Thơ -

.

 

 

 

 Thơ thiền Lý Trần in trên giấy dó

Sáng 19.05.2005, tại Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM, nhà thơ Nguyễn Duy phối hợp cùng Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn đã khai mạc triển lãm “Thơ thiền Lý Trần in trên giấy dó” và giới thiệu tập sách “Thơ thiền Lý Trần” do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên. Tới dự lễ khai mạc có bà Nguyễn Thế Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí cùng bạn bè thân hữu của nhà thơ.

Thơ thiền Lý Trần là công trình công phu của nhà thơ Nguyễn Duy cùng nhóm cộng tác trong bắt đầu từ năm 2000, đặc biệt là sự đóng góp của hai nhà thơ ở nước ngoài là ông Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Mỹ Kevin Bowen cho phần dịch sang tiếng Anh. Tác phẩm chọn lọc 30 bài thơ thiền tiêu biểu trong kho tàng thi ca gần 1000 năm của dân tộc. Ngoài việc sưu tầm, biên soạn, dịch thơ, Nguyễn Duy còn tự mình chụp những bức ảnh minh họa rất độc đáo, in đậm dấu ấn thiền, để minh họa cho các bài thơ.

Từ ngày tuyên bố không làm thơ nữa, Nguyễn Duy đã dồn tất cả tâm huyết và tài năng của mình cho việc sưu tầm và phổ biến những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại. Không đơn giản là sưu tầm và in ấn, ông còn muốn lưu giữ những tác phẩm vô giá ấy dưới những hình thức trang trọng hơn cách thức truyền thống, đó là giữ gìn tinh hoa cổ bằng chính những vật liệu quý hiếm nhất mà cha ông đã sáng tạo ra, in thơ trên giấy dó là một trong những tìm tòi và thể hiện thành công của ông cùng con trai và nhóm cộng sự.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Tròn, Giám đốc Tổng ty Văn hóa Sài Gòn bày tỏ sự khâm phục công sức lao động lặng lẽ của nhà thơ Nguyễn Duy cùng nhóm cộng sự, ông nói: “Tác phẩm “Thơ Thiền Lý Trần” in trên giấy dó khổ lớn (1,1mx 0,8m), một loại giấy được những người thợ Việt Nam tài hoa sản xuất bằng phương pháp thủ công và hầu như không tương thích với bất kỳ một loại máy in thông thường nào, đã được hoàn thành bằng tâm, tài và sức của nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm cộng tác, không hề nhận bất cứ một sự tài trợ nào khác”.

Nguyễn Duy cho biết, ông có dự định sẽ cộng tác với Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn thực hiện một tủ sách về những tinh hoa của văn hóa Việt Nam mà tập sách “Thơ thiền Lý Trần” là cuốn mở đầu. Trong lời tựa cho tập sách, TS Lê Mạnh Thất viết: “Việc tập hợp lại một số bài thơ thiền tiêu biểu của Nguyễn Duy giúp người đọc có cái nhìn mới không chỉ về nền văn hóa trong quá khứ của dân tộc Việt Nam mà còn từ nền văn hóa quá khứ ấy xây dựng một lối sống mới trong quan hệ với đồng loại, với thế giới xung quanh”. Đây quả là một nhận xét đúng mực cho những nỗ lực của Nguyễn Duy và nhóm cộng sự trong suốt 5 năm qua.

Triển lãm sẽ mở của đến hết ngày 25.05.2005, ngơời yêu thơ cổ có thể mua tập sách in rất đẹp này cùng chữ ký của nhà thơ Nguyễn Duy ngay tại triển lãm, giá bán: 250 ngàn đồng.

T.P

 

 

Nguyễn Duy triển lãm "Thơ Thiền"
Món quà dâng tặng Thăng Long 995 tuổi

Sau TP Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 9-10 là nơi nhà thơ Nguyễn Duy triển lãm tập sách Thơ thiên Lý - Trần in bằng ba thứ tiếng Hán - Việt - Anh trên giấy dó. TS. văn học Đào Tuấn Ảnh có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Duy.

 * Nghe nói anh rất vất vả để chuẩn bị cho cuộc triển lãm thơ đặc biệt này?

 - Vâng, tôi phải chở từ trong miền nam ra hai tấn thơ, gồm sách thơ, lịch thơ, 70 khung kính thơ khổ lớn và suốt tuần qua các thành phần ban tổ chức cùng bạn bè đã phải làm việc tối tăm mặt mũi, với mong muốn cuộc triển lãm này thật sang trọng và "hoành tráng".

 * Với những cuộc triển lãm thơ từ gần chục năm nay phải chăng anh đã khiến cho nghệ thuật tạo hình, các họa sĩ mất vị thế độc tôn trong trò chơi "sắp đặt" (installation) của họ?

 - Sắp đặt không mới đối với nghệ thuật tạo hình và sân khấu thế giới. Song đối với nghệ thuật ngôn từ nó hoàn toàn mới lạ.

 Đổi mới ngôn ngữ luôn là một nhu cầu nội tại của nghệ thuật; "sắp đặt" cũng là một dạng đổi mới đó.

 Với sự trợ giúp của các loại ngôn ngữ đồ vật, hình thể, họa sĩ và nhà văn muốn làm nổi bật và phong phú thêm ngôn ngữ đặc trưng của loại hình nghệ thuật của mình, chuyển tải được tinh thần, tư tưởng của tác phẩm.

 Riêng đối với triển lãm - sắp đặt thơ thiền tôi muốn sử dụng ngôn ngữ cảnh vật, đồ vật để thể hiện tinh thần cơ bản của thiền học nước Việt: đó là sự gần gũi với đời, với người.

 Riêng nhà Thái Miếu và không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám tự nó đã là một không gian "sắp đặt" lý tưởng , đầy chất thơ, ở đó giữa thơ và đời sẽ không còn ranh giới.

 Tôi sẽ không "gây rối" thêm cho cảnh sắp đặt tự nhiên này ngoài điểm nhấn cho nó là những cây thang tre có kích cỡ khác nhau (khác với thúng mủng, chum vại trong các cuộc triển lãm - sắp đặt Thơ Nguyễn Duy những lần trước).

 * Sau lần "tìm về cội nguồn" này anh đã "ngộ" ra được điều gì?

 - Tôi đã tiếp thu được tinh thần cơ bản của các vị liệt tổ liệt tông truyền qua những áng thơ bất hủ: hãy học làm một người bình thường, biết sống thanh thản. Với mỗi con người, bất kỳ ở địa vị nào, đều cần một tấm lòng. Tấm lòng đó thấm sâu vào những bài thơ tưởng chừng như chỉ mang ý nghĩa chính trị, ví như bài Quốc tộ của thiền sư Pháp Thuận (915-990):

 Bời bời vận nước quấn mây
Trời nam mở lượng đó đây thái bình
Thiền tâm thấm tận triều đình
Thì nhân gian dứt đao binh đời đời

 Nói đến đây lại nhớ Trịnh Công Sơn, mà không hiểu sao tôi cảm thấy sáng tác của anh thấm đẫm tinh thần nhà Phật.

 Một trong những lời ca của anh Sơn luôn đi theo tôi, đó là: Sống trong đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...

 

Theo Thể thao và Văn

 

Nguyễn Duy: 'Tiềm lực còn đang ngái ngủ'

 

"Văn học VN thường bị cho là ít tầm tư tưởng. Tôi muốn đưa ra một minh chứng ngược lại. Vua Trần Thánh Tông có câu thơ làm tôi thấy sởn gai ốc: 'Một sớm bỗng thấy hết được khuôn mặt của mẹ/ Thì ra khuôn mặt ấy chỉ có một nửa' (bản dịch nghĩa)", nhà thơ Nguyễn Duy nói về tham vọng đưa thơ ra với thế giới.

- Nhà văn không cần bạn đọc, bạn đọc không cần nhà văn, còn Hội Nhà văn thì không cần cả hai, thế tại sao ông còn bay ra đây dự Đại hội?

- Chỉ là một cách nói để chỉ một thực trạng. Còn tôi, vẫn cần bạn đọc, cần gặp bạn văn. "Một công đôi việc", đây còn là để tranh thủ ra mua thêm ít giấy dó, cho tập sách - ảnh Thơ Thiền Lý - Trần đang làm.

- Cuốn sách đã làm tới đâu?

- Mới là bản mẫu: một cuốn in ngang khổ 30x40 cm, còn cuốn nữa, in dọc, khổ 81x111 cm, dự tính để làm triển lãm, và in túc tắc cho khách "VIP". Lại còn phải làm thêm một loạt cuốn khổ 25x25 cm nữa để phát hành đại trà. Triển lãm sẽ mở vào tháng 5 tại TP HCM và tháng 10 tại Hà Nội.

- Không ít thi phẩm trong số đó từng được dịch rất hay, vì sao ông có ý định dịch lại bằng lục bát?

- Lục bát thì dễ thuộc, dễ nhớ.

- Từ thơ thiền bước ra "chợ văn", chợ đời, ông thấy thế nào?

- Một ý thiền dạy ta: Cái phi thường nhất của con người là làm một người bình thường. Trong khi, nhiều người lại cố làm một người phi thường.

- Những "cú độc chiêu" trong làm sách, làm lịch... có ý nghĩa thế nào với ông?

- Trong khi chưa viết được cái gì mới thì đi làm những việc khác có ích hơn, vừa kiếm tiền giúp vợ con, đó là để làm người bình thường đấy thôi.

- "Những việc khác" ở ông tới đây còn là gì?

- Thơ Thiền Lý - Trần (kèm bản dịch tiếng Anh) thực ra mới chỉ là chặng đầu trong chuỗi "âm mưu" này: đi trọn 10 thế kỷ thơ thiền bao gồm 3 bộ: Lý - Trần, Lê - Nguyễn, từ sau Nguyễn tới nay. Tập Lý - Trần đang cố ra thêm bản tiếng Pháp và sắp tới, sẽ là tiếng Nga, Nhật, Đức... Rồi còn dự định đưa thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm... lên giấy dó.

- Vậy mà không ít nhà văn VN hiện nay lại bị cho là toàn viết những cái làng nhàng, ít tầm tư tưởng... Ông nghĩ sao?

- Tôi nhớ, nhà văn Kim Lân từng nói: "Ngày xưa, chúng tôi (Kim Lân, Nguyên Hồng...) thấy mình lớn lắm, thậm chí là nhất, thế mà viết còn chưa ra gì. Huống hồ bây giờ các anh chị chưa viết mà đã thấy mình nhỏ như con kiến, thế thì làm sao mà ra được tác phẩm lớn?".

- Nhiều đề tài thế sự đang bị bỏ ngỏ. Nhưng Nguyễn Duy đã nhiều lần chứng minh: thơ thế sự cũng có thể làm lớn, làm hay...

- Ôi, tôi thì viết không từ một cái gì. Thế nên bây giờ mới hết sạch cái để viết đây. Trong số những bài tôi đã làm, có thể có một vài bài hay, nhưng giờ nếu tôi làm, thì chưa chắc có một câu hay một từ hay, như thế chưa thể bắt đầu viết lại được. "Lúc này ta làm thơ cho nhau/ Đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ Tiềm lực còn ngủ yên...".

- Thế "tiềm lực ngủ yên" từ hồi ấy đến giờ sao?

- Tiềm lực mới từ từ thức dậy, nhưng đang... ngái ngủ.Theo Lao Động

22/08/2005 08:28:43 (GMT+7) - Tin Vietbooks

 

Người Việt Nam đầu tiên in thơ trên giấy dó

Giữa tháng 5-2005, lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một cuộc triển lãm. Quyển sách thơ thiền Lý - Trần là quyển sách thơ lớn nhất Việt Nam với kích thước: cao 1,11m; rộng 0,81m do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên và thực hiện, Nhà Xuất bản Văn hóa Sài Gòn cấp giấy phép xuất bản.

Cuốn sách thơ - ảnh đã tập hợp 30 bài thơ thiền tiêu biểu trong thời kỳ Lý - Trần thế kỷ X-XIV, được in trên chất liệu giấy dó - loại giấy làm bằng thủ công của các người thợ tài hoa Việt Nam - giúp người đọc nhận ra một số nét đặc trưng của Phật giáo trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Cuốn sách được thực hiện bằng tâm - tài - sức của nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm cộng tác với ông.

Những cuộc triển lãm thơ đầu tiên

Tháng 12-1997 ở thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc triển lãm nghệ thuật về thơ đầu tiên của Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Duy tổ chức. Hồi ấy, Nguyễn Duy đã chép thơ của ông lên thúng, mẹt, mành và rất nhiều đồ dùng dân dã khác. Sang năm 1998, lần đầu tiên ở Việt Nam có một nhà thơ đã dùng mấy chiếc ô tô để chuyển thúng, mẹt, điếu cày… của mình ra Hà Nội để tiếp tục cuộc triển lãm. Tiếp đến năm 2000, ông lại một lần nữa trở thành người đầu tiên của Việt Nam đem thơ ra nước ngoài triển lãm. Cuộc triển lãm diễn ra tại Boston - Hoa Kỳ.

Cũng trong năm 2000, Nguyễn Duy nảy ra ý định táo bạo làm một quyển thơ thiền thời Lý - Trần bằng giấy dó. Ông mua giấy về và nhờ các bạn làm trong ngành in in cho, nhưng tìm mọi cách vẫn không sao in được, vì giấy dó từ xưa đến nay hầu như chỉ dùng để viết chữ nho, vẽ tranh thủy mặc hoặc in các bản khắc gỗ. Riêng ảnh thì chưa in được trên giấy dó. Ý nghĩ in thơ trên giấy dó cứ thôi thúc ông.

Dịp may đến với Nguyễn Duy khi ông gặp được họa sĩ David Thomas - một cựu chiến binh Mỹ đã qua lại Việt Nam nhiều lần và đang in quyển sách ảnh về Hồ Chí Minh bằng giấy dó. Nguyễn Duy hết sức ngạc nhiên và có ý nghĩ, giấy dó là một chất liệu đặc biệt của Việt Nam, trong khi người thực hiện thành công việc in trên giấy dó là người nước ngoài mà không phải là người Việt Nam. Với ý nghĩ đó, Nguyễn Duy đã nhờ Thomas hướng dẫn tìm mua máy  in để  in giấy  dó. Sau khi được hướng dẫn cặn kẽ, Nguyễn Duy lập tức mua một máy in ở Boston mang về nước. Nhưng khi về đến Việt Nam, ông mới biết loại máy in ông đã mua do một hãng công nghệ thông tin của Mỹ chế  tạo được bán rất nhiều trên thị trường Việt Nam.

Hành trình làm thơ in trên giấy dó

Giấy dó là một chất liệu vô cùng độc đáo. Giấy được những người thợ làm bằng phương pháp thủ công, không dùng xút, không dùng hóa chất cho nên độ bền của giấy rất cao. Màu sắc của giấy có màu vàng nhạt, nên những văn bản được viết trên giấy này mang phong cách cổ xưa rất đặc trưng. Đây cũng là loại giấy rất khó in vì nó không tương thích với bất cứ loại máy in nào. Đặc biệt là in ảnh lại càng khó hơn nữa. Nhưng khi những bài thơ và hình ảnh được in trên giấy dó lại rất có hồn.

Năm 2001, Nguyễn Duy đã trở thành người đầu tiên của Việt Nam in lịch trên giấy dó. Cũng vào năm này, ông bắt đầu bắt tay vào thực hiện quyển thơ trên giấy dó với kích thước lớn: “Thơ thiền Lý - Trần”. Ban đầu, ông vác máy ảnh đi khắp nơi, chụp những hình ảnh về chùa vì phần lớn thơ thời Lý - Trần là của các thiền sư. Xuất phát điểm của Nguyễn Duy từ Trúc Lâm Yên Tử, nhưng sau khi đỉnh Yên Tử về thì bị tông xe. Suốt 3 năm dưỡng thương vì tai nạn giao thông, Nguyễn Duy vẫn dịch thơ và lang thang chụp ảnh với khoảng 5.000 tấm, trong đó chỉ chọn được hơn 100 tấm ưng ý.

Về phần nội dung, Nguyễn Duy mất gần 5 năm để hoàn thành. Cuốn thơ mang tên “Thơ thiền Lý - Trần” do nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên, điều hành chung và trực tiếp thực hiện in ấn, với sự tham gia của hai giáo sư trường Đại học Massachusetts (Hoa Kỳ): Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung (phần Anh ngữ). Phần Hán văn do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi hiệu đính, học giả Lê Mạnh Thát viết lời tựa. Nội dung chủ yếu dựa vào 3 tập văn thơ Lý - Trần (do giáo sư Nguyễn Huệ Chi chủ biên), nhưng tuyển chọn mỗi tác giả 1 bài và là những bài tiêu biểu nhất. Toàn bộ hình ảnh minh họa là ảnh của Nguyễn Duy về cảnh vật, thiên nhiên Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Duy đuợc xem là đã có một bước đột phá ngoạn mục khi thực hiện thành công quyển thơ thiền Lý - Trần in trên giấy dó. Bởi giấy dó là một chất liệu không dễ in. Máy in nhỏ không thể in được, rất may ông mua được một máy in khổ lớn. Nguyễn Duy cho biết, chỉ riêng bìa quyển sách, ông đã phải in hỏng mất 5 bìa mới hoàn thành (giá 700.000đồng/bìa). Thiết bị chụp ảnh cũ kỹ nhưng vẫn phải dùng, tuy ông biết chất lượng hình ảnh sẽ bị hạn chế. Đối với việc làm ảnh, quét ảnh chất lượng cao… phải thuê người làm với một khoản chi phí không nhỏ. Nặng ký hơn là chi phí các chuyến bay khứ hồi chụp ảnh vào Nam ra Bắc và các tuyến hành trình đường bộ. Giá thuê thiết kế mỹ thuật cũng là cả vấn đề (500.000đồng/trang). Nguyễn Duy cùng con mình đành tự mua máy và thiết kế, chế bản sách tại nhà, vừa làm vừa sửa mất 3 tháng ròng.

Giá trị vật chất có thể tính toán được, nhưng với quyển thơ thiền Lý - Trần, giá trị tinh thần là lớn hơn cả. Đó là thời gian, tâm, trí và tài lực làm việc của tác giả và nhóm cộng tác không thể tính toán bằng giá trị vật chất mà là một tài sản tinh thần quý giá. Nói như lời tựa quyển thơ thiền của tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh - TP.HCM: “Việc tập hợp lại một số thơ thiền tiêu biểu của Việt Nam giúp người đọc có cái nhìn mới không chỉ về nền văn hóa trong quá khứ của dân tộc Việt Nam, mà còn từ nền văn hóa quá khứ ấy xây dựng một lối sống mới trong quan hệ với đồng loại và thế giới xung quanh”.

Dự kiến sắp tới, Nguyễn Duy sẽ làm hai cuốn thơ thiền còn lại, lần lượt giới thiệu những bài thơ với những tác gia tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du (phần thơ chữa Hán), Hồ Xuân Hương… cho tới Hồ Chí Minh. Và không chỉ hạn chế ở tam ngữ, các quyển thơ thiền còn lại sẽ được dịch đa ngữ: Pháp, Đức, Nga, Nhật, v.v.. tùy theo khả năng cộng tác của nhóm biên dịch. Đây sẽ là dịp để những người yêu thơ thưởng thức những bài thơ thiền độc đáo trên giấy dó, một chất liệu đặc thù do người thợ thủ công Việt Nam chế tạo.

 

Nguyễn Duy và cuốn thơ thiền khổng lồ

Đó là một tập thơ gồm 30 bài của 30 thi sĩ là các vị hoàng đế, đại thần, thiền sư, ni cô, nhà tư tưởng... được nhà thơ Nguyễn Duy tuyển từ kho báu hơn 400 năm của văn học Lý - Trần và được Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn chọn làm sản phẩm "mở hàng" của mình vào sáng 17/5/2005.

Kích cỡ sách thuộc loại Guinesss Việt Nam: 80x110 cm, mỗi bài thơ được dựng từ 2 đến 3 trang gồm: nguyên tác chữ Hán, phiên âm - dịch nghĩa và dịch thơ quốc ngữ,  dịch nghĩa và dịch thơ Anh ngữ. Từng trang có ảnh nền, ảnh minh họa, là tác phẩm của Nguyễn Duy.

Trong việc biên dịch có sự cộng tác của giáo sư Nguyễn Huệ Chi (hiệu đính phần Hán học) cùng nhà thơ Mỹ Kevin Bowen và nhà thơ Việt kiều nhiều năm nghiên cứu thiền học Nguyễn Bá Chung. Đầu sách có tiểu luận Đọc thơ Thiền Việt Nam của học giả Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh. Tổng cộng quyển sách dày 80 trang giấy dó cộng với 80 trang lót nền bằng giấy cao cấp Galgo. Mỗi trang sách là một trang mỹ thuật tổng hợp, từ tinh túy thi ca và tư tưởng của tiền nhân cùng hình ảnh mọi miền đất nước: gốc tùng đại thụ hơn 700 năm tuổi, một góc đình xưa, một mái chùa cổ, một chiếc lá rơi, một bông cỏ may bên đường, một con ong, cái kiến...

Nguyễn Duy đã nhiều lần triển lãm thơ mình, và ông từng nghĩ đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Nhưng ông còn nghĩ đến cái gốc sâu xa hơn, thơ Việt thời Lý-Trần. Do sự thái bình thịnh trị lâu dài của hai triều đại này mà tinh hoa thi ca mang bản sắc văn hóa và tinh thần triết học thuần Việt phát triển rất rực rỡ. Thời sinh viên còn lưu lại trong trí nhớ Nguyễn Duy bài tứ tuyệt Ngôn hoài của thiền sư Không Lộ, với hai câu ám ảnh: Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh / Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư  (Đôi khi thượng đỉnh núi hoang / Buông dài một tiếng hú vang lạnh trời - Nguyễn Duy dịch). Khi lần giở lại từng trang cổ thi, ông càng nhận ra đây còn là một túi khôn thâm hậu mà cha ông ta đã đúc kết, như lời nhắn hậu thế của ông vua thi sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308) trong bài Cư trần lạc đạo: Nhà ta châu báu thiếu gì / Vô tâm với cảnh biết khi nào thiền (Nguyễn Duy dịch).

Cuối năm 2001, sau cuộc triển lãm thơ trên giấy dó tại Hà Nội, Nguyễn Duy âm thầm hành hương lên đỉnh Yên Tử, nơi phát tích của Trúc Lâm Thiền Phái. Rủi thay, chỉ mấy ngày sau, khi về đến Sài Gòn, một tai nạn xe làm ông gãy một chân và bể đầu gối, phải mổ để nẹp xương. Khi bắt đầu bước thấp bước cao với cây nạng, ông lại mò lên Yên Tử và rong ruổi khắp nơi, chụp hàng ngàn bức ảnh để chọn lại hơn trăm bức cho quyển sách này.

Những tờ giấy dó ngoại khổ, ông phải đặt riêng tận Bắc Ninh. Việc ông chọn lục bát làm thể thơ duy nhất để dịch thơ thiền Lý - Trần là một quyết định bản lĩnh, đã khiến ông tốn nhiều thì giờ và công sức. Tất cả tiền nong để làm việc này cho đến bây giờ đều do ông tự lo. Cũng đã có doanh nghiệp nước ngoài đánh tiếng muốn tài trợ, nhưng ông từ chối. Ông nói, đây là công việc dựng bàn thờ tổ, không thể nhờ cậy người ngoài.

Sau TP.HCM, có thể cuốn sách sẽ góp mặt tại lễ hội 995 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2005). Và Nguyễn Duy còn hy vọng nó sẽ được giới thiệu ở nước ngoài.

Nguyễn Trọng Tín
http://www3.thanhnien.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=110309

 

 

---o0o---

Sưu tầm: Diệu An - Lê Hiếu
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-11-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Quả tim Bồ tát Quảng Đức hiện giờ Chuyện đời vị quốc sư lừng danh Đạm thực vật giúp no lâu hơn đạm nguyen cau nguyện cầu chuong vi dao thanh tai sao tat ca tu si phat giao viet nam deu lay ho y nghia on cha nang lam ai oi åº nghiep thuc va tanh giac lời cầu nguyện chua cau dong chùa cầu đông chua cau nhat ban van de phuc hoi viec tho dai gioi ty kheo ni trong Tết ý nghĩa hoa sen trong phật giáo hay biet chap nhan nhung gi trong hien cau be danh giay kho tàng sáng suốt vĩ đại của tự tánh Tà i quan chieu tam triet ly nhe nhang trong am nhac cua trinh cong 1 nu Sự dung hợp từ ba vị Tổ Huệ Thiên Tuổi quốc Chí xuất trần của Trưởng lão Ni Đại Viết cho anh người em yêu thương ong Thử làm món bánh bèo nước cốt dừa Gi盻 Cuối thu đi thưởng trà ở Tâm trà cuong thà e Hình nghiện chụp ảnh tự sướng có chùa trúc lâm thanh lương chua truc lam thanh luong duyen giac Mối quan hệ thầy thuốc 4 lời khuyên cho người lười tập thể 7 cách giảm mỡ bụng hiệu quả tại thien vien truc lam tay thien