Tôi lái xe bốn giờ đồng hồ từ khóa tu của tỉnh Tuyên Quang về Hà Nội trong niềm hạnh phúc tràn dâng. Một niềm hạnh phúc khó tả lan tỏa khắp thân và tâm tôi. Thế rồi, sáng sớm ngủ dậy, tôi mỉm cười nhẹ nhàng với những trăn trở trong lòng ngồi viết lên những dòng chữ này.
Khóa tu “Tuổi trẻ và giá trị sống” diễn ra thành công đến bất ngờ, mà bất ngờ đầu tiên và lớn nhất là đối với ban tổ chức. Chính quý sư cô đứng ra tổ chức khóa tu cũng không thể tưởng tượng được có được sự thành công lớn đến thế này. Khóa tu được diễn ra trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 6 tại chùa Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đây là khóa tu đầu tiên tại tỉnh Tuyên Quang, một tỉnh thuộc miền tây bắc Việt Nam, gồm 1 Thành phố và 6 huyện với 141 xã.
Cái khó khăn hàng đầu khi tổ chức khóa tu ở các tỉnh lẻ nói riêng, đặc biệt là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa và miền núi rằng ở những nơi này rất ít chùa, đã thế số lượng tăng, ni lại thiếu vô cùng. Tại Tuyên Quang, một tỉnh mà diện tích lên đến 5.868 km² (đứng thứ 25 trên cả nước) với dân số 727.751 người (đứng thứ 53 trên cả nước) mà chỉ có 7 nhà sư, gồm cả tăng và ni thì bạn thấy ngay những khó khăn chồng chất cho việc hoằng pháp, nhất là khi tổ chức các khóa tu.
Chùa Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai,huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nơi diễn ra khóa tu đầu tiên của tỉnh nhà chỉ có 1 ni duy nhất. Đó là sư cô Thích Quảng Xuân. Cô còn khá trẻ, chắc chỉ quãng 40 tuổi. Tôi không dám hỏi, nhưng cứ nghĩ, chắc các loại chức vụ mà sư cô kiêm nhiệm chắc phải lên gần chục!
Điều làm tôi suy nghĩ nhiều lúc trên xe từ Tuyên Quang về Hà Nội rằng tâm của sư cô Quảng Xuân lớn quá. Một mình sư cô nơi vùng núi cao mà dám nghĩ đến chuyện tổ chức khóa tu 3 ngày. Tôi biết, không chỉ phải lo cơ sở vất chất, chỗ ăn nghỉ, rồi các chương trình sinh hoạt cho các em mà ngay chuyện được chính quyền địa phương đồng ý, cho phép tổ chức khóa tu cũng không dễ. Có những địa phương dò la, xét hỏi, xem xét,… rất kỹ mà nhiều khi vẫn không đồng ý cho tổ chức khóa tu. Ngay tại quê tôi, Thái Bình, một tỉnh đồng bằng bắc bộ, nơi văn minh và tri thức có lẽ phải hơn 1 xã vùng cao Tuyên Quang mà có xã muốn tổ chức khóa tu nhiều năm nay mà vẫn chưa được phép. Lãnh đạo ở đây còn hỏi tôi nhiều lần rằng đạo tràng là đạo nào, đạo gì, khác gì đạo Phật và đạo Thiên chúa!!!
Ba ngày của khóa tu, hơn 100 em được hướng dẫn trang trí bàn thờ gia tiên, được học cắm hoa,tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, được học hát, học chơi, được sống trong yêu thương và đùm bọc của nhà chùa.
Ba ngày khóa tu diễn ra nhưng khâu chuẩn bị đã diễn ra nhiều tháng trước đó. Mong các bạn hiểu cho rằng, đây là khóa tu lần đầu tiên ở 1 tỉnh miền núi còn khó khăn mà lại chỉ có 1 mình sư cô Quảng Xuân. May thay có ít nhất 2 sư cô khác là Quảng Khiết và Đàm Cúc từ Hải Dương và Hà Nam lên hỗ trợ. May thay có thêm nhiều phật tử địa phương lăn lộn trong ban tổ chức để chung tay góp sức.
Tôi may mắn được mời về đây sinh hoạt cùng các em. Hành trang tôi mang theo không nhiều. Đơn giản là bài nói chuyện “Làm thế nào để đạt được những thứ các em muốn”. Rồi tôi hướng dẫn cho các em nhỏ ngồi thiền. Tôi thấy các em hứng thú nhất với phần học thiền ca. Các em học 3 bài “Quay về nương tựa”, “Mỗi lần mình thức dậy là mình thấy vui” và “Em yêu hoa hồng” rất nhanh. Chỉ nghe 3 lần các em đã nhớ ngôn từ. Chỉ xem làm mẫu 2 lần, các em đã nhớ các động tác để hòa mình vào lời ca. Các em hát ca thiền rất đều, rất hay, rất xúc cảm và tràn đầy năng lượng.
Thật sự rằng khi ngồi nhìn các em bé của vùng cao tây bắc mới còn rất ít tuổi mà đã ngồi thiền rất vững chãi và thảnh thơi,tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy vui khó tả. Các em tiếp thu nhanh quá. Nhanh đến bất ngờ. Rồi đến giờ ăn trưa, chúng tôi hướng dẫn các em xếp hàng một, đi chậm rãi trong thiền hành xuống khu nhà bếp, từng em rửa tay sạch sẽ tại 4 chậu nước được chuẩn bị sẵn, rồi đi khất thực thức ăn và bê lên thiền đường để cùng thọ trai. Thật khó mà tin được rằng các bé người miền núi, người dân tộc ít người mà có thực hành tốt đến vậy. Các em lắng nghe chăm chú chúng tôi hướng dẫn về lòng biết ơn trước khi ăn.
Phần thiền buông thư cũng vô cùng thú vị. Các em nằm nghe hướng dẫn rất tập trung và thảnh thơi. Giữa cái nóng gần 40 độ của trưa hè miền bắc, ngắm các em nằm thư giãn thấy mát mẻ và hạnh phúc vô cùng. Đến hết giờ thiền buông thư mà các em vẫn ngủ. Sư cô Quảng Khiết lên nói với chúng tôi rằng, có thể cho các em ngủ thêm chút nữa. Thế là chúng tôi lại quyết định dành 15 phút này để thư giãn cùng các em.
Bạn có biết rằng trẻ con thích ăn kem thế nào không. Nhất là trẻ em nông thôn. Đặc biêt là trẻ em vùng sâu vùng xa. Thấu hiểu điều này, sư cô Quảng Xuân và BTC chuẩn bị sẵn kem để khi ngủ dậy, các em có món ăn mát và để tỉnh ngủ. Hôm thì kem, hôm thì chè. Nhìn các em ăn ngon lành, tôi biết rằng các em rất hạnh phúc.
Buổi chiều cuối cùng, các em được tham gia trò chơi “Rung chuông chùa”. Các câu hỏi xung quanh cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và những hiểu biết căn bản được đặt ra. Nói thật rằng tôi rất bất ngờ về hiểu biết của các em ở đây. Các em nhớ rất tốt, hiểu khá đúng về đức Phật và các giáo lý căn bản của Ngài. Giải thưởng chiều nay là chú gấu bông rất đẹp và giải đặc biệt là 1 chiếc xe đạp. Tôi và BTC cũng như bạn chắc chắn bất ngờ khi bạn được giải lớn nhất này không phải là các anh chị cấp 3 hay thậm chí các bạn sinh viên mà là 1 bé lớp 6 người trong xã Hoàng Khai.
Đêm cuối cùng là lễ thắp nến tri ân và báo hiếu rửa chân cho bố mẹ Bạn có thể tin và có tưởng tượng được quang cảnh đẹp và ý nghĩa vô cùng này tại một ngôi chùa ở một xã cùng cao tây bắc không. Một hoạt động vô cùng ý nghĩa được các em thực hiện với lòng thành của mình Tôi biết chắc rằng những hành động này sẽ ấn tượng sâu sắc mãi trong lòng các em. Chắc chắn các em cảm nhận được tấm lòng cao cả và tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ các em dành cho các em!
Vậy là bao lo lắng của khoá tu mùa hè đầu tiên tại một vùng núi tỉnh Tuyên Quang đã thành công tốt đẹp – đó là tâm sự của sư cô Quảng Xuân và Quảng Khiết. Tôi cũng thật sự vui khi đang ngồi gõ lại những dòng chữ này. Và bạn chắc chắn cũng rất vui với sự ngỡ ngàng của các bậc phụ huynh khi họ đã thốt lên " Ôi sao trong chùa mà có lớp học hay và ý nghĩa thế! Mà lại miễn phí tất cả 3 ngày sinh hoạt. Lạ nhỉ ".
Tôi cũng được biết rằng ngôi chùa Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai,huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên quang này vốn trước đây rất nhỏ và chỉ là 1 ngôi nhà. Cuối năm 2009, sư cô Quảng Xuân mới về đây trụ trì. Sư cô phải xoay xở tiền để mua đất, để đền bù, để giải tỏa mặt bằng, trong đó có 8 cái ao, 4 ngôi nhà. Được biết suốt 5 năm nay, sư cô Quảng Xuân một mình xoay xở vất vả và đã xây dựng lên ngôi nhà, nơi mà hơn 100 em nhỏ đã cùng nhau sinh hoạt ở đây trong 3 ngày qua.
Khóa tu “Tuổi trẻ và giá trị sống” tỉnh Tuyên Quang” lần thứ nhất đã kết thúc. Giờ đây, các em ai nấy đã về nhà mình. Tôi biết chắc rằng các em đã có 3 ngày sinh hoạt rất bổ ích và lý thú. Quý giá hơn rằng quý sư cô đã gieo vào tâm các em những hạt giống tốt. Rồi đây, những hạt giống này sẽ lớn, sẽ nẩy hoa, sẽ mang lại cho đời, cho đất nước và cụ thể là cho tỉnh Tuyên Quang, những bông hoa đẹp.
Khóa tu cũng giúp tôi quay lại được với tuổi thơ của mình. Tổi thơ của tôi cũng chẳng khác gì hơn 100 em tu sinh này. Cái khác lớn nhất có lẽ ở chỗ bằng tuổi các em tôi chưa biết đến Phật Pháp và tôi không được tham gia các khóa tu tuyệt vời như thế này.
Tôi nhắm mắt lại và cứ nghĩ, hiện nay có bao nhiêu trong số 63 tỉnh thành trên cả nước chưa tổ chức khóa tu mùa hè cho các em. Tôi mơ ước rằng, mai đây, cứ đến hè, hàng trăm khóa tu lại được diễn ra tại tất cả các huyện của đất nước Việt Nam. Đêm qua tôi có một giấc mơ đẹp, rằng Tuyên Quang có đến 700 quý thầy quý sư cô. Mớ mắt ra mà tôi vẫn cứ muốn mơ tiếp. Tôi nhắm mắt lại mỉm cười tươi tràn đầy hạnh phúc.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty sách Thái Hà
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Thanh Vân (Tuvien.com)