Lịch Sử Phật Giáo - Bước chân của PG Việt Nam tại Hoa Kỳ nhìn theo góc độ lịch sử.

 

...... ... .

 

 

 

BƯỚC CHÂN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TẠI HOA KỲ

 NHÌN THEO GÓC ĐỘ LỊCH SỬ

 

 Lê Đình Cai

 

---o0o---

 

Lời Mở đầu: Bài viết nầy không thể được coi là một bài biên khảo đúng nghĩa, vì được hình thành trong điều kiện hạn hẹp của tư liệu.

Trong lời mở đầu của cuốn sách „Phật Giáo Mỹ“ (tập I) Giáo Sư Trần Quang Thuận tâm sự … Tôi cứ đắn đo mãi không biết phải đặt tên cho quyển sách nầy như thế nào cho nó xứng hợp với nội dung. Phật Giáo tại Hoa Kỳ? Phật Giáo Mỹ ? Phật Giáo tại Hoa Kỳ nói lên các giáo phái Phật Giáo từ xa đến đang hoạt động tại Mỹ, trong khi Phật Giáo Mỹ biểu hiện màu sắc đặc thù của nền Phật giáo dung hợp với truyền thống lịch sử văn hoá của nhân dân Hiệp Chủng Quốc (1)

Đọc hết „Phật Giáo Mỹ“ (tập I, II) của Gs Trần Quang Thuận, người viết cảm nhận được sự đắn đo và ngần ngại của tác giả khi phải đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Còn riêng người viết bài này khi chọn tựa đề „Bước Chân Của Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ“ là cố ý giới hạn lại một góc cạnh trong toàn cảnh „Phật giáo Mỹ“ rộng lớn mà nhà Phật học Trần Quang Thuận đã mời gọi chúng ta bước vào.

I-) Phật Giáo Đi Vào Xã Hội Phương Tây:

Cách đây hơn 25 thế kỷ, tại Ấn Độ, Phật giáo xuất hiện như là nguồn ánh sáng chói loà dẫn dắt nhân loại ra khỏi những mê lầm của kiến thức mang tính thần thoại. Phật giáo lấy Bi, Trí, Dũng để đối lại với bạo lực, hận thù và hèn yếu, tôn trọng sự thật, bình đẳng, đề cao sự vận dụng của lý trí để tìm về chân lý, không áp đặt, khuyến dụ, thuyết phục hay thần thánh hoá đấng tối cao (Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành). Phật giáo dễ đi vào lòng người, dễ hòa đồng với các cộng đồng xã hội trong điều kiện văn hóa khác biệt, vì thế ta dễ thấy và thường nghe nói đến Phật giáo Ấn Độ như là cái nôi, như là nơi xuất phát. Nhưng khi Phật giáo Ấn Độ đi vào xã hội Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng thì lịch sử Phật giáo thế giới lại phải đề cập đến những nét đặc thù trong nền Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Việt nam (chẳng hạn danh từ zen trong Phật giáo Nhật Bản, Ch'an trong Phật giáo Trung Hoa, Thiền trong Phật giáo Việt nam, hay hình tượng Đạt Lai Lạt Ma trong Phật giáo Tây Tạng….)

Giáo lý nhà Phật dựa trên tính duy lý và thực nghiệm, mang nặng tính triết học nên rất gần gũi với các quan điểm về khoa học thực nghiệm của Tây phương. Chính lý do nầy mà Phật giáo ngày nay đi vào các cộng đồng xã hội Phương tây một cách lừng lững, dễ dàng và rất sống động.

Trong „A Brief History of Buddhism“ (Sơ Lược Lịch Sử Phật Giáo), tác giả Kalinga Senevinathne đã ghi nhận: „Trong 25 thế kỷ qua Phật giáo đã hội nhập với các niềm tin cổ truyền và các tôn giáo của nhiều vùng đất, hài hòa chúng với bản chất thanh khiết của nền triết học Phật giáo. Cùng một lúc, Phật giáo đã nẩy nở trên khắp Á Châu. Cho đến nay, Phật giáo vẫn là Tôn giáo chính của các dân tộc như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Lào, Trung Quốc, Mông Cổ và một số nước Trung Á như: Bhutan, Sikkim và Siberia. Cũng còn nhiều cộng đồng Phật tử lớn ở Mã Lai, Tân Gia Ba và Ấn Độ, cũng như các nước Tây Phương như Anh Quốc, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, các nước Bắc Âu và Úc … (2)

Tuy nhiên , nếu con đường Phật giáo từ Ấn Độ đi vào các quốc gia phương đông mang độ dày thời gian khá sâu và khá đậm, vì phương đông thường hướng nội nhiều hơn là hướng ngoại, thì trái lại sự du nhập Phật giáo vào các xã hội phương Tây đã gặp các lực cản rất lớn, nhất là trong giới trí thức khoa bảng Tây phương. Roger pol Droi đã viết một bài báo đăng trên tờ tạp chí „Le nouvel observateur“ tháng 4,5 và 6/2003, số đặc biệt về Phật giáo dưới nhan đề „Phật Giáo Và Hư Vô Chủ Nghĩa: (Le Grand Christ du Vide“) đã đưa ra nhận xét:

„Ít có nhà nghiên cứu nào ở Tây phương tự hỏi đối tượng của trí thức được gọi là Phật giáo đã được khởi thảo như thế nào. Câu trả lời có vẻ quá hiển nhiên, quá giản dị đến nỗi tưởng như không cần phải đặt ra: Phật giáo hiện hữu từ khi Phật thuyết pháp và Tây phương biết Phật giáo dần dần. Chỉ thế thôi. Chắc chắn người ta đã nhìn sơ qua các chủ thuyết tùy theo thời đại, theo nguồn thông tin, theo khả năng ngữ văn và cơ cấu tinh thần của những chứng nhân. Dù vậy, căn bản mà nói, có thể đã có một cái gì đáng gọi là „Phật giáo“ hiện diện và những người Châu Âu hiểu dần dần, như họ đã phát hiện ra những con hải sư có lông hay quần đảo Kerguelen.“

„Lúc nầy (tức vào 1820 ghi chú của người viết) cuộc nghiên cứu rời bỏ chân trời huyền thoại để đi vào không gian lịch sử. Người ta bắt đầu sử dụng một từ cho đến lúc đó vẫn chưa hiện hữu: „bouddhisme“. Từ này chưa hề được dùng đến trong bất kỳ ngôn ngữ nào ở Châu Âu. Sự ra đời của nó là dấu chỉ cho một đối tượng tri thức mới, đến lúc đó còn vắng mặt. Ở Pháp, Michel Jean Francois Ozeray dùng từ „bouddhisme“ từ năm 1817; Benjamin Constant dùng từ „bouddhisme“ năm1827; Eugène Burnouf và Christian Lassen dùng từ „bouddhisme“ năm 1826 trong tác phẩm „Essai sur le Pali“. Từ „bouddhism“ xuất hiện lần đầu trong Anh ngữ qua tựa đề của một tác phẩm của Edward Upham „The History & Doctrine of Buddhism“ năm 1829, nhưng người ta đã dùng từ này từ nhiều năm trước đó. Ở Đức, năm 1819, Schopehauer dùng „bouddhaismus“, từ còn được dùng cho đến giữa thế kỷ 19, trước khi được thay thế hẳn bởi một từ khác của Hégel được ông sử dụng từ năm 1827: „buddhismus“.

„Việc khám phá ra Phật giáo trước hết bắt nguồn từ sự phát triển của phương pháp đối chiếu, là thứ lý thuyết pha trộn các quy phạm Đông phương học riêng biệt. Do sự truyền bá giáo lý Phật giáo ra khắp Á Châu. Và vì sự biến mất của nó ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 11, việc xác định mốc điểm đòi hỏi những tài liệu so sánh từ nhiều lĩnh vực: Trung Hoa học, Tây Tạng học, Nhật học và Mông Cổ học. Những luận điểm Phật giáo viết bằng tiếng Sanskrit được Brian tìm thấy ở Népan trong thập kỷ 1820 cùng thời, Burnouf và Lassen đọc được tiếng Pali và Jean-Pierre Abel-Rémusat nghiên cứu những bản kinh văn Phật Giáo Trung quốc; không lâu sau đó, nhà nghiên cứu Hung Alexandre Csoma de Koros học được tiếng Tây Tạng. Đó là một khúc quanh dẫn Âu châu từ chỗ mê mờ đến chỗ sáng tỏ“ (3)

Qua đoạn văn trích dẫn, dù ngắn ngủi trên đây của nhà nghiên cứu Roger Pol Droi, mọi người đều thấy rõ Phật giáo đến với các học giả Tây phương (chưa nói đến thành phần đại chúng) cũng chỉ vào những năm đầu của thế kỷ 19 và ý niệm Phật giáo chưa thực sự mọc rễ trong các xã hội phương Tây. Và bây giờ vào những năm đầu của thế kỷ 21, chính nhà nghiên cứu nầy đã xác nhận: „Hình ảnh mà hôm nay chúng ta có về Phật giáo rõ ràng qui hướng theo một cách khác. Tích cực, an nhiên, giải thoát . Những vị thiền sư Nhật, những đại sư Tây Tạng xuất hiện giữa chúng ta như những kẻ bảo tồn các nguồn suối tri thức có thể giúp phục hồi, ngay cả cứu chuộc, thế giới già cỗi của chúng ta“ (4). Và giờ đây Phật giáo đã thực sự bước vào thế giới phương Tây bằng ánh sáng rạng ngời của một tôn giáo nhập thế. Các nhà trí thức phương tây đã tìm thấy đạo Phật là một tôn giáo vĩ đại, giải thoát con người khỏi tất cả những xiềng xích nô lệ, các tập tục mê tín dị đoan. „Ngày nay tất cả các nhà văn hóa trí thức trên thế giới dù có hay không liên hệ gì đến Phật giáo đều tôn kính Đức Phật Cồ Đàm, trong khi những nhà khai sáng các tôn giáo khác chỉ được các tín đồ của riêng tôn giáo mình tôn kính mà thôi“(5). Nhà Đại văn hào Pháp Anatole France phát biểu về Đức Phật: „Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành ấy, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ, như trả lời: Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí huệ và từ bi „ (6).

Bertrand Russell, nhà toán học kiêm triết gia người Anh, người đoạt giải Nobel văn chương1950 cũng đã từng phát biểu: „Nếu nói đến trí tuệ và đức hạnh thì tôi không thể nào nghĩ rằng Chúa Christ ở một vị thế cao như mọi người biết đến qua lịch sử. Tôi nghĩ rằng: tôi phải đặt Đức Phật trên Chúa về những phương diện đó.“ (7)

Charles W.Eliot, nguyên Giáo sư viện trưởng Viện Đại học Harward (Hoa kỳ) nhận xét về yếu tính của đạo Phật qua lời phát biểu: „Đức Phật không giận hờn với thế gian. Ngài nghĩ là thế gian không phải là độc ác, bất trị mà là vô thường và mê muội. Ngài phiền não đôi chút về những người không nghe theo Ngài, nhưng Ngài cũng không biểu lộ tinh thần khó chịu“ (8)

Và riêng Giáo sư Rhys Davids, chuyên ngành Đông Phương học người Anh đã tâm sự: „Là Phật tử hay không phải là Phật tử tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được vẻ đẹp và sự quán triệt Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế của Đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó.“(9)

Rõ ràng là Tây phương chỉ tiếp xúc với Phật giáo vào khoảng thế kỷ 19 đến nay mà thôi. Các học giả Tây phương bắt đầu chú tâm đến việc nghiên cứu Phật học qua các kinh tạng Nam tông tiếng Pali, và sau đó là Bắc tông theo phạn ngữ (Sanskrit). Sử gia ngưới Anh chuyên nghiên cứu về các nền văn minh trên thế giới Arnold Toynbee đã nêu lên nhận xét; „Sự gặp gỡ của Phật giáo và Tây phương là một biến cố có ý nghĩa trọng đại nhất của thế kỷ XX “ (10).

Trước khi đề cập đến Phật giáo Việt Nam tại Hoa kỳ, xin ghi nhận vài nét chính về sự phát triển của Phật giáo ở một số quốc gia phương Tây. Căn cứ trên tài liệu của Giáo sư Trần Quang Thuận („Phật giaó Mỹ“ tập I và II), của nhà nghiên cứu Trần Nhu („Tinh Thần Phật giáo Nhập Thế“), của nhóm Giao điểm („Phật giáo trong thế kỷ mới“), của anh Lê Hữu Đỗ („Buddhist Churches of America in the Vietnamese Tradition“) và một số tư liệu khác, người viết xin tổng hợp sơ lược như sau:

1) Tại Anh Quốc:

Hội Phật giáo Anh quốc và Ái Nhĩ Lan (Buddhist Society of Great Britain and Ireland) được thành lập ngày 26.11.1907. Đến năm 1923 Hội đổi tên thành The Buddhist Society. Người có công đầu là nhà nghiên cứu đông phương học, Gs. T.W. Rhys Davids. Ông đã xuất bản rất nhiều sách nói về kinh điển Phật giáo bằng chữ Pali và chuyển dịch sang Anh ngữ.

Hiện có 340 cơ sở, Đoàn thể, Tổ chức, Hội đoàn Phật giáo trên khắp nước Anh, trong đó phải kể tới hai tu viện nổi tiếng là Amaravati có 33 vị tăng, 12 vị Ni, 16 Sa di và Sa di Ni tu học; Tu viện Chithurst có 65 vị Tăng. Phật giáo ở đây được Chính phủ Anh cho giảng dạy từ cấp Tiểu học đến Đaị học, có chương trình truyền bá Phật giáo hằng ngày trên đài truyền hình và truyền thanh BBC (11)

2) Tại Pháp quốc:

Pháp là quốc gia sớm tiếp xúc với nền văn minh Á châu, nhất là Trung Hoa và đã từng chiếm Đông dương làm thuộc địa. Làn sóng định cư của người Việt trên đất Pháp sau cuộc chiến tranh Đông dương (1954) lên rất cao. Và sau khi miền Nam (1975) làn sóng người Việt tỵ nạn tại Pháp ngày càng tăng cao. Phật giáo Việt nam đã theo chân người Việt phát triển khá mạnh trên vùng đất nầy, dĩ nhiên bên cạnh đó cũng phải nói đến Phật giáo Trung hoa, Phật giáo Nhật và Phật giáo Tây Tạng cũng đã bành trướng mạnh trên quốc gia lớn mạnh nhất Âu châu nấy. Cộng đồng Phật giáo Pháp đã có tới 200 cơ sở với hơn 600 ngàn Phật tử, trong đó phải nói đến Tu viện Monastère Nalanda, nơi đào tạo, huấn luyện các Tăng Ni cho các nước Âu châu. Hiện nay số ngưới quy hướng về Phật giáo chiếm tỷ lệ 5%, Phãn Thệ giáo 6% và Thiên Chúa giáo La Mã là 12% (12). Dù Phật giáo mới đến Pháp trong nửa đầu thế kỷ 19, nhưng Phật tử tại Pháp chiếm tỷ lệ 5%. Như vậy là khá cao và có triển vọng phát triển mạnh hơn nữa. Vai trò hàng đầu trong việc nghiên cứu Phật học thuộc về nhà Đông Phương học người Pháp Eugene Burnouf, kế đến là học giả Sylvan Levi, Paul Demieville và Louis Reneu. Cơ sở Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh ở miền Nam nước Pháp cũng là nơi đào tạo và phát triển phong trào thiền học ngày càng phát trỉển mạnh mẽ kể từ năm 1982.

3) Tại Úc Châu và New Zealand:

Tờ Tạp chí Sun Herald số ra ngày 30.3.1991 cho biết số Phật tử Úc là 200.000 người so với 80.387 (vào năm 1986) như vậy là tăng lên 250% trong vòng 15 năm. Theo văn phòng thống kê Úc (The Australian Bureau of Statistics) thì Phật tử đang gia tăng ở mức độ nhanh hơn cả Hồi giáo và có thể còn hơn cả Kito giáo nữa. Phật giáo hiện nay đã đạt được 1% tổng số dân Úc (13) Trên toàn nước Úc hiện có khoảng 190 cơ sở Phật giáo và 2 viện Cao đẳng Phật học để đaò tạo Tăng tài hoằng pháp. Thiền viện Wat Buddha Dhamma Meditation Center tọa lạc trên một vùng đồi 200 mẫu đất ở Ten Mile Hollow, Wisemans Ferry thuộc New South Wales. Thiền viện Bodhinyana ở Perth (Úc), và ở Wellington (NZ) có chùa Buddhist Vihara ở Auckland (NZ) là những nơi thu hút Phật tử và khách thập phương nhiều nhất. Vào đầu năm 1990, một vị Thượng toạ người Úc từng tu học ở Tích Lan và Miến Điện hơn 20 năm đã thành lập nên Thiền viện Vipassana tại thành phố Sydney, đó là Thượng tọa Pannayavaro. Cũng chính vị Thượng tọa này đã mở trang báo điện tử rao giảng giáo lý nhà Phật qua Internet và con số người theo dõi chương trình này đã lên tới 50.000 người (14).

Hội đồng Phật giáo New South Wales (Buddhist Council of New South Wales) đã ghi nhận: “Phật giáo được trình bày qua phương tiện truyền thông rộng rãi và được sự chú ý đến Phật giáo cổ truyền đầy tính giáo điều” “ Phật giáo là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại Úc” (15)

4) Tại Nước Nga:

Gs Trần Quang Thuận đã xuất bản cuốn sách dày viết rất cặn kẽ về “Phật giáo Nga”. Những ai muốn đi sâu vào vấn đề này sẽ tìm thấy ở đây nhiều nguồn tài liệu quý báu để đối chiếu. Riêng người viết chỉ ghi lại một số nét tổng quát về Phật giáo tại Nga, vì chủ đề của bài này là chú trọng đến Phật giáo Việt nam tại Hoa kỳ.

Phật giáo hiện diện trên đất Nga với ngôi chùa Kuntsechoinei được xây dựng đầu tiên ở St. Petersburg từ năm 1908 và hoàn thành vào năm 1915. Em ruột của Nga Hoàng Nicolas II là Hoàng thân Ukhtomsky rất uyên bác về Phật học. Kể từ khi chế độ Cộng sản Xô Viết cai trị từ 1917 thì phong trào Phật giáo ở đây cũng như các tôn giáo bị đàn áp và triệt tiêu. Mãi cho đến khi Cộng hoà Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào cuối năm 1989 thì Phật giáo Nga mới được phục hoạt. Chùa Kuntsechoinei được hoàn trả lại và được sửa chữa, hiện có 20 vị Sa di tu học.

Hội Phật giáo Estonia (The Estonian Buddhist Association) với 2 nghìn Phật tử mà vị lãnh đaọ của hội đã được bầu làm cố vấn trong hội đồng Chính phủ. Các cộng đồng Phật giáo ở Novosibirsk, Kiev, Khalov và Tashkent cũng được thành lập. Hai ngôi chùa Ivolga và Ago đã đuợc trùng tu và là nơi sinh hoạt cho 20 đoàn thể Phật tử ở Siberia. Một trung tâm Phật giáo cũng được thành lập ở Kalmykia. Các hội Phật học ở Moscow và Latvia trước kia cũng tái lập lại và đang tích cực sinh hoạt.

Thượng toạ Samayev cho biết các đài truyền thanh và truyền hình đều có chương trình Phật giáo hàng tuần. Sự khôi phục và phát triển Phật giáo ở Nga đang đạt được những thành công. Điều này chứng tỏ là người Nga đang có một sự lự chọn mới cho cuộc sống tâm linh của họ. (16)

Trên đây chúng tôi chọn một số quốc gia phương tây tiêu biểu để giới thiệu sự bành trướng của Đạo Phật vào cuối thế kỷ 19 cho đến nay. Dĩ nhiên, chúng ta cũng đã gặp sự hiện diện của Phật giáo trên hầu hết các quốc gia Âu châu kể cả Bắc Âu và Đông Âu. Phật giáo tại Đức, Ý, Ba Lan, Tiệp khắc, Thuỵ Điễn,… cũng gặp được nhiều thuận duyên để phát triển và phong trào nghiên cứu, tìm hiểu đạo Phật ngày càng dâng cao với làn sóng di dân từ các quốc gia Á Châu như Nhật, Đại Hàn và nhất là cuộc ra đi tị nạn cộng sản vĩ đại nhất trong lịch sử loài người của cộng đồng Việt nam sau tháng 4 năm 1975. Và chính nhờ cuộc di cư của hơn ba triệu người Việt của ba thập niên qua mà một sự kiện phải được tìm hiểu và nói đến, đó là Phật giáo Việt nam ở hải ngoại, trong đó có Phật giáo Việt nam tại Hoa kỳ.

II- SỰ HÌNH THÀNH CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ:

Dĩ nhiên trong bài viết hạn hẹp này, chúng tôi sẽ không đề cập đến Phật giáo Hoa kỳ theo cách nhìn tổng hợp của Gs Trần Quang Thuận với tác phẩm “Phật giáo Mỹ” Người viết chỉ chú trọng đến việc tìm hiểu Phật giáo Việt Nam đến Mỹ ra sao ? Bằng con đường nào và bằng những nỗ lực nào mà Phật giáo Việt Nam đang xây dựng được một Giáo hội lớn mạnh là “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hải ngoại tại Hoa Kỳ”. Tìm hiểu được vấn đề này thì cũng giải thích được sự lớn mạnh của các tổ chức GHPGVNTN trên những quốc gia có đông người Việt tị nạn cư ngụ và sẽ đánh giá được tiềm năng phát triển tương lai của thực thể Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hải ngoai nầy.

Theo Gs Trần Quang Thuận, Hoà thượng Thích Thiện Ân là vị Pháp sư đầu tiên truyền bá Phật Giáo Việt Nam đến Hoa kỳ. Hoà thượng xuất gia năm 1936, tốt nghiệp Đại học Phật giáo năm 1952. Đỗ Tiến sĩ văn chương tại Đại học Waseda Tokyo năm 1962. Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử Ngài làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục, đồng thời làm Khoa trưởng phân khoa Văn Học Và Khoa Học Nhân văn Viện Đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng còn là Giáo sư Đại học Sài gòn và Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học văn khoa Huế (Người viết bài này có được niềm vinh dự làm môn đệ của Ngài khi theo học năm cuối của chương trình Cử nhân văn chương và sử học ở Đại học Huế.)

Năm 1966 Hoà thượng được mời sang Hoa kỳ và dạy học tại Đại học UC Los Angeles. Sự hiện diện của Hòa thựơng tại Hoa kỳ vào những năm cuối thập niên 60 đã là nhân tố tích cực cho phong trào Phật giáo Việt Nam nẩy nở ở Hoa kỳ và là nền tảng cho việc hình thành các tổ chức thuộc Phật giáo Viêt nam tại Hoa kỳ sau này. Quốc tế Thiền Viện (International Meditation Center) được Hoà thưọng thành lập năm 1970. Qua 1973 Đại học Đông phương (University of Oriental Studies) được hình thành và Hoà thượng đảm nhận vai trò Viện trưởng. Tháng 4/1975 khi làn sóng người tỵ nạn cộng sản Việt nam đổ dồn đến Hoa kỳ, Hòa thượng thành lập chùa Việt nam ở Los Angeles, để chăm sóc đời sống tinh thần cho các Phật tử lưu vong. “Hội Ái Hữu Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ” ra đời 1976 với Hoà thượng làm Chủ tịch Hội Đồng Quản trị và Gs Trần Quang Thuận làm Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành. Hội này sau đổi tên là “Hội Liên Hữu Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ” là nền tảng đầu tiên cho tổ chức Phật giáo Việt nam tại hải ngoại.

Vào năm 1978 khi cộng đồng Việt nam, nhất là đa số Phật tử đã đến định cư đông đảo trên đất Mỹ thì một tổ chức lớn hơn mang danh xưng “ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ” được hình thành với Hoà thượng Thích Thiện Ân làm Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành, Gs. Trần Quang Thuận làm Tổng Thư Ký.

Với sự kiện này thì rõ ràng là đã có một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại thành hình tại Hoa Kỳ rồi. Hoà thượng Thích Thiện Ân viên tịch năm 1980 và Hoà thượng Thích Mãn Giác đã được ủy thác kế tục sự nghiệp lãnh đạo Tổng Hội của Ngài với tư cách là Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa kỳ (nhiệm kỳ 1982 - 1984).

Tại Hoa Thịnh Đốn, các Tăng Ni họp Đại Hội ngày 06 tháng 5 năm 1979 để thành lập một tổ chức Phật Giáo, mang tên là:”Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại” mà Thượng thủ là Hòa thượng Thích Tâm Châu, Tổng Thư ký là Thượng toạ Thích Giác Đức. Giáo Hội này qua năm 1980 đổi tên thành: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới” với mục tiêu nhắm tới là tổ chức xúc tiến việc tu học cho hàng Tăng Ni và Cư sĩ Phật tử, tổ chức công tác xã hội, giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, vận động đòi hỏi tự do tín ngưỡng tại quê nhà. Như vậy, từ đây có hai tổ chức hoạt động song hành. Tổng Hội (Ht Thích Mãn Giác) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới. (Ht. Thích Tâm Châu) (17)

(Theo Hoà thượng Thích Giác Lượng cho biết thì vào năm 1979 một tổ chức Phật Giáo dòng phái Khất Sĩ ra đời mang tên là: “Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới” Hoà thượng Thích Giác Nhiên làm Pháp Chủ. Thượng toạ Thích Giác Lượng làm Viện Trưởng Viện Hành Đaọ. Thượng toạ Thích Minh Tuyên làm Tổng Thư Ký. (hiện nay Thầy Giác Lượng và Thầy Minh Tuyên với Giới phẩm là Hoà thượng)

Ngày 21.9.1991 trong lễ khai mạc Đại Hội Tổng Hội PGVN tại Hoa kỳ khai diễn tại chùa Liên Hoa, thành phố Olympia, tiểu bang Washington State, Hoà thượng Hội Chủ Thích Mãn Giác đã tuyên đọc Tâm thư của Đại lão Hoà thương Thích Đôn Hậu Chánh thư Ký Viện Tăng Thống gửi chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ Đại đức Tăng Ni đang tu học và hành đạo ở hải ngoại, Ngài kêu gọi “Vì sự tồn tại của Giáo Hội, vì sự quang vinh của Đạo Pháp và Dân tộc mà gát bỏ những quan điểm dị biệt để cùng nhau hoằng dương Chánh Pháp”

Dựa trên Tâm thư của Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu và Thông Điệp của Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN từ Việt nam gởi qua, một cuộc vận động thống nhất tất cả các tông phái Phật giáo Việt nam tại hải ngoại, nhất là tại Hoa kỳ để đi tới một “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại” mà căn bản tổ chức dựa theo các quy định của Hiến chương Phật Giáo 1964 ở trong nước.

Tuy vậy, trong thời gian cuộc vận động thống nhất đang tiến hành thì Hoà thượng Thích Thanh Cát tiến hành một Đại hội thánh lập Giáo Hội tại chùa Giác Minh, Palo Altos, California, với sự tham dự của 30 đại biểu và hơn 300 đồng bào Phật tử vào 3 ngày 6, 7, và 8 tháng 3 năm 1992 . Giáo Hội mới này có tên là: “Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ” mà Hoà thượng Thích Thanh Cát đảm nhiệm chức vị Tăng Thống.

(Theo lời của Hòa thượng Thích Minh Tuyên cho biết thì hiện nay có đến 8 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang sinh hoạt tại Hoa Kỳ. Ngoài 4 Giáo Hội đã được đề cập còn có Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thuỷ Việt Nam tại Hoa kỳ do Hoà thượng Thích Hộ Giác làm Tăng Thống . Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn do Hoà thượng Thích Huyền Vi với chức vị Tăng Thống. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ do Hoà thương Thích Nguyên Đạt làm Chủ tịch và Thượng toạ Thích Pháp Châu làm Tổng Thư ký.)

Việc Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại là một ước nguyện cháy bỏng của toàn thể Phật tử và của quý chư tôn đức, nên cuối cùng một Đại hội quy mô đã đựợc tiến hành tại San Jose, California trong 3 ngày 25, 26, và 27 tháng 9 năm 1992, để hình thành một cơ chế thống nhất: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ” gồm có:

HỘI ĐỒNG ĐẠI DIỆN (*)

Hoà thượng Thích Giác Nhiên, Hoà thượng Thích Hộ Giác, Thượng toạ Thích Chánh Lạc,

Thượng toạ Thích Thắng Hoan , Thượng toạ Thích Đức Niệm ,Thượng toạ Thích trí Chơn,

Thượng toạ Thích Thiện, trì Thượng toạ Thích Chơn Điền, Thượng toạ Thích Pháp Nhẫn,

Thượng toạ Thích Giác Lượng

Hội Đồng đã suy cử Thượng toạ Thích Đức Niệm giữ chức vụ Chánh Văn Phòng của Hội Đồng Đại Diện.

HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

Chủ tịch: Hoà thượng Thích Hộ Giác

Phó Chủ tịch: TT. Thích Chánh Lạc, TT.Thích Thắng Hoan, TT. Thích Pháp Nhẫn,

TT. Thích Trí Chơn, TT.Thích Giác Lượng,

Tổng Thư ký: TT. Thích Viên Lý

Phó Tổng Thu ký: Đại đức Thích Minh Dung, Đại đức Thích Từ Lực

Thủ quỹ : Ni Su Thích Nữ Nguyên Thanh

Phó Thủ quỹ: Ni Sư Thích nữ Tịnh Thường

Vu Trưởng Vụ Tăng Bộ: TT. Thích Thiện Trì

Phụ tá: TT. Thích Chơn Điền

Vu Trưởng Vụ Ni Bộ: (y chỉ Tăng Bộ)

Ni Sư Thích Nữ Diệu Từ

Vụ trưởng Vụ Hoằng Pháp: TT. Thích Chánh Lạc

Vụ trưởng Vu Văn Hoá : TT. Thích trí Chơn

Vu trưởng Vu Giáo dục : TT. Thích Tịnh Từ

Phu tá : Đại đức Thích Minh Đức

Vụ trưởng Vu Cư Sĩ : TT. Thích Minh Tuyên

Vụ trưởng Vụ Thanh niên, Sinh Viên &GĐPT.

TT. Thích Minh Đạt

Vu trưởng Vu Xã Hội : TT. Thích Giác Lượng

Vụ trưởng Vu Kinh tế, Tài chánh: TT.Thích Nguyên Trí

Vu Trưởng Vụ Truyền thông : Gs Bùi Ngọc Đường

Phụ tá : Gs. Ngô Văn Bằng

Vụ trưởng Vu Nghi Lễ : TT. Thích Tín Nghĩa

Vu trưởng Vụ Pháp chế : TT. Thích Pháp Nhẫn

Vu trưởng Vu Giao tế : GS. Trần Quang Thuận

Trưởng Ban nghiên cứu kế hoạch va phát triển:

Pháp Sư Thích Giác Đức

( với sự cộng tác của nhiều nhân sĩ trí thức Phật tử được Đại hôi đề cử)

HỘI ĐỒNG GIÁM LUẬT:

Chu tịch: Thượng toạ Thích Thiện Trì

HỘI ĐỒNG GIÁM SÁT :

Chủ tịch: Thượng toạ Thích Phước Thuận

Thành Viên: TT. Thích Hạnh Đạt, TT. Thích tri Tuệ,

Thượng toạ Thích Giác Sơn.

Đại Hội đã nhận được lời chúc mừng từ nhiều nơi trên thế giới, từ nhiều đoàn thể Tôn giáo bạn và đặc biệt Tổng Thống Bush, Thống đốc Tiểu Bang California đều có gởi điện chúc mừng. Đại hội đã thành công rực rỡ qua hình ảnh buổi lễ khai mạc với trên 2000 Phật tử tham dự. Đêm văn nghệ chào mừng Đại Hội với hơn 3000 khán giả.

Đặc biệt cần lưu ý trong đại hội thống nhất này là đã không có sự tham dự của Ht. Thích Mãn Giác Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa kỳ, Hoà thượng Thích Tâm Châu, Thựơng thủ Giáo Hội Phật Giáo VN trên Thế giới, Hoà thượng Thích Thanh Cát, Tăng Thống Giáo Hội Liên Tông PGVN tại Hoa kỳ và cũng không có sự hiện diện của Ht. Thích Huyền Vi Tăng Thống GHPG Linh Sơn và Ht. Thích nguyên Đạt Chủ tịch của GHPGVNTN tại Hoa kỳ (xin lưu ý, sự khác biệt giữa hai Giáo hội( GHPGVNTN tại Hoa kỳ của thầy Thích Nguyên Đạt và Pháp Châu. Và GHPGVNTN hải ngoại tại Hoa Kỳ do Ht. Thích hộ Giác làm Chủ tịch Hội Đồng Đìều Hành ra đời tháng 9 năm 1992.)

Giáo Hội PGVNTN hải ngoại tại Hoa kỳ sau đó được Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo trong nước do nhị vị Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ lãnh đạo, đã ra chiếu chỉ ủy thác cho Giáo Hội này ở Hoa kỳ thành lập văn phòng II Viện Hoá Đaọ (Trung Ương)

Từ ngày thành lập (tháng 9.1992) đến nay, GHPGVNTN/HN tại Hoa kỳ đã tiến hành được 3 đại hội khóang đại (1996, 2000, 2004) để kiện toàn cơ sở, củng cố thực lực và đẩy mạnh công cuộc hoằng pháp và nhất là vận động đấu tranh mạnh mẽ cho tư do tôn giáo tại quê nhà. Hoà thượng Thích Hộ Giác vẫn giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành.

Hiện có gần 3 triệu người tỵ nạn cộng sản đang định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đông nhất là tại Hoa kỳ. Cho đến giờ chưa có một cuộc thống kê đầy đủ con số Phật tử hải ngoại. Nhưng căn cứ vào tỷ lệ hơn 80% tín đồ Phật giáo so với dân số trong nước, thì có thể nói là số Phật tử Việt nam hiện nay trên thế giới phải lên đến trên hai triệu người rải rác trên khắp các tiểu bang Hoa kỳ, Úc, Pháp, Canada… Cứ nhìn vào con số chùa và tu viện được xây dựng gần đây thì thấy sự lớn mạnh của Phật giáo Việt nam trên Hoa kỳ phát triển đến mức nào: Tại bang Alabama (1 chùa) Arizona(3 chùa) Arkansas (I chùa) California là tiểu bang có nhiều chùa viện nhất(cả thảy đến con số 73), Colorado (7 chùa Viện) Connecticut (2 chùa)District of Columbia (Hoa Thịnh Đốn với 2 chùa), Florida ( 6 chùa và tự viện) Georgia

(3 chùa),Hawaii (3 chùa) Idaho (1 chùa) Ilinoir (7 chùa Viện) Indiana (1 chùa) Iowa (1 chùa) Kansas (3 chùa) Kentucky (1 chùa) Louisiana (4 chùa và Tự Viện) Massachusetts (5 chùa) Michigan (2 chùa) Minnesota (2 chùa)Mississippi (2 chùa) Missouri (2 chùa) Nebraska (1 chùa) Nevada (1 chùa) New Mễxico (2 chùa) New York (4 chùa) North Carolina (3 chùa) Ohio (3 chùa) Oklahoma (3 chùa) Oregon (5 chùa) Pensylvania (5 chùa) Tennessee (1 chùa)

Texas là tiểu bang thứ hai sau California có nhiều chùa, tự viện và tu viện nhất (với tổng số lên tới 20 ) Utah (2 chùa) Vermont (2 chùa) Virginia (4 chùa) Tiểu bang Washington (9 chùa) Wisconsin (1 chùa)

Nhìn qua ghi nhận ở trên đây thì cả thảy 39 tiểu bang trên tổng số 50 bang của Hoa kỳ đều có Phật giáo Việt nam hoạt động, gần như nơi đâu có người Việt thì ở đó có chùa, viện mọc lên. Tính cả thảy chùa viện trên lãnh thổ Hoa kỳ do cộng đồng Phật giáo Việt nam xây dựng thì đã lên đến con số 209 đơn vị. Con số này nói lên được nhiều điều về sự sùng mộ Đạo Phật của cộng đồng tỵ nạn Việt nam, đời sống tâm linh phong phú, cùng ảnh hưởng mạnh mẽ lên các cộng đồng sắc dân khác, nhất là cộng đồng thuần tuý người Mỹ. Con số này cũng nói lên được sự đông đảo của người Việt tại hai vùng Nam Bắc Cali (75 chùa viện) và Texas (20 chùa,viện) và cũng cho thấy các bang ít người Việt đến định cư như là Alabama, Arkansas, Idaho, Indiana, Iowa, Kentucky, Minnesota, Mebraska , Nevada, Tennessee, Wisconsin, mỗi bang chỉ có một chùa hay một thiền viện mà thôi (18)

Khi đề cập đến bước chân của Phật giáo Việt nam trên đất nước Hoa kỳ mà không nhắc đến vai trò của Thiền Sư Nhất Hạnh thì hẳn là điều sơ xuất (ở đây, người viết xin chỉ đề cập đến góc cạnh lịch sử và xin được miễn phê phán về thái độ chính trị của Thầy ).Thầy Thích Nhất Hạnh tu học ở Huế, có công sáng lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (1965) kêu gọi tuổi trẻ dấn thân theo kiểu Kibout của Do Thái. Thầy xuất bản rất nhiều sách, nhưng cuốn”Hoa Sen Trong Biển Lửa” (Lotus in the sea of fire) xuất bản 1966 là gây nhiều tiếng vang nhất, được nhà thần học Thiên Chúa Giáo nổi tiếng người Mỹ là Linh mục Thomas Merton đề tựa, bán rất chạy ở Hoa kỳ và trên Thế giới.

Tháng 5. 1966 Thầy Nhất Hạnh được Đại học Cornell ở Mỹ mời diễn thuyết hoà bình và cùng năm này Thầy Thích Thiên Ân được mời dạy ở Đại học UCLA (Hoa kỳ). Sự hiện diện của hai nhà Sư lỗi lạc của Việt nam thời đó đã là nhân tố, là duyên lành cho bước đi thành công của Phật Giáo Việt Nam trên bước đường hoằng pháp tại Hoa kỳ hiện nay.

Giáo sư Trần Kiêm Đoàn trong bài viết “Biển lửa giữa hoa sen” đã nhận xét về đạo tràng Làng Mai (ra đời khoảng 1982) như sau: “Với sự ra đời của Làng Mai, Thầy Nhất Hạnh đã tiếp nối phát huy tinh thần đại chúng hóa của Phật giáo Việt nam, đưa tinh hoa của Thiền tông và Tịnh độ đến gần với mọi người không phân biệt chủng tộc hay hoàn cảnh xuất thân. Bên cạnh Thiền Sư Ấn độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Tạng, Đài Loan, Đại Hàn… thì Thiền học Việt nam theo mô thức Làng Mai (cũng gọi là Thiền Làng Mai) cũng được hàng ngàn, hàng vạn người Âu Mỹ quan tâm tìm hiểu và theo học. Trong hiện trạng sinh hoạt văn hoá và tâm linh tại các nước Âu Mỹ, phải khách quan để thấy rằng: Thầy Nhất Hạnh là nột trong những hiện tượng hiếm hoi về sự thành công của một nhà Sư Phật giáo Việt nam trong cộng đồng thế giới. Trong gần 40 năm qua, Thầy Nhất Hạnh đã liên tục mở những khóa tu học cho cả Việt nam và người nước ngoài.

Đặc biệt tại Mỹ, những buổi nói chuyện về các đề tài Thiền học và cách ứng xử với cuộc sống hằng ngày trước mắt bằng tinh thần Thiền học do Thầy Nhất Hạnh thuyết giảng và hướng dẫn tại nhiều nơi trên đất Mỹ, thường thu hút đông đảo người nghe. Những hội trường rộng mênh mông không còn chỗ trống. Nét đặc trưng của các khóa tu học hay thuyết giảng về Thiền của thầy Nhất Hạnh là tính chất đơn giản và thực dụng, rất hợp với căn cơ của ngưới Mỹ và người Việt trong xã hội công nghiệp Âu Mỹ. Thính chúng không cần phải có một căn bản giáo lý hay một quá trinh tu học vẫn theo dõi và hiểu được”(19). Và “Thiền Làng Mai” đã tạo được ảnh hưởng rộng lớn trên khắp đất nước Hoa kỳ. Gs. Trần Quang Thuận trong “Phật Giáo Mỹ”(trang 341 - 353) đã ghi nhận được địa chỉ và số điện thoại của các Trung tâm Thiền do Thầy Nhất Hạnh và các môn đệ hướng dẫn trên các tiểu bang Hoa kỳ: Alaska (1), Arizona (3), Arkansas (1), California (18), Colorado (1), Connecticut (1), Florida (1), Idaho (2), Ilinois (3), Louisiana (1), Maine (2), Maryland (1), Maswsachusetts (1), Michigan (3), Missouri (2), Montana (2), New Hampshire (1), New Jersey (3), New Mexico (2), New York (9), North Carolina (3), Ohio (3), Oregon (4), Pennsylvania (4), Texas (5), Utah (1), Vermont (4), Virginia (6), Washington (2), Wisconsin (5).

Theo con số ghi nhận trên đây thì 30 trong số 50 tiểu bang Hoa kỳ đều có buớc chân của đạo tràng Làng Mai hiện diện. Như vậy ảnh hưởng lớn mạnh của thầy Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai ở Hoa kỳ là điều không thể phủ nhận đựợc, nhất là ảnh hưởng này không những tác động trên Phật tử Việt nam, mà còn tác động lên các sắc dân khác và nhất là trong giới trẻ của người Hoa kỳ chính gốc.

Nếu so sánh với sự có mặt của các chùa, tự viện như đã trình bày ở phần trên, thì trung tâm Thiền do Làng Mai điều hành đã vươn tới những tiểu bang không có chùa hay tự viện nào cả như New Hampshire, Main, Maryland, Montana và đã đẩy sự hiện diện của Phật giáo Việt nam từ 39 tiểu bang lên đến 43 trên 50 tiểu bang Hoa kỳ. Đặc biệt ở bang Vermont chỉ có 2 chùa, nhưng lại có đến 4 trung tâm Thiền của Thầy Nhất Hạnh, hay tại bang Wisconsin chỉ có một chùa Phước Hậu, nhưng lại có đến 5 trung tâm Thiền của đạo tràng Làng Mai.

Qua phần trình bày trên đây, người viết chỉ mong đóng góp một cái nhìn tổng quát về sự hiện diện của Phật Giáo Việt nam trên đất Hoa kỳ. Sự hiện diện này ngày càng được củng cố và phát triển đến mức độ mà ít ai ngờ được. Dĩ nhiên Phật Giáo Việt Nam không thể đạt đến thành công lớn lao như vậy trên con đường hoằng pháp nếu không có làn sóng di dân tị nạn đổ dồn đến vùng đất hứa này sau tháng 4 đen của 1975.

Người viết chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót về tư liệu và không tránh khỏi những nhận định chủ quan, nhưng tâm thành của người viết là ước mong ghi lại một chặng đường đáng trân trọng trong công cuộc hoằng pháp của chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử Việt nam ở hải ngoại nói chung và ở Hoa kỳ nói riêng.

Và bài viết này cũng để thành kính cúng dường Đại hội Hoằng Pháp với chủ đề: “Phật Giáo Với Phương Tây trong Thời Đại Mới” được Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Si Thế Giới, Việt nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội, Tổng Hội Phật tử Việt nam cùng một số trung tâm văn hóa, xã hội phối hợp tổ chúc tại Như Lai Thiền Tự, San Diego trong ba ngày 16, 17, và 18 tháng 9 năm 2005

Nam Mô A Di Đà Phật.

Chú thích:

1) Trần Quang Thuận, PHẬT GIÁO MỸ, tap I, nxb Trung tâm học liệu Phật giáo, Mission Hills, CA. 1999, tr. VII.

2) Minh Ngọc “ Phác thảo về tình hình Phật giáo ở một vài nước trên thế giới” trong” Phật giáo trong thế kỷ mới”, Tuyển tập II do Giao điểm ấn hành tại Hoa kỳ 1997, tr.130, 131.

3) Bài nầy “ Le Grand Christ du Vide” ( Vị Chúa Vĩ đại của cái “KHÔNG” của Roger pol Droi, được nhà văn Trần Doãn Nho và Chân Phương dịch và đăng lại trong tạp chí Thế kỷ 21, số 184, ấn hành tạ Nam Cali, tháng 8 .2004, tr. 44, 47.

4) Roger Pol Droi, tài liệu đã dẫn, tr. 47.

5) Phát biểu của Đại lão Hoà thượng Tiến sĩ K.Sri Dhammananda trong “ Buddhism in the Eyes of Intellectuals” do Thích Tâm Quang dịch, Đường sáng Ấn quán xuất bản, San Jose CA.1994, tr. 21.

6) Trích dẫn theo K.Sri Dhammananda (bản dịch của Thích Tâm Quang,) sđd, tr.103.

7) Ibid, tr.27

8) I bid, tr. 135

9) Ibid, tr. 50

10) Trần Nhu „ Tinh Thần Phật Giáo Nhập Thế“, nxb. Nguồn Sống, San Jose, CA. 2005, tr. 1099

11) Ibid , tr.1100, 1101 và của Minh Ngọc ( Giao điểm),sđd,tr.148

12) Minh Ngọc, sđd,tr. 146, 147

13) Ibid , tr. 145, 146

14) Trần Nhu, sđd, tr. 1105

15) Minh Ngọc, sđd, tr. 145

16) Ibid, tr. 154, 155

17) Xin xem thêm chi tiết về thành phần lãnh đạo và tiến trình hình thành của Tổng Hội và Giáo Hội PGVN trên Thế giới trong sách của Trần Quang Thuận, sđd , tr. 267, 274

18) Có sự khác biệt trong tài liệu của Gs. Trần Quang Thuận và của Lê hữu Đỗ về tên của các chùa, tự viện tại các bang tại Hoa kỳ. Xin đối chiếu: TQT., PGM, sđd, tr. 320, 340. và từ trang 341 đến 353.

LHĐ. “Buddhist Churches of America in The Vietnamese Tradition,” Dorrance Publishing Co,Inc,Pennsylvania, 2003,tr 157-205

19) Tran Kiem Doan , ”Bien Lua Giua Hoa Sen “ dang tren nhieu to bao va tap chi o Hoa Ky .Phan trich doan nay duoc chuyen tai tu website : phusa.net

(*) Thành phần các chức vụ lãnh đạo xin tham khảo Tạp chí Bông Sen Hoa kỳ số 12, tháng 11- 12, 1992.

San Jose, những ngày vào thu 2005

LÊ ĐÌNH CAI

Pháp danh Quảng Uyên

 

---o0o---

Nguồn: www.khoahoc.net

Trình bày: Anna

Cập nhật: 01-7-2007

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

định Huyền thiện Nhớ tháng Giêng đến Mẹ 66 tap ò há ng nÃ Æ gửi bạn ngày tận thế A Di Đà Quán Thế Âm Hai vị Phật trong Tổ quÃÆ Phật giáo HÃƒÆ vi sao phat giao duoc bau chon la ton giao tot phap Mat テス y鎈 Nhớ Một tư liệu về cố gắng cải đạo Vùng ký ức Vài về Đức Dhakpa Tulku Rinpoche 惡曜意思 cung suy ngam ve 10 cau danh ngon cua gia cat Trung 1 2 3 ta đi ăn chay thuơng Nhá nhung dieu phat tu da ket hon va chuan bi ket Công thức pha chế Tịnh Tâm Sen Đậu nành chống được hai bệnh ung thư Chí hoc thien phat giao hoc phat cơn chieu cười và hạnh phúc trong cơn lốc khủng 波羅蜜心經全文 çŠ Tảo Spirulina có ích cho người ăn chay ngọc Trẻ béo phì dễ bị bạn bè bỏ