Tổng luận năm Thủ uẩn
Định nghĩa
1- Định nghĩa uẩn
Năm uẩn tức là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn
Thuật ngữ uẩn (蘊), nguyên ngữ Sanskrit là skandha, Pāli là khandha, Hán phiên âm: Tắc-kiện-đà (塞健陀), dịch là tích tụ, loại biệt, tức là năm loại khác nhau về các pháp hữu vi (saṃskṛta).
Từ skandha, Hán dịch là uẩn với ý nghĩa: tích tập. Theo A-tỳ-đạt ma Câu-xá luận
- Hòa hợp tụ: Nhiều yếu tố tích nhóm một chỗ.
- Kiên: Kiên là vai. Vai có thể mang gánh nặng (kāryabhārodvahana) việc phải làm, “chúng sinh mang gánh nặng của uẩn mà đi qua những lối hiểm nghèo của sinh tử”
- Chia đoạn: cái khả phân (praccheda), bộ phận, phần được chia cắt. Yaśomitra nói: “Cái khả phân, là cái có hạn lượng, có giới hạn, có hạn kỳ”
Phẩm Phân biệt giới của luận Câu-xá cũng giải thích: “rāśyāyadvāragotrārthāḥ skandhāyatanadhātavaḥ/”
“Uẩn, xứ và giới, có nghĩa là tụ, sinh môn và chủng tộc”.
Như vậy, ở đây chữ ‘skandha’: khối, tích tập, chứa nhóm v.v..
Chúng ta có thể xem kinh Tạp A-hàm thuộc Đại chánh tân tu, trang 15a, giải thích tường tận về sắc uẩn.
Hoặc chúng ta có thể đọc lại đoạn kinh văn Pāli tương đương:
“Yaṃ kiñci bhikkhu rūpaṃ atītānāgatapaccuppannam ajhattaṃ vā bahiddhā vā oḷālikaṃ vā sukhumaṃ vā hiṇaṃ vā paṇitaṃ vā yaṃ dūre santike vā”
“Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoăc thô, hoặc vi tế, hoặc thấp kém, hoặc vi diệu, hoặc xa, hoặc gần, tất cả được tổng hợp làm một và gọi đó là sắc uẩn”.
A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận, giải thích uẩn có bốn nghĩa:“Uẩn có nghĩa là tụ (聚); hiệp (合); tích (積); lược (略).”
Vì từ Sanskrit ở đây là rāśi, với ý nghĩa là: đống, tụ, tích tụ… TrongMadhyāntavibhāga-bhāṣya8, có bài tụng về nghĩa của uẩn: “anekatvābhisaṃkṣepaparicchedārtha āditaḥ”, mà Biện trung biên luận chữ Hán dịch là: “非一及總略, 分段義名蘊: phi nhất cùng tổng lược/phân đoạn là nghĩa uẩn”
- Phi nhất (anekatva): không phải một yếu tố.
- Tổng lược (abhisaṃkṣepa):tất cả gom thành một khối.
- Phân đoạn (pariccheda): phân nhóm, tùy theo đặc tính khác nhau của chúng.
Từ skandha, còn được dịch là Ấm (陰), với ý nghĩa là che đậy, đôi khi skandha còn được dịch là Chúng (眾), hoặc cũng dịch là Tụ (聚) v.v..
2- Thủ uẩn
“Thủ uẩn (取蘊)”, Sanskrit:upādānaskandhā, cũng gọi là thủ ấm (取陰). Câu-xá luận định nghĩa: “/8a/ Hữu lậu là thủ uẩn...*
Ở đây, nó được xác định như thế nào? Các thủ uẩn đều được xác định là uẩn.
Nhưng cũng có các uẩn mà không phải thủ uẩn. Đó là các hành vô lậu. Trong đây, các thủ chính là các phiền não.
Hoặc uẩn từ thủ phát sinh, nên gọi là thủ uẩn. Như nói: lửa sinh ra từ trấu, từ rơm nên gọi là lửa trấu, lửa rơm.
Hoặc uẩn lệ thuộc thủ nên nói là thủ uẩn. Như bề tôi trực thuộc vua nên nói là bề tôi của vua (vương thần).
Hoặc uẩn sinh thủ nên nói là thủ uẩn. Như cây sinh ra hoa, quả nên nói là cây hoa, cây ăn trái.”
Như vậy, chữ ‘thủ’ trong năm thủ uẩn, đồng nghĩa với “thủ(upādāna)” trong 12 chi duyên khởi, phân tích thành động từ: upā-√dā, bám chặt, vin vào, mà chấp làm tự ngã.
A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận (trang 511) định nghĩa: “Thủ là giai đoạn tăng trưởng mãnh liệt của khát ái”.
Vậy thủ ở đây được hiểu là bám chặt vào bất cứ cái gì mà quá trình khát ái đã mãnh liệt săn đuổi. Nên ngài Vasubandhu nói thủ tức là phiền não là do nghĩa này.
Phân tích Năm uẩn
1- Sắc uẩn (Rūpa-skandha)
Chữ sắc (色),Sanskrit: rūpa: khối vật chất, có hai động từ căn: 1/√rūp: tạo hình, khung đỡ;
Có thể đọc lại đoạn kinh sau để thấy ý nghĩa sắc uẩn:
Kiñca bhikkhave rūpaṃ vadetha. ruppatīti kho bhikkhave tasmā rūpan ti vuccati kena ruppati. sītena…
“Này các Tỳ-kheo, thế nào gọi là sắc? Nó băng hoại, này các Tỳ-kheo, vì vậy nó được gọi là sắc. Bị băng hoại bởi cái gì? Bởi đá, v.v…”. Theo ngữ nguyên này, chữ rūpa, do động từ rump [lump]: tan vỡ. Ngài Sthiramati trong Quảng ngũ uẩn luận định nghĩa:
“Sắc uẩn là gì? Đó là bốn đại chủng và những gì được dồn lại từ bốn đại chủng(đại chủng sở tạo)”.
Ngài Vasubandhu giải thích trong luận Câu-xá:
“Sắc uẩn là gì?
(9a-b) Sắc chỉ là năm căn
Năm cảnh và vô biểu**
Giải thích rằng: Năm căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn. Năm cảnh: tức cảnh giới của năm căn, nhãn...; đó là sắc, thanh, hương, vị và xúc. Vô biểu: là vô biểu sắc. Chỉ căn cứ vào số lượng này để thành lập tên gọi sắc uẩn”.
* Giải thích thuật ngữ: Sắc, Sanskrit là rūpa tức khối vật chất được kết cấu, tạo hình theo nguyên lý không bền vững cho nên gọi là sắc uẩn. Theo luận Câu-xá (đã dẫn trên) sắc gồm: năm căn, năm cảnh và vô biểu. Điều đáng nói ở đây là có nhiều quan điểm sai lầm cho rằng rūpa, hay sắc uẩn chỉ là thân thể hay hình hài của chính mình mà quên đi mất rằng: sắc gồm cả năm cảnh hay gọi khác năm đối tượng. Điều này chứng tỏ sự thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu nói chung, và thiếu tìm hiểu văn hệ A-tỳ-đàm nói riêng, dẫn đến sai lầm trong khi phiên dịch và giảng dạy. Trong đây có thể lấy ví dụ lầm lẫn điển hình nhất nằm trong bản dịch Tâm kinh của Hòa thượng Nhất Hạnh. Xin trích dẫn bản dịch như sau: “Này Śāriputra, hình hài này chính là cái không và cái không cũng chính là hình hài này”
- Năm căn, chữ căn tiếng Sanskrit là indriya, tức bộ máy hoạt động. Theo Vasubandhu: căn là thế lực ưu việt khiến phát triển; phân biệt với ‘căn’ mà Sanskrit viết là mūla: rễ cây.
Định nghĩa bởi luận Kośa ii: kaḥ punar indriyārthaḥ idi paramiśvarye. tasya indantīti indriyāṇi. ata ādhipatyārtha indriyārthaḥ. “Căn là gì? Do động từ căn √id (= ind: đốt cháy) có nghĩa là ưu thế và chủ động. Chúng nó đốt cháy, do đó chúng nó là căn”. Căn như vậy có nghĩa là sự chi phối.
Theo bản Hán dịch Câu-xá luận 3, trang 13b12, Huyền Tráng dịch: 最勝自在光顯名根由此總成根增上義. Căn, theo đó, có ba nghĩa: tối thắng, tự tại, tăng thượng.
- Năm cảnh
- Vô biểu, tuy lấy sắc nghiệp làm tính như hữu biểu, nhưng nó không hiện bày ra ngoài khiến cho người ta nhìn thấy nên nói là vô biểu. Tóm lại, vô biểu là sắc hoặc thiện, hoặc bất thiện sinh ra từ biểu nghiệp, hay từ định.
2- Thọ uẩn (Vedanā-skandha)
Định nghĩa bởi luận Kośa, i. 14: vedanā’ nubhavaḥ, thọ là sự cảm nghiệm (thọ lãnh nạp tùy xúc/受領納隨觸).
Định nghĩa này cũng được Sthiramati đề cập: vedanā anubhavasvabhāvā, thọ, có tự thể là cảm nghiệm.
Đoạn văn tương đương cũng tìm thấy trong văn hệ Pāli: “vedayatīti kho bhikkhave tasmā vedanā ti” nó cảm nhận, do đó nó được nói là thọ.
Ngài Sthiramati định nghĩa trong Đại thừa quảng ngũ uẩn luận(trang 0851b15): “Thọ uẩn là gì? Thọ là sự cảm nhận của thức. Thọ có ba loại: lạc thọ, khổ thọ và thọ không lạc không khổ”.
- Thuận chánh lý 2 (trang 338c26): Thọ có hai, 1- Chấp thủ thọ, tất cả tâm và tâm sở đều cảm nghiệm cảnh sở duyên riêng biệt của nó; 2- Tự tính thọ, sự cảm nghiệm tùy theo xúc, là đặc tính riêng biệt của thọ.
Theo luận Câu-xá, thọ uẩn có ba loại: lạc, khổ, bất khổ bất lạc. Lại nữa, thọ được chia thành sáu loại cảm nhận của thân (lục thọ thân) - cảm nhận sinh ra do nhãn thức tiếp xúc với sắc trần; cho đến cảm nhận sinh ra do ý thức tiếp xúc với pháp trần.
3- Tưởng uẩn (Saṃjñā-skandha)
Ngài Sthiramati trong Đại thừa quảng ngũ uẩn luận, trang 0851b20 định nghĩa: “Tưởng uẩn là gì? Là tác dụng tâm lý nắm bắt thật nhiều các tướng trạng cảnh giới, nó làm tăng thêm sức mạnh nắm bắt”.
Ngài Vasubandhu giải thích trong luận Câu-xá (k.14cd): “saṃjñā nimittodgrahaṇātmikā, tự thể của tưởng là nắm bắt tín hiệu” (tướng thủ tượng vi thể/想取像為體).
Kinh tạng Pāli cũng định nghĩa tương đương: sañjānātī ti kho bhikkhave tasma saññā ti vuccati, nó tri giác (tri nhận), do đó nó được nói là tưởng.”
Tóm lại, Tưởng uẩn lấy sự chấp thủ ảnh tượng làm thể, tức là chấp thủ các tướng xanh vàng, dài ngắn, nam nữ, oán thân, khổ vui v.v... Tưởng cũng chia thành sáu loại tưởng thân, y cứ theo cách nói của thọ để hiểu.
4- Hành uẩn (Saṃskāra-skandha)
Hành tức ý chí, cái động lực thúc đẩy tạo nghiệp.
Tiếng Sanskrit gọi là saṃskāra, có rất nhiều nghĩa.
Nếu nó đi từ động từ căn saṃ-√skri, thì có nghĩa là đặt vào với nhau, liên kết với nhau.
Nhưng nếu nó đi từ động từ căn saṃs-√kri thì có nghĩa là hành động liên kết, tác động liên kết.
Theo các nhà Phật học A-tỳ-đàm thì hành động của thân và ngữ hoàn toàn được chỉ đạo hay thúc đẩy bởi Tư hay Ý chí (cetanā).
Ngài Sthiramati trong Đại thừa quảng ngũ uẩn luận, trang 0851b22, định nghĩa: “Hành uẩn là gì? Trừ thọ uẩn, tưởng uẩn ra, những tâm pháp và tâm bất tương ưng hành còn lại là hành uẩn.”
Hành uẩn giải thích theo kinh tạng Pāli:
saṅkhataṃ abhisaṅkharontīti kho bhikkhavve saṅkhārāti vuccati.
“Chúng tác thành pháp hữu vi, do đó chúng được nói là các hành”.
Ngài Vasubandhu giảng luận rõ:
“Ngoài (các hành thuộc) sắc, thọ, tưởng và thức, tất cả các hành còn lại gọi là hành uẩn… hành là tạo tác, tư là tự thể của tạo tác (nghiệp); nó (tư) có lực tạo tác mạnh mẽ cho nên gọi là tối thắng. Do vậy, Đức Phật dạy: nếu có khả năng tạo tác các pháp hữu lậu, hữu vi, gọi đó là hành thủ uẩn... Nếu không như vậy, các tâm sở khác và các bất tương ưng hành pháp không nhiếp thuộc vào uẩn…Cho nên, ngoài bốn uẩn, các pháp hữu vi còn lại đều nhiếp thuộc hành uẩn”.
Vậy thì Hành không phải gì xa lạ, mà chính là ý chí, hay động lực thúc đẩy để tạo ra nghiệp.
5- Thức uẩn (Vijñāna-skandha)
Thức tiếng Sanskrit gọi là vijñāna: sự nhận thức, thông tin.
Định nghĩa thức uẩn theo luận Câu-xá 1: “vijñānaṃ prati vijñaptiḥ, Thức là sự nhận thức từng đối tượng cá biệt” (Thức vị các liễu biệt/識謂各了別).
Mỗi thức đối với từng đối tượng riêng của nó thủ đắc tổng tướng cho nên gọi là thức uẩn. Lại nữa, thức uẩn còn chia thành sáu loại thức thân: nhãn thức thân cho đến ý thức thân.
Định nghĩa theo kinh tạng Pāli: vijānātīti kho bhikkhave viññānanti vuccati, nó liễu biệt, do đó nó được gọi là thức.
Vậy thức uẩn ở đây chỉ cho sáu thức, mà thể tính của nó là sự tri nhận hay thông tri cá biệt các đối tượng.
Nguyên lý duyên khởi: Thức - Danh sắc
Khi giải thích mười hai chi duyên khởi, Đức Phật nêu rõ định thức: “Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Thức”, nghĩa là: “Do duyên là Thức mà có Danh sắc, do duyên là Danh sắc mà có Thức”.
Chữ Thức, tiếng Sanskrit là Vijñāpti, đi từ động từ căn vi-√jña có nghĩa là thông tin, cái thông tin, cũng hiểu là công cụ thông tin, hoặc cái dùng để nhận thức, chỉ cho thức thứ tám. Thức này luận sư kinh bộ gọi là “kết sinh thức”(patisandhi-viññāna) nghĩa là thức kết nối giữa đời này và đời khác. Các nhà Phật học A-tì-đàm gọi là “Tối hậu tâm/最後心”
Yếu tố hình thành về tinh thần gọi là Danh (nama); yếu tố hình thành về vật chất gọi là Sắc (rūpa). Năm uẩn, chia theo danh sắc như sau: Danh (thọ, tưởng, hành, thức uẩn) - Sắc (sắc uẩn).
Vậy thì như đã nói, không thể tồn tại độc lập một thức A-lại-da, hay căn bản thức ngoài phần “Sắc”; ngược lại, nếu phần “Sắc uẩn hay Sắc” không có danh hay thức tồn tại trên nó để duy trì, thì sắc đó sẽ tan hoại và thối rã ngay lập tức.
Từ đó, chúng ta rút ra được kết luận, sau khi chết lập tức phải có năm uẩn mới, dù chấp nhận có trung hữu hay không có trung hữu, thì trung hữu đó cũng là một đời sống mới. Và tất cả đời sống đó, dù là từ lúc sinh ra cho đến lúc mạng chung và tái sinh, thì đời sống đó chỉ là khối giả hợp giữa Danh và Sắc, trên nguyên lý duyên khởi và nguyên lý đó cũng chính là nguyên lý vô ngã, vì chúng là một khối kết hợp nhiều thành phần lại với nhau, bỏ riêng từng thứ ra thì không có gì gọi là tự ngã cả, không gì là ta hay sở hữu của ta.
Như vậy, chỉ khi nào vượt qua “hai loại hình sanh tử” thể nghiệm vô thượng Niết-bàn, khi đó mới có sự an lạc tuyệt đối, vượt qua mọi giả hợp của thế gian.
Kết luận: Chiêm nghiệm và thực hành
Thực hành theo sự quán sát chân chánh, tức sẽ phát sinh được chánh tư duy về năm thủ uẩn, sự quán sát đó được dạy rõ trong kinh Tạp A-hàm, kinh số 1-8, thuộc thiên Tương ưng năm uẩn:
“Quán sát sắc là vô thường. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sinh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát.
Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sinh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát”.
Kinh cũng nói: “Như vậy, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sinh đời sau nữa’19. Và Đức Phật kết luận: “Cũng như quán sát vô thường, quán sát khổ, không, phi ngã cũng vậy.” Vậy thì, căn cứ trên Kinh tạng và Luận tạng chúng ta có thể tổng quát nguyên lý năm thủ uẩn dựa trên vô thường-khổ-không-vô ngã như sau
1- Vô thường: - Bốn hành tướng trong khổ đế, vô thường có ba: 1. Vô tính vô thường, vì tính thể vĩnh viễn không tồn tại. 2. Khởi tận vô thường, vì có sinh và có diệt. 3. Cấu tịnh vô thường, vì chuyển biến trạng thái.
2- Khổ
Khổ có ba:
a) Sở thủ khổ, vì bị chấp thủ bởi hai chấp ngã và pháp.
b) Sự tướng khổ, do ba khổ tướng.
c) Hòa hiệp khổ, vì sự kết hợp với đặc tính khổ.
3- Không
Không có ba:
a) Vô tính không, vì tính thể không thực hữu.
b) Dị tính không, vì khác biệt với tự tính bị nhận thức lệch lạc.
c) Tự tính không, vì là tự tính được hiển thị bởi hai Không.
4- Vô ngã
Vô ngã có ba:
a) Vô tướng vô ngã, vì ngã không có tướng.
b) Dị tướng vô ngã, vì khác biệt với tướng của ngã bị nhận thức lệch lạc.
c) Tự tướng vô ngã, tự tướng được hiển thị bằng vô ngã.
Có thể tạm vay mượn một đoạn mở đầu của Tâm kinh Bát-nhã để giải thích về sự chiêm nghiệm này: “Bồ-tát Ārya-Avalokitésvara trong khi thể hiện sự nghiệp Bát-nhã ba-la-mật sâu thẳm, vị ấy đã chiêm nghiệm: Đây là năm uẩn (skandha); và vị ấy thấy chúng là Không trong tự tính”.
Những ai thực hành được như vậy gọi là chiêm nghiệm và quán sát chân chánh về năm thủ uẩn, sự quán sát đó nếu dùng Trái tim Bát-nhã song vận với Tình yêu phổ quát và khế hợp với “Tính Không”, thì đó chính là con đường Trung đạo: “độ nhất thiết khổ ách” vậy.
Phước Nguyên
_____________________________
(2) Câu-xá 1, T29n1558, tr. 0005a11tt.
(3) Tỳ-bà-sa 79, tr. 407c09. Cf. Tạp 3, Đại 2, tr. 19a; Pāli, S.iii, tr.25ff.
(4) Sphuṭārthā: pracchedārtho vā avadhyarthaḥ (5) Kośa i.k.20ab, (T29n1558, tr. 0004c13): 聚生門種族, 是蘊處界義.
(6) Pāli, S.iii., tr.105. (7) Tì-bà-sa 74, tr.383c16.
(8) a. Skandhārtha, Gadjin M. Nagao: Madhyāntavibhāga-bhāṣya, Tokyo 1964, p.45.
(9) Quyển Trung, Đại 31, tr.0470b07.
(10) Câu-xá 1, T29n1558, tr. 0002a22. *Skt. ye sāsravā upādānaskandhās te, T29n1558, ibid.: 有漏名取蘊; T29n1559, tr. 0162c20: 有流名取陰.
(11) Rūpayati, Dhātupātha xxvi, 125.
(12) Lup, Dhātupātha xxvi, 125.
(13) Pāli, Samyutta iii, tr. 86.
(14) ** Skt. rūpaṃ pañcendriyāṇy arthāḥ pañcāvijñaptir eva ca. T29n1558, tr. 0002b07: 色者唯五根, 五境及無表. T29n1558, tr. 0002b08-b11.
(15) Nguồn từ trang web chính thức của Làng Mai: http://tuvien.com/img/langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-moi-dich/tam-kinh-tue-giac-qua-bo.
(16) Cảnh, Skt. artha, ý nghĩa, sự kiện, tài sản, mục đích, sự vật…
(17) Pháp uẩn 11, tr. 507. Cf. Tạp A-hàm 37, T02n0099, tr. 0267a02.
(18) Duyên sinh luận, T32n1652, tr. 0483b18.
(19) Tạp A-hàm, kinh số 1, bản Việt, TT. Đức Thắng và TT.Tuệ Sỹ, tr.23-24.
(20) Dẫn theo Thành duy thức luận, chương viii, TT.Tuệ Sỹ, tr.638-639.
Ngọc Sương (Tuvien.com)