Ðại sư Lục tổ Huệ Năng, một nhân vật lịch sử đang đi vào huyền thoại. Sự tích của ngài, mặc dù đã được ghi chép trên giấy trắng mực đen là quyễn kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn
Huệ Năng nói:
- Nếu như thầy thực tình vì pháp mà đến, như vậy trước tiên thầy phải xả bỏ cái tâm tranh đoạt, buông bỏ tất cả vọng tưởng, trong tâm không một niệm nào khác, tôi sẽ nói pháp cho thầy nghe.
Huệ Minh nghe xong bèn ngồi trầm lặng. Một lúc sau, Huệ Năng nói với ông ta:
- Không nghĩ thiện! Không nghĩ ác! Cái gì là bổn lai diện mục của thầy? Cái gì là chân thực tự tính của thầy? Nói mau! Nói mau!
Huệ Minh thốt nhiên có cảm giác như nghe một tiếng sét ngang trời. Ông ta thấy rõ được chân như tự tính trong dáng dấp nguyên sơ của nó. Trong khoảnh khắc đó, Huệ Minh đại ngộ! Cái không phân biệt thiện ác, há chẳng phải là sự biểu hiện của Phật tính hay sao?
Huệ Minh trong lòng tràn ngập niềm cảm động, bèn nói với Huệ Năng:
- Dạ xin hỏi Ngài, ngoại trừ điều mà Ngài vừa nói đó, còn có điều bí mật nào khác mà Ngài có thể dạy Huệ Minh hay không?
Huệ Năng nói:
- Những điều tôi vừa nói với thầy, đã rõ ràng như thế, chứng tỏ là tôi không có dấu diếm điều gì hết. Nếu thầy có thể dùng trí tuệ Bát nhã soi rõ tự tính, thầy sẽ khám phá ra là cái chân lý ẩn tàng trong đó, xưa nay trong tâm mình vẫn đầy đủ. Cũng giống như đóa hoa sen mà trong đó có chứa hạt minh châu.
Huệ Minh nghe xong, cảm thấy mừng rỡ như một kẻ bần cùng vừa lượm được một viên ngọc quí. Ông ta cảm động đến rơi nước mắt, nói với Huệ Năng:
- Huệ Minh tuy ở nơi Tổ Hoàng Mai cầu pháp nhiều năm, mà cho đến nay vẫn chưa thấy được Phật pháp, không biết bổn lai diện mục của mình. Hiện nay nhờ ơn của Ngài nên ngộ được tự tính. Từ trước đến nay, Huệ Minh chưa từng thấy được cái cảm giác khó hình dung như vậy, giống như người khát uống nước, lạnh nóng tự mình biết. Từ hôm nay trở đi, Ngài là thầy của Huệ Minh.
Nói xong Huệ Minh chấp tay định bái tạ Huệ Năng. Thấy thế, Huệ Năng liền vội vàng đở ông ta dậy, ngài nói:
- Thầy và tôi là người đồng môn, việc gì mà phải chấp nhất ai là thầy ai là trò. Chỉ cần chúng ta tuân theo lời dạy của Tổ mà tu hành là tốt rồi.
Huệ Minh lại hỏi:
- Hôm nay Huệ Minh đã ngộ được Phật pháp, không biết phải đi về đâu để quảng độ chúng sinh?
- Thầy đi đến vùng nào mà tên có chữ Viên thì có thể tạm ngừng, đi đến vùng nào mà tên có chữ Mông thì có thể ở lại.
Huệ Năng ngừng một lúc lại nói:
- Mà nầy! Thầy xuống núi không nên nói cho ai biết chuyện nầy, để khỏi phiền hà mai sau, mà tự làm hại chính mình!
Huệ Minh từ biệt Huệ Năng xong bèn xuống núi. Xuống đến chân núi Huệ Minh nói với những người trong nhóm vừa mới tìm đến:
- Tôi lên núi tìm cả buổi mà không thấy ai hết, chắc chắn không phải ở chỗ nầy. Tốt hơn, chúng ta nên theo hướng khác mà tìm.
Sau khi Huệ Minh đi rồi, Huệ năng bèn tiếp tục hành trình về đến Tào Khê. Huệ Năng từ lúc trở về trú ẩn ở làng Tào Khê, đất Tiều Châu, sự kiện ngài được Tổ Hoàng Mai truyền y bát, vẫn không ai hay biết. Có một vị thư sinh tên là Lưu Chí Lược mới gặp Huệ Năng có một lần mà đã cảm thấy thân thiết như người bạn lâu năm. Hai người bèn kết nghĩa làm anh em. Chí Lược có một người cô xuất gia làm ni, pháp danh Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Ðại Niết Bàn. Vô Tận Tạng nghe cháu nói Huệ Năng là người tinh thông Phật pháp, bèn cầm quyển kinh đến tìm Huệ Năng hỏi ý nghĩa. Huệ Năng nói:
- Tôi không biết mặt chữ, xin cô cứ hỏi ý nghĩa trong kinh, tôi sẽ trả lời.
Vô Tận Tạng có vẻ nghi ngờ:
- Mặt chữ còn không biết, làm sao hiểu được ý nghĩa của kinh?
Huệ Năng trả lời:
- Nghĩa lý nhiệm mầu của chư Phật đều có đủ trong tất cả các pháp. Tôi tuy không biết chữ, cô cứ đem kinh ra đọc. Tôi nghe qua rồi, tôi sẽ đọc được và sẽ hiểu được ý nghĩa của kinh.
Vô Tận Tạng nửa tin nửa ngờ, bèn đem quyển kinh ra lật từ trang đầu đến trang cuối. Một lúc sau tìm được một đoạn mà chính cô ta cũng không hiểu muốn nói gì, bèn đọc cho Huệ Năng nghe. Quả thực, Huệ Năng vừa nghe qua liền có thể đọc lại không sai một chữ, mà lại còn giải thích tường tận ý nghĩa của kinh cho cô ta nghe. Vô Tận Tạng nghe xong, cảm thấy vô cùng kinh phục, không ngớt gật đầu khen ngợi:
- Thật đáng bội phục! Quả không hổ danh là học trò của Tổ Hoàng Mai!
Danh tiếng của Huệ Năng chẳng bao lâu truyền khắp trong làng. Mọi người trong làng đều đến yết kiến ngài, trong đó có cháu nhiều đời của Tào Tháo là Tào Thục Lương cũng tìm đến xin cầu Pháp. Thục Lương ra mắt Huệ Năng xong, bèn ở lại cùng Huệ Năng đàm luận về những vấn đề nhân sinh vũ trụ. Thục Lương lần lần đối với Huệ Năng sinh tâm cung kính, ngưỡng mộ, do đó muốn tìm cơ hội báo đáp ân huệ của ngài. Cơ duyên đến thật là đúng lúc! Phía trên làng Tào Khê có một ngôi chùa cổ, tên là Bảo Lâm, nhưng vì chiến tranh tàn phá, đến nay đã trở thành hoang phế. Tào Thục Lương bèn tụ hợp mọi người trong làng, gom góp tiền bạc vật dụng trùng tu lại ngôi chùa, và mời Huệ Năng về đó trụ trì. Ở đây, Huệ Năng bắt đầu công việc hoằng pháp của mình. Thời gian thắm thoát đã qua chín tháng. Thế nhưng trên đời nầy, chẳng có hạnh phúc nào lâu dài cả. Nhóm người chùa Ðông Thiền đi tìm đoạt y bát của Huệ Năng, dù trải qua ngàn dặm sơn khê, rốt cuộc cũng đã tìm đến! Bọn họ dự mưu là đuổi Huệ Năng từ trước núi ra đến sau núi, kế đó sẽ đốt rừng, bức bách Huệ Năng phải chạy ra mà túm bắt. Nhưng bọn họ không ngờ rằng Huệ Năng núp vào trong khe đá, may mắn thoát nạn.[xvi][16] Nghe nói, hiện nay chỗ ấy có một tảng đá hình giống bồ đoàn, trên đó có dấu vết Huệ Năng ngồi kiết già. In trên mặt đá là dấu vết của hai đầu gối, cùng dấu vết của những nếp áo của ngài!
Sáng hôm sau, Huệ Năng từ khe đá chun ra, nhìn về phía chùa Bảo Lâm đã bị thiêu rụi, ngài biết là không thể tiếp tục ở lại được nữa, bèn lần về phương nam. Khoảng ba bốn ngày sau, bất giác Huệ Năng đã đến chỗ giáp ranh của hai vùng Hoài Tập và Tứ Hội[xvii][17]. Ngài nhớ lại lời dặn dò của Tổ: "Gặp Hoài thì ngừng, gặp Hội thì ở". Do đó, ngài bèn định cư tại nơi nầy.
Từ đó, Huệ Năng bèn sống lẫn trong đám thợ săn, giả trang làm nghề săn bắn. Mỗi khi có cơ hội, Huệ Năng thường giảng cho bọn họ nghe về lòng từ bi đối với muôn loài. Bọn thợ săn giao phó cho ngài công việc canh chừng bẫy thú, thế nhưng mỗi khi thấy có thú rừng lọt vào trong bẫy, ngài lại cảm thấy bất nhẫn bèn mở bẫy để cho chúng chạy thoát, do đó, ngài thường bị bọn họ mắng nhiếc và xử phạt. Vì làm nghề săn bắn nên món ăn chính của bọn họ thường là thịt thú rừng. Huệ Năng lúc mỗi bữa ăn, đều nhặt rau rừng, măng tre, ..., bỏ vào trong một giỏ tre nhỏ, nhún trong nồi thịt, nấu chín mà ăn. Nếu bọn họ có hỏi lý do, thì ngài trả lời:
- Mỗi ngày tôi chỉ làm những công tác nhàn hạ là trông chừng bẫy, chẳng tốn bao nhiêu sức lực, bởi vậy chỉ cần ăn rau cải cũng đủ rồi.
Cứ như thế, thời gian như "bóng câu qua cửa sổ", thắm thoát mà đã gần mười lăm năm. Một hôm, Huệ Năng nghĩ thầm:
- Ðã đến lúc phải ra hoằng pháp, không còn có thể ẩn núp lâu được nữa!
Nhân đó, Huệ Năng bèn từ giả bọn thợ săn, đi về hướng nam, đến thành phố Quảng Châu. Ðầu tiên ngài đến chùa Trang Nghiêm; thấy cảnh chùa vắng vẻ, trong chùa chỉ có vài vị tăng, Huệ Năng hỏi thăm lý do, thì biết là mọi người trong chùa đã đến chùa Pháp Tính nghe pháp sư Ấn Tông giảng kinh Ðại Bát Niết Bàn.
Nghe nói như thế, Huệ Năng bèn tìm đường đến chùa Pháp Tính. Ðến nơi, thấy mọi người tụ hợp đông đảo trong Pháp đường, không có chỗ chen chân. Huệ Năng len lỏi vào đám đông, khó khăn lắm mới tìm được một chỗ đứng ngoài hành lang. Pháp sư Ấn Tông ngồi trên giảng tòa, đang giảng ý nghĩa thâm sâu của kinh Niết Bàn. Ông nói:
- Mọi vật trên thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Xin hỏi các vị, như vậy là trước phải có nhân, rồi sau đó mới có duyên? Hay là trước phải có duyên, rồi sau đó mới có nhân?
Vừa nói đến đó, bỗng nhiên có một cơn gió lớn thổi qua, làm cho tấm tràng phan treo trước cửa chùa phất phơ lay động. Ấn Tông thấy sự việc xảy ra như vậy, bèn hỏi mọi người:
- Các vị có vừa thấy tràng phan lay động không? Xin hỏi các vị, tràng phan tự nó lay động, hay là có vật gì làm cho nó lay động?
Trong đám đông có người đứng dậy trả lời:
- Tràng phan không thể tự nó lay động, mà là do gió thổi làm nó lay động.
Vừa nói xong, liền có người khác đứng dậy phản đối:
- Không đúng, chắc chắn là tràng phan tự nó lay động, vì cái tính động đã ở sẵn trong tràng phan, mà không ở trong luồng gió.
Cứ thế, hai người chẳng ai nhường ai, lời qua tiếng lại làm ầm ỹ cả lên. Pháp sư Ấn Tông ngồi trên giảng tòa chẳng biết phải làm sao, vì cả hai bên ai cũng có lý cả. Hơn nữa, pháp sư đối với vấn đề nầy cũng chưa có lời giải vững chắc.
Bất chợt, từ trong góc ngoài Pháp đường có một âm thanh sang sảng vang lên:
- Không phải là gió đang lay động, cũng không phải là tràng phan đang lay động, mà chính là tâm hai vị đang lay động!
Nghe Huệ Năng nói một câu vừa đơn giản vừa rõ ràng, mọi người trong Pháp đường đang ồn ào rầm rĩ, liền trở nên im thinh thích. Tất cả đều quay đầu tìm xem ai là người vừa nói câu đó, thấy Huệ Năng trong bộ quần áo dân quê lam lũ, dáng dấp tầm thường, mọi người đều chưng hửng, nửa tin nửa ngờ. Chỉ có Pháp sư Ấn Tông là người thấy rõ hơn ai hết, ông ta kề tai nói nhỏ với thị giả:
- Ðợi cho ta giảng kinh xong. Bây giờ ông nên đi mời vị cư sĩ đang đứng cạnh góc tường ngoài hành lang, đến phòng ta chờ một chút.
Ấn Tông nói xong, bèn kết thúc buổi giảng kinh, yêu cầu mọi người trở về suy ngẫm vấn đề đang được thảo luận vừa rồi. Ấn Tông quay về phòng, mời Huệ Năng an tọa xong, kế đó hỏi ngài về những ý nghĩa thâm sâu của Phật pháp. Huệ Năng trả lời suôn sẻ, ý nghĩa vừa sâu xa, vừa hợp tình hợp lý, mà lại ít dùng chữ nghĩa trong kinh luận. Ðiều nầy làm cho Ấn Tông vừa kinh ngạc vừa kính phục. Ông ta biết người đối diện mình không phải là một kẻ tầm thường, bèn hỏi:
- Hành giả chắc chắn không phải là một kẻ tầm thường. Tôi từ lâu có nghe rằng y bát của Tổ Hoằng Nhẫn đã được truyền về phương nam, chẳng biết có phải là hành giả hay không?
Huệ năng trả lời:
- Dạ, kẻ tàm quí nầy không dám.[xviii][18]
Ấn Tông nghe nói, biết rằng Huệ Năng là người được truyền y bát, ông ta bèn phá lệ, vội vàng xuống ghế làm lễ ra mắt[xix][19], kế đó thỉnh cầu Huệ Năng đem y bát ra cho mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng lễ lạy. Ấn Tông bèn hỏi Huệ Năng:
- Ngũ tổ Hoằng Nhẫn lúc đem y bát truyền cho Ngài, Tổ còn có dặn dò gì thêm nữa không, như vấn đề thiền định giải thoát chẳng hạn?
- Tổ chẳng có dặn dò điều gì đặc biệt cả!
Ấn Tông tỏ vẻ nghi ngờ:
- Thế à! Làm sao có thể như thế được?
Huệ Năng thấy Ấn Tông không hiểu ý mình, liền nói tiếp:
- Chẳng qua, Tổ chỉ nói đến ý nghĩa "kiến tính thành Phật", còn như vấn đề thiền định giải thoát, Tổ chưa đề cập đến.
Ấn Tông vẫn chưa hiểu rõ, bèn tiếp tục hỏi:
- Kẻ tu hành tọa thiền, do công phu của thiền định mà được giải thoát. Ðây là sự kiện mà mọi người đều biết đến, tại sao Ngũ tổ lại không đề cập đến vấn đề nầy?
Huệ Năng trả lời:
- Phật pháp là pháp bất nhị[xx][20], còn sự tu thiền định cầu giải thoát đã bao hàm hai pháp: một là kẻ muốn cầu sự giải thoát, hai là pháp đem đến sự giải thoát. Ðây không phải là chỗ cứu cánh của Phật pháp, cho nên Tổ không nói đến.
Ấn Tông lại hỏi:
- Nếu vậy, như thế nào mới gọi là pháp môn bất nhị trong Phật pháp?
Huệ Năng nói:
- Pháp sư mỗi ngày đều giảng kinh Niết Bàn, chắc cũng biết là "sự thấy rõ Phật tính" tức là pháp bất nhị. Mọi người xưa nay đều vốn đầy đủ Phật tính, và Phật tính nầy cũng không vì chúng sinh tạo nghiệp mà tăng thêm hoặc giảm bớt. Giống như trong kinh Niết Bàn, Bồ tát Cao Quí Ðức Vương đã từng hỏi Phật: "Bạch đức Thế Tôn, những kẻ phạm bốn giới trọng[xxi][21], hoặc những kẻ tạo năm tội nghịch[xxii][22], cùng những kẻ nhất xiển đề[xxiii][23], bọn họ có phải vì tạo ác nghiệp mà làm thiện căn Phật tính đoạn tuyệt hay không?" Phật đáp: "Thiện căn có thể phân làm hai loại: thường và vô thường. Thế nhưng Phật tính không phải thường, cũng không phải vô thường, cho nên không bị đoạn tuyệt, đây gọi là pháp môn bất nhị. Lại nữa, có thể đem sự vật phân thành thiện và bất thiện, đây là hai pháp. Thế nhưng Phật tính không phải thiện, cũng không phải bất thiện, không có phân biệt thiện ác, đây là pháp môn bất nhị". Các vật trên thế gian bị người đời phân chia thành muôn sự muôn vật, như đẹp, xấu, hay, dở ... Ðối với cái nhìn của người phàm thì có hai sự khác biệt, song người trí tuệ hiểu rõ Phật pháp, biết tất cả đều do nhân duyên sinh ra, đều không có tự tính, cho nên họ không có sự phân biệt. Cái chân tính không phân biệt nầy chính là Phật tính!
Huệ Năng giảng giải những điều mà Ấn Tông mới đề cập đến trong buổi giảng kinh vừa rồi, chẳng khác nào như chính ngài đang ở trên giảng tòa giảng cho mọi người nghe. Ðến đây, Ấn Tông đối Huệ Năng hoàn toàn kính phục, ông ta trong lòng tràn ngập một niềm vui chưa từng có, bèn chắp tay cung kính khen ngợi Huệ Năng:
- Chúng tôi giảng kinh chẳng khác nào như đá sỏi không có giá trị, còn Ngài giảng kinh thì giống như vàng ròng quí báu!
Nhân vì lúc đó Huệ Năng vẫn chưa chính thức xuất gia, do đó Ấn Tông bèn chọn ngày chuẩn bị làm lễ xuất gia cho ngài. Ngày mười lăm tháng giêng năm Nghi Phụng thứ nhất (TL 676), Pháp sư Ấn Tông chính thức làm lễ xuống tóc cho Huệ Năng, và xin lạy ngài làm thầy. Ngày tám tháng hai năm đó, Ấn Tông mời nhiều vị cao tăng đến làm lễ thọ giới. Trong buổi thọ giới, do ngài Luật sư[xxiv][24] Tuệ Tịnh ở chùa Linh Quang, đất Tô Châu, lo việc yết ma[xxv][25], chuyên phụ trách việc tuyên bố nhân duyên xuất gia của Huệ Năng. Ngài Luật sư Trí Quang ở chùa Tổng Trì làm thọ giới sư. Ngài Luật sư Thông Ứng ở chùa Thiên Hoàng, đất Kinh Châu, làm giáo thọ sư. Ngài Luật sư Kỳ Ða La, người Trung Ấn Ðộ, làm thuyết giới sư, và ngài Mật Ða Tam Tạng, người Tây Ấn Ðộ, làm chứng giới sư.
Tại đây, nơi mà ngài Pháp sư Trí Dược đã trồng cây Bồ đề, và nơi mà ngài Pháp sư Cầu Na Bạt Ðà đã lập giới đàn, Huệ Năng đã chính thức thọ giới cụ túc.[xxvi][26] Ðiều nầy ứng nghiệm với lời tiên đoán của hai ngài Trí Dược và Cầu Na Bạt Ðà hơn một trăm năm về trước.[xxvii][27]
Sau khi thọ giới hai tháng, Lục tổ Huệ Năng tại chùa Pháp Tính, nối tiếp Tứ tổ Ðạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, chính thức khai thị pháp môn thiền Ðông Sơn.
Mùa xuân năm Phụng Nghi thứ hai, Lục tổ rời chùa Pháp Tính, chuẩn bị trở về chùa Bảo Lâm. Buổi tiễn biệt, có hơn một ngàn người vừa xuất gia, vừa tại gia, cùng nhau rầm rộ đưa Lục tổ về Tào Khê. Ngài Luật sư Thông Ứng cùng hơn một trăm đệ tử cũng theo Tổ về Tào Khê tu học.
Sau khi Lục tổ về đến chùa Bảo Lâm, ngài cảm thấy cảnh chùa quá chật hẹp, không đủ chỗ cho một số người đến cầu học đông đảo như thế, bèn nghĩ cách mở rộng cảnh chùa. Thế nhưng, chung quanh đều là đất của người khác, Lục tổ không còn cách nào hơn là phải đi tìm người chủ đất tên Trần Á Tiên thương lượng về vấn đề nầy. Vị chủ đất nầy tính tình rất tử tế và ngay thẳng, vừa nghe Lục tổ đến tìm mình xin đất, ông ta liền hỏi ngài muốn cần bao nhiêu đất mới đủ.
Lục tổ nói:
- Tôi chỉ cần một khoảnh đất lớn như tấm tọa cụ nầy là đủ, không biết thí chủ có vui lòng bố thí hay không?
Á Tiên liền hỏi:
- Dạ thưa, không biết tấm tọa cụ của Tổ bao lớn?
Lục tổ bèn đem tấm tọa cụ ra cho Á Tiên xem, ngài nói:
- Không lớn bao nhiêu cả. Chỗ mà tôi muốn, chỉ lớn bằng tấm tọa cụ nầy, đủ chỗ cho tôi ngồi thiền hai bữa sớm chiều mà thôi.
Á tiên nghe nói, không thể nhịn cười được, bèn lớn tiếng cười ha hả. Ông ta cảm thấy rất hứng thú, bèn trả lời:
- Dạ không sao, tùy ý Tổ chọn lựa khoảnh đất mà Ngài vừa ý!
Nghe xong, Lục tổ bèn dẫn Á Tiên đến đỉnh đồi cao nhất trong vùng Tào Khê. Chỉ thấy Lục tổ mở tấm tọa cụ ra ném lên không trung. Lạ thay! Tấm toạ cụ nhỏ như vậy, lại càng lúc càng biến thành to lớn, giống như quả bóng được bơm hơi! Chẳng mấy chốc đã bao trùm hết vùng Tào Khê. Hơn nữa, lại thấy bốn vị Thiên vương đứng hầu ở bốn góc.
Á Tiên thấy được pháp lực thần thông của Lục tổ như thế, biết Tổ là một bậc chân tu thực chứng, chứ không phải là kẻ tầm thường, bèn nói với ngài:
- Dạ thưa Tổ, con đã thấy rõ pháp lực của Ngài thực là vô biên. Thế nhưng mồ mả của tổ tiên đều ở chỗ này. Hy vọng xin để lại ít đất hương hỏa, còn bao nhiêu con nguyện cúng dường cho Ngài hết.
Lục tổ nói:
- Tốt lắm, tốt lắm! Ðây là điều đương nhiên.
Sau đó, Lục tổ bèn đi xem xét khắp vùng, thấy nơi nào phong cảnh thanh tú ngài bèn lập một cảnh chùa. Trước sau, ngài lập được mười ba cảnh chùa như thế.
Trước chùa Bảo Lâm có một cái hồ nhỏ, nước trong vắt. Có một con rồng sống dưới đáy hồ, thường thường hiện ra tác yêu tác quái. Mỗi lần rồng xuất hiện thường thổi gió lớn, làm cho mặt hồ nổi sóng như gặp cơn bão dữ. Mọi người trong chùa đều sợ hãi, không ai dám đến gần bờ hồ.
Một hôm lúc rồng đang xuất hiện, Lục tổ bèn ra bờ hồ rầy mắng:
- Mi là đồ côn trùng nhỏ nhít mà cũng dám đến đây tác yêu tác quái. Mi chỉ biết hiện thân lớn để nhát người khác, mà không biết hiện thân nhỏ để làm thiện. Có gì là ghê gớm! Nếu mi thực sự là kẻ cao cường thì mi có thể biến nhỏ biến lớn. Mi thử biến nhỏ cho ta xem. Nếu được mới gọi là rồng thần.
Kỳ lạ thực! Lục tổ vừa nói xong, rồng liền biến mất. Chẳng bao lâu trên mặt nước yên lặng xuất hiện một con rắn, nhỏ như sợi dây bện bằng cỏ, bơi về phía Lục tổ. Ngài bèn đem bình bát ra, từ từ quì xuống bên bờ hồ, nói với rồng:
- Biến nhỏ biến lớn chưa có gì kỳ lạ, mi có đủ can đảm nhảy vào trong bình bát của ta hay không?
Rồng nghe Lục tổ thách thức, bèn bơi đến trước mặt ngài, không chút do dự nhảy ngay vào trong bình bát. Lúc đó Lục tổ thở phào một tiếng, mang bình bát quay trở về chính điện, vẻ mặt tươi cười rạng rỡ. Rồng nằm trong bình bát cảm thấy rất hoang mang sợ hãi, bèn vùng vẫy tìm cách thoát ra, nhưng làm cách nào cũng vô ích. Nó không biết phải làm sao, bèn nằm yên lặng, không còn dám cựa quậy nữa. Lục tổ bèn lên tòa thuyết pháp cho rồng nghe. Nghe xong, rồng liền thoát hóa[xxviii][28], biến thành một cụm khói xanh bay đi mất, chỉ để lại một bộ xương rồng dài độ bảy tấc. Về sau, vì muốn kỷ niệm, người trong chùa bèn lấp hồ lại cho bằng, trên đó xây một cái tháp sắt nhỏ để thờ bộ xương rồng nầy.
Lục tổ trở về chùa Bảo Lâm chẳng được bao lâu, danh tiếng của ngài đã được truyền đi khắp nơi, điều nầy làm cho thánh địa của Thiền tông càng lúc càng trở nên hưng thịnh.
Vào đời nhà Ðường, Tào Khê thuộc về đất Tiều Châu, huyện Khúc Giang. Lúc đó quan thứ sử của Tiều Châu, tên Vĩ Cừ, là một Phật tử thuần thành. Nghe tin y bát của Thiền tông đã được truyền về phương nam, lại nghe người kế thừa y bát là Lục tổ Huệ Năng đang trụ trì chùa Bảo Lâm ở Tào Khê, Vĩ Cừ cảm thấy rất hoan hỷ. Ðây là cơ hội hiếm có, ngàn năm một thuở, do đó ông ta bèn hướng dẫn một nhóm quan lại đến chùa Bảo Lâm, thỉnh Lục tổ đến chùa Ðại Phạm ở thành phố Khúc Giang khai thị Phật pháp cho nhân dân ở vùng đó. Sau khi nhận lời mời của Vĩ Cừ, Lục tổ đã đến chùa Ðại Phạm. Tại đây ngài lên tòa thuyết pháp. Mở đầu ngài nói đến gia thế của mình, về chuyện mình đã đi cầu pháp ở Tổ Hoàng Mai, sự thừa kế y bát, cùng sự kiện là sau khi được truyền y bát, ngài đã trải qua bao nhiêu sự gian nan khốn khổ. Ngài nói rằng trước khi ngài đến chùa Pháp Tính, sinh mệnh của ngài bị đoe dọa bởi sự nguy hiểm, cũng giống như chỉ mành treo chuông, không biết sẽ bị đứt lúc nào.
Kế đó Lục tổ nói:
- Hôm nay tôi có cơ hội được cùng các vị ngồi nơi đây, đều là do pháp duyên lành mà chúng ta đã cùng nhau gây tạo trong nhiều đời, đó là phước báo của mọi người đã nhiều đời trong quá khứ cúng dường Phật, vun trồng thiện căn. Do nhân duyên nầy mà các vị ngày hôm nay mới có cơ hội đến đây nghe được pháp môn truyền tâm đốn giáo nầy. Pháp môn nầy là do các bậc thánh nhân xưa đã đời đời truyền lại cho đến ngày hôm nay, chứ không phải do Huệ Năng tự đặt ra. Nguyện rằng mọi người sau khi nghe pháp môn đốn giáo nầy, đều có thể làm tâm thanh tịnh, dẹp trừ sự nghi ngờ. Dùng tự tính Bồ đề nầy, đều có thể thành Phật.
Ðại chúng nghe Lục tổ giảng xong, mọi người đều cảm thấy hoan hỉ, bèn lễ tạ mà lui ra.
Ngày hôm sau, thứ sử Vĩ Cừ bèn thỉnh Lục tổ giảng thêm, Lục tổ bèn lên tòa nói với mọi người:
- Trước hết, các vị nên đem tâm thanh tịnh, cùng nhau niệm Ma ha Bát nhã ba la mật đa.
Kế đó ngài nói tiếp:
- Các vị thiện tri thức, tất cả chúng sinh xưa nay vốn có đủ trí tuệ giác ngộ. Chỉ vì tâm địa bị mê hoặc, cho nên không cách nào tự mình giác ngộ, mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của các vị thiện tri thức. Phải biết là Phật tính của kẻ ngu si cùng người trí tuệ không có gì khác biệt. Bây giờ tôi sẽ vì các vị giảng pháp Ma ha Bát nhã ba la mật nầy, các vị nên chú tâm nghe tôi nói.
Các vị thiện tri thức, người thế gian tuy cả ngày miệng niệm "Bát nhã, Bát nhã", nhưng bọn họ không biết rằng Phật tính của mình đã có sẵn Bát nhã. Ðây cũng giống như có bọn người, ăn thì không chịu ăn, tuy cả ngày nói tên những món sơn hào mỹ vị, cũng chẳng làm cho bọn họ no bụng được. Học Phật cũng như vậy, nếu cả ngày cứ nói lý thuyết mà không chịu khó tu hành, thì có nói đến trăm ngàn vạn năm, cũng không cách nào thấy được tự tính của mình. Ðiều nầy không giúp ích được gì cho mình cả!
Kế đến Tổ bèn giải thích ý nghĩa của chữ "Ma ha Bát nhã ba la mật":
- Các vị thiện tri thức, Ma ha Bát nhã ba la mật là tiếng Ấn Ðộ, tiếng Ðường[xxix][29] dịch là Ðại trí tuệ đáo bỉ ngạn[xxx][30]. Học tập Phật pháp, phải chân thực buông xả sự trói buộc thế gian, nhìn thấu sự vật mới được, không phải chỉ là dùng miệng tụng niệm mà thôi. Nếu chỉ dùng miệng tụng, mà không đem trí tuệ Bát nhã ra tu hành, thì vẫn còn là kẻ đầy dẫy những vọng tưởng vô minh. Nếu học Phật như thế, chắc chắn là sẽ không đem đến hiệu quả nào hết. Cũng giống như sương mai buổi sớm, điện xẹt ngang trời, chỉ xuất hiện hoặc có mặt trong chốc lát rồi biến mất không còn gì. Trái lại, nếu miệng và tâm có thể hợp nhất, trong ngoài đều nhất trí thực hành, nếu như vậy thì có thể thấy được tự tính. Tự tính tức là Ðức Phật chân thực của mình. Nếu rời bỏ tự tính thì cũng chẳng có Phật. Ðức Phật có nói rằng ai ai cũng có thể thành Phật. Chỉ cần các vị "tu hành tự tính", đem luồng sáng của trí tuệ quay lại chiếu rọi chính mình, quay lại tìm cầu chính mình, không nên đi tìm Phật pháp ở ngoài tâm mình. Nếu được như vậy chắc chắn sẽ thành Phật.
Chữ "Ma ha" có nghĩa là gì? Ma ha dịch là đại (lớn). Ðiều nầy muốn nói là tâm mình phải nên rộng lớn như hư không, không có giới hạn, không có sự khác biệt về kích thước, hình dạng, màu sắc, mà cũng không nên phân biệt trên dưới, ngắn dài, cũng không có sự vui sướng hoặc giận dữ, cũng không có sự phân biệt thị phi, thiện ác, đầu đuôi, ... Cõi nước của chư Phật cũng rộng lớn như hư không. Cái diệu tính mà chúng ta vốn có cũng là không, xưa nay chưa từng được pháp nào hết. Cho nên nói:
Tự tính như hư không
Chân, vọng đều ở trong
Thấy rõ tự tính mình
Tất cả đều sẽ thông.
Tự tính chân không chính là như vậy.
Thế nhưng, cũng nên nói rõ, các vị ở đây nghe tôi giảng về Không, không nên chấp trước vào cái "không". Ðiều quan trọng nhất là không nên chấp trước vào cái "không"! Nếu như việc gì cũng không nghĩ đến, đem tất cả mọi vật trừ khiển làm cho không, tâm không mà thân cũng không. Ðem cái quan niệm mọi vật đều không như vậy, mà tu tập thiền định mong đạt được kết quả, thì cũng chỉ được một loại "vô ký không" mà thôi. Kẻ lạc vào vô ký không nầy, bên ngoài thì có vẻ như đoạn hết trần duyên vọng tưởng, kỳ thực vẫn chưa thấy được chân tâm, mà vẫn còn ở trong trạng thái u mê. Tuy là người đang sống, mà chẳng khác gì đã chết, việc gì cũng chẳng biết.
Các vị thiện tri thức, hãy nhìn thế giới mà chúng ta đang sống, vạn vật bao la, như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, núi, sông, đất, người lành, người dữ, ..., không có vật nào mà không ở trong hư không. Hư không cũng không nói: "Ông là người ác, tôi sẽ đuổi ông đi mau ra khỏi hư không, ông là người lành, tôi sẽ mời ông đi mau vào hư không". Hư không không biết phân biệt như vậy. Còn tự tính chúng ta thì sao? Cũng giống như hư không, bao hàm chứa đựng tất cả vạn vật.
Các vị thiện tri thức, như tôi vừa nói qua, các vị nên hiểu rõ tự tính vô cùng to lớn của mình bao hàm tất cả các pháp. Tất cả các pháp đều do tự tính mình sinh ra. Nếu như có kẻ giác ngộ được ánh sáng tự tính nầy, kẻ đó khi thấy người khác có những hành vi hoặc thiện, hoặc ác, hoặc tốt, hoặc xấu, kẻ đó không còn sinh ra ý tưởng ưa thích hoặc chán ghét, trong tâm không còn chấp trước. Tâm kẻ ấy cũng giống như hư không rộng lớn, đây gọi là đại (lớn), cũng tức là ý nghĩa chân thực của Ma ha.
Các vị thiện tri thức, người trí tuệ học Phật, thường thành thực với lòng mình, thực tiển tu hành, còn kẻ mê vọng lại chỉ nói lý thuyết, chỉ thích giảng nói toàn ba mớ "khẩu đầu thiền"[xxxi][31] mà thôi. Lại còn một loại người mê chấp, ngồi thiền với cái quan niệm tất cả đều là không, cho rằng việc gì cũng không nên nghĩ đến, việc gì cũng không nên làm, và cho rằng đây là sự chứng đạo, khai ngộ. Ðối với hạng người nầy, không nên nói Pháp cho họ. Vì sao? Vì bọn họ đã chấp trước vào cái gọi là "ngoan không"[xxxii][32] và vô ký không. Ðây là bọn tà tri tà kiến, chứ không phải chính tri chính kiến.
Lục tổ lại nói:
- Các vị đều là người trí tuệ, nên biết rằng tâm lượng của chúng ta rộng lớn bao trùm cả pháp giới nầy. Các vị có thể hiểu rõ cảnh giới của Phật pháp rộng lớn bao trùm tất cả. Một khi chân tâm phát sinh tác dụng, chúng ta có thể thấy rõ tất cả mọi vật trên thế gian nầy, giống như tấm gương lớn soi sáng vạn vật. Vật đến tức ảnh hiện trên gương, vật đi tức trong gương trống rỗng. Ðối với mặt gương, vạn vật đi lại tự do mà không có chướng ngại. Lại giống như mặt trăng trên trời, mặt trăng tuy chỉ là một, song nó sẽ chiếu đến bất cứ mặt nước nào, dù là mặt biển, mặt ao, mặt sông, mặt hồ. Mỗi nơi đều hiện ảnh của mặt trăng, cho nên số mặt trăng hiện trên mặt nước là vô lượng. Ðây không phải là ý nghĩa "một là tất cả, tất cả là một" hay sao? Nếu có thể nhận rõ tự tính mình, thì có thể tự do tự tại đối với tất cả sự vật, mà không bị chúng làm trở ngại. Ðây chính là trí tuệ Bát nhã.
Tất cả trí tuệ Bát nhã đều từ bản tính sinh ra, mà không phải từ sự vật bên ngoài. Do đó, chớ nên dụng tâm sai lầm, tìm cầu nơi sự vật ở ngoài tâm mình, như vậy mới gọi là người khéo dùng cái chân tâm của mình. Nếu mà dụng tâm đúng, thì tất cả mọi sự vật đều chân thực. Sự to lớn của cái tâm nầy, không phải là kẻ có trí khôn vặt, hoặc bọn bàng môn tả đạo[xxxiii][33] có thể hiểu rõ được. Tuyệt đối không nên chỉ có miệng nói "Phật tính hư không", nhưng trong tâm lại không theo lời dạy mà tu hành. Ðiều nầy cũng giống như người dân quèn mà tự xưng mình là vua, rốt cuộc cũng chẳng thực hiện được sự mơ ước hão huyền đó.
Nầy các vị, ý nghĩa rốt ráo của Bát nhã là gì? Bát nhã là tiếng Ấn Ðộ, tiếng Tàu gọi là diệu trí tuệ. Nếu có người, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, mỗi ý niệm đều minh bạch rõ ràng, không có mê muội vô minh, dùng trí tuệ xử lý tất cả mọi sự, đây gọi là người tu hạnh Bát nhã. Nếu như có một niệm vô minh sinh khởi, thì cái trí tuệ đó liền tiêu mất. Nói tiêu mất cũng chỉ là tỉ dụ, chứ không phải là cái trí tuệ chân thực hoàn toàn đoạn tuyệt. Bởi vì trí tuệ chân thực không sinh không diệt, làm sao mà tiêu mất được! Ðây chỉ có nghĩa là lúc đang ngu si thì Bát nhã không hiển hiện được, phải đợi đến hết ngu si thì trí tuệ mới hiện trở lại. Người đời vì ngu si mê muội thành thử không có cách nào biết được sự tồn tại của Bát nhã. Bọn họ thường thường miệng nói trí tuệ Bát nhã, trái lại trong tâm chấp trước những việc ngu mê, vậy mà vẫn tự cho là mình đang tu hạnh Bát nhã! Bát nhã không có hình tướng. Nếu trí tuệ phát sinh mà không còn vô minh thì gọi là Bát nhã. Khi hiểu rõ như vậy thì gọi là trí tuệ Bát nhã.
Còn Ba la mật có nghĩa gì? Ðây là tiếng Ấn Ðộ, có nghĩa là đến bờ bên kia. Nếu nói rõ hơn, có nghĩa là đã rời sự khổ đau sinh diệt, giải thoát sinh tử luân hồi. Bờ bên kia là gì? Nếu chúng ta đem phiền não ra tỉ dụ với biển lớn, thì bờ bên nầy tức là sinh tử, còn bờ bên kia tức là Niết Bàn. Chúng ta tại sao vẫn ở chỗ nầy chịu khổ não sinh tử luân hồi? Bởi vì chúng ta vẫn còn vọng niệm phiền não. Nếu chúng ta khởi tâm chấp trước mọi việc trên đời, thì chúng ta sẽ sinh khởi đủ thứ vọng niệm. Những vọng niệm nầy giống như gió lớn, làm cho mặt nước xưa nay vốn yên lặng, bỗng nhiên nổi lên từng đợt sóng to. Những đợt sóng trồi ngụp nầy tức là phiền não không ngừng sinh diệt, làm cho chúng ta bị khốn khổ. Thế nhưng, ngược lại nếu chúng ta có thể buông bỏ sự chấp trước, thì những cơn sóng phiền não nầy sẽ không còn sinh khởi nữa. Lúc đó mặt nước sẽ phẳng lặng trở lại, và chúng ta có thể đến bờ bên kia mà không bị trở ngại.
Các vị thiện tri thức, kẻ mê muội không giác ngộ, tuy miệng thì nói chuyện Phật pháp, thế nhưng trong tâm lại đầy dẫy vọng tưởng. Nếu học Phật như vậy, chắc chắn là không được gì hết. Chỉ có kẻ nào niệm niệm đều y theo trí tuệ Bát nhã mà thực hành, không làm điều ngu si, mới có thể y theo chân tính mình mà tu hành. Nếu hiểu rõ điều này, tức là hiểu rõ ý nghĩa của Bát nhã. Nếu không theo đây mà tu, thì gọi là kẻ phàm phu; y theo đây tu hành, tự thân sẽ thành Phật.
Lục tổ lại nói:
- Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ Ðề. Phật là từ địa vị phàm phu, tu tập hạnh Bát nhã mà thành Phật. Phàm phu chúng ta nhân vì một niệm ngu si, không biết tu tập pháp Bát nhã, không biết thực hành hạnh Bát nhã, cho nên bị tình dục trói buộc mà trở thành phàm phu. Còn nếu chúng ta biết rõ điều này, sau khi đã giác ngộ, chúng ta sẽ giống như Phật; cho nên nói phàm phu tức là Phật. Phiền não cũng như vậy. Nếu như chúng ta khởi một niệm chấp trước vào sự vật, ngay lúc đó sẽ sinh ra biết bao nhiêu phiền não. Nếu mà có thể buông bỏ được niệm chấp trước nầy, thì phiền não sẽ không sinh ra; do đó nói phiền não tức Bồ Ðề. Tức là phải xem cái tâm chúng ta chuyển biến như thế nào!
Các vị thiện tri thức! Ðiều mà tôi giảng vừa rồi tức là Ma ha Bát nhã ba la mật, là pháp tôn quí nhất, cao thượng nhất, đệ nhất trong Phật pháp. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều từ đây mà sinh ra. Các vị nếu muốn học tập, phải dùng đại trí tuệ phá trừ năm uẩn phiền não trần lao, làm cho ba độc tham sân si biến thành giới định tuệ. Tu hành như thế nhất định sẽ thành Phật.
Các vị thiện tri thức! Pháp môn nầy là từ một Bát nhã sinh ra tám vạn bốn ngàn trí tuệ. Vì sao? Bởi vì người thế gian có tám vạn bốn ngàn phiền não khác nhau. Nếu người thế gian không có phiền não, thì lúc nào cũng sẽ tự nhiên phát hiện tự tính trí tuệ của mình, mỗi niệm đều không rời tự tính Bồ đề của mình. Người nào hiểu rõ pháp môn nầy, sẽ không còn sinh khởi vọng niệm. Nếu tâm không còn so đo chấp trước, không sinh khởi vọng niệm, tùy theo hoàn cảnh ứng dụng tự tính chân như của mình, dùng trí tuệ quán chiếu tất cả, đối với tất cả các pháp, dù sắc hay tâm, đều không tham luyến cũng không nhàm ghét; đây gọi là thấy được tự tính mà thành Phật.
Các vị thiện tri thức! Kẻ nào muốn tiến vào nhất chân pháp giới[xxxiv][34], cùng Bát nhã chính định[xxxv][35], nhất định phải tu hạnh Bát nhã. Ðọc tụng kinh Kim Cương Bát nhã Ba La Mật, tức có thể thấy rõ tự tính mình. Phải nên biết rằng công đức của kinh Kim Cương là vô lượng vô biên. Ðiều này, trong kinh đã nói rõ ràng, ở đây không thể nói hết được. Pháp môn nầy là giáo pháp tối thượng thừa, chuyên vì người đại trí tuệ mà nói, vì người căn tính thượng đẳng mà nói. Kẻ nào căn tính trí tuệ thấp kém, nghe pháp môn nầy sẽ nghi ngờ không tin. Vì sao? Ví như trời mưa trên cõi Diêm Phù Ðề, thành thị, làng xóm đều bị chìm ngập cuốn trôi trong giòng nước lũ, giống như cọng cỏ, lá cây. Thế nhưng, nếu trời mưa xuống biển lớn, thì nước biển sẽ không có sự tăng giảm. Cũng như vậy, những kẻ có căn tính Ðại thừa, hoặc tối thượng thừa, nghe kinh Kim cương Bát nhã ba la mật, liền có thể khai ngộ, và nhân đây biết rõ tự tính mình vốn có sẵn trí tuệ Bát nhã. Ðây là do thường dùng trí tuệ Bát nhã quán chiếu sự vật, chứ không phải do sự dùi mài chữ nghĩa mà hiểu được. Cũng giống như nước mưa từ trên trời rơi xuống, không phải không có nguyên nhân, mà là do trời, rồng làm ra, làm cho tất cả chúng sinh, tất cả cây cỏ, hữu tình vô tình, đều nhờ vào nước mà sinh trưởng, phồn thịnh. Trăm ngàn giòng nước, đều chảy vào trong biển lớn, nhập thành một thể. Bổn tính trí tuệ Bát nhã của chúng sinh cũng giống như thế.
Các vị thiện tri thức! Người căn tính hạ liệt giống như cây cỏ nhỏ. Cây cỏ nhỏ một khi gặp cơn mưa lớn, đều bị gãy ngã, không còn có thể tiếp tục sinh trưởng. Người căn tính hạ liệt nghe pháp môn lớn nầy cũng giống như vậy. Thực ra, người căn tính hạ liệt cũng vốn có đủ trí tuệ Bát nhã giống như người đại trí tuệ, không có gì khác biệt. Nếu vậy, tại sao họ nghe pháp lớn mà không thể khai ngộ? Ðiều này là do sự chấp trước tà kiến của họ quá sâu nặng, phiền não tập khí đầy dẫy. Giống như mây đen che mặt trời, nếu mây không bị gió thổi tan, thì ánh sáng mặt trời sẽ không soi sáng được mặt đất. Trí tuệ Bát nhã, xưa nay vốn đủ, không có phân biệt nhỏ lớn; chỉ vì chúng sinh mê, ngộ khác nhau, mà đưa đến trí tuệ khác biệt. Nếu mê muội bổn tâm, sinh khởi tà kiến, chỉ tu hành bề ngoài, bỏ tâm mình mà tìm Phật, thì rốt cuộc cũng không thấy được tự tính của mình, đây gọi là kẻ căn tính hạ liệt. Còn nếu như hiểu rõ pháp môn đốn giáo này, không chấp trước vào sự tu hành bề ngoài, mà chỉ trong tâm giữ gìn chính kiến, tất cả phiền não trần lao không làm mình nhiễm ô, đây gọi là kẻ khai ngộ, thấy được tự tính.
Các vị thiện tri thức! Ðối với cảnh giới trong tâm ngoài tâm phải đều không một chút chấp trước, đi lại tự do trong sinh tử. Nếu có thể trừ khiển tâm chấp trước của mình, thì có thể thông đạt lý vô ngã, không còn sự chướng ngại. Nếu có thể tu hạnh Bát nhã như vậy, tức là không còn gì khác biệt với những điều mà kinh Bát Nhã đã nói.
Các vị thiện tri thức! Tất cả kinh điển cùng văn tự giáo pháp Ðại thừa, Tiểu thừa, mười hai phần giáo[xxxvi][36], đều là tùy theo căn cơ chúng sinh cao thấp khác nhau mà thiết lập. Nhân vì căn tính chúng sinh có thắng, có liệt, thành thử Phật mới giảng nói những kinh điển này. Nếu như không có người thế gian, thì cũng không có tất cả mọi vật. Cho nên phải biết tất cả các pháp đều từ người thế gian mà sinh ra, tất cả kinh điển đều vì người thế gian mà giảng nói. Bởi vì trí tuệ của người đời khác biệt, cho nên mới có kẻ ngu người trí, kẻ ngu si gọi là tiểu nhân, người trí tuệ gọi là đại nhân. Người ngu hỏi pháp nơi người trí, người trí giảng pháp cho người ngu. Nếu người ngu thốt nhiên tỏ ngộ, tâm địa sáng suốt, thì lúc đó sẽ không còn khác biệt với người trí nữa.
Các vị thiện tri thức! Lúc chưa giác ngộ, Phật cũng là chúng sinh, một niệm giác ngộ, chúng sinh cũng là Phật. Cho nên biết là vạn pháp ở trong tự tâm của mình. Nếu vậy, tại sao không từ tự tâm của mình mà trực tiếp thấy rõ chân như tự tính. Kinh Bồ Tát Giới[xxxvii][37] nói: "Cội gốc của giới tức là tự tính thanh tịnh không nhiễm ô". Nếu có thể biết rõ tự tâm, thấy rõ tự tính, đều có thể thành Phật đạo. Kinh Duy Ma Cật nói: "Ngay lúc đó bỗng nhiên sáng suốt, quay nhìn bổn tâm của mình". Nghĩa là thấy rõ bổn tâm của mình tức là chân Phật.
Các vị thiện tri thức! Tôi ở nơi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, chỉ nghe ngài thuyết pháp một lần, liền được khai ngộ, ngay lúc đó thấu được chân như bổn tính. Vì thế mới đem pháp môn đốn giáo nầy lưu truyền rộng rãi, làm cho kẻ học đạo cũng có thể tức khắc ngộ được Bồ đề. Mỗi người tự quán chiếu bản tâm mình, thấy được lý tính vốn có của mình. Nếu như tự mình không thể khai ngộ, thì cần phải tìm các vị thiện tri thức khác, nghĩa là những kẻ thấu hiểu pháp Tối thượng thừa, để họ trực tiếp chỉ dẫn đường chính cho mình. Vị thiện tri thức nầy là một đại sự nhân duyên[xxxviii][38], nghĩa là dạy dỗ, chỉ dẫn làm cho chúng sinh thấy được tự tính, vì thế tất cả thiện pháp sinh ra đều là nhờ vào thiện tri thức.
Bích Ngọc (Tuvien.com)