Thêm lý do để đưa bông cải xanh vào chế độ ăn
Điều kỳ diệu của bông cải xanh là trong loại thực phẩm này có chứa nhiều hợp chất phenol, phát huy tác dụng chống oxy hóa của cơ thể. Các hợp chất này giúp “tóm lấy” các gốc tự do nguy hại trước khi chúng gây phá hủy nghiêm trọng cho tế bào trong cơ thể.
Sự có mặt của phenol trong chế độ ăn có tác dụng quan trọng trong ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Molecular Breeding, các chuyên gia Đại học Illinois đã tìm hiểu các gene khác nhau có chức năng kiểm soát sự hình thành các hợp chất phenol, gồm có các flavonoid có trong bông cải xanh. Các nhà khoa học dự định sẽ sử dùng các gene này để làm gia tăng số lượng phenol từ chế độ ăn, nguồn hợp chất chỉ có từ chế độ ăn.
Tác giả nghiên cứu - nhà nghiên cứu gene Jack Juvik (Đại học Illinois) chia sẻ: Chúng ta phải hấp thu các hợp chất này từ chế độ ăn vì cơ thể không tạo ra được. Do vậy, nên ăn bông cải xanh mỗi 3 hoặc 4 ngày mỗi tuần để giảm nguy cơ mắc ung thư và các bệnh thoái hóa khác.
Các chuyên gia đã tìm thấy hàm lượng phenol và chất chống oxy hóa trong bông cải xanh và sau đó xác định gene nào trong cơ thể liên quan đến việc kích hoạt sản xuất các hợp chất phenol.
Nghiên cứu đã giúp xác định được một số gene cụ thể giúp cơ thể tích lũy các hợp chất phenol khác nhau như flavonoid và axit phenolic. Sắp tới, các chuyên gia sẽ dùng các dữ liệu này để gây giống bông cải xanh và các loại rau cải khác như cải xoăn, bông cải (súp-lơ),… nhằm tạo ra các dòng có chứa nhiều hợp chất phenol.
Theo nhóm nghiên cứu, các hợp chất phenol trong bông cải xanh khá bền vững và không có mùi nên sẽ không bị giảm phẩm chất nếu được chế biến và nấu đúng cách. Các hợp chất này được cơ thể hấp thụ ngay và đưa đến một số cơ quan nhất định hoặc được giữ lại ở gan.
Flavonoid giúp chức năng tế bào được đảm bảo bằng cách phóng thích ra các enzyme cải thiện hoạt động của tế bào trong cơ thể. Hoạt tính chống oxy hóa này có tác dụng làm giảm các viêm nhiễm trong cơ thể.
Chúng ta cần sự kháng viêm vì đây là phản hồi của cơ thể chống lại bệnh tật hoặc sự phá hủy nào đó đang diễn ra và cũng là sự khởi đầu của nhiều bệnh thoái hóa. Người nào có chế ăn với nhiều hợp chất này sẽ có ít nguy cơ bệnh tật - Juvik cho biết thêm.
Lời khuyên từ các chuyên gia là khi xào bông cải xanh hãy cho dầu ô liu nguyên chất vào để tăng cường các hợp chất phenol. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Grenada gần đây đã kết luận rằng cách nấu ăn như xào, áp chảo, luộc có cho thêm dầu ô liu vào sẽ làm tăng mức độ tập trung của các hợp chất phenol. Phenol từ rau cải khi được xào hoặc áp chảo trong dầu ô liu sẽ có hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn và mức độ tập trung của hợp chất phenol cao hơn.
Ngoài ra, trong bông cải xanh còn có sulforaphane (chất này thường có trong các loại họ cải) có tác dụng phòng chống ung thư vùng ruột kết, đầu, cổ và gan.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)
Ngọc Sương (Tuvien.com)