Tổ Sư Thiền - Phương Pháp Tham Thiền, HT. Hư Vân - Việt dịch: Báo Ân

 


 
.
PHƯƠNG PHÁP THAM THIỀN
Nguyên tác HÁN VĂN: HƯ VÂN LÃO HÒA THƯỢNG Niên phổ và Pháp vựng tăng đính bản (Trích dịch từ trang 626 đến trang 633 và từ trang 637 đến trang 649) 
Việt dịch: BÁO ÂN
MỤC LỤC

01 Những Điều Kiện Tiên Quyết Của Tham Thiền
02 Tham Thiền
03 Sự Khó Khăn và Dễ Dàng của Hành Gỉa Tham Thiền
04 Thoại Đầu 
05 Vọng Tưởng
06 Toạ Thiền Nên Biết
07 Hạ Thủ Dụng Công
08 Chiếu Cố Thoại Đầu và Phản Văn Văn Tự Tánh
09 Hai Loại Khó Dễ Khi Dụng Công
10 Kết Luận
11 Tham Thiền Cảnh Ngữ
12 Chú Thích
 

Pháp môn dụng công tu tập tuy nhiều, chư Phật chư Tổ Sư đều dùng tham thiền làm diệu môn, không pháp nào cao hơn.

Trên pháp hội Lăng Nghiêm, Phật sắc cho Bố tát Văn Thù lựa chọn pháp môn viên thông – và ngài Văn Thù đã chọn pháp môn “Nhĩ Căn Viên Thông” của Quán Thế Âm Bồ tát là tối đệ nhất. Cho nên chúng ta nếu “Phản văn văn tự tánh” chính là tham thiền vậy.

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CỦA THAM THIỀN

Mục đích của tham thiền là minh tâm kiến tánh, tức là muốn tiêu trừ sự ô nhiễm của Tự Tâm để thấy rõ diện mục của Tự Tánh. Ô nhiễm tức là vọng tưởng chấp trước. Tự tánh là trí huệ đức tướng Như Lai.

Trí huệ đức tướng Như Lai, chư Phật và chúng sanh đều đồng có đầy đủ, không hai, không khác. Nếu xa lìa được vọng tưởng chấp trước thì sẽ tự chứng được trí huệ đức tướng Như Lai của riêng mình, tức là Phật (1).

Nếu không thì làm chúng sanh. Chỉ vì chúng ta từ vô lượng kiếp cho đến nay, mê muội luân chuyển trong vòng sanh tử, ô nhiễm đã lâu nên không thể ngay đó “bất chợt” thoát khỏi vọng tưởng chấp trước, thật sự thấy được “Bổn Tánh”. Vì vậy nên phải tham thiền. Do đó điều kiện tiên quyết của việc tham thiền chính là “Dứt trừ vọng tưởng”.

A. LÀM SAO DỨT TRỪ VỌNG TƯỞNG ?

Phật Thích Ca thuyết pháp rất nhiều nhưng đơn giản nhất không ngoài một chữ “NGƯNG”, ngưng tức Bồ Đề.

Thiền tông là do Đạt Ma Tổ Sư truyền qua Đông Độ. Đến từ Lục Tổ Huệ Năng trở về sau thiền tông được truyền bá rộng rãi khắp nơi chấn động và chiếu sáng cổ kim. Nhưng những lời dạy tối quan trọng mà Đạt Ma Tổ Sư và Lục Tổ truyền dạy cho người học chỉ là “Xả hết muôn duyên, chẳng sanh một niệm”. Dẹp hết muôn duyên chính là xả bỏ hết các duyên. Cho nên hai câu nói “Xả hết muôn duyên, chẳng sanh một niệm” này thực tại là điều kiện tiên quyết của việc tham thiền. Hai câu nói này nếu chưa thực hiện được, chẳng những nói “việc tham thiền không thể thành công” mà chính ngay cả việc nhập môn cũng không thề làm được.

Ấy là do vì muôn duyên ràng buộc niệm niệm sanh diệt, làm gì mà hành giả còn đàm luận đến việc tham thiền được? “Xả hết muôn duyên, chẳng sanh một niệm” là điều kiện tiên quyết của việc tham thiền, chúng ta đã biết rõ.

B. VẬY THÌ LÀM THẾ NÀO MỚI CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC?

Trên đây đã nói là một niệm vĩnh viễn dứt trừ thì thẳng đến vô sanh, liền chứng ngay TỰ TÁNH Bồ đề, hoàn toàn “không còn tơ hào nào dính mắc”. Kế đền ắt dùng Lý trừ Sự, rõ biết TỰ TÁNH bổn lai thanh tịnh; phiền não bồ đề, sanh tử niết bàn, tất cả đều là giả danh, vốn chẳng can hệ gì với TỰ TÁNH của chúng ta. Sự sự vật vật đều như mộng huyễn bào ảnh (2).

Sắc thân tứ đại này của chúng ta cùng núi sông, đất đai đếu ở trong TỰ TÁNH, giống như bọt nước biển trong biển cả mênh mông, lúc khởi lúc diệt đều không làm ngăn ngại bản thể. Chớ nên chạy theo tất cả sự sanh trụ dị diệt huyễn hóa mà khởi tâm mừng chán, lấy bỏ. Xả bỏ suốt cả thân này, giống như dạng người chết thì căn, trần, thức, tâm liền tiêu trừ, tham sân si ái đều diệt mất. Tất cả nổi đau đớn của thân này như khổ vui, ấm lạnh, no đói, vinh nhục, sanh tử, họa phúc, kiết hung, chê khen, được mất, an nguy, hiểm trở, bằng an đều nhất loạt đặt bên ngoài. Như vậy mới được tính là xả bỏ. Một xả bỏ, tất cả xả bỏ, mãi mãi xả bỏ - gọi là xả bỏ muôn duyên. Xả bỏ muôn duyên rồi, vọng tưởng tự tiêu trừ, tâm phân biệt không sanh khởi, tâm chấp trước được xa rời, cho đến một niệm chẳng sanh thì TỰ TÁNH quang minh hiển lộ toàn thể.

Khi những điều kiện tham thiền đã chuẩn bị đầy đủ rồi, tiếp đó dụng công chân tham thật cứu thì việc minh tâm kiến tánh mới có phần.

Ngày ngày thường có thiền nhân đến hỏi pháp. Tuy nhiên “Pháp vốn vô pháp”. Nếu lạc vào ngôn từ giải thích tức không phải nghĩa chân thật. Biết rõ tâm này vốn là Phật, ngay đó Vô Sự, mỗi mỗi hiện thành. Nói tu nói chứng đều là lời MA. Đạt Ma Tổ Sư đến Đông Độ “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” minh bạch chỉ bày là “TẤT CẢ CHÚNG SANH TRÊN CÕI ĐẤT ĐỀU LÀ PHẬT”, thẳng ngay đó nhận được TỰ TÁNH thanh tịnh này, tùy thuận thế duyên không bị ô nhiễm. Trong mười hai thời đi, đứng, nằm, ngồi tâm đều không khác, tức là PHẬT HIỆN THÀNH, không phải dùng tâm dùng sức, càng không cần tạo tác thi vi việc này việc nọ, không cần lao nhọc dùng đến lời nói suy nghĩ tinh vi. Cho nên nói thành Phật là việc rất dễ dàng, là việc rất tự tại. Hơn nữa Phật tánh ta đã nắm sẵn trong tay, không cần tìm cầu bên ngoài. Tất cả chúng sanh trên cõi trần này, nếu không cam chịu trường kiếp trôi lăn luân chuyển trong bốn loài sáu nẻo, vĩnh viễn chìm đắm trong khổ hải mà nguyện ước thành Phật – thường, lạc, ngã, tịnh thì phải cẩn thận tin chắc lời dạy dỗ răn nhắc của chư Phật chư Tổ, xả bỏ tất cả, thiện ác đều đừng nghĩ đến, mỗi mỗi có thể “lập tức” thành Phật. Chư Phật chư Bồ Tát cùng lịch đại Tổ Sư phát nguyện độ tận tất cả chúng sanh không phải không có bằng cớ mà phát nguyện suông hay giảng dạy những lời rỗng tuếch.

Như trên đã nói pháp ấy là như thế. Hơn nữa trải qua chư Phật, chư Tổ đã nhiều lần nói rõ, dặn dò, giao phó chân ngữ, thật ngữ chẳng có chút nào hư dối. Đáng tiếc chúng sanh trên cõi đất này từ vô lượng kiếp đến nay mê muôi trầm luân trong biển khổ sinh tử, người sanh ra, kẻ chết đi, luân chuyển không ngừng, mê hoặc điên đảo, bỏ tánh giác hiệp với trần lao, giống như vàng ròng bị rớt xuống hầm phân, không chỉ không được thọ dụng mà còn nhiễm ô không chịu được. Đức Phật vì đức đại từ đại bi bất đắc dĩ đành phải thuyết ra tám vạn bốn ngàn pháp môn, giúp cho chúng sanh các sắc các dạng căn khí bất đồng dùng đến để đối trị tám vạn bốn ngàn tập khí thói hư tật xấu, tham sân si ái. Ví như vàng đã bị nhiễm các loại cấu bẩn, Phật mới dạy chúng ta dùng cái nạo, bàn chải, nước, vải, các loại để cọ rửa, mài giũa, lau chùi các cách v.v…

Cho nên pháp Phật nói ra, môn môn đều là diệu pháp, đều có thể giúp chúng sanh liễu thoát sinh tử, thành Phật đạo. Chỉ có vấn đề khế hợp với đương cơ hay không khế hợp với đương cơ, không cần phải miễn cưỡng phân chia pháp môn cao thấp. Lưu truyền tại Trung Quốc các pháp môn phổ thông nhất là TÔNG, GIÁO, LUẬT, TỊNH và MẬT. Năm loại pháp môn này, tùy theo căn tánh và chí hướng của mình, các hành giả đều có thể thọ nhận một pháp môn tu tập, chủ yếu tại “Nhất môn thâm nhập”, trải qua một thời gian lâu dài không biến đổi, nhất định có thể thành tựu.

II.THAM THIỀN

Tông môn chủ yếu tham thiền. Tham thiền là để được “Minh tâm kiến tánh”, chính là muốn tham thấu “Bổn lai diện mục” của mình (Bổn lai diện mục tức là Phật tánh). Cho nên nói rằng :“Minh ngộ tự tâm, triệt kiến bản tánh” (ngộ rõ tự tâm, thấy suốt bản tánh). 

Pháp môn này bắt đầu từ khi Phật Thích Ca “Niêm hoa thị chúng” (đưa cao cành hoa lên để mọi người thấy) cho đến Đạt Ma Tổ Sư truyền sang Đông Độ trở về sau, sự hạ thủ công phu có nhiều biến đổi. 

Chư thiền đức trước đời Đường, đời Tống phần nhiều đều do một lời hay nửa câu (của Tổ Sư) thì liền ngộ đạo. Sự truyển thọ giữa thầy và trò bất quá là “dùng TÂM ấn TÂM”, hoàn toàn không có cái gì là PHÁP thật sự cả. Thường ngày tham vấn đối đáp, bất quá cũng chỉ tùy phương tiện mà cởi mở trói buộc, tùy bệnh mà cho thuốc. 

Từ đời nhà Tống trở về sau, căn khí của học nhân thô sơ nông cạn, nói được mà làm không được. Ví như khi nói “Xả bỏ tất cả”, “chớ nghĩ thiện ác” nhưng mà tất cả đều xả không được, nếu không nghĩ thiện thì lại nghĩ ác. 

Đến lúc này chư Tổ đành phải áp dụng biện pháp lấy độc công độc, dạy học nhân tham công án, ban đầu dạy khán thoại đầu, thậm chí dạy học nhân phải “quyết tử bám chặt vào thoại đầu”, dạy họ phải “bám chặt liên tục vào thoại đầu không được một sát na buông lỏng”, giống như chuột gặm quan tài, gặm chặt một chỗ không thông không ngừng. Mục đích là dùng NHẤT NIỆM để tẩy bỏ MUÔN NIỆM. 

Thật ra đây chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, như thân bị nhọt độc, nếu không dùng dao mổ xẻ chữa trị thì khó mà sống nổi.

A. CÔNG ÁN: Công án của cổ nhân có rất nhiều (3)

B. Người đời sau chuyên giảng KHÁN THOẠI ĐẦU .NHƯ : Khán “Kéo cái tử thi này là ai?” hoặc Khán “Trước khi cha mẹ chưa sanh, bổn lai diện mục của ta ra sao?”. Gần đây hành giả các nơi thường dùng nhiều nhất là Khán “Niệm Phật là Ai?”

Thoại đầu này kỳ thật đều cùng một dạng, đều rất bình thường, quyết chẳng có chi đặc biệt kỳ lạ. Như khi nói Khán “Tụng kinh là Ai?”, Khán “Trì chú là Ai?”, Khán “Lễ Phật là Ai?”, Khán “Ăn cơm là Ai?”, Khán “Mặc áo là Ai?”, Khán “Đi đường là Ai?”, Khán “Ngủ nghỉ là Ai?”, v.v… đều là cùng một dạng.

Mục đích của các câu thoại trên đều giống nhau. Đáp án dưới chữ “AI” chính là TÂM. Câu thoại từ Tâm khởi, Tâm là đầu của câu thoại. Niệm từ Tâm khởi, Tâm là đầu của niệm. Muôn pháp đều từ Tâm sanh khởi, Tâm là đầu của muôn pháp. 

Thật ra thoại đầu tức là ĐẦU của NIỆM. Đầu tiên trước niệm chính là TÂM. Nói thẳng ra “trước khi một niệm chưa sanh” chính là thoại đầu.

Do vậy chúng ta biết được KHÁN thoại đầu chính là QUÁN TÂM. “Bổn lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sanh” chính là TÂM. KHÁN “Bổn lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sanh” chính là QUÁN TÂM. 

TÁNH tức là TÂM. “ PHÃN VĂN VĂN TỰ TÁNH ” chính là “PHẢN QUÁN QUÁN TỰ TÂM”. 

Nói “Viên chiếu thanh tịnh giác tướng”: Thanh tịnh giác tướng tức là TÂM; CHIẾU tức là QUÁN vậy. 

Tâm tức là Phật. Niệm Phật tức là QUÁN Phật, QUÁN Phật tức là QUÁN Tâm. 

Do đó nói: “khán thoại đầu” hoặc nói: “khán niệm Phật là ai?” chính là QUÁN Tâm; tức là QUÁN CHIẾU “Giác thể thanh tịnh” của Tự Tâm; tức là QUÁN CHIẾU Tự Tánh Phật. 

Tâm tức Tánh, tức Giác, tức Phật : không có hình tướng, nơi chốn, hoàn toàn không thể đắc (được), vốn tự thanh tịnh, biến khắp pháp giới, không ra, không vào, không đi, không đến”, tức là “Thanh tịnh pháp thân Phật vốn hiện thành sẵn”.

Hành giả phải đồng thời nhiếp cả sáu căn, từ “NƠI một niệm vừa sanh khởi” mà KHÁN (hay chiếu cố) thoại đầu này, KHÁN đến tự tâm thanh tịnh tách rời niệm. 

Lại phải miên miên mật mật điềm điềm đạm đạm mà khán, tịch mà chiếu, ngay đó năm uẩn đều không, thân tâm đều vắng lặng , HÒAN TOÀN KHÔNG MỘT VẬT. Từ đó ngày đêm sáu thời đi đứng nằm ngồi đều như như không động, lâu ngày công phu thâm hậu THẤY TÁNH THÀNH PHẬT, qua hết mọi khổ ách.

 Tích xưa Tổ Cao Phong bảo: “Hành giả có thể khán thoại đầu giống như ném một miếng ngói xuống đầm sâu muôn trượng, ngay đó rơi thẳng xuống đáy. Nếu trong bảy ngày không được khai ngộ thì hãy chặt đầu lão tăng đi ”. Quý vị đồng tham, đây là lời dạy của người xưa, vốn là chân ngữ thật ngữ, không phải lời dối trá của kẻ lường gạt. 

TUY VẬY VÌ SAO TRONG ĐỜI HIỆN TẠI NGƯỜI KHÁN THOẠI ĐẦU THÌ NHIỀU MÀ NGƯỜI NGỘ ĐẠO CHẲNG ĐƯỢC BAO NHIÊU ? 

Đây là do nơi người thời nay căn khí không được như người xưa mà cũng do người học thời nay đối với pháp tham thiền khán thoại đầu phần đông đều không chịu tìm hiểu rành mạch lý lẽ. Có người tham bên đông hỏi bên tây, chạy ngược bên nam, chạy xuôi bên bắc, kết quả náo động đến già, đối với thoại đầu hãy còn chưa được hiểu thấu minh bạch, không biết cái gì là thoại đầu, không biết như thế nào mới được tính là khán thoại đầu, một đời cứ chấp trước câu văn lời nói, danh xưng hình dạng, trên THOẠI VỸ dụng tâm tu. Khán “Niệm Phật là ai?” hả? Chiếu cố thoại đầu hả? Khán đến khán đi, tham tới tham lui, quẩy thoại đầu trên lưng rong ruổi đông tây, chỗ nào hội ngộ được “BẢN NHIÊN của ĐẠI ĐẠO VÔ VI “này? Làm thế nào đạt đền được địa vị “Pháp Vương TẤT CẢ KHÔNG THỌ NHẬN”? Mạt vàng rơi vào mắt khiến cho mắt bị mù, chỗ nào thấy được ánh hào quang nơi vàng tỏa ra ? 

Đáng thương tiếc thay có một nữ nhi rời nhà học đạo, chí nguyện phi phàm, kết quả không đạt được gì cả, thật đáng thương xót.

Cổ nhân bảo: Thà rằng ngàn năm không ngộ, không thể để một ngày lầm đường! Việc tu hành ngộ đaọ tuy dễ mà khó, tuy khó mà dễ. Giống như công việc mở đèn điện, nếu biết cách thức thì chỉ búng một ngón tay là ánh sáng chiếu khắp nơi, đen tối hàng vạn năm liền trừ. Không biết cách thức thì “ công tắc” bị hoại, đèn bị hủy, phiền não càng tăng. Có một ít người tham thiền, khán thoại đầu gặp cảnh ma, phát cuồng, bị bệnh ói ra máu, lửa vô minh tăng trưởng, nhân ngã kiến (4) sâu nặng. Những việc này không phải là những bằng chứng rõ rệt sao? Cho nên người dụng công tham thiền lại phải khéo điều hòa thân tâm, phải tâm bình khí hòa, không ngăn, không ngại, không ta, không người, đi đứng nằm ngồi đều phải khế hợp với huyền cơ một cách tuyệt diệu.

Pháp tham thiền này vốn không thể phân biệt nhưng lúc khởi công tu tập người sơ tham sẽ có những khó dễ của người sơ tham, bậc lão tham sẽ có những khó dễ của bậc lão tham.

III. SỰ KHÓ KHĂN VÀ DỄ DÀNG 
của HÀNH GIÃ THAM THIỀN  (Phần 1)

A. SƠ THAM :

1. SỰ KHÓ KHĂN CỦA  HÀNH GIẢ SƠ THAM :

Khó khăn nơi thân tâm chưa thuần thục, chưa rõ cách thức tu tập, dụng công không tiến triển, không phải trong tâm nôn nóng thì cũng lim dim ngủ gật qua ngày. Kết quả thành ra “Năm đầu sơ tham, năm thứ hai lão tham, năm thứ ba chẳng tham”.

2. SỰ DỄ DÀNG CỦA HÀNH GIẢ SƠ THAM  :
Chỉ cần có đầy đủ tín tâm, trường viễn tâm và vô tâm.

a. TÍN TÂM :

-Thứ nhất: Tin tâm mình vốn là PHẬT, cùng với mười phương ba đời chư Phật  và chúng sanh không khác biệt.

 -Thứ hai: Tin các pháp môn mà Phật Thích Ca nói ra mỗi mỗi đều có thể kết thúc dòng sanh tử mà thành tựu Phật đạo.

b. TRƯỜNG VIỄN TÂM (Tâm dài lâu): 

Chính là muốn nói khi hành giả đã chọn lựa pháp môn tu nào thì phải hành trì suốt cả đời, cho đến các đời vị lai kế tiếp đều phải như vậy mà hành trì, tham thiền vẫn cứ như vậy mà tham thiền, niệm Phật vẫn cứ như vậy mà niệm Phật, trì chú vẫn cứ như vậy mà trì chú, học giáo lý vẫn cứ theo pháp văn tư tu mà học. Bất cứ tu tập loại pháp môn nào vẫn cứ lấy giới luật làm gốc. Nếu quả thật sự như vậy mà làm, tương lai không thể không thành tựu vậy. Lão nhân Vi Sơn (Tổ Quy Sơn) nói: “Nếu người nào có thể theo pháp này tu hành suốt ba đời không bị thoái chuyển thì quả vị Phật quyết định sẽ có kỳ”. Lại Vĩnh Gia lão sư cũng nói: “Nếu dùng vọng ngữ lừa bịp chúng sanh, vĩnh viễn đọa lạc địa ngục rút lưỡi hằng sa số kiếp”.

c. VÔ TÂM : Tức là xả bỏ hết tất cả, giống như người chết, trọn ngày tùy duyên ứng xử, không tái khởi niệm chấp trước phân biệt, trở thành một đạo nhân vô tâm.

Người mới phát tâm tu có đầy đủ ba tâm này xong rồi, nếu là tham thiền khán thoại đầu tức là khán “Niệm Phật là Ai?” thì hành giả tự mình niệm thầm mấy câu “A Di Đà Phật” rồi KHÁN xem niệm Phật này là ai? Niệm này từ đâu khởi lên? Nên biết niệm này không phải khởi từ trong miệng của mình, cũng không phải từ nhục thân của mình. Nếu như từ nhục thân hoặc từ miệng khởi ra thì nếu như chết đi thân miệng vẫn còn đó sao không thể niệm được? 

Nên biết niệm này là từ Tâm ta khởi ra, tức từ nơi Tâm mà niệm khởi. NHẤT ĐỊNH CHĂM CHAM NHÌN THẲNG vào “CHỖ ĐÓ” như mèo rình bắt chuột, toàn bộ tinh thần tập trung vào “NƠI ĐÓ” mà KHÔNG SANH HAI NIỆM .

Nhưng cũng cần phải thích nghi mức độ tu tập mau chậm, không thể quá hấp tấp mà phát sanh bệnh chướng. Đi đứng nằm ngồi đều dụng công tu tập như vậy, lâu ngày công phu thâm hậu, cuống chín quả rụng, lúc nhân duyên đến chạm nhằm hốt nhiên đại ngộ. Lúc bấy giờ như người uống nước lạnh nóng tự biết, thẳng đến chỗ vô nghi, như tại đầu ngã tư đường gặp được cha mình, được đại an lạc.

B. LÃO THAM :

Gọi LÃO THAM là để chỉ cho người đã từng thân cận thiện trí thức, đã từng tu tập lâu năm, đã từng trải qua một phen rèn luyện, thân tâm thuần thục, biết rõ phép tắc tu hành, tự tại dụng công, không cảm thấy cực nhọc vất vả. 

Chỗ khó khăn của bậc này là tại nơi cảnh giới rõ ràng tự tại lại ngưng trụ, dừng bước nơi “Hóa thành”(5) mà không chịu đi tiếp đến “Bảo sở” (6). Công phu chỉ đắc dụng trong lúc tĩnh chứ không đắc dụng trong lúc động, không đạt được thọ dụng chân thật. Thậm chí gặp cảnh sinh tình, sanh tâm thủ xả như cũ, yêu ghét dường như cũ, công phu dùng ra như tảng đá ngâm trong băng giá, không khởi được tác dụng. Lâu dần đưa đến mệt mỏi biếng nhác. Rốt cuộc không thể đạt được kết quả mà khởi tác dụng. 

Bậc lão tham thượng tọa, biết rõ việc khốn khó này, lập tức đề khởi “thoại đầu bổn tham”, phấn chấn tinh thần, nơi “đầu sào trăm thước” lại hành tiến bước, thẳng tới chỗ “ Cao cao phong đảnh lập, Thâm thâm hải đễ hành” (7), thõng tay tung hoành ngang dọc, được ra mắt lễ bái tương kiến  chư Phật chư Tổ.

IV. THOẠI ĐẦU :

 Thoại đầu tức là NHẤT TÂM. Tâm niệm này của chúng ta không ở tại trung gian (ở giữa), trong, ngoài mà cũng ở tại trung gian, trong, ngoài. Giống như “HƯ KHÔNG CHẲNG ĐỘNG MÀ CÙNG KHẮP MỌI NƠI ”. Thế nên không được hướng lên trên mà đề thoại đầu, cũng không được hướng xuống dưới thấp mà đè nén thoại đầu. Hướng lên trên mà đề ắt dẫn khởi trạo cử (8), hướng xuống dưới thấp mà đè nén ắt lạc vào hôn trầm (9), trái ngược bản tánh, đều chẳng phải trung đạo.

V. VỌNG TƯỞNG

Mọi người sợ vọng tưởng nên việc hàng phục vọng tưởng rất khó. Nói với quý vị rằng chớ nên sợ vọng tưởng, cũng chẳng nên phí công sức đi hàng phục vọng tưởng. Chỉ cần nhận được vọng tưởng, không chấp trước vào chúng, không đuổi theo chúng, lại cũng chẳng nên tiêu khiển vọng tưởng (10); chỉ việc NGƯNG tâm niệm đang khởi liên tục thì vọng tưởng tự rời; nên nói: “Vọng khởi tức giác, giác tức vọng rời”.

Có thể lợi dụng vọng tưởng để công phu, như khán xem “từ chỗ nào” vọng tưởng này khởi lên? Vọng tưởng không tánh, đương thể tức không, tức phục hồi tâm tánh “vốn không” của chúng ta. Tự tánh thanh tịnh pháp thân Phật tức là cái “hiện tiền” này. Cứu xét lẽ chân thật mà nói “Chân vọng vốn đồng bản thể, chúng sanh và chư Phật không hai”. Sanh tử niết bàn, bồ đề phiền não đều là bổn tâm bổn tánh, không cần phân biệt, không cần vui mừng chán ghét, không cần lấy bỏ. Tâm này thanh tịnh bổn lai là Phật, không cần một pháp nào cả. Ở chỗ nào có nhiều rắc rối, hãy tham !!!

VI.TỌA THIỀN NÊN BIẾT

Công việc thường ngày đều nên ở trong đạo mà làm, vì chỗ nào không phải là đạo tràng? Công phu tu tập không dính mắc vào thiền đường nào cả, cũng không phải “tọa” mới là thiền. Nói thiền đường, nói tọa thiền bất quá là vì, chúng ta, chúng sanh thời mạt pháp, chướng sâu huệ mỏng mà thíết lập vậy thôi.

Tọa thiền cần phải hiểu được cách điều dưỡng thân tâm.Nếu không khéo điều dưỡng thân tâm cho tốt, nhỏ thì bị bệnh hại, lớn thì bị dính mắc vào ma cảnh thì thật là đáng tiếc. Việc đi hương tọa hương tại thiền đường dụng ý là để điều dưỡng thân tâm. Phương pháp điều dưỡng thân tâm rất nhiều, nay chỉ lựa chọn những điều cần thiết lược nói ra.

Lúc ngồi kíết già nên thuận theo chính tọa tự nhiên, không nên tác ý ưỡn thẳng lưng lên, nếu không hỏa khí sẽ bốc lên trên, sau này mắt sẽ bị đổ nhiều ghèn, miệng hôi, hỏa khí xông lên đến đỉnh đầu sẽ làm hành giả không thiết ăn uống, thậm chí có thể bị thổ huyết. Lại cũng không nên ngồi thụng lưng xuống thấp hay ngồi gục đầu; nếu không thì dễ bị hôn trầm. Như cảm giác được hôn trầm đến thì trừng to hai mắt, ưỡn thẳng lưng một bận, nhẹ nhàng di động bàn tọa thì hôn trầm tự nhiên tiêu diệt.

Lúc “đi hương” gáy phải  tựa vào cổ áo,chân bước theo nhịp chân người đi trước mặt.Trong tâm bình bình tịnh tịnh,không được ngắm bên đông , ngóng bên tây mà chỉ nhất tâm “ chiếu cố thoại đầu.”

Nếu dụng công cấp bách thái quá, lúc phát giác được trong tâm bực bội bồn chồn thì nên “buông xả muôn duyên”, cả công phu cũng phải xả bỏ luôn, nghỉ ngơi ước độ nửa cây hương (độ nửa giờ) từ từ cảm thấy thoải mái, sau đó mới tiếp tục đề khởi dụng công trở lại. Nếu không thì ngày tháng tích lũy sẽ bị biến tánh thành khô khan, cộc cằn, rất dễ nổi giận, thậm chí có thể phát cuồng, nhập ma.

Tọa thiền lúc có được chút ít thọ dụng, rất nhiều cảnh giới sẽ hiện ra, nói không hết được, chỉ là hành giả KHÔNG NÊN CHẤP TRƯỚC vào chúng thì sẽ không có gì trở ngại. Lời tục có câu: “Thấy quái không phải là quái thì quái tự trừ”. Tuy nhìn thấy yêu ma quỷ quái đến xâm phạm quấy nhiễu, hành giả cũng không cần để ý đến chúng, cũng không nên sợ hãi. Ngay cả thấy được Phật Thích Ca đến xoa đầu thọ ký cho cũng chớ có màng hoặc sanh tâm hoan hỷ. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chẳng tự cho là Thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu cho là Thánh, liền lọt vào đám tà”.

VII. HẠ THỦ DỤNG CÔNG

A. NHẬN THỨC CHỦ KHÁCH
HẠ THỦ CÔNG PHU PHẢI DỤNG CÔNG NHƯ THẾ NÀO ?

Trên pháp hội Lăng Nghiêm Tôn giả Kiều Trần Như có nói đến hai chữ “Khách Trần” – chính là chỗ chúng ta sơ tâm hạ thủ dụng công.

Tôn giả nói:

1. Ví như người lữ hành vào nương trọ nơi lữ quán, hoặc ngủ qua đêm,hoặc để ăn uống. Việc ăn uống ngủ nghỉ xong xuôi liền thu xếp hành trang chỉnh tề tiếp tục cuộc hành trình, không rảnh rang ở lại một chỗ. Nếu thật sự là chủ nhân thì tự mình không phải đi đâu cả. Như vậy suy ra: “Không trụ là khách, trụ là chủ nhân”; cho nên lấy “KHÔNG TRỤ làm nghĩa chữ KHÁCH.”.

2. Lại nữa, cơn mưa vừa tạnh, mặt trời trong sáng mọc lên không trung, ánh sáng lọt qua khe cửa, phát hiện trong hư không  có vô số tướng vi trần (bụi bặm).

- Trần (bụi bặm): tính chất vốn diêu động .
- Còn hư không thì vốn an nhiên tịch lặng.

Như vậy suy ra:

- Tịch lặng: gọi là KHÔNG
- Diêu động: gọi là TRẦN

Cho nên lấy “DIÊU ĐỘNG làm nghĩa chữ TRẦN”.

*** Khách TRẦN: dụ cho VỌNG TƯỞNG.

*** Chủ KHÔNG ( tức hư không): dụ cho TỰ TÁNH

- CHỦ NHÂN THƯỜNG TRỤ : vốn không theo gót chân của khách lữ hành hoặc đến hoặc đi là DỤ cho : Tự Tánh thường trụ VỐN KHÔNG  tùy theo vọng tưởng chợt sanh chợt diệt. 

Nên nói: “Chỉ tự VÔ TÂM nơi vạn vật thì sao phải đề phòng vạn vật thường vây quanh?”

- TRẦN BẢN CHẤT TỰ DIÊU ĐỘNG : vốn không làm trở ngại hư không tịch lặng là DỤ cho: “Vọng tưởng tự sanh tự diệt” VỐN KHÔNG làm trở ngại “ TỰ TÁNH NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG”.

Nên nói: “Một niệm KHÔNG SANH, muôn pháp không lỗi”. 

Trong đây:

Chữ KHÁCH hiển bày nghĩa thô
Chữ TRẦN thuộc nghĩa vi tế
Người sơ phát tâm tu đạo trước tiên cần nhận thức rõ ràng hai chữ “CHỦ” và “KHÁCH” thì tự nhiên không bị vọng tưởng làm lay chuyển.
Tiến xa hơn nữa lại phải minh bạch rõ ràng hai chữ KHÔNG và TRẦN thì vọng tưởng  tự không thể làm chướng ngại.
Cho nên nói rằng “Biết được thì không phải là oan gia”.
 Nếu có thể nơi đây cẩn thận thẩm xét, lãnh hội, thì phương pháp dụng công đã thấu rõ quá nửa rồi.

B. THOẠI ĐẦU VÀ NGHI TÌNH

Thời cổ đại, Tổ Sư “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Như “Pháp môn an tâm” của Tổ Đạt Ma, “Luận Kiến Tánh” của Lục Tổ Huệ Năng chỉ muốn học nhân “ngay đó gánh vác” (11), Vì vậy mà không dạy khán thoại đầu. Cho đến đời sau, chư vị Tổ Sư thấy nhân tâm không được như xưa, không thể “tử tâm tháp địa” (12), làm nhiều cơ dối trá, thường thường lo đếm châu báu nhà người làm châu báu nhà mình nên đều không thể không “lập môn đình”, “xuất thủ nhãn” (13) khiến cho học nhân khán thoại đầu.

Thoại đầu thì rất nhiều như:

- Muôn pháp về một, một về chỗ nào?
- Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao?
- Nhưng dùng “Niệm Phật là ai?” là phổ biến nhất.

THẾ NÀO LÀ THOẠI ĐẦU ?

- Thoại là lời nói.
- Đầu là trước khi phát khởi lời nói.

Như niệm “A Di Đà Phật” là câu thoại, trước khi chưa niệm là thoại đầu. Nói thoại đầu tức lả “lúc một niệm chưa sanh”. Một niệm vừa mới sanh đã thành thoại vỹ (thoại đuôi). Lúc “Một niệm chưa sanh” này gọi là: “không sanh, không trạo cử, không hôn trầm, không dính mắc tịnh cảnh, không lọt vào không vong” – gọi là “BẤT DIỆT”. Từng giờ từng phút luôn luôn chỉ có ĐƠN ĐỘC một niệm “HỒI QUANG PHẢN CHIẾU” trạng thái “ BẤT SANH BẤT DIỆT” này gọi là KHÁN THOẠI ĐẦU hay là  CHIẾU CỐ THOẠI ĐẦU.

Khán thoại đầu trước tiên phải phát khởi NGHI TÌNH. NGHI TÌNH là “ CÂY GẬY của việc khán thoại đầu “ (14)

THẾ NÀO LÀ NGHI TÌNH?

Như hỏi “Niệm Phật là ai?”, mọi người đều biết là tự mình niệm, nhưng là dùng miệng niệm hay tâm niệm? Nếu như dùng miệng niệm lúc đang ngủ, miệng vẫn còn đó sao không biết niệm? Nếu dùng tâm niệm thì tâm lại là cái có hình dạng gì? Nhưng lại không có chỗ dự đoán được, vì vậy mà không hiểu rõ, bèn tại trên chữ “AI” phát khởi niệm nghi nhỏ nhẹ, miễn là không nên thô, càng nhỏ càng tốt. Tùy lúc tùy nơi, luôn luôn “ CHIẾU CỐ (tức KHÁN) NHẤT ĐỊNH NIỆM NGHI NÀY ”(15) giống như cách nước chảy, không được khán đứt đoạn, không được sanh hai niệm. Nếu niệm nghi đang có thì không nên động đến nó, niệm nghi chưa có lại nhẹ nhàng đề khởi.

Lúc mới dụng tâm nhất định trong tịnh cảnh so ra đắc lực hơn trong động cảnh, nhưng thiết yếu là không nên sanh tâm phân biệt, không nên để ý tới nó đắc lực hay không đắc lực, không nên để ý tới trong động hay trong tịnh, mà hành giả chỉ nhất tâm nhất ý dụng công khán cho tốt là đủ rồi.

Bốn chữ “Niệm Phật là ai?” tối quan trọng tại chữ “AI”, còn lại ba chữ kia bất quá dùng để chỉ  sự quan trọng cuả chữ “AI” thôi.

Như “Mặc áo ăn cơm là AI?”, “Đại tiện tiểu tiện là AI?”, “Khởi vô minh là AI?”, “Năng tri năng giác là AI?”

Bất luận đi đứng nằm ngồi, một khi chữ “AI” được cử lên nghi niệm liền phát khởi rất dễ dàng, không đợi lập đi lập lại hay suy nghĩ tác ý tính toán mới có. Cho nên chữ “AI” thoại đầu thực tại là diệu pháp tham thiền. Nhưng không phải đem chữ “AI” hoặc bốn chữ “Niệm Phật là ai?” làm Phật hiệu mà niệm, cũng không phải suy nghĩ tính toán đi tìm coi người niệm Phật là ai mà gọi là nghi tình. Có người đem bốn chữ “Niệm Phật là ai?” niệm không ngừng miệng, không bằng niệm câu “A Di Đà Phật”, công đức nhiều hơn.

Có người suy nghĩ hồ đồ, vọng tưởng tán loạn, kiếm bên đông tìm bên tây gọi là nghi tình. Nào biết càng suy nghĩ vọng tưởng càng nhiều, muốn thăng trở lại bị đọa người tu không thể không biết.

Người sơ tâm tham thiền, nghi niệm phát khởi rất thô thiển, lúc đứt đoạn, lúc liên tục, lúc thuần thục lúc không nên không được tính là nghi tình, chỉ có thể gọi là vọng tưởng.

Từ từ thu nhiếp được cuồng tâm, niệm đầu (thoại đầu) cũng trụ được chút ít mới gọi là tham thiền. Lại từ từ công phu thuần thục không nghi mà tự nghi, cũng không biết được là ngồi tại chỗ nào, cũng không biết có thân tâm thế giới, chỉ có nghi niệm hiện tiền, không gián đoạn. Đây mới gọi là nghi tình. 
Thực tế mà nói, lúc ban sơ thì làm thế nào tính được là dụng công tham thiền, chỉ là khởi vọng tưởng thôi; cho đến lúc chơn nghi này hiện tiền mới là thời gian chơn chính dụng công tu.

Tới thời điểm này, một “CỬA ẢI LỚN” rất dễ dàng đưa hành giả vào “LỐI RẺ”:

1. Lúc thanh thanh tịnh tịnh khinh an vô hạn này,NẾU hơi mất “giác chiếu” liền bị sa vào trạng thái hôn trầm nhẹ. Nếu có một bậc thiện tri thức sáng mắt ở bên cạnh, một khi mắt thấy tức khắc hiểu ra là hành giả đang tại cảnh giới hôn trầm, liền đánh xuống một hương bảng, lập tức “mây mù đầy trời” liền tản mác, hành giả có rất nhiều cơ hội nhân đó ngộ đạo.

2. Lúc “thanh thanh tịnh tịnh không không động động” (16) này, NẾU không có nghi tình là VÔ KÝ (17), tức là “Tọa khô mộc nham” (18) hoặc còn gọi là “Lãnh thủy bào thạch đầu” (19).

Đến lúc này phải Đề. Đề tức Giác Chiếu (20)

- Giác tức không mê, tức là Huệ
- Chiếu tức không loạn, tức là Định

Chỉ ĐƠN ĐỘC nơi một niệm “Trạm nhiên tịch chiếu, như như bất động, linh linh bất muội, liễu liễu thường tri” này (21), như “Lãnh hỏa trừu yên”(22), tựa một sợi chỉ dài dằng dặc không đứt đoạn.

Dụng công tới bước này, phải đủ MẮT KIM CANG . Không tái đề, nếu tái đề tức là trên đầu lại chồng thêm đầu.

Tích có tăng hỏi Triệu Châu lão nhân rằng:

- Lúc một vật không đem đến thì thế nào?

 Tổ đáp:

- Buông xuống đi.

 Tăng nói:

- Một vật không đem đến thì buông cái gì?

 Tổ nói:

- Buông không được thì gánh nó lên.

Chính là nói đến thời tiết này. Trong phong quang (23) này như người uống nước nóng lạnh tự biết, lời nói không thể đến được. Người đạt đến mức này tự nhiên minh bạch, người chưa tới được chỗ này nói cũng vô dụng. Cho nên nói: “Trên đường gặp kiếm khách nên trình kiếm, không phải thi nhân chẳng hiến thi”.

VIII. CHIẾU CỐ THOẠI ĐẦU 
và PHẢN VĂN VĂN TỰ TÁNH :

Pháp tu “Phản văn văn tự tánh của Quán Thế Âm Bồ tát” làm sao được xem là tham thiền?

-Vừa nói “CHIẾU CỐ THOẠI ĐẦU” tức là dạy hành giả từng giờ từng phút chỉ đơn độc một niệm “HỒI QUANG PHẢN CHIẾU” cái “BẤT SANH BẤT DIỆT” này (tức là thoại đầu).

-Nói “PHẢN VĂN VĂN TỰ TÁNH ” cũng là dạy hành giả luôn luôn chỉ đơn độc một niệm “ PHẢN VĂN VĂN TỰ TÁNH ”.

Hồi tức là Phản (ngược lại).

Cái “Bất sinh bất diệt” tức là Tự tánh.

“Văn” với “Chiếu” tuy trong lúc “Thuận lưu” chạy theo âm thanh, đuổi theo sắc tướng { vì thính (nghe) không vượt quá âm thanh, kiến (thấy) không vượt quá sắc tướng} hiển nhiên phân biệt. Nhưng lúc “Nghịch lưu” phản quán tự tánh, không chạy theo âm thanh, không đuổi theo sắc tướng thì nguyên là một “TINH MINH”(24).

“Văn” với “Chiếu” không có hai dạng. Nên biết nói “Chiếu cố thoại đầu”, nói “Phản văn văn tự tánh” tuyệt đối không phải dùng mắt mà khán, cũng không phải dùng tai để nghe. Nếu dùng mắt khán hoặc dùng tai nghe bèn là chạy theo âm thanh, đuổi theo sắc tướng, là đã “bị vật chuyển” gọi là “thuận lưu”. Nếu chỉ ĐƠN ĐỘC MỘT NIỆM tại trong chỗ “Bất sanh bất diệt”, không chạy theo âm thanh, không đuổi theo sắc tướng thì gọi là “nghịch lưu” (Kinh Lăng Nghiêm gọi là “nhập lưu”), gọi là “chiếu cố thoại đầu”, cũng gọi là “phản văn văn tự tánh”.

IX. HAI LOẠI KHÓ DỄ KHI DỤNG CÔNG (Phần 2)

Người dụng công tu có hai loại khó dễ: khó dễ của người mới dụng tâm tu và khó dễ của bậc lão tham (tu lâu).

A. KHÓ DỄ CUẢ NGƯỜI MỚI DỤNG TÂM TU :

1. KHÓ KHĂN: TÂM TRỘM CẮP  KHÔNG CHỊU CHẾT

Bệnh thông thường của người sơ tham chính là buông xả không được vọng tưởng. Tập khí vô minh, cống cao, tật đố làm chướng ngại , tham, sân, si, ái, lười biếng ăn sâu, thị phi nhân ngã trướng to đầy một bụng thì làm thế nào có thể cùng với đạo tương ứng. HOẶC có một số xuất thân con em nhà quan, không quên được tập khí (thói quen) cũ, một số thì không chịu đựng được oan ức, nửa chút khổ cũng không chịu được thì làm thế nào có thể dụng công tu đạo. Họ không chịu nhớ lại Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là người gì mà đi xuất gia.

HOẶC có một vài người biết được một ít văn tự bèn “tầm chương trích cú”, trích dẫn các câu, đem lời nói của cổ nhân ra giải thích tìm hiểu, lại còn cho là phi thường rồi sanh đại ngã mạn. Chợt gặp một cơn đại bệnh bèn kêu khổ liên tục. 

HOẶC tới ngày ba mươi tháng chạp(tức ngày cuối cùng của cuộc đời) bèn vội vội vàng vàng, sự hiểu biết bình sanh một điểm cũng dùng không được, hối hận cũng không kịp.

Người có chút tâm đạo lại không biết chỗ hạ thủ công phu, HOẶC lại sợ vọng tưởng, trừ tới trừ lui không xong, suốt ngày phiền não, tự oán nghiệp chướng sâu nặng, do đó lui sụt mất tâm đạo.

HOẶC có người muốn liều mạng với vọng tưởng, giận dữ giơ cao nắm tay, nộ khí, ưỡn ngực, trợn mắt ra bộ quan trọng, muốn cùng với vọng tưởng quyết liệt tử chiến, nào biết được đối với vọng tưởng có liều mạng cũng không được mà ngược lại bị nó làm cho thổ huyết, phát cuồng.

HOẶC có người sợ lạc vào không vong, nào biết sớm đã sanh ra “quỷ có”. Muốn không không cũng chẳng chịu trở lại, muốn ngộ ngộ lại không chịu đến.

HOẶC có kẻ đem tâm cầu ngộ, nào biết được cầu ngộ đạo, tưởng thành Phật đều là đại vọng tưởng “cát không thể nấu thành cơm được”. Cầu đến năm con lừa quyết định cũng không ngộ được.

HOẶC có kẻ ráng chống chọi ngồi tịnh đến một hai cây hương bèn sanh tâm hoan hỷ, nào hay chỉ là “rùa mù vớ được bọng cây khô”, ngẫu nhiên gặp nhằm, không phải do thực sự công phu, hoan hỷ là ma sớm đã bám vào tâm rồi.

HOẶC có người trong cảnh giới tịch tịnh, cảm giác rất được thanh thanh tịnh tịnh ,nhưng trong động cảnh lại không có được; nhân đó tránh chỗ huyên náo, hướng về chỗ yên lặng- sớm đã là quyến thuộc của hai lọai ma vương động tịnh rồi.

Các loại khó khăn như thế rất nhiều. Người sơ dụng công tu khi chưa đến được đầu đường thì thật là khó. Có giác mà không có chiếu thì bị tán loạn không thể “lạc đường” (25). Có chiếu mà không có giác là ngâm trong “nước chết”(26), bị “nước chết” xâm nhập sát hại .

2. DỄ DÀNG : BUÔNG Xà ĐẾN CHỈ CÒN MỘT NIỆM

Dụng công tuy nói khó, nhưng đến được đầu đường thì lại rất dễ.

THẾ NÀO là sự DỄ DÀNG của người mới dụng công tu ?

Không có cái gì là khéo cả, chính là “ BUÔNG XẢ ”vậy - buông xả cái gì ? Tức là buông xả tất cả vô minh, phiền não.

LÀM THẾ NÀO mới có thể BUÔNG XẢ tất cả vô minh, phiền não được?

 Như lúc cử hành nghi lễ cầu vãng sanh thử mắng chửi cái tử thi nào đó một vài câu y cũng không nổi giận, đánh mấy gậy y cũng không đánh trả lại. Thường ngày hay sanh vô minh y cũng không sanh được. Thường ngày háo danh háo lợi y cũng không háo được. Thường ngày tập nhiễm rất nhiều y cũng không tập nhiễm được. Bất cứ cái gì y cũng không phân biệt được. Bất cứ cái gì y cũng buông xả được.

Các vị đồng tham, thân xác chúng ta, một hơi thở không trở lại thì chỉ là một cái tử thi. Chúng ta sở dĩ buông xả mọi việc không được chỉ vì coi trọng thân xác này nên mới sanh ra nhân ngã, phải trái, yêu ghét, lấy bỏ. Nếu nhận thức thân xác này là một cái tử thi, không quý báu nó, hoàn toàn không coi nó là ta thì có cái gì buông xả không được? Trong mười hai thời không luận đi đứng nằm ngồi, động tịnh, nhàn rỗi, bận rộn, suốt thân trong ngoài chỉ có MỘT NIỆM NGHI bình bình hòa hòa, không bị gián đoạn, không lẫn lộn tơ hào niệm khác, một câu thoại đầu như thanh “Ỷ Thiên trường kiếm” (27), ma đến chém ma, Phật đến chém Phật, không sợ bất cứ vọng tưởng nào cả thì có niệm nào làm hành giả phân tâm, AI phân biệt động tịnh, AI chấp có chấp không? Nếu sợ vọng tưởng lại tăng thêm vọng tưởng, biết thanh tịnh sớm đã không phải là thanh tịnh. Sợ lạc vào không vong, đã đọa vào chấp có. Tưởng thành Phật sớm đã nhập vào ma đạo. Vì thế nên nói rằng gánh nước, bửa củi không chi không phải là diệu đạo. Xới đất trồng rau, cày cấy ruộng nương tất cả đều là thiền cơ, không phải cả ngày ngồi xếp bằng tròn mới tính là dụng công hành đạo.

B. KHÓ DỄ CUẢ BẬC LÃO THAM :

1. KHÓ KHĂN : TRÊN ĐẦU SÀO TRĂM THƯỚC KHÔNG THỂ TIẾN BƯỚC

Người dụng tâm tu già dặn, dụng tới lúc chơn nghi hiện tiền, có giác có chiếu vẫn thuộc sanh tử, không giác không chiếu lại lạc vào không vong. Đến cảnh giới này thực sự rất khó, rất nhiều hành giả đến đây nước mắt rơi không nổi, đứng tại “ đầu sào trăm thước” không có cách để tiến bước. Có người đến được cảnh giới này, trong định phát được chút trí tuệ, am hiểu vài đoạn công án của cổ nhân bèn buông bỏ nghi tình, tự cho là đại triệt đại ngộ, ngâm thơ làm kệ, nhướng mắt trợn mày, xưng là thiện tri thức, không biết rằng đã làm quyến thuộc nhà ma. Lại có kẻ hiểu lầm ý nghĩa bài kệ “Ngoại tức chư duyên, Nội tâm vô xuyển, Tâm như tường bích, Khả dĩ nhập đạo” của Đạt Ma lão nhân (28) cùng câu thoại “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính lúc đó cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?” của Lục Tổ (29), bèn cho rằng ngồi tại “khô mộc nham” (30) là khuôn phép cuối cùng. Các người ấy lấy “hóa thành”  làm “bảo sở” nhận đất khách làm quê nhà – công án “bà già đốt am” (31) chính là mắng các gã chết chìm trong “tử thuỷ” vậy.

2. DỄ DÀNG CUẢ BẬC LÃO THAM :  MIÊN MẬT DỤNG CÔNG 

Đến thời điểm này, chỉ nên không tự mãn, không ngưng nghỉ, miên miên mật mật dụng công, trong miên mật lại thêm miên mật, trong vi tế lại thêm vi tế. Một khi thời tiết đến, đáy thùng tự nhiên bị lủng (32). Nếu không được như thế thì tìm thiện tri thức nhổ đinh tháo chốt vậy (33).

HÀN SƠN  ĐẠI SĨ có bài kệ như sau: “Cao cao sơn đãnh thượng, Tứ cố cực vô biên, Tĩnh tọa vô nhân thức, Cô nguyệt chiếu hàn tuyền, Tuyền trung thã vô nguyệt, Nguyệt thị tại thanh thiên, Ngâm thử nhứt khúc ca, Ca trung bất thi thiền” – TẠM DỊCH : Trên đỉnh núi vút cao, Bốn bề rộng vô biên, Tĩnh tọa không người biết, Trăng cô chiếu suối lạnh, Trong suối chẳng có trăng, Trăng treo tại trời xanh, Ngâm nga khúc ca này, Ca ngâm chẳng phải thiền.

HAI câu đầu ngụ ý: chỉ thể chân thường riêng lộ bày tự thân, không dính mắc vào vạn tượng. Ánh sáng của nó chiếu vằng vặc tận cùng khắp nơi không một tơ hào chướng ngại. BỐN câu kế nói :diệu thể chân như phàm phu cố nhiên không thể biết được. Ba đời chư Phật cũng tìm không được nơi chốn của cái “NGÔ này, cho nên nói không người biết được nó – Trăng cô chiếu suối lạnh BA câu kế tiếp nói: Đại sĩ phương tiện ví dụ Ngài tựa như cảnh giới này. HAI câu chót: sợ người nhận lầm ngón tay làm mặt trăng nên đặc biệt đề tỉnh chúng ta là phàm có lời nói đều không phải là thiền.

X. KẾT LUẬN

Đúng là tôi vừa mới thuyết xong một khối chữ,cũng là để tháo gở dính mắc và ngăn chặn lối tẻ.Phàm có lời nói đều không có nghĩa chân thật.Các bậc cỗ đức tiếp người nếu không phải là gậy thì là hét,nào có cái kiểu mẫu rắc rối như thế này.Chẳng qua ngày nay,không phải muốn so sánh với người xưa,nhưng không thể không miễn cưởng dùng ngón tay để chỉ mặt trăng.Các vị đồng tham,cứu cánh ngón tay là ai ? mặt trăng là ai ? Hay tham!

XI. THAM THIỀN CẢNH NGỮ

Tâm tức là Phật, Phật tức là giác. Giác tánh này chúng sanh cùng Phật bình đẳng, không có sai biệt, “không tịch” mà hoàn toàn không có một vật, chẳng thọ một pháp nào, chẳng thể tu chứng, linh minh mà đầy đủ muôn đức, diệu dụng hằng sa, không cần tu chứng. Chỉ vì chúng sanh mê muội chìm đắm trong sanh tử, trải qua nhiều kiếp dài lâu, tham sân si ái, vọng tưởng chấp trước, nhiễm ô đã sâu nên bất đắc dĩ mới nói tu nói chứng. Nói “tu” cổ nhân gọi là sự không may, bất đắc dĩ mới dùng. 

Các vị một ngày đến tối, dậy sớm ngủ muộn, nỗ lực dụng công, kết quả không ra ngoài bốn lọai cảnh giới:

1. Một là: đầu đường vẫn chưa làm được rõ ràng, khán chưa đạt đến thoại đầu, lơ mơ theo chúng ngủ gật, không phải vọng tưởng lộn xộn thì cũng hôn trầm dao động.

2. Hai là: khán đạt đến thoại đầu, nắm vững được chút ít thọ dụng, nhưng lại nắm chết “miếng ngói gõ cửa” (34), niệm dính câu thoại “Niệm Phật là ai?” này, trở thành “Niệm thoại đầu”, cho rằng làm như vậy có thể phát khởi nghi tình được khai ngộ, mà không biết rằng đó là tại trên thoại vỹ dụng tâm, chính là pháp sanh diệt, rốt cuộc không đến “chỗ một niệm vô sanh”, tạm dùng còn có thể, nếu chấp lấy làm thật pháp cứu cánh thì làm thế nào có kỳ hạn ngộ đạo? Cận đại thiền tông sở dĩ không xuất nổi nhân tài là vì đa số duyên lầm tại trên thoại vỹ dụng tâm.

3. Ba là: có người hiểu được khán thoại đầu, có thể chiếu cố “một niệm vô sanh” hiện tiền hoặc biết niệm Phật là TÂM, tức từ “chỗ” một niệm sanh khởi này cứ khán thẳng đến “tướng” của “tâm vô niệm”, dần dần chuyển sang được cảnh vắng lặng, vọng tưởng thô đã dứt, đến được tâm khinh an, sẽ có nhiều loại cảnh giới xuất hiện:

- Có người không biết thân mình ngồi tại chỗ nào.
- Có người cảm thấy được thân thể bay vút lên nhẹ lâng lâng.
- Có người thấy được người vật khả ái mà sanh tâm hoan hỷ
- Có người thấy được cảnh giới đáng sợ mà sanh tâm sợ hãi.
- Có người khởi tâm dâm dục.

Loại loại không đồng .Phải biết đó đều là MA,dính mắc tức thành thiền bệnh.

4. Bốn là: Có người nghiệp chướng so ra tương đối nhẹ, lý lẽ minh bạch,dụng công  thích hợp, đã tu tập đúng phép tắc, nhẹ nhàng thoải mái, vọng tưởng dường như ngưng nghỉ, thân tâm tự tại, không có một cảnh giới nào cả. Đến bước này, đúng lúc tinh thần phấn khởi ,dụng công hướng về trước. Chỉ cần phải chú ý phía trước “khô mộc nham” có lắm ngã rẽ.

Có nhiều người tại trong  trạng thái hôn trầm mà đình trụ. 
Có nhiều người được chút ít huệ giải làm thơ làm văn, tự cho là đủ, khởi cống cao ngã mạn.

Bốn lọai cảnh giới trên đều là thiền bệnh. 

BÂY GIỜ  CHÚNG TA  DÙNG THUỐC ĐỂ ĐỐI TRỊ

THỨ NHẤT: Như khán chưa đạt đến thoại đầu, người có nhiều vọng tưởng hôn trầm, vẫn cứ khán chữ “AI” này của câu thoại “Niệm Phật là ai?”, chờ khán đến khi vọng tưởng hôn trầm mất, lúc chữ “AI” chưa mất thì khán “Chỗ một niệm vừa khởi” này. Chờ tới lúc một niệm không khởi, tức là trạng thái vô sanh. Hay khán đến chỗ “một niệm vô sanh” mới gọi là chân thật khán thoại đầu.

THỨ HAI : Về người chấp trước “Niệm Phật là ai?”, tại trên thoại vỹ dụng tâm là đã dùng lầm pháp sanh diệt: cũng có thể chiếu theo ý thuật ở trên, tức hướng “chỗ niệm khởi”, khán đến chỗ “một niệm vô sanh”.

THỨ BA: Về người quán vô niệm đã được tịch tịnh khinh an mà ngộ đến bất cứ cảnh giới nào: cũng chỉ chiếu cố thoại đầu bổn tham, không sanh một niệm. Phật đến chém Phật, ma đến chém ma, nhất loạt mặc kệ nó thì tự nhiên vô sự, không lạc vào đám tà.

THỨ TƯ :  Về người vọng niệm đã ngưng, nhẹ nhàng thoải mái, thân tâm tự tại. Nên như cổ nhân nói “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?”  theo một hướng mà tiến bước đến chỗ cùng cực (tức chỗ “một niệm vô sanh”), thẳng đến chỗ “Cao cao phong đảnh lập, thâm thâm hải để hành”, lại  một lần nửa  buông tay mà tung hoành ngang dọc.

Trên đây đã nói, đều là những phương pháp đối với người độn căn thời kỳ mạt pháp mà lập ra. Kỳ thật Tông môn là tối thượng thừa. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tại trên pháp hội Linh Sơn “niêm hoa’ (đưa cành hoa lên) là nhằm “truyền riêng ngoài giáo điển”. Bao đời Tổ Sư cũng chỉ truyền một Tâm pháp “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, không lạc vào giai cấp, không cần tu chứng, chỉ nói một lời hay nủa câu tức xong. Không một pháp có thể được, không một pháp có thể tu. Đương hạ tựu thị (35), không khởi vọng duyên, tức như như Phật – chỗ nào có nhiều lời “nhàn rỗi không đâu vào đâu”?

CHÚ THÍCH :

1. KINH PHÁP HOA (phẩm Xuất Hiện) nói: “Phật tử không có chúng sanh nào mà không vốn đủ trí huệ đức tướng Như Lai, chỉ vì bám giữ lấy vọng tưởng điên đảo mà chẳng chứng ngộ được. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, Vô ngại trí hiển bày trước mắt.”

2.  MỘNG HUYỄN BÀO ẢNH : Kinh Kim cang nói :Nhứt thiết hữu vi pháp, Như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điển, Ưng tác như thị quán .Tạm dịch : Tất cả pháp hữu vi, Như mộng huyễn (giả), bọt, bóng, Như sương mù, điện chớp, Nên quán theo như thế.

3. CÔNG ÁN : Trong chánh văn không có nói đến công án. Tạm nêu công án Phật Thích Ca “Niêm hoa thị chúng” (công án Phật cầm hoa) để làm mẫu: Thế Tôn xưa tại pháp hội núi Linh Thứu cầm cành hoa giơ lên trước chúng. Bấy giờ mọi người đều làm thinh, chỉ có Ngài Đại Ca Diếp mặt mày rạng rỡ mỉm cười. Phật dạy “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập thành văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay trao cho Ma Ha Ca Diếp”.

4. NHƠN NGÃ KIẾN : Nhơn ngã là bản ngã của con người. Đó là nói kẻ phàm phu cố chấp rằng thân con  người thường có một cái bản ngã làm chủ tể, chấp cho cái ngã đó là thật. Ý kiến sai lầm như vậy gọi là nhơn ngã kiến.

5. HÓA THÀNH : Phẩm Hóa thành dụ Kinh Pháp Hoa nói:” Hóa thành” là thành quách nhất thời được Phật biến hoá ra. Đại ý nói chốn của hết thảy chúng sanh thành Phật tức là chốn báu ( “Bảo sở”) . Đường tới chốn báu đó xa xôi hiểm trở ,sợ người đi mệt mỏi chùn bước, nên giữa đường Phật biến làm một tòa thành quách để họ dừng nghỉ ở đó bồi dưỡng tinh lực, rồi lại đi tới chốn báu (Bảo sở) .Đức Phật muốn làm cho hết thảy chúng sanh đạt tới Phật quả chí cực của Đại thừa , nhưng vì chúng sanh sức lực yếu hèn chẳng thể kham nổi nên trước tiên thuyết về Niết-bàn Tiểu thừa , khiến cho một khi được Niết-bàn này thì tạm coi đó là chốn dừng chân nghỉ ngơi , rồi lại từ đó mà càng khiến họ phát tâm tiến tới chốn báu chân thực.Vậy thì Niết -bàn Tiểu thừa chỉ là thuyết để nhất thời dừng nghỉ, chỉ là phương tiện của đức Thế Tôn.

6. BẢO SỞ  : Xem HÓA THÀNH.

7. CAO CAO PHONG ĐÃNH LẬP, THÂM THÂM HẢI ĐỂ HÀNH : Người xưa bảo: Nếu muốn cứu cánh việc ấy, phải” Đứng trên chót vót đỉnh non cao, đi sâu tận lòng đáy biển thẳm” – tức ý chỉ cảnh giới vô sanh.

8. TRẠO CỮ: Tâm lao chao không điềm tĩnh. Trạng thái tâm lý này khiến hành giả luôn luôn chao động, không yên tĩnh.

9. HÔN TRẦM: Là tối tăm trầm trệ. Trạng thái tâm lý này thường làm cho tâm trí hành giả mờ mịt và đần độn. Nghĩa là tâm trí không thông minh sáng suốt, không nhạy bén lanh lợi mỗi khi tiếp xúc ngoại cảnh. Tâm sở này ngăn che sự hiểu biết của hành giả, khiến họ hiểu biết chậm chạp và hiểu biết nông cạn, không được sâu sắc linh hoạt, phản ứng chậm chạp trước bất cứ sự việc gì đưa đến.

10. TIÊU KHIỂN VỌNG TƯỞNG: Cũng là nổi vọng tưởng và đuỗi theo vọng tưởng. Vua Khang Hy nhà Thanh đến thiền đường Cao Mân để tập tham thiền. Trong lúc tọa hương thay vì tham thiền nhà vua lại ngồi tư tưởng đến các vị phi tần (tức nổi vọng tưỡng để tiêu khiển), bị thầy Duy Na đi tuần hương phát hiện nên phải lãnh hai hương bảng cảnh sách.

11. NGAY ĐÓ CÁNH VÁC: nguyên văn “trực hạ thừa đương”, tức ngay đó làm Phật, ngay đó đảm đương, không chần chờ do dự.

12. TỬ TÂM THÁP ĐỊA : Quyết chí không thay lòng đổi dạ, khăng khăng một mực.

13. XUẤT THỦ NHÃN : Sử dụng những phương tiện thiện xão (thủ đọan đặc biệt) để giúp học nhân tự ngộ lại bản tâm. LẬP MÔN ĐÌNH  : Từng môn phái mở trường riêng để dạy thiền cho học nhân.

14. NGHI TÌNH LÀ CÂY GẬY CỦA KHÁN THOẠI ĐẦU: Người già muốn đi tới phải nhờ cây gậy. Cũng vậy, để tham thiền hành giả phải hỏi một câu thoại để phát khởi nghi tình. Khi vừa có nghi tình (tức lúc vừa dứt câu thoại) hành giả lập tức TỰ ĐỘNG NHIẾP TÂM lại để  KHÁN THOẠI ĐẦU. “Nhiếp tâm lại” tức là  “Nhiếp tâm về KHÔNG”. “Nhiếp tâm về KHÔNG” chính là “CHỖ MỘT NIỆM CHƯA SANH”   tức là” THOẠI ĐẦU”.Vậy “Nhiếp tâm về KHÔNG “ là  đã trực khán thoại đầu ; tức là đã thành nghĩa “KHÁN THOẠI ĐẦU “.Cho nên có thể hiểu :”Hể nhiếp tâm về không là đang KHÁN THOẠI ĐẦU vậy “.         Nhờ PHÁT KHỞI nghi tình mà hành giả TỰ ĐỘNG tham thiền nên nói NGHI TÌNH là CÂY GẬY của THAM THOẠI ĐẦU (hay tham thiền).Khi xưa chư Tổ dùng thủ đoạn đánh hét giúp người học phát khởi nghi tình, khiến họ” tự động nhiếp tâm về không” để tham thiền mà không tự biết, nhờ vậy mà  rất mau chóng được ngộ đạo .Ví như ngài Lâm Tế nhờ lãnh ba gậy của Tổ Hoàng Bá mà tự động tham thiền đạt đến chơn nghi, kế gặp Tổ Đại Ngu  chỉ khai thị một câu mà được đại ngộ.

15. LUÔN LUÔN CHIẾU CỐ (HAY KHÁN) NHẤT ĐỊNH VÀO NGHI NIỆM NÀY: Như câu (14) đã nói, khi nghi tình vừa phát khởi hành giả sẽ “ lập tức tự động” nhiếp tâm về KHÔNG  KHÁN thoại đầu.Tức là “Hể vừa có NGHI TÌNH liền có TỰ ĐỘNG NHIẾP TÂM VỀ KHÔNG  KHÁN THOẠI ĐẦU ”. Hai việc: “phát nghi tình”, “tự động nhiếp tâm về không khán thoại đầu” gần như xảy ra cùng một lúc”.Tự động nhiếp tâm về không  khán thoại đầu” là kết quả tất nhiên của việc phát khởi nghi tình .Cho nên có thể hiểu : Tổ Sư nói “phát nghi tình” tức nói “khán thoại đầu”vậy.Hoặc có khi nói “phát nghi tình mãnh liệt “ chính là muốn nói “ khán thoại đầu quyết liệt vậy.”Cho nên nói tham thiền là “từ nghi tới ngộ “ phải hiểu  nghi là nghi vấn-đề câu thoại đặt ra , mà ngộ là ngộ BẢN TÂM cuả mình” Vì khán thoại đầu là khán TÂM.Tổ Đại Huệ từng bảo Sư Đàm Ý :”Chỗ ngộ của Hương Nghiêm không tại chỗ sỏi chạm trúc.Chỗ đắc của Câu Chi không ở trên đầu ngón tay “.

16. THANH THANH TỊNH TỊNH KHÔNG KHÔNG ĐỘNG ĐỘNG : Không không động động là sự thông suốt cực độ . Thanh thanh tịnh tịnh không không động động  là sự thanh tịnh rỗng suốt cực độ.

17. VÔ KÝ : Tánh vô ký là pháp không phải thiện không phải ác, chẳng có chút niệm nào dính mắc sự lợi ích hay tổn hại, chẳng thể tính toán hay phân biệt. Theo Duy thức học có hai loại vô ký: vô ký có che lấp và vô ký chẳng che lấp.

1. Vô ký có che lấp: tự thể nó có tính chấp trước rất yếu để che lấp thánh đạo. Như trường hợp thức thứ bảy luôn luôn chấp thức thứ tám là ta. Dù chẳng có sức để trực tiếp lợi ích hoặc tổn hại mình và người, nhưng có cái tự thể chấp trước. Sự vật nào đồng như tánh này đều thuộc về vô ký có che lấp. 
2. Vô ký chẳng che lấp: tự thể nó chẳng có tánh chấp trước, nhưng tự tánh rất yếu, chẳng có chút sức nào để lợi ích hoặc tổn hại mình và người, như thức thứ tám. Phàm có tánh đồng với loại này đều thuộc về vô ký chẳng che lấp.

Vô ký tánh này còn có tên là “căn bản vô minh” hay “vô thỉ vô minh”,hay “tử thủy” (nước chết), hay “thùng sơn đen” (Tổ Lâm Tế nói: hầm sâu đen tối thăm thẳm, thật là đáng sợ),hay “đầu sào trăm thước”. Hành giả tham thiền khi tới cảnh giới “thanh tịnh trống rỗng” nếu không có nghi tình tức không có “giác chiếu” thì bị lọt vào cảnh giới “vô ký không” đáng sợ này.

18. TỌA KHÔ MỘC NHAM : Tức “tọa khô mộc ỷ hàn nham”  là ngồi trên cây khô, dựa vào đá lạnh, tức là  lọt vào cảnh giới vô ký không kể trên.

19. LÃNH THỦY BÀO THẠCH ĐẦU: Tảng đá ngâm trong nước giá lạnh, ý chỉ cảnh giới  TỮ THỦY ( nước chết) tức cảnh giới Vô ký không nói ở mục 17.

20. ĐỀ TỨC GIÁC CHIẾU : “Khán” thoại đầu  là phải khán liên tục không để cho có kẻ hở nhất là khi đã đến được thoại đầu phải bám chặt ở đó. Khi đã đến được thoại đầu nếu để có kẻ hở sẽ bị lọt vào vô ký không.Lúc đó phải mau chóng “nhiếp tâm lại” để “tái khán lại” thoại đầu gọi là “ĐỀ”.

21. MỘT niệm “TRẠM NHIÊN TỊCH CHIẾU, NHƯ NHƯ BẤT ĐỘNG, LINH LINH BẤT MUỘI, LIỄU LIỄU THƯỜNG TRI”:

- Trạm nhiên tịch chiếu: rõ ràng trong suốt, yên lặng mà chiếu soi muôn vật.
- Linh linh bất muội: linh minh không mê muội.
- Liễu liễu thường tri: rõ ràng thường biết.
Tấm gương sáng lúc chiếu soi vạn hữu thì “Trạm nhiên tịch chiếu, như như bất động”, nhưng gương là vật vô tri nên không “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”. Còn chúng hữu tình do có “tánh giác” nên khi chiếu soi vạn hữu thì vừa “Trạm nhiên tịch chiếu, như như bất động” lại vừa “linh linh bất muội, liễu liễu thường tri”.

22. LÃNH HOẢ TRỪU YÊN: Lửa sau khi tắt gọi là lãnh hỏa.Trừu yên là rút khói .Tức làn khói nhẹ bốc lên từ vật được đốt cháy (ví dụ như thuốc lá)  khi lửa vừa tắt .

23. PHONG QUANG : Tức bổn địa phong quang, ý chỉ tự tánh.

24. TINH MINH :Chính là Chơn Tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói : sáu căn dựa vào nhất Tâm sáng tỏ (một Tinh minh) chia thành sáu hòa hợp.

25. LẠC ĐƯỜNG: tức Lạc đường tự tại. Người tu trước trừ vọng tưởng, kế đến trừ hôn trầm ,“công phu lạc đường thân tâm tự tại”. Hành giả tham thiền trước tiên tại trong trần thế thực hành công phu, kế đến nơi huyễn thân thực hành công phu, lại trong phiền não thực hành công phu, trải qua tận cùng khổ tâm từ nhỏ nhặt cho đến rõ rệt, như vậy thân tâm trải qua lâu dài liên tục rèn luyện, đến được chỗ không còn vướng mắc khách trần, thân được lặng, tâm được yên ổn, ý được rổi rãnh, đúng là lúc buông thân an trụ. Thấy rằng phía trước không đường để đi, nhìn lại sau  không còn lo âu, cho nên nói  “Lạc đường thân tâm tự tại” (tức nghi tình đã kết thành khối).

26. TỬ THUỶ: Là nước chết,  tên khác của vô ký không.

27. Ỷ THIÊN TRƯỜNG KIẾM: Thanh kiếm dài dựa lưng trời.

28. HIỂU LẦM BÀI KỆ CỦA TỔ ĐẠT MA: Tổ Đạt Ma dạy: “Ngoại tức chư duyên, Nội tâm vô xuyển, Tâm như tường bích, Khả dĩ nhập đạo”. là ý muốn nói: Hành giả phải dứt sạch vọng tưởng (ngoại chướng nội ma) được “tâm không” vững chắc như vách tường mà tham thiền thì có thể nhập đạo.

Nhưng lại bị hiểu lầm là: dứt bặt vọng tưởng là Đạo nên mới cho “Tọa khô mộc nham” là khuôn mẫu (chấp cái vô ký không là cứu cánh). Theo Tổ Nguyệt Khê trong Đại Thừa Tuyệt Đối Luận thì vọng tưởng có hai loại: vọng tưởng sanh khởi và vọng tưởng không khởi. Vọng tưởng sanh khởi là sanh tử luân hồi, vọng tưởng không khởi cũng là sanh tử luân hồi. Vọng tưởng sanh khởi là NHẤT NIỆM VÔ MINH, vọng tưởng không khởi là VÔ THỈ VÔ MINH (hay CĂN BẢN VÔ MINH ), hay còn gọi là “Đầu sào trăm thước”.

Nói bặt hết chư duyên (vọng tưởng đọan dứt) là Đạo (hay Phật tánh) là sai lầm.
Vọng tưởng đọan dứt là VÔ THỈ VÔ MINH  không phải là Phật tánh.
Vọng tưởng sanh khởi (Nhất niệm vô minh) là do VÔ THỈ VÔ MINH sanh khởi ,VÔ THỈ VÔ MINH là THỄ ,NHẤT NIỆM VÔ MINH là DỤNG .
(Đề nghị đọc thêm trang web http://tuvien.com  Đại Thừa Tuyệt Đối Luận của Thiền Sư Nguyệt Khê, bản dịch: Thích Duy Lực) và (Kinh THẮNG MAN bản dịch :Thích Đức Niệm )>
Hành gĩa tham thiền PHẢI VƯỢT QUA chỗ “DỨT BẶT VỌNG TƯỠNG” hay “ĐẦU SÀO TRĂM THƯỚC “ này mới KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT được (cũng nói là ĐÁY THÙNG TỰ NHIÊN BỊ LŨNG ).

29. HIỂU LẦM CÂU THOẠI CUẢ LỤC TỔ: 

Lục Tổ hỏi ngài Huệ Minh: “Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính ngay khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”. 

Đây là ý Tổ dạy ngài Huệ Minh hãy trên “đầu sào trăm thước” tức trong trạng thái “DỨT BẶT VỌNG TƯỠNG” mà khán (tức Giác chiếu) coi “CÁI GÌ” là “Bổn lai diện mục” của mình. Ngài Huệ Minh phụng hành và ngay đó trực nhận ra Phật tánh của mình (đại ngộ). 

Nhưng lại bị hiểu lầm “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác “ là Phật tánh . 
Không nghĩ thiện, không nghĩ ác là cảnh giới vô ký không. 

Hành giả phải từ chỗ vô ký không  hay“đầu sào trăm thước” này tiến thêm một bước nữa tức phải trực khán hay Giác chiếu thì Bổn tánh sẽ TỰ HIỆN.Cho nên mới  nói “Đầu sào trăm thước cần tiến bước, mười phương thế giới hiện toàn thân”.Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM nói:”Kiến KIẾN chi thời , kiến phi thị kiến . Kiến du ly kiến ,kiến bất năng cập”(Lúc kiến tánh là BẢN KIẾN TỰ HIỆN).

30. NGỒI TẠI “KHÔ MỘC NHAM” : Tức “Tọa khô mộc ỷ hàn nham”.

31. CÔNG ÁN “BÀ GIÀ ĐỐT AM ĐUỔI TĂNG”:

Xưa có một bà lão tu tại gia tham thiền đã đuợc kiến tánh. Một hôm bà gặp một nhà sư tham thiền đi khất thực rất có đạo đức hành trì bèn mời về nhà cúng dường cơm chay và đàm đạo về tâm rất là tương đắc. Sau đó bà cất một cái am để giúp cho nhà sư nhập thất và hàng ngày sai con gái đem cơm đến cho sư dùng. Ba năm sau bà bảo cô con gái: “Con đã đem cơm cho sư ăn được ba năm rồi, hôm nay đưa cơm đợi lúc thầy ấy dùng xong con đến ôm chặt và bảo thầy ấy nói.” Người con gái làm theo lời mẹ dặn đến ôm chặt nhà sư rồi bảo “Nói! Nói!” Người tham thiền nói: “Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí” (cây khô dựa núi tuyết, ba đông không có chút hơi ấm). Người con gái về nhà kể cho mẹ nghe. Bà già nghe xong đến mắng người tham thiền rồi đưổi đi, đốt luôn cái am và nói rằng: “Tôi cúng dường ba năm mà chỉ cúng dường một gã chết chìm !”. Người tham thiền nghe cảm thầy hổ thẹn, cầm bồ đoàn đi khất thực trở lại, tự trách mình được thí chủ cúng dường ba năm mà tu chưa được khai ngộ, bị chửi mắng là phải, bèn ra sức tái dụng công tham thiền. Được ba năm lại đến chỗ bà lão, cùng nói chuyện công phu và đề nghị bà lão giúp cho nhập thất một lần nũa. Lại nhập thất thêm ba năm và bà lão cũng bảo con gái đưa cơm như trước. Tròn ba năm cô gái cũng y theo lời mẹ dặn đến ôm chặt lấy người tham thiền bảo “Nói! Nói!” Kỳ này người tham thiền đáp lại: “Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết, đừng cho bà già ngươi biết”. Bà già nghe xong trong lòng hoan hỷ nói với người tham thiền: ‘Tốt lắm! Tốt lắm! Mừng cho thầy đã được khai ngộ!”.

32.  ĐÁY THÙNG TỰ NHIÊN BỊ LŨNG : Ý chỉ được Kiến tánh , đã phá được Vô thỉ vô minh .

33. TÌM THIỆN TRI THỨC NHỔ ĐINH THÁO CHỐT: 

Nhổ đinh tháo chốt là cởi mở trói buộc . Chẳng hạn như Tứ Tổ Đạo Tín hỏi Tam Tổ Tăng Xán: “Xin hòa thượng từ bi ban cho pháp môn giải thoát”. Tam Tổ hỏi; “Ai trói buộc ông?”. Đáp “Không ai trói buộc”. Tam Tổ nói: “Vậy cầu giải thoát làm gì?” Tứ Tổ ngay dưới lời nói đại ngộ.

34. MIẾNG  NGÓI GỎ CỬA: 

Nhà bên Trung quốc khi xưa phần đông cửa trước đều rất dày ,cho nên chủ nhà phải để cạnh cửa một viên ngói  giúp  khách đến dùng nó để gỏ cửa báo cho chủ nhà hay .Tất nhiên khi chủ nhà biết được có khách đến rồi thì khách đâu cần cầm viên ngói này gỏ cửa nửa.Cũng vậy hành giã tham thiền hỏi một câu thoại là để phát khởi nghi tình mà tự động tham thiền.Khi đã có nghi tình rồi thì lo nhiếp tâm về không mà khán thoại đầu chớ còn  niệm dính câu thoại nửa làm gì ?

35. ĐƯƠNG HẠ TỰU THI : Đương hạ nghĩa là: lập tức hay là ngay khi đó .Tựu thị nghiã : chính là . Đương hạ tựu thị :ý muốn nói “ngay khi đó chính là Phật”ông phải tu hành hay tìm kiếm ở đâu nửa.

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Cha tôi thập lợi hình nhung dieu phai nu can biet khi di tuoi chom gia nhin lai mot quang duong Chùa Hội Khánh 隨佛祖 Thiền BÃo 9錫杖 khßi hành viet cho nhung buoi chieu cuoi nam còn gào ngay Nét chữ của mẹ tôi nặng vọng tưởng luân hồi vãn tòa Những hình bóng cũ chăm Viết cho con Chổi chà cứ để vạn sự tùy duyên khi đi chùa Viết cho con Gió có dặt dìu lời thủ thỉ 1 Gió có dặt dìu lời thủ thỉ 1 tinh hai mat cua ai duc 首座 Ngọn nguồn yêu thương da xưng pha Nguy cơ ung thư đối với trẻ thụ tinh Có một ngày Chủ nhật Có một ngày Chủ nhật hỡi đấng từ bi vô lượng Thử Bụt Di Lặc trong tôi Đất hieu roi moi buoc se that thenh thang Thường Đất Chùa Minh Thành Nơi níu chân những quáº