Nhân mùa Vu Lan, Tuần Việt Nam gửi tặng độc giả 2 khúc tạp văn nhỏ của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, như đôi lời sẻ chia, đồng cảm với suy tư của những kẻ làm con trong dịp lặng lòng nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Hai khúc tạp văn về mẹ - như một cành hoa hồng đỏ thắm mừng kẻ còn mẹ bên mình, riêng điều đó thôi đã là cả một niềm hạnh phúcđể nâng niu, cất giữ;hay cũng như một cành hoa trắng, sớt chia bớt nỗi niềm của những ai không còn mẹ bên mình...*****

Mùa Vu Lan, lắng lòng nhớ mẹ...

Nhân mùa Vu Lan, Tuần Việt Nam gửi tặng độc giả 2 khúc tạp văn nhỏ của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, như đôi lời sẻ chia, đồng cảm với suy tư của những kẻ làm con trong dịp lặng lòng nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha.
Hai khúc tạp văn về mẹ - như một cành hoa hồng đỏ thắm mừng kẻ còn mẹ bên mình, riêng điều đó thôi đã là cả một niềm hạnh phúc để nâng niu, cất giữ; hay cũng như một cành hoa trắng, sớt chia bớt nỗi niềm của những ai không còn mẹ bên mình...
*****

Mẹ giàu, mẹ nghèo (1)

Ban đầu, cô bạn dõi theo các cuộc thi viết về thầy, về mẹ, về gia đình, trường học… vì thích đọc những câu chuyện có thật, chân phương, cảm động. Cô thích những câu chữ còn vụng về nhưng tấm lòng người viết dịu dàng. Cô thích cái cách người ta thể hiện tình cảm, lời tri ân, sự tiếc nuối… bằng văn học, mềm mại và tinh tế biết bao. Cô bỗng phát hiện ra, mình cũng có những kỷ niệm như thế, những cảm xúc như thế như thế. Nên về sau, cô tìm đọc vì muốn coi người ta viết làm sao để… rút kinh nghiệm sáng tác bài dự thi.

Kinh nghiệm cô có được là câu chuyện nào cũng liên quan tới thời nghèo khó. Nhân vật để lại tình cảm, dấu ấn trong lòng người viết cũng… nghèo. Cô bạn hay gặp thầy giáo làng, hơi già, khó tính, nhưng thương học trò hết lòng, thấy những ngôi trường làng, vách lá bàn xiêu, gặp cảnh cả nhà nhường nhau củ khoai lùi, giề cơm cháy, con cá sặc kho. Và những bà mẹ thường gầy gò, tần tảo sớm trưa, mặc áo rách để nhường con tấm áo lành, nhịn ăn để dành cho con bữa sáng.

Cô bạn có một thắc mắc, “vậy những bà mẹ giàu không thương con sao?”.

Mẹ và con - Nguồn: channhu.com


Có chứ, mẹ nào mà không thương con, hết lòng vì con, hy sinh vì con. Nhưng sự thật là người đọc hiếm khi gặp nhân vật bà mẹ giàu có, no đủ. Cũng như hội văn bút xưa rày hay liếc xéo anh doanh nhân, dòm nghiêng ông quan chức, chỉ người nghèo, nông dân là được nhìn thẳng thắn, âu yếm.

Hôm đó quán cà phê vắng khách, tôi không trả lời, chỉ cười, biểu, “vậy thì bồ viết về bà mẹ giàu đi”.

Mắt cô bạn sáng rỡ, ờ hén, bài của tui sẽ lạ lắm đây, Ban giám khảo đọc chắc hết hồn. Để rồi vài bữa sau, gặp nhau, cô bạn tiu nghỉu, khó lắm, nhỏ ơi”.

Chúng tôi (tức tôi và cô bạn) biết bà mẹ giàu cũng thương con, như những bà mẹ nghèo. Nhưng viết rằng “sáng nào mẹ cũng dẫn tôi đi ăn ở quán bà Ba Bánh Tầm, mẹ gắp xíu mại cho tôi”, hay “biết tôi học khuya, mẹ khuấy cho tôi ly sửa hột gà béo ngậy”, hoặc “mẹ bấm bụng cho tôi đi học ở trường Quốc tế ở sài Gòn, để đêm đêm mẹ xót xa, thương con mình thui thủi”… không làm trái tim người đọc run rẩy.

Dù có làm theo mách bảo trên tờ báo nào đó, cách “cho con ký ức đẹp”, nhưng bà mẹ giàu cũng chỉ đơn điệu là trò chuyện, lắng nghe, để lại lời nhắn trên giấy, ôm ghì, tham khảo ý kiến của con… Những bà mẹ nghèo thể hiện tình thương nhọc nhằn hơn, người viết dễ sáng tạo, người đọc dễ mũi lòng hơn, thí dụ như bà chui vào bếp để luộc cho con mấy trứng chim vừa lượm được ở bờ sậy, bà lọ mọ móc sình nắn trâu, nắn máy cày, bà cõng con qua những đoạn đường bùn lầy để đến ông bác sỹ già, với cái ống chích lụt nhách.

Và cô bạn tôi cũng tham gia cũng thi “tự kể chuyện mình” bằng bà mẹ nhà… kế bên. Rất dễ dàng, như đám học trò bây giờ buộc phải tả về mẹ y trong… văn mẫu. Cô chỉ bồn chồn một lẽ, lỡ bài được đăng, cô cũng không dám khoe với mẹ mình. Bà sẽ buồn cho coi. Ở vậy sống vì con cả đời, quan tâm con từng chút một, vậy mà con gái lại đi vay mượn mẹ của người để nói tiếng thương yêu, chỉ vì mẹ ruột có… tiệm vàng. Cô chữa thẹn với tôi, cũng là trấn an mình, người ta cũng không hoàn toàn viết từ chuyện thật. Biết đâu, họ cũng vay mượn kỷ niệm nghèo khó của người đời.

Bà mẹ giàu có quyền buồn. Nhưng tôi bảo với cô bạn không sao đâu, tấm lòng hiếu kính của con đối với mẹ, không nhất thiết bày lên trang viết, không nhất thiết phải nói bằng lời. Là mẹ, ắt hiểu.

*****

Thuộc về má... (2)

Đưa má ra bến xe, giỏ xách đứt quai, đồ đạc đổ lủ khủ ra đường, hai má con nhặt nhạnh giữa những làn xe xuôi ngược. Chị càu nhàu, “trời đất ơi, má mang về làm chi mấy thứ này?”. Cái chị nói là những chai lọ rỗng đang nằm lăn lóc. Má chỉ cười, hối chị mau mau thu dọn, đừng có ngồi đó nhăn nhó như khỉ ăn gừng.

Ngồi sắp xếp lại đồ đạc bên vỉa hè, má mới nói, coi đồ bỏ vậy mà trong quê quý lắm, má đem về để chiết dầu hôi, nước mắm cho bà con trong xóm. Bất giác chị nhớ tới cái tiệm tạp hoá nhỏ nhà mình, nhớ những khách hàng chân dính bùn chỉ dám đứng ngoài sân, bồn chồn gọi vào, “bán con hai ngàn đường, năm trăm đá cục…”. Chị thấy cơn bực bội dịu xuống.

Nguồn: viettribune.com


Ngồi với má, lặng lẽ chèn những cái chai vào mấy giỏ xách chật cứng, chị nhận ra sự chu đáo của đứa em gái đang trọ học ở nhà mình. Em đã chuẩn bị cho má rất nhiều thứ. Những chai lọ là do em súc rửa. Và trong giỏ, như mọi khi là trà, xà bông, bột ngọt, thuốc lá, báo cũ, mớ củ cải muối nằm còng queo, những bộ quần áo trẻ con nhà chị đã mặc qua mà má nói đem cho mấy đứa nhỏ nghèo. Bỗng dưng chị thấy ngượng ngập.

Những thứ má cùm nụm cùm nịu mang về, một nửa là phế thải trong nhà chị. Một nửa, như bột ngọt, đã lâu không có trên kệ bếp, vì những khuyến cáo ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến trí nhớ. Thuốc lá ba chị hút, là loại không đầu lọc, rẻ tiền, khói thuốc vo tròn những cơn ho khan rát ngực. Những cái bánh bột đậu ba má chị hay ăn trong lúc uống trà, cũng đã lâu chị chẳng mua về, bởi trẻ chê không ngon.

Những gì chị từ bỏ, má lại nâng niu. Nhà thay ti vi mới, chị gởi cái cũ về, má mừng nói hồi nào giờ mới thấy Lệ Thuỷ đánh má hồng, tô son môi. Nhà chị lót gạch mới, ba chạy xuồng máy ra chở gạch cũ về lót đường đi, vạt giường cũ đóng vách chuồng gà. Xấp báo mang về từ gầm tủ nhà chị, má nhen lửa, má gói hàng cho khách.

Những bữa chị về ghé qua bếp, thấy ơ cá kho mặn quắt, má kho bằng loại nước mắm giá chỉ vài ba ngàn một lít, má cũng biết đó chỉ là nước muối nhưng má cười, “xóm mình cũng ăn như nhà mình…”.

Cũng những bữa canh rau suông đậm bột ngọt để nuốt xuôi cơm cháy, để giả vờ cái vị ngọt của thịt mà vì chợ xa, vì nghèo… lâu lâu mới hiện diện trong mâm cơm một lần. Cũng những chai nước đường thêm thắt chút vị coca mà đứa trẻ năm tuổi thành phố đã biết nguây nguẩy từ chối. Cũng những chai (giống như) nước tương cáu cặn không xuất xứ, không hạn dùng.

Thành phố xem chúng là rác. Má biết điều đó, thậm chí chị đã chỉ cho má cách từ bỏ chúng. Nhưng má chỉ cười buồn, tiền nào của nấy, và người nào thì tiền nấy. Ở quê, mua món gì là người ta cầm mấy giạ lúa đi mua, nên tiền nặng lắm… Người đời luôn có những khoảng cách, không bao giờ có công bằng, chị biết. Nhưng chị đã không nghĩ tới, ranh giới đó cũng tồn tại giữa chị và má, và bà con họ hàng quê xứ.

Giờ thì khoảng cách đó rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngồi chờ xe lăn bánh, cạnh má và mấy giỏ xách lỉnh kỉnh, giữa những hành khách nhếch nhác mệt mỏi khác, chị nhìn chiếc xe chút nữa đây sẽ đưa má về quê, nó cũ nát, gỉ sét, nóng hập và loang lổ bụi. Chiếc xe có cánh cửa sắp rơi ra và một mảng kính rạn nứt này sau khi mỏi mòn chạy trên những quốc lộ liên tỉnh, người ta mới đem nó về những con đường huyện lỵ heo hút. Và má, những người dân quê má vẫn lấy làm hạnh phúc chen chúc đi về.

Trên chuyến xe xốc xếch đó, có bà mẹ trẻ đang ngồi cạnh chị đây, đang nâng niu xếp ra xếp vào mấy gói kẹo sặc sỡ phẩm màu, chắc chắn cũng rất đậm đà vị ngọt của đường hoá học. Nhưng dù chúng được làm bằng gì thì chúng cũng được chào đón bằng tất cả nỗi vui mừng, chờ đợi, thèm thuồng của những đứa trẻ ở nhà. Chúng cũng ngọt lịm cả một ký ức, mỗi khi nhớ lại, như chị nhớ lại tuổi thơ mình.

Những viên kẹo đã từng ám ảnh chị, giờ đã thuộc về má, làng quê của má, thế giới của má. Xa xôi…

Nguyễn Ngọc Tư (Tuần Vietnam )

Chú thích: (1): Trích từ sách Tạp văn - Ngày mai của những ngày mai (Nguyễn Ngọc Tư, NXB Phụ Nữ, 2007) (2): Đã đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, T8/2008


Về Menu

Mùa Vu Lan, lắng lòng nhớ mẹ...

L廕 phong sinh yeu men tu do duc phat nhap the do sanh nhuy หลวงป แสง Nét chữ của mẹ tôi pháp sư tịnh không súp Viết cho cha hoang mot long voi phap 21 tiến trình phổ quát tổ ưu tức giận và chịu đựng Nói với chính mình để có ngó làm sao gặp phật tá bá tieng chuong nhu loi phat Gặp Giác Ngộ tôi đã đổi nghề 慈恩传 敕命玄奘法師充任上座 y nghia ve truc quan Sáu công dụng trị bệnh của lý Lá thư chưa dám gửi mẹ yêu phẠt binh di cua ht thich tri tinh cong duc nghe phap suy ngam ve loi phat day qua cuoc doi bac si Lễ tưởng niệm húy nhật Đức Đệ bai hoc tu cay nhang ăn Lịch Tết nhớ Tết Chưa đại bi dung voi vang so sanh nguoi khac chùa thiên phú Tia hy vọng cho những người bị hói Người trong lòng tay Phật Phật ngọc Dâng trào lòng kính ngưỡng cây khô héo mới là tốthay xanh tươi Phật giáo Thể dục dưỡng sinh muốn sinh phải Các thói quen nơi công sở có hại cho lãi hay song cho het minh vi cuoc doi nay rat mong chung con xin chao thay Trang nghiêm lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông hương đức hạnh Chấp tay nguyện cầu đức Phật đản gói