Luật tạng là một nền văn học rất quan trọng trong đạo Bụt mà không mấy ai nắm vững. Trong giáo đoàn, những vị giỏi về kinh thì được gọi là Kinh sư (Sutra Master), những vị giỏi về luận thì gọi là Luận sư (Abhidharma Master), và các vị nắm vững về luật thì gọi là Luật sư (Vinaya Master).
Muốn nắm vững luật học trong đạo Bụt, ta phải học riêng về luật ít nhất là ba năm. Ở Việt Nam từ xưa tới nay, thời nào cũng có một số các vị tinh thông về Luật tạng.
Trước khi thị hiện Niết bàn, Bụt có nói rằng: "Sau khi tôi nhập diệt, giới luật sẽ thay tôi để làm thầy của quý vị, ở đâu có giới luật thì ở đó có tôi. Nếu tăng đoàn thực tập giới luật nghiêm chỉnh thì giáo pháp của tôi sẽ có thể ở lại với quý vị đời đời kiếp kiếp, nếu không, giáo pháp của tôi sẽ ở lại với quý vị rất ngắn". Do đó Luật tạng là một nền văn học mà người tu học và dựng tăng phải học để biết, dù chúng ta không muốn làm những nhà chuyên môn về luật học.
Giới và Luật
Hơn 20 năm sau ngày thành đạo, Bụt đã không đặt ra những giới luật nhất định cho tăng đoàn của Ngài, mà chỉ đưa ra những điều răn thích hợp mỗi khi cần đến. Luật tạng đạo Bụt ghi đầy đủ lý do tại sao và trong trường hợp nào Bụt đã đặt ra một giới, và mô tả rành mạch các nghi thức sám hối của Chư tăng.
Chúng ta có hai danh từ là giới và luật. Có khi chúng ta gọi chung là giới luật. Tuy nhiên giới hơi khác với luật.
Giới tiếng Phạn là Sila, mình phiên âm là Thi-la, có nghĩa là những hành vi, những tập quán, những đạo đức của mình, tiếng Anh có thể dịch là Precept hay Morality, ngày nay mình dịch là Mindfulness Trainings. Đó là những nguyên tắc, những điều khoản hướng dẫn cho mình đi đúng đường, bảo vệ cái an ninh, cái tự do của mình.
Luật tiếng phạn là Vinaya, mình phiên âm là Tỳ-nại-gia, gồm những hiến chế, những nguyên tắc, những pháp thức, những quy luật, quy phạm để mình có thể sống hài hòa, hạnh phúc và đúng theo giáo pháp. Những nguyên tắc sống chung để có an lạc, để có hòa hợp, để có thể thực tập được giáo pháp của Bụt, những nguyên tắc giúp cho mình vượt thắng những khó khăn, rắc rối v.v... Tất cả những vấn đề đó đều thuộc về luật.
Vì vậy giới cũng là luật, nhưng phạm vi của luật lớn hơn phạm vi của giới. Luật bao gồm nhiều lãnh vực hơn giới.
Nghiên cứu về luật học, chúng ta thấy trong cách sinh hoạt của tăng đoàn ngày xưa, có những phép tắc mà bây giờ chúng tacó thể áp dụng được vào trong cộng đồng quốc gia, hay cộng đồng gia đình, cộng đồng xã hội.
Ví dụ bảy phương pháp để giải quyết những tranh chấp ở trong tăng đoàn ngày xưa, ngày nay Liên Hiệp Quốc cũng có thể áp dụng được vào cách giải quyết những tranh chấp quốc tế. Trong gia đình, chúng ta cũng có thể học được những phương pháp như sám hối, hội nghị gia đình, tương tự như những thực tập ở Làng Mai.
Thật ra, luật pháp trong các nước tân tiến ngày nay cũng đã áp dụng những nguyên tắc đi tới quyết định của tăng đoàn của Bụt ngày xưa. Ví dụ trong các phiên tòa, người ta cũng cho triệu tập những người đại diện cộng đồng và lập nên một Bồi Thẩm Đoàn (Jurors) để làm quyết định của các vụ kiện. Trong các hình sự (criminal), luật pháp cũng cần 100% Jurors đồng ý về một quyết định, thì quyết định đó mới thành hình được. Trong tăng đoàn ngày xưa của Bụt, những quyết định quan trọng cũng đã cần 100% các thầy đồng ý thì quyết định đó mới thành hình.
Cố nhiên 2600 năm là một thời gian rất dài, cho nên có những điều không còn hợp thời nữa, nhưng trong Luật tạng có rất nhiều viên ngọc rất quý mà xã hội ngày nay có thể áp dụng sau khi đã chế biến cho hợp thời.
Văn hiến Luật tạng có thể gọi là Hiến pháp của tăng đoàn mà ta phải học công phu lắm mới nắm vững được. Trong một tăng đoàn, phải có những vị luật sư thì tăng đoàn đó mới có phẩm chất cao.
Túc Số Của Một Tăng Đoàn Xuất Gia
Theo luật của đạo Bụt, muốn được gọi là tăng đoàn, ít nhất phải có bốn người, và bốn người đó phải là bốn người đã thọ Upasampadã, ta gọi là Cụ túc giới, nghĩa là 250 giới khất sĩ. Đó là một tăng đoàn hợp pháp nhỏ nhất có thể được chính thức gọi là tăng đoàn. Cố nhiên, khi không có bốn vị khất sĩ trong chúng, ta vẫn có thể tu học được, nhưng nói về một tăng đoàn hợp với Luật tạng, thì phải có ít nhất là bốn vị khất sĩ.
Trên phương diện sinh hoạt, một tăng đoàn bốn người không được làm những công việc mà tăng đoàn năm người có quyền làm, ví dụ như tổ chức thọ Cụ túc giới, tổ chức lễ Tự tứ (Pravãranã) vào mỗi cuối mùa an cư v.v...
Thông thường thì một tăng đoàn gồm hai mươi khất sĩ là một tăng đoàn có thể làm được tất cả mọi điều theo luật định.
Cách Đạt Quyết Định Chung Trong Một Tăng Đoàn
Phương pháp để giải quyết tất cả các vấn đề trong tăng đoàn gọi là phương pháp Yết ma. Yết ma là phương pháp bầu phiếu và quyết định tập thể. Vì vậy, là người hướng dẫn chúng tu học, ta phải rất vững vàng trong nghệ thuật Yết ma, và phải giải quyết các vấn đề chung theo phương pháp Yết ma thì mới dễ thành công và nhẹ nhàng cho chúng tu học.
Yết ma tiếng Phạn là Karma, tiếng Trung hoa là Tác pháp biện sự, tiếng Anh là Taking action, Taking decision. Tất cả mọi quyết định trong một chúng tu học đều phát sinh từ Yết ma.
Luật tạng định nghĩa rằng: Yết ma là hành động, là nghiệp, là hành vi. Hành vi ở đây là hành vi tập thể chứ không phải là hành vi cá nhân, collective decision, collective action taken by the whole community.
Bài viết: "Luật Tạng và những nguyên tắc sống an lạc"
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Vườn hoa Phật giáo
Mỹ Ngân (Tuvien.com)