Nếu biết tâm vốn là vô niệm, vô nhiễm, thì mỗi ý nghĩ đều không có căn cứ, nền tảng, nên mỗi ý nghĩ tự nó là giải thoát. Nếu khởi một niệm mà biết niệm ấy không lìa khỏi Pháp thân Tánh Không, thì niệm ấy là giải thoát và là Hóa thân đích thực của Pháp thân Tánh Không. Hóa thân (niệm) khởi sanh từ Pháp thân (vô niệm), nên với người đã thấy tánh, đã thấy Pháp thân, thì niệm là vô niệm.
1. Tâm vô niệm
Luận Đại thừa Khởi tín của ngài Mã Minh nói: “Thể của tâm lìa tất cả niệm, nghĩa là vốn vô niệm. Nó như hư không, không chỗ nào mà chẳng toàn khắp. Pháp giới Một tướng này tức là Pháp thân bình đẳng của chư Như Lai. Pháp thân này tất cả chúng sanh vốn có, nên gọi là Bản giác”. Luận nói tiếp: “Thế nên chúng sanh nào quán sát vô niệm thì chúng sanh đó đã hướng về Trí Phật”.
Kinh Thắng Man, chương Tự tánh Thanh tịnh nói: “Như Lai tạng không có sanh không có tử. Như Lai tạng không có tướng hữu vi. Như Lai tạng thường trụ bất biến… Như Lai tạng là pháp giới tạng, là pháp thân tạng, là xuất thế gian thượng thượng tạng, là tự tánh thanh tịnh tạng. Như Lai tạng tự tánh vốn thanh tịnh, vọng tưởng phiền não chẳng thể nhiễm ô vì chúng chẳng thể xúc chạm”. Nói cách khác, bản tánh của tâm hay Như Lai tạng, hay Pháp thân thì vô niệm vì chẳng có niệm tưởng phiền não nào xúc chạm, nhiễm ô được. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tu-di Đảnh kệ tán, ca ngợi các bậc Giác ngộ như sau:
Nơi pháp không chấp nắm
Không niệm cũng không nhiễm
Không trụ không xứ sở
Trong pháp tánh chẳng hoại.
Trong Không, không có hai
Không hai cũng không có
Ba cõi tất cả Không
Là chỗ thấy chư Phật…
Chẳng thân mà nói thân
Chẳng khởi mà hiện khởi
Không thân cũng không thấy
Là Phật thân vô lượng.
Con đường và đích đến của Đại thừa, dù bất cứ tông phái nào, dù sử dụng bất cứ phương tiện nào, cũng chỉ để đạt đến tâm vô niệm này, Pháp thân này, Như Lai tạng vốn không ô nhiễm này, tánh Không “bổn lai vô nhất vật” này (một câu kệ nổi tiếng của Lục tổ Huệ Năng)…
Tâm vô niệm hay Pháp thân này, trong toàn bộ Phật giáo, chỉ có vài người trực tiếp đạt đến trọn vẹn trong một lần, bởi thế ngay cả những tông phái trực chỉ nhất, đốn giáo nhất, như Thiền tông và Đại Toàn Thiện (Dzochen) của Ấn Độ-Tây Tạng, cũng phải thiết lập con đường đốn ngộ tiệm tu (“Lý tuy đốn ngộ, sự nãi tiệm trừ” – Kinh Lăng Nghiêm) nghĩa là chứng ngộ từng phần Pháp thân (tùy phần giác) cho đến giác ngộ viên mãn.
Lời thuyết pháp mở đầu của Lục tổ là: “Các thiện tri thức! Tự tánh Bồ-đề xưa nay vốn thanh tịnh. Chỉ dùng tâm này thì thẳng đến thành Phật”. Trong phẩm thứ hai, phẩm Bát-nhã, ngài chỉ dạy rất rõ ràng, ở đây chỉ xin trích một số đoạn: “Các thiện tri thức! Trí Bồ-đề Bát-nhã người đời ai ai cũng vốn tự có. Chỉ vì tâm mê mà chẳng thể tự ngộ, phải cần đại thiện tri thức chỉ bày thì được thấy tánh. Phải biết rằng người ngu người trí Phật tánh vốn không sai biệt. Chỉ do mê ngộ chẳng đồng mà có ngu có trí. Nay tôi vì các ông, nói pháp Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, khiến các ông đều được trí huệ… Bản tánh là Phật, lìa tánh không có Phật nào khác.
Thế nào là Ma-ha? Ma-ha là lớn. Tâm lượng rộng lớn, giống như hư không, không có bờ mé; cũng không có vuông tròn, lớn nhỏ; cũng không có xanh, vàng, đỏ, trắng; cũng không có trên dưới, ngắn dài; cũng không có vui giận, đúng sai, thiện ác, không có đầu đuôi, cho đến các cõi Phật cũng đồng như hư không. Diệu tánh của người đời vốn là Không, không có một pháp có thể đắc. Tự tánh Chân Không cũng lại như vậy. Các thiện tri thức! Tự tánh gồm chứa tất cả muốn pháp là lớn. Muôn pháp đều ở trong tự tánh của các người. Nếu thấy hết thảy người thiện người ác mà đều chẳng lấy chẳng bỏ, cũng chẳng dính mắc, tâm như hư không, ấy gọi là đại, cho nên nói là Ma-ha”.
Tâm ấy như hư không, bao trùm tất cả các pháp, nhưng không hề bị ô nhiễm bởi các pháp, các vọng tưởng, nghĩa là tâm ấy vốn tự giải thoát: “Các thiện tri thức! Không ngộ thì Phật là chúng sanh, còn trong một niệm mà ngộ thì chúng sanh là Phật. Vậy phải biết muôn pháp đều ở nơi tự tâm. Tại sao lại chẳng từ trong tự tâm mà thấy ngay Chân Như bản tánh? Kinh Bồ-tát giới nói: '‘Tự tánh bổn nguyên của ta vốn thanh tịnh’'. Nếu biết tự tâm, thấy ra bổn tánh thì đều thành Phật đạo. Kinh Duy-ma-cật nói: '‘Tức thời hoát nhiên nhận lại được (hoàn đắc) bản tâm. Các thiện tri thức! Trí huệ quán chiếu, trong ngoài sáng suốt, rõ biết bản tâm. Nếu biết bản tâm thì bản tâm ấy vốn tự giải thoát. Nếu được giải thoát, đó tức là Bát-nhã tam-muội. Bát-nhã tam-muội tức là vô niệm”.
Tất cả chúng sanh chúng ta ai ai cũng sẵn đủ Phật tâm bổn nguyên thanh tịnh này, cũng đang ở trong Phật tâm trùm khắp bổn nguyên thanh tịnh này. Chỉ cần quay lại nhận lấy (hoàn đắc) thì tức thời bước vào con đường Phật đạo thành Phật. Đây là một nghĩa chính của từ Đốn giáo mà Lục tổ thường nói về giáo pháp Thiền.
Đi qua cuộc đời này mà ngồi trên xe trâu trắng của Phật thừa thì quả là an ổn, vui khoái, quả là “tự tại thần thông, du hý tam muội”:
Không niệm, niệm là chánh
Có niệm, niệm là tà
Có không đều chẳng quản
Ngự mãi bạch ngưu xa.
Có điều chúng ta cần chú ý tâm vô niệm không có nghĩa là tâm không có những tư tưởng, mà đúng hơn là tâm không bị nhiễm ô, không bị chướng ngại bởi những tư tưởng. Vô tướng cũng thế. Vô tướng không phải là không có hình tướng nào cả, mà vô tướng là không bị nhiễm ô và không bị chướng ngại bởi những hình tướng.
Vô trụ cũng không có nghĩa là không có gì cả, mà là tất cả mọi cái đang trụ đều không thể nhiễm ô hay chướng ngại nó. Tâm ấy vốn tự giải thoát là vậy. Tâm vô niệm, vô tướng và vô trụ này không bị các niệm, các tướng, các cái đang có mặt (tức là toàn bộ sanh tử) làm chướng ngại, nhiễm ô. Ngược lại, tâm vô niệm, vô tướng và vô trụ này cũng không chướng ngại các niệm, các tướng, các cái đang có mặt.
Bát-nhã Tâm kinh nói: “Sắc tức là Không, Không tức là sắc”. Sắc tức là Không không có nghĩa rằng phải phá hết sắc đi thì mới có Không hay tánh Không, mà sắc tự nó là Không. Không tức là sắc không có nghĩa là có tánh Không thì tất cả sắc biến mất. Trong cả hai mệnh đề, sắc vẫn nguyên vẹn, và Không không bị chướng ngại, bị nhiễm ô bởi sắc và sắc cũng không bị ngăn ngại, bị tiêu diệt bởi Không. Bởi vì “sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc”.
Tâm vô niệm không phải là “cái không vô ký”, mà là cơ sở, nền tảng cho mọi hoạt động. Bởi thế, chỉ nói riêng trong lịch sử Việt Nam, các thiền sư là những nhà hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả nhất, trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa cho đến xã hội, chính trị, y học.
2. Tương ưng với tâm vô niệm
Để thông đạt, tương ưng với tâm vô niệm vốn tự giải thoát này, chúng ta cần thực hành “hạnh vô niệm”, “nhất hạnh tam muội”, “bát nhã tam muội”. Lục Tổ nói về hạnh vô niệm như sau: “Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy hết thảy các pháp mà tâm chẳng bám nhiễm, đó là vô niệm. Dùng thì khắp tất cả chỗ mà cũng chẳng dính mắc tất cả chỗ. Chỉ thanh tịnh lấy bản tâm, khiến sáu thức ra sáu cửa, ở nơi sáu trần chẳng ô nhiễm tạp loạn. Đến đi tự do, ứng dụng thông suốt không trệ, đó là Bát-nhã tam-muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm.
Còn nếu như trăm sự chẳng nghĩ đến, thường khiến cho niệm dứt tuyệt, đó là pháp trói buộc, cũng gọi là biên kiến.Các thiện tri thức! Ngộ pháp vô niệm thì muôn pháp đều thông suốt. Ngộ pháp vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật. Ngộ pháp vô niệm thì đến đất Phật”.
Ở một đoạn khác, ngài nói: “Vô niệm là nơi niệm mà vô niệm… Nơi các cảnh tâm chẳng nhiễm, gọi là vô niệm. Ở ngay nơi niệm của mình mà thường lìa các cảnh, chẳng ở nơi cảnh mà sanh tâm. Còn như trăm sự chẳng nghĩ đến, trừ bỏ hết các tư tưởng, tư tưởng dứt hết thì chết, rồi thọ sanh nơi khác, ấy là lầm to. Kẻ học đạo cần phải suy nghĩ điều đó.
Vì sao lập vô niệm làm tông? Chỉ vì người mê miệng nói thấy tánh, mà ở nơi cảnh có niệm, từ nơi niệm bèn sanh khởi tà kiến. Hết thảy vọng tưởng trần lao từ đó sanh ra, nhưng tự tánh vốn không có một pháp gì để có thể đắc. Nếu có chỗ đắc rồi vọng nói là họa là phước, thì đó chính là tà kiến trần lao. Cho nên pháp môn này lấy vô niệm làm tông.
Các thiện tri thức! Vô là không có sự gì? Niệm, là niệm cái gì? Vô là không có hai tướng, không có tâm các thứ trần lao. Niệm là niệm bản tánh Chân Như. Chân Như là thể của niệm. Niệm là dụng của Chân Như. Tự tánh Chân Như khởi niệm. Chân Như có thật tánh nên mới khởi niệm. Chân Như mà không có thì mắt tai sắc thanh hoại diệt tức thời.
Các thiện tri thức! Tự tánh Chân Như khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe chạm biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh vẫn thường tự tại. Nên kinh (Duy-ma-cật) nói: Thường khéo phân biệt tướng các pháp mà trong đệ nhất nghĩa chẳng động’’.
Như vậy vô niệm là không có các niệm vọng tưởng trần lao. Hành giả an trụ vào tự tánh Chân Như, và có khởi niệm là do Chân Như khởi niệm. Niệm sanh trụ dị diệt trong Chân Như cho nên niệm chính là Chân Như. Đó là sự chuyển hóa thức thành trí, sanh tử thành Niết-bàn, trong từng niệm niệm.
Tự tánh gồm sẵn đủ cả Định và Huệ, hay Chỉ và Quán: “Định và huệ là một thể, vốn chẳng phải hai. Định và huệ giống như ngọn đèn và ánh sáng. Có đèn tức là sáng, không có đèn tức là tối. Đèn là thể của sáng, sáng là dụng của đèn. Danh tuy có hai, thể vốn đồng nhất. Pháp định huệ này cũng lại như vậy”.
Thế nên ngồi thiền không chỉ là ngồi định, mà ngồi thiền là tương ưng với tự tánh “định huệ bình đẳng”: “ “Các thiện tri thức! Sao gọi là ngồi thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại. Ngoài thì với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng khởi, gọi là ngồi. Trong thì tự tánh chẳng động, gọi là thiền. Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền. Trong chẳng loạn là định. Bên ngoài nếu bám dính tướng, thì bên trong tâm bèn loạn. Nếu ngoài mà lìa tướng, tâm bèn chẳng loạn. Bản tánh vốn tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh tưởng cảnh mà loạn. Nếu thấy các cảnh tâm chẳng loạn, đó là chân định vậy".
Thiện tri thức! Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài thiền trong định, đó là thiền định. Kinh Bồ-tát giới nói: "Tự tánh bổn nguyên của ta vốn thanh tịnh. Các thiện tri thức! Ở trong mỗi niệm mỗi niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo”.
Khi thuần thục với hạnh vô niệm thanh tịnh này, người ta sống thường trực với Phật, với cảnh giới chư Phật: “Trên đất tự tâm, giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, ngoài chiếu sáu cửa thanh tịnh, phá sạch các trời Lục dục. Tự tánh soi chiếu bên trong, ba độc liền trừ, các tội địa ngục nhất thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng suốt, chẳng khác Tây phương. Nếu chẳng tu như vậy, làm sao đến đó?”.
Khi ấy tâm này là Phật (“Tức tâm tức Phật”, hay nói theo Pháp Bảo Đàn kinh, “Tức tâm nguyên là Phật”), và tâm ấy vốn vô sanh: “Niệm trước chẳng sanh là tâm, niệm sau chẳng diệt là Phật. Thành tất cả tướng là tâm, lìa tất cả tướng là Phật”. Khi ấy, “Nếu nơi tất cả chỗ, đi đứng nằm ngồi, thuần một tâm thẳng, chẳng động đạo tràng mà thành chân Tịnh độ, ấy gọi là nhất hạnh Tam-muội”.
Khi ấy cuộc đời bình thường này chính là tự do giải thoát: “Không có một pháp có thể đắc mới có thể lập ra muôn pháp. Nếu rõ ý ấy thì cũng gọi là Bồ-đề Niết-bàn. Người thấy tánh thì lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không trệ không ngại. Ứng dụng mà làm, hợp lời mà đáp, thấy khắp hóa thân, chẳng lìa tự tánh, tức được tự tại thần thông, du hý tam-muội. Đó gọi là thấy tánh”.
3. Tâm vô niệm và ba thân
Ba thân của Phật, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân đều vốn ở nơi tự tánh mình. Tiến trình tu thiền là tiến trình Khai Thị Ngộ Nhập tự tánh Ba thân ấy, như kinh Pháp Hoa nói. Đây cũng là kiến giải và thực hành của Đại Toàn Thiện Ấn-Tạng.
“Ba thân Phật ở trong tự tánh, người đời đều có. Vì tâm mình mê nên không thấy tánh ở trong, lại đi tìm Ba thân Như Lai mà chẳng thấy trong thân mình có Ba thân Phật. Các ông nghe tôi giảng khiến các ông ở trong thân mình thấy tự tánh có Ba thân Phật. Ba thân Phật này từ tự tánh sanh, chẳng phải từ ngoài mà được”.
Tâm vô niệm chính là Thanh tịnh Pháp thân Phật: “Sao gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật? người đời tánh vốn thanh tịnh, muôn pháp từ tự tánh sanh. Suy tính mọi việc ác thì sanh ác hạnh. Suy tính mọi việc thiện thì sanh thiện hạnh. Như vậy, các pháp đều từ trong tự tánh. Như bầu trời thường trong sáng, mặt trời mặt trăng thường sáng, nhưng bị mây che thì trên sáng dưới tối. Bỗng có gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, muôn hình đều hiện.
Các thiện tri thức! Trí như mặt trời, huệ như mặt trăng. Trí huệ vốn thường sáng, nhưng vì bám theo cảnh nên bị đám mây tạm thời che khuất tự tánh, chẳng được sáng tỏ. Nếu gặp thiện tri thức nghe pháp chân chánh, tự trừ mê vọng thì trong ngoài sáng suốt, nơi trong tự tánh muôn pháp đều hiện. Những người thấy tánh cũng như vậy. Đây gọi là Thanh tịnh Pháp thân Phật”.
Pháp thân vì vốn thanh tịnh, không nhiễm ô, không bị che chướng bởi các niệm tưởng nên Pháp thân là tâm vô niệm, vốn tự giải thoát, là tánh Không, là Chân Như… Thấy Pháp thân ấy gọi là thấy tánh. “Sao gọi là Viên mãn Báo thân? Thí như một ngọn đèn có thể trừ được sự tối tăm của ngàn năm, một trí huệ có thể diệt được sự ngu mê của vạn năm. Chớ nghĩ đến việc trước, chúng đã qua không thể đắc. Thường nghĩ về sau, mỗi niệm mỗi niệm tròn sáng (viên minh) thì tự thấy bản tánh. Thiện ác tuy khác, bản tánh không hai. Tánh không hai này gọi là thật tánh. Ở trong thật tánh mà chẳng nhiễm thiện nhiễm ác, đó gọi là Viên mãn Báo thân Phật.
Tự tánh khởi một niệm ác thì diệt mất nhân thiện muôn kiếp. Tự tánh khởi một niệm thiện thì hằng sa ác chấm dứt, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề. Trong mỗi niệm niệm tự thấy, chẳng mất bản niệm, ấy gọi là Báo thân”. Báo thân là ánh sáng của tâm vô niệm này. Ánh sáng thường được gọi là “quang minh” trong các kinh. Báo thân là quang minh của Pháp thân tánh Không. Nếu “mỗi niệm mỗi niệm đều tròn sáng, chẳng nhiễm thiện ác, đều tự thấy (tánh), chẳng mất bản niệm (Chân Như) thì chúng ta đang sống trong Báo thân. Nếu “ngay nơi niệm mà thường lìa các cảnh, chẳng nơi cảnh mà sanh tâm thì “niệm niệm tròn sáng, niệm không còn là niệm duyên theo sanh tử hư vọng, mà niệm là sự lưu xuất của quang minh từ tánh Không. Cũng là cái dụng của bản tâm vô niệm, nhưng nếu niệm niệm cứ duyên theo cảnh thì thành sanh tử, còn niệm niệm tròn sáng, chẳng mất gốc của niệm (bản niệm), là sự lưu xuất của quang minh, thì đó là Niết-bàn."
Tóm tắt, nếu Pháp thân là vô sanh tịch diệt, thì Báo thân là tính sáng chiếu của Pháp thân ấy. Kinh luận thường nói Tịch Chiếu, tông Tào Động gọi là Mặc Chiếu, đều để chỉ nghĩa này.
“Sao gọi là Ngàn trăm ức hóa thân? Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn không tịch. Một niệm suy tính, gọi là biến hóa. Suy tính việc ác thì hóa làm địa ngục; suy tính việc thiện thì hóa thành thiên đường, độc hại hóa làm rồng rắn, từ bi hóa làm Bồ-tát, trí huệ hóa làm cõi cao, ngu si hóa làm cõi thấp. Tự tánh biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể tỉnh giác, niệm niệm khởi ác, thường đi đường ác. Nếu một niệm quay về thiện, trí huệ liền sanh. Đây gọi là tự tánh Hóa thân Phật”.
Hóa thân là tư tưởng, là niệm, là cái dụng của tâm. Pháp thân là tâm không có tư tưởng, không bị nhiễm ô bởi tư tưởng (vô niệm), tức là Tánh không (“nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tánh vốn không tịch”).Từ và trong Tánh không, khởi một niệm suy tính thiện ác, đó là Hóa thân. Ý nghĩ thì rất nhiều nên là Ngàn trăm ức Hóa thân. Nghĩ cái gì thì làm cái đó, thành ra cái đó. Nếu biết sử dụng ý nghĩ này, xoay ngược về nguồn gốc của nó (hồi quang phản chiếu) thì nhận ra Pháp thân, thấy tánh. Còn cứ để có ý nghĩ lan man theo sanh tử thì nhà tù sanh tử càng dày.Thế nên, cũng niệm đó mà “quay về thiện”, nghĩa là quay về không tham, không sân, không si, không nhân ngã, thì “trí huệ liền sanh”.
Nếu không có các niệm (các Hóa thân) thì cũng không biết lấy cái gì để quay ngược lại nhìn thấy ra Pháp thân vô niệm. Nếu không có cái dụng của tâm thì cũng không biết lấy cái gì để thấy ra cái thể của tâm. Một lần nữa, chúng ta thấy thêm ý chỉ của Lục tổ: không phải diệt niệm là tốt.
Nếu biết tâm vốn là vô niệm, vô nhiễm, thì mỗi ý nghĩ đều không có căn cứ, nền tảng, nên mỗi ý nghĩ tự nó là giải thoát. Nếu khởi một niệm mà biết niệm ấy không lìa khỏi Pháp thân Tánh Không, thì niệm ấy là giải thoát và là Hóa thân đích thực của Pháp thân Tánh Không. Hóa thân (niệm) khởi sanh từ Pháp thân (vô niệm), nên với người đã thấy tánh, đã thấy Pháp thân, thì niệm là vô niệm.
Nếu khi khởi một niệm mà niệm ấy ở trong ánh sáng của Báo thân quang minh thì niệm ấy là ánh sáng và là Hóa thân đích thực của Báo thân quang minh.
Lục Tổ tóm tắt lại Ba thân như sau: “Từ nơi Pháp thân mà suy nghĩ, đó tức là Hóa thân Phật. Niệm niệm tự tánh tự thấy, đó là Báo thân Phật. Tự ngộ tự tu công đức của tự tánh, đó là chân quy y. Hễ ngộ tự tánh Ba thân, tức là biết được tự tánh Phật”. Suy nghĩ (niệm) mà không lìa Pháp thân Tánh Không (vô niệm), đó là Hóa thân, tức là sự hiện hóa của Tánh không vốn tự giải thoát. Còn niệm niệm tự tánh tự hồi quang phản chiếu (“niệm niệm tự tánh tự thấy”), đó là Báo thân quang minh. Dùng tất cả những sự việc ở đời, nghĩa là mọi ý nghĩ, để tu công đức của tự tánh Ba thân, đó là quy y chân thật. Như thế là: “Ở trong mỗi niệm mỗi niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo vậy".
Nguyễn Thế Đăng
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 158
Bích Ngọc (Tuvien.com)