Tháng mười một, gió. Se sắt ở nơi này, buốt tê chốn khác, trên cả ba miền Nam-Trung-Bắc. Xuyến xao gió. Nhung nhớ gió. Giữa niềm xao động ấy, nhận được tập hồi ký của người bạn. Và bồi hồi! Đó là tình cảm chiếm ngự tâm hồn khi đọc những trang hồi ức của người bạn cũ, giờ đây ở nơi xa và đang chống chọi những cơn đau đớn của căn bệnh khó để vội vàng ghi lại những gì đã nung nấu trong lòng qua bao năm tháng, trong ước muốn lưu lại tâm tình chân thật, gửi đến người thân.
Và quê nhà hiện lên. Hiện lên nhịp điệu những mái nhà phong rêu, những con đường ký ức chảy sâu vào kỷ niệm, những gương mặt bằng hữu giờ đang cách xa nửa vòng trái đất. Hiện lên hình ảnh những người đã trôi vào cõi vô hình nào từ mấy mươi năm xa hút hoặc đã biệt tăm vào lãng quên trong tiếng cười điên xé máu giữa cơn mất trí của lịch sử. Hiện lên thời niên thiếu trong sáng vô tư, pha lẫn bao ưu hoài của một lớp người mà số phận bị xô đẩy quá sớm vào cơn lốc của những năm tháng chiến tranh...
Tâm thức dao động thì dễ khiến xui lòng nguyện cầu hướng đến bình an
Số phận của chúng ta nào có khác gì nhau, dẫu cho cuộc đời đã xô giạt mỗi sinh linh nhỏ nhoi tội nghiệp về những hướng đời trái biệt. Trầm luân là mẫu số chung cho đa số trong cái cộng đồng phải cộng nghiệp này! Vận động của lịch sử là máu, suốt mấy ngàn năm qua. Nhưng tinh thể đích thực của nó là Tình yêu. Cho nên, sẽ là sai lầm, nếu sống mà không biết đem tiếng nói của tấm lòng để đáp lại tấm lòng!
Tâm thức dao động thì dễ khiến xui lòng nguyện cầu hướng đến bình an. Dẫu biết phải tự nương vào chính mình, nhưng có nơi được nương tựa vẫn là cần. Mà một trong những cái “nơi” ấy, là lòng khát ngưỡng về một đấng từ bi mà thời gian dễ gợi nhớ là nguồn ánh sáng vô lượng. Vô lượng quang với hào quang trí tuệ của Đức A Di Đà rọi khắp mười phương thế giới. Vô lượng thọ với “tuổi tác” không tính đếm được theo khái niệm thời gian hữu hạn của thế gian này. Vô lượng công đức với vô vàn việc làm tốt đẹp…
Về cuối năm, trời lạnh hơn. Buổi sáng bên ấm trà, nhìn qua cửa sổ, nhịp chuyển xô của cuộc sống dần dần chuyển dịch. Xe cà-phê bên phố bày ra những chiếc ghế nhựa nhỏ dưới một hàng hiên, mùi thơm quyện trong hơi gió sớm. Chiếc xe đẩy đi qua, gọi người trên phố thức giấc để dùng điểm tâm. Tiếng hát ai mơ hồ thoáng bay trên nóc phố nhấp nhô... Cuộc sống cứ trôi đi, dưới vô vàn lực tác động của những nguyên do không nhìn thấy được...
Và vẫn không rời khỏi được những trang viết cuối cùng của người bạn. Những dòng chữ được ghi lại sau bao cơn đau thể chất của bạn không chỉ là nỗi niềm riêng mà còn là ảnh chiếu của nhiều người, trong một quãng đời không ngắn. Không hề có ý làm văn, không hề muốn nói về cái tôi cá biệt nhưng những bày tỏ thực sự cảm động vì chính sự giản dị, chân thành. Thời niên thiếu khổ nghèo của bao gia đình nông dân chốn quê nghèo. Thời thanh niên với bao ước mơ như chồi xanh chưa kịp vươn lên đón nắng đã bị bão tố chiến tranh giập vùi. Thời trung niên quay quắt trong cuộc rượt đuổi áo cơm mệt nhoài...
Bạn đã sống như một con người: vượt qua, vượt qua, không ngừng vượt qua...
Giờ đây, khi đã bỏ lại phía sau con dốc đời chóng mặt, khi cuộc đi đã đến hồi quay về với mặt đất yên lặng, may mắn thay, bạn đã thâm cảm được lẽ đời-nghĩa người với đầy đủ trách nhiệm trong suốt mấy mươi năm. Giờ đây bạn đang hướng về phía cuối thực sự có ý nghĩa, khi lắng tâm để nghe được, dẫu trong mơ hồ, tiếng gọi của Vĩnh cửu. Có nhiều tên gọi khác nhau về cái đầu tiên và cuối cùng ấy. Là Chúa, là Thượng đế, là Phật, là Allah... Tất cả đều là như thế. Không nên chẻ chia phân biệt, bởi vì tất cả đều chỉ để gọi tên một sự thật: quy luật của vũ trụ.
*
Bạn đang nằm bệnh, ở xa. Không biết có còn được gặp nữa không! Dù có thế nào chăng nữa, thì cũng không sao, bởi vì chẳng phải tất cả chúng ta đang nằm mơ trong một giấc ngủ dài suốt mấy mươi năm đó sao? Vậy nên, ai thức giấc trước thì người đó sẽ sớm nói lời gửi lại. Gửi lại trong gió. Và trong nhịp điệu nhịp nhàng của gió, quê nhà ẩn hiện với phiên chợ Tết nghèo năm nào và ánh mắt chợt sáng lên của những người nông dân một đời chịu đựng.
Dù sao, một cột mốc thời gian cũng sắp trôi qua, để lại bắt đầu cho một hy vọng khác, dù vẫn biết, điều ấy hãy còn xa, rất xa. Ví như, lễ tiễn ông Táo về Trời và tục phóng sinh cá chép chẳng hạn, giờ đây chỉ còn là một thói quen, đôi khi vẫn thấp thoáng trong đó lời gửi gắm mờ nhạt về sự tồn tại của một cõi vô hình và thể hiện lòng từ bi của người dân Việt. Dù tất cả những “phôi phai” ấy, con người vẫn sống. Hay nếu nhìn khác đi, giả dụ nếu như không có những phai phôi, cuộc sống này sẽ ra sao, nếu không là sự trì trệ nặng nề của bóng tối quạnh quẽ…
*
Tháng mười một, gió. Gió thổi qua mọi niềm thịnh suy, hưng phế của cuộc đời. Ấy là nói theo cái kiểu lý-sự-triết-lý-vụn. Còn nói theo người nông dân chăm chỉ chuyên cần đang ngày ngày đổ mồ hôi chung quanh ta, thì gió vẫn thổi trên... những vồng khoai, liếp sắn, để chuẩn bị cho tiết tháng Hai giáp hạt hãy còn những cơn gió cơ hàn…
Tháng mười một, gió. Trên những bến xe đò dọc ngang, trên những toa tàu vội vàng chen chúc những người tha hương đang tìm về với chút hơi ấm nhớ nhung của chốn quê nhà. Không còn là gió ngoài trời nữa, mà là miên man gió trong bao tính toán ngổn ngang của đồng tiền bát gạo vắt ra từ mồ hôi và nỗi cực nhục bẽ bàng...
Tháng mười một, gió. Dẫu cho ánh sáng nơi cõi trời Tây phương hãy còn xa trước bao mê lầm của chốn nhân gian này, thì lòng ấp ủ dưỡng nuôi niềm hy vọng về một hướng sống bình an vẫn hiện ra như lời nhắc nhở. Như đôi khi lóe lên vài ánh mơ hồ giữa ngàn sao. Như trong đêm gió tháng mười một yên tĩnh, nhìn lên bầu trời đêm, và biết, ở nhiều nơi khác trên cõi sống này, có biết bao người cũng đang nhìn lên, hướng về ánh sáng không cùng tận của Ngài.
Nguyễn Đông Nhật
Bích Ngọc (Tuvien.com)