Tiểu sử HT. Thích Từ Hạnh - nguyên Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư GHPGVN
I. Thân thế:
Hòa thượng Thích Từ Hạnh, thế danh là Phạm Chí Nguyện, pháp danh Quảng Y, hiệu Từ Hạnh. Ngài sanh năm 1927 tại ấp Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Con của ông Phạm Quế và bà Huỳnh Thị Dự.Hòa thượng là con út trong gia đình có 8 anh chị em, một gia đình có truyền thống nhiều đời biết kính tín Tam bảo. Cao tổ của Hòa thượng là Ngài Đạt Hồ thuộc dòng Lâm Tế chánh tông, là vị khai sơn chùa Phước Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân sanh của Hòa thượng lúc tuổi về già cũng xuất gia tu học tại chùa Thiên Phước, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. II. Thời kỳ xuất gia học đạo: Thuở nhỏ, cố Hòa thượng đã thể hiện rõ nét lanh lợi, nhạy cảm, lại sớm biết tín mộ Phật pháp. Năm lên 15 tuổi, được song thân cho vào chùa học đạo, làm đệ tử của Hòa thượng Thích Phước Thành, trụ trì chùa Thiên Phước, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Nơi đây Ngài được Hòa thượng bổn sư thương mến và khen ngợi là thông minh, chăm chỉ, nên cho pháp danh là Quảng Y, pháp hiệu Từ Hạnh, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 45. Kể từ khi xuất gia, Hòa thượng đã trải qua nhiều lớp Phật pháp tại các tổ đình tòng lâm của từng địa phương và được trưởng thành sau khi nhập học tại các Phật học đường Thiên Đức, Thập Tháp... tại Bình Định và Nha Trang. Song song với việc tu học và hành đạo, Hòa thượng đã theo học chương trình thế học, năm 1970 Hòa thượng tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ. Lúc bấy giờ Hòa thượng trú xứ tại chùa Giác Tâm, Q. Phú Nhuận, nơi đã hỗ trợ phần lớn cho Hòa thượng hoàn thành một phần tâm nguyện. Cũng tại đây, Hòa thượng đã góp phần cùng Ban Quản trị kiến thiết chùa này. III. Thời kỳ hành đạo: Hòa thượng Thích Từ Hạnh là một vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, một vị giảng sư với phong cách mới trong sứ mạng hoằng pháp. Ngài là vị giảng sư đã tích cực giảng dạy Phật pháp cho các hàng Phật tử tại một số tự viện ở miền Trung và miền Nam. Để kế thừa đạo nghiệp, Hòa thượng chủ trương đào tạo Tăng Ni trẻ có trình độ Phật pháp ngang tầm với kiến thức thời đại. Trong kháng chiến chống Pháp, lúc còn ở tuổi thanh xuân, Hòa thượng đã tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc tại Liên khu 5. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòa thượng đã tham gia các phong trào đấu tranh của giới Phật giáo tại Sài Gòn - Gia Định. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, Hòa thượng Từ Hạnh được Viện Hóa đạo bổ nhiệm giữ chức Ủy viên phụ trách Phật tử chuyên nghiệp và giữ chức Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Gia Định cũ, rồi được bổ nhiệm trụ trì chùa Phổ Đà - Q. Bình Thạnh. Từ năm 1970 đến năm 1975, Hòa thượng giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề tại Qui Nhơn. Năm 1975, sau khi đất nước thanh bình, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành lập, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Tổng Thư ký, rồi Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP. Hồ Chí Minh. Năm 1979, Hòa thượng được cử tham gia Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam dự Hội nghị Phật giáo châu Á vì Hòa bình kỳ 5, tại Ulan Bator (Mông Cổ). Với Báo Giác Ngộ, Hoà thượng có những bài viết khảo luận chủ đề Phật pháp rất có giá trị. Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam hình thành, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hòa thượng được Hội nghị cử giữ chức Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hơn chín năm tròn, trải qua 2 nhiệm kỳ Đại hội, Hòa thượng Từ Hạnh là hình ảnh năng động bên cạnh các cấp lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua 2 lần đắc cử chức vụ Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội. Thực hiện ý chỉ của Giáo hội, cố Hòa thượng đã hết lòng xây dựng các hình thái sinh hoạt và triển khai chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu đầy thử thách và khó khăn. Từ các tỉnh miền Trung, miền Đông, rồi miền Tây, nơi nào Hòa thượng cũng đến thuyết giảng, tổ chức thành lập các Ban Trị sự Tỉnh hội, xây dựng mô hình phát triển. Cực khổ vất vả nhưng Ngài chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc, nơi nào cần Hòa thượng đến, Đạo pháp cần Hòa thượng đi. Với bản tánh hoan hỷ nhưng nghiêm nghị, với tinh thần phóng khoáng nhưng kiên trì, làm việc có kế hoạch và tích cực, Hòa thượng đã tạo được mối quan hệ Phật sự hòa nhã, thân thiết với chư tôn đức và hội chúng ở trong và ngoài giới Phật giáo. Tại Trường Cao cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh, Hòa thượng đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng đặc trách học vụ và hành chánh. Trên cương vị này, Hòa thượng đã góp phần trong việc xây dựng định hướng giảng dạy và chương trình học tập ngay từ những ngày đầu đầy khó khăn. Theo tinh thần di chúc của Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm, trước khi vị pháp thiêu thân, Hòa thượng đã được Giáo hội và Thành hội bổ nhiệm về trụ trì chùa Quán Thế Âm, Q. Phú Nhuận từ năm 1985 cho đến ngày viên tịch 1988. Với xã hội, Hòa thượng đã đắc cử vào Hội đồng Nhân dân khóa II Q. Bình Thạnh và TP. Hồ Chí Minh. Hòa thượng được phân công sinh hoạt trong Tiểu ban Văn hóa-Xã hội của Hội đồng Nhân dân thành phố. Chừng ấy tuổi đời và bấy nhiêu tuổi đạo, chưa hẳn đã nói hết chí nguyện và lý tưởng phụng sự của Hòa thượng, nhất là hoài bão kiến tạo “Thế giới nhân gian tịnh độ” mà cố Hòa thượng hằng mong ước. Nhưng cố Hòa thượng cũng đã có được những phút giây cống hiến, một đời phụng sự cho Đạo Pháp và phục vụ Dân tộc. Trên bước đường phụng sự Giáo hội, Hòa thượng luôn luôn nhắc nhở với các hành giả của Như Lai cần phải nỗ lực hơn nữa trên bước đường tiến tu đạo nghiệp và phục vụ nhân sanh. Hòa thượng đã chủ xướng chương trình thi diễn giảng cho Tăng Ni trẻ tại các hạ trường trong mùa An cư kiết hạ, với mục đích hỗ trợ và phát hiện những “nhân tố mới” trẻ có năng lực để bồi dưỡng và đào tạo trở thành những bậc đống lương phục vụ Giáo hội trong giai đoạn mới. IV. Thời kỳ viên tịch: Những tưởng thọ mạng của Hòa thượng còn lâu dài, nhưng không ngờ hạnh nguyện độ sanh chốn ta bà đã mãn; Hòa thượng đã xả báo an tường, trong lời hộ niệm, tiễn biệt của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và quý nam nữ Phật tử vào lúc 18 giờ 30, ngày 22 tháng 11 năm 1988, tại chùa Quán Thế Âm, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. - Nam mô Từ Lâm Tế chánh tông tứ thập nhị thế, huý thượng Quảng hạ Y, hiệu Từ Hạnh Hòa thượng Giác linh, thùy từ chứng giám.
Môn đồ pháp quyến đồng phụng soạn
Ngọc Sương (Tuvien.com)