Tổ Sư Thiền - Lục Tổ Huệ Năng là Người Hoa hay Người Việt, Tuệ Nguyễn

 


 
 
 
.
LỤC TỔ HUỆ NĂNG 
LÀ NGƯỜI HOA HAY NGƯỜI VIỆT ?
Tuệ Nguyễn
a/ Lời đầu: 

Gần đây, trên các trang nhà Giác Ngộ Online, Thư Viện Hoa Sen, Giao Điểm Online thấy xuất hiện bài viết “Khảo chứng mới về cuộc đời Lục tổ Huệ Năng” của Tâm Hiếu (Lược theo báo Cam Lồ, Học viện Cửu Hoa Sơn, Trung Quốc).
http://www.giacngo.vn/chude/vulan2008/2008/08/05/73C413/
http://www.tuvien.com/khaochungmoive-luctohuenang
http://giaodiemonline.com/2008/10/lucto

Bài viết, dựa theo cuốn “Tào Khê đại sư biệt truyện” đã liệt kê nhiều chi tiết về cuộc đời của Lục tổ khác với cuốn “Lục tổ đàn kinh” được lưu truyền. 

Cuối bài, Thư Viện Hoa Sen link tới trang có in cuốn kinh Pháp Bảo Đàn (bản Đôn Hoàng) do Hoà thượng Thích Mãn Giác dịch:
http://www.tuvien.com/kinhphapbaodan-thichmangiac

Trong bản dịch này, ở phần “Lời đầu sách” do HT. Thích Mãn Giác viết có ghi một cái tựa có thể làm cho độc giả ngạc nhiên: “Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam.”

Như vậy ít ra chúng ta cũng có 3 bản nói về nguồn gốc của Lục tổ có những chi tiết khác nhau. 

Bài này được viết ra không phải để bàn về cuốn “Tào Khê đại sư biệt truyện”, thứ nhất vì người viết không có bản này, thứ hai là bản này đã được Hồ Thích [là nhà học thuật văn hoá lừng danh, nhất ngôn cửu đảnh (theo Tâm Hiếu)] khảo chứng và xếp vào loại “ngụy thư”. Tuy nhiên biết đâu sau này có những khảo chứng khác chỉ ra có thể Hồ Thích có một số sai lầm nào đó chăng? 

Vì vậy bài này chỉ bàn về bản dịch cuốn kinh Pháp Bảo Đàn với “lời đầu sách” của HT. Thích Mãn Giác, mà trọng tâm xoay quanh vấn đề có phải Lục tổ là người Việt Nam hay không?

b/ Tài liệu: 

Hai tài liệu chính của kinh Pháp Bảo Đàn được dùng để so sánh ở đây là:

1_ Bản Đôn Hoàng do Hoà thượng Thích Mãn Giác dịch, nội dung chia làm 57 phần. Những trích dẫn ở đây dựa trên trang nhà kể trên, và trang nhà này lấy nguồn từ cuốn “Kinh Pháp Bảo Đàn, Đôn Hoàng Bản, Lục Tổ Huệ Năng, Bản dịch tiếng Việt: Hoà thượng Thích Mãn Giác” của NXB. Tôn Giáo Hà Nội (2003). 

Ký hiệu, ví dụ:

(ĐH.2) =  Bản Đôn Hoàng, nằm trong phần 2 (vì người viết không có cuốn sách trên nên không thể ghi chú trích dẫn từ trang, dòng được).

(ĐH. LĐS.) = Bản Đôn Hoàng, lời đầu sách của dịch giả.

2_ Bản Tông Bảo do Hoà thượng Minh Trực thiền sư dịch thì phần văn kinh chia làm 10 phẩm có tên (1- Hành Do, 2- Bát Nhã, 3- Nghi Vấn, 4- Định Huệ, 5- Tọa Thiền, 6- Sám Hối, 7- Cơ Duyên, 8- Đốn Tiệm, 9- Hộ Pháp, 10- Phó Chúc). Những trích dẫn ở đây dựa theo bản của Thành hội Phật giáo TP. HCM ấn hành (1990). 

Ký hiệu, ví dụ: [TB, 12(5)] = Bản Tông Bảo, trang 12, dòng 5.

Cũng có thể coi cuốn này trên trang nhà:

http://www.tuvien.com/kinhphapbaodan-minhtruc-00

Các tài liệu khác: 

3_ Thích Thanh Từ, Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải, NXB. TP. HCM. (1999). Ký hiệu: (GG)

4_ Trần Gia Phụng, Việt Sử Đại Cương, tập 1, NXB. Non Nước, Toronto, 2004. Ký hiệu: (VSĐC, I)

5_Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, quyển 1, Cơ sở xuất bản Đại Nam chụp lại bản in 1956 ở Saigon. Ký hiệu: (VSTB, I)

6_ Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, quyển 1, Cơ sở xuất bản Đại Nam chụp lại bản in ở Saigon, không đề năm. Ký hiệu: (VNSL, I)

7_ Ngô Thời Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hoá Á Châu, Văn Sử tái bản, 1991. Ký hiệu: (VSTA)

Để dễ theo dõi, các trích dẫn đều in chữ nghiêng, bản Đôn Hoàng in chữ nghiêng màu lam, bản Tông Bảo chữ nghiêng màu lục. Khi người viết muốn nhấn mạnh thì in chữ nghiêng đậm (cho phần trích dẫn) và chữ thường đậm cho lời người viết.

Vì trích dẫn nguyên văn nên giữ nguyên cách viết của nguyên bản, ví dụ Lĩnh Nam (ĐH) và Lãnh Nam (TB), và chỉ sửa lỗi chánh tả (nếu có).

c/ Cách làm việc:

Theo HT. Thích Thanh Từ thì:

Quyển Pháp Bảo Đàn do Thiền sư Pháp Hải, đệ tử của Lục Tổ, trụ trì chùa Bảo Lâm ghi chép lại. Thế nên những lời được ghi lại đương nhiên là có khi sơ sót chút ít, có khi được bổ túc cho thành câu, thành văn, vì Lục Tổ chỉ giảng thôi chớ không có viết. Sách sử chép rằng Lục Tổ không biết chữ, do đó Ngài giảng dạy rồi đồ đệ ghi, dĩ nhiên có những lời Ngài dạy mà người ghi bỏ sót, cũng như có những phần mà người sau thấy cần bổ túc cho hay hơn, thành ra có thể sai đi chút ít, đó là việc thường không thể tránh khỏi. [GG, 7(18) - 8(7)]

Như vậy, nếu bản sau có những chi tiết mà bản trước không có thì chúng ta không nên vội kết luận đó là do người sau “ngụy tạo” mà có thể là “bổ túc”.

Trường hợp ngược lại, có khi bản sau lại ngắn hơn bản trước. Cổ Quân Tì khưu Đức Dị có viết:

Tiếc thay, cuốn Đàn Kinh bị người sau tiết lược rất nhiều, nên chẳng thấy được cái tông chỉ đại toàn của Lục tổ. [TB, 19(14-16)]

Do đó, riêng đối với cuốn này chúng ta nên từ bỏ quan niệm cho rằng bản nào cổ hơn thì có giá trị hơn, hoặc bản dài hay ngắn có giá trị hơn, mà phải nghiên cứu nội dung bản đó một cách cẩn trọng để có thể đánh giá được giá trị của bản đó. Ngoài ra việc tìm ra bản đầu tiên (có lẽ rất đơn giản) cũng không nhất thiết là một việc cần “PHẢI” có. 

Sau đây là phần chính của bài này: 

I_ So sánh: 

Trước hết ta so sánh bố cục của 2 bản TB và ĐH:
 

BẢN TÔNG BẢO BẢN ĐÔN HOÀNG (phần tương đương)
Phẩm 1 Hành Do (TB) Phần (1-12) Hành Do (ĐH)
với một chút khác biệt: 
(1 đoạn đầu phần 2 và 1 đoạn cuối phần 12 nằm ở đoạn đầu của phẩm Bát Nhã bản TB.)
Phẩm 2 Bát Nhã (TB) Phần (24-33) Bát Nhã (ĐH)
với một chút khác biệt: 
(bài tụng ở phần 33 nằm ở cuối phẩm Sám Hối bản TB.)
Phẩm 3 Nghi Vấn (TB) Phần (34-37) Nghi Vấn (ĐH)
với một chút khác biệt: 
(bài tụng ở đoạn cuối phần 36 nằm ở cuối phẩm Bát Nhã bản TB.)
(thiếu bài tụng có trong cuối phẩm Nghi Vấn bản TB.)
Phẩm 4 Định Huệ (TB) Phần (13-17) Định Huệ (ĐH)
Phẩm 5 Tọa Thiền (TB) Phần (18,19) Tọa Thiền (ĐH)
Phẩm 6 Sám Hối (TB) Phần (20-23) Sám Hối (ĐH)
Phẩm 7 Cơ Duyên (TB)
[nói về (Vô Tận Tạng, Pháp Hải, Pháp Đạt, Trí Thông, Trí Thường, Chí Đạo, Hành Tư, Hoài Nhượng, Huyền Giác, Trí Hoàng, Phương Biện).]
Phần (42-44) Cơ Duyên (ĐH)
[nói về (Pháp Đạt, Trí Thường, Thần Hội).]
Phẩm 8 Đốn Tiệm (TB)
[nói về (Chí Thành, Chí Triệt, Thần Hội).]
Phần (38-41) Đốn Tiệm (ĐH)
(nói về Chí Thành.)
Phẩm 9 Hộ Pháp (TB) (Không có)
Phẩm 10 Phó Chúc (TB) Phần (45-57) Phó Chúc (ĐH)

II_Những vấn đề của bản Đôn Hoàng

Trước hết ta xét những chỗ khác biệt của 2 bản: 

1_ Bản TB, đoạn đầu phẩm Bát Nhã ghi:

Đại sư lên tòa giảng, bảo đại chúng rằng: “Các ngươi phải tịnh tâm mà niệm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.”

Ngài lại dạy rằng: “Nầy chư Thiện trí thức, cái trí Bồ-đề Bát-nhã, người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê, nên chẳng tự ngộ được. Phải cầu bực đại Thiện trí thức, chỉ dẫn cho, mới thấy tánh. Phải biết rằng dù kẻ ngu hay người trí, cũng đồng có một cái tánh Phật giống nhau không khác. Nhưng bởi tâm mê ngộ chẳng đồng, sở dĩ mới có kẻ ngu người trí. Vì đó, nên nay ta mới nói phép Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa, … [TB, 48(5-15)]

Với cùng nội dung như vậy (cùng nói về Bát Nhã), bản ĐH chia làm 3 chỗ cách nhau rất xa:

Đại sư Huệ Năng nói: “Các thiện tri thức, hãy tịnh tâm mình mà tập trung vào giáo lý Bát nhã Ba la mật.” (ĐH.2) 

Đại sư Huệ Năng gọi: “Này các thiện tri thức, thế nhân ai nấy đều vốn sở hữu Bồ đề và trí Bát nhã, chỉ bởi vì tâm bị mê mờ mà họ không thể tự giác ngộ lấy được, cho nên mới cần phải cầu bậc Đại thiện tri thức để chỉ đạo cho họ pháp kiến tánh. Các thiện tri thức, gặp được giác ngộ tức là thành tựu được Phật trí.” (ĐH.12)

… … … tôi xin giảng pháp Bát nhã Ba la mật cho chư vị. (ĐH.24)

Chúng ta thấy chỉ một đoạn đầu phẩm Bát Nhã (TB) mà bản ĐH đã nhẩy từ phần 2-12 (Hành Do), sau đó nhẩy từ phần 13-24 (Định Huệ, Tọa Thiền, Sám Hối, bắt đầu Bát Nhã). Điều này chứng tỏ sự sắp xếp bố cục của bản ĐH rất lộn xộn.

2_  Xét cùng một bài tụng ở 2 bản có nội dung về sám hối:

Kẻ ngu tu phước không tu đạo 
... ... ... ... ... ...
Là chơn sám hối nơi tự tánh 
Nếu ngộ Đại thừa chơn sám hối 
... ... ... ... ... 
Chơn thành chắp tay chí tâm cầu. (ĐH.33)
Người mê muội phước cầu , Đạo phế
... ... ... ... ...
Tự tánh phải chơn thành sám hối
Phép sám hối đại thừa lãnh hội
... ... ... ... ...
Phải cung kính hết lòng cầu học. [TB, 107(13) – 108(9)] 

Bài này nằm trong phẩm Sám Hối (TB) là hợp lý, nhưng lại nằm trong phần Bát Nhã (ĐH) thì không hợp lý.

3_ Cuối phẩm Nghi Vấn (TB) có một bài tụng để đáp lại câu hỏi của Vi thứ sử:

Vi thứ sử lại hỏi: “ Ở nhà tu hành như thế nào, xin Đại sư chỉ dạy?” Sư nói: “ Ta nói cho đại chúng một bài kệ…

Lòng bình đẳng đâu cần giữ giới
Làm việc ngay há đợi tu thiền
Ân, song thân hiếu dưỡng cần chuyên
Nghĩa, huynh đệ dưới trên tương ái
… … … … …
Nghe nói pháp, lòng vâng tu niệm
Cõi thiên đường mầu nghiệm thấy liền. [TB, 81(9) – 82(11)]

Bài tụng này có nội dung dạy cho người tu tại gia. Ở phần (34-37) Nghi Vấn (ĐH) bài này không có.

4_  Một bài tụng khác:

“Thuyết thông và tâm thông
Như mặt trời trên không 
... ... ... ... ...
Mê mờ từ muôn kiếp 
Giác ngộ chỉ sát na”. (ĐH.36)

Nói thông tâm cũng thông
Như mặt nhựt trên không
… … … … …
Mê, nghe kinh lũy kiếp
Ngộ, thấy Phật tâm liền. [TB, 59(2) – 60(5)] 

Bài tụng này nằm trong phẩm Bát Nhã (TB) nhưng nó lại nằm trong phần (34-37) Nghi Vấn (ĐH). 

Xét về nội dung ta thấy bài tụng này rất quan trọng (dài 32 câu) nói về nhiều vấn đề, vị trí của nó ở trong phẩm Bát Nhã (TB) là hợp lý, còn nếu để nó ở phần (34-37) Nghi Vấn (ĐH) là phần Vi thứ sử thưa thỉnh (và sau đó Lục tổ đã có bài tụng dạy tu tại gia kể trên mà bản ĐH không có) thì không hợp lý. 

Điều này cũng chứng tỏ bố cục của bản ĐH rất lộn xộn.

5_ Ứng với 2 phẩm Cơ Duyên và Đốn Tiệm của bản TB là phần (38-44) của bản ĐH nói về các đệ tử của Lục tổ, ta thấy bản ĐH thiếu sót rất nhiều (xem bảng so sánh). Ngay cả 2 đệ tử cự phách của Lục tổ là Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư cũng không thấy nói đến (tất cả Ngũ gia tông phái của thiền tông Trung Hoa đều xuất phát từ 2 vị này). 

Điều này có thể giải thích là khi Lục tổ viên tịch và khi Pháp Hải biên tập cuốn Đàn Kinh thì đã có nhiều đệ tử của Ngài đi giáo hoá ở phương khác, ví dụ:

Hoài Nhượng thiền sư liền suốt thông, hiểu rõ điều ấy, mới theo hầu hạ Đại sư mười lăm năm, một ngày kia đạt được chỗ huyền áo. Sau thiền sư qua núi Nam Nhạc, mở rộng cửa thiền tông. [TB, 136(4-8)]

Một ngày kia Sư kêu Hạnh Tư mà dạy rằng: “Ngươi phải tách ra, đi hoá độ một phương, đừng để mối Đạo đoạn tuyệt.” [TB, 135(4-6)] [chú thích: (GG) gọi là Hành Tư]

Về ngài Huyền Giác thì chỉ ở chỗ Lục tổ có một đêm:

Sư nói: “Hay thay! Hãy ở lại đây ít nữa là một đêm.” [TB, 138(15,16)]

Sau Trí Hoàng làm lễ từ giã Đại sư, lại trở về Hà Bắc mà khai hoá tứ chúng. [TB, 140(12,13)]

Như vậy tuy là bản sau, nhưng bản TB đầy đủ hơn bản ĐH. Ta không thể nói rằng những phần thêm vào là “ngụy tạo” bởi vì từ “ngụy tạo” là để chỉ những gì không thật có, bịa đặt để thêm vào. 

Ngoài những khác biệt trên giữa 2 bản, sau đây là những chỗ có vấn đề của bản ĐH:

6_ Đại sư Huệ Năng lên tòa cao trong giảng đường chùa Đại Phạm giảng giáo lý Bát nhã Ba la mật và truyền Vô tướng giới. Lúc ấy dưới tòa có trên mười ngàn Tăng, Ni, đạo, tục. (ĐH.1)

Chúng ta thấy rằng lúc đó chắc khó có một chùa nào có thể chứa tới mười ngàn người, mà dù cho có chứa được thì thính chúng làm sao mà nghe? Trong khi đó ở [TB, 25(11)] ghi “trên một ngàn người” thì hợp lý hơn.

7_ Hoằng Nhẫn Hòa thượng hỏi Huệ Năng: “Chú là người phương nào mà đến núi này bái lạy ta? Nay chú đến đây với mục đích cầu cái gì vậy?” 

Huệ Năng đáp: “Đệ tử là người Lĩnh Nam, vốn chỉ là một tên thường dân ở Tân Châu. Nay lặn lội từ phương xa đến bái lạy Hòa thượng, không để cầu vật gì khác, mà chỉ cầu Phật pháp thôi.” 

Đại sư bèn quở Huệ Năng rằng: “Chú là dân Lĩnh Nam, vốn là đồ mọi rợ, làm thế nào mà thành Phật cho được?” (ĐH.3)

Ta thấy nếu Huệ Năng tới chỉ nói một câu bình thường như mọi người là “cầu Phật pháp” thôi thì cớ sao Hoằng Nhẫn lại quở như vậy? (Nói theo kiểu nhà thiền thì “không gió mà nổi sóng”.) Bản TB thì hợp lý hơn, trong bản này câu trả lời của Huệ Năng là:

Huệ Năng nầy đáp: “Đệ tử là dân huyện Tân Châu xứ Lãnh Nam, thiệt ở phương xa đến đây lạy Tổ sư, chỉ cầu thành Phật, chớ chẳng cầu chi khác.” [TB, 26(20-22)]

Như vậy vì Huệ Năng “chỉ cầu thành Phật, chớ chẳng cầu chi khác” thì chuyện quở (theo cái nhìn thông thường của ta) mới có lý.

Với cái nhìn của một thiền sư, HT. Thích Thanh Từ giải thích:

Quý vị thấy Ngũ Tổ (Hoằng Nhẫn) là một vị Tổ mà sao Ngài nói bất công vậy? Ngài dư biết rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, thế tại sao đối với người tới học đạo Ngài lại khinh miệt, bảo rằng ngươi là người Lãnh Nam, là người ở nơi rừng núi, người quê mùa dốt nát, đâu thể kham làm Phật. Tại kiểu cách phong kiến của Ngài như thế hay là Ngài có ý gì? Đó là cách Ngài dọ thử xem sự hiểu biết của người cầu thành Phật này ra sao, nên mới có thái độ như thế. [GG, 29(20) - 30(5)]

 8_ Ngũ Tổ bèn gọi Tú Thượng tọa vào phòng của ngài, hỏi rằng: “Có phải ông làm bài kệ này không? Nếu như ông làm, ông đáng đắc pháp của ta.” 

Tú Thượng tọa nói: “Đắc tội với Hòa thượng, quả thực bài kệ là do Thần Tú đây làm. Con không dám cầu làm Tổ, chỉ xin Hòa thượng từ bi, xem coi đệ tử có chút trí tuệ nào để lãnh hội đại ý ‘của Phật pháp’ hay không?” 

Ngũ Tổ nói: “Ông làm bài kệ này, thấy ngay rằng kiến giải chưa đến chỗ rốt ráo. Ông chỉ mới đến trước cửa, chưa vào được bên trong.” (ĐH.7)

Ta thấy ở đây câu trước Ngũ tổ nói “ông đáng đắc pháp của ta” thì tới câu sau “ông chỉ mới đến cửa, chưa vào được bên trong”, một vị Ngũ tổ làm sao có thể nói trước sau trái ngược như vậy? 

Trong bản [TB, 31(6-13)] về nội dung tương tự như trên, ngoại trừ không có câu: “nếu như ông làm, ông đáng đắc pháp của ta”, như vậy mới hợp lý.

9_ Bài kệ của Huệ Năng tôi như sau: 

Bồ đề vốn không cây 
Gương sáng cũng không đài 
Phật tánh thường thanh tịnh 
Chỗ nào để nhuốm bụi? 
Lại một bài kệ nữa rằng: 
Tâm là cây bồ đề 
Thân là đài gương sáng 
Gương sáng vốn thanh tịnh 
Chỗ nào để nhuốm bụi? (ĐH.8)

Trong bản TB ta chỉ thấy có một bài kệ:

Bồ-đề chẳng có thọ
Minh cảnh cũng không đài
Bổn lai không có vật
Nào chỗ vướng trần ai? [TB, 33(24,25)]

Ta thấy bài kệ này là để đối lại với bài kệ của Thần Tú, như vậy một bài là hợp lý, làm chi tới hai bài?

10_ Thiền sư Thần Tú bèn gọi người Tăng đệ tử là Chí Thành, rồi nói: “Ông vốn thông minh biết nhiều. Ông đi đến núi Tào Khê giùm tôi, đến nơi của Huệ Năng, bái lạy thầy ta rồi lắng nghe. (ĐH.40)

Huệ Năng và Thần Tú đều là đệ tử của Ngũ tổ, như vậy có vai vế ngang nhau, tại sao bản ĐH lại ghi Thần Tú gọi Huệ Năng là “thầy ta”?

11_ Đại sư diệt độ vào ngày mồng ba tháng Tám, đến tháng Mười một, linh cữu của ngài được đón về núi Tào Khê để an táng. Từ nơi mộ ngài, bạch quang xuất hiện, chiếu thẳng lên trời, mãi đến hai hôm mới tan. (ĐH.54)

Bản TB lại ghi khác:

Ngày mười ba, tháng mười một, dời Thần khám của Đại sư và đồ y bát của Tổ truyền về xứ Tào Khê.

Qua năm kế ngày hai mươi lăm, tháng bảy, mở Thần khám ra, đệ tử là Phương Biện lấy bột thơm rải trên chơn thân Ngài. Các môn nhơn nhớ lại thời thọ ký về sự lấy đầu, mới dùng lá sắt mỏng và bố dầu bao chặt cổ Tổ sư mà để vào tháp. Thình lình trong tháp có một lằn bạch quang hiện ra, xông lên trời ba ngày mới tan. [TB, 183(19-27)]

Theo bản ĐH thì Ngài được an táng trong mộ (nghĩa là chôn), còn bản TB thì nhục thân của Ngài được để ngồi trong khám, không chôn, nên ngày nay ta mới có dịp chiêm ngưỡng nhục thân của Ngài.

Kết luận phần II: 

Dựa vào 11 chỗ nêu trên ta thấy bản Đôn Hoàng có nhiều vấn đề về bố cục và thiếu sót, nhiều chỗ không hợp lý. Lẽ dĩ nhiên bản Tông Bảo cũng có chỗ cần phải bàn cãi, như dịch giả bản ĐH này đã nêu lên trong lời đầu sách:

Bản Tông Bảo có điều vô lý là ghi rằng Phương Biên, người tạc tượng, đã gặp Bồ Đề Đạt Ma, đến trước Huệ Năng năm đời Tổ. (ĐH.LĐS.) (Ghi chú: TB và GG ghi là: Phương Biện)

Tuy nhiên, nói chung ta có thể kết luận bản TB có ưu điểm hơn bản ĐH rất nhiều. Điều này củng cố cho “cách làm việc” nêu ở phần trên là riêng đối với cuốn kinh này (thực chất là một cuốn ngữ lục) thì không phải cứ là bản trước thì có giá trị hơn. 

III_Những vấn đề của “Lời đầu sách”

Bây giờ ta xét đến lời đầu sách do Hoà thượng Thích Mãn Giác viết ở bản dịch bản Đôn Hoàng (sau đây sẽ gọi vắn tắt là: dịch giả).

1_ Điều sai lầm lớn nhất là mỗi khi ta nhắc đến ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung rằng ngài có hình dáng một cụ Hoà thượng già nua, mường tượng như những hình ảnh ta nhìn thấy trong sách vở Tàu; tất cả những hình ảnh của ngài và ngay cả hình ảnh chụp nhục thân của ngài đều là những hình ảnh do những đời sau nguỵ tạo. (ĐH. LĐS.)

Lục tổ thọ tới 76 tuổi thì hình vẽ Ngài có hình dáng của một cụ già cũng là một chuyện bình thường. Lẽ dĩ nhiên những hình vẽ trong các sách đều do người sau tưởng tượng mà vẽ ra, ngay cả hình của Phật cũng vậy, bởi vì người vẽ đâu có thấy các ngài bao giờ. Tuy nhiên nếu dịch giả nói “ngay cả hình ảnh chụp nhục thân của ngài đều là những hình ảnh do những đời sau nguỵ tạo” thì có lẽ lời này thật khó có sức thuyết phục.
 



Nhục thân của Lục tổ, đây có lẽ là hình chụp xưa nhất.
Nguồn: http://www.selfdiscoveryportal.com/HuiNeng1.jpg


Nhục thân của Lục tổ tại chùa Nam Hoa hiện nay, 
đã được tôn trí trong một khám bằng kiếng.
Nguồn: http://www.pbase.com/henryhpk/image/58832819

2_ Huệ Năng không được Hoằng Nhẫn dạy đạo gì cả và chỉ ở chùa với Ngũ Tổ có tám tháng mà thôi, và được Ngũ Tổ trao truyền y pháp và ngôi Lục Tổ, lúc Huệ Năng mới có được khoảng 22 tuổi và chỉ non khoảng 23 tuổi. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chỉ giữ vai trò danh dự là ấn chứng cho Huệ Năng, vì thế Ngũ Tổ mới lén lút kêu gọi Huệ Năng đêm khuya vào gặp riêng Ngũ Tổ để ngài trao y pháp và giảng cho một thời kinh Kim Cang gọi là lấy lệ thôi, rồi sau đó Ngũ Tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam, không dám giữ lại đất Trung Hoa, vì Ngũ Tổ đã làm một việc can đảm phi thường nhất đáng ngại: trao ngôi vị lớn nhất của Thiền tông (lúc đó chưa có tên là “Thiền tông” mà chỉ có tên là Đông Sơn pháp môn) cho một thanh niên “mọi rợ” mới chưa đầy 23 tuổi. (ĐH. LĐS.)

Về chuyện này bản TB có ghi:

… đến canh ba vào thất. Ngũ Tổ lấy áo ca-sa đắp cho ta, chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm…… 

…… Huệ Năng nầy nghe nói rồi liền rất tỏ sáng, biết rằng cả thảy muôn pháp chẳng lìa tánh mình, mới bạch với Tổ sư rằng……

……Tổ sư biết ta tỏ sáng Bổn tánh, bảo Huệ Năng rằng: “Nếu chẳng biết Bổn tâm, thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn tâm và thấy Bổn tánh mình, tức gọi là trượng phu, là Phật, Thầy cõi trời và cõi người vậy.” [TB, 36(12)-38(4)]

Chính bản ĐH do dịch giả dịch cũng có đoạn:

Đến nửa đêm, Ngũ Tổ gọi Huệ Năng vào phòng của ngài và giảng kinh Kim Cang. Vừa nghe qua một lần, tôi đã lập tức giác ngộ. (ĐH.9)

Này các thiện tri thức, lúc tôi ở nơi Hòa thượng Hoằng Nhẫn, chỉ nghe giảng kinh Kim Cang một lần, lập tức thấy được chơn như bổn tánh. (ĐH.31)

Về chỗ này HT. Thích Thanh Từ giải thích:

Tôi lặp lại đoạn này cho quí vị thấy chỗ cần yếu khi ngài Huệ Năng ngộ. Chúng ta thấy khi nghe đọc một câu kinh Kim Cang Ngài đã ngộ rồi, tại sao tới đây Ngài lại ngộ nữa? Như thế lần ngộ trước và lần ngộ sau khác nhau ở điểm nào? Thường chúng ta không hiểu kỹ nên thắc mắc, khi trước Ngài cũng ngộ nên Ngài mới thưa chuyện với Ngũ Tổ, Ngài mới làm bài kệ và được Ngũ Tổ chấp nhận là vào cửa, đến đây Ngài lại ngộ nữa là ngộ cái gì? Cái ngộ trước là Ngài mới thấy “Bản lai vô nhất vật”, nghĩa là thấy Thể tánh đó không có một hình tướng, không có một vật tượng, chỉ là một Thể tánh rỗng lặng, vì thấy được chỗ đó nên vào cửa. Đến chỗ này Ngài thấy thế nào? Ngài nói: Đâu ngờ tâm mình thanh tịnh, đâu ngờ tâm mình chẳng sanh diệt, nó tự đầy đủ, nó không dao động, nó hay sanh muôn pháp, như thế đến đây Ngài mới thấy Thật thể của Bản tâm. Khi trước Ngài chỉ mới thấy chỗ không có vọng, đó là tánh không, bởi thấy được tánh không nên mới được vào cửa. Vào cửa chưa phải là xong việc, phải thấy được cái đầy đủ, thanh tịnh, chưa từng sanh diệt, không dao động và hay sanh muôn pháp, thấy tột cái đó mới gọi là thấy được Bản tánh mình. Như vậy qua đoạn này chúng ta mới thấy rõ người học đạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà thiền thường nói rằng đại ngộ ít ra cũng ba bốn lần, còn tiểu ngộ thì vô số. [GG, 53(19) - 54(21)]

Qua so sánh những đoạn trên thì ta thấy những câu như: “Huệ Năng không được Hoằng Nhẫn dạy đạo gì cả”, “Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chỉ giữ vai trò danh dự là ấn chứng cho Huệ Năng”  và chỉ “giảng cho một thời kinh Kim Cang gọi là lấy lệ thôi” của dịch giả thật khó có thể chấp nhận được. 

Ngoài ra với câu “Ngũ Tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam” thì độc giả cũng không biết được dịch giả đã đánh giá tư cách của Ngũ tổ như thế nào mà viết ra như vậy.

3_ Cũng vậy, không biết dịch giả đã đánh giá tư cách của Lục tổ như thế nào mà viết:

Hoằng Nhẫn giả vờ hỏi một câu chê trách về nguồn gốc Việt Nam của Huệ Năng thì Huệ Năng trả đũa ngay lập tức như một kẻ đã chứng ngộ rồi mới dám khẳng định rằng: “Con người tuy có Tàu có Việt, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh trong Hòa thượng và trong tôi chẳng có gì là sai biệt.” (ĐH. LĐS.)

4_ (Huệ Năng chỉ làm lễ thế phát xuất gia theo điệu hình thức lúc gần 40 tuổi, vì “phương tiện thiện xảo”, vì từ bi để hoằng pháp và gìn giữ ý nghĩa siêu việt của chữ “Tăng” trong Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhưng chi tiết này cũng do những bản đời sau của Pháp Bảo Đàn kinh thêm vào để cho “cụ túc” hình tướng cần thiết hóa độ). (ĐH. LĐS.)

Có lẽ do bản ĐH không thấy nói đến chuyện Ấn Tông xuống tóc cho Huệ Năng ở chùa Pháp Tánh [TB, 46(22,23) ghi: Ấn Tông xuống tóc cho ta nguyện thờ ta làm thầy.] nên dịch giả mới nói việc này là do “những bản đời sau của Pháp Bảo Đàn kinh thêm vào”. Nhưng hiện nay tại chùa Quang Hiếu ở Quảng Châu (tên cũ là Pháp Tánh) vẫn còn tháp chứa tóc của Lục tổ. Chẳng lẽ tháp này cũng là ngụy tạo? 


Tháp lưu giữ tóc của Lục tổ ở chùa Quang Hiếu (Pháp Tánh).
Nguồn: http://www.flickr.com/photos/danfimm/283249454/

{Ghi chú: Phía trước hình là cây Bồ đề do Tam Tạng Trí Dược mang từ Ấn Độ sang trồng (năm 502) và huyền ký: “Sau nầy một trăm bảy mươi năm, sẽ có một vị Bồ Tát xác phàm khai diễn pháp thượng thừa ở dưới cội cây nầy, cứu độ vô số chúng sanh, ấy là vị Pháp chủ truyền thọ tâm ấn của Phật.” [TB, 21(24-28)] ứng với chuyện: “Huệ Năng nầy bèn ngồi dưới cội cây Bồ đề mà khai diễn Đông sơn Pháp môn.” [TB, 46(24,25)]}

5_ Ngài Huệ Năng thuyết pháp trên ba mươi mấy năm trời chung quanh vùng Quảng Đông và vùng biên giới Trung - Việt, và cả nước Trung Hoa lúc ấy không ai biết đến tên tuổi ngài cả (ĐH. LĐS.) 

Một đoạn khác có cùng ý:

Sau khi khảo xét rất kỹ lưỡng tất cả tài liệu liên quan đến Huệ Năng trong bộ Toàn Đường văn, Yampolsky phải đi đến kết luận rằng tất cả đều là ngụy tạo (op. cit., trang 59). Sau khi đã duyệt qua hàng ngàn tài liệu Trung Hoa và Nhật Bản, cùng những tài liệu khai quật ở Đôn Hoàng, Yampolsky đi đến kết luận rằng: “Chúng ta không có được những dữ kiện nào về Huệ Năng cả……… Theo Yampolsky, chúng ta chỉ biết chắc có một điều là “có một người tên là Huệ Năng, một thiền sư có đôi chút tiếng tăm đương thời và sống đâu đó ở vùng miền Nam Trung Hoa”. (ĐH. LĐS.)

Về điểm này ta thử coi nội dung chiếu chỉ vua Đường Trung Tôn và Võ Tắc Thiên hoàng thái hậu gửi cho Huệ Năng:

Ngày mồng ba, tháng chín trong năm ấy, có lời chiếu dụ rằng: 

Sư đã cáo từ bởi già bịnh, vậy hãy vì trẫm mà hành đạo, để tạo phước điền cho nước nhà. Đại sư cũng như sư Tịnh Danh, mặc dầu bịnh hoạn cũng ở tại Tì-da-li mà xiển dương môn đại thừa, truyền tâm ấn của chư Phật và nói pháp chẳng hai. Tiết Giản có truyền lại chỗ Sư chỉ dạy về cái tri kiến Phật. Trẫm nhờ chứa điều lành có phước dư  và kiếp trước đã có trồng cội lành nên nay khiến gặp Sư ra đời, mà đặng liền hiểu rõ phép thượng thừa. Trẫm rất cảm đội ơn Sư, chẳng bao giờ quên, trẫm xin dâng cho Sư một cái áo Cà sa và một cái chén bằng thủy tinh. Trẫm ra lệnh cho quan Thứ sử ở Thiều châu sửa sang miếu tự, và sắc tứ cho chùa cũ Sư ở, hiệu là Quốc Ân Tự.” [TB, 159(33) – 160(15)] 

Một vị Tăng được hoàng đế mời về cung giảng đạo, nhưng Ngài đã cáo từ vì lý do già bệnh, nên vua đã gửi chiếu ủy lạo và cúng dường phẩm vật thì không thể nói là “cả nước Trung Hoa lúc ấy không ai biết đến tên tuổi ngài cả” và “có một người tên là Huệ Năng, một thiền sư có đôi chút tiếng tăm đương thời và sống đâu đó ở vùng miền Nam Trung Hoa”. 

Có lẽ Yampolsky và dịch giả đã dựa vào bản ĐH không có phần Hộ Pháp mà kết luận như vậy chăng? hoặc cho phần Hộ Pháp ở bản TB là ngụy tạo? Nhưng hiện nay tại chùa Nam Hoa còn lưu giữ tờ chiếu, áo ca sa và bình bát. [Tham khảo: bộ DVD 5 disc: Tăng Ni và Phật tử thiền phái Trúc Lâm chiêm bái Phật tích Trung Hoa từ ngày (9-22) / 5 / 2007, disc số 5]. Không biết trong hàng ngàn tài liệu Trung Hoa và Nhật Bản, cùng những tài liệu khai quật ở Đôn Hoàng mà Yampolsky khảo sát ông có thấy tờ chiếu này không? Chẳng lẽ đây cũng là đồ ngụy tạo? Dưới chế độ phong kiến Trung Hoa ai dám giả mạo chiếu chỉ của vua? 

Trên đây là một số vấn đề của “lời đầu sách” của dịch giả, nhưng vấn đề chính là ý kiến của dịch giả cho rằng “Huệ Năng là người Việt Nam”. Trước khi bàn về vấn đề này ta sẽ lược qua đôi nét về lịch sử Việt Nam.

IV_Vài nét về lịch sử Việt Nam

Sau đây ta sẽ tóm tắt lịch sử Việt Nam (chỉ điểm qua một số nét cần thiết để dùng trong bài này) từ khi dựng nước tới khi bị nhà Đường đô hộ (là lúc Huệ Năng sống ở thời đại này).

Đọc lịch sử Việt Nam vào thời kỳ dựng nước, ta sẽ gặp những tên như: Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh), Bách Việt.

Dịch giả đã dẫn chứng lời của Yampolsky: 

Lĩnh Nam là những vùng ở Quảng Đông, Quảng Tây, và miền “Bắc Đông Dương Việt Nam” (“Ling-nan indicates the areas of Kwangtung, Kwangsi, and Northern Indochina”, op. cit., trang 126). (ĐH. LĐS.)

Còn Bách Việt để chỉ tên đất “vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ” [VNSL, I, 18(18,19)] nơi có cư dân Bách Việt sinh sống.

Theo VSTB thì:

Căn cứ vào các sử sách của Tầu trong đời nhà Chu ta cũng thấy Bách Việt có mặt ở lưu vực sông Dương Tử rồi sau này tản mác khắp miền Nam Bộ Trung Hoa……

…… giống Bách Việt có nhiều nhóm, nhiều bộ lạc sinh sống rời rạc như các dân tộc thiểu số ngày nay tại các miền Thượng Du. Đến đời nhà Chu, các bộ lạc này đi dần đến chỗ thống nhất do những biến thiên của lịch sử, các bộ lạc lớn kiêm tính và hợp lại thành nhóm lớn sau đây đã đạt đến hình thức quốc gia là Đông Việt (hay Đông Âu), Nam Việt, Mân Việt, Tây Việt (hay Tây Âu) và Lạc Việt. Sau này ba nhóm trên bị đồng hoá theo Hán Tộc còn lại trên lịch sử đến ngày nay là nhóm Tây Âu và Lạc Việt. [VSTB, I, 41(3-15)]

Theo tác giả “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam”, tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam là nhóm Lạc Việt sinh tụ ở miền Trung châu Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt. Nhưng nói một cách chuẩn đích rằng nhóm này đến chiếm đóng ở đây từ bao giờ thì chúng ta chưa có câu trả lời dứt khoát ……

…… Ở đây họ đã tổ chức thành quốc gia tuy chưa ra khỏi tình trạng bán khai và ngự trị quốc gia Lạc Việt bấy giờ là họ Hồng Bàng. [VSTB, I, 48(4-13)]

Tới đây xuất hiện một nhân vật là Thục Phán, ông đã:

…… chiếm Lạc Việt, hợp Tâu Âu và Lạc Việt vào làm một thành ra Âu Lạc…… [VSTB, I, 50(2,3)] 

Năm 257 TCN (giáp thìn), Thục Phán lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương (King An-yang), đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê, xây Loa thành theo hình trôn ốc. [VSĐC, I, 43(3-5)]

Theo VSĐC thì:

Ở phương bắc, lúc mới lập quốc, người Trung Hoa quần tụ sinh sống chung quanh lưu vực Hoàng hà, phía bắc sông Dương Tử, khá xa cổ Việt. Năm 214 TCN (đinh hợi), Tần Thủy Hoàng Đế (Ch’in Shih Huang-ti, trị vì 221-210 TCN) sai Đồ Thư và Sử Lộc cầm quân tiến xuống phía nam, vượt sông Dương Tử, chiếm vùng đất mà người Trung Hoa gọi là vùng Bách Việt, lập ra 3 quận là Quế Lâm (Kueilin, nay là vùng bắc và đông Quảng Tây), Nam Hải (Nanhai, tức Quảng Đông), và Tượng Quận (Hsiang, vùng Bắc Việt ngày nay). Đồ Thư bị người địa phương kháng cự và giết chết. Nhà Tần cử Nhâm Ngao (hay Nhâm Hiêu) làm hiệu úy quận Nam Hải và Triệu Đà (Chao T’o) làm huyện lệnh Long Xuyên (Lung-Chuan), thủ phủ của quận Nam Hải. 

Năm 210 TCN (tân mão), Triệu Đà đem quân sang đánh cổ Việt…… 

……Năm 208 TCN (quý tỵ), Triệu Đà tấn công An Dương Vương lần nữa, và chiếm được khu vực cổ Việt……

……Tần Thủy Hoàng Đế từ trần năm 210 TCN…… 

……Nhà Tần suy yếu, nhiều tướng quân nổi lên tranh quyền, trong đó mạnh nhất là Hạng Võ (tức Hạng Tịch) và Lưu Bang.

Tại Nam Hải, Nhâm Ngao bị bệnh qua đời. Trước khi từ trần, Nhâm Ngao khuyên Triệu Đà nhân cơ hội Hạng Võ và Lưu Bang tranh hùng, nên dựa vào địa thế xa xôi hiểm trở của quận Nam Hải, thành lập một nước độc lập. Triệu Đà liền chiếm Nam Hải và tự xưng vương tức Triệu Vũ Vương, đặt quốc hiệu là Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung năm 207 TCN (giáp ngọ). Năm 198 TCN (quý mão), Triệu Vũ Vương cử người sang cai trị cổ Việt…… 
…… Vì Triệu Đà sáp nhập cổ Việt vào Nam Việt, nên về sau, khi Nam Việt sụp đổ và lệ thuộc Trung Hoa thì cổ Việt cũng bị lệ thuộc luôn. Nhà Hán đổi Nam Việt thành Giao Chỉ bộ, và chia Giao Chỉ bộ thành 9 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ. Trong 9 quận này, chỉ có 2 quận Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng) và Cửu Chân (châu thổ sông Mã, vùng Thanh Nghệ Tĩnh) thuộc đất cổ Việt, còn Nhật Nam là đất Chiêm Thành (sau nầy từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận) và 6 quận kia thuộc Quảng Châu (Trung Hoa)…… 

… … Ở đây cần chú ý sự khác biệt giữa bộ Giao Chỉ là nước Nam Việt cũ và quận Giao Chỉ là đất cổ Việt, một thành phần của bộ Giao Chỉ. [VSĐC, I, 74(10) - 76(6)]


Đế quốc Hán, Nguồn: Patricia Buckley Ebrey, The Cambridge Illustrated History of China, Cambridge University Press, 1996. 
[Ghi chú: Nanyue, independent kingdom = Nam Việt, vương quốc độc lập (của Triệu Đà)]

Bây giờ ta lướt qua tới lúc nước ta bị nhà Đường đô hộ, ứng vào lúc Huệ Năng (638-713) sinh ra, học đạo và giáo hoá.

Năm 622 (nhâm ngọ), Đường Cao Tổ (trị vì 618-626) chia đất cổ Việt thành hai tổng quản phủ là Giao Châu tổng quản phủ và Đức Châu tổng quản phủ. Năm 628 (mậu tý), thời Đường Thái Tông (trị vì 627-649), Giao Châu và Đức Châu tổng quản phủ đổi thành Giao Châu và Hoan Châu đô đốc phủ. Năm 679 (kỷ mão), thời Đường Cao Tông (trị vì 650-683) hai đô đốc phủ nầy nhập thành An Nam đô hộ phủ……

… …Theo mục “Địa lý chí” trong Đường thư, phủ An Nam đặt phủ lỵ tại Giao Chỉ, và gồm 12 châu là Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Trường Châu, Phúc Lộc Châu, Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Diễn Châu, và Vũ An Châu.

Trong 12 châu này, dựa vào các tài liệu địa lý cổ, học giả Đào Duy Anh đã kiểm chứng lại và cho biết chỉ có 8 châu thuộc lãnh thổ nước ta ngày nay (in chữ đậm), còn các châu khác thuộc về phía nam Trung Hoa. [VSĐC, I, 109(19) – 110(8)]

Đế quốc Đường
Nguồn: Patricia Buckley Ebrey, sđd. 
[Ghi chú: Lingnan = Lĩnh Nam, Guangzhou = Quảng Châu, Nan-Chao = Nam Chiếu.]

V_ Lục tổ là người Hoa hay người Việt?

a) Trong lời nói đầu, có rất nhiều câu mà dịch giả đã viết để biện luận ý kiến cho rằng Huệ Năng là người Việt Nam, ví dụ:

1_ Lĩnh Nam là đất Việt Nam (ngày xưa Lưỡng Quảng: Quảng Đông và Quảng Tây cũng thuộc Việt Nam).

2_ Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam. 

3_ Huệ Năng sinh trưởng tại Lĩnh Nam và hoằng pháp chung quanh vùng Nam Hải, tức là Phiên Ngung (thuộc lãnh thổ Việt Nam thời đó).

4_ Chúng ta thử hình dung cách đây trên 13 thế kỷ, lúc đó tại vùng miền Bắc nước Việt Nam, quanh quẩn đâu đó thuộc vùng thượng du Bắc Việt, có một đứa con nít Việt Nam ra đời khoảng năm 638, tại vùng đất gọi là Lĩnh Nam, tức là Việt Nam.

(Câu này dễ gây hiểu lầm, có lẽ ý của dịch giả là vùng thượng du phía bắc Lĩnh Nam, nhưng nếu viết như trên nó lại có nghĩa là vùng thượng du phía bắc Việt Nam ngày nay, và điều này không có cơ sở để quyết đoán như vậy.)

5_ Còn địa danh “Nam Hải” ghi trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh thì theo Yampolsky đó là Phiên Ngung, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày xưa (xin đọc Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, trang 37: “Triệu Đà đánh được An Dương vương, sáp nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ vương, đóng đô ở Phiên Ngung.”)

6_ Huệ Năng đã nghe lời dạy của Ngũ Tổ và đã mất dạng ở đất Trung Hoa trong vòng mười sáu năm; ngài trở về ẩn náu ở vùng rừng núi Việt Nam và đến mười sáu năm sau mới xuất hiện giữa vùng biên cương hai nước để thuyết pháp.

(Câu này cũng dễ gây hiểu lầm, ý của dịch giả “vùng biên cương 2 nước” là chỉ vùng phía bắc Lĩnh Nam, nhưng nếu viết như trên nó lại có nghĩa vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày nay, và điều này cũng không có cơ sở để quyết đoán như vậy.)

7_ Huệ Năng không biết đọc và không biết viết chữ Tàu.

8_ Huệ Năng biết nói tiếng Tàu, nhưng nói đại khái thôi và không rành lắm.

9_ Hoằng Nhẫn mắng Huệ Năng: “Mi là dân Lĩnh Nam, vốn là đồ mọi rợ, làm thế nào thành Phật được?” 

10_ Mấy chữ “đồ mọi rợ” ở đây là dịch mấy chữ chửi thề ở đời Đường “các lão” mà Yampolsky đã chú thích như sau: “Ko-lao” (các lão) là một tiếng mắng chửi, có nghĩa là dân dã man, gần như súc vật ở phương Nam nước Trung Hoa (tức là Việt Nam)” (op. cit., trang 127). Chỉ nội mấy chữ “các lão” trên cũng đủ để chứng minh Huệ Năng không phải người Trung Hoa mà là người Lĩnh Nam.

Ta thấy tuy dịch giả nói nhiều câu nhưng tựu trung chỉ có một ý cho rằng vùng Lĩnh Nam xưa là thuộc nước Việt Nam, và Huệ Năng sinh tại Lĩnh Nam và không biết đọc, không biết viết chữ Tàu như vậy Huệ Năng là người Việt Nam.

Ta sẽ lần lượt bàn về 3 vấn đề: 1- Nguồn gốc, quê quán, nơi sinh của Huệ Năng. 2- Vùng Lĩnh Nam xưa với Việt Nam ngày nay liên hệ như thế nào? 3- Cư dân vùng Lĩnh Nam (nơi Huệ Năng ở) với tổ tiên của người Việt ngày nay liên hệ như thế nào?

b) Nguồn gốc, quê quán, nơi sinh của Huệ Năng

Về nơi sinh của Huệ Năng, bản ĐH và TB chỉ thấy ghi:

Huệ Năng đáp: Đệ tử là người Lĩnh Nam, vốn chỉ là một tên thường dân ở Tân Châu. (ĐH.3)
Huệ Năng nầy đáp: Đệ tử là dân huyện Tân Châu xứ Lãnh Nam [TB, 26(20,21)]

Ta nên lưu ý một điều là “dân huyện Tân Châu xứ Lãnh Nam” hay “người Lĩnh Nam” không nhất thiết phải là sinh (hay có nguồn gốc) tại Lĩnh Nam, ví dụ khi nói “anh A là người Saigon” thì không nhất thiết anh A này sinh ra và có nguồn gốc ông bà cha mẹ tại Saigon, mà có thể anh A có nguồn gốc tại miền bắc, theo cha mẹ di cư vào Saigon năm 1954 khi còn bé, khoảng 2, 3 tuổi, tới lúc 1975 thành một thanh niên khoảng 23, 24 tuổi (khoảng tuổi Huệ Năng khi tới yết kiến Ngũ tổ) thì anh đã thành một người “rặt” Saigon rồi. Ta nêu lên vấn đề này vì trong các bản Pháp Bảo Đàn ghi:

Nghiêm phụ của Huệ Năng vốn ở xứ Phạm Dương, làm quan bị giáng chức đày về Lãnh Nam làm dân tại huyện Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, còn một mẹ già cô độc, phải dời nhà qua quận Nam Hải. [TB, 25(17-21)]

Cha hiền của Huệ Năng vốn là một quan viên ở Phạm Dương, sau đó người bị giáng chức và phạt làm thường dân ở Tân Châu, Lĩnh Nam. Lúc Huệ Năng còn nhỏ, cha mất sớm, mẹ già và con thơ dọn về Nam Hải. (ĐH.2)

Vậy Phạm Dương ở chỗ nào? Người viết không có tài liệu để xác định vị trí nơi này (xin dành cho các vị nghiên cứu), tuy nhiên theo ý kiến của người viết thì Phạm Dương có lẽ không thuộc Lĩnh Nam, bởi vì nếu Phạm Dương thuộc Lĩnh Nam không lẽ thân phụ của Huệ Năng bị đày từ Lĩnh Nam tới Lĩnh Nam?

Ngoài ra thân phụ của Huệ Năng có nhiều khả năng (nếu không muốn nói là chắc chắn) là người Hán, bởi vì vào thời phong kiến nhà Đường, lúc dân Lĩnh Nam còn bị coi là “đồ mọi rợ” thì chẳng lẽ triều đình nhà Đường lại tuyển một người mọi rợ có nguồn gốc Lĩnh Nam để làm quan cai trị người Hán ở Phạm Dương?

Tuy nhiên đấy cũng chỉ là ý kiến chủ quan của người viết. Ngược lại nếu ta cho rằng thân phụ của Huệ Năng và Huệ Năng có nguồn gốc tại Lĩnh Nam, thì việc dịch giả đồng nhất 2 tên gọi (Lĩnh Nam với Việt Nam, người Lĩnh Nam với người Việt Nam) để kết luận “Lục tổ Huệ Năng là người Việt Nam” có thể chấp nhận được không?

c) Lĩnh Nam và Việt Nam

Về ý kiến của dịch giả cho rằng Lĩnh Nam là đất Việt Nam thì người viết cho rằng nên dựa vào ý kiến của các sử gia thì đáng tin cậy hơn.

Theo quan điểm của nhà sử học Trần Gia Phụng thì: 

Triệu Đà vốn là tướng của nhà Tần, đứng lên chiếm quận Nam Hải, xâm lăng cổ Việt và sáp nhập cổ Việt vào nước mới của ông là Nam Việt… … … Không thể vì Triệu Đà xâm lăng cổ Việt, rồi sáp nhập cổ Việt vào nước Nam Việt, để gọi nước Nam Việt là nước ta. Ví dụ Việt Nam một thời nằm trong Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp, nhưng không thể gọi Liên Bang Đông Dương là Việt Nam, cũng không thể gọi Pháp là nước Việt Nam; xa hơn một chút, Trung Hoa nhiều lần xâm lăng Việt Nam, nhưng chúng ta chưa bao giờ gọi nước Trung Hoa là nước ta. [VSĐC, I, 76(10-25)] 

Với cùng quan điểm trên, nhà sử học Phạm Văn Sơn viết:

Trước hết ta phải hiểu rằng Lĩnh Nam bấy giờ gồm có 9 quận như trên đây đã nói và gọi chung là Giao Chỉ Bộ…

… …Ta cũng lại không nên nghĩ rằng Lĩnh Nam là “nước” của chúng ta nếu ta trọng điều thiết thực tuy rằng trên giấy mực Giao Chỉ Bộ gồm cả hai tỉnh Hoa Nam của Trung Quốc… …

… …Ta đã bị lầm là do các nhà chép sử Tầu căn cứ vào miền Lĩnh Nam là địa bàn cũ của giống Bách Việt, coi đất Nam Việt của con cháu Triệu Đà là của người Việt nên nhập 9 quận trên đây vào một khối đặt tên là Giao Chỉ Bộ… ...

… …Lấy lẽ rằng miền Hoa Nam là đất cũ của chúng ta hoặc coi đế quốc Nam Việt bấy giờ hoàn toàn  bị thu hút vào khối Hán tộc và đồng hoá với giống Hán tộc là “nước ta” thật không hợp với lẽ phải trên thực tế chút nào. [VSTB, I, 189(23) - 190(19)]

Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sỹ cũng viết:

Xét sử cũ: An Dương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: “Triệu Kỷ Vũ Đế”. Người đời sau theo đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? [VSTA, 25(22) – 26(1)]

Ý kiến trên của các sử gia là những lời kết luận rõ ràng trong phần c) này là ta không thể đồng nhất 2 từ “Lĩnh Nam” với “Việt Nam” được. 

d) Người Lĩnh Nam và người Việt Nam

Để bàn về vấn đề này ta cũng nên dựa vào các tài liệu lịch sử về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Việt Nam nằm trên ngã tư đường từ bắc xuống nam……và từ tây sang đông…… Do vị trí giao thông trên đây, từ thời tiền sử, nhiều sắc dân khác nhau từ khắp nơi đến đây sinh sống, như từ lục địa phía tây và tây bắc, từ các hải đảo phía đông và đông nam……

… … Những di chỉ khảo cổ học cho thấy các nhóm dân đầu tiên sinh sống ở cổ Việt là: 1) Tộc Malayo-Polynesian…… 2) Tộc Negritos…… 3) Tộc Mongoloid…… Ngoài ra, khi tại Trung Hoa có biến động lịch sử, nhất là những cuộc thay đổi triều đại, thì một số người Hoa (thuộc chủng Mongoloid) lại di cư sang nước ta từng đợt. Như thế, người Việt Nam ngày nay là sự hợp chủng của các sắc dân kể trên. [VSĐC, I, 27(2-24)]

Đến ngày nay, căn cứ vào thuyết của L. Aurousseau người ta gần như quyết định rằng người Việt Nam bấy giờ tức là người Lạc Việt thuở xưa sinh tụ ở miền Nam bộ Trung Quốc, sau này trôi dạt xuống lưu vực sông Nhị Hà. Các nhà khảo cổ gần đây đào sâu các tầng đất thấy hài cốt người Anh-đô-nê-diêng, Mê-la-nê-diêng ở dưới, còn hài cốt người Giao Chỉ ở trên nên cho rằng người Lạc Việt đến lập cơ sở ở Bắc Việt chưa lâu lắm.

Lấy gì căn cứ để nói rằng chúng ta là một trong đám Bách Việt? Các nhà sử học và cổ học đã dẫn chứng bằng những hình dáng, tính tình, phong tục và các đặc tính văn hoá của người Việt là những tiêu chuẩn vững chắc nhất xưa nay về nhân chủng học, để ấn định nguồn gốc và dòng giống của một dân tộc. [VSTB, I, 50(8-19)]

Đặc tính rõ nét nhất còn để lại của nền văn hoá bản địa là cho đến hôm nay, dầu đã nhiều phen bị nước ngoài đô hộ, dân tộc chúng ta vẫn giữ được tiếng nói riêng biệt, dầu chữ viết đã có lần thay đổi [VSĐC, I, 27(25-28)]

Như vậy người Việt có nguồn gốc từ nhóm Lạc Việt ở miền Nam bộ Trung Quốc trôi dạt xuống lưu vực sông Nhị Hà đã hợp chủng với các sắc dân bản địa, hình thành một sắc dân có một nền văn hoá bản địa riêng biệt mà nền văn hoá hùng mạnh của Trung Hoa (có thể đồng hoá cả Nguyên, Thanh) sau cả ngàn năm đô hộ vẫn không đồng hoá nổi.

Đó cũng là một cái may mắn của nhóm Lạc Việt (hay của dân tộc Việt Nam sau này), trong khi đó các nhóm Bách Việt khác ở Lĩnh Nam (từ Hoa Nam trở lên) thì ngày nay đã hoàn toàn bị đồng hoá.

Từ lúc Triệu Đà lập nước Nam Việt (207 TCN) tới lúc Huệ Năng sinh ra (638) là hơn 800 năm, trong khoảng thời gian này có lẽ cư dân Bách Việt ở Lĩnh Nam (kể từ Hoa Nam trở lên) chưa bị đồng hoá hoàn toàn nên mới có chuyện bị gọi là “các lão” và chuyện “Huệ Năng không biết đọc và không biết viết chữ Tàu”, “Huệ Năng biết nói tiếng Tàu, nhưng nói đại khái thôi và không rành lắm” cũng là một chuyện bình thường. Huệ Năng sinh sống từ nhỏ tại Lĩnh Nam, “nhà nghèo thiếu, cay đắng trăm bề” [TB, 25(22)] thì làm sao mà đi học để biết chữ? Còn nếu dựa vào đây mà nói Huệ Năng là người Việt Nam (nếu hiểu theo nghĩa là người Lạc Việt sống ở lưu vực sông Nhị Hà) thì khi đối đáp với Ngũ tổ chắc có lẽ phải dùng tới … thông ngôn.

Kết luận phần d) này là ta không thể đồng nhất 2 từ “người Lĩnh Nam” với “người Việt Nam” được.

e) Vài chi tiết khác:

Tới đây ta thấy ngay lý do chính mà dịch giả cho rằng “Huệ Năng là người Việt Nam” là dịch giả đã đồng nhất (Lĩnh Nam với Việt Nam), (người Lĩnh Nam với người Việt Nam), và điều này đã bị thực tế lịch sử phủ nhận vì Việt Nam chỉ là một phần của Lĩnh Nam.

Như vậy bài này có thể kết thúc ở đây, tuy nhiên trong “lời nói đầu” dịch giả còn đưa thêm một số lý do phụ khác để củng cố cho quan điểm đó, mà nếu ta không bàn thêm về các chi tiết này thì sẽ mắc phải cái lỗi tránh né, không tôn trọng toàn bộ ý kiến của dịch giả.

Nhưng cũng bởi quan điểm lẫn lộn kể trên của dịch giả mà cách dùng từ của dịch giả khiến cho việc bàn luận càng thêm rắc rối, ví dụ với từ “Việt Nam” ta phải hiểu sao đây? Để tránh dài dòng ta sẽ dùng một vài ký hiệu:

Việt Nam (LN) = Việt Nam với quan điểm của dịch giả là toàn bộ Lĩnh Nam.
Việt Nam (VN) = Việt Nam với nghĩa thông thường ta dùng hàng ngày.
Trung Hoa (ngoài LN) = Trung Hoa với quan điểm của dịch giả nằm phía bắc Lĩnh Nam.
Trung Hoa (TH) = Trung Hoa với nghĩa thông thường ta dùng hàng ngày.
Lĩnh Nam (TH) = Lĩnh Nam, phần ở Trung Hoa từ Hoa Nam trở lên.

Những chi tiết mà dịch giả đưa ra là:

1_ Ngoài ra, còn một điểm đáng lưu ý mà Yampolsky đã nêu ra: Bài thuyết pháp quan trọng nhất của Huệ Năng là ở chùa Đại Phạm, nhưng theo Yampolsky thì, không ai có thể truy tìm cho ra chùa Đại Phạm ở đâu, chỉ biết chùa ấy còn có tên là chùa Báo Ân… … … đang khi đó, một sự kiện lạ lùng, là chúng ta đã thấy cái tên chùa Báo Ân rất nhiều lần trong quyển Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, cuốn 1, trang 342 và 344; 

Việc “không ai có thể truy tìm cho ra chùa Đại Phạm ở đâu” cũng là một điều bình thường vì trải qua cả ngàn năm một ngôi chùa có thể bị hư hoại, bị tàn phá bởi chiến tranh, hoặc bị đổi tên, dễ dàng gì có thể tìm ra tung tích. Còn nếu dịch giả liên hệ việc này với chuyện “đang khi đó, một sự kiện lạ lùng, là chúng ta đã thấy cái tên chùa Báo Ân rất nhiều lần trong quyển Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang” thì có lẽ hơi gò ép quá, bởi vì chùa Báo Ân trong sách của Nguyễn Lang thuộc Việt Nam (VN), còn chùa Báo Ân (Đại Phạm) thuộc về Thiều Châu, tức thuộc Lĩnh Nam (TH), cách nhau quá xa, vả lại chùa trùng tên cũng là chuyện bình thường, đâu phải “sự kiện lạ lùng” gì?

Ghi chú: Chùa Pháp Tánh là nơi Lục tổ xuống tóc đã có tất cả 8 tên, trong số này cũng có một tên là Báo Ân Quảng Hiếu trước khi mang tên Quang Hiếu (xem Hành Hương Hoa Hạ, Thích Nhật Quang chủ biên):http://www.tuvien.com/hanhhuonghoaha
http://www.thuongchieu.net/index.php?option=com_content&task=view&id=69&Itemid=672_ 

Ngoài ra theo dịch giả “điều lạ lùng nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: trong Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi có hai tên khuyết lục vào thế hệ thứ năm và thế hệ thứ sáu, vào thế kỷ thứ VII và thế kỷ thứ VIII, đồng thời với Huệ Năng và Thần Hội”.

Vào thời xưa việc ghi chép còn sơ sài, vả lại đặc tính của các thiền sư là “ra đi không để lại dấu vết” nên việc khuyết lục cũng là chuyện bình thường. Nếu ta đếm các vị khuyết lục trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi trong sách của Nguyễn Lang thì có tới 20 vị chứ không phải chỉ có 2 vị, và nếu viết theo cách của dịch giả thì dễ làm cho người đọc ngộ nhận là Huệ Năng và Thần Hội thuộc thế hệ thứ 5 và 6 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, và điều này thật khó có sức thuyết phục.

3_ Tiếp theo dịch giả đặt vấn đề: 

… … … (mà Thần Hội ở chùa Hà Trạch, Hà Trạch nào, phải chăng là Hà Trạch ở Lạc Dương hay Hà Trạch ở Việt Nam?), vì trong Lĩnh Nam chích quái có ghi rằng: “Thiền sư Không Lộ kết làm đạo hữu với Giác Hải, lần đến chùa Hà Trạch nương thân…”

Bản ĐH không thấy nói đến tên “Hà Trạch”, bản TB thì ghi: Sau khi Tổ sư tịch rồi, Thần Hội vào thành Lạc Dương, mở rộng môn Đốn giáo Tào Khê làm sách Hiển Tông Ký, truyền bá ở thế gian rất thạnh hành. Người xưng là Hà Trạch thiền sư. [TB, 155(23-26)]

Vậy có thể nói sau khi Lục tổ tịch rồi thì Thần Hội mới từ Tào Khê tới Lạc Dương, ở một ngôi chùa nào đó có tên là Hà Trạch, và mới có tên là Hà Trạch thiền sư (để tỏ lòng kính trọng, người xưa không gọi thẳng tên của các ngài mà thường lấy tên chùa các ngài ở để gọi).

Còn việc dịch giả thắc mắc chùa Hà Trạch mà Thần Hội ở “có phải ở Việt Nam không” thì ta cũng không biết từ “ Việt Nam” mà dịch giả dùng ở đây theo nghĩa nào? Việt Nam (VN) hay Việt Nam (LN)? 

- Nếu là Việt Nam (LN), thì có thể chấp nhận được nhưng không chắc, chấp nhận được vì có thể trước khi tới Lạc Dương ngài đã ở một chùa Hà Trạch nào đó trong khoảng từ Tào Khê tới Lạc Dương, còn nói không chắc vì một thiền sư thường chỉ được mang tên chùa khi đã nổi tiếng, mà Thần Hội chỉ nổi tiếng ở Lạc Dương sau một quá trình giáo hoá ở đây.

- Nếu là Việt Nam (VN), thì chùa mà Không Lộ đến nương thân chỉ là có cùng tên với chùa ở Lạc Dương thôi, còn nếu Thần Hội ở đây thì làm sao có thể mở rộng môn Đốn giáo ở Lạc Dương được?

4_ Có một điều đáng nói hơn nữa, đang khi Huệ Năng đương thời không được người Trung Hoa biết đến, và mãi sau đến sự xuất hiện hoằng pháp của Thần Hội (sau khi Huệ Năng đã chết lâu rồi) thì ảnh hưởng của Huệ Năng lớn mạnh như vũ bão quét sạch tất cả tông phái khác ở đất Trung Hoa, đang khi ấy nước Trung Hoa không có một tổ đình nào mang tên là Lục Tổ thì trái lại tại Việt Nam đã có một tổ đình rất lâu đời, mang tên là Tổ đình Lục Tổ (xin đọc Nguyễn Lang, trang 218, trang 98, trang 101). Như trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Tổ đình Lục Tổ đã có tới trên 400 năm, tính kể từ cuối thế kỷ thứ XII, tức là Tổ đình Huệ Năng đã có từ thế kỷ thứ VIII, thời đại của Huệ Năng (Huệ Năng viên tịch vào thập niên đầu thế kỷ VIII, tức khoảng năm 713) (Nguyễn Lang, op. cit., trang 101).

Câu này cũng chỉ để củng cố thêm quan điểm của dịch giả cho rằng Huệ Năng là người Việt Nam (LN). 

Còn việc ở Việt Nam (VN) đã có chùa Lục Tổ chứng tỏ vào thời đó ảnh hưởng của Lục tổ đã lan tới Việt Nam (VN) rồi, còn việc ở Trung Hoa (ngoài LN) không có một chùa nào mang tên Lục Tổ cũng không mang một ý nghĩa đặc biệt nào, đó là chưa kể thông tin này dịch giả lấy từ đâu? có đáng tin cậy không? Vì ngay cả vào thời nay cũng đâu có ai biết có bao nhiêu chùa Lục Tổ ở Trung Hoa (TH) huống chi vào thời đó?

5_  Còn một điều nữa là quyển Nam Tông tự pháp đồ (ghi lại lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam) đã bị mất, và chính mấy chữ “Nam Tông” đáng cho chúng ta lưu ý, vì mấy chữ ấy chỉ xuất hiện với sự xuất hiện của Thần Hội vào khoảng từ năm 732 trở đi. Còn một điểm lịch sử vô cùng quan trọng đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Thiền sư Việt Nam La Quý An quyên góp tài sản và đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng, chôn ở gần tam quan để khỏi bị trộm cắp, dặn rằng khi nào có bậc minh vương ra đời để giúp dân cứu nước thì đào lên”. Đây có ngụ ý chính trị gì đối với dân tộc Việt Nam lúc ấy, và nhất là một điểm khác sau đây: “Ngày Lý Công Uẩn được suy tôn hoàng đế trong cung thì Thiền sư Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ (đọc Nguyễn Lang, op. cit., trang 243-24). Nơi đây chứa đựng những bí mật nào về lịch sử của dân tộc mà chúng ta không còn để ý tới? Nhất là phải cần nhớ rằng Huệ Năng là đại diện cho ý thức độc lập của Việt Nam chống lại Trung Hoa, chẳng những về phương diện đạo lý mà còn đại diện ý thức độc lập tự chủ chính trị của chính trị Việt Nam đối với Trung Hoa; chúng ta phải cần nhớ lại rằng Thần Hội đã bị triều đình Trung Hoa bắt giam và lưu đày vì bị kết án là “muốn âm mưu chính trị có hại cho chính quyền Trung Quốc”. (cf. Yampolsky, op. cit., trang 36).

Thú thực với bạn đọc là người viết cũng không hiểu dịch giả dẫn chứng những chuyện trên với ngụ ý gì, có thể dịch giả đã cho rằng Huệ Năng (và Thần Hội sau này) đã có âm mưu chống lại (bằng phương pháp ôn hoà) sự đô hộ của nhà Đường trên đất Việt Nam (LN), hoặc thiền sư La Quý An có liên hệ gì với các cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đường ở Việt Nam (VN). Điều này xin dành cho các học giả, còn người viết thật không có khả năng bàn về vấn đề này.

6_ Để kết luận “lời nói đầu” dịch giả viết:

Nếu nói Lĩnh Nam là của Trung Hoa thì chúng ta phải bôi hết Lĩnh Nam chích quái và phải bôi hết “lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước” (Lê Hữu Mục). Nếu có người Việt Nam nào lên tiếng nói rằng Huệ Năng người đất Lĩnh Nam là người Trung Hoa, thì tôi phải kết luận rằng “người Việt Nam” ấy cho tới thế kỷ thứ XX vẫn chấp nhận “sự Bắc thuộc lần thứ ba” của Trung Hoa, vì lúc đó vào thời Huệ Năng, chúng ta bị coi như lệ thuộc Trung Hoa. Mặt khác, nếu có người Trung Hoa nào muốn chứng minh Huệ Năng là người Trung Hoa thì phải bôi mấy chữ “các lão” và “Lĩnh Nam” trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh được chép ra liên tiếp trong mười ba thế kỷ

Người viết cũng xin ý kiến sau:

- Ta không nói “Lĩnh Nam là của Trung Hoa” mà chỉ nói “phần Lĩnh Nam từ Hoa Nam trở lên” thời nhà Đường là của Trung Hoa, còn phía dưới là của Việt Nam, do đó không có chuyện phải bôi hết Lĩnh Nam chích quái và phải bôi hết “lịch sử vẻ vang của tổ tiên trong công cuộc xây dựng đất nước”.

- Còn chuyện “nếu có người Việt Nam nào lên tiếng nói rằng Huệ Năng người đất Lĩnh Nam là người Trung Hoa, thì tôi phải kết luận rằng “người Việt Nam” ấy cho tới thế kỷ thứ XX vẫn chấp nhận “sự Bắc thuộc lần thứ ba” của Trung Hoa”  thì chúng ta đã bàn kỹ ở phần V.b) và V.d) rồi, không cần phải nhắc lại, người Việt Nam ấy không phải là người như dịch giả nói mà chỉ là người tôn trọng thực tế lịch sử thôi.

- Còn chuyện dịch giả nói “nếu có người Trung Hoa nào muốn chứng minh Huệ Năng là người Trung Hoa thì phải bôi mấy chữ “các lão” và “Lĩnh Nam” trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh được chép ra liên tiếp trong mười ba thế kỷ”, đó là vì dịch giả quan niệm Trung Hoa vào thời nhà Đường chỉ từ phía bắc Lĩnh Nam trở lên, phần này chúng ta đã bàn kỹ ở V.c) rồi, không cần nhắc lại và do đó cũng không cần phải “bôi mấy chữ ‘các lão’ và ‘Lĩnh Nam’ trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh được chép ra liên tiếp trong mười ba thế kỷ”. 

Lời cuối: 

Trước khi kết thúc, tưởng cũng nên dẫn qua một đoạn trong cuốn GG để hiểu rõ hơn về Lục tổ:

… … … Trong đoạn trên Ngài kể lý do đi tìm Ngũ Tổ, chúng ta thấy túc duyên của Ngài quá dày, sau này Ngài thường được gọi là Nhục thân Bồ-tát. Sanh trong hoàn cảnh cơ cực nghèo khốn, mồ côi sớm lại dốt nát vì không được học hành, nhưng vừa nghe một câu kinh liền ngộ, tại sao thế? Thường chúng ta cho rằng người có phước duyên mới được sanh trong những gia đình giàu có, mới thông minh học giỏi. Còn sanh trong gia đình nghèo, lại mồ côi sớm, không được học hành thì gọi là vô phước. Tại sao vô phước mà nghe một câu kinh liền ngộ, còn những người có phước nghe hoài mà không ngộ? Như vậy ai hơn ai? Ai có phước hơn ai? Đó là điều chúng tôi muốn nhắc cho tất cả quí vị hiểu để khỏi thắc mắc. Nếu nói một đời này, ra đời, nghe một câu kinh liền ngộ, như trong kinh thường nói: nhất văn thiên ngộ (một nghe ngàn ngộ) thì đã là bậc Bồ-tát rồi. Đã là Bồ-tát, tại sao lại thiếu phước phải sanh trong cảnh côi cút, nghèo nàn, dốt nát? Như vậy Bồ-tát kém phước hơn mình sao? Đó là điều chúng ta thấy đáng hoài nghi, nhưng sự thật không có gì đáng hoài nghi cả. Chúng ta đã nói Ngài là một vị Nhục thân Bồ-tát, mà Bồ-tát giáo hóa chúng sanh luôn luôn tuỳ nguyện. Có vị sanh trong cung vua có kẻ hầu người hạ rồi chán đời đi tu, như thế để cho người đời thấy rằng cảnh vương giả không câu thúc được các ngài, các ngài vẫn từ bỏ tất cả để đi tu và những người sống trong hoàn cảnh sang cả trông gương đó mà phát tâm. Có khi các ngài sanh trong gia đình trung lưu, học hành chút ít rồi phát tâm xuất gia, như thế những người hạng trung lưu thấy các ngài ở trong hoàn cảnh đó mà tu được thì mình cũng tu được. Có khi các ngài nguyện sanh trong cảnh nghèo nàn, dốt nát mà đi tu để những người nghèo nàn dốt nát thấy mình cũng đồng hoàn cảnh với các ngài thì mình cũng đi tu được.

Tóm lại, Bồ-tát muốn cho tất cả chúng sanh đều phát Bồ-đề tâm, nên có khi thị hiện trong cảnh sang cả, có khi ở trong cảnh bần cùng, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào Bồ-tát cũng tu được cả, đó là việc tuỳ duyên hóa độ của các ngài. Chúng ta đừng nghĩ rằng ngài ít phước hơn mình, không phải thế, đó là vì nguyện của Bồ-tát, cốt làm sao cho tất cả chúng sanh đều tin rằng mình tu được. Thế là các ngài mãn nguyện. Chúng ta đọc sử thấy có những vị trong gia đình trưởng giả phát tâm tu, có những vị trong gia đình bần hàn phát tâm tu, có vị bỏ quan đi tu v.v... như thế để hiểu ý nghĩa Bồ-tát, chớ không nên cố chấp bảo rằng Ngài thiếu phước mà tại sao Ngài lại mau ngộ. Đó là hiện tượng thị hiện của chư Bồ-tát tuỳ bản nguyện. [GG, 26(13) – 28(15)]

Thú thực người viết cũng rất lấy làm tiếc khi phản bác lại ý kiến của dịch giả, nếu mà Lục tổ là người Việt Nam thì vui biết bao, nhưng thôi, chúng ta quý kính Lục tổ đâu phải là Ngài thuộc người nước nào (nói theo bây giờ là quốc tịch nào). Nhưng theo lời dẫn trên đây của thiền sư Thích Thanh Từ, Lục tổ là một vị Bồ tát thị hiện, mà đã là Bồ tát thì không phải ra đời kiếp này mới tu, mà ngài đã tu hằng bao nhiêu kiếp rồi. Biết đâu chừng trong những kiếp đó ngài đã có lần thị hiện làm người Việt Nam, và có lúc ngài còn mang cả quốc tịch … Canada nữa.

Canada (Montréal) ngày 24-10-2008

Tuệ Nguyễn
(http://giaodiemonline.com/2008/10/lucto2)

10-29-2008 07:33:12
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

co nham Email Món 13 cách nói để dạy con vâng lời bố ý nghĩa lễ hằng thuận cây chùm bao lá ÿ hanh trinh gieo chu cua thay giao tat nguyen nguyen tam dich ò chính chuoi ngoc tran bao phap tinh thần tuệ giác văn thù sư chiec Ê pham va tụng niệm qua KINH nguon goc ao hau trong tang phuc phat giao bac Chè hột sen nhung gia tri to lon cua niem tin Hơi thở sâu giúp tăng hiệu quả chuoi đốt ht dhammananda Mùa hoa loa kèn Lễ nhập kim quan cố Trưởng lão hang 真言宗金毘羅権現法要 thuyen chuoi hat trong doi song ban tre bÃ Æ o gian lao không làm ta nhụt chí thach thuc giu gin nhân vía bồ tát quán thế âm Tử ca co biet dau khong 宗教法人解散認証申請 司法書士提出 ï¾ p Phật giáo Và muon cai toi thoi nay bien 3 tat ngua