Thận trọng với sản phẩm có mùi hương nồng
Bổ sung hương thơm vào các sản phẩm gia dụng là xu hướng trong sản xuất hàng tiêu dùng hiện nay. Thế nhưng "lợi bất cập hại", điều ấy không hẳn đã tốt cho sức khỏe con người.
Theo Thạc sĩ - bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, mùi hương tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên rất đắt tiền nên không phải sản phẩm tiêu dùng nào cũng được sử dụng hương thơm có nguồn gốc thiên nhiên.
Bệnh từ “mùi hương”
Hương thơm thường mang đến cho con người cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Vì vậy, sử dụng các sản phẩm có hương thơm là một nhu cầu từ bao đời nay, đặc biệt khi chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vì tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên rất đắt tiền nên hiện nay đa phần các chất tạo mùi thơm tổng hợp là các loại hóa chất, như tinh dầu và este: Amyl axêtat, Amyl butyrat, êtyl butyrat, êtyl valerianat, êtyl pentacyonat và một số chất khác như aldehyt benzoic, nhựa thơm pêru, xitrol, vanilin, hêliotropin, cumarin, mentol… có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Cẩn trọng khi sử dụng nến thơm - Ảnh minh họa
Theo một khảo sát của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ năm 1991, có đến 95% các hương thơm đang được sử dụng là hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thay vì hương liệu tự nhiên. Đặc biệt, rất nhiều chất trong các sản phẩm tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể, như toluen, aceton, focmaldehit… Trong số này, có nhiều chất đã được chứng minh có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy, khi sản phẩm có mùi càng thơm, mùi thơm càng tồn tại lâu thì lại càng có nhiều hoá chất.
Các ảnh hưởng này nhiều hay ít phụ thuộc vào bản chất và nồng độ của chất tạo mùi (nhưng vốn thường được giữ kín như một bí mật nghề nghiệp), mức độ và thời gian tiếp xúc cũng như cơ địa của từng người. Cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể bị ảnh hưởng bởi hương thơm chứa các chất độc hại này nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ảnh hưởng từ “mùi hương hóa chất”
Tác động đầu tiên cần nói đến là ảnh hưởng trên đường hô hấp. Các mùi hương càng thơm, càng nồng có thể là tác nhân gây kích thích, phát triển cơn hen quan trọng dù bệnh nhân vẫn được dùng thuốc phòng ngừa đầy đủ. Bệnh nhân viêm xoang dị ứng cũng có thể trở nên khó điều trị nếu vẫn ngửi mùi thơm thường xuyên. Khoa học cũng đã phát hiện mối liên hệ của hóa chất thơm với tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh trong chứng co thắt đường thở do dị ứng.
Tình trạng dị ứng cũng có thể xảy ra khi dùng những chất có hương thơm trên da, dẫn đến viêm da tiếp xúc, chàm...
Ngoài việc tác động trên da hoặc đường hô hấp, các hóa chất tạo hương còn có thể thấm qua da và tích lũy trong cơ thể, gây nhiều tác động có hại. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh, do da rất mỏng nên các hóa chất sẽ dễ thấm qua hơn. Cơ thể trẻ cũng non yếu nên dễ bị ảnh hưởng hơn nhiều.
Hương thơm nhân tạo, đặc biệt khi có nguồn gốc dầu mỏ, còn có thể gây tình trạng nhạy cảm đa hóa chất, tình trạng này càng thường gặp nhiều hơn. Người bị hội chứng này khi tiếp xúc với một hóa chất có mùi nào đó sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ.
Nến thơm cũng có thể chứa độc tố
Sử dụng nến thơm hiện nay cũng là một trào lưu được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt ở giới trẻ vì có ánh sáng trong một không gian thơm tho, lãng mạn. Một số loại nến có tinh dầu còn được giới thiệu có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng đầu óc, giảm stress. Tuy nhiên, cũng do tinh dầu tự nhiên có giá rất đắt, dễ bay hơi và không thể làm nến nếu không pha thêm chất ổn định khác nên đa số nến thơm có giá không đắt đều sử dụng các hương liệu tổng hợp tương tự như trên. Về nguyên tắc, nến có mùi càng thơm thì càng có nhiều hoá chất và càng có khả năng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người.
Một nguy cơ nữa có thể gây hại cho người dùng là nến có lõi bấc bằng chì. Việc dùng dây kim loại (thường là chì) để làm lõi bấc sẽ giúp nến cháy thẳng, lâu, ngọn lửa đẹp nhưng lại không tốt cho sức khoẻ. Nhiễm độc chì có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, gan, thận… và trẻ có nguy cơ chậm lớn.
Sử dụng an toàn là dùng sản phẩm ít mùi thơm
Các ảnh hưởng không tốt, thậm chí có hại nói trên, thường ít được chú ý đến và bị bỏ qua. Vì vậy, khó biết chính xác tần suất xảy ra thật sự của chúng là bao nhiêu nhưng trên thực tế không phải là hiếm.
Vì vậy, để giữ được sự an toàn khi sử dụng những sản phẩm này, trước hết, cần hạn chế tối đa dùng những sản phẩm với mùi thơm có nguồn gốc từ hóa chất. Nếu sử dụng, nên chọn loại sản phẩm chỉ có mùi thơm nhẹ. Nên dùng lượng vừa phải để không ảnh hưởng sức khỏe bản thân và người xung quanh.
Khi trong nhà có người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng, trẻ nhỏ, chúng ta càng nên tránh dùng các loại có mùi thơm, đặc biệt là các sản phẩm thơm nồng. Nếu phải sử dụng, nên bắt đầu dùng ở mức độ ít và chú ý quan sát xem có phản ứng gì lạ ở người trong nhà hay không.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cần tránh cho da trẻ tiếp xúc trực tiếp với các chất xịt phòng có mùi thơm, nhất là các mùi quá nồng.
Nguyên Hạnh (Phụ nữ online)
Ngọc Sương (Tuvien.com)