Thông thường qua một thời gian dài những nghĩa chính của kinh bị pha trộn vì nhiều nguyên nhân. Như từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hay những danh từ địa lý hay những sự vật trước kia thì có mà nay không còn. Hay những vị dịch kinh không đủ trình độ vì vậy qua nhiều lần thì tam sao thất bổn…
Hiện nay hầu hết những người theo đạo Phật từ tu sĩ cho đến cư sĩ, đều cho rằng thời kỳ bây giờ là thời kỳ mạt pháp. Vì chúng ta đã cách xa đến 2560 năm kể từ khi đức Thế Tôn thi hiện Niết bàn, vì vậy chúng ta không thể chính xác nghe những gì mà từ kim khẩu của Thế Tôn nói ra.
Thời đại bây giờ chúng ta chứng kiến nhiều sự thay đổi từ cuộc sống con người cho đến thời tiết. Con người thì từ một tập tục này chuyển sang một tập tục khác, hay từ nền luân lý này chuyển sang một nền luân lý khác. Khi sự chuyển biến quá nhanh nó làm cho một số thành phần không hấp thu kịp. Còn về thời tiết thì chúng ta cũng chứng kiến những sự thay đổi to tát mà loài người chưa từng kinh qua từ trước. Như những trận động đất Tsunami, những trận mưa bão, tuyết rơi trái mùa, hạn hán... Xảy ra thường xuyên hơn, còn cường độ tàn phá thì mạnh hơn trước nhiều lần.
Khi có những hiện tượng như vậy xảy ra thì chúng ta thường nghe những vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo phán một câu giống nhau: “Đời mạt pháp hay sắp tận thế”.
Trong Hán việt từ điển, từ mạt có nghĩa là ngọn và hai từ mạt pháp ghép lại có nghĩa là ra tới ngọn, ngành hoa lá. Nếu đứng từ xa mà nhìn thì không thấy đâu là cội gốc nữa.
Đức Thế Tôn ngài thuyết pháp vì để khuyên răn, để khích lệ khuyến kích những vị căn cơ chưa thành thục thì Thế Tôn ngài thuyết thế Tục đế. Còn những vị căn cơ đã thuần thục thì Thế Tôn Ngài thuyết đệ nhất nghĩa đế. Nếu theo thế tục đế thì thật là đáng buồn, và những hiện tượng trong tự nhiên xảy ra thì đúng là thời mạt pháp sắp tận thế. Còn thấy theo đệ nhất nghĩa đế thì thời bây giờ “Mạt pháp” đúng nghĩa là thời hoàng kim của Đạo giác ngộ.
Vì Pháp của bậc giác ngộ thuyết đã lan tỏa rộng khắp năm châu bốn bể. Ban sơ vì tâm từ bi mà Như lai thị hiện ra đời gieo hạt giống từ bi trên mảnh đất ngũ trược này, lần hồi trải qua mấy ngàn năm đến bây giờ chu kỳ viên mãn sắp hoàn tất. Giống như trồng cây thì cây đó phải ra đủ cành lá rồi bông trái, như vậy sự mong đợi của người trồng cây mới trọn vẹn.
Trong Pháp bảo đàn kinh Đại sư Huệ Năng nói: “Phiền não tức Bồ Đề” không có phiền não thì không có Bồ Đề. Muốn tìm bồ đề ngoài phiền não thì đó giống như tìm sừng thỏ lông rùa. Trong kinh đại thừa có vị Bồ Tát hỏi Thế Tôn "Tại sao Như Lai không thị hiện Chánh Đẳng Chánh Giác ở những cõi trời tịnh diệu mà lại thị hiện Giác Ngộ ở cõi Ta bà ngũ trược này?" Thì Thế Tôn Ngài trả lời rằng: "Những cõi trời tịnh diệu thì phiền não chưa xuất hiện, hay không có phiền não nên ngài không thị hiện ở những nơi đó". Cho nên thời bây giờ là cơ hội tốt nhất, là cơ hội có một không hai cho tất cả những vị quyết tâm tìm sự giác ngộ hay Bồ đề.
Đừng bi quan hay thất vọng vì chúng ta đã cách quá xa thời Thế Tôn thị hiện, đừng nghĩ rằng chánh pháp đã mất hay ẩn tàng, vì không biết chánh pháp nên tu hành dễ bị lầm lạc. Chánh pháp chưa bao giờ mất, nếu có còn mất thì đó không phải là chánh pháp mà là pháp sanh diệt là pháp vô thường. Chánh pháp luôn hiện hữu nhưng vì không có Huệ nhãn vì phiền não quá dày nên không thấy được đó thôi.
Chánh pháp không ở trong ba thời nên quá khứ, hiện tại, vị lai không ảnh hưởng đến chánh pháp. Chánh pháp không nằm trong chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp. Không nằm trong thời gian hay không gian, không hiển hiện bằng phân tích hay suy luận. Chánh pháp giống như bóng trăng trong nước không thể lôi kéo, nắm bắt hay sờ chạm được.
Muốn tìm Chánh pháp hãy tìm ngay trong Mạt pháp, cũng như phiền não tức Bồ đề, hay Sắc tức thị Không. Chánh pháp không có đối đãi, Chánh pháp là bất nhị pháp nên Mạt pháp tức Chánh pháp không hai không khác vậy.
Phẩm thâm ảo trong kinh Bát nhã có một đoạn ngài Tu Bồ Đề hỏi Đức Thế Tôn như vầy:
- Bạch Đức Thế Tôn Đại Bồ Tát Được Vô Thượng Bồ Đề bằng sơ tâm hay bằng hậu tâm? Bạch Đức Thế Tôn nếu là sơ tâm được Vô Thượng Bồ Đề thì sơ tâm ấy chẳng đến hậu tâm, còn nếu hậu tâm được Vô Thượng Bồ Đề thì hậu tâm kia chẳng ở tại sơ tâm. Vậy bạch Thế Tôn, tâm nào được Vô Thượng Bồ Đề?”
- Này Tu Bồ Đề vì ngươi mà Như Lai sẽ dùng thí dụ, người có trí nghe được thí dụ sẽ dễ hiểu hơn. Này Tu Bồ Đề, như đốt đèn là dùng ngọn lửa ban đầu để đốt cháy tim đèn hay dùng ngọn lửa lúc sau.
- Bạch Đức Thế Tôn chẳng phải ngọn lửa ban đầu đốt cháy tim đèn, cũng chẳng phải rời ngọn lửa ban đầu. Chẳng phải ngọn lửa lúc sau cháy tim đèn cũng chẳng phải rời ngọn lửa lúc sau.
- Này Tu Bồ Đề, tim đèn ấy có thiệt bị đốt cháy không?
- Bạch Thế Tôn, tim đèn ấy thiệt bị đốt cháy.
- Cũng vậy, này Tu Bồ Đề Đại Bồ Tát giác ngộ Vô Thượng Bồ Đề không phải bằng sơ tâm cũng không rời sơ tâm, không phải bằng hậu tâm cũng không rời hậu tâm.
Mãn Tự - Vườn hoa Phật giáo
Bích Ngọc (Tuvien.com)