Tấm áo
Ở mức độ thấp hơn, cái áo lắm khi trở thành sự phô trương bên ngoài để bù lấp cho cái thiếu hụt bên trong. Áo, gần như chỉ còn là chuyện thuần túy hình thức, trong khi "thoạt kỳ thủy", áo là biểu tượng cho cái bên trong của cuộc sống, là tính nội dung của hình thức, nếu nói theo cách của lý luận văn học.
Mà, dù có thay đổi theo trình độ văn hóa, kinh tế hay xã hội thì chuẩn mực về cái đẹp của áo quần (trang phục) vẫn là: trang nhã, phù hợp và hài hòa với môi trường chung quanh.
Nhật ký
Buổi sáng ngồi cà phê, nhận tin nhắn của người bạn: Miền Trung mưa nhỏ, se lạnh. Chợt nhớ, mùa đông năm trước, một đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm cho đời sống bà con nông dân, vốn đã eo sèo, lại càng thêm nỗi cơ hàn. Cơ hàn ư, nói như vậy, có quá đáng chăng? Thì, đã chấm dứt đâu chuyện xóa đói giảm nghèo? Thì, cũng trong đợt rét vừa kể, hàng bao nhiêu tấn áo quần quyên góp của đồng bào cả nước chẳng đã gửi đến bà con ở những vùng phía Bắc hay sao? Và, hàng năm, từ khoảng tháng 6 đến tháng 9, nhiều tỉnh thành đã phải quyên góp bao nhiêu là chiếc áo ấm, gửi tặng bà con vùng cao còn nhiều nỗi eo sèo.
Tự dưng nhớ lại. Tháng 6-1975. Về lại thành phố sau những tháng năm xa. Người cậu thương cháu, nhưng chỉ có cái quần cũ đã lỗi thời làm quà. Anh không mặc được, nhưng vẫn giữ; đến khi có đứa con đầu, chiếc quần được người vợ may lại thành chiếc áo. Cũng vào khoảng thời gian ấy, anh không nhận một số tiền khá lớn, cũng của một người trong gia tộc gửi tặng, vì anh "nghe" được trong món quà ấy có một điều gì khác với sự chân tình.
Cái quần cũ của người cậu ấy, khi thôi nôi đứa con đầu lòng, vợ của người cháu đã xé ra may cho con mình tấm áo. Tấm áo ấy, còn được giữ mãi đến mười mấy năm sau. Chiếc áo không phải là vải, là chỉ mà là sự kết tinh của Tình yêu, đã được tiếp truyền qua thế hệ khác.
Ghi chép
- Người bạn lớn tuổi gửi cho hai chiếc áo cũ, còn mặc được. Anh muốn tỏ chút tình mà những người đàn ông cứng rắn thường ít khi muốn chứng minh một cách ồn ào…
- Trong buổi "tạm biệt", những người đồng nghiệp trẻ tặng chiếc áo vải "dễ thấm mồ hôi" cho người đi công tác đường xa…
Áo ơi, sao áo sâu xa nghĩa người đến vậy!
***
Và cái mùi áo của mẹ những đêm mùa đông năm nào xa lắc mà không phai, trên chiếc chõng tre nghe gió lùa qua mái lá.
Và những cơn mưa đời sẽ làm buốt cóng trái tim người biết bao, nếu không có những tấm áo lời thương che chở!
Và, trong ánh ngày đang dần rạng, có một người nằm trong giấc mê mệt trên vỉa hè giữa tiếng xe qua và bên bóng những người đi tập thể dục buổi sáng, thân hình quấn trong một mớ giẻ bùng nhùng…
Có phải vẫn còn đó, câu thơ Đỗ Phủ không phai, sau bao nhiêu bào giũa của Thời gian: Đồng đình sở bạch phân / Bản tự bần nữ xuất (dịch nghĩa: những tấm lụa ban phát trước sân rồng/ đều do những người con gái không đủ áo mặc làm ra!).
Và mong sao, một ngày nào hành tinh này sẽ không trở nên trơ trụi nếu những tấm áo che quả đất không dần trở nên xơ xác trước lòng tham vô tận đang như lửa - nước trào dâng!
Và cuối cùng, chiếc áo tinh thần nào sẽ là con đường cứu rỗi cho những mù lòa của tâm thức con người?
Áo ơi! l
Tạp bút của Nguyễn Đông Nhật
Ngọc Sương (Tuvien.com)