Câu hỏi: Dưới cái nhìn của Đạo Phật, nếu không có cái ngã hay một linh hồn bất tử, thì ai hay cái gì sẽ được tái sinh? Ai hay cái gì sẽ nhận hậu quả của những hành động tốt hay xấu?
Trả lời:
Thật ra trong ý nghĩa tận cùng và sâu xa nhất của vấn đề, sẽ không có người nào được tái sinh hay thọ nhận kết quả của việc mình làm. Cái được tái sinh chính là tham ái được liên tục tái diễn. Vì vô minh, tham ái phát sinh, và tham ái cho chúng ta cảm tưởng là có một người nào đó đang gặp khó khăn, một người nào đó đang phiền não và khổ sở.
Vì những tham ái nầy mà chúng ta nghĩ rằng đời sống phải là cái gì khác hơn cái hiện tại. Tiến trình tái sinh không thuộc về ai cả; nó chỉ là tiến trình của những điều kiện có liên hệ nhân quả với nhau.
Với chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng kết quả của sự sinh ra trong cõi đời nầy và những việc làm quá khứ là như thế đó. Và nếu bạn liên tục chính niệm về điều nầy, bạn sẽ không tạo ra điều kiện để cho một người nào đó được tái sinh. Bạn sẽ không còn ảo tưởng là có một người nào đó đang thọ nhận một cái gì đó, đang trở thành một cái gì đó, hay bị trừng phạt vì một lỗi lầm nào đó. Chỉ có giây phút hiện tại là kết quả của việc làm trong quá khứ. Khi không còn vô minh, chúng ta sẽ không còn khổ đau trong những điều kiện hiện tại. Đây là điều rất khó hiểu nếu chỉ nhìn nó từ quan điểm cá nhân. Vì thế, Đạo Phật bình dân dạy chúng ta rất đơn giản: nếu làm điều tốt, bạn sẽ nhận quả tốt; nếu làm điều xấu, bạn sẽ nhận quả xấu. Đây là cách nói quy ước của xã hội đời thường.
Nhưng khi bạn tiếp tục hành thiền và hiểu biết giáo pháp ngày càng sâu sắc hơn, bạn sẽ ý thức nhiều hơn về bản chất của vạn pháp. Và rồi, bạn sẽ thấy là việc nhận quả xấu hay tốt không còn ý nghĩa nữa. Ở giai đoạn nầy, sẽ không còn vấn đề tốt hay xấu. Khi có đủ duyên, bạn sẽ làm điều tốt, nhưng động cơ làm không còn xuất phát từ tư tưởng là bạn sẽ gặt một quả nào đó từ một việc làm nào đó. Và bạn sẽ không thích làm điều tội lỗi nữa, vì những gì xấu xa và tội lỗi chỉ hấp dẩn lôi cuốn khi con người vẫn còn ảo tưởng về cái ngã. Khi ảo tưởng về cái ngã không còn nữa thì vấn đề cũng sẽ tan biến đi. Bạn sẽ làm những việc thiện và tốt đẹp, nhưng bạn làm vì đó là điều đúng đắn cần làm. Bạn không làm gì lợi lộc hay phần thưởng cá nhân nào hết.
Câu hỏi: Nếu thế thì có phải Sư muốn nói là đối với người có trí tuệ, làm điều tốt là cái gì rất tự nhiên? Có phải sẽ không còn cảm giác là chúng ta phải làm điều tốt -- làm việc tốt là một phản ứng tự nhiên trong mọi hoàn cảnh không?
Trả lời: Vâng, đó là phản ứng tự nhiên trái ngược lại với phản ứng bốc đồng bị thôi thúc bởi vô minh.Không có trí tuệ, chúng ta sẽ chỉ có những thôi thúc tâm lý mà chúng ta chiều theo hoặc tìm cách ức chế. Có trí tuệ, chúng ta sẽ có thái độ hồn nhiên đối với cuộc sống xuất phát từ cái tâm thanh tịnh và phủ trùm vạn pháp, thay vì từ một ý tưởng cá nhân của một người cố gắng làm điều tốt chỉ vì lo sợ sẽ bị trừng phạt vì đã làm điều tội lỗi.
*** Ý nghĩa của sự giác ngộ ***
Câu hỏi: Xin Sư giải thích ý nghĩa của sự giác ngộ.
Trả lời: Giác ngộ không là gì khác hơn là sự lớn lên và trở thành một con người thuần thục và trưởng thành. Công phu hoàn thiện cái nghiệp làm người sẽ dẫn chúng ta đến giác ngộ. Giác ngộ là trở thành một người thuần thục, có trách nhiệm và quân bình, một người có đạo đức và trí tuệ, không còn chạy đi tìm "một chỗ dựa tình thương nào khác bên ngoài mình."
Nhiều người trong chúng ta không có tình yêu, nên chúng ta muốn thay thế bằng tình yêu của Chúa. Họ nói, "Tôi tin Chúa vì Chúa thương tôi. Không ai thương tôi hết, chỉ có Chúa mới thương tôi." Nhưng điều nầy thể hiện sự thiếu trưởng thành -- họ vẫn khát vọng một tình yêu từ bên ngoài -- từ một người nào đó ngoài mình. Một người giác ngộ không cần tình yêu của Chúa hay của một người khác. Được người khác yêu thương là một điều tốt nhưng không phải là điều cần thiết.
Giác ngộ là cái gì rất thực tế; đó là cái mà ai cũng có thể thực hiện được. Tất cả chúng ta đều có thể tiến đến trạng thái tỉnh giác. Và khi có tâm tỉnh giác, quân bình, và trí tuệ, chúng ta đều có thể thương yêu. Đó là quá trình trưởng thành của con người. Khi có trí tuệ, chúng ta sẽ thương yêu người khác một cách tự nhiên. Tình thương chính là ánh sáng tự nhiên của trí tuệ.
Bài viết: "Tái sinh: Ý nghĩa của sự giác ngộ"
Trích: Tâm và Đạo - Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
Ajahn Sumedho - Susanta Nguyễn dịch/ Vườn hoa Phật giáo
Bích Ngọc (Tuvien.com)