Tín ngưỡng Dược Sư và ý nghĩa thời đại
Ý nghĩa cơ bản của tín ngưỡng
Dược Sư Tín ngưỡng Dược Sư là một hình thái tín ngưỡng về một cõi Tịnh độ, nó tạo nên ý nghĩa trung tâm của kinh Dược Sư. Tín ngưỡng này được hình thành ngay vào thời kỳ đầu khi đạo Phật truyền vào Trung Quốc. Quyển bốn “Thập nhị nghiên trai kim thạch quá nhãn tục lục” viết: “Ngày 16 tháng 8 niên hiệu Thái Khang năm thứ 6 (285), Đông tác sứ Trương Dương Kích sinh được một bé trai, … lưu ở đây, đúc tượng Phật Dược Sư, nguyện cha mẹ đã mất, quyến thuộc hiện tiền, pháp giới hữu tình, đời đời sinh ra gặp Phật, kiếp kiếp nghe pháp, đạo tâm kiên cố, cho đến khi thành đạo Bồ-đề”. Ông Lý Ngọc Mân cho rằng “Đấy là phát hiện sớm nhất ghi lại về tín ngưỡng Dược Sư ở Trung Quốc, nay tượng này đã không còn tung tích. Bởi thời kỳ Thái Khang kinh Dược Sư vẫn chưa được dịch, vì thế nội dung tín ngưỡng Dược Sư thế nào? Trước mắt chúng ta vẫn chưa thể suy đoán” (Lý Ngọc Mân, “Đôn Hoàng Dược Sư kinh biến nghiên cứu”, Đài Loan “Cố cung học thuật kỳ khán”, quyển 7 số 3, tháng 4 năm 1990). Nếu như điều này là thật, có thể nói vào thời kỳ kinh Dược Sư chưa được phiên dịch thì tín ngưỡng Dược Sư đã bắt đầu được lưu hành.
Theo bản kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức của ngài Huyền Trang, thì nội dung cơ bản của tín ngưỡng Dược Sư bao gồm những phương diện sau:
Thứ nhất, cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là một thế giới tịnh lưu ly ở phương Đông. “Phật cáo Mạn Thù Thất Lợi: Đông phương khứ thử quá thập căn già sa đẳng Phật thổ, hữu thế giới danh Tịnh Lưu Ly, Phật hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Bạc già phạm”.
(Đức Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:”Ở phương Đông, cách đây hơn mười căng già sa đẳng cõi Phật, có thế giới tên là Tịnh Lưu Ly, Đức Phật hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng cúng, Chính đẳng giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Bạc già phạm)
Với tư cách là một thế giới Tịnh độ, thì điều đầu tiên phải nói đến là tính chất “nhất hướng thanh tịnh” (hoàn toàn trong sạch), kế đến là “vô hữu nữ nhân, diệc vô ác thú cập khổ âm thanh” (không có người nữ, cũng không có nẻo ác với tiếng khổ), chính là nói nơi thế giới Cực lạc này, trong đó không có sự phân biệt và vô số ô nhiễm nơi thế gian, cũng không có mọi sự thống khổ. Cấu thành thế giới ấy là “Lưu ly vi địa, kim thừng giới đạo, thành, quyết, cung, các, hiên,…giai thất bảo thành” (Lưu ly làm đất, dây vàng chăng lối đi, cổng thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, lưới giăng... đều do bảy báu tạo thành). Thế giới này không khác gì với thế giới Tây phương Cực lạc trang nghiêm, cho nên nói: “Diệc như Tây phương Cực lạc thế giới, công đức trang nghiêm, đẳng vô sai biệt.” (Cũng như thế giới Cực lạc (Sukha-vati) ở phương Tây, công đức trang nghiêm ngang bằng không có sai khác).
Thứ hai, bên cạnh Đức Phật Dược Sư có hai vị Bồ-tát, một là Nhật Quang Biến Chiếu, hai là Nguyệt Quang Biến Chiếu, là hai vị Bồ-tát đứng đầu thế giới Đông phương Tịnh Lưu Ly. Đồng thời giữ gìn Chánh pháp bảo tạng (kho báu Chánh pháp) của Phật Dược Sư. Chính là nói họ đều nắm vững tinh túy Phật pháp của Phật Dược Sư.
Thứ ba, mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư. Phát đại nguyện là một trong những thể hiện quan trọng của Phật giáo Đại thừa, như Tứ hoằng thệ nguyện của Phật, Bồ-tát phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, tức “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô tận thệ nguyện tri, vô thượng bồ-đề thệ nguyện chứng”. Trong các loại tín ngưỡng Tịnh độ, phát nguyện cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng. Ví dụ như trong tín ngưỡng Tịnh độ cõi Phật A Di Đà có phát ra 48 lời nguyện, còn ở tín ngưỡng Dược Sư tại cõi Đông phương thì có 12 đại nguyện:
“Mạn Thù Thất Lợi, bỉ Phật Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, bổn hành Bồ-tát đạo thời phát thập nhị đại nguyện lệnh chư hữu tình sở cầu giai đắc”. (Này Mạn Thù Thất Lợi! Đức Phật Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ấy lúc tu hành đạo Bồ-tát phát mười hai nguyện lớn khiến cho các hữu tình đều được sự mong cầu).
“Mười hai đại nguyện này lần lượt là: (xem thêm 12 lời nguyện của Phật Dược Sư).
Mười hai lời nguyện này, có thể phân thành 3 loại lớn:
Thứ nhất, liên quan đến nguyện vọng được khỏe mạnh, thân tướng trang nghiêm; tất cả chúng sanh đều có tướng hảo, thân thể thanh tịnh, đoan chính không có bệnh khổ.
Thứ hai, liên quan đến việc thỏa mãn dục vọng (sự ham muốn), như được diệu y (quần áo đẹp tốt), các thứ trang sức trang nghiêm.
Thứ ba, liên quan đến nguyện vọng đạt được sự giải thoát tinh thần, như đắc vô thượng Bồ-đề, không đọa ác thú (không rơi vào nẻo ác), tu Đại thừa, cụ đại trí huệ (đủ đại trí tuệ).
Tổng hợp lại mà nói, mười hai nguyện này cơ bản hàm chứa tất cả sự theo đuổi mọi dục vọng từ sắc thực đến tinh thần của con người, tức dục vọng (sự ham muốn) về vật chất và tinh thần; có thể nói mọi loại dục vọng (ham muốn) và nhu cầu đều được thỏa mãn.
Tính siêu việt của tín ngưỡng Dược Sư
Siêu việt là một khái niệm được sử dụng khá rộng rải. Khi nó được dùng trong lĩnh vực tôn giáo và triết học thì được dịch từ tiếng Anh transcend. Siêu việt không chỉ là từ dùng riêng cho tôn giáo, nó có liên quan trực tiếp với khái niệm siêu nghiệm, tiên nghiệm trong triết học: chúng đều được dịch từ tiếng Anh là transcend và một số từ phái sinh của transcend. Do ngữ cảnh sử dụng không giống nhau mà trong tôn giáo dịch là siêu việt, còn triết học thì dịch là siêu nghiệm, tiên nghiệm. Từ góc độ triết học mà nói, siêu việt chính là siêu việt kinh nghiệm. Trong chủ nghĩa lý tính của tâm lý học nó đều được sử dụng với tầng nghĩa này.
Vĩnh hằng và bất hủ, là siêu việt có giới hạn, là một loại theo đuổi hiện thực siêu việt, cũng là lý tưởng chung cho toàn nhân loại. Trong phạm vi thế giới, vừa có sự theo đuổi sự bất hủ của linh hồn, vừa có xu hướng truy cầu sự vĩnh hằng của nhục thể. Từ góc độ bất hủ của linh hồn mà nói, triết học gia cổ đại người Hy Lạp là Plato đã sử dụng luận chứng bất hữu của linh hồn để trình bày quan niệm vĩnh hằng lưu hành ở Tây phương. Đến Kant cũng phân sự bất hữu của linh hồn thành một trong ba giả thiết (sự bất hủ của linh hồn, sự tự do của ý chí, sự tồn tại của Thượng đế). Tư tưởng Nho gia thì chủ trương theo đuổi 3 điều bất hủ nơi một đời người: lập đức, lập công, và lập ngôn. Đạo giáo thì chủ trương biến nhục thể thành tiên, hy vọng có được thân thể vĩnh hằng. Những điều như thế chính là sự siêu việt và phê phán hiện thực.
Còn trong Phật giáo, các loại tín ngưỡng về cõi Tịnh độ cũng là một thể hiện về tính siêu việt. Đặc điểm của tín ngưỡng Tịnh độ nằm ở sự tồn tại của uế độ, cõi uế độ chính là thế gian, nơi mà chúng ta đang sinh sống. Nói chung, do nhằm vào những cảm giác bất mãn của ta ở cõi này mà hình thành nên tín ngưỡng và mong muốn đến một không gian Tịnh độ. Điều này có nghĩa là cõi Tịnh độ kỳ thực là một loại phê phán và phủ định của yếu tố tinh thần; loại phê phán và phủ định này hình thành nên những cõi Tịnh độ không giống nhau. Tín ngưỡng Dược Sư được xem như là một hình thức của tín ngưỡng Tịnh độ, cũng như vậy nó hàm chứa sự phủ định và phê phán về mặt tinh thần. Loại phê phán và phủ định này chính là lấy việc không thỏa mãn về tâm linh và thân thể làm nền tảng. Việc già, bệnh, chết của nhục thể và tham, sân, si của tâm linh đã cố định cái khổ của con người trong cuộc sống hiện thực.
Tín ngưỡng Dược Sư với đại diện là thế giới Lưu ly nằm ở phương Đông mà nó tương tự với các cõi Tịnh độ khác, đều dùng việc phát đại nguyện lực để làm xuất phát điểm giải quyết mọi đau khổ ở hiện thực, lấy việc giải cứu tất cả chúng sanh làm mục tiêu cuối cùng, thể hiện được tấm lòng bi mẫn, đại từ đại bi của Phật giáo. Phật Dược Sư phát ra đại nguyện to lớn, nghĩa là nguyện lực mà không phải người thường có thể phát ra được, là nguyện lực mang tính siêu việt. Nói chung, nguyện vọng luôn gắn liền với lý tưởng và hy vọng tốt đẹp của con người, và cũng có thể nói là bản thân lời nguyện đó mang tính siêu việt. Nguyện vọng của con người thông thường thì xây dựng trên góc độ của cá nhân người đó, dựa trên lập trường hữu hạn của con người để hướng đến điều vô hạn. Còn Phật Dược Sư thì lấy cảnh giới của người đã giác ngộ mà hồi hướng về mọi chúng sanh tồn tại trong hiện thực, lấy sự vô hạn để dẫn dắt cái hữu hạn. Vì thế mà nguyện lực có khác nhau về độ sâu và rộng. Nếu như nói nguyện vọng của nhân loại là hữu hạn, thế thì đại nguyện của Phật Dược Sư là không có giới hạn; mười hai lời nguyện không chỉ hạn chế ở chúng sanh mà thôi.
Từ góc độ của người được cứu vớt mà nói, tính siêu việt của tín ngưỡng Dược Sư được triển khai cả ở hiện tại lẫn tương lai. Từ hy vọng vào tương lai mà nói, thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông được xây dựng bằng thất bảo trở thành mục tiêu của tín ngưỡng và tu hành, là nơi mà chúng sanh thực hiện lý tưởng sau cùng muốn đạt đến. Từ tính hiện thực mà nói, tín ngưỡng Dược Sư bao hàm quá trình thực hiện nguyện vọng, tức là trước khi chúng sanh vãng sinh về cõi Tịnh độ phương Đông cần thực hiện nguyện vọng ở kiếp này, cõi này. Trong kinh nói: “Ta cùng quyến thuộc (mười hai Dược Xoa) hộ vệ cho ngươi giải thoát mọi khổ nạn, tất cả mong cầu đều được thỏa mãn”. Tức nói, Phật Dược sư và mười hai vị Dược Xoa sẽ tùy thời xuất hiện cứu độ chúng sanh, thỏa mãn mọi nguyện cầu của chúng sanh.
Từ tính chất mà nói, tính siêu việt cấu thành nên nền tảng của tín ngưỡng Dược Sư. Con người được xem là sản phẩm của nhân duyên, là một sự tồn tại hữu hạn, không tránh khỏi tử vong, sinh tử đại hạn là nguy cơ luôn tồn tại mà con người phải đối mặt, nó làm sản sinh ra sự sợ hãi và lo lắng. Triết học gia người Mỹ là Tillich từng nói: “Không tồn tại sự khẳng định tự ngã về mặt thực thể, vận mệnh là tương đối, tử vong là tuyệt đối, không tồn tại sự khẳng định tự ngã về yếu tố tinh thần, cảm giác trống rỗng là tương đối, vô ý nghĩa là tuyệt đối”
Ý nghĩa sinh thái tiềm ẩn trong tín ngưỡng
Dược Sư Từ góc độ sinh thái học và Phật giáo mà nói, tín ngưỡng Dược Sư bao gồm các phương diện sau:
Thứ nhất, sự bảo vệ thân thể tùy bệnh mà cho thuốc. Địa cầu mà con người sinh sống là một môi trường sinh thái rộng lớn do cộng nghiệp của chúng ta tạo thành. Thân người là một hệ sinh thái nhỏ bé trong hệ thống sinh thái đó. Thân người có muôn vàn bệnh tật, ở ý nghĩa nào đó nó là sự thể hiện của sự mất cân bằng sinh thái trong cơ thể người. Trong Phật giáo, lý tưởng cứu khổ cứu nạn, giải cứu chúng sanh bao gồm cả việc đối trị bệnh tật trên thân của chúng sanh. Đức Phật thường được xưng là Đại Dược Vương, Đại Y Tôn, như “Phật bổn hạnh tập kinh” có nói: “Nơi này xuất hiện Đại Y Tôn, khéo trị tất cả bệnh của chúng sinh, nếu có người gặp phải khổ sinh lão bệnh tử, thì sẽ chữa trị giúp bình phục.”
“Đại đức! Nhược hữu bệnh nhân dục thoát bệnh khổ, đương vị kỳ nhân, thất nhật thất dạ, thọ trì bát phần trai giới, ưng dĩ ẩm thực cập dư tư cụ, tùy lực sở biện, cúng dường Bí-sô Tăng; trú dạ lục thời, lễ bái cúng dường bỉ Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; độc tụng thử kinh tứ thập cửu biến; nhiên tứ thập cửu đăng tạo bỉ Như Lai hình tượng thất khu, nhất nhất tượng tiền các trí thất đăng, nhất nhất đăng lượng Đại như xa luân, nãi chí tứ thập cửu nhật, quang minh bất tuyệt tạo ngũ sắc thải phan, trường tứ thập cửu trách thủ, ưng phóng tạp loại chúng sanh chí tứ thập cửu; khả đắc quá độ nguy ách chi nạn, bất vị chư hoạnh ác quỷ sở trì”. (Ðại đức! Nếu có người bệnh muốn khỏi bệnh khổ, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm thọ trì tám phần trai giới. Nên đem thức ăn uống với vật dụng khác, tùy theo sức mà bày biện, cúng dường Tỳ-kheo Tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ấy, đọc tụng kinh này 49 biến, thắp 49 ngọn đèn, làm bảy pho hình tượng của Đức Như Lai ấy, trước mỗi một tượng đều để bảy ngọn đèn, mỗi một ngọn đèn lớn như bánh xe, cho đến 49 ngày, ánh sáng chẳng dứt, làm cành phan lụa ngũ sắc dài 49 gang tay, nên thả đủ loại chúng sinh đến 49 loài thì có thể được vượt qua nạn nguy ách, chẳng bị các tai nạn, quỷ ác bắt giữ).
Cùng với việc thân người chịu khổ do bệnh tật còn có các loại hoạnh họa tạo nên mối nguy hiểm cho sinh mạng. Trong kinh có nói đến “cửu hoạnh” (9 cách chết đột ngột).
Thứ hai, bảo hộ sinh thái bằng cách tịnh hóa và thăng hoa tâm linh. Từ cách nhìn Phật giáo, con người là do ngũ ấm tạo thành, tức có sắc thân mang tính nhục thể, cũng có thọ tưởng hành thức cấu tạo nên tình cảm, ý chí, ý thức. Sắc thân không điều hòa, bệnh tật theo thân. Còn sự ô trược của tâm linh, mất cân bằng trong tình cảm, tham, sân hoành hành, vô minh chướng đạo, ái dục lôi kéo là những bệnh tật về mặt tinh thần. Nó là chướng ngại cần được hóa giải. Thân tâm nhất thể, khổ nơi thân tất ảnh hưởng đến tâm linh, đau khổ ở tâm linh cũng khiến thân mang bệnh tật. Vì thế tịnh hóa tâm linh, thăng hoa tinh thần là tiền đề giúp thân tâm cân bằng, là nội dung quan trọng trong việc giữ gìn sinh thái tâm linh. Phật bổn hạnh tập kinh nói: “Thử xứ kim xuất Đại Dược Vương, đương trị chúng sanh phiền não độc, nhược hữu bi ai tiễn sở xạ, thử tượng kim tất năng bạt trừ”. (Nay nơi xứ này, xuất hiện Đại Dược Vương sẽ chữa trị độc phiền não của chúng sinh. Nếu có bị mũi tên buồn thương bắn trúng thì tượng này, nay đều hay nhổ bứt trừ bỏ).
Quan niệm bảo vệ tâm linh, đầu tiên là do Pháp sư Thánh Nghiêm ở Pháp Cổ Sơn Đài Loan đưa ra. Pháp sư cho rằng: “Sự ô nhiễm hoàn cảnh vật chất không tách rời hành vi của con người, mà hành vi của con người không tách rời với tâm linh. Nếu như mọi người có tâm linh thuần khiết thì hoàn cảnh vật chất sẽ không bị ô nhiễm”. Vì thế, ông cho rằng trong kinh điển Phật giáo có rất nhiều cách nói lấy yếu tố tâm linh làm trung tâm. Lý luận sâu xa của việc bảo vệ tâm linh được thể hiện trong kinh Duy Ma: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”; trong kinh Hoa nghiêm: “Tâm Phật cập chúng sanh, thị tam vô sai biệt” (Tâm, Phật với chúng sinh, ba điều này không có sai khác), “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ ấm” (Tâm như người thợ vẽ, vẽ mọi loại 5 ấm), “Ứng quan pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo” (
Trong tín ngưỡng Dược Sư cũng có sự miêu tả về hiện trạng tinh thần và tâm linh của con người, ví dụ như có người có sự tham luyến hết sức vào tiền tài: “Đa tụ tài bảo, cần gia thủ hộ; kiến khởi giả lai, kỳ tâm bất hỷ, thiết bất hoạch dĩ nhi hành thí thời, như cắt thân nhục, thâm sinh khổ tiếc”. (Phần lớn gom chứa tài bảo, siêng năng bảo vệ. Nhìn thấy người đến xin, tâm họ chẳng vui. Nếu chẳng đặng đừng phải đem cho thời như cắt thịt trên thân, sinh lòng đau tiếc). Có người lại keo kiệt, tích góp tiền tài, ngay cả bản thân còn không dám thọ dụng huống hồ là đến cha mẹ, vợ con, nô tỳ”
Thân tâm hợp nhất cấu thành nên chỉnh thể nhân loại, nhân loại và tự nhiên cấu thành nên việc bảo vệ sinh thái. Các loại thiên tai trong giới tự nhiên, cho dù là mãnh liệt đến đâu, đến mức trời long đất lở cũng sẽ còn một bộ phận con người với tư cách là người tham gia. Nếu không có con người thì không có cái gọi là bảo vệ môi trường. Vì thế, thân, tâm, tự nhiên - ba điều này cần hài hòa, hợp ba làm một, thực hiện nhân thiên hợp nhất, đạt được mục tiêu cân bằng tự nhiên, hài hòa tâm linh, thân thể khỏe mạnh, cũng chính là giá trị văn hóa sinh thái của tín ngưỡng Dược Sư.
Khả năng lan tỏa liên văn hóa của tín ngưỡng
Dược Sư Samuel Phillips Huntington trong tác phẩm “Sự đột phá của nền văn minh và sự xây dựng lại trật tự thế giới” của mình có nói: Tôn giáo là một đặc trưng chủ yếu trong việc giới định văn minh. Giống như Christopher Dawson từng nói: “Một tôn giáo vĩ đại là nền tảng để xây dựng một nền văn minh vĩ đại.” Trong năm tôn giáo mang tính quốc tế mà Webber đề ra, có bốn tôn giáo là Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Nho giáo là kết hợp cùng với nền văn hóa. Tôn giáo thứ năm là Phật giáo thì có khác. Tại sao lại như vậy? Giống Hồi giáo và Cơ Đốc, Phật giáo sớm đã phân thành hai chi. Từ thế kỷ thứ nhất, Đại thừa Phật giáo truyền đến Trung Quốc, sau đó đến Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản. Trong các xã hội này, con người với những phương thức khác nhau đã khiến Phật giáo thích ứng và hấp thu vào nền văn hóa bản địa, đồng thời cũng áp chế nó. Vì thế, tuy Phật giáo vẫn là một bộ phận cấu thành quan trọng nên nền văn hóa của những xã hội này, nhưng những xã hội này không cho rằng bản thân mình là một bộ phận của nền văn minh Phật giáo. Có thể nói rằng văn minh Phật giáo Nam truyền thật sự tồn tại ở Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia. Ngoài ra, các vùng Tây Tạng, Mông Cổ và Bhutan trong lịch sử đã từng chấp nhận Phật giáo Đại thừa và sau đó chuyển thành Phật giáo Mật tông. Những xã hội này cấu thành nên khu vực thứ hai của nền văn minh Phật giáo. Do đó, trên thực tế Phật giáo ở Ấn Độ đã tuyệt chủng và nó thích ứng và được tiếp nhận khi truyền đến Trung Quốc, Nhật Bản, có nghĩa là nó tuy là một tôn giáo chủ yếu, nhưng vẫn không phải là nền tảng của một nền văn minh chủ yếu.
Thật giống như Huntington đã nói, Phật giáo không phải là nền tảng của nền văn minh chủ yếu, nhưng nó là yếu tố hình thành nên các loại văn minh. Từ khi Phật giáo truyền bá từ nơi sản sinh ra nó là đất nước Ấn Độ đến Đông Nam Á và Nam Á, nó đã hình thành nên cho bản thân mình ý nghĩa văn hóa xuyên lãnh thổ và chủng tộc, trở thành một tôn giáo có tính chất quốc tế. Pháp môn Dược Sư với hình thức biểu hiện là tín ngưỡng Phật giáo trong quá trình truyền bá mang đặc điểm văn hóa vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ. Ở Trung Quốc, các vùng Nam Bắc đều tồn tại tín ngưỡng và sùng bái Phật Dược Sư. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những di tích và sự phát triển tín ngưỡng Dược Sư. Theo nghiên cứu của Lam Kiết Phú, ở Nhật Bản ngoài Thiên Thai tông, Chân Ngôn tông có sự giải thích và hoằng dương kinh Dược Sư, pháp môn Dược Sư được thịnh hành trong phần đông dân chúng: “Trong dân gian cũng lưu hành không ít phong tục tu trì pháp môn Dược Sư để trị bệnh, ví dụ như mỗi năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng, mùng 8 tháng 4, mùng 8 tháng 12 đều tiến hành pháp hội giảng kinh Dược Sư, với mục đích tín ngưỡng là trị bệnh và cầu diên thọ.” Ngoài ra, đặc biệt hơn cả là ở Nhật Bản, có giáo đoàn chuyên thờ phụng Phật Dược Sư, tức “Giáo đoàn Dược Sư nhất” (Ichibata), giáo đoàn này thành lập năm 1951, lấy chùa Ichibata làm nơi hoạt động chính, kết hợp tư tưởng Thiền tông, ra sức hoằng dương quan niệm Phật Dược Sư hiện thế cứu độ. Tín đồ của giáo đoàn này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Tây Nhật Bản. Vào năm 1990, tín đồ có khoảng 26 vạn người, tự viện thuộc giáo đoàn có 28; kinh điển chính là “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức kinh”. Ở Hàn Quốc, tín ngưỡng Dược Sư cũng thịnh hành như thế. Phần lớn chùa đều có điện Dược Sư. Khu vực Deagu có một ngôi cổ sát ngàn năm từ thời Tân La, đó là Đồng Hoa tự thuộc tông Tào Khê, trong đó có thờ Phật Dược Sư tư thế đứng. Ngoài ra, trong Phật giáo Tạng truyền, Phật giáo Nam truyền đều có sự tồn tại của tín ngưỡng Dược Sư.
Từ góc độ quan hệ quốc tế, tôn giáo là phương thức giao lưu văn hóa quốc tế với nhau, cũng là con đường quan trọng để văn hóa các nước, các dân tộc có chung những hình thái đặc điểm xích lại gần nhau. Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, Phật giáo đã hòa vào nền văn hóa Đạo giáo, văn hóa Nho giáo. Văn hóa Việt Nam bên cạnh bản sắc bản địa cũng phần nào chịu sự ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, và văn hóa Phật giáo Bắc truyền cũng phần nào ảnh hưởng sâu sắc đến tập tục lễ nghi, văn học nghệ thuật, quan niệm triết học, tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam. Công cuộc kiến thiết đất nước hiện nay đã có nhiều tác động đến đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân theo chiều hướng tích cực, nhưng qua đó lối sống thực dụng và chuộng vật chất cũng góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm linh của con người. Đối diện trước thực trạng này, Phật giáo cần áp dụng nhiều hình thức và phương pháp tích cực truyền bá tín ngưỡng, hoằng dương văn hóa Phật giáo. Và trong muôn vàn hình thức đó, văn hóa và tín ngưỡng Dược Sư cũng là một cách tuyên truyền quan trọng. Có thể xem tín ngưỡng Dược Sư là một nơi khơi nguồn tín ngưỡng, một tư lương cho tinh thần, giúp con người đương đại xóa bỏ cảm giác trống rỗng, cảm giác vô ý nghĩa.
Tóm lại, pháp môn Dược Sư triển khai tín ngưỡng Tịnh độ bao gồm sự mong ước đối với thế giới Tịnh độ, cũng bao hàm cả mười hai đại nguyện nhằm thỏa mãn mong muốn của chúng sanh. Xem xét về tín ngưỡng Dược Sư, chúng ta có thể nhìn thấy trong đó có tính siêu việt. Tính siêu việt này nhằm thỏa mãn mong cầu vượt ra khỏi hiện thực khổ đau và bệnh khổ, hướng đến cõi Cực lạc. Trong tín ngưỡng Dược Sư bao hàm tư tưởng bảo vệ sinh thái, đối với hiện thực ngày nay có tác dụng gợi mở. Chúng ta đối diện không chỉ với việc ô nhiễm môi trường, sương mù chứa độc tố, mà đáng sợ hơn là sự sa mạc hóa tâm linh và đạo đức. Vì thế, tín ngưỡng Dược Sư vừa phải chữa trị những vết thương của thế giới tự nhiên, càng phải cứu rỗi bệnh khổ trong tâm linh. Từ góc độ văn hóa vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ mà nói, Phật giáo trong tương lai nên gánh thêm càng nhiều trọng trách. Mục tiêu là thực hiện việc truyền bá đối ngoại thông qua các hình thức tín ngưỡng Phật giáo. Tín ngưỡng Dược Sư được xem là một bộ phận quan trọng hình thành nên tín ngưỡng Phật giáo, nó đối với việc khắc phục các chướng ngại tâm lý mà con người phải đối mặt có tác dụng quan trọng, trừ đi cảm giác trống rỗng, cảm giác hư vô và cảm giác không tồn tại của con người. Từ phương diện lớn hơn mà nói, có thể cung cấp một loại lựa chọn tín ngưỡng mới; từ phương diện nhỏ mà nói có thể dùng nó làm công cụ điều trị tâm lý.
Thích Hạnh Định
_________________
(2) Đại Chánh tạng, t3, p732b.
(3) Bảo La, Đế Lợi Hy: “Tồn tại đích dũng khí”, Nxb Nhân Dân Quý Châu, trang 41, 2009.
(4) Đại Chánh tạng, T14, P407c.
(5) Đại Chánh tạng, T14, P407c.
(6) Thánh Nghiêm, “Pháp Cổ Sơn đích phương hướng”.
(7) Đại Chánh tạng, T14,405a.
Ngọc Sương (Tuvien.com)