Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary - gọi tắt là Union) tại thành phố New York thông báo rằng Huân chương Liên hiệp (Union Medal) sẽ được trao cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một vị thầy Phật giáo, một nhà khảo cứu, nhà văn, nhà thơ và một nhà hoạt động cho hòa bình.
Huân chương Liên Hiệp là giải thưởng cao nhất do Chủng viện đề cử, được đưa ra vào năm 1981 như một biểu tượng vinh danh những cá nhân mà cuộc sống của họ là tấm gương thực hiện những sứ mạng hướng thượng trên thế giới. Trong số những người từng nhận huân chương này có cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 (Nhiệm kỳ 1993-2001) và Desmond Tutu - Tổng Giám mục Nam Phi đấu tranh vì Nhân quyền.
Trong thông cáo báo chí liên quan đến vấn đề này, Linh mục Serene Jones, Chủ tịch Hội phát biểu rằng: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thường được gọi một cách trìu mến là “Thầy”, đã chạm đến trái tim của những con người từ nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng và kinh nghiệm sống khác nhau. Chúng tôi rất tự hào được vinh danh những nỗ lực mang tính toàn cầu của Thầy”. (Thay [as Thich Nhat Hanh is affectionately known] has touched deep chords among people of many different backgrounds, faiths, and experiences. We are so proud to recognize his remarkable global endeavors.”)
Lễ trao Huân chương Liên Hiệp cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được tổ chức vào ngày 06/09/2017 tại Hội nghị thường niên của Hội. Đó là sự kiện chào đón các sinh viên mới và cũng đánh dấu sự bắt đầu chính thức của niên học. Sư cô Thích Nữ Chân Đức, đại diện của Làng Mai sẽ thay mặt Thiền sư đón nhận Huân chương Liên Hiệp.
Thầy đã nhận được bằng Thạc sĩ về Tôn giáo từ Hội Chủng viện và trường đại học Columbia năm 1963. Chỉ một vài năm sau đó, Thầy gặp Mục sư Martin Luther King và hai người đã trở thành những người bạn tri kỷ của nhau. Cuộc gặp gỡ với Thầy đã thúc đẩy Mục sư King đi đến quyết định công khai phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam vào năm đó. Năm 1967, Mục sư King đã viết thư cho Ủy ban Nobel để đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa bình năm ấy. Trong thư, Mục sư King viết: “Cá nhân tôi không thấy ai xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình hơn vị thầy tu Phật giáo đến từ Việt Nam này". Tuy nhiên, giải Nobel Hòa bình của năm đó không được trao cho ai cả.
Trong suốt những thập kỷ sống lưu vong, Thầy đã thành lập Dòng tu Tiếp hiện quốc tế và Hội Phật giáo thống nhất tại Pháp. Với ý thức rằng chính niệm thể hiện được công năng lớn nhất khi thực hành như một cộng đồng, Thầy đã thành lập sáu tu viện và rất nhiều trung tâm tu tập tại Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu, cũng như hơn 1000 cộng đồng chính niệm tại các địa phương, thường được gọi là “tăng thân”.
Hiện có khoảng 600 vị xuất sĩ nam và nữ, cùng với hàng chục ngàn đệ tử cư sĩ đang áp dụng những lời dạy của Thầy - về thực tập chính niệm, xây dựng hòa bình và tạo dựng những cộng đồng tu tập - và mang sự thực tập vào trường học, nơi làm việc, doanh nghiệp cũng như vào các nhà tù trên khắp thế giới.
Dù được thành lập như một chủng viện Kitô giáo, Hội Chủng viện Thần học từ lâu đã tiếp nhận những tuệ giác từ các tôn giáo khác và việc trao Huân chương Liên hiệp cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp cho việc đề cao chương trình Thạc sĩ Thần học mới được mở rộng (Master of Divinity). Bắt đầu từ mùa thu này, sinh viên có thể theo đuổi chương trình đào tạo thần học tại khoa giáo sĩ phi Kitô giáo bằng cách tập trung vào chương trình Phật giáo và Liên minh Tôn giáo quốc tế (BIE) hoặc Hồi giáo và Liên minh Tôn giáo quốc tế (IIE).
Liên hiệp cũng sẽ đưa ra Chương trình Thích Nhất Hạnh với đạo Bụt dấn thân. Chương trình nhằm tạo ra một loạt các cuộc đối thoại Phật giáo về các chủ đề như xây dựng hòa bình, sự phối hợp hành động liên tôn giáo, biến đổi khí hậu, nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực, đói nghèo và bất bình đẳng về kinh tế, nhà tù, giới tính và tình dục.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Phật giáo, Sensei Greg Snyder - một vị thầy theo truyền thống Thiền Phật giáo và cũng là một vị giáo thọ - nói: "Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp với những truyền thống văn hóa và tâm linh rất đa dạng. Hội Chủng viện có bề dầy lịch sử về thúc đẩy hòa nhập và xây dựng lòng từ bi trong khuôn khổ một tổ chức giáo dục đa tôn giáo, đa sắc tộc và đánh giá cao tính đa dạng.
Điều đó làm cho Hội có đủ điều kiện để đáp ứng các nhu cầu giáo dục của sinh viên từ các truyền thống không phải phương Tây, cũng như để mang những pháp môn và lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến với đông đảo mọi người."
Bài viết: "Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao Huân chương Liên Hiệp (Union Medal)"
Nguồn: langmai.org
Bích Ngọc (Tuvien.com)