Pháp chủ thường nhiên
Vị đạo sư thắng diệu của thế kỷ 20
Ngài Đại Trưởng lão thượng ĐỨC hạ NHUẬN - Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hiện hữu với cuộc đời, với cõi đạo chúng ta gần suốt một trăm năm (1897-1993). Vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 20, năm 1910, Ngài tầm sư xuất gia học Phật. Khi vào chùa, Ngài một mực thọ học kinh luật, trang nghiêm phẩm hạnh, thầy bạn đều thương mến. Ngài trưởng thành dần trong Phật pháp, vừa tu tập vừa hoằng hóa độ sanh hơn 80 năm và đảm nhiệm sứ mạng thiêng liêng - Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tròn 12 năm (1981 – 1993) trước khi từ biệt nhân gian.
Ôi! Giữa cuộc đời sóng nước mênh mông
Ngài hiện thân như hạt ngọc lưu ly
Như ánh trăng vàng đêm đen chiếu diệu
Rạng rỡ tâm linh… hiền đẹp từ bi.
Một sứ mạng thiêng liêng trước thời đại
Hơn 25 thế kỷ trước tại đất nước Ấn Độ huyền bí với hơn 95 đạo giáo đương thời, mỗi đạo giáo có một vị giáo chủ, một quan điểm, một cung cách, một luận thuyết để hoằng hóa, xiển dương… Trong bối cảnh đó, Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã thị hiện để nhiếp phục, hóa độ để mọi người quy hướng về ánh đạo từ bi. Việc thị hiện của Ngài được gọi là sự “xuất hiện có một không hai”.
Trong thời đại chúng ta hơn 25 thế kỷ sau, quê hương Việt Nam chịu nhiều thử thách, với hơn 100 năm nô lệ thực dân, đế quốc… đồng bào dân tộc chúng ta đã gánh chịu không biết bao gian khổ truân chuyên, không biết bao là sanh ly tử biệt, máu lệ bi thương mới có thể giành lại sự độc lập, tự do cho xứ sở quê hương.
Như là một nhân duyên tương hội, với không gian - thời gian này, Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN đã hiện hữu và luôn luôn bên cạnh dòng đời. Ngài đã chứng kiến, đã kham nhẫn, cùng gánh chịu và đã chia sẻ trong từng thời khắc đi qua. Tất cả đã thấm đẫm trong cuộc sống và tâm thức đời Ngài. Chính những vui khổ, được mất, có không của dòng đời ấy đã là những pháp tình hun đúc, rèn luyện để làm nên nhân cách của một vị đạo sư kỳ vĩ trước thời đại.
Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Các pháp đều do nhân duyên hội tụ và phân ly; cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Quê hương Việt Nam thân yêu sau hàng trăm năm chiến tranh đau khổ bi thương, mấy mươi năm hai miền Nam - Bắc phân ly ngăn cách, nay đất nước đã hòa bình độc lập thì bá tánh nhân dân cũng được hội tụ đoàn viên. Và trong đó, điều tất nhiên đồng bào có tín ngưỡng cũng được hòa hợp thân thương.
Sau gần 2 năm gắn bó làm việc, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Tùng lâm Quán Sứ - thủ đô Hà Nội với 165 đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái, để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chính ngay tại sự kiện này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ được chư tôn đức Tăng-già suy cử là Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên của GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng thượng ĐỨC hạ NHUẬN được cung thỉnh lên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chư vị Trưởng lão: Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Maha Saray, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Nguyên Sinh… vào ngôi vị Phó Pháp chủ.
Tăng-già toàn quốc Pháp chủ uy nghiêm
Tam bảo hồng ân hạnh nguyện diệu huyền
Công đức thẳm sâu trăm năm tĩnh lặng
Đến đi vô tận trầm mặc hạo nhiên!
Pháp chủ thường nhiên
Trong kinh Trung-A-hàm, bài kinh Thủy dụ, Đức Phật đã dạy thế giới chúng sinh, đặc biệt trong xã hội nhân sinh, bước tiến hóa đưa đến sự thuần thục, an tịnh tâm linh. Con người phải trải qua vô lượng kiếp luân hồi, kiên trì dũng mãnh, tinh tấn vươn lên nơi chính tự thân tướng và tâm tánh của mỗi người. Tự mình phải đối diện nhận ra, chiến đấu và chiến thắng cái xấu quấy nơi chính trong tự thân khẩu ý của mình trong từng sát-na sanh diệt.
Một chúng sinh, một con người hiện hữu giữa cõi đời ngũ trược này, sự bức bách của cuộc sống, sự mê muội của vô minh đã khiến con người bị cột trói trong sanh tử, vùi giập tâm tánh trong tham sân si, thất tình lục dục. Lâu dần con người trở nên tích tụ như một biệt nghiệp khiến tâm thức cố chấp, vị kỷ, tự ngã, tự ái, rơi vào trong ảo tưởng. Hàng ngày, ta cứ ngỡ mọi hành động, lời nói, ý nghĩ của mình là đúng, mọi người là sai… rồi cứ thế mà hành xử gây bao nghiệp chướng đưa đến nhân quả khổ đau. Đến một ngày con người kịp nhận ra chơn lý cuộc sống, các pháp đều giả tạm hoàn không, vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh. Khi ấy, con người thức tỉnh muốn quay đầu cũng chẳng hề dễ dàng.
Điều bất thiện, xấu quấy ác từ khi mới phát sinh nó cũng tăng trưởng dần dần. Điều hiền thiện cũng vậy, khi mới biết tích tụ, tu tập cũng vô cùng gian nan thử thách, phải quyết tâm chiến đấu và chiến thắng với chính mình mới có thể vượt qua để đến đích, thành tựu.
Một đời người gần một trăm năm, nơi thân tướng huyễn mộng của Đức Pháp chủ là một trăm năm hun đúc, kham nhẫn, vun bồi thiện pháp để đến thời kỳ thuần thục trang nghiêm.
Tôi còn nhớ
rất rõ trong suốt 4 ngày Hội nghị đại biểu các tổ chức Giáo hội,
Hệ phái… lần đầu tiên tại giảng đường Tùng lâm Quán Sứ - Hà Nội
(từ ngày 4 – 7-11-1981), Trưởng lão Hòa thượng thượng ĐỨC hạ NHUẬN luôn
trang nghiêm uy nghi trên hàng chủ tọa chứng minh.
Ngài an tịnh lắng
nghe ý kiến của chư vị đại biểu phát biểu, thảo luận. Đến chiều ngày
thứ ba của hội nghị (6-11-1981), sau khi được hội nghị suy cử làm Chủ
tịch Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí
Thủ đã thay mặt chư tôn đức tại Hội nghị đại biểu toàn quốc đứng lên
tác bạch thỉnh cầu Ngài lên ngôi vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam. Với bản tánh khiêm cung, sau hai lần thỉnh cầu,
Ngài đều từ chối vì cho rằng mình kém tài đức không thể kham lãnh
trọng trách này.
Đến lần thỉnh cầu thứ ba, thay vì tiếp tục từ chối, Ngài từ tốn bày tỏ: “Nếu Hội nghị nhất quyết thỉnh cầu tôi thì xin chư vị ủng hộ, đồng thuận ba điều yêu cầu tâm nguyện của tôi thì tôi mới dám kham nhận lãnh. Đồng thời, chiều ngày mai (7-11-1981) khi kết thúc hội nghị, đoàn đại biểu Giáo hội đến thăm, cảm ơn Đảng và Chính phủ thì chúng ta cùng đạo đạt 3 điều tâm nguyện này lên Chính phủ để lo cho tương lai giáo pháp”.
Trong thời khắc đó âm thanh ngôn ngữ Ngài nhẹ nhàng đi vào tâm thức mọi người. Cả hội trường chăm chú lắng nghe, lắng nghe… và khi Ngài vừa dứt lời thì một tràng pháo tay đồng cảm chấn động tâm thức bùng vỡ. Một không khí hoan hỷ cùng cực trào dâng.
về Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận hôm qua, 8-12, tại Ninh Bình - Ảnh: Cẩm Vân
Một trăm năm an tịnh thân khẩu ý thường nhiên.
Một trăm năm lắng đọng trước dòng đời sanh diệt.
Một trăm năm chiếu diệu pháp duyên trần thế.
Một trăm năm cội tùng thiêng hóa trầm “thạch trụ tòng lâm”.
Một trăm năm thuần tịnh giới thân huệ mạng.
Một vị đạo sư kỳ vĩ thượng diệu trong giáo pháp luôn hành sự theo con đường chư Phật, chư Tổ đã an định: “Nói năng như thiền sư - Im lặng như Chánh pháp”. Đức Đệ nhất Pháp chủ đã thể hiện đúng tinh thần di huấn của chư Phật và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong cuộc sống thường nhật, Ngài luôn luôn an tịnh thân khẩu ý. Nếu có phải hành sự, nói năng hay nghĩ tưởng… đều là vì lợi ích, hạnh phúc cho nhân loại và chư thiên. Một sứ giả Như Lai, một bậc Sa-môn luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh.
Tùng lâm thơm ngát hương thiền
Từ ngày Đức Đệ nhất Pháp chủ thượng ĐỨC Hạ NHUẬN viên tịch đến nay tròn 20 năm (1993-2013). Trọn cuộc đời gần 100 năm (1897-1993), Ngài đã lưu lại cho chúng ta một tấm gương, một dấu ấn và cũng là một bài học mẫu mực tuyệt vời “Thân an tịnh, khẩu an tịnh, ý an tịnh”. Ngài đã tu tập và thực hiện thành tựu, thân chứng lời chư Phật giáo huấn: “Dứt các điều ác. Làm các điều lành. Giữ tâm ý trong sạch”. Tuy thời gian trôi qua tròn 20 năm từ ngày Đức Đệ nhất Pháp chủ viên tịch nhưng dù không gian, thời gian hay quốc độ nào, mỗi khi chúng ta có dịp hội tụ ôn nhắc “Cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Pháp chủ”, thì ngay lúc ấy, tức khắc chân dung vị đạo sư kỳ vĩ thượng đẳng “Thân an tịnh, khẩu an tịnh và tâm ý an tịnh” luôn hiển hiện trong tâm thức chúng ta như Đức Ngài đang còn hiện hữu với chúng ta. Điều này cho chúng ta thấy “chánh báo - y báo” trong cuộc đời Ngài đã lưu lại cho Giáo hội và nhân sinh là vô cùng thiết thực, vi diệu.
Ngày nay, từ Trung ương đến các tỉnh, thành hội Phật giáo, các ban, ngành, viện… ngày càng được chư Tăng Ni và Phật tử cụ thể hóa bằng hành động, những tâm nguyện buổi đầu của Đức Đệ nhất Pháp chủ đã bày tỏ và định hướng.
Sự lớn mạnh của hệ thống giáo dục Tăng Ni, không chỉ ở 3 ngôi trường bậc đại học Phật giáo tại ba thành phố lớn, mà hiện nay Giáo hội đã có 4 Học viện Phật giáo tại bốn thành phố lớn: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Bên cạnh, Giáo hội còn mở thêm 8 lớp cao đẳng và 32 trường trung cấp cùng nhiều lớp sơ cấp Phật học trong cả nước.
Ngành Tăng sự cũng vậy, ngày mới thành lập Giáo hội, nỗi ưu tư của chư tôn đức Tăng Ni là “tre tàn măng chưa mọc”, cả nước không hơn 15.000 Tăng Ni đến nay gần 50.000 Tăng Ni. Trong số đó, đa phần là Tăng Ni trẻ đang theo học các trường Phật học, được nhập hộ khẩu vào các chùa, tự viện, tịnh xá ngày càng nhiều hơn.
Riêng bộ Lịch sử Đức Phật và Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện để giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử thế hệ hiện nay và mai sau, góp phần hoằng dương Chánh pháp, phụng sự nhân sinh.
Đặc biệt, sự nghiệp hoằng pháp càng được lan rộng. Các đạo tràng tu tập của Phật tử được thành lập khắp ba miền như: Đạo tràng Pháp Hoa, Đạo tràng Niệm Phật, Khóa tu Bát quan trai, Khóa tu Một ngày an lạc… từng bước được hình thành, phát triển về số lượng lẫn chất lượng.
Giữa cõi ta-bà phàm Thánh đồng cư
Hạt giống Bồ-đề mầu nhiệm chơn như
Ba mươi hai năm… suối nguồn lan tỏa
Mười hai năm… chăm chút hạnh bi từ
Hai mươi năm… Ngài hóa thân cõi tịnh
Tâm nguyện Ngài, y - chánh báo quang minh
Nhuần rạng chiếu… tâm linh thơm bát ngát.
Hồng ân Đức Pháp chủ - Hiền đẹp thiên thu
Trong cuộc đời này, đã là con người ai rồi cũng một lần đến một lần đi. Có người mới vừa lọt lòng mẹ chưa kịp mở mắt chào đời đã vội vàng thầm lặng ra đi, có người năm năm mười năm, có người đôi ba mươi năm, có người năm bảy mươi năm, nhưng rất ít người trên chín mươi năm hay một trăm năm.
Nhưng có điều là dù ngắn hay dài, lâu hay mau… thì những dư nghiệp mà con người lưu lại thì rất quan trọng đối với một đời người. Có người sinh ra, lớn lên rồi ra đi… chỉ cảm nhận rồi hành xử, chứng kiến những điều bất thiện, bất hạnh và khổ đau. Rất ít người nhận ra được thật tướng của các pháp, của thiện ác, phải quấy, tốt xấu… của quy luật nhân quả luân hồi; để tự mình biết dừng lại, thắng phục mình và chuyển hóa khổ đau để có thể an định chính mình, phục vụ lợi ích nhân sinh.
Cuộc đời đạo nghiệp của Đức Đệ nhất Pháp chủ mãi mãi là một bài học vô giá về đức hạnh trang nghiêm. Từ trong vô lượng kiếp, Đức Ngài đã tích dưỡng tu tập, an tịnh thân khẩu ý… để đến đời này khi vừa hiện thân vào đời, Ngài chỉ dụng công tiếp tục hoàn thiện phẩm hạnh và Ngài đã thân chứng lưu lại cho chúng ta, cho cuộc đời một nét son, một dấu ấn tĩnh lặng thường nhiên, hiền đẹp thiên thu.
Trăm năm Ngài đến rồi đi
Trăm năm lan tỏa diệu kỳ xưa sau
Hiện tiền dấu ấn tâm giao
Hương thơm ngào ngạt dạt dào nhân gian
Thân khẩu ý… lực Kim cang
Bảo tích ngàn kiếp ánh vàng long lanh
Dòng thời gian… nối tử sanh
Trang nghiêm tướng tánh hóa hành chơn như
Nam-mô đại đức đại từ
Thường nhiên Pháp chủ huyền thư ta-bà
Nam-mô Bát-nhã ba-la
Uy nghi phẩm hạnh kết tòa sen thiêng!
---------------------
* Tin, bài liên quan:
Ngọc Sương (Tuvien.com)