.
THẬP NHỊ MÔN LUẬN
LUẬN VỀ MƯỜI HAI CỬA
Tác giả: Long Thọ (Nàgàrjuna)
Dịch giả Hoa Ngữ: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập 
Dịch giả Việt Ngữ:  Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Thế Giới xuất bản 2000
CỬA THỨ TƯ Quán Tướng
CỬA THỨ NĂM Quán Hữu Tướng hay Vô Tướng
CỬA THỨ SÁU Quán Đồng Nhất hay Dị Biệt
CỬA THỨ BẢY Quán Hữu và Vô
CỬA THỨ TÁM Quán Tánh
CỬA THỨ CHÍN Quán Nhân Quả 
CỬA THỨ MƯỜI Quán Tác Giả (Quán Tạo Hóa)
CỬA THỨ MƯỜI MỘT Quán Tam Thời
CỬA THỨ MƯỜI HAI Quán Sanh
CỬA THỨ TƯ
QUÁN TƯỚNG


 Các pháp đều là không.  Tại sao?

Cả hữu vi pháp lẫn vô vi pháp
đều không có tướng (đặc tánh) gì.
Vì chúng không có tướng
nên chúng đều là không.

 Hữu vi pháp không được hình thành bởi các tướng.

 Hỏi:  Cái gì là hữu vi tướng (những đặc tính được tạo ra)?

 Đáp:  Mọi vật đều có hữu vi tướng nào đó.  Thí dụ như cái sừng của một con bò thì nhọn và ở cuối cái đuôi của nó có cụm lông; đó là tướng của một con bò.  Đáy của cái bình thì bằng phẳng, bụng nó lớn, cổ nó nhỏ, miệng nó tròn; những điểm đó là tướng của cái bình.  Bánh xe, trục xe, càng xe, v.v... là những tướng của một cỗ xe.  Một con người có đầu, mắt, thân, xương sống, vai, chân, tay, v.v... là những tướng của họ.  Bây giờ hỏi rằng “sanh, trú , diệt” là ba tướng của các hữu vi pháp, vậy chúng là hữu vi hay vô vi?

 Hỏi:  Có đêìu gì sai nếu nói rằng tướng là những hữu vi pháp?
 

 Đáp:  Nếu sanh là một hữu vi pháp, nó phải có ba tướng.

 Nếu sanh là một vô vi pháp, thì làm sao có thể gọi nó là một hữu vi tướng?

 Nếu sanh là một hữu vi pháp, nó phải có ba tướng (sanh, trú, diệt), và mỗi thứ trong ba tướng này lại có ba tướng khác, tiếp tục cho tới vô cùng.  Điều này cũng được áp dụng cho trú và diệt.  Nếu sanh là vô vi pháp, làm sao cái vô vi có thể là tướng của một hữu vi pháp?  Ai có thể biết được sanh mà không có sanh trú diệt?  Sanh, trú, diệt là những thứ được phân biệt và đều có sanh.  Nhưng các vô vi pháp không thể phân biệt thành sanh, trú và diệt, cho nên không thể có sanh.  Điều này cũng áp dụng cho trú và diệt.

 Sanh, trú, và diệt là không.  Vì vậy hữu vi pháp là không.  Khi mà hữu vi pháp là không thì vô vi pháp cũng là không, bởi vì có hữu vi nên mới có vô vi.  Vì hữu vi pháp và vô vi pháp đều là không cho nên tất cả chư pháp đều là không.

 Hỏi:  Ngài nói rằng mỗi thứ trong ba tướng lại có ba tướng khác, cho nên cứ tiếp tục tới vô cùng.  Vì vậy, sanh không thể là một hữu vi pháp.  Nhưng người ta nói:

Sanh của sanh là từ bản sanh (sự sanh đầu tiên)
Và bản sanh được sanh ra từ cái đã sanh của cái đã sanh
(Sanh sanh chi sở sanh/Sanh ư bỉ bản sanh/Bản sanh chi sở sanh/Hoàn sanh ư sanh sanh)
 

 Khi một vật (pháp) sanh ra thì có bảy hiện tượng:  (1) pháp, (2) sanh, (3) trú, (4) diệt, (5) sanh của sanh, (6) trú của trú, (7) diệt của diệt.  Trong số bảy hiện tượng này, bản sanh (sự sanh đầu tiên) có thể sanh rả hiện tượng khác ngoài chính nó.  Và sanh của sanh có thể sanh ra bản sanh.  Rồi bản sanh lại sanh ra của sanh.  Vì vậy, tuy rằng ba tướng này là hữu vi nhưng chúng không phải vô cùng tận.  Trú và diệt cũng giống như vậy.

 Đáp:  Nếu bảo rằng sanh của sanh sanh ra bản sanh, thì làm sao sanh của sanh có thể sanh ra bản sanh nếu chính nó do bản sanh sanh ra?

 Nếu nói rằng sanh của sanh có thể sanh ra bản sanh thì làm sao sanh của sanh có thể sanh ra bản sanh khi bản sanh không sanh ra sanh của sanh?

Nếu bảo rằng bản sanh,
sanh ra sanh của sanh,
thì làm sao bản sanh
có thể sanh ra sanh của sanh
nếu chính nó sanh ra bởi sanh của sanh?

 Nếu bảo rằng bản sanh có thể sanh ra sanh của sanh, và rằng sanh của sanh (là thứ đã được sanh ra) có thể sanh ra bản sanh, thì không thể đúng.  Tại sao?  Sanh của sanh sanh ra bản sanh cho nên được gọi là sanh của sanh; nhưng bản sanh chưa được sanh ra, vậy thì làm sao nó có thể sanh ra sanh của sanh?
 

 Bảo rằng trong khi sanh của sanh đang được sanh ra nó có thể sanh ra bản sanh thì cũng không thể đúng.  Tại sao?

Khi sanh của sanh đang được sanh
nó có thể sanh ra bản sanh
làm sao nó có thể sanh ra bản sanh
nếu chính nó chưa được sanh ra?

 Khi sanh của sanh đang được sanh ra, nó có thể sanh ra bản sanh.  Nhưng chính sanh của sanh chưa được sanh ra thì nó không thể sanh ra bản sanh (nguồn gốc căn bản để sản sanh).

 Nói rằng khi sanh của sanh đang được sanh ra nó có thể sanh ra chính nó và cũng sanh những thứ khać, cũng giống như khi ngọn đèn chiếu sáng thì nó có thể soi sáng chính nó và những thứ khác, là không thể đúng.  Tại sao?

Trong đèn tự nó không có bóng tối
nơi chốn tự nó cũng không có bóng tối.
Sự diệt trừ bóng tối gọi là soi sáng.
Vậy đèn có thể soi sáng cái gì?

 Thân đèn tự nó không có bóng tối.  Nơi chốn được soi sáng tự nó cũng không có bóng tối.  Nếu không có bóng tối trong đèn và không có bóng tối ở nơi chốn thì làm sao người ta có thể nói rằng đèn soi sáng chính nó và những thứ khác?  Sự diệt trừ bóng tối gọi là soi sáng.  Nhưng đèn không diệt bóng tối của chính nó hoặc bóng tối của những thứ khác.  Vì vậy câu nói của bạn rằng “giống như ngọn đèn soi sáng chính nó và những thứ khác, sự sanh tự sanh ra chính nó và những thứ khác” là không hợp lý.

 Hỏi:  Khi đèn được thắp sáng nó có thể diệt bóng tối.  Cho nên, không có sự tối trong đèn hoặc nơi chốn.

 Đáp:  
Làm sao có thể diệt trừ bóng tối
bằng cách thắp sáng ngọn đèn,
khi đèn được thắp sáng,
nó không tiếp xúc với bóng tối?

 Nếu đèn không thể tiếp xúc với bóng tối khi nó được thắp sáng, và nếu nó không tiếp xúc với bóng tối thì người ta không nên nói rằng diệt trừ bóng tối.

Nếu đèn có thể diệt trừ bóng tối
trong khi không tiếp xúc với bóng tối,
thì đèn ở tại nơi này
phải có thể diệt trừ tất cả bóng tối.

 Nếu nói rằng dù đèn không tiếp xúc với bóng tối nhưng năng lực của nó có thể diệt bóng tối thì đèn ở chỗ này sẽ có thể diệt tất cả bóng tối trên thế gian. Bởi vì tất cả bóng tối không tiếp xúc với đèn.  Nhưng thật ra nếu bạn thắp đèn ở chỗ này thì nó không thể diệt trừ tất cả bóng tối trên thế gian.  Do đó, lập luận của bạn rằng “tuy đèn không tiếp xúc với bóng tối nhưng nó có thể diệt trừ bóng tối” là không hợp lý.

Nếu đèn soi sáng chính nó 
và những thứ khác

thì bóng tối cũng sẽ che phủ chính nó
và những thứ khác.

 Nếu bạn nói rằng đèn soi sáng cả chính nó cùng những thứ khác, thì bóng tối, là thứ trái ngược với ánh sáng của đèn, cũng có thể che phủ cả chính nó cùng những thứ khác.  Nếu bóng tối, là thứ trái ngược với ánh sáng, không thể che phủ chính nó và những thứ khác, thì không thể nói rằng ánh sáng có thể soi sáng chính nó và những thứ khác.  Do đó, thí dụ của bạn là không đúng.  Nên nói rằng:

Nếu sanh chưa được sanh ra,
thì làm sao nó có thể sanh ra chính nó?
Nếu nó đã được sanh ra và rồi lại sanh ra chính nó,
thì tại sao nó cần được sanh ra?

 Khi sự sanh này sắp sanh nó không giống như cái đã được sanh cũng chẳng giống như cái chưa sanh ra, rồi nó sanh.  Nếu nó giống như cái chưa sanh được sanh ra và rồi nó sanh, thì làm sao nó có thể tự sanh ra chính nó, bởi vì cái chưa được sanh là chưa hiện hữu?  Nếu nói rằng nó giống như đã được sanh ra và rồi sanh ra chính nó, thì tại sao nó cần sanh?  Trong nó không còn sanh, trong cái đã được tạo ra không còn hành động tạo tác.  Do đó, sự sanh không sanh ra ngay cả chính nó, thì làm sao nó có thể sanh ra những thứ khác?  Bạn sai khi nói rằng sự sanh ra chính nó và những thứ khác.  Trường hợp của trú và diệt cũng giống như vậy.
 

 Do đó, lậ̣p luận rằng sanh, trú, và diệt là những hữu vi tướng là không đúng.  Khi mà lập luận rằng sanh, trú, và diệt là những vữu vi tướng là sai thì các hữu vi pháp là không.

 Các hữu vi pháp là không, do đó các vô vi pháp cũng là không.  Tại sao?  Sự hủy diệt của những hữu vi pháp gọi là vô vi Niết Bàn.  Do đó Niết Bàn là không.

 Vô sanh, vô trú và vô diệt được coi là những tướng của các vô vi pháp.  Nhưng không có sự vật gì hiện hữu mà không có sanh, trú, và diệt.  Cái vô hiện hữu thì không thể là tướng của bất cứ cái gì.

 Người ta có thể nói rằng “vô tướng” là  tướng của Niết Bàn, nhưng lập luận này không đứng vững.  Nếu “vô tướng” là tướng của Niết Bàn thì chúng ta nhờ vào tướng gì để biết nó là “vô tướng”?  Nếu chúng ta biết “vô tướng” nhờ một tướng nào đó thì tại sao lại gọi nó là “vô tướng”?  Nếu chúng ta biết “vô tướng” nhờ vô tướng, thì điều đó không thể là biết, vì vô tướng không hiện hữu.

 Người ta có thể nói nó giống như y phục, đều có tướng, nhưng duy có một y phục vô tướng, vì nó lấy chính “vô tướng” làm tướng.  Nếu có người bảo rằng hãy đem ra cái áo không có tướng, thì chúng ta biết rằng điều đó có thể làm được.  Tương tự như vậy, sanh, trú và diệt là những tướng của các hữu vi pháp.  Bất cứ khi nào có vô sanh, vô trú và vô diệt, thì chúng ta có thể biết chúng là những tướng của các vô vi pháp.  Do đó, một trạng thái thiếu  vắng các tướng tức là Niết Bàn.  Nhưng lập luận này không đứng vững.  Tại sao?  Những nhân duyên như sanh,
 

trú và diệt là không?  Các hữu vi tướng không thể thành.  Làm sao người ta có thể nhận biết các vô vi pháp?  Bạn nhờ những tướng xác đáng nào của các hữu vi pháp để biết rằng “sự thiếu vắng những tướng đó cho thấy sự hiện hữu của những vô vi pháp”?  Lập luận của bạn rằng “cái áo không có tướng trong số các y phục là một thí dụ của vô tướng của Niết Bàn” là không hợp lý.  Vấn đề liên quan tới thí dụ về y phục này sẽ được thảo luận chi tiết trong Chương Năm (Đệ Ngũ Môn).

 Do đó, tất cả các hữu vi pháp đều là không.  Khi hữu vi pháp là không thì vô vi pháp cũng là không.  Khi hữu vi pháp và vô vi pháp là không thì cái ngã cũng là không.  Khi tất cả ba thứ này là không, thì chư pháp đều là không.

CỬA THỨ NĂM
QUÁN HỮU TƯỚNG HAY VÔ TƯỚNG


 Các pháp đều là không.  Tại sao?

Nếu pháp đã có tướng,
cần gì phải tạo ra tướng?
Nếu pháp không có tướng,
không thể có sự tỏ tướng.
(Thì tướng làm sao có tướng?)

 Ngoài hai điều đó, còn có điều gì có thể tỏ tướng?

 Khi pháp có tướng không có sự tạo ra tướng.  Tại sao?  Nếu các pháp đã có tướng, chúng cần gì phải có thêm tướng nữa?  Nếu còn có sự tạo ra tướng trong trường hợp pháp đã có tướng, thì sẽ có sự lầm lẫn, vì có hai loại tướng:  tướng mà pháp đã có sẵn và tướng dùng để tạo ra tướng.  Vì vậy, không thể có sự tạo ra tướng khi pháp đã có tướng.

 Cũng chẳng có sự tỏ tướng khi pháp không có tướng.  Những thứ không có tướng thì làm sao có thể tỏ tướng?  Một con voi có hai ngà, một cái vòi dài, một cái đầu lớn, tai như cái quạt, xương sống cong như cây cung, một cái bụng lớn, cuối đuôi có cụm lông, bốn chân vững chắc và tròn; những điểm này là những tướng của một con voi.  Nếu không có những tướng này thì chẳng có voi để mà làm ra tướng.  Một con ngựa có đôi tai vểnh, một cái bờm ở cổ, bốn chân có móng và đuôi có cụm lông.  Nếu không có những tướng này thì chẳng có con ngựa để làm ra tướng.  Như vậy là không có sự tạo ra tướng khi pháp có tướng cũng như khi chúng không có tướng.  Ngoài hai trường hợp có tướng và không có tướng, không thể có trường hợp thứ ba nào mà sự tỏ tướng có thể xảy ra.  Cho nên “tướng vô sở tướng.”

 Bởi vì không có sự tỏ tướng, cho nên không có “cái gì có thể tạo ra tướng” (không có “khả tướng” pháp).  Tại sao?  Bởi vì nhờ có tướng cho nên một vật nào đó mới được coi là “khả tướng” có thể tỏ tướng.  Nhưng vì nhân duyên, các tướng và các “khả tướng” đều là không.  Khi mà các tướng và khả tướng là không, thì vạn vật đều là không.  Tại sao?  Bởi vì không thể có thứ gì không có tướng và khả tướng.  Khi mà vạn vật là không thì không thể có “phi vật.”  Sự hủy diệt của một vật được gọi là “vô vật.”  Nhưng nếu vật không hiện hữu thì lấy cái gì để hủy diệt?  Lấy cái cái gì để gọi là vô-vật?  Cả vật lẫn vô-vật đều là không.  Vì vậy, tất cả hữu vi pháp đều là không.  Khi mà hữu vi pháp là không thì vô vi pháp cũng là không.  Khi mà hữu vi pháp và vô vi pháp đều là không thì cái ngã cũng là không.

CỬA THỨ SÁU
QUÁN ĐỒNG NHẤT HAY DỊ BIỆT


 Các pháp đều là không.  Tại sao?

Tướng và khả tướng
không giống nhau cũng
không khác nhau.
Nếu chúng không giống nhau 
và không khác nhau
Thì cả hai làm sao có thể thành?

 Tướng và khả tướng không giống nhau và cũng không khác nhau.  Nếu không thể lập sự đồng nhất hay dị biệt của chúng thì chúng không thể thành.  Vì vậy, tướng và khả tướng đều là không.  Khi mà tướng và khả tướng là không thì tất cả vạn vật đều là không.

 Hỏi:  Tướng và khả tướng thường thành.  Tại sao chúng ta lại không thành?  Ngài bảo rằng tướng và khả tướng cũng không giống nhau và cũng không khác nhau.  Nay ngài nên nói rằng các tướng của bất cứ vật gì đều không giống, cũng không khác những khả tướng; hoặc là nói rằng sự vật có tướng một phần nào đó và có khả tướng một phần nào đó.  Thí dụ, tướng của ý thức là tình trạng nhận thức; nếu không có tình trạng nhận thức thì không có ý thức.  Tướng của cảm giác là tình trạng cảm nhận; nếu không có tình trạng cảm nhận thì không có cảm giác.  Vậy thì tướng là đồng nhất với khả tướng.
 

 Đức Phật dạy rằng sự tận diệt của ái dục là tướng của Niết Bàn.  Ái dục là hữu vi “hữu lậu pháp” (pháp hữu vi phát tiết ra ngoài).  Sự tận diệt dục vọng là vô vi “vô lậu pháp” (pháp vô vi không phát triển ra ngoài).  Một người tín ngưỡng có ba tướng:  họ muốn thân cận với các thiện nhân, họ mong được nghe chân lý, và họ muốn thực hành hạnh bố thí.  Ba thứ đó là những nghiệp của thân và khẩu, và thuộc vào những sắc ngoại diện.  Nhưng sự tín ngưỡng là ở tâm và thuộc vào những hành vi tinh thần.  Nơi đây các tướng và khả tướng là khác nhau.

 Chánh kiến là một tướng của Bát Chánh Đạo, và có một phần đông nhất với Bát Chánh Đạo.  Sanh, trú, và diệt là những tướng khác của các hữu vi pháp; chúng có một phần nào giống như các hữu vi pháp.  Do đó các khả tướng là phần nào giống như các tướng.

 Vậy thì các tướng hoặc là giống, hoặc là khác, hoặc là phần nào giống như các khả tướng.  Lập luận của ngài nói rằng “vì không thể thành lập sự giống nhau và khác nhau, nên các tướng và khả tướng không thể thành lập” là không đứng vững.

 Đáp:  Lập luận của bạn rằng các tướng là khả tướng, giống như trường hợp của ý thức, v.v..., không đứng vững.  Tại sao?  Vì cái mà người ta có thể biết qua tướng được gọi là khả tướng; cái đã được dùng để biết được gọi là tướng.  Nhưng một vật không thể tự biết chính nó.  Thí dụ, một ngón tay không thể sờ chính nó và một con mắt không thể trông thấy chính nó.  Vì vậy lập luận của bạn rằng ý thức vừa là tướng vừa là khả tướng không đứng vững.
 

 Nếu tướng và khả tướng đồng nhất thì nhân và quả cũng đồng nhất.  Tại sao?  Vì tướng là nhân và khả tướng
là quả; cả hai là một.  Nhưng thật sự thì chúng không phải là một.  Do đó, nếu nói rằng tướng và khả tướng là một thì không đúng.

 Lập luận của bạn rằng tướng và khả tướng là khác nhau cũng không đúng.  Bạn nói rằng sự tận diệt dục vọng là tướng của Niết Bàn, chứ chẳng phải dục vọng là tướng của Niết Bàn.  Nếu nói rằng dục vọng là tướng của Niết Bàn thì tướng khác với khả tướng.  Nếu nói rằng sự diệt trừ dục vọng là tướng của Niết Bàn thì không nên nói rằng tướng khác với khả tướng.

 Bạn cũng nói rằng một người tín ngưỡng có ba tướng.  Thực ra một người tín ngưỡng và ba tướng chẳng khác gì nhau.  Nếu không có sự tín ngưỡng thì không có ba sự kiện đó.  Vì vậy tướng và khả tướng không thể khác nhau.  Vả lại, nếu tướng và khả tướng là khác nhau thì một tướng sẽ có những tướng khác, và sẽ tiếp nối vô cùng tận; nhưng đó là điều bất khả.  Vì vậy, tướng và khả tướng không thể khác nhau.

 Hỏi:  Giống như ngọn đèn có thể soi sáng chính nó và những vật khác, vậy tướng có thể tự tỏ tướng cho chính nó và những thứ khác.

 Đáp:  Thí dụ của bạn về ngọn đèn đã bị đả phá trước đây, khi chúng ta bàn về ba tướng hữu vi.  Ngoài ra, có vẻ như bạn tự mâu thuẫn với chính quan điểm của mình:  trước đây bạn nói rằng tướng và khả tướng là khác nhau, nhưng bây giờ bạn nói rằng tướng có thể tự tỏ tướng cho chính nó và những vật khác.  Điều này không đứng vững.

 Bạn nói rằng tướng là thành phaần của khả tướng.  Điều này không đứng vững.  Tại sao?  Vì ý nghĩa nằm trong sự giống nhau hoặc sự khác nhau.  Những ý nghĩa về sự giống nhau và sự khác nhau bị đả phá trước đây.  Vì vậy, quan điểm nói rằng tướng là thành phần của khả tướng cũng bị đả phá.

 Như vậy là tướng và khả tướng của các nhân duyên không đồng nhất với nhau cũng chẳng khác biệt với nhau.  Và không thể có trường hợp thứ ba nào khác.  Do đó, tướng và khả tướng đều là không.  Khi mà cả hai đều là không thì chư pháp đều là không.

CỬA THỨ BẢY
QUÁN HỮU VÀ VÔ


 Chư pháp đều là không.  Tại sao?  Hữu vô không thể đạt được cùng một lúc và cũng không đạt được vào những lúc khác nhau.  Như đã được nói trong những câu kệ sau đây:

Không thể có hữu cùng với vô,
cũng không thể có hữu mà không có vô.
Nếu có thể có hữu cùng với vô,
thì hữu sẽ luôn luôn là vô.

 Hữu và vô có bản chất tương phản.  Trong một pháp không thể bao gồm cả hai.  Thí dụ khi có sự sống thì không có cái chết.  Khi có cái chết thì không có sự sống.  Điều này đã được bàn trong Trung Luận.  Có lẽ bạn cho rằng không có sự sai lầm nếu nói rằng khi hữu tồn tại thì không có vô.  Nhưng không phải vậy.  Tại sao?  Làm sao có thể có hữu mà không có vô!  Như trước đây đã nói, khi một pháp nào sanh ra thì bảy hiện tượng cũng sanh ra cùng với nó.  Như đã nói trong Luận Abhidaharma (Thượng Pháp) rằng hữu và vô-thường được sanh ra cùng với nhau.  Vô thường là tướng của diệt, cho nên được gọi là vô thường.  Do đó, nếu không có vô (và tướng của nó, vô thường) thì hữu không thể sanh ra.  Nếu hữu có thể sanh cùng với vô thường thì hữu luôn luôn là vô.  Nếu hữu luôn luôn là vô thì không thể có thể có trú, bởi vì sự thường hằng bị hủy diệt.  Nhưng thực ra có trú.  Do đó hữu không luôn luôn là vô.  Nếu nói rằng hữu có thể sanh ra mà không có vô thường thì không đúng.  Tại sao?  Vì nếu không có vô thường thì hữu không thể sanh ra.

 Hỏi:  Khi hữu sanh ra, vô thường đã có sẵn ở trong nó nhưng chưa phát tác.  Khi có diệt, vô thường phát tác và hữu bị hủy diệt.  Vì vậy, sanh, trú, diệt và lão phải chờ đợi thời của chúng để phát tác.  Vào lúc khởi đầu, sanh có hiệu lực cho nên sanh ra hữu.  Ở giai đoạn giữa sanh và diệt thì trú có hiệu lực cho nên hữu được duy trì.  Vào lúc cuối cùng, vô thường có hiệu lực cho nên hữu bị hủy diệt.  Lão là sự thay đổi từ sanh tới trú và từ trú tới dị diệt.  Vô thường hủy diệt thường hằng và điều này khiến cho bốn hiện tượng có thể xảy ra.  Cho nên, dù rằng các pháp sanh cùng với vô thường, hữu không luôn luôn là vô.

 Đáp:  Bạn nói rằng vô thường cũng là tướng của dịêt và sanh ra cùng với hữu.  Vậy thì vào lúc hữu được sanh ra nó cũng đang bị hủy diệt; và vào lúc bị hủy diệt hữu cũng sanh được sanh ra.

 Không thể có sanh cùng với diệt.  Tại sao?  Vào lúc đang bị hủy diệt không thể có sanh.  Và vào lúc đang sanh không thể có diệt, vì sanh và diệt tương phản nhau.

 Bạn nói rằng vô thường và trú được sanh ra cùng với nhau.  Nhưng vào thời của diệt không thể có trú, và vào thời của trú không thể có diệt.  Tại sao?  Vì trú và diệt tương phản nhau.  Vào thời của lão không  có trú, và vào thời của của trú không có lão.

 Vì vậy, lập luận của bạn rằng vô thường được sanh ra cùng với sanh, trú diệt và lão là phi lý.  Tại sao?  Giả thử rằng hữu được sanh ra cùng với vô thường.  Vô thường là tướng của diệt.  Khi một vật được sanh ra nó không có tướng của diệt, và khi sinh tồn nó cũng không có tướng của diệt.  Vậy thì vào lúc nào có thể có vô thường?

 Nhờ tình trạng ý thức cho nên có ý thức; nếu không có tình trạng ý thức thì không thể có tướng của ý thức.  Nhờ khả năng cảm nhận cho nên có cảm giác; nếu không thể cảm nhận thì không có tướng của cảm giác.  Nhờ có khả năng hồi tưởng cho nên có ký ức; nếu không có khả tăng hồi tưởng thì không có thể có tướng của ký ức.  Khởi là một tướng của sanh, bất khởi không có phải là một tướng của sanh.  Chịu đựng là một tướng của trú; bất chịu đựng không phải là một tướng của trú.  Thay đổi là một tướng của lão, không thay đổi không phải là một tướng của lão.  Sự hủy diệt của đời sống là một tướng của cái chết.  Bất hủy diệt của đời sống không phải là một tướng của vô thường.  Nếu không có hủy diệt thì không có tướng của vô thường.

 Giả thử rằng tuy có vô thường nhưng nó không hủy diệt hữu vào thời của sanh và trú, nhưng nó sẽ hủy diệt về sau này.  Tại sao chúng lại cùng sanh ra?  Chỉ vào lúc hữu bị hủy diệt thì mới cần tới vô thường.  Vì vậy nếu nói rằng “vô thường sanh ra cùng với hữu và sau này hủy diệt nó” là không đúng.

 Vì vậy, sự hợp nhất của hữu và vô không thể thành, và sự phân li của hữu và vô cũng không thành.  Do đó, hữu và vô là không.
 

 Khi mà hữu và vô là không, tất cả các hữu vi pháp là không, tất cả vô vi pháp cũng là không.  Khi mà hữu vi pháp và vô vi pháp là không thì tất cả chúng sanh cũng là không.

CỬA THỨ TÁM
QUÁN TÁNH


 Chư pháp đều là không.  Tại sao?  Vì chư pháp đều không có tánh.  Như đã nói trong những câu:

Nhận thấy rằng tướng của chư pháp biến đổi,
nên chúng ta biết chư pháp đều không có tánh.
Những thứ không có tánh thì chỉ là không,
vì vậy chư pháp đều là không.

 Nếu chư pháp có tánh thì chúng phải không biến đổi.  Nhưng chúng ta thấy rằng tất cả mọi sự vật luôn luôn biến đổi.  Vì vậy chúng ta biết rằng chúng không có tánh.

 Nếu chư pháp có định tánh thì chúng đã chẳng do duyên sanh ra.  Nếu tánh do duyên sanh ra thì nó là cái mà nó được làm nên.  Nhưng [theo định nghĩa] tánh là cái không do cái khác làm nên và không tùy thuộc vào những cái khác.  Vì vậy, chư pháp đều là không.

 Hỏi:  Nếu chư pháp đều là không thì không thể có sanh hoặc diệt.  Nếu không có sanh và diệt thì không thể có “khổ đế.”  Nếu không có khổ đế thì không có “tập đế.”  Nếu không có khổ đế và tập đế thì không có “diệt khổ đế.”  Nếu không có sự diệt khổ thì không có thể có “đạo diệt khổ.”  Nếu chư pháp đều là không và không có tánh thì không thể có Tứ Diệu Đế.  Nếu không có Tứ Diệu Đế thì không thể có “Tứ Sa Môn Quả.”  Nếu không có Tứ Sa Môn Quả thì không thể có thánh hiền.  Nếu không có những thứ này thì không có thể có Phật, Pháp và Tăng, và không thể có thế gian pháp.  Nhưng không phải như vậy.  Do đó, chư pháp không thể là không.

 Đáp:  Có hai chân lý:  chân lý thế gian (Thế Đế) và chân lý tuyệt đối (Đệ nhất Nghĩa Đế).  Nhờ chân lý thế gian cho nên có thể đạt tới chân lý tuyệt đối.  Nếu không dựa vào chân lý thế gian thì không thể đạt tới chân lý tuyệt đối.  Nếu không đạt tới chân lý tuyệt đối thì không thể đạt tới Niết Bàn.  Nếu người nào không biết hai chân lý, họ không thể biết tự lợi, tha lợi, và công lợi.  Vì vậy, nếu người nào biết chân lý thế gian thì sẽ biết chân lý tuyệt đối, và nếu họ biết chân lý tuyệt đối thì họ  biết chân lý thế gian.  Nay bạn nghe nói chân lý thế gian và gọi nó là chân lý tuyệt đối, cho nên bị lạc lối.  Thuyết nhân duyên mà chư Phật dạy là chân lý thâm sâu.  Nhân duyên không có tự tánh, cho nên tôi nói tất cả chư pháp đều là không.

 Nếu chư pháp không do các duyên sanh ra thì chúng phải có định tánh riêng của chúng.

 Không thể có những tướng của sanh và diệt trong ngũ uẩn.  Nếu không có sanh và diệt trong ngũ uẩn thì không thể có vô thường.  Nếu không có vô thường thì không thể có khổ đế.  Nếu không có khổ đế thì không thể có tập đế.  Nếu chư pháp có định tánh thì không thể có diệt khổ đế.  Tại sao?  Vì tánh không thể biến đổi.  Nếu không có diệt khổ đế thì không thể có đạo diệt khổ.  Do đó, nếu chúng ta không chấp nhận thuyết không-tánh thì không thể có Tứ Diệu Đế.  Nếu không có Tứ Diệu Đế thì không có sự nắm vững Tứ Diệu Đế.  Nếu không có sự nắm vững Tứ Diệu Đế.  Nếu không có sự nắm vững Tứ Diệu Đế thì
 

không thể có những điều như:  biết về khổ, diệt trừ căn của khổ, chứng minh sự diệt khổ, và tu theo đạo (theo con đường hay phương pháp) diệt khổ.  Nếu không có những thứ đó thì không thể có “tứ sa môn quả.”  Nếu không có tứ sa môn quả thì không thể có định hướng [tu hành].  Nếu không có định hướng thì không thể có Phật.  Nếu nhân duyên pháp bị bác bỏ thì không thể có Đạo Pháp.  Nếu không có Đạo Pháp thì không thể có Tăng.  Nếu không có Phật, Pháp, Tăng thì không thể có Tam Bảo.  Nếu không có Tam Bảo thì thế gian pháp bị hoại.  Nhưng điều nay là phi lý.  Vì vậy chư pháp là không.

 Nếu chư pháp có định tánh thì không có sanh, không có diệt, không có thiện hay ác.  Nếu không có tưởng thưởng hay trừng phạt (quả báo) cho thiện và ác thì thế gian sẽ chỉ là một cảnh giới duy nhất.  Vì vậy, chúng ta nên biết rằng chư pháp là vô tánh.

 Nếu bảo rằng chư pháp không có tự tánh, và do tha tánh tạo nên, thì điều này cũng không đúng.  Tại sao?  Vì nếu không có tự tánh thì làm sao chư pháp có thể sanh ra từ tha tánh, vì nhờ tự tánh mới có tha tánh.  Tại sao?  Bởi vì tha tánh là tự tánh của những cái khác.

 Nếu tự tánh bất thành thì tha tánh cũng không thể thành.  Nếu không có tự tánh và tha tánh thì làm sao có thể có bất cứ cái gì?  Nếu hữu bất thành thì vô cũng bất thành.

 Vì vậy, chúng ta suy luận rằng nếu không có tự tánh, không có vô tánh, không có hữu và không có vô, thì tất cả hữu vi pháp đều là không.
 

 Khi hữu vi pháp là không, vô vi pháp là không, thì làm gì có cái ngã.

CỬA THỨ CHÍN
QUÁN NHÂN VÀ QUẢ


 Chư pháp đều là không.  Tại sao?  Chư pháp tự chúng không có tánh, cũng không có tánh đến từ nơi khác.  Như đã nói trong những câu:

Không thể có quả trong tất cả các duyên.
Quả cũng không đến từ nơi khác.
Làm sao có thể sanh quả?

 Như đã nói trước đây, không có quả ở trong bất cứ một duyên nào, cũng không có quả ở trong sự kết hợp của các duyên.  Quả cũng chẳng đến từ những nơi khác.  Nếu nó đến từ nơi khác thì nó sanh ra bởi nhân duyên.  Và sự kết hợp của những duyên khác nhau không có tác dụng.  Nếu quả chẳng ở trong duyên và cũng chẳng đến từ nơi khác thì nó là không.

 Quả là không, vì vậy tất cả hữu vi pháp là không.  Hữu vi pháp là không thì vô vi pháp cũng là không.

 Ngay cả hữu vi pháp và vô vi pháp đều là không thì cái ngã cũng là không.

CỬA THỨ MƯỜI
QUÁN TÁC GIẢ - (QUÁN TẠO HÓA)


 Các pháp đều là không?  Tại sao?  Vì một pháp không thể tự nó làm ra, hoặc do cái khác làm ra, hoặc do cả tự nó lẫn cái khác, hoặc chẳng do bất cứ nhân nào.  Như đã nói trong những câu:

Khổ không phải tự nó sanh ra
không phải cái khác sanh ra,
không phải do tự nó và cái khác sanh ra.
Vì vậy không có khổ.

 Khổ không thể tự tác.  Tại sao?  Nếu nó tự tạo ra, tức là nó làm nên bản thể (thể tánh) của chính nó.  Nhưng một v ật không thể dùng chính nó để tạo chính nó.  Thí dụ, ý thức không thể ý thức về chính nó, và một ngón tay không thể sờ chính nó.  Vì vậy không có thứ gì có thể tự tác.

 Khổ cũng chẳng do thứ khác sanh ra.  Làm sao nó có thể do thứ khác sanh ra?

 Hỏi:  Các duyên được gọi là tha.  Các duyên tạo nên khổ:  điều này gọi là “tha tác.”  Làm sao ngài có thể nói khổ chẳng phải do tha (một cái gì khác) làm nên?

 Đáp:  Nếu các duyên được gọi là tha, và khổ do các duyên tạo ra; nếu khổ sanh ra từ duyên thì bản chất (tánh) của nó là duyên.  Nếu bản chất của nó là duyên, tại sao gọi duyên là tha?  Thí dụ, trong một cái bình bằng đất sét, đất sét không được gọi là tha; trong một cái vòng bằng vàng, vàng không được gọi là tha.  Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp của khổ.  Nếu nó do các duyên làm nên thì duyên không thể được gọi là tha.

 Các duyên không có tự tánh.  Chúng không tự hiện hữu.  Vì vậy không thể nói rằng quả là từ duyên sanh ra.  Như đã được nói trong Trung Luận:

Quả từ duyên sanh ra,
nhưng duyên không tự hiện hữu.
Nếu duyên không tự hiện hữu,
làm sao duyên có thể sanh ra quả?

 Vì vậy khổ không thể do tha làm nên.  Nó cũng không thể được tạo ra bởi cả chính nó và ngoài (tha), vì cả hai đều là sai.  Cho nên không thể̀ nói rằng khổ do cả hai thứ tạo ra.

 Cũng không đúng nếu nói rằng khổ chẳng do bất cứ nhân nào tạo ra, vì nói như vậy là sai vô cùng tận.

 Như trong kinh đã dạy:  Một đạo sĩ Tirthika lõa hình [“naked Tirthika” trong bản dịch Anh ngữ] hỏi Đức Phật:  “Khổ tự tác chăng?”  Đức Phật im lặng không trả lời.  “Bạch Thế Tôn!  Nếu khổ không tự tác thì có phải là tha tác chăng?”  Đức Phật vẫn không trả lời.  “Thế Tôn!  Vậy nó chẳng do nhân nào sanh ra chăng?”  Đức Phật vẫn không trả lời.  Vì Đức Phật không trả lời bốn câu hỏi này cho nên chúng ta nên biết rằng khổ là không.
 

 Hỏi:  Trong kinh Đức Phật không nói khổ là không, nhưng ngài tùy theo khả năng giác ngộ của chúng sanh [trong trường hợp này là vị đạo sĩ Tirthika] mà thuyết pháp.

 Đáp:  Các đạo sĩ thuộc phái Tirthika cho rằng con người là nhân của khổ.  Những người tin rằng cái ngã thực sự hiện hữu nói rằng thiện và ác là do cái ngã tạo ra.  Họ tin rằng cái ngã thì trong sạch và không có khổ và phiền não; cái ngã có khả năng hiểu biết; nó tạo thiện, ác, khổ, sướng, và nó hiện thân trong những hình thái khác nhau.  Vì họ có những quan niệm sai lầm đó nên họ hỏi Đức Phật:  “Khổ tự tác chăng?”  Đức Phật không trả lời.  Khổ chẳng phải là do cái ngã tạo ra.

 Nếu ngã là nhân của khổ thì thể vì ngã mà sanh ra.  Vậy ngã là vô thường.  Tại sao?  Nếu các pháp là các nhân và sanh ra từ các nhân thì chúng đều là vô thường.  Nếu ngã là vô thường thì những quả báo của thiện và ác đều đoạn diệt.  Nếu vậy những công đức của người đạo hạnh Bà La Môn cũng là không.

 Nếu ngã là nhân của khổ thì không thể có giải thoát.  Tại sao?  Nếu ngã tạo ra khổ:  nếu không có khổ thì sẽ không có cái ngã tạo ra khổ; nếu không có cái ngã thì ai sẽ đạt được giải thoát?  Nếu khổ được tạo ra mà không có cái ngã thì sẽ vẫn còn khổ dù sau khi giải thoát; và sẽ không có giải thoát thực sự.  Nhưng thực ra có giải thoát.  Vì vậy, không thể nói rằng khổ tự nó sanh ra.
 

 Khổ cũng chẳng phải sanh ra từ tha.  Nếu khổ tách ra từ tha, làm sao có thể có một cái ngã khác tạo ra khổ rồi truyền nó cho người khác?

 Câu “khổ sanh ra từ tha” có thể hàm ý nghĩa rằng khổ do Trời (Tự tại Thiên) tạo ra.  Một số người có tà kiến này hỏi Đức Phật nhưng ngài không trả lời.  Thực sự nó chẳng phải do Trời sanh ra.  Tại sao?  Vì Trời và khổ có bản tánh mâu thuẫn.  Một con bê sanh ra từ một con bò thì vẫn là một con bò.  Nếu chúng sanh do Trời sanh ra thì chúng sanh phải giống như Trời.  Vì chúng sanh là con của Trời.

 Nếu Trời sanh ra tất cả chúng sanh thì Trời đã không khiến chúng sanh phải khổ.  Vì vậy người ta không nên nói rằng Trời sanh ra khổ.

(*Tự tại thiên ở đây có nghía là Trời hoặc đấng tạo hóa tự mình có thể hiện hữu, tồn tại mà không nhờ vào những nhân duyên khác.)

 Hỏi:  Tất cả chúng sanh do Trời (Tự tại Thiên) sanh ra, đau khổ và hạnh phúc cũng do Trời gây ra.  Vì chúng sanh không biết nguyên nhân của hạnh phúc cho nên Trời tạo ra khổ.

 Đáp:  Nếu chúng sanh là con của Trời thì Trời đã dùng hạnh phúc để che đậy khổ và đã không gây ra khổ cho chúng sanh.  Và những người tôn thờ Trời không phải chịu khổ mà chỉ hưởng hạnh phúc.  Nhưng trên thực tế không đúng như vậy.  Con người tự tác động và họ có cả hạnh phúc lẫn khổ đau, và họ nhận được tưởng thưởng theo luật nhân duyên.  Tất cả những điều này chẳng phải do Trời tạo ra.

 Nếu Trời tự hiện hữu thì chắc hẳn Ngài chẳng cần thứ gì.  Nếu ngài cần thứ gì thì Ngài không được coi là tự hiện hữu (tự tại).  Nếu Ngài không cần thứ gì thì tại sao Ngài tạo biến hóa, giống như đứa trẻ con chơi đùa, để tạo ra chúng sanh?

 Nếu Trời tạo ra tất cả chúng sanh thì ai đã tạo ra Ngài?  Nói rằng Trời tự tạo ra chính Ngài thì không thể đúng, vì không có thứ gì có thể tự tạo chính mình.  Nếu Ngài do một tạo hóa khác tạo ra thì Ngài chẳng phải là tự hiện hữu.

 Nếu Trời là đấng tạo hóa toàn năng thì không thể có chướng ngại gì trong tiến trình tạo tác của Ngài; Ngài có thể tức thời tạo mọi thứ.  Kinh sách viết về Trời nói:  Trời muốn tạo ra vạn vật.  Ngài thực hành khổ hạnh và tạo ra các loài côn trùng bò dưới đất.  Rồi Ngài lại thực hành khổ hạnh và tao ra tất cả loài chim bay.  Rồi Ngài lại thực hành khổ hạnh và tạo ra con người và thiên thần.  Nếu như các loài trùng, chim, người và thiên thần lần lượt do những hành vi khổ hạnh sanh ra, thì chúng ta nên biết rằng chúng sanh được sanh ra từ nghiệp và nhân duyên chứ chẳng phải do Trời thực hành những hành vi khổ hạnh.

 Nếu Trời là đấng tạo hóa của vạn vật thì Ngài tạo ra chúng ở đâu?  Có phải chính Ngài tạo ra nơi đó không?  Hay là ai khác tạo ra nơi đó?  Nếu nơi đó do Trời tạo ra thì Ngài tạo ra nó ở đâu? Nếu Ngài đứng ở nơi khác để tạo ra nơi này thì ai tạo ra cái nơi khác đo?  Những câu hỏi thì phải có hai Trời, nhưng điều này không thể đúng.  Vì vậy vạn vật trong vũ trụ chẳng phải do Trời tạo ra.

 Nếu Trời là tạo hóa thì tại sao Ngài phải thực hành khổ hạnh giống như thể Ngài thờ phụng và vầu xin một đấng nào khác để đạt được ý nguyện của Ngài?  Nếu Ngài phải thực hành khổ hạnh cầu xin ân huệ của ai khác thì chúng ta nên biết rằng Trời chẳng phải là tự hiện hữu.

 Nếu Trời tạo ra tất cả vạn vật thì chúng phải có định tánh ngay từ khi sanh ra chứ không biến đổi.  Một con ngựa luôn luôn là một con ngựa, và một con người luôn luôn là một con người.  Nhưng nay vạn vật biến đổi tùy theo nghiệp.  Vì vậy, chúng ta nên biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

 Nếu là Trời tạo hóa thì đã chẳng có tội lỗi và phước đức, vì thiện, ác, cái đẹp, cái xấu toàn là lo Trời tạo nên.  Nhưng thực tế thì có tội lỗi và phước đức.  Bởi vậy, vạn vật chẳng phải do Trời tạo ra.

 Nếu tất cả chúng sanh do Trời sanh ra thì chúng phải tôn kính và yêu qúi Trời, giống như các con yêu qúi cha của chúng.  Nhưng thực tế thì không đúng như vậy; một số người oán ghét Trời và một số người yêu qúi Trời.  Bởi vậy, chúng ta nên biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

 Nếu Trời là tạo hóa thì tại sao Ngài không khiến cho tất cả mọi người đều hạnh phúc hoặc tất cả mọi người đều khổ?  Tại sao Ngài khiến một số người hạnh phúc và một số khác đau khổ.  Chúng ta thấy Trời hành động do lòng yêu và ghét, vì vậy Trời không tự hiện hữu.  Khi mà Trời không tự hiện hữu thì vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

 Nếu Trời là tạo hóa của tất cả vạn vật thì mọi sinh vật không thể tạo nên thứ gì.  Nhưng trên thực tế mỗi sinh vật có thể tạo ra vật khác.  Vì vậy, chúng ta nên biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

 Nếu Trời là tạo hóa thì thiện, ác, khổ và hạnh phúc tự chúng sẽ tới, chứ không do con người tạo ra.  Nhưng nếu vậy không còn luật của thế gian [người làm điều thiện được thưởng, người làm điều ác bị trừng phạt].  Nếu vậy đời tu hành khổ hạnh và những công đức của người đạo hạnh Bà La Môn là vô ích.  Nhưng không đúng như vậy.  Cho nên chúng ta biết rằng vạn vật chẳng phải do Trời sanh ra.

 Nếu do nhân duyên Trời là bậc cao cả trong chúng sanh thì chúng sanh nào thực hành phước nghiệp là cũng cao cả.  Tại sao chỉ có Trời được nhân duyên, thì tất cả chúng sanh cũng phải tự hiện hữu.  Nhưng sự thực không phải như vậy.  Nếu Trời đến từ một căn nguyên khác thì cái đó cũng đến từ một căn nguyên khác nữa; nếu vậy nguồn gốc là vô tận.  Nếu nguồn gốc là vô tận thì không hể có nguyên nhân.

 Vì vậy, có những nhân duyên khác nhau sanh ra vạn vật.  Bạn nên nói rằng vạn vật chẳng phải do Trời tạo ra và rằng Trời không hiện hữu.  Khi một người có nhãn quan sai lầm hỏi Đức Phật có phải khổ do tha sanh ra hay không, Ngài không trả lời.
 

 Cũng không thể có trường hợp một vật được sanh ra bởi cả chính nó lẫn tha (vật khác), vì như vậy là có hai điều sai lầm [như đã nói trước đây].

 Sự phối hợp của các nhân duyên sanh ra chư pháp, vì vậy chẳng có thứ gì sanh ra mà không có nhân.  Cho nên Đức Phật cũng không trả lời câu hỏi đó.

 Hỏi:  Vậy kinh sách chỉ phản bác bốn tà kiến [của đạo sĩ Tirthaka] chứ không nói khổ là không.

 Đáp:  Tuy Đức Phật dạy sự phối hợp của nhân duyên sanh ra khổ, nhưng việc phản bác bốn tà kiến cũng giống như nói rằng khổ là không.  Nếu khổ là không.  Tại sao?  Vì bất cứ cái gì sanh ra từ nhân duyên đều không có tự tánh.  Bất cứ cái gì không có tự tánh đều là không.

 Nếu khổ là không, bạn nên biết rằng tất cả hữu vi pháp, vô vi pháp và chúng sanh đều là không.

CỬA THỨ MƯỜI MỘT
QUÁN TAM THỜI


 Các pháp đều là không.  Tại sao?  Một nhân không có trước, hay sau, hay đồng thời với quả.  Như đã nói trong những câu:

Nhân có trước quả, có sau quả, hay có đồng thời với quả,
Những biến cố như vậy đều không thành.
Làm sao nhân có thể sanh ra biến cố?

 Nếu nói chân có trước quả là không đúng.  Tại sao?  Nếu một nhân có trước và từ nó sanh ra quả sau, thì không có quả ngày từ đầu, vậy thì nhân của nó là gì?  Nếu một quả có trước nhân thì quả đã thành khi chưa có nhân, vậy tại sao nó cần tới nhân?  Nếu nhân và quả cùng một lúc thì không có sự sanh sản.  Thí dụ, hai cái sừng của một con bò sanh ra cùng một lúc; sừng bên trái và sừng bên phải không sanh ra lẫn nhau.  Bởi vậy có thể suy luận rằng khi hai cái cùng sanh ra một lúc thì chúng chẳng phải là những liên hệ “tam thời” (trước, sau, và đồng thời) giữa nhân và quả.

 Hỏi:  Việc ngài bác bỏ liên hệ nhân quả trong tam thời cũng không thành.  Nếu sự bác bỏ có trước cái có thể bác bỏ thì không thể có cái bị bác bỏ, vậy thì lấy cái gì để mà bác bỏ?  Nếu cái có thể bác bỏ có trước sự bác bỏ, có nghĩa là cái có thể bác bỏ đã thành, cần gì bị bác bỏ?  Nếu sự bác bỏ và cái có thể bác bỏ có cùng một thời gian với nhau thì cũng không có nhân.  Thí dụ, hai sừng của một con bò được sanh ra đồng thời; sừng bên trái và sừng bên phải không sanh ra nhau.  Cho nên sự bác bỏ không sanh ra cái có thể bác bỏ, hay ngược lại.

 Đáp:  Sự bác bỏ của bạn và có thể bác bỏ đều có cùng sai lầm giống nhau.  Nếu các pháp là không thì không thể có sự bác bỏ lẫn cái bị bác bỏ.  Nay bạn nói rằng sự bác bỏ của tôi là không, vậy có nghĩa là điều tôi nói là đúng [vì tôi nói các pháp đều là không].  Nếu tôi nói rằng phải có sự bác bỏ và cái có thể bác bỏ thì tôi sai lầm như bạn nói; nhưng tôi không nói rằng phải có sự bác bỏ và cái có thể bác bỏ, vì vậy tôi sẽ không bị bạn coi là sai lầm.

 Hỏi:  Chúng ta nhận thấy một nhân có trước một quả; thí dụ:  người thợ gốm tạo một cái bình.  Một nhân không thể có sau một quả; thí dụ:  vì có đệ tử cho nên có thầy’ và họ chỉ được coi là đệ tử sau khi đã thụ huấn.  Một nhân và một quả cũng có thể đồng thời hiện hữu; thí dụ:  ngọn đèn và ánh sáng hiện hữu cùng một lúc.  Vì vậy, nếu nói rằng một nhân không có trước, không có sau, không đồng thời với một quả là không đúng.

 Đáp:  Thí dụ của bạn về người thợ gốm làm cái bình là không đúng.  Tại sao?  Nếu chưa có cái bình thì người thợ gốm là nhân của cái gì?  Giống như trường hợp của người thợ gốm, không có thứ gì có thể là nhân trược quả.

 Cũng không thể có nhân sau quả.  Nếu không có đệ tử thì ai có thể là thầy?  Vì vậy không thể có nhân sau quả.
 

 Nếu bạn nói rằng giống như ngọn đèn và ánh sáng, nhân và quả hiện hữu đồng thời, thì nhân mà bạn nói đó vẫn không đúng.  Hãy cho rằng ngọn đèn và ánh sáng hiện hữu đồng thời, làm sao chúng có thể sanh ra nhau?

 Vì vậy nhân và duyên là không.  Do đó, bạn nên biết rằng tất cả hữu vi pháp, vô vi pháp và chúng sanh đều là không.

CỬA THỨ MƯỜI HAI
QUÁN SANH


 Các pháp đều là không.  Tại sao?  Vì cái đã sanh ra, cái chưa sanh ra, và cái đang sanh ra, tất cả đều không đạt được.  Cái đã sanh không sanh nữa.  Cái chưa sanh thì chưa sanh.  Cái đang sanh cũng không sanh nữa.  Như đã nói trong những câu:

Quả đã sanh không sanh nữa;
cái chưa sanh thì chưa sanh.
[Nếu không có cái đã sanh
và không có cái chưa sanh,
cái đang sanh không sanh.

 Cái đã sanh là quả đã sanh ra rồi.  Cái chưa sanh là cái chưa sanh ra, hoặc không sanh, hoặc không sanh, hoặc không hiện hữu.  Cái đang sanh là cái đang phát khởi nhưng chưa thành.

 Quả của sự sanh không được sanh, vì cái đã được sanh rồi thì không được sanh ra nữa.  Tại sao?  Vì nếu lại sanh nữa thì sẽ dẫn tới sự sai lầm vô cùng tận.  Nếu cái đã được sanh lại sanh ra cái thứ nhì, cái thứ nhì được sanh ra cái thứ ba, rồi cái thứ ba đã sanh lại sanh ra cái thứ tư.  Điều này giống như vật nguyên thủy đã sanh sản phẩm thứ nhì và rồi lại sanh thêm vô cùng tận; nhưng không thể được.  Vì vậy cái đã được sanh ra không sanh.
 

 Nếu bạn nói rằng cái đã được sanh ra lại sanh, cái mà nó dùng để sanh là cái chưa sanh được sanh ra.  Nhưng đó la điều bấ̀t khả.  Tại sao?  Vì dùng cái chưa được sanh để sanh liên quan tới hai loại sanh sản; có nghĩa là cái đã được sanh được sanh ra và cái chưa được sanh được sanh.  Lập trường của bạn thay đồi và không đứng vững.

 Giống như điều sau đây:  cái đã được tạo không cần tạo; cái đã bị đốt không cần đốt; cái đã được chứng minh không cần chứng minh.  Cho nên cái đã được sanh không cần sanh.  Do đó, cái đã được sanh không sanh.

 Cái chưa được sanh ra cũng không được sanh.  Tại sao?  Vì nó không có liên hệ với sự sanh.  Nếu không, sẽ dẫn tới sự việc tất cả những gì chưa được sanh được sanh.  Nếu cái mà không có hành động sanh sản.  Vì vậy, không có hành động sanh sản.

 Nếu có sự sanh sản mà không có hành động sanh sản, thì sẽ có sự tạo tác mà không có hành động tạo tác, sẽ có sự ra đi mà không có hành động ra đi, sẽ có sự ăn uống mà không có hành động ăn uống.  Nếu như vậy thì phép tắc thế gian bị hủy hoại; điều đó không đúng.  Vì vậy, cái chưa được sanh không được sanh.

 Nếu cái không sanh mà sanh, thì tất cả những thứ không sanh sẽ sanh.  Tất cả những kẻ phàm phu không sanh ra giác ngộ thượng đẳng (Anuttara-samyak-sambodhi) sẽ sanh ra giác ngộ thượng đẳng; một vị A La Hán đạo hạnh hoàn hảo không sanh ác ý sẽ sanh ác ý; thỏ và ngựa không mọc sừng sẽ mọc sừng.  Nhưng những chuyện đó là bất khả.  Vì vậy bạn không nên nói rằng cái không sanh sẽ sanh.

 Hỏi:  Cái không sanh chỉ sanh khi nó có sự hòa hợp những nhân duyên.  Nếu những nhân duyên như thời gian, không gian, tác nhân, phương tiện thích nghi, đều hiện hữu, thì một số những cái không sanh sẽ sanh, nhưng chẳng phải tất cả mọi cái đều sẽ sanh.  Vì vậy ngài không nên bác bỏ ý kiến của tôi bằng cách nói rằng tất cả sẽ không sanh.

 Đáp:  Giả thử cái không sanh sẽ sanh khi nó có sự hòa hợp các nhân duyên thích nghi như thời gian, không gian, tác nhân, phương tiện tốt.  Không có sự sanh sản khi nó hiện hữu [trước một sản phẩm].  Cũng không có sự sanh sản khi nó không hiện hữu trước [sản phẩm]. Cũng không có sự sanh sản khi nó vừa hiện hữu trước vừa không hiện hữu trước [sản phẩm].  Cho nên không thể đạt được sự sanh sản trong cả ba trường hợp như đã nói trước đây.  Vì vậy, cái không sanh sẽ không sanh.

 Cái đang sanh cũng không sanh.  Tại sao?  Vì điều đó liên quan tới sự sai lầm rằng cái đã sanh lại sanh, và cũng liên quan tới sự sai lầm khác là cái chưa sanh mà sanh.  Như đã nói trước đây rằng cái đã sanh – là một phần của cái đang sanh – không sanh.  Và, như đã nói, cái chưa sanh – là một phần khác của cái đang sanh – cũng không sanh.

 Nếu có cái đang sanh mà không có hành động sanh sản, thì cái đang sanh sanh.   Nhưng thực ra nếu không có hành động sanh sản thì không thể có cái đang sanh.  Vì vậy cái đang sanh không sanh.

 Nếu người nào nói rằng có hành động sanh sản trong cái đang sanh, thì tức là có hai hành động sanh sản: (1) cái đang sanh được sanh, và (2) cái đang sanh sanh.  Nhưng cả hai điều đó không thể̀ thành; vậy làm sao người ta có thể nói có hai hành động sanh sản này?  Do đó, không có sự sanh sản trong cái đang sanh.

 Nếu không có sự sanh sản thì không có cái đang sanh.  Sự sanh sản thực hiện ở đâu?  Nếu không có nơi chốn để sản phẩm được sanh ra thì không thể có cái đang sanh.  Vì vậy, cái đang sanh không sanh.

 Do đó, cái đã sanh, cái chưa sanh, và cái đang sanh không thể thành.  Khi mà chính thành động sanh không thể thành thì sanh, trú, và diệt cũng không thể thành.

 Khi mà sanh, trú và diệt không thể thành thì hữu vi pháp không thể thành.  Khi mà hữu vi pháp không thể thành, thì vô vi pháp không thể thành.  Khi mà hữu vi pháp và vô vi pháp không thể thành, tất cả chúng sanh không thể thành.

 Vì vậy, bạn nên biết rằng các pháp đều là vô sanh; rốt cuộc chúng đều là không và tịch tịnh.
 

 
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

đừng phí hoài cuộc sống để đi phán tham luan tai dai hoi dai bieu phat giao toan quoc Yêu Tử uyển vị thuốc chữa ho Đậu hũ cay sốt nấm và minh cuoc doi do co bao lau ma hung ho Bài thuốc giảm béo của lương y Lễ húy kỵ Hòa thượng Tăng thống Bửu Bước đi không còn cô đơn xà Truyền thuyết đậu hũ thối Các loại thực phẩm có lợi và hại cho Thủ บทสวดพาห งมหากา Ä á c già lý ta dot doi ta huyền thoại bồ tát thích quảng đức ni miền trung thuyền ç¹ i thích thiện thuận bí mật dinh dưỡng của hạt đậu Cảm ơn Thận trọng với sản phẩm có mùi cac nha su chau a tren dat my pham ngu co tu beomeosa vÙi ông nhu Mùi quê hương Ăn trái cây tươi giúp giảm nguy cơ Nhập thiền tinh yeu chan that la gi co hay khong VÃƒÆ Tu vi boi niem nhận giao tiếp bằng trái tim Muôn n Tùy Trà xanh có thể giúp giảm cân 機十心 Luyện thở giảm stress hoc theo hanh ngai hien tang nang luc khong so hai Cu