Đáng buồn thay, nhiều người đã hoàn toàn hiểu lầm ý tưởng của Đạo Phật về sự không dính mắc. Sự không dính mắc thật sự mang lại các ý nghĩa sâu xa nhất về sự quan tâm, về lòng từ bi, và về sự tự do (mà chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được). Tuy nhiên, tôi hiểu tại sao từ ngữ "không dính mắc" làm cho bạn rất sợ hãi. Vì thế, chúng ta hãy giải thích để mọi người hiểu biết rõ ràng.
Sự không dính mắc thật sự có nghĩa là gì?
Người không dính mắc không có nghĩa là tâm người nầy lạnh như sỏi đá. Khi chúng ta hiểu biết, và thực tập sự buông xả, không có nghĩa là các cảm xúc của chúng ta sẽ biến mất, không còn tồn tại. Chúng ta sẽ có các thái độ thích nghi (theo một cách khác), khi chúng ta hiểu được bản chất vô thường của mọi sự vật. May mắn thay, nhờ đó các cảm xúc giận dữ của chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều. Thí dụ, ngay cả các vị thầy cao quý về tâm linh (đạo sư), họ cũng:
- Khóc
- Mỉm cười
- Cười to lên, cười vang lên
- Nô đùa, đùa giỡn
Có nhiều lúc, các vị thầy nầy cũng thiếu kiên nhẫn, hoặc là họ cũng khó chịu và tức giận. Bởi vì các vị thầy nầy là con người, chứ họ không phải là gỗ đá.
Tuy nhiên, các vị thầy nầy không bị dính mắc vào các trạng thái tình cảm, họ không đổ thêm dầu vào lửa ác cảm (nói về xúc cảm tiêu cực), hoặc là mong muốn kéo dài sự vui thích (nói về xúc cảm tích cực). Họ cho phép các cảm xúc dâng lên, rồi tự tan biến đi. Các vị thầy nầy không nuôi dưỡng cảm xúc, không thêm thắt cảm xúc (như người đóng kịch), họ cũng không bày tỏ nỗi phiền muộn bằng cách gây tạo thêm ra các hành vi tiêu cực khác. Họ có một cái nhìn đúng đắn.
Làm được các điều nói trên đòi hỏi chúng ta phải có nhiều sự thực tập, tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người đều có sức mạnh để kiểm soát tâm của mình bằng cách trau giồi sự nhận biết, và có sự chú tâm đúng đắn.
Vẻ đẹp của sự không dính mắc
Khi chúng ta hiểu được ý nghĩa thật của sự không dính mắc:
- Chúng ta không còn làm nô lệ cho các sự mong đợi, hoặc là sự dự đoán trong tương lai.
- Các cảm xúc khi chúng ta có, chỉ chiếm một phần trong tâm rộng mở của chúng ta. Chúng ta có một cái nhìn đúng đắn. Chúng ta còn không bị cảm xúc bắt giữ, và hành hạ, trong mọi thời điểm.
- Chúng ta nhìn thấy mọi vật như chúng là như thế, chứ không phải là tuân theo các khái niệm mà ta đã có từ trước, bởi vì điều nầy sẽ không bao giờ mang lại hạnh phúc lâu bền.
- Tâm trong sáng của chúng ta có thể nhìn thấu qua được bản chất thật sự của mọi vật, một cách rõ ràng.
- Sẽ khó làm cho chúng ta phiền muộn, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ chịu đựng các hành vi có hại.
- Chúng ta nhìn các trở ngại trong cuộc đời qua lòng từ bi, chứ không phải là qua sự giận dữ.
- Chúng ta không đuổi theo hạnh phúc. Khi hạnh phúc đến, chúng ta tận hưởng, khi hạnh phúc đi, chúng ta buông xả.
- Chúng ta cho phép mọi sự vật tự xoay chuyển, mà không cần có bàn tay kiểm soát của chúng ta.
- Tâm chúng ta không ngừng thương yêu. Thật ra, chúng ta còn thương yêu nhiều hơn trước nữa.
- Tâm chúng ta càng ngày càng trở nên rộng mở hơn, khi mà chúng ta có thể nhìn ra được các sự đau khổ không cần thiết trong cuộc đời nầy.
- Chúng ta cảm thấy giúp đỡ là điều rất tự nhiên, tuy nhiên, chúng ta không bị dính mắc vào kết quả của sự giúp đỡ.
- Tâm tự do giải thoát và tâm rộng mở mang lại cho chúng ta cảm giác hoàn toàn bình an, mà các sự hiểu biết tạm thời không làm sao sánh được.
Tâm chúng ta được tự do và giải thoát bởi vì chúng ta kiểm soát được tâm, và các cảm xúc, thay vì chúng ta để các điều nầy làm chủ chúng ta. Và qua sự tự do nầy, chúng ta có thể nếm được hương vị thơm ngọt của các sự hiểu biết, mà chúng ta không cần ôm chặt lấy chúng vào lồng ngực.
Sandra Pawula
Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
Ngọc Sương (Tuvien.com)