Tổ Sư Thiền - Động Sơn Lục, Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ (sách)

 


 
.
ĐỘNG SƠN LỤC
Dịch Giả: Dương Đình Hỷ
1.- Động Sơn Lương Giới họ Du, người Hội Kê. Từ nhỏ theo thầy tụng Bát Nhã Tâm Kinh, tới câu “Chí vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” liền lấy tay bẹo má hỏi :
-Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý con đều có cả, sao kinh lại dạy là không ?
Ông thầy lấy làm lạ bảo :
-Ta thật không đáng làm thầy ngươi.
Bèn chỉ đến Ngũ Tiết Sơn theo Mặc thiền sư thế phát. Năm 21 tuổi ở núi Tung Sơn thọ Cụ túc giới.

Chú Thích :

Hội Kê : nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang.
Ngũ Tiết Sơn : tên một ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang.
Mặc thiền sư : chỉ Linh Mặc thiền sư (747-818) kế thừa Mã Tổ.
Tung Sơn : tên một ngọn núi ở tỉnh Hà Nam.
Phần lớn các tôn giáo ở thế gian, các tín đồ phải có lòng tin, không được nghi ngờ. Trái lại Đức Phật dạy chúng ta phải nghi. Nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ.      
                                                                    (Vương Trấn Canh)

2.- Sư du phương, trước tiên đến yết kiến Nam Tuyền, gập đúng ngày giỗ Mã Tổ. Nam Tuyền hỏi đại chúng :
-Ngày mai cúng trai Mã Tổ, không biết Mã Tổ có đến không ?
Đại chúng không ai đáp được, sư bước ra thưa :
-Đợi có bạn liền đến.
-Gã này tuy là hậu sanh, nhưng có thể mài dũa.
-Hòa thượng chớ ép dân lành thành giặc.

Chú Thích :

Du phương : đi vân du các nơi.
Nam Tuyền : Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-835) . Tu hành ở núi Nam Tuyền (Trì Châu) 40 năm.
Có bạn : hàm ý có thân thể
Chớ ép dân lành thành giặc : ý nói hòa thượng đừng coi lầm con. Con là một viên ngọc hoàn chỉnh rồi không cần gì phải mài dũa nữa.

3.- Sau đó sư đến tham Quy Sơn, hỏi :
-Nghe Nam Dương Trung Quốc sư nói vô tình thuyết pháp, con chưa hiểu rõ.
-Xà lê còn nhớ chuyện đó không?
-Còn nhớ.
-Ông kể lại đi.
Sư bèn kể :
-Có một ông tăng hỏi Trung Quốc sư :
-Thế nào là tâm của cổ Phật ?
-Tường vách, ngói gạch.
-Tường vách, ngói gạch chẳng phải là vật vô tình sao ?
-Phải.
-Có thuyết pháp không?
-Thường thuyết chẳng ngưng.
-Sao con không nghe?
-Ông không nghe chẳng hề trở ngại người khác nghe.
-Không biết người nào nghe được ?
-Chư thánh nghe được.
-Hòa thượng có nghe không?
-Tôi không nghe.
-Hòa thượng không nghe làm sao biết vô tình thuyết pháp ?
-May là tôi không nghe, nếu tôi nghe thì tôi là thánh, Ông chẳng thể nghe tôi thuyết pháp.
-Như vậy là chúng sanh chẳng thể nghe vô tình thuyết pháp sao?
-Tôi thuyết pháp vì chúng sanh chẳng vì chư thánh.
-Chúng sanh nghe rồi thì sao ?
-Là phi chúng sanh.
-Vô tình thuyết pháp căn cứ vào sách vở nào ?
-Rõ ràng ông không thể nói chuyện này không ở trong kinh, há chẳng biết kinh Hoa Nghiêm nói sát thuyết, chúng sanh thuyết, tâm thế nhất thiết thuyết.
Quy Sơn nghe Động Sơn thuật lại rồi liền bảo :
-Nơi đây tôi cũng có vô tình thuyết pháp. Chỉ cần có căn cơ là có thể khế hợp.
-Con chưa được rõ, thỉnh hòa thượng chỉ dạy.
Quy Sơn giơ phất tử lên hỏi :
-Hiểu không ?
-Không hiểu, thỉnh hòa thượng nói cho.
-Miệng tôi do cha mẹ sinh ra không phải để nói cho ông nghe.
-Hòa thượng còn bạn đồng môn nào nữa không ?
-Ông hãy đi Du Huyện ở Lỗ Lăng, nơi các thạch thất liên tiếp, trong đó có một vị là Vân Nham đạo nhân. Nếu ông có thể vẹt cỏ, ngó gió tìm được ông ấy, nhất định ổng sẽ không làm ông uổng công coi trọng.
-Không biết ông ta là người thế nào ?
-Ông ta từng nói với tôi : con muốn làm môn hạ lão sư, nhưng mà tôi bảo ông : Ông phải chặt đứt mọi phiền não mới được. Và ông ta hỏi : Như vậy là con phải thuận ứng theo ý lão sư sao ? Tôi bảo : Ông không được nói cho người ngoài biết là tôi ở đây ?

Chú Thích :

Nam Dương Trung Quốc sư ( ?-775) vốn tên Huệ Trung. Trú ở Bạch Nhai Sơn, ẩn cư 40 năm, được các vua Túc Tông, Đại Tông mời vào cung thuyết pháp.
Phất tử : cũng gọi là phất trần.
Huyện Du ở Lô Lăng : thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay.

4.- Sư từ biệt Quy Sơn đến Vân Nham, thuật lại chuyện trên rồi hỏi :
-Vô tình thuyết pháp, ai nghe được ?
-Vô tình nghe được.
-Hòa thượng nghe không ?
-Nếu tôi nghe thì ông không nghe được tôi thuyết pháp.
-Vì sao con không nghe được ?
Vân Nham đưa phất tử lên :
-Nghe không ?
-Không nghe.
-Tôi thuyết pháp ông còn không nghe huống hồ là vô tình thuyết pháp !
-Vô tình thuyết pháp dẫn từ kinh nào ?
-Ông há không xem kinh A Di Đà nói nước, chim, cây rừng đều niệm Phật,niệm Pháp ?
Sư có chỗ tỉnh, bèn nói bài kệ :
Thật cũng lạ thay, thật cũng lạ
Vô tình nói pháp, nghĩ không ra
Dùng đến tai nghe càng chẳng rõ
Lấy mắt mà nghe mới hiểu a !

Chú Thích :

Tai thì nghe được thanh trần, mắt thì nhìn được sắc trần. Ở đây mắt nghe được thanh này thì thanh này không phải là thanh trần, mà là tự tánh. Mắt này không phải là mắt thịt mà là mắt đạo.
Tự tánh ở khắp mọi nơi, có mắt đạo thì có thể nghe thanh của tự tánh. Người khác vật ở chỗ có ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng. Vật vô tình không có ngôn ngữ dĩ nhiên không có tư tưởng làm sao có thể thuyết pháp ? Nhân vì hữu tình và vô tình đều có cùng một thể tự tánh. Chỉ cần nhìn thấu suốt tự tánh của sự vật là có thể xúc động linh cơ mà khai ngộ. Tô Đông Pha có thơ rằng :
Tiếng suối reo là tướng lưỡi rộng dài,
Mầu sắc núi chẳng phải là không thân thanh tịnh.
Do đó, vô tình thuyết pháp không phải là vọng ngữ vậy.
          (Tiêu Vũ Đồng)

5.- Sư thưa với Vân Nham :
-Phàm trần tục niệm của con còn chưa chặt hết, phải làm sao cho tốt ?
-Ông từng làm gì ?
-Thánh đế cũng chẳng làm.
-Còn vui vẻ không ?
-Nếu nói không vui là nói bậy, giống như tìm được hạt ngọc trong đống phẩn.

Chú Thích :

Còn vui vẻ không : vui vẻ là dịch từ pramudita, một quả vị Bồ tát nhưng tập khí vẫn còn.

6.- Sư thưa :
-Khi muốn gập thầy con phải làm sao ?
-Đi hỏi thông sự xá nhân.
-Hiện đang hỏi.
-Hắn nói gì với ông ?

Chú Thích :

Đoạn trên ý là muốn thấy Pháp thân Phật thì phải thông qua Báo thân và Hóa thân.

7.- Một lần khi Vân Nham đang bện dép cỏ, sư lại gần thưa :
-Xin thầy cho con mắt !
-Mắt của ông đã cho ai rồi ?
-Con vốn không có mắt.
-Giả như ông có, ông để ở đâu ?
Động Sơn không đáp. Vân Nham lại hỏi :
-Có phải là mắt muốn mắt không ?
-Không phải là mắt.
Vân Nham nổi giận hét lớn :
-Đi ra.

Chú Thích :

Nhà Thiền nhận rằng tâm tự do là Pháp Nhãn không bị thành kiến, dục vọng che lấp. Thiền không những dạy buông bỏ tham lam, thành kiến, biên kiến, ngã tướng, mà ngay cả những tri thức đã học được cũng phải bỏ.                               
(Trịnh Thạch Nham)

8.- Sư cáo từ Vân Nham, Vân Nham hỏi :
-Ông định đi đâu ?
-Tuy con lìa thầy, nhưng chưa định đi đâu.
-Ông không đi Hồ Nam sao ?
-Không.
-Không về quê sao ?
-Không.
-Bao giờ trở lại ?
-Khi thầy có chỗ ở sẽ trở lại.
-Khi ông đi rồi, gập nhau cũng khó.
-Khó được chẳng gập nhau.

9.- Lúc sắp đi sư lại hỏi :
-Trăm năm sau, bỗng có người hỏi con còn miêu tả được chân dung thầy không thì con phải trả lời sao ?
Im lặng một lúc, Vân Nham đáp :
-Chỉ là cái đó.
Sư trầm ngâm, Vân Nham lại tiếp :
-Giới xà lê, nhận trọng trách này ông phải thận trọng.
Sư hãy còn do dự. Sau nhân qua sông, nhìn bóng mình dưới nước, bỗng ngộ lời dạy trước bèn làm bài kệ :
Rất kỵ tìm nơi khác
Xa xôi bỏ lãng ta.
Ta nay riêng tự đến
Chỗ chỗ đều gập va
Va nay chính là ta
Ta nay chẳng phải va
Phải nên như thể hội
Mới mong hợp như như.
                                                          (Thích Thanh Từ dịch)

Chú Thích :

Như như chỉ tự tánh, là cái mà Đạo Đức kinh gọi là thường hằng. Đại ý của bài kệ này là tự tánh ở chính nơi mình không cần phải hướng ngoại tìm cầu, càng tìm càng xa lìa, khi phản hồi tự thân thì nơi nơi tự tánh đều hiển lộ. Đến câu “Va nay chính là ta. Ta nay chẳng phải va” , sao trước sau mâu thuẫn vậy ? Nói một cách đơn giản, Động Sơn nhìn thấy bóng mình ở dưới sông (vì bóng đó cũng là ngã) do đó nhìn thấy bản lai diện mục của mình mà đại ngộ. Nhưng mà cái bóng này không thường trụ cho nên phải xả bỏ. Nếu ta cứ khư khư giữ lấy thì mắc vào ngã chấp cho nên mới nói : “Va nay chính là ta, ta nay nay chẳng phải va”. Bài kệ này ở trong Phật học đã khác lạ, mà ở trong thế giới Văn học cũng đáng coi là báu vật. Nó mở mắt chúng ta, cho chúng ta một kinh nghiệm sống thâm ảo giống như câu thơ của Đỗ Phủ :”Nước thu trong không đáy”.                                            
 (Tiêu Vũ Đồng)
 

10.- Một ngày nọ, nhân làm giỗ Vân Nham., một ông tăng hỏi :
-Tiên sư Vân Nham có từng nói qua “chỉ là cái đó không ?”
-Có nói qua.
-Thầy có rõ ý tưởng của người không ?
-Lúc đó suýt chút nữa ta đã hiểu sai.
-Không biết tiên sư có tự mình biết có “cái đó “ không ?
-Giả sử người không biết “có” làm sao người lại nói như vậy ? Giả sử người biết có làm sao người lại khẳng định như vậy ?

Chú Thích :

Cái đó là chỉ Chân Ngã, “có “ là chỉ thực hữu. Chân ngã và Thực hữu không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả. Người không biết “có” làm sao người lại nói  như vậy ? là dùng quan điểm tục đế mà xét Vân Nham. Người biết “có” làm sao người lại khẳng định như vậy là dùng quan điểm Chân Đế mà xét Vân Nham. Vì một khi người đã thể ngộ được Chân Ngã và Thực Hữu thì sẽ hiểu rằng không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được.            
(Tiêu Vũ Đồng)
 

11.- Một hôm nhân ngày giỗ Vân Nham, một ông tăng hỏi :
-Hòa thượng ở chỗ Vân Nham được chỉ thị gì ?
-Tuy ở đó nhưng chẳng được chỉ thị gì.
-Nếu đã không được chỉ thị, thì cúng giỗ làm gì ?
-Tôi đâu dám trái tiên sư.
-Hòa thượng gập Nam Tuyền trước, cớ sao lại làm giỗ Vân Nham ?
-Tôi chẳng trọng đạo đức và giáo pháp của tiên sư, chỉ trọng người không vì tôi mà nói Pháp.
-Hòa thượng vì tiên sư làm giỗ, không biết có thừa nhận tiên sư 
-Nửa thừa nhận, nửa không.
-Tại sao không thừa nhận toàn bộ ?
-Nếu tôi thừa nhận toàn bộ là đã phụ ý chỉ của người rồi.

Chú Thích :

Có lúc không nói lại là cách chỉ dạy hữu hiệu.      
 (Minh Kính)
 

12.- Vân Nham bảo đại chúng :
-Nhà kia có một đứa con, bất cứ ai hỏi gì cũng đáp được.
Sư bước ra hỏi :
-Chắc là nhà có nhiều sách lắm ?
-Một chữ cũng không.
-Vậy sao biết nhiều thế ?
-Ngày đêm chẳng hề ngủ.
-Có thể hỏi một câu không ?
-Có thể trả lời nhưng hắn không nói.

Chú Thích :

Hắn trong đoạn này chỉ Pháp thân.
 

13.- Viện chủ đi thăm Thạch Thất về, Vân Nham hỏi :
-Ông đã vào thạch thất rồi không lẽ trở về tay không ?
Viện chủ không trả lời. Sư trả lời thay :
-Thạch thất đã có người ở rồi.
Vân Nham hỏi sư :
-Nếu ông đi thì ông làm gì ?
-Không thể vì cắt phàm trần tục niệm mà không đi.

Chú Thích :

Chữ Thạch thất ở đây là một song quan ngữ (có 2 nghĩa). Một là chỉ thiền sư Thạch Thất, một là chỉ động đá. Ở Du huyện, Đàm Châu (tỉnh Hồ Nam ngày nay) có vô số thạch động. Những người sống trong các thạch động đều là các vị tu hành lánh xa trần thế, sống tự do. Ý của Động Sơn là chấp vào lánh xa trần thế cũng là mất tự do rồi.
 

14.- Vân Nham hỏi một ni cô :
-Cha cô còn không ?
-Còn.
-Bao nhiêu tuổi ?
-80
-Cô có cha không phải 80, cô biết không ?
-Chẳng phải là người vừa đến đó sao ?
-Người đó còn chưa tới, bất quá tương đương với cháu chắt.
Sư nói :
-Người chưa tới như thế chỉ bất quá là cháu chắt.
 

15.- Sư đến tham Lỗ Tổ, chào hỏi xong đứng hầu một bên. Không lâu đi ra, rồi lại đi vào. Lỗ Tổ bảo :
-Như vậy ! Như vậy ! Ông đến như vậy.
-Có nhiều người không đồng ý.
-Sao ông quan tâm đến khẩu hiệu ?
Sư lạy rồi, ở lại thị phụng vài tháng.

Chú Thích :

Như vậy, như vậy : Ông như vậy, tôi cũng như vậy.
 

16.- Có ông tăng hỏi Lỗ Tổ :
- Thế nào là nói mà không dùng lời ?
-Miệng ông ở đâu ?
-Không miệng.
-Vậy lấy gì ăn cơm ?
Ông tăng không trả lời được. Sư trả lời thay :
-Hắn không đói thì ăn cơm cái gì !

Chú Thích :

Ông tăng hỏi ý Lão Tử khi nói “Bất ngôn chi giáo”. Lỗ Tổ hỏi ngược lại “Miệng ông ở đâu ?” là hỏi nói hay không nói. Câu của Động Sơn có nghĩa là hắn đã thông suốt Phật pháp rồi, không còn nghi vấn gì nữa.                                               
 (Bồ Đề Học Xã)

17.- Sư đến tham Nam Nguyên, khi vào pháp đường, Nam Nguyên nói :
-Đã từng gập qua.
Sư bỏ đi, hôm sau lại tới hỏi :
-Hôm qua mông ơn hòa thượng từ bi chỉ thị, nhưng không biết hòa thượng và con gập nhau ở đâu ?
-Tâm tâm không gián đoạn, đều chẩy vào bể tánh.
-Con cơ hồ lỡ cơ hội tốt này !

Chú Thích :

Câu của Nam Nguyên có nghĩa là tâm ông và chân tâm không khác.                                                              
(Bồ Đề Học Xã)
 

18.- Sư đến cáo biệt, Nam Nguyên nói :
-Học nhiều Phật pháp, quảng thí ân trạch.
-Con không hỏi học nhiều Phật pháp, chỉ hỏi thế nào là “quảng thí ân trạch “?
-Không bỏ một ai.

Chú Thích :

Quảng thí : lão già vô dụng.
Ý của Nam Nguyên là khi có người học đặt câu hỏi phải hết sức trả lời.                                                               
(Bồ Đề Học Xã)
 

19.- Sư đến Kinh Triệu tham Hưng Bình. Hưng Bình bảo :
-Đừng lạy lão hủ !
-Lạy phi lão hủ.
-Phi lão hủ không nhận lạy.
-Phi lão hủ cũng không ngăn lạy.

Chú Thích :

Hưng Bình theo Truyền Đăng lục là học trò Mã Tổ.
Phi lão hủ chỉ tự tánh.
 

20.- Sư hỏi Hưng Bình :
-Thế nào là tâm của cổ Phật ?
-Là tâm ông, không là gì khác.
-Mặc dầu vậy con còn nghi vấn.
-Nếu là vậy, ông hãy đi hỏi người gỗ.
-Con có một câu không mượn lời Chư Thánh.
-Sao ông không nói thử coi 
-Không phải là việc của con.

Chú Thích :

Khi Hưng Bình nói là tâm ông, Động Sơn mới đầu còn nói con còn nghi vấn, sau lại nói không phải là việc của con là phủ định ngã mà trở thành tâm của cổ Phật.                
 (Bồ Đề Học Xã)
 

21.- Sư từ biệt, Hưng Bình hỏi :
-Ông đi đâu ?
-Lưu ly không định.
-Là Pháp thân lưu ly hay Báo thân lưu ly ?
-Đều không phải .
Hưng Bình đột nhiên vỗ tay. Về sau Bảo Phúc nói thêm :
-Động Sơn tự là một nhà (thiền tông có 5 nhà, 7 phái)
Lại có kẻ khác phê bình :
-Những người như vậy, có được mấy người !
Chú Thích :

Lưu ly không định : tùy tâm muốn đi đâu thì đi.
Bảo Phúc : (867-928) là học trò Tuyết Phong.
 

22.- Sư cùng Mật sư bá đến tham Bách Nham. Bách Nham hỏi 
-Từ đâu tới ?
-Hồ Nam.
-Quán sát sứ họ gì ?
-Không biết họ.
-Tên gì ?
-Không biết tên.
-Còn tại chức không ?
-Còn.
-Còn đi tuần tra không ?
-Không.
-Tại sao không ?
Sư phất tay áo đi ra. Hôm sau Bách Nham thượng đường kêu hai người lại :
-Hôm qua đối xà lê ngữ chẳng đầu cơ, cả đêm không an. Giờ thỉnh xà lê hạ một chuyển ngữ, nếu hợp ý thì lão tăng xin mời các vị dùng cháo và cùng qua hạ.
-Thỉnh hòa thượng hỏi.
-Sao không tuần tra ?
-Vì quá cao quý.
Bách Nham bèn mời hai người dùng cháo và cùng kết hạ.

Chú Thích :

Bách Nham : là học trò Dược Sơn.
Quán sát sứ : là một viên quan do Trung Ương ủy quyền đi tuần tra các các địa phương, ở đây chỉ sự xuất nhập của pháp thân.
(Bồ Đề Học Xã)

23.- Sư cùng Mật sư bá đến tham vấn  Long Sơn. Long Sơn hỏi 
-Không có đường vào núi sâu, ông làm sao tới ?
-Chuyện không có đường vào và làm sao đệ tử vào được hãy tạm gác lại, giờ xin hỏi Hòa thượng làm sao vào ?
-Tôi không phải từ mây trời tới, cũng không phải do dòng sông đưa lại.
-Xin hỏi thầy trú ở núi này bao năm rồi ?
-Ngày tháng xoay vần với tôi vô can.
-Vậy xin hỏi hòa thượng ở đây trước hay núi này ở đây trước ?
-Không biết.
-Vì sao ?
-Tôi không phải là người phàm, cũng không phải là tiên trời, làm sao biết ?
-Đã không phải là người phàm, cũng không phải là tiên trời, chẳng lẽ đã thành Phật ?
-Không phải là Phật.
-Vậy là gì ?
-Nói giống một vật là không đúng.
-Thầy vì duyên cớ gì mà vào núi này ?
-Vì lúc trước tôi thấy 2 con trâu bùn vừa đánh nhau vừa cùng tiến vào biển lớn cho đến bây giờ vẫn chưa thấy tung tích.
Động Sơn nghe lời này cung kính lạy tạ.

Chú Thích :

Núi sâu ở đây chỉ ngũ uẩn. Chúng ta làm sao vào tòa núi này? Đương nhiên là không thể do một đường đi nào mà vào, cũng không thể từ trời rơi xuống mà phải do nghiệp duyên mà vào. Do thân ngũ uẩn mà tu là mượn giả tu thật, do đó mà Động Sơn cung kính lạy tạ.                                                                     
 (Tinh Vân)

Núi này chỉ Phật tánh. Phật tánh không có phương pháp nào để vào, vì vậy gọi là cửa không cửa (vô môn quan). Thiên hạ không có một kỹ xảo nào bảo đảm học nhân nhất định thấy Phật tánh, chỉ nương vào tu hành vị tất sẽ chứng ngộ. Càng nỗ lực tu hành cầu khai ngộ thì khai ngộ lại càng xa. Động Sơn hỏi hòa thượng làm sao vào ? Long Sơn đáp ngay “Đi tôi còn không biết thì làm gì còn vấn đề vào hay không vào”. Hòa thượng hay núi ở đây trước là hỏi Phật tánh và vô minh cái nào có trước. Long Sơn đáp không biết là phủ quyết vấn đề trong không sinh hữu. Thời gian là quan niệm của người phàm chúng ta. Đối với Phật tánh, thời gian không tồn tại. Cũ mới thường biến đổi . . . đều là những khái niệm tương đối. Lấy khái niệm tương đối để mô tả tuyệt đối là chuyện hoang đường.                                                                
(Liệu Duyệt Bằng)
 

24.- Lúc đi hành cước, sư gập một viên quan bảo sư :
-Đệ tử định viết một bản chú giải Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán.
-Ông giải thích câu “Phải trái vướng mắc là đánh mất tâm “ thế nào ?
Pháp Nhãn đáp thay :
-Nếu nói như vậy thì hắn không cần chú giải nữa. 
 

25.- Sư lúc mới hành cước gập một bà lão gánh nước trên đường. Ông xin nước uống, bà lão bảo :
-Tôi sẽ cho ông nước uống, nhưng trước hết hãy trả lời câu hỏi của tôi : Nước có bao nhiêu bụi ?
-Vốn không có bụi.
-Đi, đi đừng làm bẩn nước của tôi.

Chú Thích :

Hành cước : đi bộ, các thiền sinh đi tham phỏng không có phương tiện nào khác ngoài sự đi bộ.
Nước có bao nhiêu bụi ? là bà lão nêu lên vấn đề đương thời quan niệm thân người nữ có ngũ chướng không thể thành Phật được. Động Sơn trả lời “vốn không có bụi” là ông viện dẫn quan điểm của Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh :Tự tánh vốn trong sạch thì làm gì có bụi. Câu nói của bà lão là chấp nhận quan điểm này.                                                                         
 (Bồ Đề Học Xã)
 

26.- Sư tới Phần Đàm gập Sơ thủ tọa đang nói :
-Thật lạ kỳ ! Thật lạ kỳ !
Phật giới, Đạo giới không thể nghĩ bàn.
Sư bèn hỏi :
-Tôi không hỏi Phật giới Đạo giới tôi chỉ hỏi người vừa nói Phật giới, Đạo giới là gì ?
Sơ thủ tọa im lặng hồi lâu không đáp. Sư hỏi :
-Sao không nói mau ?
-Tranh cãi chẳng được gì .
-Ông còn chưa trả lời câu hỏi, sao nói tranh cãi chẳng được gì ?
Sơ thủ tọa không đáp.
-Phật và Đạo chỉ là danh từ sao không dẫn giáo nghĩa ?
-Làm sao nói ?
-Được ý quên lời.
-Còn chấp giáo là tâm bệnh.
-Ông nói Phật giới, Đạo giới là bệnh nặng hay nhẹ ?
Sơ thủ tọa không trả lời, ngày hôm sau bỗng qua đời. Người đương thời gọi sư là người hỏi chết thủ tọa.

Chú Thích :

Phần Đàm : huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây ngày nay.
Động Sơn đáp rất hay nhưng đoạn đối thoại không hợp Thiền cơ, Sơ thủ tọa 2 lần im lặng không nói. Động Sơn cũng không hề tiếp dẫn, có thể cơ duyên hoàn cảnh chưa được chín mùi.
Sơ thủ tọa : không rõ lai lịch.
 

27.- Sư cùng Thần Sơn Mật sư bá qua sông. Sư hỏi :
-Làm sao qua sông ?
-Không làm ướt chân.
-Lão lớn đầu mà còn nói vậy ?
-Còn ông thì nói sao ?
-Chân không ướt.
Có thoại khác như sau :
Sư cùng Mật sư bá qua sông, sư nói :
-Đừng bước sai !
-Bước sai thì không qua được.
-Nếu không bước sai thì sao ?
-Cùng trưởng lão qua sông.
 

28.- Một hôm, sư cùng Mật sư bá làm việc ở vườn trà, sư ném cuốc xuống bảo :
-Hôm nay tôi một chút hơi sức cũng không có.
-Nếu không có sức sao ông còn nói được thế ?
-Ông nhận mình là người có hơi sức sao ?

Chú Thích :

Ở hiện tượng giới (vườn trà) cần có hơi sức nhưng ở  bản thể giới thì không.                                                         
 (Bồ Đề Học Xã)
 

29.- Một lần sư cùng Thần Sơn hành cước bỗng thấy một con thỏ trắng chạy qua. Thần Sơn bảo :
-Thật là đẹp !
-Đẹp thế nào ?
-Giống như bạch y bái tướng.
-Lão già đầu còn nói thế ?
-Còn ông thì sao ?
-Nhiều đời quan quyền, tạm thời sút kém.

Chú Thích :

Bạch y bái tướng : một người dân giã bỗng được triều đình bổ làm tể tướng.
 

30.- Chính lúc Thần Sơn dùng kim vá áo, sư hỏi :
-Ông làm gì ? 
-Vá áo.
-Vá thế nào ?
-Mũi mũi giống nhau.
-Chúng ta cùng hành cước 20 năm, ông còn nói như vậy, chẳng lẽ có chuyện như thế ?
-Còn ông thì vá làm sao ?
-Giống như cả đại địa đều bốc lửa.

Chú Thích :

Mũi mũi giống nhau : mũi trước, mũi sau chỉ là một mũi.
Chẳng lẽ có chuyện như thế : Ông còn giữ ý này ?
Đại địa đều bốc lửa : khi đại địa cháy thì chẳng còn kim, chẳng còn vá tất cả đều không.
 

31.- Thần Sơn lão sư :
-Bất cứ ở đâu, chỉ cần có bạn là không có đường nào là không đi được, thỉnh sư nói một lời !
-Sư bá có lý tưởng như vậy sao thành công được ?
Ngay câu nói đó Thần Sơn bỗng ngộ, từ đó lời nói khác lạ. Về sau khi cùng đi ngang độc mộc kiều, sư qua trước, nhấc mộc kiều lên bảo :
-Qua đi ! 
-Giới xà lê ! 
Sư bèn hạ xuống.

Chú Thích :

Độc mộc kiều : cái cầu chỉ làm bằng một cây gỗ.
Dù là bạn, cũng không thể nhờ, phải trông cậy vào chính mình. Động Sơn nhấc mộc kiều lên là hỏi không có mộc kiều làm sao qua ?
 

32.- Một lần, sư cùng Thần Sơn hành cước. Sư chỉ miếu bên đường bảo :
-Trong đó có người nói tâm, nói tánh.
-Là ai ?
-Bị sư bá hỏi tôi tức chết được.
-Nói đến cùng người nói tâm, nói tánh là ai ?
-Chết đi sống lại.

Chú Thích :

Nói tâm, nói tánh : mọi chúng sanh đều có Phật tánh.
Chết đi, sống lại : Động Sơn đồng ý với Thần Sơn, nếu quả ta biết người nói tâm, nói tánh là ai, thì ta đã chết đi, sống lại.
 
 

33.- Sư hỏi Tuyết Phong :
-Từ đâu tới ?
-Từ Thiên Đài tới .
-Gập trí giả không ?
-Nghĩa Tồn có phần ăn gậy sắt.

Chú Thích :

Tuyết Phong : Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-908)
Thiên Đài : tên ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang.

34.- Tuyết Phong đến thăm hỏi. Sư nói :
-Khi vào cửa phải nói một lời, nếu không ông không thể nói “tôi đã vào rồi”.
-Con không có mồm.
-Ông nói ông không có mồm, vậy hãy mang mắt ra trả ta.
Tuyết Phong nghe rồi, không lời đáp lại.
Đối với câu đáp của Tuyết Phong “Con không có mồm”, về sau Vân Cư Đạo Ưng đáp thay :
-Đợi con có mồm rồi sẽ đáp.
Trường Khánh thì đáp :
-Nếu là thế, thì con về vậy !

Chú Thích :

Khi vào cửa  . . . rồi : dẫn câu nói của Lâm Tế :”Khi chủ và khách gặp nhau, khách sẽ đưa ra một câu nói để thử chủ.

35.- Một lần, Tuyết Phong vác một bó củi đến trước mặt Động Sơn ném xuống.
Động Sơn hỏi :
-Nặng chừng nào ?
-Toàn thế giới không có ai nhắc lên được.
-Vậy sao ông lại vác được đến đây ?
Tuyết Phong im lặng không trả lời.

Chú Thích :

Bó củi ở đây ám chỉ tự tánh.
 

36.- Sư viết chữ Phật 佛 lên quạt. Vân Nham trông thấy bèn viết thêm chữ bất 不. Sư bèn sửa lại thành chữ phi 非. Tuyết Phong thấy vậy bèn thu lấy quạt. Hưng Hóa đáp thay cho Động Sơn :
-Tôi không như ông.

Chú Thích :

Ý của Vân Nham là không viết, không tưởng tới Phật. Động Sơn chữa thành chữ phi,  ý là không viết, không tưởng tới chữ bất. Câu của Hưng Hóa có nghĩa là Động Sơn khen ngợi hành động của Tuyết Phong.                                                         
(Bồ Đề Học Xã) 
 

37.- Khi Tuyết Phong làm phạn đầu, đang sàng gạo. Sư hỏi :
-Ông đãi gạo bỏ cát hay đãi cát bỏ gạo ?
-Gạo, cát đều bỏ.
-Vậy chư tăng ăn gì ?
Tuyết Phong bèn lật đổ thùng gạo.
-Nếu như vậy, cơ duyên của ông ở nơi Đức Sơn.
 

38.- Một hôm sư hỏi Tuyết Phong :
-Ông đang làm gì ?
-Bổ củi.
-Phải bổ bao nhiêu nhát mới xong ?
-Một nhát là xong.
-Đó là chuyện bên này, còn bên kia thì sao ?
-Không dùng tay.
-Vẫn còn là chuyện bên này, chuyện bên kia thì sao ?
Tuyết Phong bèn thôi.
 

39.- Khi Tuyết Phong từ biệt, sư nói :
-Ông đi đâu ?
-Trở về đỉnh núi.
-Khi đó ông đi đường nào ?
-Đường phi viên lãnh.
-Bây giờ trở lại, ông đi đường nào ?
-Đường phi viên lãnh.
-Có một người không đi đường “phi viên lãnh”, ông có biết không ?
-Không biết.
-Tại sao không biết ?
-Hắn không có mặt.
-Ông đã nói không biết, sao ông lại biết hắn không mặt ?
Phong không trả lời.

Chú Thích :

Phi viên lãnh : tên ngọn núi ở giữa hai tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến.
 

40.- Đạo Ưng ở chỗ Thúy Vi đến tham sư. Sư hỏi :
-Thúy Vi có câu nào chăng ?
-Thúy Vi cúng dường La Hán, con hỏi : “Cúng dường La Hán, La Hán có đến không ?” Thúy Vi đáp : “Mỗi ngày ông ăn gì ?”
-Thực có lời đó sao ?
-Có.
-Chẳng uổng công đến thăm tác gia.

Chú Thích :

Thúy Vi cùng dường La Hán : chỉ là có ý kính trọng chứ không phải là chấp hình tượng. Giả như có một vị La Hán cần ăn uống, thì có khác gì Đạo Ưng đâu ?                                
(Bồ Đề Học Xã)
 

41.- Sư hỏi Vân Cư :
-Ông tên chi ?
-Đạo Ưng.
-Nói lên trên.
-Nếu nói lên trên thì con không có tên Đạo Ưng.
-Câu đáp của ông giống câu đáp của tôi với Đạo Ngô.

Chú Thích :

Nói lên trên : lúc trước khi tu hành.
Có tên là có phân biệt. Chúng ta sống ở trong thế giới nhị nguyên đối đãi, ở thế giới danh tướng. Chúng ta nên biết rằng còn có thế giới không danh tướng. Danh tướng chỉ là tương đối, luôn thay đổi và không thật. Chân lý không có tên, không chỗ, không vật. Khi chúng ta ở trong một phòng sáng chúng ta không cần mở đèn. 
                                                                              (Barragato)
 

42.- Vân Cư hỏi sư :
-Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang ?
-Sau này xà lê có mái tranh che đầu, bỗng có người hỏi như vậy thì trả lời sao ?
-Con thực sai rồi ?

Chú Thích :

Ý của Động Sơn là nếu sau này ông không là viện chủ một tự viện lớn, chỉ là am chủ ở một làng nhỏ, ông không hỏi người mà bị người hỏi, ông có nghĩ đến chuyện này không ? Bồ Đề Đạt Ma từ Tây phương xa xôi ngàn dậm đến trung thổ chỉ để thuyết giảng chân lý cho người, nhưng cái chân lý tuyệt đối này không thể dùng lời mà diễn tả ra, nên tôi nói không được.
 

43.- Một hôm, sư hỏi Vân Cư :
-Tôi nghe nói Tư Đại thác sanh làm vua Nhật Bản có đúng không ?
-Nếu là Tư Đại, thì ngay đến Phật cũng chẳng làm.
Sư đồng ý.

Chú Thích :

Tư Đại thác sanh làm vua Nhật : dẫn từ Quá Hải Đại Sư Đông Chinh Truyện. Thánh Đức thái tử của Nhật Bản phái Tiểu Dã Muội Tử sang Trung Quốc đến Nam Nhạc xin kinh Pháp Hoa, do đó mà có truyền thuyết này.
 

44.- Sư hỏi Vân Cư :
-Ông đã đi đâu ?
-Đi leo núi.
-Núi nào có thể ở được.
-Chẳng có núi nào ở được.
-Vậy là ông leo núi khắp trong nước sao ?
-Chẳng phải vậy.
-Thế thì ông phải tìm thấy lối vào ?
-Không lối vào.
-Nếu không có lối vào sao ông có thể gập mặt lão tăng ?
-Nếu có đường vào thì con và lão sư đã cách nhau một quả núi 
Sư tự nhủ :
-Gã tiểu hòa thượng này chỉ sợ về sau không ai nắm được hắn.

Chú Thích :

Núi nào có thể ở được : ông phải tự mình kiến lập một tự viện, không thể ở mãi với tôi.
 

45.- Một lần sư cùng Vân Cư qua sông. Sư hỏi :
-Sông sâu nhiều ít ?
-Không ướt chân.
-Gã thô tục vô lễ !
-Thỉnh thầy nói.
-Sông này chưa từng cạn.

Chú Thích :

Đoạn này kể kinh nghiệm của Động Sơn. Khúc sông này nông, có thể lội qua. Vân Cư mới qua lần đầu nên không biết.
 

46.- Một hôm, Vân Cư đang làm ruộng vô ý cuốc chết một con giun. Sư bảo :
-Ông phải cẩn thận.
-Con giun còn chưa chết.
-Việc Nhị Tổ về Nghiệp Thành ông nghĩ thế nào ?
Vân Cư không trả lời.

Chú Thích :

Nghiệp Thành : tỉnh Hà Nam ngày nay.
Con giun còn chưa chết : chỉ túc nghiệp của con giun. Theo truyền thuyết Nhị tổ trước khi về Nghiệp Thành có nói là về đó để trả nợ. Về tới nơi Nhị tổ bị quan lại bản địa bắt bỏ ngục và sát hại. Chuyện này ý nói bị hại là do trả quả tội nghiệp kiếp trước.           
(Bồ Đề Học Xã)

47.-  Sư hỏi Vân Cư :
-Đại diêm đề phạm tội ngũ nghịch làm sao hiếu dưỡng ?
-Vì như vậy lại càng nên nỗ lực hiếu dưỡng.

Chú Thích :

Đại diêm đề : người không có thiện căn.
Hiếu dưỡng : trở về căn nguyên lúc cha mẹ chưa sanh.
 

48.- Sư kể cho Vân Cư chuyện Nam Tuyền hỏi ông tăng nghiên cứu Kinh Di Lặc hạ sanh.
-Di Lặc bao giờ hạ sanh ?
-Hiện ở trời Đâu Xuất, sau này sẽ hạ sanh.
-Trên trời không có Di Lặc, dưới đất cũng không có Di Lặc.
Vân Cư theo đó hỏi :
-Nếu trên trời không Di Lặc, dưới đất không Di Lặc, không biết ai đặt tên Di Lặc.
Động Sơn bị hỏi khiến thiền sàng rúng động bảo :
-Ưng xà lê, khi tôi ở nơi Vân Nham từng hỏi lão sư khiến hỏa lò chấn động. Hôm nay bị ông hỏi cả mình tôi toát mồ hôi.

Chú Thích :

Di Lặc : chỉ tâm.
 

49.- Sau Vân Cư kết am ở Tam Phong, cả tuần không xuống thọ trai. Sư hỏi :
-Ông gần đây sao không xuống thọ trai ?
-Mỗi ngày đều có thiên thần mang đồ ăn tới.
-Ông còn kiến giải như vậy sao ? Chiều nay hãy tới đây.
Buổi chiều Vân Cư tới. Sư gọi :
-Ưng am chủ.
-Dạ !
-Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì ?
Vân Cư Đạo Ưng trở về am, tịch nhiên an tọa, thiên thần tìm không thấy, ba ngày dứt tuyệt.

Chú Thích :

Đạo Ưng còn chấp có thiên thần, sau không nghĩ thiện, ác cái chấp hình tượng đều trở về không. Tâm không, cảnh không do đó thiên thần tuyệt tích.

50.- Sư hỏi Vân Cư :
-Ông làm gì đó ?
-Pha tương.
-Dùng bao nhiêu muối ?
-Liên tục cho vào từng chút.
-Vị thế nào ?
-Được lắm.

Chú Thích :

Ý của Vân Cư là tu hành thì phải chuyên cần, tinh tấn.
 

51.- Sơ Sơn đến nhằm lúc sư đang giảng pháp buổi sáng, bước ra hỏi :
-Con có những lời chưa hề nói, xin thầy chỉ dạy.
-Tôi không đáp vì không ai đáp được.
-Câu ấy khó được lắm sao ?
-Như ông hiện khó được ?
-Tuy là khó được nhưng cũng không khiến người chán ghét.

Chú Thích :

Sơ Sơn (837-909) : lập một đạo tràng ở Vũ Châu.
Khó được : giá trị.
 

52.- Một hôm sư thượng đường, nói :
-Nếu các ông muốn biết chuyện này thì phải giống như cây khô nở hoa, lúc đó các ông sẽ phù hợp với nó.
-Ở mọi nơi không chống đối thì sao ?
-Xà lê, đó là thuộc lãnh vực thâu hoạch công đức, còn có lãnh vực không công đức sao ông không hỏi ?
-Đó chẳng phải là chuyện của người bên ấy sao ?
-Hỏi vậy chẳng khá tức cười sao ?
-Nếu vậy con nên cao chạy xa bay.
-Cao chạy xa bay cũng không cao chạy xa bay.
-Thế nào là cao chạy xa bay ?
-Không thể nói là người bên kia.
-Thế nào là không cao chạy xa bay ?
-Không xác định được !

Chú Thích :

Chuyện này : nguyên nhân Phật xuất thế là để chỉ cho chúng sanh Phật tri kiến.
 

53.- Sư hỏi Sơ Sơn :
-Ở không kiếp không có nhà con người ở, loại người nào ở?
-Không biết.
-Hắn có nghĩ ngợi không ?
-Sao thầy không hỏi hắn ?
-Tôi đang hỏi đây.
-Hắn nghĩ gì ?
Sư không trả lời.

Chú Thích :

Không kiếp : kiếp cuối trong thành, trụ, hoại, không.
 

54.- Thanh Lâm tới tham sư. Sư hỏi :
-Ông vừa từ đâu tới ?
-Võ Lăng.
-Pháp ở Võ Lăng so với ở đây thì thế nào ?
-Đất hồ, mùa đông măng mọc.
Sư bảo thị giả :
-Làm một bữa thịnh soạn đãi người này.
Thanh Lâm phất tay áo, đi ra.
-Gã này về sau giết chết người thiên hạ.

Chú Thích :
Võ Lăng : huyện Thường Đức tỉnh Hồ Nam ngày nay.
Giết chết người thiên hạ : chư tăng tranh nhau tụ tập dưới trướng.
 

55. Một hôm Thanh Lâm từ biệt sư. Sư hỏi :
-Ông đi đâu ?
-Kim luân chẳng ẩn, ở mọi nơi cắt đứt hồng trần.
-Ông hãy bảo trọng.
Thanh Lâm trân trọng đi ra, sư đưa tiễn ra cửa bảo :
-Hãy nói một câu về chuyến đi này.
-Bước bước đạp hồng trần không để toàn thân lưu lại hình bóng.
Sư im lặng hồi lâu. Thanh Lâm hỏi :
-Lão hòa thượng sao không sớm nói ?
-Ông gấp làm gì ?
-Con sai rồi !
Thanh Lâm lạy tạ rồi đi.

Chú Thích :

Kim Luân : chỉ mặt trời.
Toàn thân không lưu lại hình bóng : vì toàn thân là ánh sáng.

56.- Long Nha hỏi Đức Sơn :
-Nếu con cầm Mạc Tà kiếm, định lấy đầu thầy thì sao ?
Đức Sơn đưa đầu lại gần, kêu :
-Chém.
-Đầu thầy đã rơi.
-Ha ! Ha!
Về sau Long Nha đến tham sư, kể lại chuyện trên. Sư hỏi :
-Đức Sơn nói gì ?
-Đức Sơn không nói gì .
-Đừng nói Đức Sơn không nói gì, hãy trình đầu Đức Sơn cho lão tăng coi.
Long Nha chợt tỉnh, hướng sư sám hối, tạ tội.

Chú Thích :

Mạc Tà : tên cây kiếm. Có một cặp cây dương là Can Tương, cây âm là Mạc Tà. Xuất hiện ở sách Trang Tử thiên Đại Tông Sư. 
Long Nha mới đầu có ý chém đầu Đức Sơn, đó là từ Tự ngã xuất phát. Đức Sơn đề tỉnh Long Nha tự chém đầu mình đoạn trừ chấp ngã. Đó là nhà Thiền dùng “không” mọi sở hữu nhưng không phủ định sở hữu, dùng chủ khách đối đãi là một mà quán sát. Do đó đạt được Trung  Đạo.                   
 (Tinh Vân)
 

57.- Long Nha hỏi sư :
-Ý Tổ sư từ Tây sang là sao ?
-Đợi Động Thủy chẩy ngược, tôi sẽ nói cho ông biết.

Chú Thích :

Tự tánh không thể diễn tả bằng lời.
 

58.- Hoa Nghiêm Hữu Tĩnh đến bái phỏng sư, hỏi :
-Con không có lý lộ, bị vọng niệm lừa dối.
-Ông nghĩ có đường ấy sao ?
-Con thừa nhận chưa khai ngộ.
-Ông vọng tưởng ở đâu ?
-Đó là điều con muốn hỏi .
-Vậy ông hãy hướng nơi “Vạn dậm không tấc cỏ” mà đi.
-Con nên đến đó sao ?
-Bất luận đi đâu, ông đều nên đi.

Chú Thích :

Hoa Nghiêm Hữu Tĩnh : lai lịch không rõ.
Hoa Nghiêm hỏi Động Sơn làm sao trừ vọng niệm. Động Sơn bảo hãy trụ ở tự tánh (Vạn dậm không tấc cỏ).
 

59.- Một lần Hoa Nghiêm đang vác củi, sư giữ lại hỏi :
-Nếu chúng ta gập nhau trên đường hẹp, phải làm sao ?
-Ngoảnh đầu ! Ngoảnh đầu !
-Hãy nhớ lời tôi dặn : nếu trú ở phương Nam có 1.000 người, còn trú ở phương Bắc có 300 người.

Chú Thích :

Gập nhau trên đường hẹp : ngạn ngữ đương thời chỉ quá trình không thể tránh được.
Ngoảnh đầu ! Ngoảnh đầu ! : ngoảnh đầu qua một bên và thẳng tiến.
 

60.- Khâm Sơn đến tham . Sư hỏi :
-Từ đâu tới ?
-Đại Từ.
-Còn thấy Đại Từ không ?
-Thấy.
-Thấy trước sắc hay sau sắc ?
-Thấy phi trước, sau.
Động Sơn im lặng. Về sau Khâm Sơn bảo mọi người :
-Tôi rời sư phụ quá sớm, không hiểu hết ý người.

Chú Thích :

Đại Từ : Hàng Châu Dại Từ.
Sắc ở đây dẫn từ kinh Kim Cương :
Nếu lấy sắc cầu ta
Lấy âm thanh cầu ta
Đó là hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai.
Khâm Sơn trả lời đúng nên Động Sơn im lặng chấp nhận.
 

61.- Khâm Sơn, Nham Đầu, Tuyết Phong cùng ngồi thiền. Sư bưng trà tới. Khâm Sơn nhắm mắt lại, sư hỏi :
-Ông đi đâu ?
-Nhập định.
-Định vốn không có cửa, ông từ chỗ nào vào ?

Chú Thích :

Nham Đầu : (828-887) kế thừa pháp thống của Đức Sơn.
Định vốn không cửa : thiền định chân chánh không ra, không vào, không náo, không tĩnh.
 

62.- Bắc Viện Thông tới tham. Sư thượng đường bảo :
-Chặt đứt chủ nhân ông, chẳng rơi vào đệ nhị kiến.
Thông bước ra thưa :
-Nên biết còn có một người không có bạn.
-Hãy còn là đệ nhị kiến.
Thông liền lật thiền sàng.
-Lão huynh làm gì vậy ?
-Đợi lưỡi tôi rữa rồi sẽ nói cho hòa thượng hay.
Sau Thông từ biệt, định vào núi, sư bảo :
-Cẩn thận ! Phi Viên Lãnh rất sâu và đẹp.
Thông im lặng hồi lâu, sư vẫy :
-Xà lê !
-Dạ !
-Sao không vào núi  ?
Thông nhân đó có tỉnh, không vào núi nữa.
 

63.- Đạo Toàn hỏi sư :
-Thế nào là yếu điểm của xuất ly ?
-Dưới chân xà lê có khói.
Toàn ngay đó khế ngộ, không đi nơi khác nữa. 
Vân Cư nói chêm :
-Rút cục, ông không thể cô phụ hòa thượng dưới chân có khói.
-Bước bước đạp huyền là thành công.

Chú Thích :

Dưới chân có khói : Ba giới không an, như trong nhà lửa. Khói ở trong nhà lửa hiện ngay trước mắt.
 

64.- Sư cùng ăn quả khô với Thái thủ tọa trong tiết đông chí, sư nói :
-Có một vật trên vươn tới trời, dưới chọc tới đất, đen như sơn, thường chuyển động. Khi đang chuyển động không thể nắm bắt được. Ông hãy cho tôi biết hiện giờ nó qua đâu ?
-Qua ở chỗ chuyển động.
Sư kêu thị giả :
-Dọn quả khô đi.

Chú Thích :

Đông chí : ngày 22 tháng 12, mặt trời ở 23027’4” ở Bắc bán cầu, đêm dài nhất, ở thiền viện có bữa ăn đặc biệt.
Quả khô : có lẽ là hạt dẻ.
Hiện giờ qua đâu ? : chỉ mặt trời qua xích đạo, tiến về Nam cực.
 

65.- Sư thấy U thượng tọa đến, bèn ra đằng sau thiền sàng đứng, U hỏi :
-Hòa thượng vì sao tránh con ?
-Tôi nói xà lê không gập qua lão.

Chú Thích :

U thủ tọa : U Thê Đạo U.
 

66.- Sư tuần thị ngoài đồng gập thượng tọa Lương đang dắt trâu, sư bảo :
-Phải để ý con trâu này, đừng để nó ăn lúa ruộng.
-Nếu là trâu tốt thì không ăn vụng lúa.

Chú Thích :

Các Thiền sư Trung Quốc phần lớn tham gia lao động, thậm chí tự mình cầy cấy. Người hiện tại nhiều người bị bệnh tật như mắt hoa, đầu nóng, mệt mỏi, lo lắng v . v .. Nếu có thể cải biến sinh hoạt tham gia tác vụ, chắc chắn không còn các bệnh trên. Chăn trâu là công việc bình thường của nhà nông, nhưng dưới con mắt của nhà Thiền thì đâu đâu cũng là thiền.
-Coi chừng trâu, đừng để nó ăn vụng lúa: là chỉ phải coi sóc tâm, đừng để tâm viên ý mã tác quái. Câu trả lời của Lương thượng tọa rất khí phách, rất có chất lượng. Một người đã thấy Phật tánh, đã thưởng qua thiền vị thì sẽ không bao giờ quên được. Giả sử ngẫu nhĩ mê chạy theo vật, nhưng một khi phát hiện liền hồi quang phản chiếu cùng Phật tánh đánh thành một phiến. Công phu càng sâu thì ngay niệm đầu ăn cỏ không sanh, thì hà tất phải lo.
 

67.- Một ông tăng hỏi Thù Du :
-Hạnh của sa môn là gì ?
-Hạnh tức chẳng không, hữu giác liền sai.
Một ông tăng khác đem chuyện này thuật cho sư, sư bảo :
-Sao không trả lời : Còn chưa biết hạnh là gì ?
Ông tăng về kể lại cho Thù Du. Du nói :
-Phật hạnh ! Phật hạnh !
Ông tăng lại về kể cho sư nghe, sư nói :
-U châu còn tạm được, khổ nhất là Tân La.

Chú Thích :

Thù Du : học trò Nam Tuyền.
Phật hạnh ! Phật hạnh : Thù Du khen ngợi Động Sơn.
U Châu : Hà Bắc.
Tân La : Đại Hàn.
U Châu còn tạm được : ý nói U Châu tuy xa xôi nhưng còn là đất trung thổ, chứ Tân La thì đã là ngoại quốc rồi.
 

68.- Một ông tăng hỏi sư :
-Sa môn hạnh là thế nào ?
-Đầu dài 3 thước, cổ dài 3 tấc.
Sư sai thị giả đem lời này hỏi Tam Thánh. Tam Thánh chộp Tay thị giả. Thị giả trở về trình sư. Sư chấp nhận.

Chú Thích :

Tam Thánh : Tam Thánh Huệ Nhiên học trò Lâm Tế.
 

69.- Kinh Triệu Mễ hòa thượng sai một ông tăng hỏi Ngưỡng Sơn :
-Ngay chính lúc này, sự khai ngộ còn là điều tất yếu không ?
-Ngộ tức chẳng không, sao rơi vào đệ nhị kiến ?
Mễ hòa thượng lại sai ông tăng đi hỏi sư :
-Vậy cứu cánh là gì ?
-Ông nên hỏi Ngưỡng Sơn.

Chú Thích :

Kinh Triệu Mễ hòa thượng : học trò Quy Sơn Linh Hựu.
 

70.- Trần thượng thư hỏi sư :
-Trong 52 vị Bồ Tát sao không thấy Diệu Giác ?
-Thượng thư tự mình thấy Diệu Giác.

Chú Thích :

Trần thượng thư : chỉ U Châu Thích sử Trần Tháo.
52 vị Bồ Tát : trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đi hỏi đạo 52 vị Bồ tát.
 

71.- Một vị quan hỏi sư :
-Có cách tu hành cho người thường không ?
-Khi ông trưởng thành thì có.

Chú Thích :

Sự tu hành là việc của  đại trượng phu.
 

72.- Sư bảo đại chúng :
-Các huynh đệ, đầu, thu, cuối hạ, đi Đông đi Tây nên đi về nơi vạn dậm không tấc cỏ.
Ngưng một lúc lâu, sư nói :
-Nơi vạn dậm không tấc cỏ, làm sao đi ?
Chuyện đến tai Thạch Sương, Thạch Sương nói :
-Sao không nói : ra cửa liền là cỏ ?
Sư nghe được bảo :
-Trong nước Đại Đường có được mấy người ?

Chú Thích :

Vạn dậm không tấc cỏ là chỉ sa mạc hay sao ? Dĩ nhiên không thể căn cứ vào chữ mà giải thích được. Đây là diễn tả cảnh giới không tịch của tự tánh, rộng lớn vô biên, siêu việt hình tượng. Lại sợ đại chúng kẹt vào câu nói nên sư lại nói “Làm sao đi ?” là ý ở ngoài lời nói. Câu “Ra cửa liền là cỏ” của Thạch Sương là nói ngoài không giới là sắc giới, những người chưa ngộ đạo ra cửa liền gập cỏ. 
Trong nước Đại Đường có được mấy người : là lời sư khen ngợi Thạch Sương đã hiểu ý mình.
Thạch Sương : Thạch Sương Khánh Chư (807-888) kế thừa pháp thống Đạo Ngô.
 

73.- Một ông tăng thưa :
-Con muốn bái kiến bổn sư của hòa thượng .
-Nếu tuổi ông thích hợp thì không có vấn đề gì !
Khi ông tăng định đáp, sư nói:
-Đừng dẫm lên vết cũ, phải tự mình đề xuất.
Ông tăng không lời đáp lại.Vân Cư đáp thế :
-Vậy không cần gập bổn sư của lão sư nữa.
Về sau Kiểu thượng tọa hỏi Trường Khánh :
-Thế nào là người tuổi thích hợp ?
-Cổ nhân nói gì kệ họ, ông ở đây hỏi cái gì ?
 

74.- Có ông tăng hỏi sư :
-Khi trời lạnh, nóng con đi đâu để  tránh ?
-Sao không đến chỗ nào không lạnh, không nóng ?
-Đó là chỗ nào vậy ?
-Đó là chỗ khi lạnh làm ông chết cóng, khi nóng làm ông chết thiêu.

Chú Thích :

Sợ nóng lạnh là vì có thân thể. Nếu như chứng được pháp thân vượt lên hình tướng thì chỗ nào cũng mát mẻ, không chỗ nào là không tiêu dao, còn sợ gì nóng lạnh nữa.
 

75.- Sư thượng đường hỏi đại chúng :
-Còn có người không báo tứ ân, Tam hữu chăng ?
Đại chúng không ai trả lời. Sư lại nói :
-Nếu một người không tự mình chứng nghiệm làm sao có thể vượt sanh tử ? Nếu tâm niệm liên tục và tâm không tiếp xúc vật thì Ông sẽ hòa hợp với thực tại. Hãy nỗ lực đừng nhàn nhã qua ngày.

Chú Thích :

Tứ ân : ơn cha mẹ, đất nước, Tam bảo, chúng sanh.
Tam hữu : ba giới : dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
 

76.- Sư hỏi ông tăng đến tham phỏng :
-Ông từ đâu đến ?
-Đi chơi núi xong, đến.
-Có lên đỉnh núi không ?
-Có.
-Đỉnh núi có người không ?
-Không có người.
-Vậy là ông không lên tới đỉnh.
-Nếu không lên tới đỉnh làm sao biết đỉnh núi không có người ?
-Ông vì sao không ở lại đó ?
-Con không ở vì Tây Thiên có người không chịu.

Chú Thích :

Câu đáp của ông tăng ám chỉ ông đã vượt qua sự phân biệt phàm thánh.                                                     
 (Lâm Minh Dục)
 

77.- Một ông tăng hỏi sư :
-Ý tổ sư từ Tây sang là gì ?
-Giống như gà sợ tê ngưu.

Chú Thích :

Gà sợ tê ngưu : dẫn trong Bão Phác tử của Cát Hồng dẫn chuyện trên sừng một con tê ngưu có sợi chỉ đỏ, buộc lúa vào đó, thả trong đám gà. Gà thấy lúa bèn chạy lại, nhưng khi tới gần thấy tê ngưu thì sợ hãi bỏ chạy.
 

78.- Một ông tăng hỏi sư :
-Thấy rắn nuốt ếch, nên cứu hay không ?
-Cứu thì nhắm mắt lại, không cứu thì mở mắt ra.

Chú Thích :

Rắn nuốt ếch là những sự việc trong hiện tượng giới. Nhắm mắt lại là vào bản thể giới, ở đó rắn và ếch chẳng có gì sai biệt thì đâu cần cứu.                                                          
 (Lâm Minh Dục)
 

79.- Có một ông tăng bị bệnh, muốn gập sư, sư bèn đến thăm. Ông tăng thưa :
-Hòa thượng sao không cứu đệ tử ?
-Ông là đệ tử nhà nào ?
-Đệ tử Đại Diêm Đề.
Sư im lặng hồi lâu. Ông tăng nói :
-Bốn bề là núi áp bức, con phải làm sao ?
-Lúc trước tôi cũng từ dưới mái nhà người mà tới.
-Nếu là vậy con cùng lão sư tương ngộ dưới mái hiên. Xin hỏi con và thầy cùng tránh né hay không tránh né ?
-Cùng không tránh né.
-Không tránh né, vậy thầy bảo con đi đâu ?
-Ra đồng mà trồng lúa tẻ.
Ông tăng thở dài rồi nói :
-Bảo trọng !
Nói rồi ngồi mà tọa thoát.
Sư dùng trượng gõ ba cái bảo :
-Ông có thể đi như vậy, nhưng không thể về như vậy.

Chú Thích :

Ông tăng trong chuyện này là Đức Chiếu. Đức Chiếu thế duyên đã tận, bệnh nặng nằm trên giường nhưng vẫn không quên tìm đường ra khỏi sanh tử. Động Sơn chỉ thị ông chỗ nào cũng là đường, nhưng đường nào là chánh, không phải ai cũng đạt được. Ra đồng trồng lúa đó là khóa đề mà người tu phải chú ý. Đức Chiếu an tâm nhập diệt biểu thị ông đã tìm được đường ra. Nhưng Động Sơn nói Đức Chiếu có thể ra nhưng không thể quay lại. Nếu muốn đến, đi tự như không phải là một chuyện dễ.      
(Tinh Vân)
 

80.- Nhân một buổi tham tối không thắp đèn. Có một ông tăng bước ra hỏi vì sao không thắp đèn. Sư sai thị giả thắp đèn rồi vẫy ông tăng lại gần bảo thị giả :
-Ông đi lấy 3 cân dầu tặng vị thượng tọa này.
Ông tăng đó phất tay áo mà lui. Ông tăng từ đó ngộ, đem hết tiền ra biện trai cúng dường đại chúng. 3 năm sau ông tăng đến từ biệt, sư bảo :
-Chúc ông thuận buồm suôi gió.
Lúc đó Tuyết Phong đứng hầu bên cạnh hỏi :
-Ông tăng này đi rồi, không biết bao giờ trở lại ?
-Ông ta chỉ biết đi, nhưng chưa biết về. Nếu ông không ngại có thể đến tăng đường coi thử.
Tuyết Phong đến tăng đường mới biết ông tăng tọa hóa rồi. Tuyết Phong về báo cáo với sư. Sư nói :
-Ông ta tuy đã chết, nhưng so với tôi đã chậm 30 năm.

Chú Thích :

Ông tăng trong chuyện này là Năng Nhẫn. Năng Nhẫn trách Động Sơn thuyết pháp mà không thắp đèn, trong tối cần có ánh sáng đó là thường tình. Động Sơn sai thị giả thắp đèn đó là thuận theo thường tình, nhưng lại sai thị giả tặng Năng Nhẫn 3 cân dầu đó là bất bình thường. Có thể nói đây là Động Sơn rất từ bi, cũng có thể nói là Động Sơn bóng gió chỉ trích Năng Nhẫn tham cầu. Dù thế nào Năng Nhẫn ngộ đạo rồi, thí tài thiết trai là biểu thị xả bỏ tham cầu. Năng Nhẫn ngộ đạo rồi còn trú 3 năm, khi thế duyên đã dứt mới cáo từ nhập diệt. Động Sơn chúc ông thuận buồm suôi gió. Dưới mắt nhà Thiền, chết là về nhà. Nhưng Động Sơn còn sống mà nói Năng Nhẫn chậm hơn ông 30 năm, tức là nói Động Sơn 30 năm trước đã sớm biết Pháp thân không có sanh tử.      
(Tinh Vân) 
 

81.- Sư hỏi một ông tăng :
-Ông từ đâu đến ?  
-Từ tháp Tam Tổ tới.       
-Nếu từ Tổ tới, lại gập Tôi làm gì ?
-Con và Tổ khác, con và hòa thượng không khác.
-Lão tăng muốn gập bổn sư của xà lê có được không ?
-Chỉ cần hòa thượng tự ra mặt.
-Hiện tôi không ở đây.

Chú Thích :

Tháp Tam Tổ : ở Sơn Cốc Tự, Thư Châu.
Con và Tổ khác : Tổ coi con như người ngoài.
Con và hòa thượng không khác : con và hòa thượng như người một nhà.
Tôi hiện không ở đây : dẫn lời của Nham Đầu :暫時不 在如同死人 (tạm thời bất tại như đồng tử nhân) Ý nói là Tôi đã gập Tam Tổ rồi.
 

82.- Một ông tăng hỏi :
-Câu nói “gập sự chẳng nắm giữ, niệm khởi mới biết có “ ý là làm sao ?
Sư chắp hai tay lại đưa lên đầu.

Chú Thích :

Ông tăng dẫn câu nói của Đơn Hà Thiên Nhiên.
 

83.- Sư hỏi thị giả của Đức Sơn :
-Từ đâu tới ?
-Từ Đức Sơn.
-Đến làm gì ?
-Đến hiếu thuận hòa thượng.
-Trên thế gian này, vật gì hiếu thuận nhất ?
Ông tăng không trả lời được.

Chú Thích :

Đức Sơn : Đức Sơn Tuyên Giám (782-865)
 

84.- Sư thượng đường bảo đại chúng :
-Có một người ở trong đám vạn người, không xoay lưng hoặc đối diện với một người nào, các ông nói mặt mũi hắn thế nào ?
Vân Cư bước ra thưa :
-Hiện giờ con muốn đến tăng đường.

Chú Thích :

Câu của Động Sơn có nghĩa là phải siêu việt trước sau. Vân Cư nói là mình muốn đến tăng đường nhưng thực ra là không đến tăng đường. Hai thầy trò đồng ý : tự tánh không lệ thuộc vào không gian.
 

85.- Có lần sư nói :
-Nếu ông thể ngộ siêu Phật thì mới biết ngữ thoại.
-Là ngữ thoại gì ?
-Khi nói xà lê không nghe.
-Hòa thượng có nghe không ?
-Không nói thì nghe được.
 

86.- Một ông tăng hỏi sư :
-Thế nào là hỏi đáp trúng cách ?
-Không từ miệng ra.
-Nếu có người hỏi, hòa thượng có đáp không ?
-Cho tới giờ chưa có người hỏi tôi.

Chú Thích :

Câu của Động Sơn có nghĩa là dùng không lời mà hỏi.
 

87.- Có ông tăng hỏi :
-Thế nào là từ cửa vào thì không quý ?
-Tốt nhất là đừng quan tâm.
 

88.- Có ông tăng hỏi :
-Từ khi hòa thượng xuất gia, thuyết pháp có bao người tin phục?
-Không một người tin phục.
-Tại sao không ai tin phục hòa thượng ?
-Vì mọi người đều có kiến thức của bậc vương giả.

Chú Thích :

Thuyết pháp giống như trị bệnh. Trên thế gian này không có thứ tiên dược nào có thể trị bách bệnh, có khi bệnh tự lành.
 

89.- Sư hỏi một ông tăng giảng kinh Tịnh Danh :
-Không thể dùng trí để biết, cũng không thể dùng thức để biết, ông nói coi câu này ý gì ?
-Đó là câu khen ngợi Pháp thân.
-Gọi Pháp thân là đã khen ngợi rồi.
 

90.- Một ông tăng hỏi :
-Thường thường năng lau chùi, sao lại không nhận được y bát ? Không biết người nào nhận được ?
-Người không nhập môn được.
-Chỉ người không nhập môn được, còn ai khác không ?
-Tuy là vậy không thể không để hắn được.
Sư lại nói :
-Vốn không một vật, không được y bát, ông nói ai được, nếu ngay đây nói một chuyển ngữ thì câu đó là gì ?
Lúc đó có một ông tăng trả lời nhiều lần đều không được chấp nhận. Sau cùng đến lần thứ 96 sư bảo :
-Sao trước ông không nói thế ?
Một ông tăng nọ, được nghe 95 câu của ông tăng kia nhưng câu cuối cùng lại không được nghe. Mỗi lần gập trong nhà tắm ông đều năn nỉ ông kia nói cho ông nghe câu nói đó nhưng đều bị từ chối. Ba năm sau ông tăng kia bị ốm nặng. Ông tăng nọ mang dao đến bảo ông tăng kia :
-Ba năm qua tôi năn nỉ ông nói, ông đều từ chối. Nếu bây giờ ông cũng không bảo cho tôi biết tôi sẽ giết ông.
-Được rồi ! đợi một chút. Nhưng tôi bảo cho ông biết dù tôi có nói thì cũng chả ích lợi gì cho ông.
Ông tăng nọ lạy ông tăng kia đi ra.

Chú Thích :

Khi ông tăng nọ nhận được lời hứa sẽ được thỏa mãn điều ông muốn thì ông không còn muốn nữa : ông đã giác ngộ. Giác ngộ là không còn muốn giác ngộ nữa.
Thường thường năng lau chùi : dẫn câu kệ của Thần Tú. Ngộ là phải tức khắc chứ không thể từ từ.
Vốn không một vật : dẫn câu kệ của tổ Huệ Năng, tự tánh vốn không, nếu được một cái gì thì đều là ô nhiễm vậy.
 

91.- Có am chủ không khỏe, hễ thấy ông tăng nào tới đều nói :
-Cứu nhau ! Cứu nhau !
Nhiều ông tăng trả lời nhưng đều không khế hợp. Sư đến thăm am chủ cũng nói :
-Cứu nhau ! Cứu nhau !
-Ông muốn cứu cách nào ?
-Thầy chẳng phải con cháu Vân Nham, Dược Sơn sao ?
-Chẳng dám.
Am chủ chắp tay từ biệt :
-Các vị ! Tôi đi đây !
 

92.- Một ông tăng hỏi sư :
-Khi một ông tăng qua đời, ổng về đâu ?
-Sau khi thiêu, chỉ còn lại một cọng rau rút.

Chú Thích : 

Động Sơn ám chỉ “chủ nhân ông” trở về không.
 

93.- Một hôm khi chư tăng đều ra ngoài phổ thỉnh, sư đi một vòng kiểm soát thấy một ông tăng còn ở tăng đường, bèn hỏi :
-Sao ông không đi phổ thỉnh ?
-Con bị bệnh.
-Khi ông mạnh, có đi không ?

Chú Thích :

Phổ thỉnh : lao tác, mọi người trong chùa đều phải đi. Phổ thỉnh không hạn chế ở việc làm ruộng. Ý của Động Sơn là không phải khi mạnh khỏe mới tu, vì người tu phải vượt lên các cảnh giới : sinh, lão, bệnh, tử.
 

94.- Có ông tăng hỏi :
-Thầy thường dạy học nhân đi đường chim bay, đường chim bay là sao ?
-Chẳng gập người nào.
-Vậy làm sao đi ?
-Dưới chân vô tư.
-Đó có phải là khuôn mặt xưa nay không ?
Sư cười đáp :
-Ông điên đảo rồi !
-Con điên đảo ở chỗ nào ?
-Nhận nữ làm nam.
-Vậy thế nào mới là khuôn mặt xưa nay ?
-Đừng đi đường chim bay.
Về sau Giáp Sơn hỏi một ông tăng :
-Từ đâu tới ?
-Từ Động Sơn.
-Động Sơn có câu gì dạy chúng ?
-Thường dạy 3 đường.
-3 đường nào ?
-Đường huyền, đường chim và dang hai tay.
-Thực vậy sao ?
-Thực vậy !
-Nên trân trọng giáo lý huyền diệu ngoài ngàn dậm.

Chú Thích :

Giáp Sơn : Giáp Sơn Thiện Hội (805-881) đệ tử đời thứ ba của Dược Sơn.
Ý của Giáp Sơn là phải thành tâm, thành ý.
Đi đường chim bay không gập một người nào : thiền lộ là toàn trông cậy vào chính mình, chí công vô tư. Ông tăng hỏi đó có phải là bản lai diện mục không. Dĩ nhiên không phải, đây chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh, chẳng khác gì nhận nữ làm nam. Ông tăng lại hỏi “Vậy thế nào là bản lai diện mục?” Hiển nhiên là ông tăng này hãy còn ở trong tình huống tu hành, chưa thể liễu ngộ cho nên Động Sơn bảo :” Đừng đi đường chim bay”. Thiền là linh hoạt, phải tùy cơ, lúc nào nên nói, và nói gì.           
 (Vương Trấn Canh)
 

95.- Sư bảo đại chúng :
-Nên biết có người trên Phật mới có tư cách đàm luận sự vật.
-Thế nào là người trên Phật?
-Không Phật.
Bảo Phúc bảo :
-Không chỉ Phật.
Pháp Nhẫn bảo :
-Phương tiện gọi là Phật.

Chú Thích : 

Động Sơn sống dưới đời nhà Đường, thời hoàng kim của Phật giáo và học hỏi với nhiều thiền sư như Quy Sơn, Nam Tuyền, Vân Nham. Về sau ông thiết lập dòng thiền Tào Động. Vài vị thiền sư rất thô bạo, hoặc đánh hoặc đuổi thiền sinh ra khỏi thiền viện, còn Động Sơn thì hiền từ và hiểu biết. Câu nói của ông là để chống lại sự ngưng trệ. Nhiều người nghe những câu như thiền là một cách sống, nhìn sự vật như chính nó, Ta bà là Niết Bàn . . .  nghĩ rằng mình đã hiểu thiền và không học hay tìm kiếm gì nữa. Câu “không Phật” là Động Sơn chỉ cho các thiền sinh tìm kiếm giác ngộ. Nhưng với những người nhập môn, Động Sơn sẽ nói là Phật. Luôn luôn có 2 cách học hỏi : Một là tiến về trước, một là quay trở lại. Chúng ta tìm giác ngộ, Phật giới bình đẳng, cái một, nhưng chúng ta cũng luôn quay lại thế giới nhân loại cụ thể này. Chúng ta tìm thấy Phật trong con người, phổ quát trong riêng biệt, bình đẳng trong bất bình đẳng, hòa hợp trong bất hòa hợp, một trong tất cả, chúng là 2 nhưng cũng là một. Đừng chỉ chấp vào Phật hay người. Đó là lời dạy của Động Sơn.             
(Gyomay M. Kubose)
 

96.-  Sư hỏi một ông tăng :
-Từ đâu tới ?
-Từ nơi bện dép cỏ tới.
-Ông tự mình bện hay phải nhờ người ?
-Nhờ người .
-Hắn có dạy ông không ?
-Nếu cứ theo lời hắn thì sẽ bện được dép tốt.

Chú Thích :

Hắn chỉ tự tánh.

97.- Một ông tăng hỏi :
-Thế nào là trong huyền lại huyền ?
-Như lưỡi người chết.
 

98.- Một lần, sư đang rửa bát thấy 2 con quạ đang tranh nhau ăn một con ếch. Một ông tăng trông thấy hỏi :
-Tại sao lại đến tình trạng này ?
-Chỉ lợi cho xà lê.

Chú Thích :  

Câu đáp của Động Sơn có nghĩa là ông tăng phải tự phản tỉnh.
 

99.- Một ông tăng hỏi :
-Thế nào là thầy của Tỳ Lô Giá Na ?
-Rạ lúa, rơm kê.

Chú Thích :

Lúa và kê đã hoàn tất xong nhiệm vụ thì rạ lúa, rơm kê phủ đầy thiền viện, dụ cho tự tánh ở khắp nơi.
 

100.- Một ông tăng hỏi :
-Trong 3 thân, thân nào không rơi vào chúng số ?
-Lúc trước tôi rất quan tâm vấn đề này.
Ông tăng đó về sau hỏi Tào Sơn :
-Động Sơn nói lúc trước tôi rất quan tâm vấn đề này nghĩa là làm sao ?
-Nếu ông muốn chém đầu tôi thí cứ chém đi.
Ông tăng đó lại đem hỏi Tuyết Phong, Tuyết Phong dùng gậy đánh vào mồm ông tăng đó, bảo :
-Lúc trước tôi từng đến thăm Động Sơn.

Chú Thích :

Thân nào không rơi vào chúng số : Thân nào không rơi vào cảnh giới bị khái niệm hóa?
 

101.- Có một lão túc trong chúng từ Vân Nham về, sư hỏi :
-Ông tới Vân Nham làm gì ?
-Không biết.
-Núi từng lớp chập chùng.

Chú Thích :

Mây (vân) và núi (nham) từng lớp, từng lớp, chập chùng khiến không nhận biết được bản lai diện mục, do đó mới  nói không biết.
 

102.- Có ông tăng hỏi :
-Núi xanh là cha mây trắng, nghĩa là sao ?
-Chỗ thưa cây.
-Mây trắng là con núi xanh, nghĩa là sao ?
-Không phân biệt Đông, Tây.
-Mây trắng cả ngày ngừng trôi, nghĩa là sao ?
-Không lìa.
-Thế nào là núi xanh không biết?
-Không chú ý nhìn.
 

103.- Một ông tăng hỏi :
-Cỏ bờ bên kia là cỏ gì ?
-Cỏ không mọc.

Chú Thích :

Cỏ không mọc cùng ý với “vạn dậm không tấc cỏ”.
 

104.- Sư hỏi một ông tăng :
-Ở thế gian này chuyện gì là khổ nhất ?
-Địa ngục.
-Không đúng.
-Ý thầy là sao ?
-Dưới cái áo này không rõ việc lớn là khổ nhất.

Chú thích :

Dưới áo : chỉ chúng sanh.
Việc lớn : chỉ tự tánh.
Địa ngục tuy khổ, nhưng biển khổ của chúng sanh lại còn khổ hơn.
 

105.- Sư hỏi một ông tăng :
-Ông tên chi ?
-Con tên mỗ.
-Ai là chủ ông ?
-Hiện trả lời thầy.
-Khổ thay ! Khổ thay ! Người bây giờ đều vậy, coi mình như lừa ngựa, do đó Phật pháp suy đồi, không phân được khách chủ làm sao phân được chủ trong chủ ?
-Chủ trong chủ là ý gì ?
-Là những gì ông nói.
-Những gì con nói chỉ là khách trong chủ, còn thế nào là chủ trong chủ ?
Vân Cư đáp thay :
-Những gì hắn nói không phải là khách trong chủ.
Động Sơn bảo :
-Nói thì dễ, nhưng làm thì khó.
Nói rồi đọc bài kệ :
Chỉ cần xem người học đạo ngày nay thì biết
Đại đa số chỉ chú ý đến sự vào cửa
Cũng giống như người tới kinh đô để triều kiến thiên tử
Chỉ mới đi tới Động Quan thì đã ngừng lại rồi.

Chú Thích :

Khách trong chủ : vì có khách nên mới có chủ.
Chủ trong chủ : không giả tưởng có khách, tự mình làm chủ mình.
 

106.- Sư thượng đường nói :
- Đạo vô tâm hợp người, người vô tâm hợp đạo, muốn biết đạo lý này một người già, một người không già.
Về sau một ông tăng hỏi Tào Sơn :
-Thế nào là một người già ?
-Không phù trì.
-Thế nào là một người không già ?
-Cây khô.
Ông tăng lại đi hỏi Tiêu Dao Trung. Trung đáp :
-Tam tòng, lục nghi.

Chú Thích :

Không phù trì : thoạt nhìn là một lão già vô dụng, nhưng lại lả chỉ một người có khả năng hoằng pháp.
Cây khô : chỉ lúc đạo không được truyền bá.
Tiêu Dao Trung : kết thừa Giáp Đơn Thiện Hội.
Tam tòng, lục nghi : Tam tòng tứ đức, và sáu nghi thức mà cung nữ đời Đường phải theo, có thể giải thích là : Tam tòng là già, lục nghi là không già.
 

107.- Ngũ Tiết đến tham Thạch Đầu bảo :
-Nói một câu khế hợp thì tôi ở lại, nếu không thì đi.
Thạch Đầu cứ ngồi yên. Ngũ Tiết bèn đi.
Thạch Đầu theo sau gọi :
-Xà lê ! Xà lê !
Ngũ Tiết ngoảnh đầu lại. Thạch Đầu nói :
-Từ sanh đến tử chỉ là cái đó ! Ngoảnh đầu lại làm gì ?
Ngũ Tiết hốt nhiên khế ngộ, bèn bẻ gẫy trụ trượng.
Động Sơn phê bình chuyện trên :
-Lúc đó nếu không phải là Ngũ Tiết, thật khó mà đối phó. Tuy là vậy vẫn còn phải tiến xa hơn.

Chú Thích :

Ngũ Tiết : một trong những vị thầy của Động Sơn.
Thạch Đầu : (700-791) đệ tử đời thứ 2 của Lục Tổ.
Chỉ là cái đó : chỉ tự tánh.
Bẻ gẫy trụ trượng : tỏ ý ở lại tham học với Thạch Đầu, không đi nơi khác nữa.
Cái đó chỉ tự tánh, ngoảnh đầu lại chỉ sự hướng ngoại. 
(Lâm Minh Dục)
 

108.- Một ông tăng từ biệt Đại Từ. Đại Từ hỏi :
-Ông đi đâu ?
-Đi Giang Tây.
-Tôi muốn nhờ ông một việc có được không ?
-Hòa thượng có chuyện gì ?
-Ông dẫn lão tăng đi có được không ?
-Có người lớn tuổi hơn hòa thượng mà con cũng không dẫn đi được.
Đại Từ bèn thôi. Sau ông tăng kể cho sư nghe, sư bảo :
-Sao ông lại trả lời như vậy ?
-Nếu là hòa thượng thì trả lời như thế nào ?
-Được !
Lúc đó Pháp Nhãn đáp :
-Nếu là hòa thượng đi thì con nguyện cắp nón cho thầy.
 

109.- Sư lại hỏi ông tăng ấy :
-Đại Từ còn có câu gì nữa ?
-Một lần Đại Từ nói :”Nói một trượng chẳng bằng làm một thước, nói một thước chẳng bằng làm một tấc”.
-Tôi chẳng nói thế.
-Hòa thượng nói thế nào ?
-Không nói chuyện không thể làm, không làm chuyện không thể nói.
 

110.- Dược Sơn và Vân Nham đi chơi núi. Con dao đeo ở thắt lưng kêu sột soạt. Vân Nham hỏi :
-Vật gì phát ra tiếng vậy ?
Dược Sơn rút dao ra khỏi vỏ, huơ lên .
Sư thuật lại cho đại chúng nghe chuyện trên, rồi bảo :
-Hãy coi Dược Sơn vì chuyện ấy mà xuất thân, người nay muốn rõ chuyện hướng thượng phải thể hội cái tâm này.
 

111.- Buổi tham tối không thắp đèn. Dược Sơn bảo đại chúng :
-Tôi có một câu, đợi bò đực sanh bê sẽ bảo cho các ông.
Có ông tăng bước ra thưa :
-Bò đực sao sanh bê được, chỉ là hòa thượng không chịu nói.
-Thị giả mau thắp đèn !
Ông tăng lui vào trong chúng.
Về sau, Vân Nham hỏi Động Sơn :
-Ông nghĩ thế nào ?
-Ông tăng đó đã hiểu, chỉ là không chịu lạy thôi.
 

112.- Dược Sơn hỏi một ông tăng :
-Từ đâu tới ?
-Từ Hồ Nam tới.
-Động Đình hồ đã đầy chưa ?
-Chưa.
-Mưa nhiều như thế sao còn chưa đầy ?
Ông tăng không đáp được. Đạo Ngô nói :
-Hiện đầy rồi.
Vân Nham bảo :
-Về sau mới đầy.
Động Sơn nói :
-Nước hồ thêm bớt vào lúc nào ?

Chú Thích :

Động Đình Hồ : ở phía Bắc tỉnh Hồ Nam.
Đạo Ngô : sư huynh của Vân Nham.
Khi ông tăng tới thiền viện, câu đầu tiên ông bị hỏi thường là từ đâu tới, có nghĩa là ông học thiền với ai ? Ở đây hồ không chỉ cái hồ địa lý mà chỉ tâm ông tăng. Câu trả lời của ông tăng cho thấy ông quá đơn giản. Dược Sơn dồn ông : Sao mưa nhiều như thế mà chưa đầy ? Hàng ngày chúng ta được thấm nhuần mưa pháp, sao hồ vẫn chưa đầy (giác ngộ).         
(Gyomay M. Kubose)
Ý của Động Sơn là tự tánh không có, tăng, giảm.
 

113.- Dược Sơn hỏi một ông tăng :
-Nghe nói ông biết bói toán phải không ?
-Không dám.
-Ông thử bói cho lão tăng coi.
Ông tăng không đáp được. Vân Nham thuật lại chuyện này và hỏi Động Sơn  :
-Ông nghĩ sao ?
-Xin hòa thượng cho biết ngày sanh, tháng đẻ.

Chú Thích :

Dùng ngày sanh, tháng đẻ để bói toán vận khí cát hung, có thể dùng để bói toán pháp thân không? Câu nói của Động Sơn là dò xem phản ứng của Vân Nham.

114.- Sư làm bài tụng Ngũ Vị Quân Thần :
1/ Chánh Trung Thiên:
三 更 初 夜 月 明 前
Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền
莫 怪 相 逢 不 相 識
Mạc quái tương phùng bất tương thức
隱 隱 猶 懷 舊 日 嫌
Ẩn ẩn do hoài cựu nhật hiềm.
Đêm  tối,  canh  ba  trăng  rọi  hiên
Lạ  chi  cùng  gặp  chẳng  cùng  biết
Ẩn  ẩn  vẫn  còn  ôm  hận  phiền.
2/ Thiên Trung Chánh:
失 曉 老 婆 逢 古 鏡
Thất hiểu lão bà phùng cổ kính
分 明 覿 面 別 無 眞
Phân minh địch diện biệt vô chân
休 更 迷 頭 猶 認 影
Hưu cánh mê đầu do nhận ảnh.
Mất  sáng  lão  bà  tìm  cổ  kính
Rõ  ràng  đối  diện  đâu  riêng  chơn
Thôi  chớ  quên  đầu  theo  nhận  bóng.
3/ Chánh Trung Lai:
無 中 有 路 隔 塵 埃
Vô trung hữu lộ cách trần ai
但 能 不 觸 當 今 諱
Đãn năng bất xúc đương kim húy
也 勝 前 朝 斷 舌 才
Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài.
Đường  cái  trong  không  cách  trần  ai
Chỉ  hay  chẳng  chạm  ngày  nay  kỵ
Đã  thắng  tiền  triều  cắt  lưỡi  tài.
4/ Thiên Trung Chí:
兩 刄 交 鋒 不 須 避
Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị
好 手 猶 如 火 裏 蓮
Hảo thủ do như hỏa lý liên
宛 然 自 有 衝 天 志
Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí
Hai  kiếm  đua  nhau  cần  gì  tránh
Tay  khéo  vẫn  như  lò  lửa  sen
Nguyên  vẹn  nơi  mình  xung  thiên  chí.
5/ Kiêm Trung Đáo:
不 落 有 無 誰 敢 和
Bất lạc hữu vô thùy cảm hoà
人 人 盡 欲 出 常 流
Nhân nhân tận dục xuất thường lưu
折 合 還 歸 炭 裏 坐
Chiết hiệp hoàn quy thán lý tọa

Chẳng  rơi  không  có  ai  dám hòa
Người  người  trọn  muốn  vượt  dòng  thường
Tan  hiệp  trở  về  ngồi  trong  tro.
 (Thích Thanh Từ dịch)

1- Chánh Trung Thiên:
Đây là Thể Khởi Dụng, là cảnh tượng tưởng ngộ nhưng chưa ngộ, chưa tự tin, còn dư tập chưa chặt đứt.
2- Thiên Trung Chánh:
Đây là Dụng quay về Thể, là cảnh tượng sơ ngộ, tất cả đều tự hiện thành, ngộ là ngộ, không cần phải nghi, thâm nhập thức tâm.
3- Chánh Trung Lai:
Đây là có Thể không Dụng, đi vào chân không, phủ định tất cả trần cảnh, ngộ cảnh này không thể nói ra được bằng lời, chỉ có thể dùng tâm mà chứng.
4- Thiên Trung Chí:
Đây là Thể và Dụng cùng tới, là cảnh ngộ đoạn trừ tất cả phiền não, hiểu rằng Thể Dụng là một, có cảm giác siêu nhiên ngoài vật.
5- Kiêm Trung Đáo:
Đây là Thể Dụng đều tịch, là cảnh tượng Hữu và Vô đều không chấp.
 

115.- Sư thượng đường nói :
-Khi hướng, phụng, công, cộng công, công công làm sao ?
Có ông tăng hỏi :
-Thế nào là hướng ?
-Bình thường ông ăn cơm thế nào ?
-Thế nào là phụng ?
-Khi làm ngược lại thì thế nào ?
-Thế nào là công ?
-Bỏ cuốc xuống rồi ông làm gì ?
-Thế nào là cộng công ?
-Chẳng nắm giữ vật.
-Thế nào là công công ?
-Chẵng hiệp lực hợp tác.
Sư nói bài tụng :

Hướng
Thánh chúa từng dùng pháp Đế Nghiêu
Kẻ hầu theo lễ khúc long yêu
Chợ ồn có lúc đi qua thẳng
Đến chỗ văn minh mừng thánh triều.

Phụng
Tắm sạch sẽ máu me ấy là ai ?
Người trong âm hưởng khuyến người về
Trăm hoa rụng hết, ca không bặt
Lại đến núi sâu hót mải mê.

Công
Hoa nở cây khô, xuân kiếp ngoại
Ngả lưng tượng ngọc, đuổi kỳ lân
Ngoài ngàn chót núi hôm nay ẩn
Trăng sáng gió lành buổi sáng tươi.

Cộng Công
Chúng sanh, chư Phật nào lấn xen
Núi tự cao chừ, nước tự sâu
Ngàn sai, muôn biệt sự quá rõ
Chá cô vừa hót trăm hoa cười

Công Công
Đầu mới mọc sừng việc chẳng nên
Đem tâm cầu Phật thật hư hèn
Xa xôi không kiếp nào ai biết
Chịu hướng về nam năm mươi ba.
                                                               (Thích Thanh Từ dịch)
 

116.- Nhân Tào Sơn từ biệt sư dặn :
-Khi trước tôi ở nơi tiên sư Vân Nham, tôi được truyền bí quyết Bảo Cảnh Tam Muội, nay giao cho ông  :
Pháp như thế ấy
Phật tổ thầm trao
Nay ông được đó
Nên khéo giữ gìn
Chén bạc đựng tuyết
Trăng sáng che cỏ
Loại đó chẳng đồng
Lẫn thì biết chỗ
Ý chẳng ở lời
Cơ đến cũng đến
Động thành hang ổ
Sai rơi đoái giữ
Tránh chạm đến lỗi
Như đống lửa lớn
Chỉ bầy mầu vẻ
Liền thuộc nhiễm ô.
Nửa đêm sáng tỏ
Trời sáng chẳng bầy
Vì vật làm phép
Dùng nhổ các khổ
Tuy chẳng hữu vi
Chẳng phải không nói
Như đến gương báu
Hình bóng thấy nhau.
Ông chẳng phải y
Y chính là ngươi
Như trẻ trong nôi
Năm tướng đầy đủ
Chẳng đi chẳng lại
Chẳng dậy chẳng đứng
Tu oa, tu oa
Có câu không câu
Trọn chẳng được vật
Vì lời chưa rõ.
Lại lìa sáu hào
Thiên chánh hồi hỗ 
Chồng chất làm ba.
Biến khắp thành năm
Như vị cô trị
Như sử kim cang
Chánh trung khéo gộp
Nhịp xướng đồng cử.
Thông tông thông đồ
Gộp hẹp gộp rộng
Yên lặng thì tốt
Chẳng nên phạm nghịch
Thiên chơn mã diện
Chẳng thuộc mê ngộ
Thời tiết nhơn duyên
Lặng lẽ rành rõ
Nhỏ vào chẳng hở
Lớn tột chỗ nơi
Sai trong mảy may
Chẳng hợp luật lữ
Nay có đốn tiệm
Duyên lập tông thú
Tông thú phân vậy
Tức là quy củ.
Tông thông thú tột
Chân thường trôi chảy
Ngoài yên trong loạn
Cột ngựa dẹp chuột
Tránh trước thương đó
Vì làm pháp thí
Tùy kia điên đảo
Lấy nâu làm trắng
Tưởng điên đảo diệt
Là tâm tự nhận
Cốt hiệp vết xưa
Xin xem xưa trước
Phật đạo sắp thành
Mười kiếp quân công
Như hang của cọp
Như trạm của ngựa
Do có thấp kém
Bàn báu xe quý
Do có sợ hãi
Mèo nhà bò trắng
Nghề do sức khéo
Trăm bước bắn trúng
Tên nhọn sắp chạm
Sức khéo làm gì ?
Người gỗ vừa ca 
Gái đá đứng múa
Tình thức chẳng đến
Đâu cho suy nghĩ
Thần phụng nơi vua
Con thuận nơi cha
Không thuận chẳng hiếu
Không phụng chẳng phụ
Làm thầm dụng kín
Như ngu như ngốc
Chỉ hay tiếp nối
Gọi chủ trong chủ.
                                                                 (Thích Thanh Từ dịch) 

117.- Sư nói :
-Thời mạt pháp, người nhiều căn tuệ nếu muốn phân biệt chân ngụy thì có 3 loại sẩm lậu. Một là kiến sẩm lậu cơ chẳng lìa vị, rơi vào bể độc. Hai là tình sẩm lậu ở vào tình trạng tiến thối lưỡng nan : chỗ thấy một chiều khô khan. Ba là ngữ sẩm lậu truy cầu ảo diệu, đánh mất căn bản cũng là vì lập trường mơ hồ. Học giả nhận thức bị hỗn loạn không ngoài 3 loại trên. Các ông nên biết thế.
Sư làm 3 bài kệ cương yếu :

1.- Nhịp xướng đồng hành
Chìa vàng hai khóa đủ
Ẩn bầy thẩy bao trùm
Ấn báu tài chống gió
Lụa gấm đứt đường khâu.

2.-Lưới vàng bủa đường huyền
Lẫn nhau sáng trong tối
Chuyển giác khó công bằng
Sức tột quên lui tới
Lưới vàng bủa khắp nơi.

3.-Chẳng rơi phàm thánh
Sự lý đều chẳng mắc
Soi lại bặt u vi
Trái gió không khéo vụng
Điện chớp khó theo tầm.
                                                             (Thích Thanh Từ dịch)

Chú Thích :

Sẩm lậu : đọa lạc.

119.- Sư không khỏe sai sa di tới nhắn Vân Cư :
-Nếu hắn hỏi tôi có mạnh không, thì nói  “Đường Vân Nham sắp mất” . Khi nói câu này ông phải đứng xa ra kẻo hắn đánh ông.
Sa di lãnh chỉ đi báo tin, chưa nói xong đã bị Vân Cư đánh cho một gậy. Sa di không lời đáp lại.

120.- Sư sắp viên tịch, bảo đại chúng :
-Tôi tại thế gian, có một chút nhàn danh, ai vì tôi bỏ nó đi ?
Đại chúng không ai đáp được, lúc đó có một sa di bước ra thưa :
-Xin hỏi hòa thượng pháp danh là gì ?
-Cái nhàn danh của tôi đã bỏ được rồi .
Thạch Sương bình :
-Không ai được sư ấn khả.
Vân Cư bình :
-Nếu có nhàn danh thì không phải là sư phụ tôi.
Tào Sơn bình :
-Từ cổ đến nay không ai biện luận hơn.
Sơ Sơn bình :
-Khi rồng ra khỏi nước, không ai nắm giữ được.
Có ông tăng hỏi :
-Hòa thượng bệnh, lại có người không bệnh chăng ?
-Có.
-Người không bệnh có thấy hòa thượng không ?
-Lão tăng có phần thấy hắn.
-Hòa thượng thấy hắn thế nào ?
-Không thấy có bệnh.
-Khi lìa cái thân lậu rỉ này ông đến đâu gập tôi ?
Ông tăng không trả lời được. Sư nói bài kệ :
Kẻ học hằng sa được mấy người
Lỗi tại tầm y trên đầu lưỡi
Muốn được quên thân bặt dấu vết
Nỗ lực trong không bước ấy ngươi.
                                                   (Thích Thanh Từ dịch)

Sư ra lệnh cắt tóc, tắm rửa, thay quần áo, đánh chuông từ biệt đại chúng, an nhiên tọa hóa. Đại chúng than khóc không thôi. Sư bỗng mở mắt ra bảo chúng :
-Người xuất gia phải giữ tâm không nhiễm mới là tu hành chân chính. Sanh tử là chuyện thường tinh của con người, buồn thảm có ích gì ?
Lại sai chủ sự biện ngu si trai. Tăng chúng biết soạn trai xong là phải ly biệt nên cứ chậm chậm mà làm, kéo dài đến 7 ngày mới xong. Động Sơn cùng đại chúng thọ trai, sau đó nói :
-Hãy im lặng một chút, đừng phiền tôi. Làm tăng đồ khi người khác sắp mất, chớ nên náo động.
Nói rồi về phòng phương trượng, ngồi ngay ngắn mà mất. Lúc đó là tháng 3 năm Hàm Thông thứ 10, sư thọ 63 tuổi đời, 42 tuổi hạ, được sắc phong Ngộ Bổn thiền sư, tháp hiệu Huệ Giác.

Chú Thích :

Động Sơn nhận rằng muốn minh tâm kiến tánh phải quên danh. Nếu không muốn quên danh mà muốn thành Phật thì chẳng khác nào xây lâu đài trên bãi cát. Sa di hỏi pháp hiệu tỏ rằng không biết có Động Sơn, cũng chỉ Động Sơn chẳng có danh tiếng gì lưu lại ở đời. Danh lợi, tư dục làm che mất tự tánh vậy.      
 (Tiêu Vũ Đồng)

Động Sơn coi chết như về nhà, tác phong tự tại, chỉ người đã chứng ngộ mới làm được. Những lời nói cuối cùng của ông đáng cho chúng ta chú ý. Một người tu hành khi lìa bỏ xác thân không bị cảm tình chi phối thật không dễ dàng. Đương lúc thần thức ly khai thân xác, bên cạnh có tiếng than khóc, người chết dễ bị cảm tình xúc động không thể phi thăng, liền đọa vào vòng sanh tử. Vì vậy nhà Phật chủ trương lúc lâm tử không được khóc lóc, cũng không được di chuyển thân thể vì cảm giác đau đớn vẫn chưa hoàn toàn mất. Đợi 3 ngày sau thì hỏa thiêu.                         
 (Bồ Đề Học Xã)
 
 

03-22-2008 11:23:46

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cau chuyen ve tam lê xin dung phan xet doi qua lang kinh mau Thiêng liêng những sắc màu tổ la Chả bắp giòn giòn ngon ngon tuoi tre va uoc mo binh an va hanh phuc Thơm ngon các món ăn từ cốm khong con hoan ho chien tranh va hoa binh nen niem a di da hay a mi da pháp chon hay tu thap duoc len ma di việc Dẫu Nửa ngày qua đất Phật vệ đà thuong mot ang may bay Ăn uống thế nào để sống thọ hơn cần nhung loi ich cua viec tin va song theo dinh luat ï¾ ï½ Nói lời tri ân gia hạn nhận bài thanh thieu nien voi viec di chua Đường cũng độc hại như thuốc ngắm tiê thien giua duong luÃ Ô nhiễm không khí trong nhà gây ra nhiều Omega tuổi trẻ và nhân duyên cửa phật chuột gieo hạt 9 ơn lớn trong cuộc đời nhất định cuoi ngoài Sinh tố dưa hấu dâu tây ngôi báu tăng la prajnatara thà ŠNgười xuất gia tổ a tầm 01 loi gioi thieu cua duc dalai lama kỷ Vu lan nhớ mẹ Một bông hồng cho em