Năm 1910, chùa được dựng trên mảnh đất gần ngôi chùa ngày nay với tên gọi là chùa Gakhwang-sa (chùa Giác Hoàng). Đến năm 1937, vị trụ trì đã cho di chuyển ngôi chùa đến vị trí hiện tại và đổi tên thành chùa Taego-sa (chùa Thái Cổ).
Năm 1910, chùa được dựng trên mảnh đất gần ngôi chùa ngày nay với tên gọi là chùa Gakhwang-sa (chùa Giác Hoàng). Đến năm 1937, vị trụ trì đã cho di chuyển ngôi chùa đến vị trí hiện tại và đổi tên thành chùa Taego-sa (chùa Thái Cổ). Cuối cùng, vào năm 1954, chùa đã được đổi tên thành chùa Jogye-sa (chùa Tào Khê), thuộc tông phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc với khoảng 12.000 Tăng Ni tu tập.
Ngôi chánh điện được xây dựng ở vị trí trung tâm ngôi chùa. Ngôi điện được xây bằng gỗ với nhiều mảng chạm trổ, hoa văn trên các cánh cửa và hầu hết các thành phần kiến trúc của ngôi điện. Tấm biển Đại Hùng Điện được Hoàng tử Uechang-gun, Kwang Lee viết, ông là vị Hoàng tử thứ 8 con vua Seonjo đời Chosun. Ngôi chánh điện này đã được công nhận là Di sản số 127 của thành phố Seoul.
Trong ngôi chánh điện, điện Phật được bài trí trang nghiêm tôn thờ tượng đức Phật Thích Ca. Vào ngày 14 tháng 11năm Phật lịch 2550 (năm 2006), ngôi chánh điện hoàn thành việc trùng tu, chùa đã tổ chức trọng thể lễ an vị hai pho tượng Phật, tượng đức Phật A Di Đà đặt bên phải và tượng đức Phật Dược Sư đặt bên trái đức Phật Thích Ca. Đặc biệt, bên phải ba pho tượng đức Phật là một pho tượng đức Phật Thích Ca cổ bằng gỗ, được tạc dười thời Chosun (khoảng năm 1460) và được đưa về tôn trí tại chùa năm 1910 khi ngôi chùa mới được xây dựng. Đây là pho tượng rất quý, đã được công nhận Di sản số 126 của thành phố Seoul.
Ở phía Nam ngôi chánh điện có tháp chuông hai tầng, bên trong đặt quả đại hồng chung và trống lớn. Mỗi ngày, lúc 4 giờ sáng và 6 giờ chiều, các nhà sư đã thỉnh 28 tiếng chuông buổi sáng và 33 tiếng chuông buổi chiều.
Bên phải ngôi chánh điện có điện Cực Lạc thờ tượng đức Phật A Di Đà, hai vị Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng và tượng Thập Điện Minh Vương.
Phía trước ngôi chánh điện có bảo tháp bảy tầng bằng đá được xây vào năm 1937 để thờ Xá Lợi Phật. Trong chuyến hành hương đến các Phật tự ở Hàn Quốc, Ngọc Xá Lợi Phật đã được Hòa thượng Dharmavara thỉnh từ Sri Lanka sang dâng cúng cho chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1913.
Chùa Tào Khê còn có nhiều công trình đặc sắc khác như Cổng Một Cột được hoàn thành vào tháng 3 năm 2005. Cổng chùa mang tên Một Cột nhưng có đến Mười Hai Cột, là nơi con người từ cõi Đời bước vào cõi Đạo, thế giới của sự Giác ngộ và Giải thoát. Phía đông ngôi chánh điện còn có cây thông đã hơn 520 năm, khi bóc vỏ ngoài thì bên trong thân cây có màu trắng.
Tào Khê là ngôi đại tự danh tiếng. Hằng ngày, đông đảo du khách nhiều nước trên thế giới và Phật tử đến chùa lễ bái, tu tập, sinh hoạt.
Bích Ngọc (Tuvien.com)