NSGN - Ở Việt Nam, đạo Nho và đạo Phật là hai tôn giáo hay hai học thuyết có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân Việt.

Vài suy nghĩ về hiếu trong đạo Nho và đạo Phật

NSGN - Trong mỗi truyền thống tôn giáo, hiếu được quan niệm và quy định thực hành khác nhau. Ở Việt Nam, đạo Nho và đạo Phật là hai tôn giáo hay hai học thuyết có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân Việt.

Trừ một số tín đồ theo đạo Ki-tô, phần lớn người Việt ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của hai tôn giáo này. Nó thể hiện qua tập tục, lễ nghi…trong đời sống của người Việt Nam. Trong đó, “đạo hiếu” chiếm một phần rất quan trọng. Bài viết sẽ nêu một số quan niệm của đạo Nho và đạo Phật về hiếu. Từ đó, người viết đưa ra vài nhận định so sánh sự giống và khác nhau về quan niệm hiếu của hai tôn giáo này.

dao phat 1.jpg

Khái niệm về hiếu

Hiếu là một khái niệm được hiểu khá rộng từ phạm vi gia đình đến xã hội quốc gia. Theo định nghĩa từ các từ điển, hiếu có nghĩa là hết lòng thờ cha mẹ1. Hiếu là đạo lý phụng thờ cha mẹ, là lễ nghi cư tang2. Hiếu là lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ3. Dựa vào thái độ và hành vi, hiếu được hiểu qua các khía cạnh khác nhau như hiếu kính, hiếu thuận, hiếu dưỡng, hiếu nghĩa, hiếu hạnh, hiếu tâm…và cuối cùng là đạo hiếu. Nói một cách tổng quát, đối với người Việt Nam, hiếu được biểu hiện qua hành động như kính yêu cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thăm viếng vâng lời cha mẹ…và thờ cúng tổ tiên.

Khi hiếu được hiểu là “đạo”, tức cách sống, thì nó trở thành một chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử của con cái đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Từ đó, các phép tắc được quy định để con cháu thể hiện lòng hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Người nhỏ tuổi phải khoanh tay, cúi đầu chào ông bà, cha mẹ hay người lớn. Người con phải lắng nghe ông bà, cha mẹ khi họ dạy bảo. Nếu không đồng ý, người con cũng phải lắng nghe rồi sau đó lễ phép thưa hỏi lại. Đó là những quy tắc cơ bản về đạo hiếu của người Việt. Trong đạo Nho và đạo Phật, hiếu còn được giải thích rõ hơn.

Hiếu đối với người sống

Như đã nói ở trên, đạo Nho và đạo Phật là hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống người Việt. Về hiếu đối với người sống, cả hai tôn giáo đều có những lời dạy cụ thể để tín đồ hay người dân noi theo.

Đối với đạo Nho

Hiếu được xem là nền tảng của đạo đức. Trong gia đình, hiếu được thể hiện qua các hành vi ứng xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Đối với gia tộc, hiếu biểu hiện qua việc con cháu quy tụ về để tưởng nhớ ông bà tổ tiên nhân ngày giỗ hay lễ lớn của gia tộc. Ngoài phạm vi gia đình và dòng họ, hiếu được luật hóa thành các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá nhân cách con người cũng như địa vị trong xã hội. Do đó, đạo Nho xem hiếu là căn bản của đức.

Trong đạo Nho, Hiếu kinh là một luận thuyết nói về lòng hiếu thảo. Việc hiếu kính cha mẹ được xem như là đạo hiếu. Con cái phải đối xử tốt với cha mẹ, chăm sóc cha mẹ, hỗ trợ vật chất cho cha mẹ, thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, con cái có hiếu là phải biết lo lắng cho chính bản thân mình để cho cha mẹ bớt đi phần lo ấy và nên mang lại danh thơm tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên.

Thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ngoài việc tôn kính, nuôi dưỡng về vật chất, người con cũng phải thể hiện hiếu trên phương diện tinh thần. Đó là không để cha mẹ phải lo lắng, phiền muộn. Ví dụ đi đâu phải thưa báo cho cha mẹ biết để khỏi lo lắng. Điều này được suy ra từ lời dạy của Khổng Tử trong Luận ngữ: “Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương”, nghĩa là cha mẹ còn sống chớ đi chơi xa, nếu đi xa phải có nơi nhất định. Hiếu còn phải được thể hiện qua thái độ kính trọng. Nuôi dưỡng cha mẹ là việc cần nhưng phải chăm sóc bằng sự kính trọng. Nếu không, sự nuôi dưỡng ấy cũng không khác gì nuôi động vật4.

Theo quan niệm đạo Nho, hiếu còn bao gồm việc không được chỉnh sửa hình thể. Hiếu kinh ghi rằng: Thân thể bao gồm hình hài, tóc tai, da thịt…là do cha mẹ sanh ra nên không được gây hư hại5. Nếu theo quy định này thì việc cạo bỏ râu tóc, chỉnh sửa thẩm mỹ, phẫu thuật chuyển giới được xem như là không có hiếu! Xem ra, quan niệm hiếu theo cách vừa nêu không còn phù hợp trong thời đại ngày nay.

Đạo Nho còn quan niệm rằng: Hiếu có ba điều: đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ(Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng).

Đạo Nho cũng có quan niệm ba điều bất hiếu là không vâng lời cha mẹ, không chăm lo học hành và không có con nối dõi. Trong đó, không có con nối dòng dõi là bất hiếu lớn nhất (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại). Theo quan niệm này thì người xuất gia hay người không lập gia đình được xem là bất hiếu.

Một quan niệm khác về hiếu trong đạo Nho ít được tán đồng trong thời đại dân chủ là con cái phải hoàn toàn nghe theo lời cha bất kể sai hay đúng. Câu nói “phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu” (nghĩa là cha xử con chết, con không chết, con không hiếu) không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Nếu như cha bắt con cái làm những điều không đúng luân lý, đạo đức, luật pháp như cung cấp tiền để nhậu, làm nghề bất chính…thì con không làm theo cha không thể gọi là bất hiếu được. Có thể nói đây là sản phẩm của xã hội phong kiến độc quyền.

Đối với đạo Phật

Hiếu trong đạo Phật cũng được biểu hiện qua hai phương diện là vật chất và tinh thần. Về vật chất, con cái phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ già yếu. Về tinh thần, người con phải biết làm cho cha mẹ an vui qua hành vi thái độ cư xử tốt đối với cha mẹ và qua lối sống đạo đức của bản thân. Cao hơn, người con phải biết hướng cha mẹ đến với thiện pháp.

Trong kinh Trường bộ, số 31, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Đức Phật dạy năm bổn phận của một người con đối với cha mẹ. Đó là nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn gia đình và truyền thống, bảo vệ tài sản do cha mẹ để lại, và lo lễ tang chu đáo khi cha mẹ qua đời6. Trong năm điều, hai điều đầu chỉ dạy người con phải chăm sóc, nuôi dưỡng, kính trọng cha mẹ và làm tất cả những bổn phận của một người con theo truyền thống.

Đức Phật dạy rằng: Cha mẹ là bậc đáng được cung kính cúng dường. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật ví cha mẹ như là Phạm thiên - vị thần sáng tạo ra thế giới theo Ấn Độ giáo, là bậc đạo sư, là chư thiên. Do đó, người con phải tôn trọng; dâng đồ ăn, đồ uống, vải mặc, giường nằm; thoa bóp thân thể; tắm rửa tay chân…cho cha mẹ7.

Theo đạo Phật, có hiếu với cha mẹ không chỉ bằng cách cung cấp vật chất mà còn phải hướng cha mẹ đến với thiện pháp nếu cha mẹ chưa biết thiện pháp. Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi, “Này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha”8. Như vậy, đạo Phật nhấn mạnh hiếu của người con đối với cha mẹ trên phương diện hướng dẫn cha mẹ tu tập thiện pháp đưa đến giải thoát khổ đau. Để làm được điều đó, trước hết người con phải là người đã và đang thực hành thiện pháp. Nghĩa là người con phải có đức tin vào Tam bảo, phải thực hành thiện pháp, phải có bố thí, và có tu tập trí tuệ.

Khi cha mẹ còn sống người con phải có hiếu là điều bắt buộc. Vậy khi cha mẹ chết rồi, con cái có phải báo hiếu không và báo hiếu bằng cách nào? Vấn đề này đạo Nho và đạo Phật cũng có đề cập nhưng không nhiều.

Hiếu đối với người chết

Đối với đạo Nho

Đạo Nho không nói về đời sống sau khi chết. Khổng Tử và các đệ tử không bàn đến vấn đề siêu hình như Thượng đế, linh hồn, quỷ thần. Ông từng nói với đệ tử rằng “Chưa biết việc sống, sao biết việc chết”. Tuy nhiên, đạo Nho tin có Trời, có thiên mệnh, có linh hồn - nhất là linh hồn tổ tiên, và có quỷ thần. Cho nên, đạo Nho coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và xem việc thờ cúng tổ tiên là có hiếu. Sách Trung dung nói: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã”, nghĩa là thờ cha mẹ lúc đã chết như khi đang còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc còn, ấy là có hiếu hết mức vậy.

Như vậy, hiếu không chỉ thể hiện khi cha mẹ còn sống mà còn khi đã chết. Trước tiên là lễ tang. Theo đạo Nho, người con có hiếu phải thể hiện lòng cực kỳ thương xót khi tổ chức lễ tang cho cha mẹ. Luận ngữ ghi rằng: “Tang trí hồ ai, nhi chỉ”, nghĩa là việc tang cốt ở sự thương xót, chỉ như vậy là đủ thể hiện hiếu. Trên bàn thờ người mới chết cũng thường ghi “tang trí kỳ ai”, nghĩa là cử hành lễ tang phải hết sức bi ai. Như thế, sự thương xót, khóc lóc, đau buồn được xem là có hiếu trong đạo Nho.

daonho 2.jpg

Kế đến là việc thờ cúng tổ tiên. Đạo Nho quan niệm rằng người chết đi sang thế giới khác vẫn sinh hoạt như khi còn sinh tiền nên người thân phải lo cho người chết đầy đủ để cuộc sống ở thế giới mới không gặp khó khăn, thiếu thốn. Do đó, việc cúng thức ăn và đốt vàng mã trở nên phổ biến trong cộng đồng người bị ảnh hưởng đạo Nho. Việc làm ấy được xem như là có hiếu theo đạo Nho.

Đối với đạo Phật

Đạo Phật xác định rõ là có đời sống sau khi chết qua thuyết tái sanh luân hồi. Theo đạo Phật, con người sau khi chết, nếu chưa chứng quả Thánh A-la-hán, thì sẽ tái sanh làm chư thiên, con người, động vật, hay ngạ quỷ (có thuyết thêm hai cõi nữa là loài chúng sanh ở địa ngục và loài A-tu-la). Trong đó, đối tượng thường được quan tâm để báo hiếu trong đạo Phật là loài ngạ quỷ và chúng sanh ở địa ngục. Hai đối tượng này được cho là có thể nhận được sự cúng bái của con cháu.

Mặc dù kinh điển của đạo Phật, nhất là kinh điển Đại thừa, có miêu tả sự khổ đau, đói khát của chúng sanh chốn địa ngục và ngạ quỷ nhưng chúng sanh ở hai cõi ấy sống bằng cách nào chưa được miêu tả cụ thể. Họ có thọ dụng thực phẩm hay không là điều chưa được bàn tới. Kinh Tăng chi có đề cập đến việc người chết có thể hưởng được sự cúng dường của người sống nếu họ tái sanh làm ngạ quỷ9. Tuy nhiên, kinh này cũng không miêu tả rõ là họ hưởng như thế nào về vật chất cũng như tinh thần mà chỉ nêu chung chung là thọ nhận được thôi. Kinh Vu lan, một bản kinh rất phổ biến trong Phật giáo Đại thừa nói về gương hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên, cũng không miêu tả ngạ quỷ ăn như thế nào. Ngài Mục Kiền Liên dâng phẩm vật cho mẹ nhưng bà không ăn được vì cơm biến thành than lửa do lòng bỏn xẻn của bà. Phần dạy về phương pháp cứu bà Thanh Đề (mẹ của ngài Mục Kiền Liên) cũng không thấy đề cập đến việc cúng phẩm vật cho bà.

Về việc báo hiếu đối với người chết, chỉ có vài bài kinh nói về cúng dường cho người đã chết như kinh Tăng chi vừa nêu trên. Trong năm bổn phận của người con đối với cha mẹ được nêu trong kinh Trường bộ, bổn phận thứ năm cũng chỉ là lo tang lễ cha mẹ chu đáo chứ không hướng dẫn cách cúng dường người chết. Bản thân Đức Phật khi còn tại thế, Ngài cũng chỉ lo lễ tang cho cha chu đáo. Ngoài ra, Ngài cũng không cúng bái gì nữa vì vua cha được cho là đã chứng Thánh quả ngay khi ông chết. Kinh Địa Tạng cũng chỉ hướng dẫn cách báo hiếu bằng việc cúng dường, bố thí, làm phước để giúp cha mẹ siêu thoát cảnh địa ngục, ngạ quỷ chứ không hướng dẫn cách cúng dường phẩm vật cho ông bà cha mẹ đã chết để họ thọ hưởng. Như vậy, hiếu trong đạo Phật chú trọng làm sao giúp cha mẹ tái sanh cõi lành hơn là cúng bái phẩm vật cho cha mẹ thọ hưởng nơi cõi ngạ quỷ hay địa ngục.

Sự giống và khác nhau về hiếu giữa hai tôn giáo

Như đã trình bày ở trên, quan niệm về hiếu trong đạo Nho và đạo Phật có những điểm giống và khác nhau. Điểm giống nhau là cả hai tôn giáo đều dạy người con phải có hiếu với cha mẹ, ông bà thông qua các hành vi ứng xử như lễ phép, kính vâng, phụng dưỡng chăm sóc, làm cho cha mẹ an vui…Cả hai tôn giáo cũng nhấn mạnh người con có hiếu phải có đạo đức, và xa hơn là đem danh thơm tiếng tốt cho gia đình và dòng họ. Đối với người chết, cả hai tôn giáo đều dạy người con phải lo lễ tang chu toàn.

Tuy nhiên, hai tôn giáo cũng có những điểm khác nhau. Trong khi đạo Nho quan niệm hiếu thì phải tuân thủ các quy định mang tính luật lệ như không được thay đổi thân thể, phải có con nối dõi…thì đạo Phật lại nhấn mạnh hiếu trên phương diện đạo đức như làm thiện, giữ giới, bố thí cúng dường…để hoàn thiện bản thân và để hướng cha mẹ đến với thiện pháp. Đạo Phật nhấn mạnh trả ơn cha mẹ phải bao gồm hướng cha mẹ đến thiện pháp, đến an lạc giải thoát đời này và đời sau.

Đối với người chết, đạo Nho cho rằng có hiếu thì phải biểu hiện sự đau buồn, thương xót, khóc lóc khi tổ chức lễ tang cho cha mẹ. Có hiếu thì phải thờ cúng, cung cấp phẩm vật cho người đã chết để họ khỏi thiếu thốn. Đạo Phật không dạy có hiếu là phải khóc lóc đau buồn khi tổ chức lễ tang. Đạo Phật khuyến khích làm tất cả những điều thiện có thể để giúp cho người chết siêu thoát tái sanh cõi lành như tụng kinh, bố thí cúng dường. Đặc biệt, đạo Phật không chủ trương cúng bái phẩm vật để người chết hưởng.

Kết luận

Hiếu trong đạo Nho và đạo Phật có những điểm giống và khác nhau. Cả hai đều nhấn mạnh đến việc phụng dưỡng đầy đủ về vật chất và thái độ kính vâng. Tuy nhiên, đạo Phật với mục đích hướng đến giải thoát khổ đau nên nhấn mạnh hiếu trên phương diện hướng thiện, an lạc nội tâm. Do đó, có thể nói giúp cha mẹ sống an lạc ngay trong đời này và giúp cha mẹ tái sanh cõi lành sau khi chết là có hiếu trong đạo Phật.

Ngày nay, đạo Phật bị ảnh hưởng bởi văn hóa bản địa nên các tín đồ đều có thờ ông bà tổ tiên. Tín đồ Phật giáo cũng dâng phẩm vật cúng cho tổ tiên nhưng mục đích của họ không chỉ là mong cho tổ tiên no đủ mà còn là mong cho tổ tiên siêu thoát, tái sanh cõi lành. Hiếu của đạo Phật chú trọng người sống hơn người chết nhưng vì bị ảnh hưởng các văn hóa, tín ngưỡng khác nên đạo Phật ngày nay xem ra hơi nặng về người chết qua hình thức cúng bái. Sự thích nghi nhưng cần phải làm cho phù hợp với Chánh pháp là nỗi ưu tư chung của những người con Phật.

 Thích Hạnh Chơn

______________________________

(1) Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt.

(2) Hán Việt từ điển, http://vietnamtudien.org/hanviet/, truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2016.

(3) Http://vi.wiktionary.org, truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2016.

(4) “Kim chi hiếu giả thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ” (Luận ngữ). Nghĩa là ngày nay những kẻ tự xưng là hiếu đều nói rằng mình đã nuôi cha mẹ. Đến như loài chó, ngựa người ta đều nuôi được. Chẳng kính lấy gì mà phân biệt.

(5) Hiếu kinh, http://diendan.vnthuquan.net/m264288-print.aspx, truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2016.

(6) Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, http://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong31.htm, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2016.

(7) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi04-0712.htm, truy cập ngáy 18 tháng 7 năm 2016.

(8)  Xem Thích Minh Châu, Đạo Phật và chữ hiếu, http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/001-chuhieu.htm, truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2016.

(9) Kinh Tăng chi, chương Mười pháp, III, 177, phẩm Jànussoni.


Về Menu

Vài suy nghĩ về hiếu trong đạo Nho và đạo Phật

Hoa Kỳ Sinh viên tìm thấy bình an sau cáo duc phat Tờ lịch cuối năm 7 viec lam tao qua bao xau 看完新闻联播的观后感 お寺との付き合い 檀家 梵僧又说我们五人中 Phật giáo sÃƒÆ 四十二章經全文 vấn è æ ¼ç½ nen cung tat nien nhu the nao 高級 霊園 thuat trang Và cồn hoc phat y nghia bo ben kia phat giao dem lai loi ich gi cho tuoi tre 佛教禪定教室 Vì một xã hội không có Alzheimer thiện 大学生申请助学金的申请理由怎么写 云南省拆除水箱套什么定额 Tấm Thủ chÃ Æ nh hữu ถวายภตตาหารเพล dấu mẹ 长寿和尚 五行缺火 名字 hai huong di イイハナのお盆にぴったりの盆提灯 塩谷八幡宮 bÊo cái tôi và minh triết về cái tôi mot thay Đừng Nghiên cứu về cơ sở hình thành giå Ngày cuối năm nói về chuyện ăn chay