Tuyển tập 10 bài Số 132 - thơ Mặc Giang (Từ bài số 1311 đến số 1320)
2. Trường Ca Pháp Hoa 11 3. Trường Ca Pháp Hoa 12 4. Trường Ca Pháp Hoa 13 5. Trường Ca Pháp Hoa 14 7. Trường Ca Pháp Hoa 16 8. Trường Ca Pháp Hoa 17 9. Trường Ca Pháp Hoa 18 10. Trường Ca Pháp Hoa 19
1. Trường Ca Pháp Hoa 10
(Phẩm Pháp Sư, thứ 10)
Pháp Sư khi nói pháp
Phải vào nhà Như Lai
Mặc chiếc áo Như Lai
Ngồi pháp tọa Như Lai
Nhà Như Lai, là đức từ bi
Áo Như Lai, là áo nhẫn nhục
Tòa Như Lai, là vô vị vô cầu
Tri kiến Phật, biển tuệ thâm sâu
Đâu phải đèn dầu, hay đom đóm nhỏ
Anh muốn có Phật tuệ
Chị muốn thấy Phật thân
Em muốn đón Phật thừa
Nhờ Pháp Hoa Hải Hội
Đỉnh Linh Sơn, diệu âm vượt ba cõi
Núi Linh Thứu, Pháp Phật vượt phương ngàn
Mỗi chúng sanh, đều là Phật sẽ thành
Bởi đều có thường chơn, chân thật tánh
Pháp Hoa, ai nói ra một tiếng
Pháp Hoa, ai lắng nghe một câu
Như dòng sông bắc nhịp cầu kiều
Đi đi khắp trường giang đại hải
Đầu ghềnh quan ải
Cuối ngõ thênh thang
Gieo rắt đạo vàng
Đài sen thơm ngát
Thần tiên cỡi hạc
Tứ Thánh đường về
Một bước Tào Khê
Hoa Nghiêm pháp giới.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Hiện Bảo Tháp, thứ 11)
Phật Đa Bảo, đã nhập Niết bàn vô lượng kiếp
Nghe Pháp Hoa, Ngài cũng hiện Pháp thân
Bảo Tháp kia, phương tiện nói, ân cần
Pháp thân Phật, vốn bất sanh bất diệt
Phật pháp thân, luôn thường hằng chân thật
Thể như thế, tánh như thế, biết không
Tướng như thế, dụng như thế tương đồng
Ta ca hát trên dòng sông bất nhị
Bên nầy sông, thuyền ai chờ ai đợi
Bên kia sông, bến cũ đợi con đò
Khách lên thuyền, xin cứ bước lên cho
Ta đưa khách đi về sông bến cũ
Xin đảnh lễ Đấng Cha Lành Điều Ngự
Xin chân thành xưng tán Đức Pháp vương
Chúng con đi trên con thuyền thanh lương
Thuyền bát nhã, đưa người qua biển khổ
Phật Đa Bảo, nhường nửa tòa pháp tọa
Cùng nhau ngồi, Đức Giáo chủ Thích Ca
Hai Đức Thế Tôn, chung một mái nhà
Vô lượng vô biên, hằng sa Thánh Chúng
Hiện bảo tháp, là pháp thân bất diệt
Hiện pháp tòa, là thần lực Như Lai
Nói pháp âm, là Pháp Phật không hai
Độ độ tận chúng sanh, nhập Tỳ Lô Tánh Hải.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Đề Bà Đạt Đa, thứ 12)
Đề Bà Đạt Đa, với Thích Ca tuy hai mà một
Thích Ca với Đề Bà Đạt Đa, tuy một mà hai
Kiếp này, có mặt trong đời
Thật ra, đã có muôn đời kiếp xưa
Nói một, chưa trọn biết chưa
Bảo hai, chưa vẹn, rằng thừa đó nghe
Còn kia, Long Nữ nữa hè
Hiện ra chân thật, rằng e quá chừng
Bởi không biết thì đừng có hỏi
Khi biết rồi, còn hỏi nữa chi
Nói sao, nghe lạ rứa hì
Biết không không biết, cái gì biết không
Trong cái dị, có cái đồng, ai biết
Trong cái đồng, có cái dị, ai hay
Nghe không tiếng vỗ bàn tay
Không còn vỗ nữa bàn tay vẫn còn
Mở ra thêm một triện son
Tặng thêm dấu ấn tròn vuông vuông tròn
Đề Bà lên núi tìm non
Thích Ca đứng đợi bên hòn Tào Khê
Đưa thêm Long Nữ trở về
Chúng sanh Phật tánh đề huề Như Lai.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Trì, thứ 13)
Kiều Đàm, Dì mẫu thuở xa xưa
Khi Phật sinh ra, sao thế hè
Hoàng hậu Ma Gia đà khuất bóng
Bà thay thế Mẹ, nuôi con thơ
Gia Du « thiếu phụ » nữa thì sao
Nguyệt lão se tơ khá vụng (về) nào
Thế tử La Hầu vừa có mặt
Đạt Đa đêm tối bỏ hoàng trào
Trần thế phiêu du đâu phải nhà
Vua Cha Tịnh Phạn lại băng hà
Phật về hầu lễ lo tang chế
Rồi Phật cũng đi chẳng xót xa
Thái tử Hầu La cũng xuất gia
Thời gian thấm thoát mộng can qua
Vô thường quán trọ còn chi nữa
Xuất giá xuất gia, xuất thế à
Đàm Di phát nguyện xin đi tu
Phật chẳng nói năng chẳng ậm ừ
Thấy vậy A Nan lòng trắc ẩn
Ba lần thưa thỉnh, Phật im ru
Kiều Đàm hòa nước mắt Gia Du
Phật cảm thương như chiếc lá thu
Ni giới nay cho hòa đại chúng
Đạo mầu nhiệm thể với thiên thu
Nói thêm chút nữa kẻo sanh nghi
Phật với Gia Du chẳng vết tì
Nguyện ước cùng sanh cùng tế độ
Chứ không oan trái nợ thê nhi
Xuất gia xuất thế khó khôn lường
Cắt ái từ thân, cắt tóc luôn
Cắt cả tam đồ và bát nạn
Con thuyền bát nhã thật thanh lương
Đến khi thọ ký, ngóng trông lòng
Long Nữ qua cầu, mình sẽ xong
Phật tánh Phật tâm, tri kiến Phật
Trời xanh mây trắng mãi thong dong
Đức Phật tuyên dương nói một lời
Kiều Đàm, Dì mẫu của ta ơi
Gia Du, Ni trưởng kia cũng thế
Thọ ký cùng nhau ráng cứu đời
Ca hát vạn lời Đức Thích Ca
Đạo mầu chân thật, chính là nhà
Đường về đã biết còn tay chỉ
Ni giới hành trì đẹp thế a.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm An Lạc Hạnh, thứ 14)
Người tu, giới luật tinh nghiêm
Trần sa biến mất, não phiền tiêu tan
Hiểu thông sự lý rõ ràng
Trùng trùng duyên khởi trên đàng ta đi
Thượng hoằng Phật Đạo vô nghì
Hạ hoằng pháp giới từ bi độ đời
"Nơi nào cần chúng ta đến
Nơi nào gọi chúng ta đi
Không quản gian nguy
Không màng khó nhọc"
Dù phải trải đến muôn ngàn gian khổ
Dù hát câu băng vạn lý qua đèo
Đi qua tận cuối xóm nghèo
Đi về tận chốn vùng sâu mưa rừng
Đi qua thôn dã ruộng đồng
Đi về vùng thấp mặn nồng phèn chua
Không vì thành thị gió lùa
Bèo tan mấy độ, bọt xua mấy thời
Đầm lầy nước đọng lở bồi
Sen vàng từ đó đâm chồi trổ bông
Bùn theo nước đổ trôi sông
Gần bùn mà chẳng chút trông mùi bùn
Nơi nào cần chúng ta đến
Nơi nào gọi chúng ta đi
Đó là đạo huyền vi
Đó là đời phụng sự
Không ngã nhân bỉ thử
Bình đẳng tánh Như Lai
Hoa sen kết liên đài
Bảo Thành Vô Thượng Giác.
Tháng 11 – 2009
6. Trường Ca Pháp Hoa 15
(Phẩm Tùng Địa Dõng Xuất, thứ 15)
Kinh Pháp Hoa, là vua của các kinh
Lý Pháp Hoa, là vua của các Pháp
Nên hằng hà sa số Chư Bồ Tát
Khắp mười phương vân tập xin hộ trì
Đức Như Lai, vốn vô lượng từ bi
Thiện nam tử, các ông lo chi rứa
Cõi Ta Bà, ba ngàn thế giới tùng địa
Đất nứt ra, Chư Bồ Tát hóa thân
Kéo nhau trùng trùng, điệp điệp thênh thang
Dùng Phật Nhãn, không làm sao kể xiết
Vô Sư Trí, Vô Sư Trí, diễm tuyệt
Hữu Sư Trí, Hữu Sư Trí, kẹt rồi
Chư Bồ Tát từ phương xa
Không sao thốt nên lời
Chư Bồ Tát cõi Ta Bà
Ấn tâm, ấn tâm địa
Bảo rằng có, kiếm một người không có
Bảo rằng không, pháp giới vốn rỗng không
" Nhìn xem bóng nguyệt dòng sông
Nào hay có có không không là gì "
Nhìn xem vũ trụ li ti
Nhét trong hạt cải, chưa vì là sao
Nhìn xem vũ trụ thấp cao
Chân lông chui tọt, thế nào mà chi
Lành thay Ta Bà Tùng Địa
Lành thay Bồ Tát dũng xuất
Pháp Hoa, diệu pháp bậc nhất
Pháp Hoa, diệu pháp vô nghì
Vô chung vô thỉ mất đi
Nụ hoa hàm tiếu từ bi hiển bày
Hoa Đàm một đóa trên tay
Thong dong tự tại tháng ngày tiêu dao
Cao hơn núi cả Diệu Cao
A Tỳ đâu thấp, ai nào biết chưa ?
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Như Lai Thọ Lượng, thứ 16)
Như Lai Thọ Lượng không cùng
Vô thỉ biến mất, vô chung vẫn còn
Như Lai Thọ Lượng càn khôn
Bao trùm vũ trụ chưa lờn hằng sa
Số nhân, số cộng thua xa
Lũy thừa, cấp số những là thấm sâu
Như Lai Thọ Lượng nhiệm mầu
Ba ngàn thế giới trên đầu chân lông
Như Lai Thọ Lượng vô cùng
Lông rùa sừng thỏ nhét trong mộng đào
Vượt qua đối đãi chiêm bao
Kìa xem trước mặt cây đào trổ bông
Vượt qua vĩ tuyến chắn đường
Xuyên qua kinh tuyến chơn thường trinh nguyên
Vốn không có một con thuyền
Vào ra bốn biển con thuyền tinh anh
Kìa xem chiếc lá lìa cành
Lá non non lá, cây xanh xanh rừng
Kìa xem những cánh đồng vàng
Mạ non non mạ, lúa vàng vàng ươm
Như Lai Thọ Lượng khôn lường
Như Lai Thọ Lượng khôn lường Như Lai.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Phân Biệt Công Đức, thứ 17)
Này A Dật Đa, hãy nghe ta nói
Người trì Kinh Pháp Hoa công đức vô lường
Là pháp vô lậu, trùm khắp mười phương
Còn pháp hữu lậu, vào ra ba cõi
Ví có Trưởng giả, đem bạc vàng châu báu
Ví có đại gia, đem hiến cả của tiền
Công đức kia, chỉ hưởng được nhơn thiên
Không thể sánh, người nhập Tri kiến Phật
Kinh Pháp Hoa, lại là Kinh bậc nhất
Trì Kinh Pháp Hoa, là trì huệ mạng Như Lai
Thông quá khứ, xuyên hiện tại, suốt tương lai
Đèn giải thoát soi mười phương thế giới
Người trì Kinh Pháp Hoa, công đức bậc nhất
Phật Pháp Thân mầu nhiệm, không giảm không tăng
Không lớn không nhỏ, không đục không trong
Không những gì của trần gian so sánh được
Người trì Kinh Pháp Hoa, công đức tuyệt thế
Là kiến lập đạo tràng ba cõi sáu đường
Là pháp âm bất tuyệt trăm hướng ngàn phương
Hạt giống Bồ Đề lưu truyền không chấm dứt
Núi Tu Di, cao nhất trong các núi
Kinh Pháp Hoa, vi diệu nhất trong các kinh
Không cần bóng, cũng đã thấy được hình
Không cần gương, chiếu rạng ngời chơn thể
Chư Thiên nghe, trong lòng vui không tả
Đem hoa trời rải cúng khắp trần gian
Đem nhạc trời hòa điệu khắp ba ngàn
Xin cúng dường Thế Tôn Vô Thượng Giác
Bảy chúng đệ tử, hết rồi mùa hạ
Không mùa thu, cũng chẳng có mùa đông
Sống Lạc Bang, cần chi nữa Mùa Xuân
Tâm thánh thoát an bình Vi Diệu Pháp.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Tùy Hỷ Công Đức, thứ 18)
Phẩm Tùy hỷ Công Đức
Thật thù thắng không lường
Pháp Hoa Diệu Pháp Vương
Bất thuyết, bất khả thuyết
Phẩm Tùy Hỷ siêu tuyệt
Thật bất khả tư nghì
Một niệm hỷ, tùy nghi
Bao trùm lên tất cả
Người nghe lần thứ nhất
Đến người thứ năm mươi
Cho đến vạn mười mươi
Công đức kia vẫn thế
Xanh non mầm lá mạ
Vàng ươm cánh đồng vàng
Thanh thoát ánh trăng ngàn
Trăng thanh trăng mười sáu
Không còn kia bờ giậu
Không còn nọ hàng rào
Lay động cả trăng sao
Rung ngân hà xao xuyến
Anh, tùy hỷ một tiếng
Chị, tùy hỷ một lời
Em, nhoẻn miệng mỉm cười
Gắn Pháp Hoa hàm tiếu
Em, người em nhỏ xíu
Chị, người chị lớn khôn
Anh, ngựa lý chân bon
Tôi, hát ca đồng nội
Đều nhờ ơn Pháp gội
Đều tắm pháp mưa nhuần
Nhẹ như tiếng chuông ngân
Rong thuyền du Diệu Pháp.
Tháng 11 – 2009
(Phẩm Pháp Sư Công Đức, thứ 19)
Này, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, hãy lắng nghe
Nay, nhân duyên hội đủ, ta nói thật nè
Nói hôm nay, sẽ không thêm một lần nói nữa
Các chúng đệ tử con ơi, nghe cho rõ
Nghe, để rồi thọ trì, giảng giải thâm sâu
Và truyền lưu đến tận ngàn sau
Không suy suyển, không dễ duôi, mai một
Các con hãy thọ trì cho nghiêm mật
Nói, nghe, giảng dạy, truyền tụng Pháp Hoa
Còn hơn xây đến chín đợt phù đồ
Bởi lục căn, tinh thông xuyên pháp giới
Mắt thanh tịnh, thấy những gì không thể thấy
Tai thanh tịnh, nghe những gì không thể nghe
Mũi thanh tịnh, ngửi những gì gì không thể ngửi
Miệng thanh tịnh, nói một lời rúng động thiên thu
Thân thanh tịnh, ba ngàn thế giới trống rỗng
Ý thanh tịnh, hiểu rõ vạn pháp nhân duyên
Trì Pháp Hoa, sẽ không cần phi thuyền
Xuyên vũ trụ, trong sát na hơi thở
Khi đã gọi, là Pháp Sư Công Đức
Bởi thâm sâu uyên áo Kinh Pháp Hoa
Như Sen vàng, đỏ, trắng, xanh, kết đại Liên Tòa
Tam Thế Phật hiện pháp thân thường trụ
Gom pháp giới, vo tròn trong một chữ
Gom vũ trụ, nhẹ hững trên bàn tay
Các con ơi, cần chi nữa ban ngày
Vì không còn hoàng hôn và đêm tối.
Tháng 11 – 2009
Bích Ngọc (Tuvien.com)