Giới thiệu Đây là bài tham luận của Tỳ Kheo Bodhi đọc tại Hôi Nghị Hamburg ở Đức năm 2007, do Đức Đạt Lai Lạt Ma đề xuất, đề bàn về vấn dề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ kheo ni trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy
Vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ kheo Ni trong truyền thống Phật gíao Nguyên thủy

Giới thiệu: Đây là bài tham luận của Tỳ Kheo Bodhi đọc tại Hôi Nghị Hamburg ở Đức năm 2007, do Đức Đạt Lai Lạt Ma đề xuất, đề bàn về vấn dề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy...   Bài tham luận của tôi chú trọng đến những vấn đề thuộc về giới luật và đạo đức liên quan đến việc phục hoạt Ni đoàn trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy.
Bài tham luận này chia làm ba phần:

Phần I, tôi duyệt lại những lập luận do những người theo phái Nguyên Thủy bảo thủ trình bày, những người thấy rằng vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni là không thể thực hiện được về phương diện giới luật.
Trong Phần II, tôi trình bày những nghiên cứu về mặt kinh điển và đạo đức ủng hộ chủ trương cho rằng cần phải phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni.
Và trong phần III, tôi sẽ cân nhắc ngắn gọn về cơ chế giới luật trong vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, đó là, làm thế nào để việc thọ đại giới được thực hiện hài hòa với qui định của Luật Tạng (Vinaya).
  Việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni gồm có ba giai đoạn:1. Thọ giới sa-di-ni (pabbajja), 2. Huấn luyện Thức-xoa-ma-ni (sikkhamana), 3. Thọ Cụ-túc-giới/ đại giới Tỳ-kheo-ni (upasampada). Các Luật gia Nguyên Thủy đặt ra nhiều cản trở ở cả ba giai đoạn này.

Trong bài tham luận của tôi, tôi thảo luân tất cả ba giai đoạn từ hai quan điểm : theo quan điểm chống đối do các Luật gia bảo thù đặt ra, những người tuyên bố rằng không thể nào phục hồi việc thọ đại giới, và quan điểm của những người ủng hộ vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni.

Vì thời gian dành cho việc trình bày bài tham luận này có giới hạn, nên tôi sẽ hướng trọng tâm vào vấn đề thọ đại giới mà thôi. Lời kết luận của tôi sẽ là : tôi cho rằng không một lập trường nào có thể rút ra một cách rõ ràng từ Luật Tạng, nhưng việc diễn giải Luật Tạng tùy thuộc vào bối cảnh việc diễn giải được thực hiện, và một số những giả định và mục đích mà người diễn giải muốn đưa vào nhiêm vụ diễn giải.
  I. Trường hợp chống đối vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni   Đối với các Luật gia, giai đoạn thọ đại giới Tỳ-kheo-ni đặt ra một trở ngại lớn nhất cho việc phục hồi Ni đoàn. Sự chống đối chính yếu dựa trên điều luật mà các Luật gia đưa ra là việc truyền giới này phải do nhị bộ tăng thực hiện.

Nghĩa là việc này phải do cả Ni đoàn lẫn Tăng đoàn cùng thực hiện, và để cho việc truyền giới là thuần túy Nguyên Thủy, việc truyền giới phải xuất phát từ một Ni đoàn Nguyên Thủy hiện hành. Điếu này dưa đến một tình trạng khó khăn bế tắc, vì nếu thiếu vắng một Ni đoàn Nguyên Thủy hiện hành, thì việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni không thể được công nhận là đúng theo luật.

Vì vậy không thể có khả năng phục hồi Ni đoàn Nguyên Thủy. Việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni vẫn vượt khỏi tầm tay trong suốt thời kỳ truyền thừa Phật giáo hiện tại. Những phụ nữ muốn sống theo hạnh xuất gia sẽ phải chấp nhận một hình thức thay thế của hạnh xuất gia, như là tu nữ tám giới hay mười giới.
  II. Trường hợp ủng hộ việc phục hoạt Ni đoàn Phật giáo Nguyên Thủy   Sau khi sơ lược những lập luận về luật mà các giới chức bảo thủ về Luật Tạng đề xuất để chống đối vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, tôi xem xét một số yếu tố, về mặt kinh điển và đạo đức, chủ trương ủng hộ việc phục hoạt. Tôi chia những yếu tố này thành hai nhóm: một nhóm tôi gọi là "sự ủy quyền ngày xưa", và nhóm kia tôi gọi là "những hoàn cảnh thúc bách đương đại".   'Sự ủy quyền ngày xưa' trước tiên là quyết định của chính Đức Phật thành lập một Ni đoàn như một bộ phận tương ứng với Tăng đoàn. Khi Đức Bà Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Kiều Đàm Di ) cùng với năm trăm phụ nữ thuộc bộ tộc Thích Ca đến gặp Đức Phật, họ không đòi hỏi Đức Phật thiết lập một Ni đoàn.

Họ chỉ xin Đức Phật cho phép họ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Mặc dù lúc đầu Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu này, cuối cùng Ngài đã chấp thuận. Tuy nhiên, trong khi chấp thuận, Ngài không chỉ cho phép phụ nữ xuất gia, mà còn cho phép phụ nữ xuất gia được thành lập một Ni đoàn riêng biệt, một cộng đồng được điều hành bởi những điều lệ và qui định riêng của họ.

Mặc dù Ngài đặt Ni đoàn này lệ thuộc vào Tăng đoàn trong một vài phương diện, Ngài vẫn cho phép Ni đoàn này phần lớn được tự trị. Điều này chứng tỏ rằng Ngài công nhận Ni đoàn là một phần chính yếu của Giáo đoàn, không có Ni đoàn thì Giáo đoàn của Ngài sẽ không hoàn hảo và không trọn vẹn.
  Suy tư về những điều kiện đương đại cũng ủng hộ trường hợp phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni. Thời đại chúng ta được hình thành từ những tư tưởng của triết thuyết Ánh Sáng Âu Châu, một phong trào xác nhận phẩm giá nội tại của con người và đưa đến đòi hỏi bình đẳng chính trị và công bằng cho mọi người trước pháp luật.

Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở đi, con người khắp điạ cầu đã nhận thức rằng sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính là vô lý và bất công, một hệ thống đã áp đặt lên xã hội chỉ vì vai trò thống trị của nam giới trong những thời kỳ mà sự ổn định xã hội tùy thuộc vào sức mạnh và quân lực.

Như vậy sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính đã bị thách thức hầu như khắp nơi trong mọi lãnh vực đời sống thế tục, và vai trò của nó trong phạm vi tôn giáo cũng được đưa ra xem xét nghiêm túc.

Tôn giáo vẫn là thành trì kiên cố nhất của sự phân biệt đối xử này, và Phật giáo cũng không ngoại lệ. Đúng là Luật Tạng đã qui định Tỳ-kheo-ni phải phục tùng Tỳ-kheo-tăng, và Ni đoàn phải phục tùng Tăng đoàn, nhưng chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật đã sống và giảng dạy ở Ấn độ vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên.

Những công phu tu tập thuộc về nghi thức phải được đánh giá trong ánh sáng của những điều kiện văn hóa và xã hội đã thay đổi. Khi chúng ta hỏi đường lối hành động nào sẽ thích hợp với ngày nay, chúng ta không nên hỏi Đức Phật đã làm gì 25 thế kỷ trước, mà nên hỏi là Ngài sẽ muốn chúng ta làm gì trong thời đại này.

Nếu người ta nhìn Phật giáo Nguyên Thủy như một tôn giáo chỉ gồm có nam giới xuất gia, mà loại bỏ nữ giới xuất gia, hay chỉ chấp nhận nữ giới qua một vài việc thọ giới không chính thức, người ta sẽ nghi ngờ là có một điều gì thiên lệch trong cơ bản, và những lập luận bảo vệ quan điểm ấy dựa trên những yêu cầu về các nguyên tắc giới luật khó hiểu sẽ không mang tính thuyết phục để có thể xóa tan mọi nghi ngờ.

Đây sẽ là một ví dụ về một loại thái độ mà chúng ta thường thấy trong Luật Tạng, nơi mà "nhưng người thiếu tự tin không đạt được lòng tự tin, trong lúc giữa những người có lòng tự tin, thì một số lại thay đổi ý kiến liên tục".

Mặc khác, bằng cách thu hết can đảm để phục hồi cho phụ nữ quyền được sống cuộc đời xuất gia trọn vẹn, nghĩa là, bằng cách phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, các vị trưởng lão Phật giáo Nguyên Thủy sẽ chứng tỏ là họ biết cách áp dụng Luật Tạng theo một đường lối thích hợp với thời đại và hoàn cảnh, và cũng là cách biểu lộ lòng từ bi và bao dung, hơn là khăng khăng bác bỏ.
  III. Đối phó với thách thức về mặt giới luật   Tuy nhiên, trong lúc có thể có những lập luận mạnh mẽ trong kinh điển và đạo đức ủng hộ cho việc phục hồi Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, bước tiến này không thể thực hiện nếu những chống đối về mặt giới luật đối với phong trào này không đưọc giải quyết.

Những Luật gia bác bỏ vấn đề phục hồi việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni, không hẳn là vì thiên kiến đối với phụ nữ (mặc dù một số có thể có thiên kiến đó), nhưng vì họ thấy thủ tục này không thể thực hiện được về mặt giới luật.

Để phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, ba điểm thách thức mà những luật gia Nguyên Thủy đặt ra cần phải được giải quyết. Đó là những thách thức dựa trên: 1. Vấn đề thọ giới sa-di-ni; 2. Vấn đề thọ giới và huấn luyện Thức-xoa-ma-ni; và 3. Vấn đề thọ cụ túc giới/ đại giới Tỳ-kheo-ni.
  Ở đây, tôi sẽ chỉ bàn về vấn đề thọ đại giới Tỳ-kheo-ni. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, trước tiên tôi muốn ghi nhận rằng lý thuyết về giới luật của Phật giáo Nguyên Thủy thường pha trộn những qui định về giới luật xuất phát từ các văn bản Luật Tạng và các bản Luận Tạng với những lời diễn giải và nhận định đã được chấp nhận theo truyền thống qua nhiều thế kỷ.

Tôi không muốn xem nhẹ truyền thống, vì truyền thống tiêu biểu cho sự tích lũy kinh nghiêm giới luật của nhiều thế hệ chuyên gia Luật Tạng, và dĩ nhiên là những kinh nghiệm này cần phải được tôn trọng và cứu xét trong khi quyết định Luật Tạng cần phải được áp dụng như thế nào trong những hoàn cảnh mới.

Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng truyền thống không nên được đặt ngang hàng với Luật Tạng hoặc thậm chí với tài liệu có giá trị thứ yếu như là các bài luận giải (Atthakathas) và tiểu luận ( Tikas). Những nguồn tài liệu ấy cần phải được ấn định nhiều mức độ giá trị thẩm quyền khác nhau tùy theo nguồn gốc khác nhau của chúng.

Tuy nhiên, khi sự hiểu biết của chúng ta về Luật Tạng đặt nặng căn bản theo truyền thống, chúng ta có thể vô tình bị vướng vào mạng lưới nhận định của các Luật gia bảo thủ và điều này ngăn cản khả năng phân biệt của chúng ta về những gì được rút ra từ Luật Tạng và những gì do truyền thống qui định. Đôi lúc chỉ cần thay đổi những nhận định ấy cũng có thể diễn giải lại các nguyên tắc Luật Tạng với sự hiểu biết hoàn toàn mới.
  Tôi sẽ minh họa điểm này bằng phương pháp loại suy hình học. Một đường thẳng được kẻ ngang qua một điểm. Khi đường thẳng này kéo dài ra thì khoảng cách giữa hai đầu mút càng rộng hơn.

Rõ ràng là hai đầu mút ấy sẽ không bao giờ gặp nhau, và nếu có người nào tỏ ra nghi ngờ về điểm này, chắc là tôi sẽ chất vấn tính hợp luận lý của người này. Nhưng sự kiện xảy ra như vậy chỉ vì tôi đang suy nghĩ trong phạm vi của hình học truyền thống, hình học Euclide, vốn đã giữ vững ảnh hưởng trong toán học cho đến thế kỷ thứ 20.

Tuy nhiên, khi chúng ta chấp nhận lập trường của hình học vòng tròn (spherical geometry), chúng ta có thể thấy rằng một đường thẳng kẻ ngang qua một điểm nào đó, nếu được kéo dài đủ xa, cuối cùng hai đầu mút của nó sẽ gặp nhau

. Một lần nữa, trong hình học truyền thống, chúng ta được dạy rằng một tam giác chỉ có thể có nhiều nhất là một góc vuông và tổng số các góc của một tam giác phải bằng 180o, và điều này có thể chứng minh tuyệt đối chặt chẽ.

Nhưng sự kiện chỉ xảy ra như thế trong không gian Euclide. Hãy cho tôi một vòng tròn, và chúng ta có thể định nghĩa một tam giác có ba góc vuông và tổng số các góc bằng 270o. Như vậy, nếu tôi từ bỏ những nhận định quen thuộc của mình, một loạt những khả năng mới bỗng mở rộng tầm hiểu biết của tôi.
  Cũng vậy đối với hiểu biết của chúng ta về Luật Tạng. Đối với lý thuyết bảo thủ, những nhận định căn bản là: i) việc truyền đại giới do nhị bộ tăng thực hiện được qui định để áp dụng cho mọi trường hợp và không chấp nhận một ngoại lệ hay điều chỉnh nào để thích hợp với hoàn cảnh; ii) và Phật giáo Nguyên Thủy là tông phái duy nhất gìn giữ truyền thống Luật Tạng đích thực. Một khi những nhận định ấy được chấp nhận, sẽ không còn một lối thoát nào đối với kết luận rằng Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đã đứt đoạn vĩnh viễn.

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc phục hoạt Ni đoàn lại hoạt động với những nhận định khác. Đối với họ, điểm khởi đầu căn bản là quyết định của Đức Phật thành lập Ni đoàn. Thủ tục truyền giới chỉ là cơ chế giới luật để thực hiện quyết định đó.

Từ lập trường này, ngăn chận việc áp dụng quyết định ấy chỉ vì một điểm về cơ chế giới luật tức là cản trở việc hoàn thành ý định của chính Đức Phật. Điều này không có nghĩa là phương cách thực hiện đúng đắn quyết định ấy sẽ vi phạm những qui định của Luật Tạng.

Nhưng bên trong những qui định bao quát ấy, hai nhận định của phe giới luật bảo thủ có thể vượt qua bằng một hoặc cả hai điểm sau đây : i) trong những trường hợp ngoại lệ Tăng đoàn có thể áp dụng việc truyền giới Tỳ-kheo-ni do nhất- bộ-tăng thực hiện, dựa trên lời dạy của Đức Phật: "Này các Tỷ kheo, ta cho phép các thầy truyền giới Tỳ-kheo-ni"; ii) để duy trì hình thức truyền giới do nhị-bộ-tăng thực hiện, Tăng đoàn Nguyên Thủy có thể kết hợp với một Ni đoàn từ một nước Đông Á theo "Tứ Phần" Luật Pháp Tạng Bộ.
  Phương cách truyền giới này có thể không thoả mãn được yêu cầu khắc khe nhất của lý thuyết Luật Tạng Nguyên Thủy bảo thủ, nghĩa là, việc truyền giới phải được thực hiện bởi nhị bộ Tỳ-kheo-tăng và Tỳ-kheo-ni, và những vị này phải được thọ giới từ những Tỳ-kheo-tăng và Tỳ-kheo-ni Nguyên Thủy của một dòng truyền thừa không đứt đoạn.

Nhưng làm cho đòi hỏi không thể thực hiện này trở thành một yêu cầu không khoan nhượng trong vấn đề phục hoạt giáo đoàn Tỳ-kheo-ni thì có vẻ khắt khe một cách vô lý. Theo quan điểm của nhiều vị tăng Nguyên Thủy uyên thâm, chính yếu xuất phát từ Tích lan, thì chấp nhận một trong hai phương cách đã nêu trên sẽ đưa đến đỉnh cao là một cuộc truyền giới Tỳ-kheo-ni đúng luật và cùng lúc đó điều này sẽ ban cho phụ nữ cơ hội được sống cuộc đời phạm hạnh theo đúng phương cách Đức Phật đã có ý định muốn cho ni chúng được theo đuổi - đó là cuộc sống của những Tỳ-kheo-ni đã thọ đại giới.
  Đại giới đàn Tỳ-kheo-ni được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng dưới sự bảo trợ của Tu Viện Phật Quang Sơn, đã kết hợp cả hai phương cách trên. Phương pháp này đem lại kết quả mỹ mãn hơn là chỉ theo một trong hai phương cách mà thôi.

Lễ đại giới đàn đã qui tụ Tỳ kheo thuộc nhiều truyền thống khác nhau - Đại thừa Trung quốc, Nguyên Thủy, và Tây Tạng – cùng với các Tỳ-kheo-ni Đài loan và Tây phương để cử hành lễ thọ đại giới gồm đầy đủ nhị bộ tăng theo truyền thống Trung quốc. Những vị ni được thọ giới gồm có các ni Nguyên thủy từ Tích lan và Nepal, cũng như các ni Tây phương theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Người ta có thể nghĩ rằng đây là nghi lễ của Đại thừa và các ni được thọ giới sẽ trở thành Tỳ-kheo-ni Đại thừa, nhưng đây là một sự hiểu lầm. Trong khi các tăng ni Trung quốc là những vị theo Phật giáo Đại thừa, truyền thống Giới Luật mà họ tuân thủ không phải là Giới Luật Đại thừa nhưng là Giới Luật Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka), đó là bộ luật thuộc về truyền thống Phân Tích Bộ (Vibhajyavada) của tông phái Nguyên Thủy cổ sơ ở phương nam.

Đây chính là bộ phái tương đương với tông phái Nguyên Thủy ở tây bắc Ấn Độ, với bộ sưu tập kinh điển, Luận A-tỳ-đàm và một Luật Tạng phần lớn tương ứng với Luật Tạng Pali. Như vậy đại giới đàn do Tăng đoàn Trung quốc thực hiện ở Bồ Đề Đạo Tràng truyền đại giới thuộc dòng Pháp Tạng Bộ, và theo ngôn ngữ giới luật, các vị ni này bây giờ là những Tỳ- kheo-ni thọ đẩy đủ đại giới theo dòng truyền thừa của Giới luật Pháp Tạng bộ.
  Tuy nhiên, các Tỳ-kheo-ni ở Tích lan muốn trở thành những người kế thừa dòng Luật Tạng Nguyên Thủy để có thể được tăng đoàn Tích lan chấp nhận. Những Tỳ kheo Tích lan đã bảo trợ cho việc thọ đại giới cũng lo ngại rằng nếu các vị Tỳ-kheo-ni này trở về Tích lan với việc thọ đại giới từ Trung quốc mà thôi, thì những người đồng đạo của họ sẽ xem việc thọ giới ấy chính yếu là thuộc tông phái Đại thừa.

Để tránh việc này, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các vị tân Tỳ-kheo-ni đi đến thành phố Sarnath, nơi đó chư ni lại trải qua một cuộc thọ đại giới khác được tiến hành bằng tiếng Pali do các vị Tỳ-kheo Nguyên thủy ở Tích lan thực hiện.

Việc truyền giới này không phủ nhận việc truyền đại giới trước đây do nhị bộ tăng thuộc Tăng đoàn Trung quốc thực hiện, nhưng chỉ bổ túc và ban cho việc thọ đại giới ấy một hướng đi mới. Việc truyền đại giới do nhị bộ tăng thực hiện ở Bồ Đề Đạo Tràng công nhận chư ni ấy là Tỳ-kheo-ni, nhưng là những vị được truyền thừa từ dòng Luật Pháp Tạng Bộ, và cuộc truyền giới tiếp theo do Tăng đoàn Nguyên Thủy thực hiện ở Sarnath đã chính thức đưa các vị Tỳ-kheo-ni này vào Giáo đoàn Nguyên Thủy.

Bây giờ các vị Tỳ-kheo-Ni được quyền tuân theo Luật tạng của kinh điển Pali và thực hiện những nhiệm vụ cần thiết của các giới tràng cùng với huynh đệ của họ trong Giáo đoàn Nguyên thủy của Tích Lan.
  Trong lúc việc truyền đại giới với đầy đủ nhị bộ tăng chắc chắn là phương cách tốt hơn khi nào có điều kiện thực hiện, một trường hợp khác cũng được nêu lên để chứng minh việc truyền đại giới có thể chỉ do tăng đoàn Nguyên thủy thực hiện mà thôi.

Người ta có thể lập luận rằng trong những trường hợp ngoại lệ, khi một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đã đứt đoạn, thì tăng đoàn Nguyên Thủy được quyền đưa ra trường hợp thời cổ sơ như là một tiền lệ khi chưa có Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, và phục hồi điều lệ của Đức Phật đã cho phép chỉ một mình Tăng đoàn truyền đại giới cho Tỳ-kheo-ni.

Điều lệ này có thể được bảo vệ dựa trên nguyên tắc loại suy: khi một phương cách ngoại lệ được sử dụng trong một số những trường hợp để đạt được mục đích mong muốn, thì trong một số trường hợp tương tự như thế về mọi phương diện, nếu không còn phương cách nào để đạt được mục đích mong muốn, chúng ta có thể áp dụng lại phương cách ngoại lệ ấy.

Trong trường hợp này, chúng ta tìm thấy hoàn cảnh xuất phát điều lệ ấy vào thuở Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni đầu tiên được hình thành, khi Tăng đoàn bị đặt vào một hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan. Điều lệ thứ sáu của Bát Kỉnh Pháp đòi hỏi việc truyền giới Tỳ-kheo-ni phải do nhị bộ tăng thực hiện, nhưng thời đó chưa có Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Vậy làm thế nào Tăng đoàn vượt qua khó khăn bế tắc này ?

Theo kinh điển, thì Đức Phật đã dạy:" Ta cho phép các thầy truyền giới Tỳ-kheo-ni". Và vì thế, các Tỳ-kheo tiếp tục truyền giới cho các Tỳ-kheo-ni cho đến khi nhị bộ tăng trở thành qui định hiện thực. Hoàn cảnh này gần như giống y hệt hoàn cảnh chúng ta gặp phải gần đây, khi có những phụ nữ muốn được thọ đại giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thủy nhưng không có Tỳ-kheo-ni Nguyên thủy nào để truyền giới cho họ.

Vì thế, một giải pháp đã được đề nghị là cho phép Tỳ kheo tăng Nguyên Thủy sử dụng sự ủy quyền, vốn chưa bao giờ bị hủy bỏ, để truyền giới Tỳ-kheo-ni cho đến khi một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có chức năng hoạt động thực sự được hình thành.

Đây là phương cách mà tăng đoàn Tích lan đã áp dụng ở Sarnath để ban cho các Tỳ-kheo-ni Tích lan lần truyền giới thứ hai và chính thức đưa các vị này vào Tăng đoàn Nguyên Thủy.
  Tuy nhiên, bây giờ thì Ni đoàn Nguyên Thủy đã được phục hoạt tại Tích lan, không còn lý giải nào để biện minh cho việc truyền đại giới do nhất bộ tăng thực hiện mà thôi. Nếu một phụ nữ muốn thọ giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Nguyên Thủy, người ấy phải được huấn luyện giới hạnh Thức-xoa-ma-ni và cuối cùng sẽ thọ đại giới Tỳ-kheo-ni ở Tích lan. Chắc chắn đây đúng lúc là cơ hội để việc thọ đại giới Tỳ-kheo-ni được truyền bá rộng rãi ở Tây phương.   Kết luận   Sự kiện Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni bị đứt đoạn đã đặt ra cho chúng ta một hoàn cảnh không được đề cập rõ ràng trong Luật Tạng, và như vậy đó là một hoàn cảnh không có được một phương cách giải quyết rõ ràng. Theo như tôi hiểu, chúng ta không thể đọc Luật Tạng bằng một thái độ định kiến như là cho phép vô điều kiện hoặc hoàn toàn ngăn cấm việc phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni.

Những thái độ đó là kết quả của việc diễn giải, và việc diễn giải thường phản ảnh thái độ của người diễn giải trong khuôn khổ những nhận định của người ấy, cũng như phản ảnh ngôn từ của văn bản Luật mà người ấy sử dụng.
  Theo ý kiến của tôi, để giải quyết vấn nạn này, câu hỏi trước tiên chúng ta phải nêu lên là :" Đức Phật muốn các vị đệ tử trưởng lão của ngài làm gì trong tình huống như vậy, bây giờ, trong thế kỷ thứ 21 này ?".

Có phải Ngài muốn chúng ta áp dụng những qui luật điều hành việc thọ đại giới theo phương cách loại bỏ phụ nữ ra khỏi đời sống xuất gia đầy đủ phạm hạnh, để cho chúng ta trình bày với thế giới một tôn giáo trong đó chỉ có nam giới được quyền sống đời xuất gia trọn vẹn ?

Hay là thay vào đó, Ngài muốn chúng ta áp dụng những điều lệ của Luật Tạng theo một phương cách từ bi, rộng lượng và bao dung, và từ đó hiến tặng cho thế giới này một tôn giáo thật sự là biểu tượng của công lý và không phân biệt đối xử ?
  Chúng ta không thể có câu trả lời ngay tức khắc cho những câu hỏi này trong bất cứ một văn bản kinh điển hay truyền thống nào, nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn bị rơi vào ý kiến chủ quan.

Từ các văn bản kinh điển, chúng ta có thể thấy khi thực hiện những quyết định quan trọng, Đức Phật đã biểu lộ cả lòng từ bi lẫn tính nghiêm minh của giới luật, chúng ta có thể thấy là trong khi qui định những tiêu chuẩn hành xử của Tăng đoàn, Ngài đã xem xét những kỳ vọng về mặt văn hóa và xã hội của những người đương thời với Ngài.

Vì vậy, để tìm ra một giải pháp cho vấn nạn của chính chúng ta, chúng ta có hai kim chỉ nam hướng dẫn để hành động. Một là cần phải đúng với tinh thần của Giáo Pháp – đúng cả chữ nghĩa lẫn tinh thần, nhưng trên hết là đúng với tinh thần.

Hai là phải đáp ứng được những tầm nhận thức về mặt văn hoá, tri thức và xã hội của nhân loại trong thời đại lịch sử đặc biệt mà chúng ta đang sống, thời đại mà chúng ta đang nỗ lực hình thành số phận tương lai của chính chúng ta và số phận tương lai của Phật giáo.

Được nhìn trong ánh sáng này, vấn đề phục hoạt Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có thể xem như một điều thực chất tốt đẹp phù hợp với tinh thần cốt lõi của Giáp Pháp, giúp cho việc hoàn thành sứ mạng của chính Đức Phật là " mở cánh cửa Bất tử " cho tất cả chúng sanh, cho nữ giới cũng như nam giới.

Cùng lúc đó, sự hiện hữu của một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni có thể hoạt động như một công cụ tốt đẹp. Điều này sẽ cho phép ni giới thực hiện nhiều đóng góp có ý nghĩa cho Phật giáo bằng nhiều cách giống như tăng giới - họ có thể là những giảng sư, học giả, thiền sư, nhà giáo dục, cố vấn xã hội, và những vị hướng dẫn nghi lễ - và có lẽ trong một vài trường hợp độc đáo chỉ dành cho các vị ni sư, thí dụ như là làm cố vấn tâm lý và người hướng dẫn cho nữ cư sĩ.

Một Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni cũng sẽ giúp cho Phật giáo nhận được sự kính trọng của những bậc thức giả trên thế giới, những người xem vấn đề không phân biệt nam nữ là dấu hiệu của một tôn giáo thật sự xứng đáng hài hoà với những khuynh hướng cao thượng của nền văn minh hiện đại.
  Tác giả: Bhikkhu Bodhi - Việt dịch: Trần Như Mai Source: Buddhist Fellowship of Singapore Website (General News/Comment with regards to Bhikkhuni Ordination/5/11/09)

Về Menu

vấn đề phục hồi việc thọ đại giới tỳ kheo ni trong truyền thống phật gíao nguyên thủy van de phuc hoi viec tho dai gioi ty kheo ni trong truyen thong phat giao nguyen thuy tin tuc phat giao hoc phat phat phap thien phat giao

Sóc 四十二章經全文 Như vong tuong luan hoi Rau quả chống tia cực tím hấp trẠhÃ Æ quan niem ve an chay cua cac doanh nhan the gioi chua hoa yen Nhưý thức tỉnh khi đọc bức thư của chàng hạnh 观世音菩萨普门品 b羅i co nen dat ten mon chay gia man hay khong Cần Thơ Tang lễ Hòa thượng Thích Huệ 不空羂索心咒梵文 Mẹo Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG Người tu sĩ nên 凡所有相皆是虛妄 若見諸相非相 mọi PhÃÆp thoi đức phật nói về tiềm năng của con muoi lam dieu dang de suy ngam trong cuoc Đã có thuốc ngăn ngừa đau nửa T ngài đến 2012年没回忌法要早見表 สมมาอาชวะ Vu lan Tản mạn về mẹ đứng Khuyên ด หน ง sÃ Æ 地天泰 少先队大队部工作计划 大学生申请助学金的申请理由怎么写 Thiếu ngủ ảnh hưởng thế nào đến cơ Sóc 墓石のお手入れ方法 nhÛ Làm sao biết cơ thể thiếu vitamin B12 thực 丢失菩提心的因缘 yoga 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 心灵法门