Niệm nghĩa ân sư
Thật nhiều xúc cảm khi hồi tưởng lại cuộc đời, hành trạng và ân đức của vị Trưởng lão Ni lỗi lạc một thời.
… Đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, thầy bổn sư gởi huynh đệ chúng tôi về nhập chúng tại chùa Huê Lâm. Bấy giờ chúng tôi chỉ là những cô điệu còn sơ tâm học đạo nên không hề biết vị y chỉ sư mình nương về là người từng lãnh đạo Ni bộ Bắc tông. Nước nhà thống nhất chưa bao lâu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành, sự tu học của Ni giới chỉ gói gọn trong khuôn khổ chùa nhà, thầy dạy trò tiếp thu. Với tôi lúc ấy việc được ở chúng, được theo quý cô học hỏi tu tập là hạnh phúc lắm rồi.
Chúng tôi về nhập chúng chưa bao lâu thì chùa Huê Lâm tổ chức giới đàn. Mấy huynh đệ cùng được lãnh thọ giới phẩm Sa di ni. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự trang trọng uy nghiêm của một giới đàn Ni do Sư trưởng cùng quý Sư bà đồng thời tổ chức. Là Tôn chứng sư Hòa thượng đàn đầu cả ba đàn, Sư trưởng kiêm luôn phần khảo bài cho giới tử Sa di ni. Trước dáng vẻ đạo mạo của vị lãnh đạo Ni vốn có tiếng nghiêm khắc, giới tử có phần khớp sợ. Sư trưởng ngồi trên chiếc ghế thấp, nở nụ cười hiền từ nhỏ nhẹ bảo giới tử ai thuộc bài thì khảo trước. Chỉ là vài câu Tỳ ni, Oai nghi mà chúng tôi đều thuộc làu. Sư trưởng đọc điểm và cô thị giả ghi. Số điểm Người cho thường không chênh lệch mấy và phút chốc không khí buổi khảo thí trở nên thân tình gần gũi khiến bao âu lo sợ hãi của giới tử cũng tan biến.
Sau nhiều năm dấn thân vì Đạo pháp - Ni bộ, lúc này Sư trưởng lui về Tổ đình dành hết tâm sức cho công việc đào tạo một thế hệ Ni trẻ. Những huynh đệ đồng trang lứa cùng giới phẩm chung sống hòa thuận dưới mái chùa Huê Lâm bấy giờ có đến vài chục vị. Chúng tôi được Sư trưởng và quý Sư cô dạy kinh luật, học chữ Hán. Sư trưởng còn mời giáo sư đến dạy các môn Anh ngữ, Việt văn cho cả đại chúng. Rất nghiêm nghị, chuẩn mực về giới luật, nhưng với chúng sơ cơ, Sư trưởng đặc biệt quan tâm và hết lòng dạy dỗ, tuyệt không có tâm phân biệt là đệ tử xuất gia hay chúng nương về tu học. Lòng từ bi bình đẳng cùng đức độ khiêm cung của Người đã tạo nên sợi dây gắn kết bền vững theo thời gian. Nhiều năm rời xa mái chùa Huê Lâm, mỗi lần có dịp trở về, dù không còn thầy, quý Sư vẫn xem chúng tôi là chị em huynh đệ một thời.
Song song với việc nuôi dạy chúng, Sư trưởng còn phát triển mở ra nhiều cơ sở tự túc để Ni chúng có dịp thể hiện năng khiếu, làm quen với công việc lao động chân tay, vừa làm kinh tế tự túc cho chùa, vừa dung hòa thích ứng với xã hội đang ngày càng đổi mới phát triển. Đào tạo Ni tài cho đạo pháp là tâm nguyện và hoài bão của Người, nhưng khi chúng tôi đã nắm vững những kiến thức căn bản Phật học, Sư trưởng trao lại việc giảng dạy cho quý Sư cô. Thời gian này, dù tuổi tác đã cao, Sư trưởng vẫn thường xuyên đi lại từ Huê Lâm ra chùa Hải Vân - Vũng Tàu và khu Đại Tòng Lâm - chùa Huê Lâm II để chăm coi và chỉ đạo thầy thợ kiến thiết trùng tu lại nhiều công trình, hạng mục. Những ngôi tự viện từng in dấu chân Người, nay đã trở thành những ngôi danh lam thắng cảnh, là đạo tràng cho hàng trăm Phật tử khắp nơi tìm về tu niệm…
Thời gian này, Sư trưởng cũng chuyên tâm vào công việc dịch kinh, sáng tác văn thơ. Những đêm khuya, khi đường phố đã im tiếng xe, sân chùa vắng lặng, chỉ có đèn trong căn phòng nhỏ trên lầu năm là tỏa sáng, Sư trưởng ngồi trên chiếc ghế xếp, tay lần giở từng trang kinh chữ Hán, đọc và dịch cho cô thị giả ghi chép. Công việc phiên dịch vẫn thường xuyên hàng đêm như thế cho đến tận những năm tháng cuối đời. Đó là niềm vui, là hạnh nguyện của Người và cũng là tấm gương đã nuôi dưỡng hun đúc chị em chúng tôi luôn biết cố gắng học tập, noi theo bước chân Người.
Những ngày rảnh rỗi, Sư trưởng thường chống gậy dạo quanh khu vườn cây cảnh trong sân chùa và trên sân thượng. Người dạo vườn không chỉ để ngắm hoa thưởng ngoạn mà chỉ đạo cho chúng làm vườn bắt sâu, bón phân, chiết cành tạo dáng… Cây cảnh cỏ hoa là thú vui an dưỡng tuổi già. Nhưng với Sư trưởng, cây cảnh còn ẩn chứa biết bao điều. Người thường nói với chúng tôi khi ngắm mấy chậu hoa trổ thắm sắc màu:
- Một hạt mầm tốt gieo xuống đất, được tưới tắm vun bón cẩn thận rồi sẽ trở thành một cây xanh tươi tốt. Cuộc đời tu học của các con cũng vậy. Từ hạt mầm nhỏ, gặp nhân duyên hội tụ, gặp thầy lành bạn tốt dạy bảo…, các con cũng sẽ trở thành những cây cao bóng mát giúp ích cho đạo, cho đời…
Là người từng lãnh đạo Ni giới, Sư trưởng càng ưu tư trăn trở vì tiền đồ Ni giới ngày mai. Người đặt bao tâm huyết vào việc đào tạo một thế hệ Ni trẻ có học thức và năng lực dấn thân trên mọi phương diện. Những kỳ vọng to lớn của thầy, nhiều huynh đệ chúng tôi ngày nay đã đạt được… Chư Ni hành đạo ở các trụ xứ do Người kiến tạo đều có mở đạo tràng tu tập, tiếp chúng độ Ni, năng nổ vào những công việc từ thiện xã hội. Có vị tìm đến những vùng sâu vùng xa lập chùa khuyến hóa người hữu duyên. Có vị mang tâm nguyện hoằng pháp nơi xứ người. Tất cả đã và đang tạo thành một dòng chảy tiếp lưu sự nghiệp của Sư trưởng và hơn hết là báo đáp ân đức sâu dày của Đức Kiều Đàm Di Mẫu, làm rạng danh con nhà Thích nữ.
Lam Khê
Ngọc Sương (Tuvien.com)