Ngày xuân đọc "Nguyện cầu" của Vũ Hoàng Chương
Khi nhận xét về Vũ Hoàng Chương - “thi bá thế kỷ 20 của Việt Nam”, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh-Hoài Chân đã viết: "...Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào-xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ nhân những thứ say mới nhập-cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng...”.
Tiếc là… ngoài những lời đánh giá chân tình trên, những thông tin về cuộc đời và thi nghiệp của ông thì quá ít. Dường như người ta chỉ nhắc tới tên tuổi ông bởi những vần thơ say “lạ lẫm” và nhớ nghĩ đến ông nhiều nhất có lẽ ở hai câu thơ trong bài “Đời vắng em rồi” trong tập thơ “Mây”:
“Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai!”
Nhưng những ai đã từng đọc Vũ Hoàng Chương đều có cùng nhận định rằng nhiều năm về sau, thơ ông không say men rượu nữa, mà say trong lẽ huyền vi, say trong cõi Thiền. Đọc “Nguyện cầu” hẳn chúng ta nhận ra điều đó:
“Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về.
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.
Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.
Thật vậy! Nếu như ở bài Phương xa trong tập “Thơ say” xuất bản năm 1940 chúng ta thấy một Vũ Hoàng Chương lạc loài, cô đơn khi ông viết, “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh / Bể vô tận sá gì phương hướng nữa / Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh / Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ / Một đôi người u uất nỗi chơ vơ / Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị / Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ”, thì mười mấy năm sau, khi ông xuất bản tập thơ thứ ba là “Rừng phong” thì ở bài “Nguyện cầu” đã cho ta thấy một Vũ Hoàng Chương rất khác, có hoài bão, có định hướng.
“Nguyện cầu” là thi phẩm đầu tiên trong tập thơ “Rừng phong” xuất bản năm 1954. Mở đầu bài thơ, tác giả viết: “Ta còn để lại gì không?” Ai để lại? Để lại cái gì? Và để lại cho ai? Ở đây, tác giả tự đặt câu hỏi cho chính mình mà thật ra đã là lời khẳng định bởi tác giả không cần lời giải đáp. Mà hình như tư tưởng muốn để lại một cái gì đó cho đời là suy nghĩ chung của những tri thức Á Đông kim cổ.
Như trong bài Nợ tang bồng, Nguyễn Công Trứ đã viết: “Đã mang thân ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”. Hay như câu “Trót sinh ra thời phải có cái chi chi” trong bài “Làm cho tỏ mặt nam nhi” của ông.
Thành ra, cái mong muốn “để lại gì” của Vũ Hoàng Chương hẳn theo mô típ của thơ xưa. Nên khi người ta nói Vũ Hoàng Chương là “người cũ trong thơ mới” thiệt không ngoa chút nào!
Những ai yêu thơ Vũ Hoàng Chương chắc biết, lúc trẻ Vũ Hoàng Chương có tiếng ăn chơi say sưa. Và vì vậy nên “nhà thơ đại gia” phải sống một cuộc sống rất nghèo. Nghèo đến nỗi không tậu được một mái nhà mà suốt đời chỉ toàn ở nhà thuê. Dẫu vậy, nguồn thơ không hề “nghèo” chút nào hết, trái lại, càng lúc thơ ông càng ngào ngạt sắc hương.
Thế thì ngoài thơ ra ông còn muốn để lại gì khác nữa? Thiên hạ muốn để lại nhà cửa, tài sản, tiếng tăm, danh vọng… nhưng với những người nặng nghiệp thi nhân như ông thì sao? Tất cả những lợi danh chỉ là phù phiếm. Cuối cùng thì chỉ có thơ và thơ, là chính cõi lòng tha thiết với cuộc đời của văn nhân thi sĩ mà thôi. Hay nói như nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi / Chỉ có tình thương để lại đời”.
Trong câu thứ hai: “Kìa non đá lở, nọ sông cát bồi” tác giả nhắc lại hình ảnh “thương hải tang điền”, bãi biển hóa nương dâu vốn là quy luật của cuộc đời. Đây cũng chính là nói lên một chân lý bất di bất dịch rằng muôn sự muôn vật trên thế gian đều chịu sự chi phối của vô thường, không có gì là vĩnh cửu. Quả như trong Kinh Bát Đại Nhơn Giác, đức Thế Tôn đã dạy: “Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn gốc việc ác, thân là rừng nghiệp tội; nếu quán sát như thế, lần lần lìa sanh tử”. Đó là cái thấy vô thường rốt ráo của một bậc Giác giả. Cái nhìn thấu triệt vạn pháp hữu vi trên hai mặt khách quan và chủ quan, cũng được hiểu là tích cực và tiêu cực. Từ ảnh hưởng cái nhìn của Phật giáo, trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều cũng đã kêu lên: “Phong trần đến cả sơn khê / Tang thương đến cả hoa kia cỏ này".
Tiếp theo ở hai câu: “Lang thang từ độ luân hồi/U minh nẻo trước, xa xôi dặm về”, tác giả như đã tự nhìn lại kiếp sống của chính mình, rằng cái chuyện phiêu linh, lang bạt của đời này vốn dĩ đeo mang từ quá khứ. Cho nên, phía trước mờ mờ ảo ảo không có lối ra mà nẻo về cố hương lại cách xa vời vợi. Ở đây, chữ “luân hồi” có nghĩa là trôi nổi, xoay vòng như bánh xe. Còn “u minh” là tối tăm, mù mịt. Than ôi! Mải mê đeo đuổi theo cảnh đời giả tạm mà cứ ngỡ là chắc thật tự bấy giờ rồi nên trước mặt tối tăm, chỉ thấy toàn là sương giăng khói phủ, ảm đảm mịt mù không hướng đi, không lối thoát. Thật y như trong Văn cảnh sách của ngài Qui Sơn Linh Hựu đã chỉ điểm vậy: “Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng”, nghĩa là con đường phía trước mịt mờ mà mình chưa biết phải về đâu?
Với tác giả, ông từng nhận mình là một “trích tiên”, vì lạc bước đường vui mà ở trần gian mãi đến giờ. Và ông muốn trở về chỗ của ông, là quê cũ, là cõi tiên, là thiên giới… hay là chính nơi của chính ông để tìm quên những ngao ngán cuộc đời.
Lúc này, nếu như ông đã được học Phật và tu Phật kỹ càng thì chắc ông sẽ không đòi về đâu hết bởi với một con người siêu xuất như ông hẳn biết rằng “dặm về” không ở đâu xa mà ở nơi trái tim tỉnh thức, trong cõi lòng bình an, ngay giữa cuộc đời này, bây giờ và ở đây. Thiền sư Nhất Hạnh có nói: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ / Làm người một kiếp cũng như không”. Dĩ nhiên, muốn được như vậy thì phải có công phu tu tập, dụng tâm quán chiếu mỗi ngày trong từng giây phút. Khi đó sẽ nhận ra “Tịnh độ là đây, đây là Tịnh độ”. Tịnh độ ở ngay nơi cõi đời này, ngay nơi thân tâm của mọi con người chúng ta.
Nhưng ở đây, vì còn quờ quạng trên nẻo đi đường về nên ông đã tự thán:
“Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chóp, bốn bề một phương”.
Mê tức là vô minh. Hoặc tức là phiền não. Những cái vô minh phiền não làm cho chúng ta tối tăm mặt mũi không thấy lối ra. Huống chi ở đây là “bến hoặc bờ mê” thì thử hỏi đâu là bến an vui, bờ giải thoát? “Biển khổ mênh mông sóng ngút trời / Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi / Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió / Nghoảnh lại cùng trong bể khổ thôi”. Nhưng nói vậy là ta đã bị bế tắc rồi sao? Ồ, không! Trong nhà Phật có câu: “Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn”, nghĩa là biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ. Bờ thanh lương, bờ giác ngộ. Và chỉ cần một cái “biết”-tỉnh thôi thì tức khắc sẽ thấy rằng “phiền não tức bồ đề”, Ta bà là Tịnh độ.
Thế nên, để chuyển hóa dòng tâm thức, hoán cải những buồn vui, thương ghét, sướng khổ… không gì hơn trong mọi lúc mọi nơi phải luôn chánh niệm tỉnh giác. Rồi khi trong tâm thông suốt thì mọi thứ ắt sẽ thông. Và lúc đó cũng sẽ dễ dàng nhận ra tính duyên khởi của vạn pháp.
Tác giả dường như cũng đạt được cái thấy duyên sinh này nên mới viết câu “Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương”. Nghìn thu là chỉ cho khoảng thời gian một nghìn năm. Nửa chớp là khoảng thời gian cực kỳ nhanh. Ồ, một cái chớp mắt, một cái khảy móng tai, một cái tít tắc đồng hồ được coi là quá xá nhanh rồi, vậy mà với ông thì nghìn thu chỉ bằng nửa tia chớp mà thôi!
Còn về mặt không gian thì sao? Ông nói “Bốn bề một phương”. Ô hay! Trời đất tuy bao la rộng lớn nhưng với cái nhìn tương tức thì một hạt bụi đã chứa đựng cả đất trời rồi. Thiền sư Khánh Hỷ (1067 - 1142) ở Việt Nam, vào thời Lý, nhìn trong hạt cải và đầu sợi lông thấy cả một vũ trụ huy hoàng: “Càn khôn tận thị mao đầu thượng / Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung" (Cả càn khôn ở trên đầu một sợi lông / Cả nhật nguyệt chứa trong lòng hạt cải).
Kế tiếp ông bộc bạch:
“Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này”.
Việc Vũ Hoàng Chương tự xem mình như một vị trích tiên thì cũng không có gì là lạ. Vì trong thơ ca Phương đông, các thi nhân như Lý Bạch (Trung Quốc), Tản Đà (Việt Nam) đã từng coi mình là một trích tiên. Vâng! Một trích tiên thường chẳng bao giờ muốn vướng bận vào chuyện đời, vào cõi bụi bặm. Và với tác giả, ông như vượt thoát ra ngoài phạm trù đối đãi có-không nên chẳng muốn vướng vào bất cứ việc gì nơi cõi nhân gian này cho dù là đẹp hay không đẹp, là nhơ hay sạch. Ông nghĩ mình trong sạch nên không muốn dính dấp với trần đời. Thế nên, ông như muốn tách biệt mình khỏi cuộc đời. Ông và đời không liên hệ gì nhau.
Thực tế, dù tác giả có “van” xin, khẩn cầu hay sợ hãi thói đời đen bạc, thì vẫn không sao không vướng víu với đời được. Bởi lẽ, khi sinh ra trên cõi đời này, con người vốn đã từng là nợ nần, gieo duyên kết nghiệp với nhau nên không thể nào sống đơn lẻ bất cần đời được. Trong một bài thơ của Tố Hữu có mấy câu như vầy: “Một vì sao chẳng sáng đêm / Một thân lúa chín chẳng nên mùa màng / Một người đâu phải nhân gian / Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi”.
Còn Vũ Hoàng Chương thì sao? Ông ngán ngẫm, chán chường cuộc đời, không muốn dính mắc vào những hệ lụy, buộc ràng thế sự âu cũng vì ông muốn “Để ta tròn một kiếp say”. Kiếp say là kiếp của thi sĩ họ Vũ này. Có lẽ vì thế mà tập thơ đầu tiên của ông xuất bản chính là tập “Thơ say”. Và ông say nhiều thứ: rượu, thuốc phiện, ả đào, khiêu vũ... Những cái say này cũng chỉ để tìm nguồn cảm hứng cho thơ theo cái "mốt" của thời đại bấy giờ. Nhưng thi nhân say đủ thứ cũng chỉ quy về một mối, đó là say thơ. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cũng từng thố lộ niềm say của mình: “Còn gặp nhau thì hãy cứ say / Say tình say nghĩa bấy lâu nay / Say thơ, say nhạc, say bè bạn / Quên cả không gian lẫn tháng ngày”.
Với thi sĩ họ Vũ, “để tròn một kiếp say” thì phải “cao xanh liều một cánh tay níu trời”. Cao xanh, đó chính là chốn đi về, là quê hương đích thực của tác giả. Cho nên, tuy chân giẫm đạp trên mảnh đất trần gian mà tâm hồn cứ luôn hướng về cố quận. Phải chăng vì cõi đời này quá ư phiền lụy, danh-lợi-tình cứ đeo bám quấn lấy con người khiến phát sanh biết bao điều cay đắng trong cuộc sống? Giống như những người vì chán ghét Ta bà mong manh giả tạm, chỉ toàn là buồn đau sầu khổ nên một lòng hướng về cõi Tịnh độ nhàn vui. Và tác giả cũng muốn được trút bỏ mọi hệ phược cuộc đời nên mới tự mình làm kẻ ngoài cuộc:
“Nói chi thua được với đời
Ngại chi những tiếng ma cười đêm sâu”.
Đời là một ván cờ, con người cứ tranh đấu mãi nào ai muốn thua ai! Thấy thế, ta không muốn dính mắc vào. Ta không muốn bon chen trong cuộc đua của được - mất, hơn - thua, thành - bại… bởi ta đã thấy được rằng: “Mùi phú quí nhử làng xa mã / Bả vinh hoa lừa gã công khanh / Giấc Nam Kha khéo bất tình / Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”[1]. Ta đã quá chán ngán cuộc đời trắng đen thật giả này rồi. Ta chỉ muốn làm người đứng ngoài cuộc tranh chấp đảo điên. Nhưng khổ nỗi, vì trót sinh ra giữa chốn bụi hồng này nên dẫu không muốn dính líu tới chuyện thắng thua, không muốn dang díu với loài ranh ma quỷ quyệt thì cũng phải ngậm ngùi thân cận, sống chung, làm hòa mà không đồng với chúng. Muốn vượt thoát, muốn trốn chạy, không cách nào hơn là ta-thi sĩ họ Vũ- chỉ biết dâng lời cầu nguyện:
“Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằn dặc ta cầu đó thôi”.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng khẳng định: “Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người”. Nhưng quê hương của tác giả chính là tiên giới kia mà! Ô hay! Người ta làm thơ, viết văn, soạn nhạc cũng chỉ mong bộc bạch tấm chân tình và bày tỏ những khúc nôi, gởi gắm lòng mình y như dâng lên một lời cầu nguyện vậy. Và tác giả cũng thế. Vì đêm ngày nhớ quê, vì sớm hôm trông mong về chốn cũ nên tác giả mới đánh tiếng “nguyện cầu”. Cũng như người mới tu Tịnh độ, dốc lòng niệm Phật A Di Đà cũng chỉ để khi mãn phần được sanh về cõi Tây phương Cực lạc. Bởi nơi đó mới đích thực là chân quê.
Tác giả cũng có tâm trạng này, nên thừa biết:
“Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian”.
Điều này hiển nhiên, “sanh ký tử quy” mà! Thế gian chỉ là quán trọ mà con người là kẻ lữ hành, ghé chơi một chút rồi phải trở về chốn của mình. Và nay mai tác giả sẽ trở về thiên giới, bởi ông là trích tiên. Ngôi tiên vẫn chờ đợi một ngày nào đó ông mỏi gót phiêu linh cất bước trở về. Khi đó, theo ông, ắt hẳn “hồn thơ mới hết luân hồi”, mới thôi rong ruổi. Do đó, hãy về đi thôi. Về để sống lại với con người thật của mình. Hay nói như Trịnh Công Sơn “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Hãy về thôi. "Về quê rồi tình nghĩa thiếu chi”, Hòa thượng Thanh Từ khuyên như vậy.
Và tác giả đã nhận ra:
“Một khi đã tắt cung đàn
Kể chi còn mất hơi tàn thanh âm”.
Ông nói, đã làm xong phận sự rồi, đã tròn trách nhiệm rồi thì phải trở lại ngôi vị cũ của mình, không có gì phải luyến lưu, vương vấn cả. Như cung đàn đã tắt nhịp rồi thì âm thanh cũng chấm dứt. Khi nghiệp dĩ thi ca đã hết thì suối thơ cũng cạn dòng. Đó là quy luật, đâu cần bận tâm việc còn - mất chi cho mệt mình. Như ông, đâu cần phải nhọc công lo lắng sẽ để lại cái gì cho đời, bởi có muốn cũng không được. Tất cả vạn vật đều tuân theo chuỗi nhân duyên sinh diệt, thành trụ hoại không. Ngài Từ Đạo Hạnh đã từng mở lối: “Có thì có tự mảy may / Không thì cả thế gian này cũng không / Kìa xem bóng nguyệt lòng sông / Ai hay không có, có không là gì ?”
Một nhà nghệ sĩ như ông thì cũng thế. Đâu cần quan tâm chi chuyện khen-chê, hay-dỡ, còn-mất của thơ mình. Ông đến với cuộc đời, góp mặt cùng cuộc vui trần thế cũng chỉ để thi hành trách vụ của mình là làm thơ để dâng tặng cho đời. Ồ! Thì cũng giống như các vị thiền sư, đến với cuộc đời, vào đời hoằng hóa cho tới lúc khi ra đi thì vẫn không một chút vẫn đục, không một niệm mong cầu: “Trời không cánh nhạn bay qua / Nhạn in đáy nước xóa nhòa một khi / Nhạn không giữ bóng làm chi / Nước không lưu ảnh bởi vì vô tâm” - Thiền sư Hương Hải. Vậy đó! Làm xong, quý ngài đi. Làm xong, thi sĩ đi. Có để lại gì cho đời không, không cần biết, cũng chẳng lưu tâm làm gì!
Nhưng thực tế, không để mà để. Đó là luật định tự nhiên của cuộc đời, của kiếp sống thế nhân. Nên ở hai câu thơ cuối “Một khi đã tắt cung đàn / Kể chi còn mất hơi tàn thanh âm”, ta thấy, dường như tác giả đã tự mình trả lời dứt khoát cho câu hỏi “Ta còn để lại gì không?” ở đầu bài thơ.
Tóm lại, “Nguyện cầu” vừa giúp ta hiểu thêm về những bài thơ rất siêu thoát, xuất thần, vừa cho thấy sự phong phú, bước “đột phá” trong cuộc đời thơ của Vũ Hoàng Chương. Quả như nhiều người đúc kết, thơ Vũ Hoàng Chương tuy rất đa dạng: thơ tình, thơ hoài cổ, thơ triết lý... mặt nào cũng có phong vị riêng, rất Vũ Hoàng Chương, nhưng chung quy vẫn có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông phương dù ông lớn lên giữa cao trào Thơ Mới. Theo Tạ Tỵ, thơ Vũ Hoàng Chương là "tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc".
Và tôi, qua những bài thơ lẻ của ông, qua đôi dòng của thi hữu viết về ông, cũng như qua những lần trò chuyện với Nữ sĩ Mộng Tuyết và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tôi có biết thêm ít nhiều về cuộc đời của ông, một thi sĩ Vũ Hoàng Chương tài hoa của phong trào thơ mới, ngôi Bắc đẩu của thi ca Việt Nam, một kẻ sĩ, "uy vũ bất năng khuất", người mà Nhất Linh phong là “thi vương” đã sanh ra không “gặp thời” nên phải sống một kiếp người “lẻ loi, đơn độc” cho tới ngày vĩnh biệt trần gian.
Dẫu vậy, khi đọc lại “Nguyện cầu”, một lần nữa, ta thấy cảm thông hơn cùng tâm tư của ông trong giai đoạn đó. Rằng, ông nhớ nghĩ về cái cõi mà ngày xưa mình đã ra đi từ đó và không muốn dính líu, không muốn để lại sự nghiệp gì ở đây, nơi chốn Ta bà này. Rằng, tất cả chỉ là hư huyễn. Rằng, ý thức tư duy sẽ không bao giờ trả lời trọn vẹn được cho câu hỏi về ý nghĩa của sự sống, của kiếp người bởi vì càng tư duy thì con người càng rối loạn, càng phán đoán thì càng bị mơ hồ, ngoại trừ thực tập quán chiếu các pháp theo phép tu nhà Phật. Hoặc giả, phải nhìn bằng con mắt thi nhân rằng khi sự sống ấy đã đi qua, đã không còn nữa thì mới mong có câu trả lời như chính Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã bày tỏ trong một bài thơ tứ tuyệt của ông:
"Dấu hỏi (?) vây quanh trọn kiếp người,
Sên bò nát óc, máu thầm rơi.
Chiều nay một dấu than (!) buông đứt
Đinh đóng vào săng, tiếng trả lời".
Ồ! Chỉ thế thôi!...
Khải Tâm
[1] Trích “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều.
Ngọc Sương (Tuvien.com)