Thiền là nét văn hoá đặc sắc của phương Đông. Từ đầu thế kỷ 20, sau khi du nhập vào phương Tây, thiền đã nhanh chóng được tiếp nhận như một phương pháp chữa lành những căn bệnh tâm lý của xã hội hiện đại.
Nhiều nghiên cứu khác nhau của các giáo sư Mỹ, Nhật, Pháp... cho thấy thiền giúp cải thiện các chức năng sinh lý của cơ thể, giúp phát triển trí não, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và cải thiện lão hoá; trị các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra, giúp cải thiện những thói quen xấu.
Đối với những người bình thường, thiền giúp tinh thần thoải mái, lạc quan, nâng cao chỉ số thông minh, cảm xúc...
Nên bắt đầu thiền vào sáng sớm, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu thiền trước khi ngủ sẽ bất lợi vì người tập dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc có thể trong đầu còn nhiều tạp niệm chưa giải quyết được sau một ngày làm việc.
Để ngồi thiền hiệu quả, sự chuẩn bị và luyện tập đòi hỏi cũng phải rất công phu. Khi thiền, nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi. Chuẩn bị một tấm nệm vuông dày khoảng 5cm, ở giữa đặt lên một cái gối ngồi nhỏ. Nửa mông sau đặt trên gối và ngồi ngay thẳng.
Có nhiều cách ngồi, nhưng với người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Khi đã quen nên chọn thế toàn kiết già. Những người thường mặc âu phục có thể thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.
Ngồi kiểu Miến Điện: cả hai chân xếp chéo nhau đặt trên nệm.
Ngồi bán kiết già: đặt chân trái lên đùi phải hoặc ngược lại.
Ngồi toàn kiết già: hai chân khoá vào nhau. Đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu. Bàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chỏ vừa ôm hông là được. Đây là tư thế thiền đúng cách và hữu hiệu nhất.
Ngồi kiểu Nhật Bản: ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế.
Ngồi trên ghế: sử dụng ghế chân cao, ngồi lên, hai bàn chân đặt trên mặt đất.
Với bất cứ kiểu ngồi thiền nào, xương sống cũng phải ở vị thế thẳng đứng, không nghiêng trái, ngả phải; không cúi tới, ngả lui. Lỗ tai thẳng với vai, lỗ mũi ngay nơi rốn. Lưỡi chạm hàm trên, miệng ngậm, mắt nhắm hờ. Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng.
Điều quan trọng của thiền là "tâm toạ", tức là tâm không được đi "dong duổi ta bà". Muốn vậy, phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu. Tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào.
Nên tập thiền đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút, dần dần tăng lên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm phân tán. Điều này bình thường, chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại..
Xả thiền
Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông.
Từ từ buông thõng hai chân. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tuỳ mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
CÁCH THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH
Một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.
Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
TÁC DỤNG CỦA NGỒI KIẾT GIÀ
Chỉ cần ngồi vào tư thế kiết già, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng vẫn có một sự thay đổi sóng não từ nhịp Beta khoảng 20c/s xuống nhịp Alpha khoảng 8 c/s. Nhịp Alpha là sóng não của một người trầm tĩnh, minh mẫn có tâm lý ổn định. Điều này có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng để dẫn dắt người thực tập dễ đi đến trạng thái thư giãn, nhập tĩnh.
Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận và thực tế lâm sàng của y học châm cứu cổ truyền về huyệt “Tam âm giao”. Được biết, khi ở tư thế kiết già xương mắt cá chân sẽ tạo sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt “Tam âm giao” của chân còn lại.
Điều này có nghĩa là trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt ”Tam âm giao” liên tục được kích hoạt. Ở những người thường ngồi tư thế này, sức ép tạo ra một dấu ấn trên mặt da tại vùng huyệt trong giống như một vết thương cũ đã lành. Huyệt “Tam âm giao” ở chỗ lõm bờ sau xương chày.
Đối với người có tầm vóc trung bình, huyệt là điểm giao hội của ba đường kinh âm : Túc thái âm Tỳ, Túc thiếu âm Thận, và Túc quyết âm Can, Theo quan niệm chỉnh thể của y học Phương Đông, một tạng hoặc một phủ nào đó khi phát sinh bệnh biến sẽ có biểu hiện trên đương tuần hoàn của đường kinh đi qua nó. Ngược lại, ta cũng có thể thông qua những huyệt vị trên đường kinh để điều chỉnh những rối loạn bệnh lý của các tạng phủ bên trong.
Ở đây, Can Thận chủ hạ tiêu, Tỳ chủ trung tiêu. Do đó, khi tác động vào huyệt “Tam âm giao”, ta có thể điều chỉnh toàn bộ quá trình chuyển hóa, hấp thu và bài tiết ở khu vực này. Đặc biệt là tác dụng “dưỡng Âm kiện Tỳ” và “sơ tiết Can khí” của huyệt. Tác dụng này giúp tái lập cân bằng nội tiết, nội tạng và điều hòa thần kinh giao cảm. Chính điều này giúp an định cả thân và tâm trong quá trình hành Thiền.
Việc kích họat vào huyệt “Tam âm giao” của tư thế ngồi kiết già còn làm sáng tỏ thêm một nghi vấn khác. Đó là ở tư thế này, chân hữu chồng lên chân tả hay ngược lại chân tả phải chồng lên chân hữu? Trong Tu thiền yếu quyết, ngài Phật Đà Ba Lợi (Buddha Pali) giải thích về kiết già. ”Ở Bắc Ấn Độ, kiết già phu tọa là cách ngồi chân tả chồng lên chân hữu và chân hữu chéo lên chân tả”.
Tuy nhiên ở một số kinh tạng khác, chẳng hạn trong Thiên Thai chỉ quán của ngài Trí Khải Đại Sư thì “Kiết già phu tọa là cách ngồi chồng chân hữu lên chân tả và chéo chân tả lên chân hữu”.
Trên thực tế, hệ thống kinh lạc ở hai bên thân thể, bên phải và bên trái có tính tương đồng và đối xứng với nhau. Do đó dù ngồi cách nào thì một trong hai huyệt, hoặc “Tam âm giao” phải hoặc “Tam âm giao” trái sẽ được tác động. Hơn nữa. “Tam âm giao” là một trong số rất ít các huyệt vị có tính tự điều chỉnh rất cao. Dù kích thích vào huyệt theo cách nào, lâu hay mau, bên phải hay bên trái thì hiệu ứng mang lại vẫn là cải thiện, là điều chỉnh để tiến đến hòa hợp và cân bằng. Do đó tùy theo sở thích hoặc thói quen của mỗi người, cả hai cách ngồi trên đều mang lại kết quả tốt đẹp cho việc hành thiền.
Thanh Vân (Tuvien.com)