Sỏi đỏ, giấy bổi vàng & triện gỗ
Hồi nhỏ tôi thường được ông nội dắt đi chơi
theo, hễ gặp đống sỏi sạn đâu đó bên đường là ông nội dừng lại tìm và nhặt những
hòn sỏi đất màu đỏ. Không nhiều, chỉ độ dăm ba viên thôi. Ông cho vào tay nải vải
nâu như giấu một vật "bất khả tư nghì".
Ảnh minh hoạ
Ông tôi là một bậc thượng lão đức trọng ở làng, từ việc trong nhà đến việc họ tộc làng nước đều lo lắng chu tất. Ông là người giỏi về văn sớ mặc dù không được học hành chi nhiều. Văn sớ cúng làng, văn sớ chạp mả, văn sớ đám tang, đến các tờ cấp cho người đã khuất... ông đều thạo.
Mỗi lần chuẩn bị viết văn sớ, ông trải chiếu ra bộ phản gỗ gõ, kê lên đó một chiếc tợ gỗ cẩm. Lại đặt lên tợ gỗ giấy bút và một chiếc đĩa gốm nhỏ. Ông ngồi lên phản, một chân xếp bằng, chân kia doãi về sau, vẻ như một ông đồ đang cho chữ. Tôi cũng quỳ theo một bên, chống hai tay lên cằm xem ông viết. Chữ ông đẹp, viết xiên nghiêng như lúa gặp gió xuân. Đều đặn típ tắp, bàn tay ông cẩn trọng thảo từng con chữ.
Giấy viết sớ là loại giấy bổi màu vàng mỏng (thứ giấy này người ta thường dùng để quấn quanh các ốp hương). Giấy được xếp thành các bản nhỏ cỡ bàn tay, gấp chồng như cách xếp cánh quạt. Nhà tôi luôn luôn có sẵn giấy đã xếp, ông kẹp vào cuốn sổ văn sớ để khi nào có việc là lấy ra viết liền. Không chỉ là sớ cúng trong nhà, ông tôi còn viết cho cả những người trong làng, ai đến nhờ ông cũng viết không nề hà. Nhất là những dịp năm hết Tết đến thì ông khom lưng cặm cụi cả ngày mà viết.
Ông nhỏ một ít nước vào chiếc đĩa gốm rồi lục tay nải lấy ra mấy viên sỏi đất đỏ nhũ tôi mài. Tôi cầm viên sỏi lên ngắm nghía, nghĩ mài sỏi thì ích gì. Một lúc sau dĩa tráng một màu son đỏ rất đẹp. Sau này tôi học câu thơ "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" lại tủm tỉm nghĩ, nhẽ ra ông nhà thơ viết "sỏi đá cũng thành... sơn" chắc có lý hơn.
Ông nhón ngón tay trỏ chấm vào dĩa mực son, quệt một lớp mỏng lên con triện gỗ. Tôi nhớ ở nhà có ba con triện khắc chữ Hán: một cái hình vuông kích thước 8cm, một cái nhỏ kích thước 4cm và một cái hình ô van cỡ quả xoài. Ấn triện đặt nghệ nhân trong Huế khắc bằng loại gỗ mít vàng.
Mỗi lần ông viết sớ, tôi đứng cạnh bên lật sổ cho ông, nhiều chữ không rõ thì ông nhủ tôi đọc hộ. Ấy là ông tôi giả vờ thế chứ thực ra ông đã thuộc hết cuốn sổ đó rồi. Sau này tôi mới biết đó là cách ông hướng tôi quan tâm tới văn sớ cúng tiên tổ.
Có những lần ông giả vờ mắt kém, bảo tôi chép giúp, cốt là để tôi làm quen với công việc ý nghĩa này. Về sau ông dạy cho tôi cách viết sớ. Ông chỉ trỏ từng chỗ, giải nghĩa từng chữ và bảo cho cách viết. Dần dà, tôi cũng đã quen thuộc tất cả các loại sớ. Biết rõ loại văn nào dùng vào dịp nào, biết cách xưng hô cấp bậc người khuất, biết tên gọi những “thứ phẩm chi nghi”. Viết sớ cũng như viết gia phả, phải nhập tâm và cẩn thận, suy nghĩ lung tung là viết sai liền. Chỉ cần sai một nét chữ thôi là ông đốt tờ giấy đó và viết lại trên một tờ mới. Ông dạy, viết sớ cũng là cách luyện tâm mình.
Bây giờ ông nội tôi vẫn còn minh mẫn, mắt sáng và vẫn viết sớ cúng. Nhưng ông không còn ngồi gấp giấy bổi vàng mà mua sớ in sẵn về viết thêm vào những chỗ cần. Mấy con triện gỗ không dùng đến nên ông đem đốt, sợ cháu chắt đem ra chơi phải tội.
Văn sớ là một nghi thức văn hóa người Việt mà qua đó thể hiện chữ Hiếu. Chừng nào làng xã còn thì văn hóa tập tục cổ truyền còn. Dẫu biết thế, tôi vẫn tiếc nhớ mấy con triện gỗ quệt son đỏ đóng lên những tờ giấy bổi quá chừng. Chao ôi, cái sự hoài cổ nó làm mình như bị già đi, lại dễ rưng rưng khi nghĩ về hồn xưa Tết cũ.Hoàng Công Danh
Ngọc Sương (Tuvien.com)