Vì sao thai phụ nên hấp thu đủ axit folic?
Nghiên cứu do Viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ kinh phí,
phân tích các ghi nhận y khoa của hơn 1.500 bà mẹ và trẻ sơ sinh của họ. Nghiên
cứu này bắt đầu năm 1998, quan sát các cặp bà mẹ và trẻ trong suốt 9 năm, kể từ
khi họ mang bầu.
Các chuyên gia lấy máu của các bà mẹ vài ngày sau khi họ sinh con để đo mức folate. Kết quả cho thấy nếu mức folate càng cao thì trẻ sau này sẽ có ít nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì hơn. Tác dụng bảo vệ này đặc biệt quan trọng với các phụ nữ béo phì, nếu có mức folate khỏe mạnh thì con họ sẽ giảm được 43% nguy cơ thừa cân hoặc béo phì so với các thai phụ béo phì với mức folate thấp.
Dinh dưỡng trong thai kỳ có tác động lâu dài đến sức khỏe của trẻ, cũng như sức khỏe của thai phụ sau sinh - bác sĩ Xiaobin Wang, Đại học Johns Hopkins (Baltimore) cho biết. Kết quả nghiên cứu khẳng định, nếu người mẹ hấp thu đầy đủ folate thì sẽ giảm được ảnh hưởng từ tình trạng béo phì của người mẹ lên sức khỏe của trẻ.
Từ lâu, các bác sĩ cho rằng thai phụ nếu thiếu folate, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì sinh con sẽ bị các khuyết tật về não bộ, cột sống và ống xương sống. Vì nguy cơ này, các tổ chức y tế của Hoa Kỳ như Dịch vụ Sức khỏe Công cộng và Cơ quan Kiểm soát & Phòng chống Bệnh tật (CDC) đã khuyến nghị người nữ trong độ tuổi từ 15-45 nên hấp thu khoảng 400 mcg axit folic mỗi ngày, bằng việc ăn các loại ngũ cốc có bổ sung folate hoặc uống viên bổ sung.
Tuy nhiên, folate cũng có mặt tự nhiên trong các loại trái cây và rau củ quả như quả mâm xôi, các loại rau có lá xanh, đậu lăng…
Ngoài các công dụng đã được biết, folate còn cải thiện hoạt tính của insulin, nhân tố bảo vệ cơ thể khỏi béo phì, cũng như thúc đẩy sự thay đổi trong trao đổi chất có liên quan đến ngăn ngừa béo phì.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy sự liên hệ giữa mức folate của người mẹ và nguy cơ trẻ bị béo phì những năm tháng đầu đời sau khi được sinh ra. Các nghiên cứu khác thì cho thấy vì người mẹ bị béo phì nên nguy cơ trẻ béo phì cũng cao theo. Gần 25% các bà mẹ không có đủ mức axit folic cần thiết, theo nghiên cứu của CDC năm 2015.
Folate có tác dụng đối với não bộ và tránh chứng dị tật ống xương sống trong quá trình phát triển thai nhi đã được khẳng định từ lâu nhưng vai trò của folate đối với bất ổn trong chuyển hóa như tiểu đường và béo phì thì chưa được nghiên cứu nhiều. Nghiên cứu này cho thấy thêm tác dụng của axit folic và giúp đề ra chiến lược giảm béo phì cho trẻ sau này - chia sẻ của bác sĩ Cuilin Zhang, Viện Nghiên cứu Quốc gia Eunice Kennedy Shriver về Sức khỏe Trẻ em & Phát triển Con người.
Huệ Trần
(theo Medical Daily)
Ngọc Sương (Tuvien.com)