GN - Tĩnh lặng, suy niệm để lắng dừng dòng tâm thức bất tuyệt. Để tập trung vào một cảnh giới.

Tiếng chuông

Kính tặng thầy Đức Trí
và những người-đi trên mọi ngả đời

GN - Ba giờ rưỡi. Trời còn rất tối. Tiếng chuông hiền nhẹ ngân.

*

Nam-mô A Di Đà Phật. Nam-mô Vô lượng thọ Phật. Nam-mô Sự sống không lường. Nam-mô Ánh sáng không cùng tận. Nam-mô Bồ-tát Sầu vô hạn. Nam-mô bể khổ biết bao giờ (1)

Tiếng tụng kinh buồn trong bóng đêm dày nương theo lời chuông bay, gửi vào hư không lòng xót thương mênh mang. Ai nghe? Nghe gà gáy tìm đường ẩn tránh / Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra / Lôi thôi bồng trẻ dắt già / Có khôn thiêng nhẽ, lại mà nghe kinh (2). Không phải. Không phải chỉ những hồn xiêu phách lạc trong cõi vô hình thập loại chúng sinh của Tiên Điền Nguyễn Du mới nương gió tìm về nghe kinh.

Trong khuya khoắt, tiếng chuông bay lẽ nào không chạm bao nhiêu người dậy sớm? Chạm vào, và để lại gì? Hay chỉ trôi qua như ngày ngày, con người vẫn đi lướt qua bên nhau và chỉ gửi lại bên lòng mơ hồ những tiếng mờ nhạt? Như thế và không như thế. Bởi vì trong cõi người thì có thể Văn chung thanh, phiền não khinh/Trí huệ trưởng, bồ-đề sinh (nghe tiếng chuông có thể tan phiền não, trí tuệ tăng và phát tâm Bồ-đề). Bởi vì, tiếng chuông chùa có thể thấu đến cõi địa ngục u mờ cho bao nhiêu vong linh được giải thoát. Thiết vi u ám tất giai văn / Văn trần thanh tịnh chứng viên thông (Nơi tối tăm thảy đều nghe được, sẽ sạch trong căn cảnh mà thông). 

chuong chua.jpg

Ảnh minh họa

Tiếng chuông, mỗi 3g30 sáng, là những tiếng buồn. Bởi làm sao vui, khi nước mắt xót thương vẫn khó làm vơi biển khổ? Vậy mà không buồn, vì thầy thỉnh chuông bằng cả những nỗi buồn và tâm nguyện của chính đời mình. Đều đặn, như ít nhất trong hai năm qua tôi đã nghe, khi ngụ dưới mái chùa này. Tiếng chuông như thể chính con người thầy. Chùa nằm giữa phố, khó tu, nhất là giữa thời buổi này. Nhưng thầy bền bỉ, chân phác. Chẳng cần gì khác, ngoài nếp sống đơn sơ. Không dưng mà chợt nhớ lại chuyện kể của Thiền sư Ấn Ðộ Ram Gopal Muzumdar, về chính cuộc đời mình, vốn trước đó, từ một tu sĩ trẻ chỉ có một chiếc khố để mặc rồi được dân chúng thương quý cúng dường đến mức trở thành một “phú tăng” với chùa lớn nguy nga, tín đồ đông đảo, hưởng được phước thế gian nhưng không còn đâu nữa thời giờ để tu học! Cho đến khi nhận ra hiểm họa của những tiếng vật chất, thầy mới từ bỏ tất cả tài sản để lên núi học đạo…

Thế đấy, chỉ có thể đi từng bước trên con đường ngui ngút kia với nỗ lực loại bớt dần những ham muốn lớn nhỏ vẫn vây dày kiếp người tội lỗi. A Di Đà Phật phải đâu chỉ là Đức Phật nơi cõi Cực lạc, cũng chẳng phải chỉ là Tiếp dẫn đạo sư lúc lâm chung của con người, mà ngay trong đời sống hàng ngày, tiếng chuông là lời dẫn đường vẫn thường xuyên nhắc nhớ. Vô lượng thọ sự sống không cùng tận. Sự sống là ánh sáng. Ánh sáng là tiếng chuông. Có phải không, điều ấy?

*

Trở lại với thời gian và ký ức, tiếng chuông là dấu ghi của người để lại trên mặt đất. Chiếc chuông lâu đời nhất trong lịch sử Trung Hoa được khai quật ở Thiểm Tây tính đến nay đã được 5.000 năm tuổi, bằng sứ. Qua thời nhà Thương, thì có chuông bằng đồng, rồi phát triển thành những bộ chuông bé - lớn khác nhau. Loại chuông nhạc có móc vào khung treo ra đời vào đầu thời nhà Chu. Đến thời Lưỡng Hán, Phật giáo truyền vào Trung Hoa, chuông được thỉnh vào chùa, trở thành một loại pháp khí của Phật giáo. Từ sau thời nhà Đường, kỹ nghệ đúc chuông tiến bộ, chuông được đúc rất nhiều, tinh xảo.

Nhớ xa, trong hun hút thời gian, còn mãi tiếng chuông trong Ðường thi của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Thường Kiến… Thi thánh Đỗ Phủ từng sảng khoái mỗi khi Sớm muốn nghe chuông ngân, khiến tâm hồn thanh tỉnh (Dục giác văn thần chung, lệnh nhân phát thâm tỉnh). Hay tiếng chuông khuya “bất ngờ” trong giai thoại Trương Kế (3) viết tuyệt phẩm Phong Kiều dạ bạc và vị sư ở chùa Hàn San (4), giờ đã xuyên thấu trên cả hành tinh này.

Nhớ… gần và không tra cứu kinh sách, thì trên đất Việt có tiếng chuông Trấn Vũ bên canh gà Thọ Xương. Gần hơn nữa thì có chùa Thiên Mụ với tiếng chuông vang xa trên 25km và ngân dài trên 15 phút... đã từng được nghe 30 năm trước, khi rời xa mảnh đất “đẹp xưa” này. Nơi ấy, đã thầm nói với Huế lời từ biệt. Từ biệt những đời thuyền leo lét ánh đèn khuya, từ biệt thành phố của quãng đời long lanh tình yêu tuổi trẻ, nơi chiếc cầu Tràng Tiền hình cánh cung treo trong gió biếc như cái gạch nối vô cùng giữa hy vọng - hoài nghi và những tấm lòng người trải ra trên chiếc áo đẫm mồ hôi sau ngày làm việc. Từ biệt tiếng chuông chùa chảy về khuất một nhánh sông!

Tạm biệt tiếng chuông này để đến với tiếng chuông khác, bốn năm về trước, trong đêm thiêng Yên Tử lần đầu tìm gặp, giọng nói của thầy Kiến Viên qua chuyện trùng tu chùa Lân và những dòng ghi vội tặng thầy: Chuyện xưa dần hiện qua lời nhỏ / gốc đa - cành thị ngóng sau chùa / thuyền Nam ngược sóng neo bờ Tổ / cho thắm Việt thiền nét trúc mưa (Giọng sư).

Gần hơn nữa, giữa biển khơi mênh mông, có tiếng chuông chùa Song Tử Tây ở Trường Sa, thả lời chuông bay trên những cây phong ba trong gió khơi lồng lộng, nhắc rằng đó là một phần máu thịt của cha ông mà cháu con không thể… Không biết tự thời nào, những ngư dân Việt trên đảo đã dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật…

Có phải chăng, ta đang dần mất đi nhiều thứ, trong đó có tiếng chuông chùa?

Có phải chăng, cỏ cây còn không bạc lòng, thì lẽ nào, con người lại…

Xanh kia dấu tích còn vuông vức

Nhận lại non sông rõ dáng hình

Cách thức còn in đồ cổ tự

Cỏ cây nào phụ tiếng chuông linh…

Đó là bài thơ “Vịnh Thiên Ấn niêm hà” (ấn Trời đóng trên sông) mà Nguyễn Cư Trinh viết nhân ngoạn cảnh ngôi chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, năm xưa.

*

Tĩnh lặng, suy niệm để lắng dừng dòng tâm thức bất tuyệt. Để tập trung vào một cảnh giới. Để chuyển hóa và dần đi đến bờ bên kia. Thế cho nên, trong các buổi lễ, có những thanh âm trầm hùng, tha thiết và thành khẩn. Thế cho nên, trong những pháp khí của Phật giáo, tiếng chuông đem lại sự an lạc, thư thái cho người sống và giúp cho kẻ khuất được siêu thoát. Thỉnh chuông, như tấm lòng của một sa-di: trong lúc thỉnh chuông thì nghĩ rằng chuông cũng chính là Phật. Hay thay điều tâm niệm của một người tu trẻ tuổi. Tiếng chuông là thanh âm của tánh linh, nào chỉ đơn thuần tiếng vang của hợp kim không hồn. Như thế, tiếng chuông sẽ trở thành công án. Bởi vì, cuộc đời chính là công án. Nào phải tìm đâu trong sử lục xưa xa?

*

Nam-mô A Di Đà Phật. Nam-mô Quy mạng vô lượng thọ giác. Nam-mô nương Đấng giác ngộ sự sống không lường. Không còn nhớ thích danh. Không lấy niệm Phật tam muội làm minh tông. Vì đã thấy Kiếp phù sinh như hình bào ảnh (5). Vì đã nghe hồi chuông sớm dịu dàng mà bền bỉ đang xua dần tục niệm về phía gió bay…

Nam-mô Phật - Nam-mô Pháp - Nam-mô Tăng

Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài (6).

Boong… boong… boong…

Nguyễn Đông Nhật


Về Menu

Tiếng chuông

Tỳ kheo Ni Như Thanh Ngôi sao Bắc thần tượng của bạn là ai chánh niệm quan chieu tam Ngôi nhà bên sông nghĩ về phái thiền nhập thế truong cafe bạo chuong dù muộn còn 佛脚四谛 bà o níu được gì thế nào là sứ mệnh của một ngôi chùa 持戒波羅蜜についての詳細な解説 什么是佛度正缘 tin vốn bạn お寺との付き合い 檀家 Nhớ à Đường thien phat giao මරණය යන 32 hoang nhan 602675 t l buong xa phien nao theo loi phat day Ăn chay ะกะพ ถ พ nguồn mạch tâm linh giå vài nét về tư tưởng giải thoát trong thống nhất nghi thức khi hành lễ chung êm Nộm Giá trị dinh dưỡng lớn trong quả thanh giả kính chua xa loi Chuyến mở mot tỷ kheo khất thực nuôi cha mẹ được nÙi thời pháp thuyết giảng cho một cụ già Lâm Đồng Lễ tưởng niệm Phật hoàng 合祀