Hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017-2022, là người gắn bó và hoạt động ở cấp cơ sở, chúng tôi kỳ vọng ở Giáo hội 5 vấn đề sau:
TT.Thích Trí Chơn phát biểu trong buổi sinh hoạt khóa cấm túc 10 ngày của GHPGVN TP.HCM
Thứ nhất, xây dựng hình ảnh vị Tăng sĩ trở nên đẹp đẽ hơn, đó là xây dựng phẩm chất nơi mỗi Tăng, Ni. Khi một chiếc áo tu sĩ thấp thoáng bên đường đó là bóng dáng của đạo Phật, của Giáo hội nơi đời sống. Tăng, Ni thiếu phẩm chất sẽ ảnh hưởng lớn đến Giáo hội.
Củng cố tổ chức, kiện toàn nhân sự, đẩy mạnh các hoạt động Phật sự chưa toát ra “chất đạo” của tổ chức tôn giáo. Đây là điểm khác biệt vượt trội của Giáo hội với các tổ chức xã hội. Ý là, Giáo hội cần chú trọng hơn nữa đến nếp sống thiền môn, đến việc giáo huấn phẩm chất người tu từ lúc mới xuất gia, thọ giới. Giáo dục thiền môn là giáo dục truyền thống của Phật giáo hàng nghìn năm qua. Nguồn nhân lực Giáo hội cũng không đâu ngoài chùa, viện.
Thứ hai, hoằng pháp bằng thực nghiệm tâm linh, công phu tu tập hơn là truyền bá kiến thức. Một vị truyền bá giáo pháp được mệnh danh là “Pháp sư”, là vị phải ngộ pháp, phải “thấy” cho được pháp thì mới thuyết pháp. Hiện nay, công tác hoằng pháp còn nhiều bất cập. Một số giảng sư chỉ hoằng pháp thông qua kiến thức hiểu biết, thiếu thực tập giáo pháp, thậm chí kiến thức cơ bản của “nhân thừa” còn chưa vững. Mặt khác, việc bài bác tông phái này, pháp môn nọ đã xuất hiện, khiến quần chúng Phật tử hoang mang, không biết tin vào đâu, tu thế nào. Ngành hoằng pháp cần có định hướng tư tưởng trong việc hoằng truyền giáo pháp.
Thứ ba, mỗi cán bộ Giáo hội cũng là pháp sư. Những vị tham gia vào BTS các cấp hay các ban chuyên môn thường nhân danh là làm “Phật sự”. Nên hiểu rằng, phải có “Phật chất” nơi tâm thì việc làm mới được gọi là “Phật sự”. Mỗi văn bản được ban hành phải truyền tải được chất liệu từ bi, mỗi con dấu được đóng xuống phải là “pháp ấn” của tuệ giác. Từ bi và tuệ giác là tố chất xây dựng nên một cán bộ Phật giáo đúng nghĩa. Muốn đạt được những mong muốn trên, Giáo hội cần tổ chức nhiều khóa mang tính chuyên tu, hành trì cho cán bộ Giáo hội.
Thứ tư, tổ chức các khóa chuyên tu, hành trì cho cán bộ Giáo hội. Trong nhiều nhiệm kỳ, chúng ta đã tổ chức được nhiều khóa học như: bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính, nghiệp vụ trụ trì, nghiệp vụ hoằng pháp… thì chúng ta cũng có thể tổ chức được khóa “huân tu đạo lực” cho cán bộ Giáo hội. Đây mới là cốt lõi để định chuẩn một Tăng sĩ. Việc tổ chức được các kỳ Bố-tát nửa tháng và khóa tu mười ngày trong mùa An cư PL.2561 tại Việt Nam Quốc Tự vừa qua là tín hiệu đáng trân quý để chúng ta tiếp tục thực hiện các khóa “huân tu đạo lực” tiếp theo.
Và thứ năm, thế hệ Tăng, Ni trẻ cần được có tiếng nói trong các diễn đàn của Giáo hội. Có lẽ, 35 năm kể từ khi thành lập, chưa một lần Tăng, Ni trẻ có được tiếng nói trong các diễn đàn Giáo hội như trong các đại lễ, các kỳ Đại hội Phật giáo. Tiếng nói đó là biểu trưng cho mầm sống trong vườn Phật pháp, là chồi non được nứt ra từ thân cây. Một cây lớn mà không nhìn thấy chồi non, một vườn cây mà không thấy có hạt giống nảy mầm thì không phải là tín hiệu vui.
Bài viết: "Tiếng nói trong các diễn đàn Giáo hội của Tăng Ni trẻ"
TT.Thích Trí Chơn - Vườn hoa Phật giáo
UV BTS GHPGVN TP.HCM, Trưởng BTS GHPGVN Quận 12
Bích Ngọc (Tuvien.com)