Hiếm có người nhạc sĩ nào vừa sáng tác nhạc hay mà còn trình bày nhạc khúc của mình một cách trọn vẹn đặc sắc. Bởi là con người, ít ai hoàn hảo, vẹn toàn đươc.
Inala, 14-11-2011.
(Đặc biệt cảm ơn sâu sắc nhạc sĩ Phạm Cao Tùng, đã trao tặng CD và những nhạc phẩm tuyệt vời của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Từ Công Phụng)
Hiếm có người nhạc sĩ nào vừa sáng tác nhạc hay mà còn trình bày nhạc khúc của mình một cách trọn vẹn đặc sắc. Bởi là con người, ít ai hoàn hảo, vẹn toàn được. Làm nhạc hay chưa chắc có giọng hát hay và ngược lại.
Nhưng ở Từ Công Phụng, ông là con người khác thường. Vừa sáng tác nhạc hay lại vừa có giọng ca thiên phú, truyền cảm đặc biệt. Tiếng hát của ông có khi cao vút giữa trời đất bao la, có khi hạ thấp xuống trần gian vừa ưu phiền hệ luỵ, vừa hạnh phúc thiết tha, như chính cuộc đời của ông.
Xem lại những bản tình ca Từ Công Phụng, ta sẽ thấy những khổ đau cuộc đời, những khắc khoải của kiếp người, những nước mắt của xót xa khổ nhọc cứ âm ỉ chảy dài. Không biết ngoài đời ông có khóc nhiều như trong những nhạc khúc này hay không? Hay vì người nhạc sĩ muốn mượn nước mắt của chính mình, làm nền cho âm nhạc, làm hoà âm đầu tiên cho tiếng hát sâu lắng của mình, trước khi xẻ chia với mọi người?
Trong sáng tác, ông khóc nhiều. Nước mắt của người nhạc sĩ, có khi hoàn toàn giống hệt thân phận làm người, nhưng có lúc cũng rất xa lạ với kiếp sống nhân sinh. Ông đã sống trong thế giới phiêu bồng, thong dong trong cõi thiêng liêng cao thượng. Do vậy, Từ Công Phụng không phải chỉ khóc vì khổ đau mà vì hạnh phúc, không phải khóc vì oán hờn mà vì ban trao tình thương chân thiết và triết lý sống cho cuộc đời.
Nói đến dòng nhạc trữ tình Từ Công Phụng, trước nhất phải nói đến sản phẩm trí tuệ cá biệt của chính bản thân ông. Phải có những đêm dài suy tư, phải trải qua năm tháng miệt mài vừa học hỏi, vừa trải nghiệm, nhạc của ông mới đủ đầy cả hai phần hình thức và nội dung, chất lượng và số lượng.
Nếu bỏ qua những tầng âm thanh có khi trầm hùng cao ngất, có lúc nhẹ nhàng du dương, nhưng không thiếu tố chất lãng mạn trử tình, nhạc của Từ Công Phụng lúc nào cũng chiếu soi, phản ánh những ước mơ, những rung cảm trong đời sống, trong hôn nhân, trong tình yêu lứa đôi và trong tình yêu con người. Bởi vì, người nhạc sĩ đã từng đau khổ, từng khắc khoải, từng chờ mong, và từng hạnh phúc giữa cuộc đời này!
Theo cách nhìn của cá nhân tôi, ở mức độ nào đó, nhạc của Từ Công Phụng có thể phần nào hiển bày bản lai diện mục của chính mình và kiếp sống nhân gian. Bởi vì, nhịp đập con tim của người nhạc sĩ cũng chính là hơi thở trong mỗi trái tim của chúng ta. Có khi trầm lắng dịu dàng, có khi vui buồn lẫn lộn, có khi hân hoan hạnh phúc, có khi tuyệt vọng tức tưởi, có khi thác loạn đổ nát, có khi tĩnh tâm xây dựng, có khi ích kỷ hẹp hòi, có khi vị tha thương yêu.
Mặt trái, mặt phải, tầng cao tầng thấp của tâm lý con người, những suy nghĩ đắn đo của tình yêu đôi lứa, những ước vọng cao siêu của tình yêu nhân loại đã được người nhạc sĩ tài ba khám phá, khai hoá, chuyển tải thành những âm ba, những nhạc khúc đủ đầy ý nghĩa.
Hơn thế nữa, nếu có dịp lắng nghe từng nhạc phẩm trong những Tuyển Tập 12 Tình Khúc Từ Công Phụng, ta sẽ dễ cảm nhận tâm hồn người nhạc sĩ có lúc xác xơ tan tác, có khi hạnh lạc muôn trùng. Giống như cuộc đời ông đã từng bị ngọn lửa yêu đương đốt cháy, từng bị ngọn gió ái tình quật ngã, từng bị nước lũ gian nan đẩy đưa đến chốn khốn cùng.
Nhưng, nhìn từ khía cạnh thực tế tích cực, có lẽ nhờ những tháng ngày lang thang, khắc khoải, lo âu, phiền muộn, mỏi mệt, nghiệt ngã như thế, ông đã để lại cho đời những bản tình ca tuyệt vời, những nhạc khúc du dương lãng mạn, và giọng hát vừa trầm buồn vừa ngọt ngào, đã khắc sâu vào lòng người khắp nơi:
.......Thân mang kiếp dã tràng; đem đời se tơ duyên trên bãi cát vàng hão huyền; chợt nghe lớp sóng xô lên đời mình niềm cay đắng..... (Kiếp Dã Tràng)
Không biết trước đó, Từ Công Phụng đã từng giác ngộ, nhận ra cuộc đời vô thường hư ảo, tấm thân này như kiếp dã tràng hay không. Hay phải đợi đến năm 1968, tại thành phố biển Nha Trang thơ mộng, ông mới nhận ra điều này?
Biết và hiểu được thân mang kiếp dã tràng, không phải để buồn chán, không phải để tuyệt vọng, không phải để sống thác loạn buông lung. Chính ngay lúc này, phải tỉnh tại sâu lắng, phải ngập tràn sức sống, phải tiếp tục hiến dâng những sáng tác tươi đẹp cho đời.
Cuộc sống vốn dĩ đi tới. Thời gian không bao giờ dừng lại. Trong cuộc lữ hành vô hạn, không có cuộc hành trình nào không mang dáng dấp đắng cay, khắc nghiệt. Nhưng, người nhạc sĩ đã mạnh dạn gác bỏ tất cả để lên đường, tự quyết định cuộc đời mình.
Ông đã bỏ nơi sinh quán của mình, bỏ Mẹ-Cha họ tộc gia đình và những người thân thương, để chỉ yêu duy nhất có một người. Nhưng rồi, trong vô tình hay có sự an bày, trái tim yêu đương đã một lần chuốc lấy trăm điều phiền muộn. Ông thao thức không nguôi, nhưng không hận đời, hận tình, mà sáng suốt nhẹ nhàng một mình tự nhắn nhủ, tự van xin trái tim mình và người trong cuộc:
....Xin yêu nhau như tuổi ngây thơ; thôi đừng lừa dối nhau làm gì; thôi đừng tìm nhau nữa mà chi; đường vào ngày mai sỏi đá; thôi em về quên hết đi ngày xưa (Lời Cuối)
Có phải đây là lời cuối của dòng nhạc Từ Công Phụng? Chắc chắn là không! Bởi vì, sau nỗi đớn đau đó, người ta cứ tưởng ông không còn sáng tác, không còn hát ca nữa. Nhưng kỳ thật, nỗi đớn đau nào rồi cũng nguôi ngoai. Từ Công Phụng vẫn phải tự mình đứng lên, tự mình thầm thì, tự mình tiếp tục trải nghiệm cuộc sống nhiệm mầu bằng tiếng hát lời ca.
Mặt khác, trong tận cội rễ lòng mình, ai chẳng muốn yêu nhau như tuổi ngây thơ đầy mơ mộng, ai không muốn quên hết mọi chuyện khổ đau cuộc đời? Nhưng có được đâu! Càng nói quên lại càng nhớ thêm, để rồi tiếp tục đi vào con đường sỏi đá trăm năm.
Ngày tháng lụn dần, nổi khổ đau thi thoảng biến dạn, niềm hạnh phúc an lạc có cơ may lớn dần. Những nỗi ước mong của cuộc đời Từ Công Phụng tiếp tục theo gót chân phiêu lãng. Cuộc sống của người nhạc sĩ tài ba đa tình đôi khi biến thành những giọt nước mắt. Không phải chỉ bây giờ, mà có thể đến tận ngàn sau. Nước mắt của người nhạc sĩ tuyệt đối không bi luỵ yếu hèn, không tuyệt vọng tắt nghẻn, mà là một tấm chân tình, một vấn vương, một lời tạ lỗi, hay một dũng khí của nam nhi:
.....Một mai khi xa nhau; người cho tôi tạ lỗi; Lệ rơi trên tim tôi; Lệ rơi trên đôi môi; yêu nhau một thời; xa nhau một đời; Lệ này em sẽ khóc ngàn sau; Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi (Giọt Lệ Cho Ngàn Sau)
Nước mắt của Từ Công Phụng không long lanh như nước mắt phụ nữ, không thu hồn như bao phái đẹp, và không là giọt lệ không mùi vị của những chính trị gia chuyên nghiệp. Nước mắt của Từ Công Phụng là những giọt lệ của niềm ước mơ, là những lời tạ từ trong tận cõi lòng, là những lời tri ân chân khiết, bùng vở như một lời hứa hẹn son sắt với chính mình. Lời hẹn ước không phải chỉ cho kiếp này, mà mãi tận kiếp sau. Lời hẹn ước gói gọn niềm tin mãnh liệt, trộn lẫn nỗi khắc khoải trầm tư, nhưng phủ đầy thiết tha thánh thiện:
.....Ơn em hôm sớm ngậm ngùi; kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.... (Giữ Đời Cho Nhau)
Giữ Đời Cho Nhau như nỗi niềm tri ân thống thiết. Tri ân những con người đã đồng hành, đã xẻ chia đắng cay khổ cực suốt cuộc lữ mênh mông. Nỗi niềm cô lữ luôn cào xé tâm hồn người nhạc sĩ.
Ôi trái tim của người phụ nữ, là tấm lòng hy sinh quảng đại, là sinh thể nuôi lớn cuộc đời, là bài ca thánh thiện, là tiếng hát ngọt ngào giữa đêm khuya tịch lắng, là nơi chốn an bình giữa khói lửa binh đao. Do vậy, đừng để cho ai đau buồn, đừng để ai sầu thảm, đừng để những giọt lệ ngấn chảy trên đôi mi. Bởi vì, em chính là tôi và tôi cũng chính là em.
......Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn; và lệ em ngấn trên mi nhạt; đôi mắt em rất buồn; đôi chúng ta rất buồn..... (Mắt Lệ Cho Người)
Trong một khoảnh khắc vô thường phai tàn, Từ Công Phụng đã viết lên một thông điệp-thông điệp yêu thương đại đồng. Đôi mắt em buồn cũng chính là đôi mắt chúng ta rất buồn. Nói rộng hơn, cuộc sống và thế giới này không còn đơn độc lẽ loi nữa, mà của nhau và luôn có nhau.
Thương yêu kính quý mọi người, cũng chính là tôn trọng quý kính chính mình. Yêu thương cuộc đời vô hạn cũng chính là trân trọng những giá trị hằng hữu bất biến trong tôi, trong em và trong tất cả mọi người.
Trong nỗi khổ đau cực cùng và nước mắt ràn rụa, Từ Công Phụng vẫn không quên cuộc đời, không quên trách vụ thiêng liêng của một đoá hoa kỳ bí. Ông sẽ phải khóc đến khi nước mắt lưng tròng. Hình như nước mắt của ông thay lời tâm sự và những giọt lệ buồn sẽ tạo thành những bản tình ca bất diệt.
Có lẽ, trên tháng ngày đã qua, người nhạc sĩ đã chọn cuộc lữ đau thương để đối mặt với tử sinh. Ông cương quyết giữ mãi trong lòng tình yêu chân thiết để hát lên cho đời sống vơi đi niềm đau, hát lên cho đời ánh sáng xoá mờ ngục tù tối tăm:
......Thôi còn ngấn lệ này; với một chút nhạc buồn; hát lên cho đời sống vơi đi niềm đớn đau... (Trên Tháng Ngày Đã Qua)
Tóm lại, hơn 50 năm, trải qua biết bao biến đổi thăng trầm, lớp lớp người ra đi, biết bao người hiện hữu, nhưng những người dân Việt khắp nơi vẫn còn yêu quí ngưỡng mộ, vẫn còn đam mê không ngớt, vẫn còn lắng nghe dòng nhạc trữ tình, lãng mạn riêng biệt của Từ Công Phụng.
Về cá nhân mình, ông vẫn không ngừng sáng tác. Chất lượng của từng nhạc khúc thật tuyệt vời, ăn sâu vào lòng người, nằm gọn trong trái tim của khách yêu nhạc. Vì vậy, theo sự hiểu biết của cá nhân tôi, người nhạc sĩ tài ba này đã ít nhiều góp phần trong vườn hoa âm nhạc dân tộc thêm đậm sắc hương, đã để lại cho đời những bản tình ca bất hủ!
Hơn 50 năm giữa cuộc đời, người nhạc sĩ tài ba này, ít nhiều gì cũng đã chiêm nghiệm, trải nghiệm mọi giá trị cuộc sống. Để rồi, tự mình sàn lọc, chắc lọc thành những ca từ mỹ miều duyên dáng, tuyệt đẹp! Tất cả hoàn toàn nhờ vào sức mạnh sáng tác, khả năng trải nghiệm, và cả kinh nghiệm tâm linh.
Chính sức mạnh sáng tác, khả năng làm việc không dừng nghỉ này, đã un đúc, trui rèn người nhạc sĩ trở thành một nhân tài. Những sáng tác của ông, đã và sẽ góp phần làm giàu cho kho tàng âm nhạc dân tộc.
Trong những tác phẩm của mình, người nhạc sĩ đã khắc hoạ một hình ảnh ưu việt nhất. Nơi giọng hát của mình, Từ Công Phụng luôn giữ phong cách trình bày độc đáo riêng biệt, khó có ai giống được. Do lòng đam mê và không ngừng sáng tác, người nhạc sĩ kiêm ca sĩ này sẽ không để cho dòng thời gian tàn phá những tình khúc và tiếng hát của mình.
Do vậy, có thể nói, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ tài danh và thành công của Việt nam. Đứng trước cuộc sống mỏng manh, đứng trước tình yêu cay đắng, đứng trước khổ đau nghiệt ngã, Từ Công Phụng vẫn để lại cho đời những bản tình ca ngọt ngào sâu lắng, những giá trị cuộc sống vĩnh hằng. Bởi vì, ông làm nhạc giống như viết thơ và làm thơ giống như sáng tác nhạc, đã tạo thành những ca khúc trữ tình bất hủ.
Cuối cùng, có lẽ chính âm nhạc là người thầy đã vén mở, tác tạo cho ông nỗi đam mê sâu sắc, đã giúp ông vượt thoát những lớp bụi khô cằn, những gian khổ khó khăn của kiếp người.
Ông làm nhạc tự nhiên như hơi thở. Ông trình bày, hát ca bằng khối óc và con tim. Do vậy, như một chân lý muôn đời, người nhạc sĩ luôn là người hy hiến, và người ca sĩ vẫn mãi trong lòng giới hâm mộ!
Không phải ai cũng có thể thưởng thức trọn vẹn dòng nhạc Từ Công Phụng. Không phải ai cũng có thể diễn đạt thâm sâu những bản tình ca của người nhạc sĩ, nếu không có một con tim đồng điệu, một tâm thức nhạy cảm cao vời!!!
T.K.Thiện Hữu
Bích Ngọc (Tuvien.com)