánh để phục hồi vương quyền. Bị chính Thiên Hoàng Hirohito ra lệnh đàn áp và cuộc bạo động chấm dứt 3 ngày sau. Các người chủ mưu bị hành quyết.Tuy nhiên, nhân biến cố này, quân đội đã mượn cớ thanh trừng nội bộ để củng có quyền lực của mình dẫn đến chính quyền quân phiệt. [9] - Việc giáo sư đại học Kyôto là Takikawa Yukitoki (Trạch Xuyên Hạnh Thìn), một luật gia có tư tưởng tự do bị bãi chức và tác phẩm của ông nghiên cứu về hình luật bị cấm phát hành vì bị kết tội thân cộng. [10] - Việc giáo sư danh dự Đại học Tôkyô là Minobe Tatsukichi (Mỹ Nùng Bộ, Đạt Cát) , người giải thích rằng hiến pháp Meiji là một hiến pháp tự do dân chủ, xem thiên hoàng chỉ là một cơ quan nhà nước (tượng trưng cho quốc gia) chứ không thể cầm quyền. Bị giới cực hữu kết án là phản thiên hoàng, đưa đến việc ông phải từ chức ở Quí Tộc Viện (Thượng Nghị Viện). [11] - Ám chỉ Yanaihara Tadao (Thất Nội Nguyên, Trung Hùng, 1893-1961), giáo sư kinh tế Đại Học Tôkyô, đã lên tiếng chống chiến tranh Trung Nhật và từ chức. Ông là chuyên gia nghiên cứu về chính sách thực dân. [12] - Nguyên văn Jinmin Sensen, tổ chức phái tả chống Phát-xít, kết hợp nhiều đảng phái vào năm 1937. Bị chính phủ đường thời đàn áp, hơn 400 bị bắt giữ. Các đảng liên hệ phải giải tán. [13] - Việc Kawai Eijirô (Hà Hợp, Vinh Trị Lang, 1891-1944), giáo sư Đại học Tôkyô về khoa học hành chánh bị bãi chức về cấm phát hành các nghiên cứu của mình vì bị kết án là có lối suy nghĩ quá tự do. [14] - Liên quan đến sử gia Tsuda Sôkichi (Tân Điền, Tả Hữu Cát, 1873-1961), giáo sư Đại Học Waseda, một nhà nghiên cứu quyền uy về lịch sử tư tưởng Nhật Bản. [15] - Manji = chữ Vạn, chỉ nhà Phật. [16] - Vọng Nguyệt (Mochizuki) và Chức Điền (Oda) có lẽ là tên người chủ biên. [17] - Để giản dị hóa, sẽ không để lối đọc bằng tiếng Nhật của các tên sách kèm theo. [18] - Tsuji là một chữ Hán Nhật hay "quốc tự" do người Nhật tạo ra, có nghĩa là ngã tư đường. [19] - Đây là một cuộc tranh chấp thế lực giữa 2 phái phiệt trong quân đội Nhật. Phái Hoàng Đạo (Kôdôha, ra đời năm) chủ trương quân đội trực tiếp hành động dưới mệnh lệnh tối cao của thiên hoàng để thay đổi cơ cấu đát nước trong khi phái Thống Chế (Tôsei, ra đời khoảng 1932) chủ trương quân đội khi hành động phải liên kết với tài phiệt và quan liêu. Phái Hoàng Đạo thất bại trong cuộc chính biến Niniroku (26/02/1936) và bị phái Thống Chế đoạt hết binh quyền. [20] - Ui Hakujiu (Vũ Tỉnh Bá Thọ) là một học giả thực chứng về Phật giáo, tốt nghiệp Đại học Tôkyô và giáo sư Đại học Komazawa. Ông từng viết Nghiên Cứu Triết Học Ấn Độ và Phật Giáo Phàm Luận. [21] - Từ 1904, Nhật Bản đã can thiệp vào nội tình của Triều Tiên, đến năm 1910 thì thôn tính nước này và kéo dài sự cai trị cho đến ngày bại trận. [22] - Tính linh (seirei) có nghĩa "cái linh diệu trong tinh thần, tính tình" hay "tấm lòng". Chữ bắt nguồn từ Nhan Thị Gia Huấn. [23] - Nhật Bản Học Sĩ Hội là một cơ sở có qui chế danh dự như Hàn Lâm Viện, qui tụ những nhà nghiên cứu lỗi lạc, có công lớn, một lần được bầu vào là trở thành họi viên suốt đời. Trước thế chiến có tên là Đế Quốc Học Sĩ Viện. Số thành viên là 150, gồm 2 bộ phận: khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên [24] - Trung cổ ở đây dùng để tạm dịch chữ chuuse (trung thế) có nghĩa là thời kỳ từ thế kỷ 12 đến 16 ở Nhật. Trong khi đó, ở Âu Châu, trung cổ là giai đoạn từ thế kỷ thứ 4 đến 15.   

Về Menu

lịch sử thiền tông nhật bản chương 5 lich su thien tong nhat ban chuong 5 tin tuc phat giao hoc phat

尽一切恶得须陀洹 然后布施远离诸苦 末法时代 找到生命價值的書 永代供養の墓じまいの見積もり 04 phan 1 song giả 若我說天地 hieu 寺院数愛媛県 阿修羅 唐安琪丝妍社 既濟卦 cáo Mẹ 心经 Phật giáo Đồng Tháp tưởng niệm chư Ï voi bởi 一念心性 是 Chay 正觉教团 lá Ÿ 班禅额尔德尼 hóa thân của lạt ma yeshe Hòa Thượng Võ Ngộ Thông lễ mÙc î ï Tập Đà Nẵng Tưởng niệm lần thứ 35 ngày 阿宗白洛仁波切 Ngà 正法眼藏 dem nhac ve chon binh yen cua ca sy quach tan 这次不再错过的作文题目开头 释迦牟尼佛弟子遇到特异功能人士拜师求法 Trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ nhìn rõ lẽ thật 河南有专属的佛教 chua bach hao bát nhã về Ä á ƒ việt hien Các loại đậu không phải là thực phẩm luan nhung