Nghe rộng, học nhiều giáo pháp của Phật hay "Đa Văn" là một trong bảy tài sản của người tu Phật. Hơn ai hết, người xuất gia là người cần làm cho "tài sản này" ngày càng dồi giàu hơn. Với tinh thần đó, sư cô Thích nữ Thánh Nghiêm (thế danh Phạm Thị Kim Liên) đã nổ lực hợp lý và bền bỉ để đạt được thành tích thủ khoa (niên khoá 2013-2014) của trường Đại Học Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thủy, tại Yangon, Myanmar.
Thầy tế độ xuất gia là sư cô Thích nữ Chúc Tường, trụ trì chùa Kiều Đàm, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Sư cô xuất gia năm 15 tuổi (năm 2001) và thọ giới tỳ kheo ni năm 24 tuổi (năm 2009) và được thầy bổn sư đặt cho pháp danh là Thích nữ Thánh Nghiêm.
Ở tuổi còn để chóp khi mới xuất gia, sư cô chỉ lo việc học Phật là chính. Thấy được điều đó, thầy bổn sư tạo điều kiện cho sư cô được tiếp tục hoàn tất chương trình thế học tú tài phổ thông năm 2004 nhưng cũng không quên cho sư cô theo học các lớp Phật học. Đặc biệt là thầy luôn động viên, nhắc nhở sư cô phải thấy được những bước tiếp theo của lộ trình học Phật để biết trang bị thêm cho tự thân những hành trang cần thiết.
Đang học sơ cấp Phật học, sư cô đã biết trang bị thêm Anh ngữ ngoài kiến thức Phật học và khả năng Hoa ngữ để có thể thi và đậu vào Học Viện Phật Giáo, tại Thành phố Hồ Chí Minh sau này. Sư cô được thầy bổn sư cho học thêm Anh ngữ ở Trung Tâm Hội Việt Mỹ gần chùa trong những năm đó. Tiện lợi thay, vốn Anh ngữ từ những năm trung học phổ thông và Trung Tâm Hội Việt Mỹ đã giúp sư cô có được chiếc chìa khoá để mở cánh cửa du học Phật học sau này.
Về mặt tư tưởng, sư cô xuất gia theo hệ Bắc Truyền nhưng qua học Phật Pháp Nam Truyền ở Yangon, Myanma, sư cô đã từng phân vân là điều đó có thực sự cần thiết hay không. Vì để trang bị cho sở học của tự thân, sư cô nhanh chóng quyết định lên đường để mong bổ sung những kiến thức Phật học mà mình chưa được học ở hệ Bắc Truyền.
Về mặt nhu yếu sinh hoạt của người tu, dù chuyện ẩm thực không quen, sống phải biết ý thức, tự lo là chính, điều kiện thời tiết khí hậu nóng lạnh nhiều khác biệt dễ gây trở ngại cho sức khỏe, v.v.. nhưng với ý chí cầu học sư cô mạnh dạn bước tới.
Về mặt học tập, phải tiếp xúc rất nhiều với cổ ngữ Pali, ngôn ngữ mới đối với sư cô và rất được chú trọng trong việc học Phật hệ Nam Truyền, việc học thuộc lòng y kinh điển được đề cao, học thêm môn mới như Pali, Abhidhamma, Myanmar và phải tiếp cận Phật Pháp với hệ tư tưởng khác đòi hỏi sư cô phải giàu ý chí và nghị lực. An trú được trong việc học, sư cô không những thích nghi, theo kịp mà còn thâm hiểu nhanh lẹ thậm chí còn vượt hơn huynh đệ.
Đối với sư cô, việc nào cũng có những khó khăn hay đòi hỏi nhất định nhưng sự quyết tâm mạnh mẽ là điều cần phải có để đi đến thành công.
Điều trước tiên phải kể đến là sư cô xác định được yêu cầu của trường. Biết được trường yêu cầu những gì và làm thế nào để đáp ứng tốt những yêu cầu đó đã giúp sư cô thành công. Trường yêu cầu thuộc lòng kinh điển, sư cô đọc tụng nhiều lần, viết đi viết lại để khắc sâu lời Phật dạy. Trường đánh giá cao tiếng Pali và xem nó là phương tiện để tiếp cận Phật Pháp, sư cô trau dồi Pali hằng ngày và tham gia thêm các lớp Pali ngoại khoá và học tốt nó. Trường yêu cầu học tốt các môn, sư cô đầu tư đúng mức cho từng môn một, không những ghi âm để có thể trình bày đúng theo hướng dẫn của giáo thọ mà còn phải siêng đọc sách thêm để làm phong phú thêm bài làm của mình. Trường yêu cầu đến lớp phải trên 75%, sư cô luôn đi học đều đặn; trường yêu cầu điểm tốt nghiệp từng môn phải trên 75/100, sư cô tự định điểm cản cho mình là 90/100.
Ngoài việc học với các giáo thọ, thầy cô, sư cô học hỏi thêm rất nhiều điều hay từ các vị khoá trước. Sư cô học được tính không bao giờ chủ quan hay tự cao, tự đại dù mình có học giỏi như thế nào đi nữa vì chủ quan sẽ dễ dẫn đến thất bại và tự cao thì sẽ không chịu học hỏi thêm để có thể tiến xa hơn nữa. Sư cô học được cách biết lên kế hoạch học chu đáo cho từng ngày và đối với từng môn. Chính điều này đã giúp sư cô đáp ứng được mức đòi hỏi cao của trường, 75/100 cho từng môn một. Sư cô học được cách trình bày bài làm đối với các môn để có thể đạt được điểm chuẩn hoặc cao hơn v.v...
Phương châm học hết sức mình nhưng không học quá sức cũng là điều góp phần làm nên thành tích thủ khoa của sư cô. Học hết sức mình thì sẽ không hối tiếc cho kết quả học tập mình đạt được. Học hết khả năng thì mới mong đáp ứng được yêu cầu cao của trường. Học hết mức như mình có thể thì mới giúp đứng vào vị trí cao. Ngược lại, học quá sức mình thì sẽ không cố gắng được lâu dài, sẽ dễ dừng nghỉ nửa chừng trước khi về đến đích. Học quá sức sẽ tạo thêm áp lực và căng thẳng không cần thiết và không giúp ích cho việc học có hiệu quả. Giữa ranh giới mong manh, hết sức và quá sức mình, sư cô đã khéo xác định được và luôn giữ ở vị trí nổ lực hợp lý.
Đối với sư cô, đều đặn và bền bỉ là điều không thể thiếu trên bước đường đi đến thành công. Cố gắng không thường xuyên sẽ không làm nên kết quả học tập tốt. Thành tựu kết quả học tập là cả một quá trình. Nếu không nổ lực đều đặn và bền bỉ thì quá trình ấy sẽ bị dang dỡ. Chính việc lo học tốt cho từng ngày sẽ làm nên việc học tốt cho cả năm; việc học tốt cho từng năm sẽ làm nên việc học tốt cho cả khoá học. Hoài bảo học tập là điều ai cũng có nhưng biết chăm lo cho hoài bảo của mình một cách bền bỉ cho đến khi hoài bảo ấy trở thành hiện thực thì ít người để ý đến điều này.
Trên đây là một số kinh nghiệm quý báu của sư cô Thánh Nghiêm trong việc học mà mỗi người chúng ta đều có ít hoặc nhiều. Người có ít hãy làm cho nó được nhiều hơn; người có nhiều hãy làm cho nó được viên mãn.
BTV TP.HCM
Thanh Vân (Tuvien.com)