Ni trưởng Diệu Kim: Vị pháp sư đa tài
Vào đầu thế kỷ XX, phong trào xuất gia tu tập của giới nữ lưu đã nhen nhúm phát triển trên khắp cả nước. Đến những năm cuối thập niên 20 đầu 30 của thế kỷ này, nhiều bậc nữ tri thức xuất hiện trong cửa thiền đã góp phần đặt nền móng, xây dựng nên một phong trào xuất gia tu tập để tự mình quyết định vận mệnh của chính mình. Trong khi ở miền Trung, phụ nữ xuất gia chủ yếu là giới thượng lưu, con nhà dòng dõi vua, quan, thì ở miền Nam, đặc biệt là vùng miền Tây Nam Bộ, phụ nữ xuất thân từ tầng lớp thấp hơn đã mạnh dạn đổi mới tư duy, vượt ra khỏi nếp sống cũ, dấn thân vào con đường tu hành để tìm đường giác ngộ cho bản thân, cho mọi người. Trong những bậc nữ lưu ấy, Ni trưởng Diệu Kim là một trong những nhân vật điển hình, góp phần làm thay đổi cái nhìn của xã hội về nữ giới, thuyết phục xã hội chấp nhận sự xuất hiện của cộng đồng Tỳ kheo ni.
Ni trưởng Diệu Kim thế danh Trần Thị Tích, sinh năm 1908 tại làng An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Cụ ông thân sinh là Trần Văn Thê, Đại hương cả làng An Phú Tân; cụ bà Nguyễn Thị Sáu, pháp danh Diệu Tịnh. Gia đình có tất cả 8 anh chị em mà Ni trưởng là con gái thứ 6 (gọi là cô Bảy), chị của Hòa thượng Thiện Tâm (thứ 8) và Hòa thượng Thiện Hoa (thứ 9). Cả gia đình Ni trưởng đời đời tin Phật và đều quy y với cụ Tổ Chí Thiền chùa Phi Lai - Châu Đốc.
Năm 1923, khi tròn 16 tuổi, Ni trưởng đến chùa Phi Lai - Châu Đốc đảnh lễ cụ Tổ cầu xin thế phát xuất gia, được cụ Tổ hoan hỷ hứa khả và ban cho pháp danh Diệu Kim, tự Hồng Tích, thuộc phái Lâm Tế Gia Phổ đời 40.
Năm 1927, Ni trưởng được theo học tại Trường Gia giáo Giác Hoa tỉnh Bạc Liêu và giữ chức Phó thư ký của trường. Đến năm 1930, Ni trưởng cùng hai em trai là Hòa thượng Thiện Tâm và Hòa thượng Thiện Hoa đến cầu học kinh luật, pháp sự đàn tràng với quý sư cụ Kim Huê, pháp sư Bửu Chung (Sa Đéc), Tổ Tuyên Linh (Bến Tre)… Năm 1933, sau khi cụ Tổ Phi Lai viên tịch, Ni trưởng đến xin cầu pháp với Tổ Thiên Thai (Huệ Đăng), được Tổ ban cho pháp hiệu Bửu Kim.
Năm 1934, Ni trưởng bắt đầu nhận lãnh trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh, về làm trụ trì chùa Hội Phước, xã Thạnh Mỹ Hưng, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.
Năm 1935, báo Lục Tỉnh Tân Văn, tờ Phụ trương Phật học, đã viết bài khen ngợi Sư cô Bửu Kim và miêu tả Ni trưởng khi thuyết pháp tại vùng Vĩnh Kim, Chợ Giữa, Mỹ Tho: “Trước số thính giả hàng mấy trăm người, một Ni cô đội mão hiệp chưởng, đắp y hồng, đĩnh đạc trang nghiêm xuất hiện giữa công chúng suốt hai tiếng đồng hồ giảng diễn rành mạch, rõ ràng làm cho cả hội chúng đều hoan nghênh, cảm phục”. Trong quyển Khánh Anh Văn Sao, phần kỷ niệm với tiêu đề “Kỷ niệm nữ giới Pháp sư”, Hòa thượng Thích Khánh Anh, cũng đã ghi nhận: “Với các pháp sư bên nữ thì Diệu Kim là trước nhứt xứ này”.
Cũng năm này (1935), ông Trương Hoằng Lâu ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh phát tâm tổ chức trai đàn Vu lan tại điền trang của mình, thỉnh 100 vị Tăng Ni tụng kinh, cúng dường trai tăng kéo dài suốt tuần lễ. Mỗi ngày tại trai đàn đều có thuyết pháp do các sư danh đức thời ấy như Tổ Tuyên Linh, Tổ Huệ Quang, Tổ Khánh Anh,… đảm trách, và Ni trưởng cũng được thỉnh giảng một thời kinh tại pháp hội này. Báo Duy Tâm của hội Lưỡng Xuyên Phật học có bài tường thuật và hết lời khen ngợi.
Năm 1937, Ni trưởng trụ trì chùa Thiên Phước, làng Tân Hương, tỉnh Tân An; năm 1938 trụ trì chùa Giác Hoàng ở Tham Tướng, Cần Thơ; năm 1939 trụ trì chùa Quan Âm. Đến năm 1940, Ni trưởng về trụ trì chùa Bảo An, Cần Thơ và đây là trạm dừng chân cuối cùng trên bước đường vân du hóa đạo cho đến ngày viên tịch. Ở đâu Ni trưởng cũng nhận lãnh trọng trách hoằng pháp lợi sanh, mở lớp dạy Phật pháp cho chư Ni và Phật tử, làm Hóa chủ trường Hương,… Hàng ngàn Phật tử và hàng lớp Ni chúng đã được Ni trưởng thế độ xuất gia tu học, và trở thành những bậc pháp khí trong Phật pháp ngày nay trên khắp miền
Năm 1945, Hòa thượng Thiện Hoa mở trường Phật học tại chùa Phật Quang Trà Ôn; Ni trưởng là người hỗ trợ tài chánh đắc lực và những nhu cầu quan trọng khác. Khi thành lập Ni bộ Bắc tông (1957), Ni trưởng được cung thỉnh vào ngôi vị cố vấn tối cao của Ni bộ.
Năm 1976, biết “cỗ xe” mà mình đã sử dụng suốt quãng đường từ hóa thành đến bảo sở sắp đến hồi hư hoại, Ni trưởng soạn sẵn di chúc, cho gọi đồ chúng lại dặn dò mọi việc, rồi thâu thần thị tịch vào lúc 20 giờ ngày 6 âm lịch, hưởng thọ 69 tuổi đời và 53 tuổi đạo.
Suốt trọn đời tu hành, Ni trưởng một mực giữ vững đạo tâm, tinh tấn tu tập theo lời Phật dạy, nỗ lực hoằng dương Chánh pháp, độ hóa quần sanh. Ni trưởng tích cực mở lớp tu học cho chư Ni và Phật tử, mở trường Hương hỗ trợ Tăng Ni tu tập,... Nhất là đối với cố HT.Thiện Hoa, Ni trưởng đã hết lòng hỗ trợ về mọi mặt để hoàn thành những Phật sự quan trọng của Giáo hội và cũng là người góp công không nhỏ trong quá trình chấn hưng Phật giáo từ năm 1935 trong Ni giới nói riêng và Phật giáo nói chung.
Ni trưởng là vị Ni giới đầu tiên đăng đàn thuyết pháp, một công việc theo truyền thống chỉ dành cho các bậc tôn túc Tỳ kheo. Là người cần cù học tập kinh điển và siêng năng nghiên cứu các sách truyện, nên Ni trưởng rất giỏi việc đạo lẫn chuyện đời. Vì thế, mỗi lần thuyết pháp, Ni trưởng luôn giảng giải cho hội chúng nhiều câu chuyện đời, xưa và nay, qua lăng kính Phật pháp. Lối thuyết pháp này đã thu hút được rất nhiều người tham dự và họ tỏ ra thán phục sự hiểu biết của Ni trưởng. Đây là thành tích đóng góp đáng ghi nhận nhất cho lịch sử Ni giới Việt
Đặc biệt, Ni trưởng là người rất giỏi nghi lễ Phật giáo, khoa nghi Pháp sự đàn tràng, thông hiểu thuật pháp,… nên đã giúp đỡ rất nhiều cho cư dân quanh vùng. Đây được xem là phương tiện khá hữu hiệu đối với các vị tu sĩ Phật giáo nhằm dẫn dắt những người sơ cơ đến với đạo. Vì thế, dân chúng quy ngưỡng Ni trưởng rồi đến với đạo Phật rất đông. Mỗi lần đăng đàn thuyết pháp, sau khi được thỉnh đăng tòa, việc đầu tiên là vị Pháp sư xướng các bài tán Phật, bốn vị kinh sư dẫn thỉnh tán theo. Các vị kinh sư dẫn thỉnh rất e ngại mỗi khi Ni trưởng bắt các bài tán Phật, vì họ sợ Ni trưởng bắt các điệu tán quá khó. Giọng Ni trưởng cao vút và đầy thiền vị, luôn làm cho không khí đàn tràng thêm trang nghiêm. Đến nay, các vị kinh sư lão thành miền Tây vẫn luôn bội phần kính nể mỗi khi nhắc đến cô Bảy Diệu Kim. Rất nhiều câu chuyện huyền thoại như thế xoay quanh cuộc đời của Ni trưởng được hàng Phật tử lưu truyền rộng rãi với giọng điệu thành kính và ngưỡng mộ.
Ni trưởng đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp, cho Ni chúng và nhân sinh. Đồng thời, Người là tấm gương sáng cho đàn hậu học trên bước đường tiến tu giải thoát và phụng sự quần sinh của người con Phật. Có thể nói, mỗi bước chân của Ni trưởng đi đến đâu thì nơi đó Ni giới và Phật tử đều được thấm nhuần ân đức và đạo pháp được trùng hưng tại đấy.
Quảng Tuấn
Ngọc Sương (Tuvien.com)