̀ bài học cốt tủy và nằm lòng không những cho tín đồ mà là ngọn hải đăng soi bóng cho hành giả, chư Tăng đang lặn hụp trong bể khổ sanh tử. Quên nhân quả như con cá quên ngậm miệng để phải bị vướng lưỡi câu Danh-Lợi-Tình trong cuộc sống.
"Ngay cả con cá cũng không biết ngậm miệng"
Đó là câu châm ngôn của cư dân trên xứ đa tôn giáo tại Ấn và Nepal. 95% dân chúng đều có tín ngưỡng, dù tín ngưỡng Thần giáo hay tâm linh đều tin vào "nhân quả". Vì thế những lời dạy của các giáo chủ đều mang tính đạo đức tích cực. Nếu có một vài hiện tượng lợi dụng tôn giáo, thì chỉ để sống qua ngày chứ không phải để hưởng thụ như tại Việt Nam. Họ cũng sống đơn thuần từ thể chất đến tâm hồn. Tuy dân rất nghèo, họ vẫn giữ được phẩm chất của tín đồ một tôn giáo. Chính phủ thì giàu, cán bộ tham nhũng công khai, trong khi nhiều Bang trong nước phải nhờ ngoại kiều hỗ trợ đóng giếng, lập trường học và phát cháo từ thiện mỗi khi có đoàn của Việt Nam đến viếng ở "khổ hạnh lâm".
Dù vậy, họ vẫn có cuộc sống thanh thản. Các đền thờ dát vàng nạm ngọc trong khi cuộc sống của họ đôi lúc thiếu ăn. Thời tiết nóng xấp xỉ 50 độ hay lạnh chạm ngưỡng 10 độ C, dân nghèo chết khá nhiều, nhất là người già và trẻ em. Thế nhưng phần đông họ vẫn giữ được hạnh thanh bạch, không trộm cướp. Thỉnh thoảng xẩy ra vài vụ hãm hiếp giết người là những thành phần vô tôn giáo.
* * *
Trong những bài giảng của các minh sư, họ thường lấy câu: "ngay cả con cá cũng không biết ngậm miệng", ý nói cũng như con cá mắc câu vì không biết ngậm miệng. Con người cũng thế, do tham lam, bon chen, hám lợi mà mắc phải lưỡi câu Nhân Quả. Những tín đồ ngoan đạo, thường xuyên được các đạo sư khuyên răn sống biết đủ, không bon chen danh lợi không bị cám dỗ bởi những tiêu cực trong cuộc sống.
Phật giáo là một trong những tôn giáo phát sinh tại Ấn, thừa hưởng tư tưởng đạo đức của minh sư tâm linh cổ đại, có chọn lọc với sự minh triết. Đức Phật chấp nhận những học thuyết thực lý có khả năng giúp hành giả tiến đến giải thoát, đồng thời, ngài chế ra giới luật tương thích với điều kiện thực tế. Chính nhờ thế mà Tăng đoàn đương thời thành đạt phần lớn trên con đường tu tập giải thoát.
Vả lại, nếp sống bấy giờ chưa được phát triển kinh tế và tiện nghi vật chất. Ngày nay, Phật giáo có mặt hầu hết các quốc gia. Những quốc gia chịu ảnh hưởng Nam truyền, phần lớn chư Tăng đi vào nề nếp với cuộc sống thanh tịnh. Tuy nhiên cũng có 1% tu sĩ vượt ngoài quy phạm, điều nầy dễ hiểu, ngay thời sanh tiền mà trong giáo đoàn của Phật cũng có những vị phạm giới để từ đó Phật chế định luật giới.
Nhờ tính thủ cựu mà chư Tăng Nam truyền còn giữ Tăng phong đạo cách. Ngược lại với tinh thần hội nhập tùy cơ mà Phật giáo Bắc Truyền có phần lỏng lẻo, nhưng truyền bá rộng rãi hơn Nam truyền. Ngày nay trên thế giới biết đến Phật giáo do tư tưởng Bắc truyền, trong đó có cả Kim Cang thừa. Nói thế, không phải Phật giáo Bắc truyền đều bị thả lỏng.
Bằng cớ Nhật Bản, Đài Loan... tu sĩ khá nghiêm túc, mặc dù có những tổ chức sinh hoạt xã hội như NS. Chứng Nghiêm của Hội Từ tế - Đài Loan, điều hành các cơ sở từ thiện trên 30 quốc gia mà vẫn không bị tai tiếng, tu sĩ hay nhân sự của hội cũng không hề mất tác phong hay lạm dụng quyền lợi riêng tư. Một Ni sư đã hơn 81 tuổi, điều hành hội Từ Tế trên 51 năm là việc hy hữu của một Ni giới. Và còn nhiều tổ chức Phật giáo Bắc tông, từ sự tu tập đến sinh hoạt xã hội vẫn gây một ấn tượng đẹp cho cộng đồng.
Như vậy không thể bảo rằng do Phật giáo Nam truyền mới giữ được uy tín vì đạo phong. Thế tại sao chư Tăng Phật giáo Việt Nam đã bị khá nhiều tai tiếng trên các phương tiện truyền thông?
Những tai tiếng trên các trang mạng chỉ là hiện tượng cá thể của một số tu sĩ trẻ thiếu sự giáo dục từ thầy tổ, tông môn, hoặc do một số giả sư để kiếm sống mà không biết giữ uy tín cho tập thể mình đang mượn đất để sống, nghĩa là không biết "ăn cây nào rào cây nấy". Thành phần nầy tuy làm tai tiếng cho Phật giáo, nhưng cũng chưa đáng ngại. Đáng ngại nhất là những tu sĩ thực thụ, đang làm mục rữa ngôi nhà Phật giáo mà các trang mạng không hề phát hiện.
Gần đây trên các trang Facebook rộ lên liên tiếp về hành vi của một nhân vật mang hình thức tu sĩ, có đông đảo quần chúng, có thế lực, cấu kết với nhiều chức sắc để thao túng Phật giáo từ lâu. Gần đây nhất, tai tiếng vụ cầu siêu tại núi Dinh -Bà Rịa Vũng Tàu, rồi vụ Đại Hồng Chung do ông Nguyễn Thiện Nhân cúng dường, khắc những câu kệ phản cảm. Chưa xong, lại vụ thả cá Chim trắng độc hại, bị báo chí phanh phui, được thế lực đứng sau làm cho chìm xuồng. Rồi lại vận động để vụ phá 50.000m2 rừng phòng hộ do Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thanh tra, phải hủy và còn bị buộc cấp đất có sổ hồng cho đương sự, vi phạm luật bảo vệ rừng phòng hộ một cách trắng trợn. Mặt nổi là thế.
Trong cơ chế Phật giáo hiện nay, tu sĩ gặp nhiều khó khăn ở một số Ban Trị sự địa phương khi mà kẻ nắm quyền trong BTS, nghĩ mình có quyền sinh sát với mục đích chỉ để thủ lợi. Việc chạy chức chạy quyền là "chuyện thường ngày ở huyện". Ngay cả giáo phẩm, từ ĐĐ chạy lên TT, từ TT chạy lên HT vượt qua quy định của Hiến chương và Nội quy Tăng sự. Còn chạy theo bằng cấp mà thực học và thực lực không có.
Nhóm lợi ích cũng hình thành khá sớm trong mọi địa phương; vì thế, một số BTS gặp lắm trở ngại mỗi khi đại hội công cử nhân sự. Tóm lại, tình trạng nhiêu khê hiện nay trong Phật giáo Việt Nam, ai là người chịu trách nhiệm? Đồng ý tổ chức nào cũng có vài thành phần "vượt tuyến", hiện nay PGVN không chỉ là vài thành phần mà đa phần, không còn gọi là "vượt tuyến" mà là "lấn tuyến" để vươn lên.
Từ thư ký hoặc phó BTS cấp Huyện cũng đã trở thành hung thần đối với Tăng Ni trong khu vực. Cái y áo mão hậu chỉ là vẻ hào nhoáng cho tín đồ lễ bái, thực chất là che đậy lắm mưu đồ bất hảo từ bên trong. Mọi mặt sinh hoạt trong GH đều ẩn chứa nhiều điều bất cập do những chức sắc lạm quyền. Cái khổ cho Tăng Ni không được thầy đỡ đầu hay là y chỉ một vị trong BTS, họ là học sinh tay trắng phải gánh chịu lắm gian nan, như trời mưa đất phải chịu.
Tăng Ni là những nạn nhân thay vì được các chức sắc giúp đỡ, trong khi chính quyền không gây khó. Ví dụ lễ Phật Đản, nhà nước không cấm treo cờ, thế mà một vài Giáo Hội địa phương ngăn cấm treo ngoài khuông viên chùa, chỉ mục đích lập công lấy điểm mà họ không hiểu làm như thế chính quyền địa phương khỏi tai tiếng mà lại cười mũi cho sự năng nổ lố bịch.
Một số giáo phẩm chân tu, họ rút lui ẩn mật trong am tự viện, không tham gia vào bất cứ chức sự nào trong BTS. Vẫn còn những bậc chân tu như thế làm điểm tựa cho tín đồ bị mất phương hướng hiện nay. Tuy nhiên, cũng còn vài tu sĩ trẻ thực tài, thực học thể hiện tính sáng tạo và giữ được Tăng phong đạo cách khi nắm những chức vụ trong GH nhưng không nhiều. Ngoại trừ đa số giáo thọ sư tốt nghiệp nước ngoài về làm tốt chức năng sư phạm và mô phạm.
* * *
Nhân quả là bài học cốt tủy và nằm lòng không những cho tín đồ mà là ngọn hải đăng soi bóng cho hành giả, chư Tăng đang lặn hụp trong bể khổ sanh tử. Quên nhân quả như con cá quên ngậm miệng để phải bị vướng lưỡi câu Danh-Lợi-Tình trong cuộc sống. Tổ Qui Sơn đã dạy trong Qui Sơn Cảnh sách:
“Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội. Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế. Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô; ngạn thọ, tỉnh đằng, khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến nhiên không quá?”.
Dịch:
Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân, tức chưa khỏi khổ lụy về thân. Bẩm thụ tinh cha huyết mẹ, tạm mượn các duyên hợp thành. Tuy nhờ tứ đại giữ gìn, nhưng chúng thường trái nghịch. Vô thường, già, bịnh chẳng hẹn cùng người. Sáng còn tối mất, chỉ trong khoảng sát na đã qua đời khác. Ví như sương mùa xuân, mốc sáng sớm, phút chốc liền tan. Cây bên bờ vực, dây trong miệng giếng há được lâu bền. Niệm niệm qua nhanh, chỉ trong khoảng sát na, chuyển hơi thở đã là đời sau, sao lại an nhiên để ngày tháng trôi suông vô ích?
“Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.
Dịch:
Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền trả 4 ân, cứu giúp 3 cõi.
Đấy là tâm nguyện của bậc thượng trí khi khoác chiếc áo Giải Thoát. Chư tổ đã ý thức như thế thì làm sao mắc dính lưỡi câu danh lợi! Người tu tiếp bước bởi "truyền đăng tục diệm" của tiền nhân há lại là con cá không biết ngậm miệng để bị mắc câu mà đọa vào tam đồ ác đạo???
Minh Mẫn - Vườn hoa Phật giáo
Thanh Vân (Tuvien.com)